𝗡𝗴𝘂̉ 𝗖𝘂̀𝗻𝗴 𝗡𝗴𝘂̛𝗼̛̀𝗶 𝗖𝗵𝗲̂́𝘁
𝗡𝗴𝗼𝗮̣𝗶 𝘁𝗿𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗽𝗵𝗮̂̀𝗻 𝟮: 𝗛𝗼̂̀𝗻 𝗠𝗮 𝗔 𝗣𝗵𝗼𝗻𝗴 𝗢̛̉ 𝗣𝗵𝗼́ 𝗕𝗮̉𝗻𝗴
Xem lại Ngoại Truyện 6 : Tại Đây
A Tú chưa kịp nói hết câu thì mụ đàn bà kia đã xông tới tát vào gương mặt cô thật mạnh. Cả A Phong và gã đàn ông cao lớn đều sững sờ. Thấy mẹ mình bị đánh, máu huyết trong người thằng bé sôi lên sùng sục.
Nó lấy cây cời bếp củi đang vất chỏng chơ giữa nền nhà, đâm vào tay gã đàn ông một cái đau điếng. Gã rú lên thảm thiết khiến cho đồng bọn của gã cũng phải giật mình. A Tú nhìn thấy máu chảy xuống nền đất thì bàng hoàng. Khi cô chưa kịp phản ứng gì thì gã đã ôm chầm lấy A Phong rồi biến mất vào màn đêm.
..................................................
Bị bắt đi đột ngột, A Phong giãy dụa đòi thoát thân nhưng bị gã đàn ông tên Phàm kẹp chặt vào người chạy huỳnh huỵch trong đêm. A Tú chạy theo đằng sau, gào lên gọi con. Người trong bản đều nghe thấy hết nhưng chẳng ai ra ứng cứu. Nói đúng hơn là họ không dám ra, bởi vì tất cả đều tin rằng quỷ tuyết đang bắt con mình trở về.
A Tú đạp đôi chân trần lên trên nền tuyết lạnh toát, cả người như điên như dại, miệng khản đặc gọi tên con nhưng không kịp. Một khúc gỗ ẩn mình dưới lớp tuyết mỏng, khiến cho A Tú bất thình lình vấp phải rồi ngã bổ nhào. Người thiếu phụ nằm gục xuống, khóc rưng rức đến mức ngất đi. Đến khi tỉnh lại thì thấy mình đã nằm trong nhà, vợ chồng ông thầy mo trong làng thương tình chạy đến cứu giúp. A Tú muốn nhào đi tìm con, nhưng những kẻ ấy là ai, cô chẳng hề biết.
Chúng nói rằng chồng cô là Mộc Tang nợ tiền đã lâu, nhưng khốn nỗi A Tú chẳng biết gì về chuyện đó. Cô chỉ biết chồng mình thuộc dân tộc Tạng, làm nghề buôn bán hàng hóa qua biên giới, sau này không may bị tai nạn mà mất đi. Còn những việc khác cô đều chẳng hề biết đến. Đến giờ phút này, đứa con trai duy nhất của cô cũng bị bắt đi, A Tú chẳng còn thiết sống nữa. Cô đập đầu vào tường đòi chết theo con, những lúc không muốn chết thì lại muốn bổ đi tìm thằng bé. Nhưng đường đi lối lại cô chẳng hề biết, chỉ sợ chưa tìm thấy con thì cô đã bỏ mạng giữa đường.
Lại nói đến chuyện A Phong lúc ấy, thằng bé bị hai người kia bắt đi giữa đêm hôm rồi ném nó vào trong một chiếc thùng xe với một bịch lương khô. A Phong đập cửa ầm ầm, chửi bới hai kẻ lạ mặt. Nhưng chúng cứ tảng lờ không nghe thấy gì. Phải đến khi đến gần biên giới, mụ đàn bà tên Sảng mới mở thùng xe cho A Phong uống một viên thuốc ngủ rồi bế nó vào lòng, qua mặt cán bộ hải quan và bảo rằng con mình bị sốt, nằm ngủ li bì.
Cán bộ hải quan dù thoáng nghi ngờ, nhưng nhìn thấy đường nét trên mặt thằng bé này quả thực không giống với mấy đứa trẻ người Việt, lại thêm nước da nhợt nhạt nữa nên cũng miễn cưỡng cho ba người kia đi qua. A Phong bị bắt cóc sang Trung Quốc kể từ đó.
........................................................
Từ ngày đứa con trai độc nhất của A Tú bị bắt đi. Người trong bản trở nên hòa nhã hơn với A Tú. Người ta nghĩ rằng, quỷ tuyết đã thành công bắt được con thì cũng đồng nghĩa với việc họa hại trong bản đã sớm chấm dứt. Vậy nên người ta bắt đầu nói chuyện lại với cô, thỉnh thoảng bọn trẻ con lại chạy sang bên hông nhà hái mấy quả hồng vàng rộm, nơi mà trước đây chúng chẳng hề bén mảng. Không ai nhắc đến A Phong nữa, thằng bé tựa như một cơn gió thoảng qua rồi biến mất.
............................................
Hết đông rồi sang xuân, những rẻo núi cao lại bắt đầu khoác lên mình tấm áo hồng rực của sắc hoa đào sặc sỡ. Ánh nắng nhàn nhạt chiếu vào bên trong căn nhà nhỏ của A Tú.
Ai đã từng đến căn nhà của một người H’Mông sẽ đều biết rõ, kiến trúc nhà trình tường của những người nơi đây đều rất đặc biệt. Những ngôi nhà ở bản của nó luôn tựa lưng vào núi, mặt quay ra thung lũng hoặc khe suối để đón ánh mặt trời. Xung quanh nhà luôn luôn có hàng rào đá cao ngang ngực người.
Cửa nhà lúc nào cũng mở vào bên trong, then cài cửa được làm bằng gỗ, vót cong tạo thành hình thù giống hệt một cái sừng trâu. Đẩy cánh cửa gỗ để bước vào nhà sẽ gặp một cái ngưỡng cửa cao hơn đầu gối một chút. Những nhà nào có ma, thầy mo trong bản sẽ cúng khấn rồi đi một vòng xung quanh căn nhà để cho bó nhang trên tay thấm đẫm vào từng ngóc ngách, từ đó mà ma quỷ không dám lại gần. Ông thầy mo trong bản hay nói như vậy.
Cô đang ngồi nhặt từng đụn ngô để chuẩn bị nấu nướng. Mới sáng sớm hôm nay, con chim khách đậu trên cành đào cổ thụ bên chái nhà đã kêu chiêm chiếp. A Tú bước ra ngưỡng cửa bên ngoài để nghe cho kỹ, cô đã ngồi cả đêm hôm qua để ngóng đợi con về. Từ ngày mất con trai cũng đã gần hai năm, một tháng có ba mươi ngày thì A Tú ngủ gục ở cửa để chờ con hết gần nửa tháng. Thời gian thấm thoát thoi đưa, thằng bé con mất tích cũng vừa tròn sáu, bảy năm. Nếu còn sống thì giờ này nó cũng gần mười tuổi.
Mải suy nghĩ, A Tú bỗng nhiên sực nhớ tới Mộc Tang trước đây hay đi cùng với mấy người Kinh lên cửa khẩu thường bảo: Nếu như chim khách kêu thì đó là điềm báo nhà sắp có khách đến.
A Tú ngẩn ngơ nhìn con chim, cho đến khi nó bay vút đi, cô lại vào ngồi trong ngưỡng cửa để chờ đợi. Tối hôm đó, gió lạnh lại đến bất ngờ, thổi thốc vào trong căn nhà tàn tạ. A Tú đang nằm bên bếp củi thì có một thằng bé chạy vào, hơi thở từ miệng của nó bốc lên thành một làn khói trắng. Nó hét vang:
“Mẹ! Mẹ ơi! Con đã về! Con về rồi đây.”
Nghe thấy tiếng động, A Tú giật mình nhổm dậy để nghe ngóng. Ngỡ là mình nghe nhầm, cô toan nằm xuống thì thằng bé kêu lên:
“Mẹ ơi!”
Lần này thì A Tú phát nhận ra giọng của con trai mình. Cô ngỡ ngàng nhìn nó, dường như không tin nổi vào mắt mình, rồi khẽ thì thầm:
“A... Phong?”
Thấy mẹ gọi đúng tên mình, thằng bé òa lên khóc, chạy lại ôm chầm lấy mẹ. A Tú không dám tin đây là sự thật, cô ôm con bật khóc:
“Làm... làm sao mà con về được đây? Mẹ... mẹ tưởng con bị... bị...”
A Phong thổn thức trả lời:
“Con xin chúng nó về... Lão Phàm với mụ Sảng cho con về.... Nhưng mà...”
Thấy A Phong ngập ngừng không nói, A Tú càng thêm phần lo lắng. Cô đóng cửa rồi cài then lại thật cẩn thận, đoạn lại ngồi xuống đối diện với con trai. A Phong lúc này mới nhìn ra bên ngoài rồi thì thào kể lại. Vào đúng cái đêm bị bắt cóc mang qua biên giới, khi thằng bé tỉnh dậy thì đã thấy mình đang ngồi trong chiếc xe đỗ trước cửa một cửa hàng bán mì nằm giữa khu chợ biên giới.
Mùi xào nấu thơm lừng bốc ra ngoài khiến thằng bé cảm thấy đói bụng cồn cào, nó toan chạy xuống để tìm cái ăn thì phát hiện cửa xe đã khóa chặt. Cơn đói, cơn tức giận cộng hưởng với nỗi nhớ mẹ khiến cho thằng bé gần như phát điên. Nó đá rầm rầm vào trong cửa xe ô tô khiến ai qua đường cũng đều chú ý.
Một vài phút sau đó, lão Phàm mở cửa rồi nhấc bổng nó vào bên trong, không quên tát cho nó hai cái sưng vù má. A Phong bị ném xuống một cái ghế, gã đầu bếp béo ục ịch mang đến một bát mì loang loáng mỡ. Thứ này không hợp với khẩu vị của A Phong, nhưng vì đói quá nên thằng bé chén sạch. Nó xin thêm bát nữa, Phàm gật đầu đồng ý.
Mụ Sảng lúc này mới thì thầm với Phàm:
“Sao rồi? Có bán thằng này đi không? Con trai có giá lắm đấy...”
Phàm lưỡng lự chưa biết trả lời thế nào thì A Phong đã hất tung bát mì nóng bỏng vào mặt gã. Bị tấn công bất ngờ, Phàm luống cuống chưa kịp làm gì thì A Phong đã chạy thẳng ra ngoài, nhưng chẳng chạy được mấy bước chân thì đã bị thằng béo đầu bếp bắt lại. A Phong đập thật mạnh vào người gã, vừa chửi vừa văng tục. Gã béo đáp trả lại bằng tiếng Trung, A Phong không hiểu nổi.
Mụ Sảng cười nhếch mép:
“Này Phàm! Anh có đệ tử rồi đấy.”
Kể từ câu nói ấy, cuộc đời của A Phong chính thức thay đổi. Hai người này đưa thằng bé về nhà, cho nó ngủ trong một căn phòng chật chội và tạm bợ. A Phong muốn trốn khỏi, nhưng cái lạnh của trời đổ tuyết bên ngoài khiến thằng bé không thể nào chống chọi được. Nó quấn mấy lớp chăn rách rưới vất dưới sàn, toàn thân run lên cầm cập vì nhớ mẹ. A Phong chắc mẩm trong bụng rằng, giờ này mẹ nó cũng không thể nào ngủ được.
Mấy ngày hôm sau, mụ Phàm dẫn về một đứa bé gái tầm mười mấy tuổi. Con bé biết nói tiếng Việt, nó được nhốt chung với A Phong với nhiệm vụ: Dạy cho thằng bé này biết đọc, biết viết.
A Phong từ trước đến giờ đã được cán bộ ở Phó Bảng dạy chữ, nhưng thấy mụ Phàm và lão Sảng nói vậy, nó cũng giả bộ ngó lơ. Vì trong thâm tâm nó vẫn không muốn trải qua những ngày tháng buồn tẻ trong căn nhà này một mình. Con bé được dẫn đến tên là Phương, được một người trong đường dây của Phàm mua về để nuôi nấng. Phương nói với A Phong rằng, quê mình ở mãi Đà Nẵng chứ không phải ở đất nước xa lạ này.
Đà Nẵng ở đâu, A Phong không biết. Phương kể rằng quê mình có biển xanh như ngọc, có bãi cát dài trắng xóa chạy song song với đường chân trời. Hai đứa rủ rỉ rù rì ngồi nói chuyện với nhau tới tận khi trời sáng. Thực ra mụ Sảng cho A Phong được học chữ chẳng phải vì mục đích tử tế gì.
Chỉ đơn giản, mụ muốn đào tạo cho mình một thằng bé đắc lực trên con đường tìm kiếm “hàng”. Ban đầu lão Phàm định đào tạo cho A Phong học nghề móc túi, nhưng mụ Sảng không đồng ý. Mụ nói rằng thứ nghề ấy chỉ là hạng trộm cắp cỏn con, chẳng kiếm được bao nhiêu tiền. Cách hay nhất là cả ba người đóng giả thành một gia đình, có như thế thì mới dễ dàng lừa đảo người khác.
Ai mà có thể nghĩ rằng một kẻ lừa đảo lại dẫn theo một đứa trẻ con? Chính vì thế mà mụ bắt A Phong phải gọi mụ là mẹ, gọi Phàm là bố. Không biết là lời mụ Sảng nói đúng, hay là “vận khí của A Phong làm cho công việc của mụ tốt hơn, nhưng kể từ khi có thêm thằng bé, số lượng người bị lừa bán sang biên giới của Phàm và Sảng đã quá hai bàn tay.
Thủ đoạn lừa đảo cũng vô cùng đơn giản, A Phong sẽ được dẫn đến những hàng quán hoặc bến xe khách ở Việt Nam, hễ thấy có đứa trẻ con nào đứng một mình là phải chạy lại để làm quen. Gương mặt của thằng bé vốn khôi ngô lạ thường, lại ăn nói dễ thương nên đứa bé nào cũng thích.
Ở trong một góc kín đáo, Phàm và Sảng sẽ quan sát. Khi đứa bé mục tiêu bắt đầu lơ là cảnh giác, A Phong lấy kẹo ra để mời nó ăn, hoặc dùng khăn tẩm thuốc mê đến khi nó ngất xỉu. Ngay lập tức Phàm sẽ chạy thật nhanh ra để ôm đứa bé vào xe, phóng đi mất hút. Kế hoạch tưởng chừng có vẻ đơn giản và đầy lỗ hổng, nhưng thực ra tỷ lệ thành công lại cực cao. Thậm chí có lần cả bọn còn lừa được mấy cô bé nữ sinh cấp ba qua biên giới để bán vào nhà thổ.
Tiếng khóc nức nở, ánh mắt đầy oán hận của những người ấy như hằn sâu vào tâm can của A Phong. Mỗi lần lừa đảo xong một người, thằng bé đều được Phàm và Sảng cho ăn uống rất ngon, lại được mua quần áo mới. Không một ai biết rằng, khi màn đêm buông xuống, nó vẫn không thể nào ngủ nổi. Nó nhớ về bờ tường rào bằng đá, nhớ cây hoa đào hồng rực trước sân nhà, nhớ về mẹ nó. Nó tưởng rằng mình sẽ không thể nào gặp lại mẹ mình nữa, cho đến một ngày nọ. Hôm ấy... nó ngủ cùng với người chết.
.........................................................
Xem Tiếp Chap 8 : Tại Đây
Đăng nhận xét