Truyện ma Việt Nam : "Ma Trành - Những Vong Hồn Bị Hổ Ăn Thịt" Chap 1

 𝐌𝐚 𝐓𝐫𝐚̀𝐧𝐡 – 𝐍𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐯𝐨𝐧𝐠 𝐡𝐨̂̀𝐧 𝐛𝐢̣ 𝐡𝐨̂̉ 𝐚̆𝐧 𝐭𝐡𝐢̣𝐭

________________________________

Tác Giả : Thảo Trang

Phần dẫn

Từ xưa đến nay, trong thế giới tâm linh của người Việt không hề thiếu những loài ma quỷ được hình thành từ những oan hồn bị chết thảm nơi rừng sâu, con suối. Người bị chết dưới sông thì trở thành ma da, có nơi gọi là ma nam, người bị chết vì treo cổ thì hóa thành ma thần vòng chuyên tìm kiếm những người hợp mạng để thí mạng cho chúng. Thế nhưng, còn một loại ma nữa, tuy ít người biết đến nhưng cũng gây nên nỗi khiếp sợ cho dân ta thuở trước. Ấy là ma trành.

Nhắc đến ma trành, cũng có nghĩa là nhắc đến nỗi kinh hoàng thực sự của những người sống nơi rừng thiêng nước độc. Người ta kể cho nhau nghe rằng, ma trành là vong hồn của những người bị hổ vồ mà chết, khi mà số còn chưa tận. Ma trành đi theo để bảo vệ cho chính con hổ đã từng xơi tái mình, chúng bám vào đuôi con hổ, hầu hạ và giúp cho nó tránh khỏi các tai ương, cạm bẫy của con người. Người Mường trên mạn ngược còn cho rằng, ma trành còn có nhiệm vụ dụ dỗ con người đi lạc vào trong rừng sâu để hổ dễ bề ăn thịt. Người này biến thành ma trành, lại dụ dỗ người kia, cứ như thế...tạo thành một vòng luẩn quẩn không hề có điểm dừng.

Xưa kia, truyện ma trành còn được nhiều người biết đến. Thế nhưng sau này, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, người đã từng nghe thấy tiếng hổ gầm còn hiếm, nói gì đến việc bị hổ vồ rồi hiện thành thiếu nữ xinh đẹp đi dụ dỗ những tiều phu vào rừng lấy gỗ? Ấy thế mà, ma trành vẫn có... Chúng trở thành một “đặc sản tâm linh” của những vùng núi dọc từ mạn Hòa Bình về tới tận Thanh Hóa, mà người ta chỉ kể cho nhau nghe những lúc trà dư tửu hậu, bên bếp lửa bập bùng.


................................................
Cuối năm 2015, trời rét đến cắt da cắt thịt, trong một ngôi làng nhỏ của người Kinh sống nằm bên một cánh rừng bỗng dưng xuất hiện hai người thanh niên trẻ tuổi. Người trong làng thấy có người lạ ghé thăm tuy không lấy làm lạ, nhưng cũng không ngăn nổi bản tính tò mò dõi theo hai người kia. Hai chàng trai trẻ hỏi thăm con đường đến nhà trưởng làng, lũ trẻ con nhiệt tình dẫn họ đến tận nơi.

Trưởng làng lúc ấy là ông Trần Văn Quang, thấy có khách đến nhà bèn pha trà mời nước. Sau vài câu hỏi thăm xã giao, ông Quang mới biết hai chàng trai trẻ kia tên là Tùng Anh và Đức Anh, vốn là bạn thân với nhau trong trường đại học, cả hai muốn tìm đến ngôi làng này để thuê đất, dựng nhà, làm thành một căn nhà homestay.

Ông Quang làm trưởng thôn đã hơn chục năm, người từ nơi khác đến đây để mua đất làm trang trại thì nhiều, nhưng homestay là gì thì ông không hề hay biết. Đức Anh nghe thấy ông băn khoăn thì bật cười:

“Bác Quang ơi! Thực ra homestay chỉ là một căn nhà kinh doanh dịch vụ du lịch thôi. Hoàn toàn không phải thứ gì đó to tát đâu. Khách đến ở vài hôm, ngắm cảnh, ăn uống rồi đi thôi... chẳng ảnh hưởng gì đến bà con trong làng cả.”

Ông Quang nghe thấy thế thì hỏi lại:

“Nhưng... chỗ này làm gì có cảnh đẹp gì hùng vĩ mà các cậu nói là du lịch? Sao không về mạn Ninh Bình ấy, chỗ ấy thiếu gì? Sao lại lặn lội vào đây?”

Đức Anh và Tùng Anh nhìn nhau một lúc, rồi một trong hai người lấy từ trong balo ra một tấm ảnh. Trong bức hình chụp một ngôi nhà bên cạnh cái hồ nhỏ, nhà làm bằng gỗ, bên cạnh có cây hoa giấy màu đỏ nở rực rỡ một góc trời. Căn nhà nằm trên một vùng đất trống trải, xung quanh chẳng hề có hàng xóm kế bên.

Ngoài cảnh vật nên thơ thì chẳng có gì khác nữa. Điều quái lạ nằm ở chỗ, mặc dù nơi này là khu vực sinh sống của người Kinh, nhưng kiến trúc của ngôi nhà nửa nhà sàn, nửa nhà bằng đá. Những ống trụ của ngôi nhà thay vì làm bằng gỗ, thì người ta xếp những phiến đá lại với nhau. Điều đó vô tình khiến cho kiến trúc của căn nhà trở nên lạ mắt. Thu hút cả những sinh viên khoa kiến trúc như Tùng Anh và Đức Anh. Ông Quang vừa trông thấy bức hình thì đã giật mình hỏi lại:

“Sao các cậu lại có bức hình này?”

Tùng Anh trả lời:

“Một người quen của cháu khi đi phượt đến đây thấy ngôi nhà này đẹp quá nên chụp lại. Anh ta còn nói rằng, căn nhà này vốn dĩ bỏ hoang, lại gần nơi sinh sống của làng ta, cho nên chúng cháu mới tới tận đây để hỏi thăm.

Nếu như chủ nhà đồng ý thì chúng cháu sẽ thuê để kinh doanh. Ngoài căn nhà trong hình, chúng cháu sẽ xây thêm một vài căn khác để tiện cho việc phục vụ. Khung cảnh nơi đây đẹp thế này, không khai thác cũng phí...”

Chưa để cho Tùng Anh nói hết lời, ông Quang vội vàng xua tay:

“Các cậu đi đi! Không thuê nổi căn nhà này đâu.”

Đức Anh vội vã:

“Sao lại thế ạ? Nếu chủ nhà lấy giá cao thì chúng cháu có thể thương lượng. Cháu có tiền...”
Ông Quang cười khan:

“Không phải vấn đề vì tiền, mà là vì chủ nhân của căn nhà này đã chết từ lâu lắm rồi.”
“Người đó không có con cháu gì sao bác?” Tùng Anh tỏ ý băn khoăn.

“Không! Bà ta chết năm 90 tuổi. Chết cách đây hơn 40 năm rồi. Lúc ấy tôi mới mười hai tuổi, giờ tôi đã năm mươi hai. Ngay cả đám ma của bà ta dân trong làng cũng phải làm giúp... Bao nhiêu năm nay căn nhà vẫn thế. Không ai dám lai vãng lại gần, từ lũ trẻ con trong làng cho tới đám thanh niên nghiện ngập. Người làng chúng tôi đã sợ như thế, các cậu làm sao có thể làm ăn sinh sống trong căn nhà đó được. Tốt nhất là đi về đi...” Ông Quang thở dài.
Hai cậu thanh niên nghe thấy thế thì ngẩn người nhìn nhau. Một người rụt rè hỏi lại:
“Căn... căn nhà đó có ma hả bác?”

Ông Quang cười khan:

“Còn hơn cả ma nữa. Các cậu đi đi! Đi nơi khác mà làm! Tốt nhất là đừng bao giờ ghé qua nơi này nữa.”

Nói xong, ông Quang đứng dậy bước vào gian nhà trong. Chủ nhà đã tỏ ý đuổi khách rất rõ, hai cậu thanh niên kia đành thở dài rồi rời đi. Khi đã ra khỏi cửa nhà ông trưởng làng, Tùng Anh lúc này mới mở lời:

“Mày thấy sao? Tình hình này có vẻ khó đấy. Hiếm hoi lắm mới tìm được căn nhà có địa thế đẹp như thế, lại ở ngay ven hồ nước nhỏ. Thuê được chỗ này cũng có nghĩa là mình sẽ bớt được hẳn khoản tiền xây dựng cảnh quan.”

Đức Anh rút trong túi áo ra điếu thuốc lá, châm lửa cho mình rồi quăng sang cho bạn:
“Ông trưởng làng nói như thế ắt hẳn đằng sau phải có chuyện gì đó. Nếu vậy thì mình đi hỏi người dân quanh đây trước”

Nói là làm, cả buổi sáng và trưa ngày hôm đó, hai cậu thanh niên đi khắp làng để dò hỏi về căn nhà ven hồ kì quái kia. Ban đầu thấy thái độ của hai chàng trai trẻ tuổi lễ phép, dân trong làng cũng vui vẻ nói chuyện. Ấy vậy mà khi cả hai hỏi thăm về căn nhà ven hồ kia, thì ai nấy đều lảng sang chuyện khác. Thậm chí có người còn bỏ đi luôn, ngay cả nhắc đến căn nhà người ta cũng không dám.

Mất nửa ngày trời mà chẳng thu hoạch được gì, trong lòng hai chàng thanh niên sinh lòng chán nản. Tùng Anh tỏ ý muốn ra về, nhưng Đức Anh thì vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Từ trước đến giờ, chưa có chuyện gì mà nó chịu thua trước khi cố gắng đến cùng. Kế hoạch làm homestay này cũng chính là giấc mơ nó ấp ủ bấy lâu nay. Tùng Anh nhìn thằng bạn thân chí cốt rít thuốc lá liên tục rồi chợt thở dài.

Cả hai chơi thân với nhau từ bé, nó không lạ gì tính khí của Đức Anh. Nhà thằng bạn giàu nứt đố đổ vách, bố mẹ nó chuyên kinh doanh bất động sản để cho thuê. Mấy lần hai ông bà bảo nó về tiếp quản công ty của gia đình, nhưng Đức Anh từ chối. Nó muốn tự mình bươn trải ra ngoài cuộc đời, để xem xem bản thân mình có thể làm được gì nếu không nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ.

Có lần chính Đức Anh từng tâm sự, bản thân nó từ nhỏ đã trở thành cái bóng của bố mẹ mình. Nó học giỏi thì người ta bảo rằng nhớ có bố mẹ nên nó mới có thể đạt được kết quả như thế. Nó chơi thể thao, đạt thành tích tốt thì nhiều kẻ gièm pha nói rằng bố mẹ nó mua giải cho con. Đức Anh không hề bất mãn, nhưng thực ra trong lòng cũng chẳng vui vẻ chút gì. Thế là năm thứ tư đại học, nó gom góp toàn bộ số tiền dành dụm rủ thằng bạn thân ra ngoài làm ăn.

Những khu vực như Tam Đảo, Sa Pa, Ba Vì thì mức giá đầu tư quá đắt, lại thêm dịch vụ ở đây đã quá nhiều sự cạnh tranh, cho nên muốn thành công bắt buộc phải khai phá những vùng du lịch mới. Ngôi làng này tuy xa Hà Nội nhưng lại có cảnh quan đẹp, đường đi lối lại thuận tiện. Có nằm mơ Đức Anh cũng không nghĩ rằng có thể tìm được một khu vực lý tưởng đến thế. Nếu như giờ đây mà phải bỏ đi thì thực là đáng tiếc. Nghĩ thế nên buổi chiều ngày hôm ấy, cả hai quay lại nhà ông trưởng làng. Vừa nhìn thấy Đức Anh, ông Quang đã chẹp miệng:

“Hai cậu vẫn chưa đi à? Sao còn nấn ná ở đây làm gì?”

“Bác! Bác có thể kể cho chúng cháu nghe lịch sử của căn nhà đó được không? Cháu thực sự muốn biết. Cháu bảo đảm sẽ không đem chuyện này đi kể lung tung...” Đức Anh khẩn khoản trả lời.

Trước thái độ lễ phép nhã nhặn của cậu thanh niên, ông Quang chỉ đành thở dài rồi bước vào trong. Cả hai chàng trai vội vã bước theo sau, Tùng Anh mang từ trong túi ra một con vịt quay, cùng một chai rượu nếp. Trời mùa đông lạnh lẽo, ông Quang lặng lẽ xách thêm một bếp than vào bên trong. Đoạn lại vất lên bếp vài củ khoai mập mạp. Bầu trời sẩm tối rất nhanh, chẳng mấy chốc màn đêm âm u đã buông xuống.

Trong căn nhà nhỏ của ông Quang có ba người đàn ông ngồi uống rượu. Khi đã ngà ngà say, ông Quang rít một hơi thuốc thật dài rồi nhả ra làn khói trắng. Đức Anh và Tùng Anh chăm chú nhìn ông. Giọng ông Quang chậm rãi:
“Các cậu có tin rằng trên đời này có ma không?”

Tùng Anh nhíu mày:

“Ma thì cháu từng nghe kể đến nhiều, nhưng chưa từng gặp. Nhưng mà trong nhà đó có người chết oan hiện hồn về hay sao hả bác? Nếu vậy thì chỉ làm lễ cầu siêu là xong thôi mà.”
Ông Quang cười nhạt:

“Đơn giản như thế thì nói làm gì? Loài ma mà tôi đang nhắc đến ở đây... có khi nhiều người còn chưa nghe tới.”

“Ma gì mà quái dị vậy?”

Ông Quang uống cạn chén rượu, lấy mu bàn tay quẹt ngang miệng rồi trầm giọng đáp lời:
“Ma trành! Các cậu có biết không?”

Thấy cả hai người thanh niên trước mặt không nói gì, ông Quang lại cất giọng:

“Ma trành là vong hồn của những người bị hổ ăn thịt mà hóa thành. Chúng không giống như loài ma da ở dưới nước, hay ma đường tàu chỉ cần bắt được người hợp vía thế mạng cho mình là có thể siêu thoát. Ma trành mãi mãi không được siêu sinh...”

“Chủ nhân của căn nhà này” Ông Quang gõ ngón tay xuống tấm ảnh “đã chết bởi thứ ma như thế. Cái chết của bà ấy... cho đến giờ nhiều đêm tôi vẫn giật mình nhớ lại.”

Dường như đã lâu lắm rồi, ông Quang không có người để trút bầu tâm sự. Như để tiếp thêm tinh thần, ông Quang uống cạn chén rượu, rồi cất giọng chậm rãi:

“Chuyện xảy ra cũng lâu rồi...”

xem tiếp chap 2 : Tại đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn