Truyện ma Trung Quốc "tục chiêu đệ" chap 1

 [TRUYỆN DÀI] TỤC CHIÊU ĐỆ

Trấn Âm Dương
Chap 1: CHIÊU ĐỆ - GIẾT NỮ CẦU NAM

Chắc hẳn vấn đề trọng nam khinh nữ không còn xa lạ với bất kỳ ai, trước hết tôi muốn các bạn hiểu rõ “hủ tục trọng nam khinh nữ” này là gì?
Trọng nam khinh nữ đã và đang là một hệ thống tư tưởng cổ hủ còn tồn tại ở khá nhiều nơi trên thế giới này, nó bắt nguồn từ thời phong kiến và kéo dài tới tận bây giờ. Xã hội phát triển, bước vào thời đại hai bên bình đẳng nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại không ít gia đình lưu truyền lối sống và suy nghĩ cổ hủ này.

Xoay quanh vấn đề trọng nam khinh nữ, khi chúng ta tra các tài liệu trên mạng sẽ thấy không ít những vụ án thương tâm, những cái chết đầy bi phẫn của những bé gái vô tội. Khi cả xã hội lên án chỉ trích thì họ vẫn giữ cái suy nghĩ là “họ đúng”. Vấn đề này mang nhiều luồng tranh cãi thế nên thay vì đào sâu, tôi sẽ đưa các bạn tới với một câu chuyện có thật về hủ tục man rợ mang tên “Chiêu Đệ”.
Nói tới hủ tục thì ở đâu cũng có, nhưng khiến người khác ghê rợn tới mức nghe thôi đã rùng mình thì phải kể tới anh bạn hàng xóm Trung Quốc của chúng ta.


Đọc qua một số bản sách cổ, tôi nhận ra tư tưởng trọng nam khinh nữ nó đã ngấm sâu vào suy nghĩ và tập tục đời sống của họ tới mức mất nhân tính. Với một quốc gia có một hệ tư tưởng

“Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”

tức là

“Có một đứa con trai còn hơn có mười đứa con gái”

như ở Trung Quốc thì việc mà đáng suy ngẫm rằng, hiện tại việc mất cân bằng dân số trầm trọng có phải là hệ quả của lối tư tưởng này không. Hủ Tục “Chiêu Đệ” lần đầu được biết tới qua bản Phúc Kiến Đại Hồi của Tư Mã Uy, trong bản dịch của Mộng Du Thị tôi có được đọc qua một số dòng như này.
“Chiêu Đệ hay còn được biết tới với cái tên là Giết Nữ Cầu Nam, nó là một hủ tục rùng rợn và thương tâm nhất mà tôi biết. Có nhiều văn bản cổ về tập tục ở tỉnh Phúc Kiến ghi chép rằng: khi gia đình sinh đứa con gái đầu lòng hoặc liên tục sinh con gái mà chưa có con trai thì gia đình sẽ giết đứa con gái đi để hi vọng linh hồn của nó sẽ chiêu về cho bố mẹ sinh được em trai nên gọi là chiêu đệ. Hủ tục này được bắt nguồn từ một sự kiện như sau…
Phúc Kiến vốn được biết là nơi có địa hình chủ yếu là đồi núi, được mô tả là "Bát sơn, nhất thủy, nhất phân điền". Đặc biệt khi chú ý tới cách phân vùng, ta thấy được cả một tỉnh gói gọn bao quanh là núi ở giữa là sông, nguồn khai thác phong phú và đặc biệt đã có rất nhiều khu di tích lịch sử được hình thành.

Nhìn vậy, nhưng có lẽ bạn sẽ không ngờ tới một nơi đẹp đẽ như thế lại đã từng có một loại hủ tục khiến cho khi ai nhắc tới cũng đều mang một nỗi bi phẫn, lên án gay gắt.
Nói tới nó thì phải bắt đầu từ khu vực Mân Bắc, là thượng du Mân Giang nằm ở khu vực Bắc Bộ của Phúc Kiến, phía Đông Nam của đoạn Bắc dãy núi Vũ Di và phía Tây Bắc của dãy núi Đái Vân. Địa hình bao quanh là núi thế nên vào thời xe cộ đường lớn còn hạn chế, họ sống khá tách biệt với các khu vực bên ngoài…
Thôn Toái Điệt
“A Siu, nhanh lên. Mau gọi bà đỡ, vợ lão Hoàng sắp sinh rồi”.
Giữa làn mưa tầm tã như trút nước, sét cứa ngang trời kéo theo tiếng sấm đùng đoàng như đánh trận, cây cối ngả nghiêng hứng chịu cơn thịnh nộ của Thượng Đế. Căn nhà gạch đã quá nửa đêm vẫn sáng, lập lòe ánh nến cùng tiếng hét đau đớn của một người phụ nữ.

Hình như, cô ta sắp sinh rồi. Chỉ thấy từng bước chân đạp lên nền bùn mà chạy đi, trong nhà hai ba bóng người đang bàn bạc, người ngồi người đứng, khuôn mặt ai cũng đầy vẻ lo lắng.
Cánh cửa bật mở, gió thổi ùa vào mang theo từng làn hơi lạnh lẽo. Bà đỡ được A Siu mời tới, trên người khoác tấm áo cọ che mưa, vội vội vàng vàng cởi xuống rồi tiến vào buồng trong.

