Cát Bụi Thời Gian Chap 3
Tác Giả : Tĩnh Thủy
Huyền nhân- Cát bụi thời gian
Xem Lại Chap 2 : Tại Đây
Tôi là đứa trầm tư, khép kín, nên không có mấy trò tai quái như bọn con nít bình thường, cuộc sống của tôi khá bình lặng, chủ yếu chỉ xoay quanh nhà, trường học và chùa. Ở trường tôi không có bạn, cũng không mặn mà gì với các thầy cô và sách vở, nên những người gắn bó mật thiết với tôi lúc đó chỉ có ba người là ba tôi, mẹ tôi và thầy Kính Nguyệt.
Ông ba tôi là quan chức cao cấp ở tỉnh ủy, tôi biết bên ngoài ông cũng làm mưa làm gió lắm. Bằng chứng là cứ thi thoảng lại có chú này chú kia đến nhà tôi, chú nào cũng yêu thương tôi, cưng nựng chiều chuộng tôi còn hơn cả ba mẹ tôi.
Tôi mà cần mua gì xin gì, ít khi tôi dám nói với ba mẹ, nhưng toàn nói với mấy chú kiểu gì cũng được ngay. Mỗi lần cho quà tôi, bồng bế tôi, các chú lại hỏi: “Thế có nhớ chú tên gì không đấy? Coi quên đấy nhé...”
Tôi thấy các chú nói chuyện với bố mẹ tôi cứ rón ra rón rén nên tôi biết là ba tôi rất có uy, nhưng thôi kệ xác ổng, tôi đâu có quan tâm tới chuyện của người lớn, tôi chỉ luôn biết rằng lúc ở nhà, ông ba là người đồng minh chiến lược của tôi trên mọi mặt trận để chống lại sự độc tài của mẹ.
Mẹ tôi thì hay càu nhàu, khó tính, đanh đá chua ngoa thì chẳng ai bằng. Tất cả những điều đó tôi đã quen rồi, mỗi khi mẹ khùng lên thì tôi biết phương án đối phó tốt nhất chỉ là ngồi im lặng, nếu có bố thì cứ rón rén lại sau lưng bố, thực ra là để bố cùng bị chịu chửi chung chứ cũng không có tác dụng ngăn cản gì được mẹ.
Và người cuối cùng thân cận với tôi, tôi đang nói tới thầy Nguyệt. Thầy yêu tôi lắm, dạy cho tôi đủ hết về kinh sách, lại bày cho tôi về các ngày lễ trong Phật giáo. Tôi nhớ hết và tôi thường tham gia không thiếu bất cứ ngày lễ nào trong năm, kể cả có đi học tôi cũng tìm cách về sớm, và nếu phải tiết của thầy cô giáo dễ tính, tôi sẵn sàng bùng học luôn.
Hồi đó thì thật sự là nhiều lễ, thầy tôi duy trì rất nghiêm, và không hiểu bằng một sức mạnh tâm linh nào, mà thực sự là tôi đã tham dự hết được, thuộc làu làu hết mọi quy cách của từng lễ còn hơn bất kì một Phật tử thuần thành thâm niên mấy chục năm.
(Các ngày lễ trong Phật Giáo: 1/1
- Ngày vía Đức Di Lặc; 15/1
- Ngày Lễ Thượng Nguyên; 8/2
- Ngày Phật xuất gia; 15/2
- Ngày Phật nhập Niết Bàn; 19/2
- Ngày vía Quan Thế Âm giáng sanh; 21/2
- Ngày Vía Phổ Hiền giáng sanh; 6/3
- Ngày vía Ca Diếp Tôn Giả; 16/3
- Ngày Phật Mẫu Chuẩn Đề; 4/4
- Ngày Vía Văn Thù Bồ Tát; 15/4
- Ngày Phật Đản Sanh; 20/4
-Ngày vía Bồ Tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân; 23/4
- Ngày Đức Phổ Hiền Thành Đạo; 28/4
- Ngày vía Dược Sư Đản Sanh; 13/5
- Ngày vía Già Lam Thánh Chúng; 03/6
- Ngày vía Hộ Pháp; 19/6: Ngày vía Quan Thế Âm Thành Đạo; 13/7
-Ngày vía Đại Thế Chí Bồ Tát; 15/7
- Ngày Vu Lan Bồn; 30/7
- Ngày vía Địa Tạng Bồ Tát; 6/8
- Ngày Huệ Viễn Tuệ Sư Sơ Tổ Tịnh Độ Tông; 8/8
- Ngày Vía Tôn Giả A Nan Đà; 19/9
- Ngày vía Quan Thế Âm xuất gia; 29/9
- Ngày vía Dược Sư thành đạo; 5/10
- Ngày vía Đạt Ma Tổ Sư; 8/10
- Ngày Phóng sanh; 15/10
- Ngày lễ Hạ Nguyên; 17/11
- Ngày vía Phật A Di Đà; 8/12
- Ngày vía Phật Thích Ca Thành Đạo.)
Thầy cũng biết về cái sự học kỳ lạ của tôi và quý cái sự tinh tấn của tôi trong Phật học so với bạn bè đồng trang lứa, nói không phải ngoa nhưng vào thời điểm đó, tức là cỡ đầu năm lớp 9 trung học cơ sở, kiến thức của tôi về kho tàng kinh sách đã khá là cao và thành thục, tất nhiên so với các thầy thì khó mà bằng nhưng các phật tử dù nhỏ hay lớn tuổi hỏi tôi cái gì gần như tôi đều biết.
Các bác Phật tử phần nhiều đều tuổi cao, học gì cũng lâu vào, có khi nhớ khi quên, nhưng cô chú trung tuổi thì thường cũng cúng dường và nuôi dưỡng tâm linh là chính, ít ai có thời gian học đạo, chỉ thầy giảng gì thì mới biết nấy.
Còn như đến lứa tuổi của tôi mà đến chùa thì hoặc cha mẹ bắt đi, hoặc là đi cho có bầy có hội, chứ cũng không ai thực sự nghiên cứu về Phật giáo như tôi. Cũng vì thế mà tôi biết nhiều. Nhiều người giật mình vì kiến thức của tôi khi thấy tuổi tôi còn quá trẻ, họ đều gọi tôi là thiên tài bẩm sinh có căn duyên thì mới biết được nhiều thế, nhưng họ không biết tôi đã nỗ lực và say mê nhiều đến thế nào trong việc học.
...
Khoảng đầu lớp 9 thì tôi làm lễ Quy y Tam Bảo (Lễ Quy về cửa Phật, nương tựa vào Phật), thầy nói:
- Người sống trong đời trọng nhất về Nhân Đức, tài có thể có, hoặc cũng có thể chưa bằng người, nhưng Nhân Đức thì không thiếu được, nếu thiếu là hỏng mất con người.
Thế là thầy đặt cho tôi pháp danh là Nhân Đức. Từ đó tôi bắt đầu thực hành ăn chay để cho việc học đạo của mình được thêm phần tinh tấn. Tuy nhiên tôi sợ mẹ nên không dám ăn chay trường hoặc ăn chay theo tháng, thày bèn bảo tôi ăn chay 10 ngày. Tôi làm y như thế.
(Phật tử ăn chay mười ngày vào các ngày: 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 âm lịch hằng tháng.)
Đến tầm khi vào học lớp 9 được hai tháng thì tôi ít lui tới chùa được hơn do phải bận vào học, thầy cũng động viên tôi nên dành thêm thời gian vào học để thi vào trường cấp 3 cho tốt. Tôi cũng kì vọng mình sẽ thi được vào một trường công lập cho ba mẹ vui lòng.
Mẹ tôi thì không nói gì đâu, nhưng cứ dựa vào các lời bóng gió của mẹ về mấy thế hệ đàn anh đi trước của tôi, và dựa vào cái kiểu tối nào cũng pha nước cam lên tới tận phòng tôi, rồi hỏi han tôi đủ điều, là tôi biết mẹ kì vọng vào tôi nhiều lắm.
Đôi khi tự nhiên chẳng có sự việc gì, mẹ cũng buột ra nói những câu, nghe có vẻ là vô tư thôi, kiểu như: “Con mà trượt cấp 3 là mẹ chỉ buồn thôi chứ hông có sao hết á”, nhưng tôi biết đó chỉ là lời nói giảm cho tôi đỡ bị áp lực tâm lý, nhưng ý của mẹ thì đã quá rõ ràng rồi...mày thi mà trượt thì mày chết với tao.
Ba tôi biết nên thi thoảng cũng cà khịa, cố tình để cho mẹ nghe:
- Nếu trượt cấp ba cũng đừng buồn, tốt nghiệp cấp hai rồi nếu thích đi học nghề gì bố cho đi.
Mẹ tôi lộ nguyên hình ra mà rít vào mặt bố con tôi:
- Ông bị điên à nói cái gì vớ vẩn thế? Nó phải đậu vào trường công, rồi thi đậu đại học Y, đại học Bách Khoa, sau này nó phải thành Kỹ sư, Bác sĩ. Bao nhiêu công lao nuôi cho ăn học lại bảo trượt cũng không sao? Ông không xót con mà tôi xót! Nó mà trượt cấp ba, tôi chết cho các người xem!
Ba lại bật ti vi lên coi đá bóng, giả bộ câm điếc, còn tôi thì lủi nhẹ lên phòng học bài.
Xem Tiếp Chap 4 : Tại Đây
Đăng nhận xét