Cát Bụi Thời Gian Chap 10
Tác Giả : Tĩnh Thủy
Người bán ớt - Cát bụi thời gian
Xem Lại Chap 9 : Tại Đây
Việc học hành và việc cuộc sống của tôi cứ thế âm thầm trôi qua.
Đến hết học kì một năm lớp mười thì tôi vẫn chưa nhớ hết mặt các bạn trong lớp tôi. Tôi không tham gia vào các hoạt động ngoại khóa của lớp, các hội đi chơi game và các nhóm tám chuyện, tôi chỉ làm một việc duy nhất là ngồi đọc sách và trả lời khi được giáo viên hỏi tới.
Dần dần cũng không có ai bắt chuyện và hỏi chuyện tôi cả, có người bảo tính tôi thâm trầm khó gần, có người thì biết ba mẹ tôi, bảo tôi là cậu ấm cô chiêu nên chảnh, không gần gũi được...thi thoảng tôi vẫn nghe thấy vài lời nói như thế nhưng tôi cũng không bận tâm nhiều.
Tôi có một số ít bạn bè nhưng cũng không quá thân thiết, trong lớp tôi cũng không có gì quá nổi trội cả, điểm số của tôi chỉ trung bình chứ không phải lúc nào cũng cao chót vót nhất trường như hồi cấp hai. Đôi khi nhìn ăn mặc đơn giản thậm chí có phần quê mùa của tôi, người ta cũng không biết tôi là con của quan chức lớn.
Tôi hài lòng với tình trạng hiện tại của mình.
“Chỉ khi ở trong trạng thái rất đỗi bình thường và mờ nhạt, con người ta mới phát huy được hết các sở thích cũng như sở trường và tự do tìm hiểu những điều tuyệt vời mà không phải đối mặt với bất kì sự dòm ngó, đánh giá nào quá phạm vi.”
Hay như Thầy An nói: “Chỉ khi chìm trong tĩnh lặng, suy tư và độc lập ở trạng thái cô độc, người ta mới thực sự ưu việt trong việc học và sáng tạo.”
Những người thật giỏi mà tôi biết, như thầy An hay thầy Kính Nguyệt, họ đều sử dụng phương pháp đó, họ thiền định rất nhiều và khi họ đọc sách, thì dù trời có sập xuống cũng đừng hòng có việc gì quấy rầy được họ. Tôi học được các phẩm chất đó từ chính các thầy của tôi vậy.
Tất nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân của tôi thôi, mẹ tôi thì nghĩ khác, ba mẹ đều là những người đứng đầu và ưu tú trong tập thể nên mẹ lúc nào cũng muốn tôi phải là người “lãnh đạo quần hùng”, nên khi biết tôi không có năng khiếu đó giống như ba hay mẹ, thì bà cũng có vẻ thất vọng, nhưng biết làm sao được, mỗi người sinh ra đã có một sứ mệnh riêng, cái này thì bà hiểu nên cũng không trách tôi hay bắt tôi phải thế này thế khác.
...
Chùa của thầy Nguyệt ở gần nhà tôi nên tôi lui tới rất là tiện, lên cấp ba lại có xe đạp đi nên càng dễ dàng, nhưng học với thầy An lại làm tôi hơi ngao ngán...
Thầy An không sống trong nhà như người bình thường, cũng không sống trong am miếu như các đạo sĩ do có một số vấn đề về pháp lý hay thủ tục gì đó, thầy cũng không nói rõ với tôi và tôi cũng chẳng bận tâm hỏi kĩ.
Thày sống trên hẳn một ngọn núi với vai trò là người trồng keo. Keo có trồng hay không thì tôi chả biết, tôi chỉ biết là thầy sống một mình ở trong một cái nhà đơn sơ trên sườn núi, cũng không phải núi mà chỉ là một ngọn đồi công nghiệp nhỏ nằm ở ngoại ô thành phố, tuy nhiên được cái yên tĩnh và gần gũi, chứ không tới nỗi thâm sơn cùng cốc, và khi đi xuống phố thì cũng gần tiện.
Nhưng dù sao nó cũng là một ngọn đồi chưa có đường bằng, và tôi không thể đạp xe lên núi cho nên là mỗi lần lên thăm thầy và học bài với thầy, sau khi đạp xe cỡ bảy cây số tới chân núi, tôi lại phải gửi xe ở dưới chân núi rồi đi bộ tiếp khoảng hơn nửa tiếng đường đồi dốc để lên tới ngôi nhà nhỏ của thầy. Tôi thực sự rất mệt mỏi nhưng lại không từ bỏ, cũng không kêu than bao giờ.
Nếu tôi chịu khó nói một tiếng, có lẽ tôi sẽ xin được ba cho người lái xe đưa đi, nhưng tôi sợ nên không dám nói với ba mẹ, chỉ dám tự đạp xe đi thôi.
Thầy không có điện thoại di động, tôi cũng không có, mỗi khi đã hẹn vào ngày nào phải tới đúng ngày đó để có lịch cho lần gặp tiếp theo, nếu rủi vì việc gì mà không tới vào ngày đó thì tôi sẽ rất mất công vào hôm sau ngày nào cũng phải tới để bắt gặp được thầy và hẹn lại.
Thầy luôn luôn rất đúng hẹn, khi thầy đã hẹn vào giờ nào, thì tôi đến vào giờ đó, thầy sẽ luôn có ở đó và trong suốt ngần ấy năm, chưa từng một lần thầy hỏi nhà tôi ở đâu hoặc đi tìm tôi, thầy chỉ luôn ở đó, chờ tôi đến đúng giờ... Nếu có một ngày tôi không đến nữa, tôi biết là thầy cũng sẽ không bao giờ đi kiếm tôi. Thầy nói:
- Tuổi còn nhỏ mà vượt cả xa cách, khó nhọc mà đi học với thầy, đi được đều đặn là chí, đi được đúng giờ là tín. Trong vạn chữ, xét về nhân cách, thì nhiều chữ quý, xét về công việc, thì không gì quý hơn hai chữ này. Phải lấy đó thành răn mà làm người, rồi mai này đây không thành công thì cũng thành nhân con nhé.
Tôi luôn lấy đó để làm răn mà nên người, trước khi dạy cho tôi học thuật sâu mầu, các thầy đều dạy tôi cách làm người đã. Có mấy lời tôi nghe đã quen, và chắc ai cũng biết, nhưng cũng xin chia sẻ lại vài lời các thầy từng nói, để mà như nhớ tới ân đức các thầy:
“Làm người còn không học được, thì con đòi học cái gì?”
“muôn học thuật trên đời, không học thuật nào khó bằng học làm người, làm người phải học cả đời chưa xong, đừng có tự mở mồm ra mà nhận mình biết làm người rồi
“con còn nhỏ, phải chú vào mà rèn đạo đức trước, rồi rèn học thuật sau, phải tiên học lễ, hậu học văn mới được”...
Thầy Kính thì hiền từ, dạy tôi chữ Hiếu, chữ Bi, thầy An thì nghiêm khắc, dạy tôi chữ Chí, chữ Tín, ba tôi tình cảm, dạy tôi chữ Nhân, chữ Nghĩa, mẹ tôi cương nghị, dạy tôi chữ Trí, chữ Lễ. Tôi đã lớn lên như thế, đã tiếp cận với các học thuật sâu xa nhất trời đất này như thế, và cũng nhờ có thế mà nên được con người ngay. Có ích cho xã hội là một phần, phần nữa là thành một người chính trực.
Xem Tiếp Chap 11 : Tại Đây
Đăng nhận xét