Lão Hoàng ở gian ngoài đi đi lại lại, mặt đã nhăn tới khó coi. Thứ ông ta sợ không phải là người vợ sinh khó, mà cái chính là đứa bé kia là gái hay trai. Khi tiếng đứa trẻ cất lên, bà đỡ bế nó ra ngoài, đầu khẽ lắc. Lão Hoàng nhìn thấy nhưng không muốn tin, vội chộp lấy đứa bé rồi mở bọc ra. Khi nhìn thấy đó là một bé gái, lão thất thần ngã phịch ra đất. Đây là đứa trẻ thứ năm rồi, vì sao lại vẫn là một bé gái cơ chứ!
“Cái này…”.

A Siu nhìn thấy mặt cũng nhăn lại, đứa trẻ còn đỏ hỏn như vậy thực sự không nỡ. Hắn nhớ lại lần đầu tiên nhà lão Hoàng có trẻ được hạ sinh, khi phát hiện nó là bé gái cả nhà đều thất vọng.

Hắn không hiểu vì sao vợ lão Hoàng lại khóc dữ tới vậy, mấy hôm sau hắn qua thăm thì hay tin đứa trẻ đã chết yểu. Lâu dần, hắn lớn, nghe được cái hủ tục Chiêu Đệ này thì có chút run sợ, nghĩ tới nếu như bản thân là con gái thì có phải cũng đã bị chôn sống, thu hồn cầu phép hay không?

Lão Hoàng quay mặt đi, không nói gì. Bà đỡ cũng thở dài, quay người bế đứa bé lên rồi đem nó vào cho mẹ của nó. Chỉ một lúc, tiếng khóc truyền tới, nghe mà đau lòng. A Siu quay người rời đi, không muốn nhìn thêm một khắc nào nữa.
Cả nhà lão Hoàng thức trắng một đêm, nghe tiếng gà gáy lão thở hài một hơi, đứng dậy đi vào buồng trong. Nhìn khuôn mặt vợ tiều tụy, hai hàng nước mắt vẫn chưa khô. Đứa con gái đỏ hỏn còn đang ngậm lấy bầu ngực mà ngủ, lão quay mặt đi, lén lau nước mắt. Lão không muốn, nhưng lại càng không thể cãi.

Tiếng guốc lộc cộc trong sân vang lên, hiển nhiên mẹ của lão Hoàng đã tới. Bà ta bước vào nhìn thấy khuôn mặt của lão Hoàng thì ngầm hiểu, chẳng nói một lời liền giật phắt bọc chăn quấn đứa trẻ lên, đặng ôm ra ngoài. Vợ lão Hoàng đang ngây dại liền giật mình, chẳng quản cơn đau mới sinh mà nhào tới chộp lấy đứa trẻ. Do chới với, lại vừa mất sức nàng ta chỉ chộp vào hư không. Miệng liên tục cầu khẩn.
“Mẹ, xin mẹ hãy tha cho nó. Dù sao nó cũng là cháu của mẹ mà, con cầu xin mẹ, nó là con của bọn con mà”.
Vợ lão Hoàng biết, kết cục của đứa bé này sẽ thảm thế nào. Cái tục lệ khốn kiếp ở cái làng này, từ khi sinh ra Tiểu Huệ đã được trải nghiệm qua. May sao khi ấy mẹ cô sinh ra song thai, một nam một nữ nên Tiểu Huệ may mắn sống sót, thế nhưng đứa trẻ của cô lại không may mắn như vậy.

Cô không đành lòng nhìn con mình chết thảm, ai đã từng làm mẹ mới hiểu được giây phút này cái gì gọi là tim tan, lòng nát, đứt từng khúc ruột. Tiếng nói nghẹn trong nước mắt, tuyệt nhiên chẳng thể lay động được Hoàng mẫu.
Chẳng thèm quay đầu, bà ta nói.
“Cô về làm dâu nhà họ Hoàng chúng tôi, ăn cơm nhà chúng tôi, mặc đồ nhà chúng tôi thì phải có bổn phận sinh hạ đích tôn nối dõi. Nếu không làm được thì để lão Hoàng kiếm vợ khác, đừng ôm một đống xui xẻo tới cho nhà ta. Kiếp trước không biết đã mắc nợ gì mà kiếp này vô phước, cưới được nàng dâu không biết sinh con trai…”.
Tiếng nói xa dần, âm thanh chửi rủa cũng nhỏ lại. Chỉ còn lão Hoàng đang ôm vợ uất nghẹn trong lòng, nhìn nàng ta khóc tới thương tâm mà lão cũng chẳng thể làm gì được…”.
“Sau đó thì sao?”. Mộc Chiêu nghe tới đây liền trợn mắt nhìn qua Mạnh Hinh đang ngồi gắp đậu phộng ăn, lầm thầm rủa cái tập tục quái quỷ gì vậy.

“Sau đó…
Mẹ lão Hoàng ôm bọc chăn đến thẳng nhà vị thầy tà ở vùng bên cạnh, nghe danh tiếng của lão rất nhiều lần nên bà ta muốn tới thử vận may. Phải đi qua một con đường rừng nhỏ, càng đi vào càng tối.

Xung quanh không khí tà tà một lớp sương dày bay, tiếng quạ kêu vào buổi sớm thật khiến người ta nổi da gà. Đi hết một quãng đường đất liền thấy một ngôi nhà nhỏ, trước cổng dây gai leo phủ kín, nếu không rõ lại còn tưởng đây là nhà hoang.

Xem Tiếp Chap 2 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn