Có câu rằng: “Cày cấy bao nhiêu, thu hoạch bấy nhiêu”, “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, hết thảy những sự tình chúng ta gặp phải trong đời đều không hề ngẫu nhiên, nó chính là kết quả từ những “nhân” mà ta đã gieo từ trước.
Phúc báo của con người là dựa vào “tài năng” hay “nỗ lực”? Xưa nay có rất nhiều người tài giỏi, nhưng lại luôn gặp phải chuyện bất hạnh, những sự tình tưởng như là không thể, nhưng lại xuất hiện ở trên thân của anh ta. Người khác dù muốn giúp cũng không thể giúp được, cuối cùng phải chịu cảnh cô độc, đau khổ thất vọng.
Trên đời này, vì sao lại có người xúi quẩy như vậy? Kỳ thực, không có gì là vô duyên vô cớ, thiếu nợ thì phải hoàn trả, phúc báo là từ tích đức mà đến, khổ đau chính là do nợ nghiệp. Thay đổi hành vi, làm nhiều việc thiện, thì mới có thể thay đổi được phần nửa cuộc đời còn lại của mình.
Văn võ song toàn nhưng thi cử không đỗ đạt
Triều đại nhà Thanh có một người tên Lý Bân Như, là người rất có học thức, hơn nữa lại tinh thông võ nghệ, có thể nói là “văn võ song toàn”. Chỉ tiếc rằng anh ta thời vận không tốt, suốt 20 năm tham dự các kỳ thi, lần nào cũng tràn đầy tự tin nhưng cuối cùng vẫn thất bại trở về.
Thất bại nhiều lần trong các cuộc thi văn, Lý Bân Như quay sang ứng thí võ nghệ, và không ngoài dự đoán anh đã giành được thứ hạng cao ở quê nhà. Mọi người đều cho rằng khi anh lên kinh thành dự thi chắc chắn sẽ đỗ đạt.
Vào ngày thi trời đột nhiên đổ mưa to. Lý Bân Như sau khi nhận bài thi liền đi đến chỗ ngồi. Anh để bài thi trên bàn rồi cúi xuống chỉnh lại đôi giày, nhưng lúc ngẩng đầu lên, thì không thấy bài thi đâu nữa, điều này khiến anh ta vô cùng bối rối, rõ ràng là đặt bài thi ở trên bàn, nhưng chỉ trong nháy mắt đã không thấy đâu.
Anh ta lập tức đứng dậy tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy. Hóa ra, bài thi bị rớt xuống đất, nhưng anh ta không để ý, trong lúc tìm kiếm vô tình lại dẫm lên bài thi, thảm hại hơn là bài thi đã bị chiếc giày của anh ta dẫm cho nhàu nát. Lúc Lý Bân Như phát hiện sự việc thì đã vô phương cứu chữa.
Anh ta khóc lóc bẩm báo với quan chủ khảo. Quan chủ khảo tuy đồng tình với anh ta nhưng lại lực bất tòng tâm, bởi vì xưa nay chưa từng xảy ra chuyện này, lại càng không có tiền lệ đổi bài thi, cho nên đành phải mời anh ta ra khỏi trường thi.
Sau đó, Lý Bân Như lại tiếp tục tham gia cuộc thi võ nghệ, nào ngờ con ngựa mà anh cưỡi bị ngã và bị thương phần eo, nên anh ta không có cơ hội để tham dự nữa. Từ đó trở đi, Lý Bân Như phải trải qua cuộc sống nghèo khó thất vọng.
Bạn bè thân thích của anh thấy vậy chỉ biết thở dài, họ khuyên anh hãy đến các ngôi làng để dạy học. Anh thấy vậy cũng là cách hay, liền cõng theo rất nhiều sách đi đến một thôn trang nọ, dự định sẽ chuyên tâm dạy học, phát huy tài năng của bản thân mình.
Nào ngờ bất hạnh vẫn đeo bám tới cùng. Nửa đêm hôm đó, mưa lũ bất ngờ kéo đến cuốn trôi hết thảy mọi thứ, bao nhiêu hành lý cùng sách vở đều bị mất sạch, anh ta may mắn giữ được cái mạng, nhưng từ đó lại trở về cuộc sống nghèo khó, khốn cùng.
Tri phủ hỗ trợ cũng tốn công vô ích
Năm đó tri phủ Trương Hóa Bằng, một người rất hâm mộ tài năng của Lý Bân Như, được thăng nhiệm lên chức Vận ti ở Quảng Đông. Lý Bân Như trong lòng ôm hy vọng nên đã ngàn dặm xa xôi, trèo đèo lội suối đến Quảng Châu cầu kiến Trương Hóa Bằng. Không ngờ, Trương gia đang có tang sư, Trương Hóa Bằng đã phải trở về quê mấy ngày.
Lý Bân Như kiên nhẫn đuổi theo đến nửa đường, thì gặp được Trương Hóa Bằng. Sau khi gặp lại, Trương Hóa Bằng rất cảm thông cho anh ta, nhưng cũng thấy thật khó hiểu: “Sao lại thế nhỉ? Một người tài hoa như ngươi, sao lại đến cảnh bần cùng đến vậy. Ta hiện đang giữ tròn đạo hiếu, không thể tiến cử ngươi, nhưng con trai lớn của ta làm quan ở Hàng Châu, trong phủ cũng đang thiếu người. Ta sẽ viết một bức thư, ngươi mang theo rồi đi tìm nó. Ngươi tạm thời ở Hàng Châu an thân cũng không có vấn đề gì”.
Lý Bân Như vô vàn cảm kích, cầm tín vật đi tới Hàng Châu. Không ngờ, con trai của Trương Hóa Bằng nhiễm bệnh tình trạng nguy cấp, chưa kịp nhìn thấy tín vật của phụ thân, đã vội qua đời.
Lúc này, Lý Bân Như đang ở nơi đất khách, không quen biết ai, giống như đã đến đường cùng, ngửa mặt lên trời than trách số phận, tiếc cho một đời bản lĩnh lại gặp quá nhiều chuyện không may, vận xui đều đổ lên đầu.
Tích đức làm việc thiện thay đổi vận mệnh
Bỗng nhiên, anh ta thấy một vị trưởng lão râu tóc bạc phơ, trông rất hòa ái dễ gần, liền nhịn không được mà khóc lóc kể hết những nỗi bất hạnh của cuộc đời mình cho ông lão, còn bất bình nói: “Trời xanh thật không có mắt! Tôi cả đời chưa từng làm chuyện gì xấu, nhưng tại sao lại gặp quá nhiều tai họa, cứ hết lần này lại đến lần khác. Thiên lý rốt cuộc là ở đâu?”
Trưởng giả nghe anh ta nói xong, liền khuyên nhủ: “Không phải đâu, ông trời từ bi với chúng sinh, nào có thiên vị ai? Kiếp này phúc lộc thọ của một người đủ đầy đều là do kiếp trước hoặc lúc trước tích đức làm việc thiện mà thành; còn như rơi vào cảnh cơ hàn cũng là kiếp trước hoặc lúc trước từng tạo nghiệp mà ra.
Ngươi nói kiếp này mình không làm điều ác, nhưng kiếp trước ngươi có thể đã từng làm điều ác, hoặc tự cao tự đại, luồn cúi nịnh bợ, hãm hại lừa gạt, không quan tâm đến nỗi khổ của người bị hại, làm ác còn đắc chí. Hôm nay chẳng qua là cho ngươi hiểu được những đau khổ mà ngươi từng gây cho người khác mà thôi. Đây gọi là báo ứng, không có gì là oan ức hết.
Nếu như đời này những vận rủi mà ngươi gặp phải mà vẫn chưa đủ để trả hết nợ trong quá khứ, như vậy kiếp sau sẽ vẫn phải tiếp tục chịu khổ để hoàn trả, đến khi nào trả xong hết mới thôi. Ta khuyên ngươi, chỉ có lập tức tỉnh ngộ, từ giờ trở đi không oán hận nữa, hãy nuôi dưỡng thiện niệm, làm nhiều việc thiện giúp người, đọc sách hay, làm một người tốt, chính thức sám hối sửa đổi mới có thể biến hung thành cát, không phải chịu khổ nữa”.
Lý Bân Như nghe xong tựa tiếng sấm bên tai, lập tức tỉnh ngộ, từ đó về sau lúc nào cũng cảnh tỉnh bản thân, tuân theo lời khuyên của lão nhân, tích đức làm việc thiện, cứu giúp người khác, về sau quả nhiên đỗ tiến sĩ, tuổi già trôi qua bình an, không còn gặp vận rủi nữa.
Tổng Hợp
Đăng nhận xét