Truyện ma Việt Nam - Yểm Mạng "Chap 11"

 Yểm Mạng "chap 11"


Tác Giả : Trần Đan Linh

Xem Lại Chap 10 : Tại Đây

Vậy là chỉ trong một đêm số phận của hai đứa trẻ lại trái ngược nhau hoàn toàn. Đứa thì được người ta cứu sống, đứa lại bị cướp đi sinh mạng khi vừa mới hình thành, tước đi quyền được làm người. Giống như thầy Chu từng nghĩ” Mỗi một linh vật được đầu thai chuyển kiếp, tương ứng với một sinh mạng trên nhân gian yểu mệnh.” Phải chăng đó là số trời, một người thì vắn số, còn người kia lại may mắn.

Thầy Chu trở về nhà lúc nửa đêm, mà chẳng hiểu sao lòng thầy như có lửa đốt, ngồi bên cửa sổ suy nghĩ điều gì đó thức tới sáng.

- Sư phụ! Con mời người ra ăn sáng.

Tiếng Kpang gọi ngoài cửa kéo thầy dứt ra khỏi những suy nghĩ. Thầy Chu chậm rãi bước ra mở cửa, hỏi Kpang.

- A Ngưu đâu rồi con? Bảo A Ngưu ăn sáng xong vào phòng gặp thầy. Các con ăn đi, tí nữa thầy ăn sau.

Kpang há hốc miệng nhìn mái tóc sư phụ chỉ sau một đêm mà đã bạc trắng đi rất nhiều, cậu không nhắc về A Ngưu mà ngạc nhiên hỏi sư phụ.


- Sư phụ, tóc của thầy..?

Thầy Chu mỉm cười:

- Thầy không sao, con người ai cũng phải già đi. Nếu mái tóc thầy bạc thêm vài sợi, nhưng làm được một việc tốt ,thì đáng lắm.

Nói xong, thầy quay lưng đi vào trong, đóng cửa lại nhốt mình trong phòng.

Kpang lo lắng lắm, từ hôm quay về nhà an dưỡng tuổi già sau bao năm buôn ba trong thiên hạ, tưởng đâu thầy sẽ an nhàn sống một cuộc sống bình dị, thư thái như bao người đàn ông cùng chang lứa, thì Kpang lại thấy sư phụ già ốm, hốc hác đi rất nhiều. Mái tóc pha sương lốm đốm bạc đôi cọng, nay đã trắng đi rất nhiều.Anh có hỏi mà sư phụ cứ giấu, biết nói ra sẽ làm cho cậu thêm lo lắng.

Kpang thở dài quay đi, anh sang buồng chỗ A Ngưu nằm, gọi nó ra ăn cơm. “ A Ngưu! Dậy ra ăn cơm thôi.” Không thấy A Ngưu có phản ứng mặc dù đã trôi qua gần một phút, đây không phải là phong cách của A Ngưu, bởi mỗi khi nó được Kpang hay sư phụ gọi ra ăn cơm, nó sẽ bất chấp những việc mình đang dở tay ùa chạy ra khỏi phòng. 

Kpang lên tiếng gọi lần nữa:” A Ngưu, mau ra ăn sáng thôi!”Đáp lại lời Kpang vẫn là bầu không khí im ắng, nghĩ có điều gì đó chẳng lành, Kpang đánh liều vén tấm rèm che ngoài cửa, chạy xộc vào bên trong,quét ánh mắt đảo quan sát. Bóng dáng A Ngưu không có ở trong này, gian buồng lạnh tanh trống huơ trống hoác.

Kpang quay người chạy ra khỏi buồng, đến chỗ sư phụ gấp gáp thưa:” Sư phụ, không hay rồi. A Ngưu nó đã bỏ đi, quần áo của chú ấy cũng gom sạch.”

Thầy Chu nhanh chân bước đến, mở toang cánh cửa đang đóng im, nhìn Kpang nhíu mày hỏi:” Con có biết nó ra khỏi nhà khi nào không?”

- Dạ con đoán nó đi từ đêm qua, ngay sau khi sư phụ cứu nó khỏi bàn tay quỷ.

Thầy Chu hỏi:

- Con chắc chứ?

Kpang đáp:

- Vâng! Bởi cả ngày hôm qua con không thấy nó ra khỏi phòng. Cứ nghĩ nó đang học vẽ bùa bên trong, nên không dám quấy rầy sợ ảnh hưởng đến tâm trạng.

Thầy Chu ngạc nhiên hỏi:

- Vậy bóng người ngồi trong buồng, dưới ánh đèn trong phòng nó đêm qua là ai?

Hỏi xong thầy lảm nhảm trong miệng hai từ” vẽ bùa?”. Thầy nhớ mình đâu có dạy cho A Ngưu luyện bùa chú? Có chăng chỉ là đôi ba chữ để nó phòng thân, và ít bài đi gỡ vong giúp người ta, mỗi khi thầy đi vắng. Nhưng nó đã thuộc những bài chú ấy. Trong thâm tâm thầy tự hỏi: “không lẽ cái bóng trong phòng đêm qua mình trông thấy, không phải là bóng của A Ngưu? Vậy bóng đó là của ai?” Nghĩ đến đây thầy Chu cảm thấy lạnh người, trên môi hiện ra một nét cười khổ.

“ Chẳng nhẽ lại là ông ta?”

Thầy Chu ngẩng mặt lên, hai mắt nhắm nghiền, miệng rít lên hai từ:” Nghịch Tử!”. Sau câu nói thầy ho sù sụ, đầu óc choáng váng, hai mắt tối sầm. Kpang lao đến dìu sư phụ vào bên trong.

- Sư phụ, cẩn thận! Người không sao chứ? Để con đỡ thầy vào trong nằm nghỉ.

Dìu thầy nằm lên giường. Kpang định quay đi song bị thầy Chu nắm tay kéo lại:” Kpang! Sức khoẻ thầy ngày một yếu đi, nếu như bây giờ không dặn dò con mấy điều, thầy sợ rằng mình không còn cơ hội nữa.”

Kpang rơm rớm nước mắt, ngồi xuống bên cạnh sư phụ, lo lắng bảo:” Sư phụ! Ngày mai con đưa thầy đi khám. Sư phụ không sao hết, người chỉ bị nhiễm cảm lạnh thôi.”

Thầy Chu nằm trên giường vẫn nhắm nghiền mắt, thì thầm nói rất khẽ:” Sống chết có số, nam tử hán thà đổ máu chứ không rơi lệ. Nếu chẳng may thầy mất đi, con hãy hứa với thầy ba việc.”

Kpang gạt nước mắt, giọng buồn buồn, nói:” Chỉ cần thầy khoẻ mạnh ở bên con, thì đừng nói ba việc, cho dù là 10 việc hay 100 việc, con xin hứa sẽ làm hết sức mình.”

Thầy Chu mỉm cười, nói với cậu:” Kiếp này thầy có được một người đệ tử có hiếu như con, xem như thầy đã sống trọn kiếp làm người. Thầy không mong gì hơn nữa, chỉ mong sau này không có thầy bên cạnh, con hãy tiếp tục giúp thầy hoàn thành những công việc dang dở của thầy. Đi cứu giúp chúng sinh.”

- Vâng, con hiểu rồi thưa sư phụ!

Thầy Chu nói:

- Việc thứ nhất! Hứa với thầy sau này con không vì vinh hoa phú quý, không vì danh vọng mà đánh mất bản thân. Mỗi chữ bùa khi con vẽ ra nó đều mang hai hàm ý, một là cứu người, hai là hại người. 

Trước khi làm một việc gì đó, con cần suy nghĩ cho thật kỹ, tìm hiểu thật sâu. Làm việc không được theo cảm tính, có câu nói” Điều ta nhìn tận mắt chưa chắc là đúng sự thật.” Trên đời này có những việc chính mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Nên mỗi khi con muốn giúp ai, hãy tìm hiểu kỹ về họ. Đôi khi chúng ta muốn giúp mà không thể xen vào, bởi họ mang oán nghiệt đầy mình. Lúc đó con không những không giúp được họ, lại vô tình mang thêm nghiệp.

Kpang khẽ gật đầu:” Vâng, thưa sư phụ. Con xin hứa.”

Thầy Chu nói tiếp:

- Việc thứ hai thầy muốn con hứa, đó chính là hạnh phúc của con. Sau này nếu gặp cô gái con thương, hãy lấy cô ấy làm vợ, yêu thương nhau một đời. Cuộc đời thầy không vợ không con cái, hẩm hiu lẻ bóng. Thầy không muốn con sống như vậy, con phải hạnh phúc, hạnh phúc của riêng mình. Có như vậy thầy mới yên tâm nhắm mắt.

Mỗi câu nói của thầy Chu như khắc sâu vào tim Kpang, cậu cảm nhận ngày tháng mình được ở bên cạnh sư phụ, chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Những lời này, nghe sao giống những lời thầy trăn trối, trước khi thầy đi xa. Cậu oà khóc, gục xuống tựa đầu lên ngực thầy như hồi cậu còn nhỏ, làm nũng với thầy mỗi khi mình sai hay ốm đau bệnh tật. Thầy Chu xoa xoa vỗ về, dặn cậu không được yếu đuối.

Kpang nói trong nước mắt:” Dạ, con xin hứa. Thầy cũng hứa phải ở bên cạnh con mãi mãi thầy nhé. Thầy còn phải bồng cháu nữa kia mà.” Miệng thì nói, tay thì ghì chặt cơ thể gầy xác xơ của sư phụ.

Thầy Chu nói:

- Thằng bé này, đừng có lay lắc thầy như thế. Lớn bằng ngần này, sắp lấy vợ đến nơi rồi, mà chẳng ra vẻ người lớn tí nào!

Miệng nói vậy, song trong lòng thầy Chu lại nghĩ thầm:” Cũng khó cho nó, chỉ có trước mặt mình nó mới lại là một đứa trẻ.”

Kpang nhấc mặt ra khỏi ngực sư phụ, cậu cười hớn hở. Cậu có biết bao nhiêu tâm sự chất chứa trong lòng, hiện giờ, người duy nhất mà cậu có thể thổ lộ đang ở ngay trước mặt, cậu làm sao có thể chấp nhận, thầy sẽ đi xa. Kpang lập tức liến thoắng không ngừng.

Lúc này đây là giây phút hạnh phúc ấm áp nhất trong đời cậu.

Thầy Chu hiểu ý, chăm chú lắng nghe người đệ tử của mình nói, thầy không bỏ qua bất cứ một tiểu tiết nào. Đây là những điều thầy chắc chắn sẽ làm mỗi khi mình đi đâu xa, và hơn cả, là khi thầy biết vận mệnh của mình sắp tắt. Trước khi điều đó ập đến, thầy muốn từ trong đó tìm hiểu về một số điều, và cũng muốn xác định về một số điều.

Tự dưng, Kpang lặng thinh không kể tiếp. Thầy Chu bất ngờ hỏi:” Sao con lại dừng, thầy vẫn chăm chú lắng nghe!”

Kpang làm bộ mặt giận dỗi, nói với sư phụ:” để ngày mai con kể, hôm nay con kể hết ngày mai sẽ hết chuyện, không còn chuyện gì kể cho thầy nghe nữa.”

Thầy Chu cười xòa:” Thằng bé này, vẫn còn trẻ con lắm.”

- Vẫn còn việc thứ ba, thầy muốn con hứa gì ạ? - Kpang hỏi:

Thầy Chu mỉm cười hiền từ, móc một cái túi đỏ được thầy khâu rất đẹp và cẩn thận từng đường kim mũi chỉ,trên miệng còn có sợi dây màu vàng dùng để rút cho chặt. Thầy đưa nó cho Kpang, nghiêm mặt dặn:

- Việc thứ ba thầy muốn con hứa nó nằm ở bên trong chiếc túi. Nhưng con khoan hãy mở nó. Đợi sau này thầy không còn sống trên cõi đời này nữa, hãy mở nó ra xem trong lúc con cảm thấy bế tắc nhất trong cuộc sống.

“ Con làm được chứ? Hãy giữ nó cẩn thận. Sẽ có lúc con cần đến nó.”

Kpang nhận chiếc túi vải trên tay sư phụ, cất cẩn thận vào người. Từ giờ chiếc túi vải này nó như báu vật đối với cậu, nó là hơi thở, là tâm huyết, là sự tận tình chu đáo của sư phụ, gói ghém cả bên trong. Sao cậu không coi nó là bảo bối cho được.

Kpang đứng dậy đi ra ngoài, ra đến cửa cậu xoay mặt nhìn vào trong. Thấy sư phụ nằm im ngủ trên giường, hơi thở đều đều vang lên, cậu mới yên tâm rời đi.
—-
Buổi trưa, khi A Ngưu và Hào đang ngồi ăn cơm tấm trong một quán cơm ven đường, thì một chiếc xe hơi quen thuộc lướt qua. Hào rướn cổ nhìn theo, chiếc xe dừng trước cổng bệnh viện, bước xuống xe là một cô gái trẻ ăn mặc sang trọng, trên tay bồng đứa bé.

Hào vỗ vai A Ngưu, chỉ tay sang hướng chiếc xe hất hàm nói:” Này! Người tình trong mộng của mày kìa? Xem bộ con nhỏ đó sinh đẻ xong tướng người vẫn ngon phết mày nhể? Nét nào ra nét đấy.
Tao cũng thích mẫu phụ nữ như cô ta, ăn mặc không quá gợi cảm nhưng toát lên vẻ sang trọng nữ tính. Chỉ cần nhìn vào đôi gò bồng căng tròn, thắt lưng con kiến và cặp mông mẩy đét kia, tao đã muốn vật nó ra làm mấy nháy.”

A Ngưu ngước lên, nhíu mắt trông theo hướng tay thằng Hào chỉ. Thấy Mỹ Duyên ẵm đứa bé đi vào bệnh viện, anh ta thắc mắc hỏi:

- Cô Mỹ Duyên lấy chồng từ khi nào,sao tao lại không biết?

Hào xua tay:

- Tao đoán vậy thôi, mấy hôm nay ám binh bất động, theo dõi mọi sinh hoạt nhà lão Hưng, thì thấy cô ta lúc nào cũng ôm đứa bé trên tay. À! Có khi nào cô ta ăn nằm với thằng cha nào đó, rồi cha kia biết cô ta có thai nên bỏ?

Từng câu từng chữ mà thằng Hào vừa thốt ra, no như con dao cứa vào tim A Ngưa đến rỉ máu. Anh ta cảm thấy tình yêu đơn phương của mình, và hình tượng cô gái ngây thơ trong sáng, trong mắt mình bị sụp đổ hoàn toàn. Nếu như cô Mỹ Duyên đúng như những lời thằng Hào nói, thì cô ta cũng giống như những cô gái hư hỏng khác mà A ngưu từng ăn nằm. Loại phụ nữ không biết giữ gìn cái trinh tiết ngàn vàng cho chồng, thì anh ta khinh.

- Ăn đi, đừng nhắc tên cô ta trước mặt tao!

Hào hừ tiếng, nói tiếp:

- Ơ! Tao tưởng mày thương thầm cô ta lâu rồi? Còn lên ý định….vào ngày hôm đó cơ mà? À thôi! Tao không nhắc nữa, kẻo mày mất hứng với chuyện làm ăn.

A Ngưu thở dài, không muốn ăn tiếp, mà thực ra là nuốt không nổi. Tự dưng nghe xong cứ có cảm giác mình bị phản bội, tình yêu của mình bị chà đạp. Mặc dù anh ta chưa từng tỏ tình với Mỹ Duyên, và Mỹ Duyên cũng không hề quen thân với anh ta. Đó chỉ là sự ghen tuông vô cớ, mù quáng của A Ngưu.

Ăn cơm xong, họ kéo nhau sang quán cafe sát cổng bệnh viện ngồi. Hơn một giờ sau Mỹ Duyên bước ra, cô ôm đứa bé đu đưa âu yếm trong vòng tay, ánh mắt toát lên niềm hạnh phúc, mỗi khi nhìn đứa bé.

A Ngưu nhìn Mỹ Duyên cười hếch môi, anh ta kéo chiếc mũ lưỡi trai trên đầu sụp xuống gần kín con mắt, chỉ để hở ra đủ tầm nhìn. Như thể, sợ Mỹ Duyên phát hiện anh ta đang nhìn mình.

Chờ Mỹ Duyên leo lên xe, đi mất hút sau con phố vắng. A Ngưu mới đẩy chiếc mũ lên rồi gỡ nó ra khỏi đầu, đặt xuống bàn, tựa lưng ra sau thành ghế, ngước mắt lìn lên những làn khói thuốc mình vừa nhả ra, suy nghĩ mông nung.

- Thôi, uống đi. Uống nước xong tao với mày đi xuống cửa tiệm bán dao, chúng ta cần mua vài thứ.

A Ngưu cười khẩy, vừa nhả làn khói thuốc vừa nói:” Để mai đi, tí nữa mày đi với tao, tao cần xử lý vài việc.

- Đi đâu thế?

- Thì cứ đi, tới nơi rồi biết.
—-
Hơn năm giờ chiều.

Kpang xách năm thang thuốc mình vừa mua bước ra khỏi tiệm thuốc bắc. Anh nhìn lên ánh mặt trời dần tắt, lảm nhảm trong miệng:” Mình phải về ngày thôi, còn kịp nấu bữa cơm tối cho sư phụ.”

Kpang bắt chiếc xe ôm đậu bên đường, hỏi bác tài giá cả xong cậu leo lên xe. Bác tài bảo, tới khúc đường núi sẽ thả Kpang xuống, vì đường từ đó vào tới nhà cậu rất khó đi. Kpang liền đồng ý.

Xe chạy đến một con đường nhỏ, Kpang vỗ vai bác tài và bảo:

- Bác cho cháu xuống ở đây được rồi. Đoạn đường này đi tắt về nhà cháu nhanh hơn.

Bác tài dừng xe, vui vẻ nói:

- Vậy cũng được, cậu chịu khó đi bộ về nhà nhé. Tôi bớt cho cậu 10 nghìn.

- Vâng! Vậy cháu cảm ơn bác nhiều nhé.

Trả tiền xong Kpang rẽ vào lối mòn, nơi đây đa số là vườn bãi rộng, dân cư thưa thớt, nên xung quanh không có nấy một ngôi nhà.

Trời vừa tắt nắng, cảnh vật xung quanh đã trở nên u tối. Ở cái nơi khỉ ho cò gáy như nơi đây, hễ mặt trời tắt nắng y rằng trời nhá nhem không trông rõ bóng người. Tiếng sột soạt bên trong vườn nhãn nghe như tiếng bước chân của ai đó, làm cho Kpang bước chậm lại. Cậu im lặng, nén hơi thở và nhịp đập nghe cho rõ, nhưng tiếng động ấy cũng im bặt. Cậu đi tiếp, không muốn nghĩ điều gì trong lúc này, bởi cậu đang muốn về thật nhanh, càng sớm càng tốt:”chắc sư phụ đang trông ngóng mình lắm” Kpang nghĩ vậy.

Sột soạt…tiếng động lại vang lên, âm thanh ngày một to và rõ, cảm tưởng người ấy đang sánh bước ngay bên mình:” Đây đúng là tiếng bước chân, không thể nhầm lẫn.” Kpang nghĩ.

Anh lên tiếng hỏi: “ Ai đấy?”

Lời nói vừa dứt, một bóng đen xẹt ngang qua trước mắt, nhanh đến nỗi Kpang không phân biệt được đó nam hay nữ.

- Ai đấy? Ai ở trong kia?- cậu cất tiếng hỏi thêm lần nữa. Ánh mắt nhìn chăm chăm vào khu vườn rậm rạp.

Trong lúc này, Kpang mất đi bản tính tự vệ, bởi cậu đang tập trung cao độ quan sát về phía phát ra tiếng động.

Bất thình lình, một bóng người vụt từ trong gốc cây lao ra, đứng ngay sau lưng Kpang. Hắn đưa khúc gậy trên tay vung lên cao, dùng sức phang thẳng vào đầu Kpang:” Bốp..!” Anh hét lên” Á..!” Hai mắt trợn ngược, miệng há hốc, chưa kịp ngoảnh lại nhìn xem kẻ vừa đánh mình là ai, thì cả cơ thể cậu nhanh chóng đổ gục xuống đất. Tay cậu vẫn nắm chặt mấy thang thuốc.

Kpang cố gượng đôi mắt nhìn lên bầu trời cao thăm thẳm, đôi môi mấp máy. Trong chút ý thức tỉnh táo cuối cùng của mình mà cậu cảm nhận được, đó chính là hình ảnh sư phụ, người đang đứng trên hiên ánh mắt nhìn xa xăm ngóng cậu về.

Kpang lảm nhảm trong miệng, thốt ra câu nói tận đáy lòng mình, rất khẽ:” Sư phụ! Con sẽ mang thuốc về cho thầy!”

Đôi mắt cậu chớp chớp mấy nhịp, rồi mệt mỏi khép lại. Hơi thở yếu dần đi, chân tay không còn cảm giác. Chiếc áo sơ mi cũ cậu mặc trên người, thoáng chốc loang lổ đầy máu.

Kpang nằm giữa màn trời đêm, nơi chỉ có những tiếng côn trùng kêu rả rích. Và cả tiếng gió gào thét dữ dội, trong đêm sương thanh vắng.

Xem Tiếp Chap 12 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn