Truyện ma Việt Nam "Trùng Tang" Chap 4

 TRÙNG TANG LIÊN TÁNG 3

Chap 4: Cầu Hồn

Xem Lại Chap 3 : Tại Đây

Tôi chạy vào nhà lấy xe chở mẹ qua nhà cô Hiên, xem có phụ giúp được gì hay không. Cụ Cẩn năm nay gần 80 tuổi, sống được đến tầm này cũng được gọi là thọ. Bình thường tôi nghe mẹ kể cụ Cẩn yếu lắm, con cháu toàn phải bê cơm vào tận giường xúc cho ăn. Vậy mà chẳng hiểu sao đêm nay cụ lại đứng dậy được, còn đi ra giếng đến nỗi trượt chân té ngã xuống dưới, chết đuối.
Tôi chở mẹ đến cổng đã nghe trong nhà có tiếng khóc thút thít, người thì gọi mẹ, bọn nhỏ thì gọi bà…làm cho căn nhà ngói ba gian ảm đạm hẳn.
“ Thím Ngát đến đấy hử?” Tiếng bác Chiêu đứng trên hiên hỏi mẹ.
“ Vâng, em vừa nghe tin cô Hiên báo cụ Cẩn mất, nên bảo cháu Bình chở qua đây xem có giúp được gì không ạ?” Mẹ tôi đáp.
Bác Chiêu ngoắc tay gọi hai mẹ con tôi vào, chỉ tay xuống gian buồng nhà dưới, thở dài nói:” Đấy, mẹ tôi nằm dưới kia, cô vào nhìn mặt cụ lần cuối đi. Khi sống, mẹ tôi quý cô như con cháu trong nhà. Thấy cô đến chắc linh hồn mẹ tôi vui lắm.”


Mẹ gật đầu, tôi theo chân mẹ xuống nhìn mặt cụ Cẩn, người ta đặt cụ Cẩn ngay ngắn trên giường, xung quanh là con cháu vây kín. Tôi đi sát đến nhìn cụ, thấy cơ thể cụ Cẩn cong như con tôm. Hai cánh tay gầy trơ xương chỉ còn hộ da đen bóng co quắp khòng khoèo, cả hai chân cũng vậy, co lại cứng đơ, thoa dầu nóng nắn bóp cả giờ vẫn chưa duỗi ra được. Hôm chị Vân cũng vậy, nghe bảo những người chết dưới nước cơ thể khi vớt lên chân tay thường co quắp, mắt cụ trợn trừng, miệng há hốc, vuốt mắt mãi chẳng chịu nhắm.
“ Này, cô có ngửi mùi gì không?” Một người trong số con cháu của cụ Cẩn hỏi.
Người ngồi bên đáp:” Hình như em cũng thấy mùi thum thủm.” Nói xong cô ấy còn khịt khịt mũi, đầu lắc lư tứ phía xem mùi thum thủm aya phát ra từ đâu.
Con bé Nấm chỉ tay vào cụ nội, nói chắc như đinh đóng cột.” Là mùi trên cơ thể cụ, mẹ ơi, khi nãy con còn thấy cụ nội cười.”
Bác gai con dâu của cụ Cẩn, cũng là bà nội của bé Nấm, quay lại mắng cháu:” Con đừng nói bậy, cụ vừa mới mất làm sao cơ thể đã thối được. Chắc tối qua thằng Tính không dọn phân lợn, nên nó bay từ ngoài đó vào thôi.”
Con nít con nôi không được nói bậy.
Cô Hoa kéo đứa con gái 5 tuổi vào lòng, đưa ngón tay lên miệng suỵt dài một tiếng, dặn con bé đừng nói vậy nữa kẻo các bác mắng. Con bé ngây ngô đâu biết gì, nó đang ngủ say trong phòng bỗng thấy trong nhà nhốn nháo, ì sèo tiếng qua lại nó liền tỉnh dậy, bám mẹ từ khi kéo xác cụ Cẩn từ dưới giếng lên tới bây giờ.
“ Con thấy thật mà, cụ nhìn mọi người cười tươi lắm. Cụ bảo thèm cháo gà!”
Bao ánh mắt đổ dồn về hướng con bé, nhìn nó thắc mắc hỏi dồn:” Nấm, không được nói dối biết chưa con? Nói dối là hư là xấu, không ai yêu nữa đâu.”
Nó gục đầu vào ngực mẹ, hai mắt đỏ hoe rơm rớm nước mắt. Mẹ tôi thấy vậy bảo cô Hoa đưa con bé quay về phòng, chẳng gì nó còn quá nhỏ, không nên để nó chứng kiến cảnh này.
Hôm sau, đám tang cụ Cẩn diễn ra hết sức bình thường, không có bất cứ chuyện lỳ kỳ nào xảy ra. Những điều bé Nấm nói đêm qua là đúng, do mùi tử thi quá nồng nặc nên gia đình bác Chiêu quyết định đưa tiễn cụ Cẩn về nơi an nghỉ cuối cùng ngay sáng hôm sau. Cũng không hiểu vì sao cơ thể cụ Cẩn lại thối giữa nhanh như thế, thịt thà thâm đen sì như người bị trúng độc, trong khi cụ chết dưới nước. Điều này trái ngược hẳn với xác của chị Vân.
Đám ma đưa buổi sáng, buổi chiều bác Chiêu mời ông thầy pháp ở xã bên về nhà lập đàn cầu vong. Bác muốn hỏi xem cụ Cẩn ra đi còn tâm nguyện gì chưa hoàn thành, bác ấy và con cháu sẽ thay cụ làm cho xong. Có như thế cụ mới yên tâm mà ra đi, con cháu ở lại cũng không áy náy.
Ông thầy ngồi trước một bàn lễ vật được chuẩn bị khá tươm tất, dặn con cháu ngồi vây quanh đàn cúng, tí nữa vong cụ Cẩn lên, hợp vía ai sẽ nhập vào người đó nói chuyện. Ông ấy còn dặn thêm, khi nào vong cụ lên con cháu không được khóc, muốn hỏi gì thì hỏi cho nhanh, vì thời gian vong nhập vào cơ thể người khác không được lâu. Dặn dò xong ông thầy nhập trận, tay rút mấy cây nhanh ra đốt, khấn vái tứ phương rồi cắm lên bát hương. Miệng lầm rầm khấn vái, lẩm nhẩm mấy câu gì đó trong miệng tôi nghe không rõ.
Một lúc sau thầy cầm cái chuông lắc qua lắc lắc lại mấy hồi, gọi tên cụ Cẩn mấy lần rất to.
” Nguyễn Thị Cẩn
Nguyễn Thị Cẩn
Nguyễn Thị Cẩn”
Gọi tên xong, ngọn lửa cây nến trên đàn cúng ngả nghiêng hết sang một bên, cứ như có gió thổi qua, mà kỳ lạ nó lại không tắt. Ông thầy dường như đã quá quen thuộc với việc này, biết vong cụ Cẩn đã về, liền đọc chú rõng rạc.
Thiên Địa Vô Cực
Càn Khôn Trấn Tà Pháp.
Đọc xong, hô lớn:
“ NHẬP XÁC! “
Con bé Nấm đang ngồi trong lòng mẹ bỗng nhảy phóc ra ngoài. Nằm dưới chiếu cơ thể giật liên hồi chân tay co quắp. Hai mắt trợn ngược trắng dã miệng méo xẹo qua qua một bên. Cả nhà sợ quá định xúm lại đỡ con bé dậy nhưng ông thầy không cho, nói đó là vong cụ Cẩn đang nhập vào người con bé. Ông ấy sai người đưa đến một cái thìa nhỏ, đặt ngang miệng con bé cho nó khỏi cắn vào lưỡi. Một lúc sau, cơ thể con bé trở lại vẻ ban đầu, nó nằm im mấy giây ngồi bật dậy.
Ôm mặt khóc huhu như con nít.
Mặc thầy hỏi tên gì mãi chẳng nói.
Con cháu thì sốt ruột, dỗ mãi cụ chẳng nín.
“ Tôi hỏi vong tên gì?” Ông thầy hỏi câu thứ ba, cụ Cẩn mới ngước lên mắt đỏ hoe, giọng khàn khàn y chang tiếng cụ Cẩn hồi còn sống, đáp.
“ Tôi tên Nguyễn Thị Cẩn, tôi là dâu nhà họ Hoàng.”
Ông thầy hỏi tiếp:” Vì sao vong chết?”
Cụ Cẩn buồn bã đáp:” Các cụ về gọi tôi đi.”
“ Ai gọi..? Ai về gọi bà đi?” Ông thầy hỏi.
Cụ Cẩn oà khóc, trách móc con cháu một lúc bảo thèm bát cháo hôm vừa mất mà chẳng đứa nào chịu nấu cho cụ ăn. Mấy người con của cụ Cẩn khóc sụt sùi, xin lỗi cụ.
Ông thầy lại hỏi.” ai về bắt vong đi theo?”
Cụ Cẩn nhìn ra cổng, ánh mắt có chút sợ sệt, đáp:” Các cụ, đông lắm, tôi thấy toàn vong người chết trong nhà họ Hoàng đứng xếp hàng ngoài cổng, họ gọi tên tôi, rủ tôi đi, còn bảo, đi theo càng đông càng vui. Họ ở dưới đó chờ mọi người.
Nói đến đây, cơ thể bé Nấm ngả xuống chiếu, trừng mắt nhìn con cháu nói thêm một câu ai cũng sững người:” Mộ.. mộ…nhà…ta... bị.. Yểm..”dứt lời, cơ thể bé Nấm rung lắc mạnh, chân tay cứng đơ mặt đỏ tía tai, nó xảy ra rất nhanh rồi trở lại vẻ bình thường, Nấm nằm ngất dưới đất, hai mắt nhắm tịt. Cô Hoa sợ quá lao đến ôm con bé vào lòng khóc nức nở.
Ông thầy trấn an:” Con bé không sao đâu, mai nó khoẻ lại thôi.”
Bác Chiêu lên tiếng hỏi:” Nãy mẹ tôi có nhắc đến mộ bị yểm, chuyện này là sao cơ chứ? Thầy đã đến đây làm ơn giúp nhà tôi với.”
Ông thầy chẹp lưỡi đáp:” Chỉ tiếc vong bà ấy quá yếu, không chịu nổi ánh sáng ban ngày để hỏi cho rõ hơn. Nhưng nếu muốn biết thực hư mọi chuyện, thì cần phải quan sát mấy ngôi mộ trong dòng họ nhà ông. Để xem mộ nào bị người ta yểm, tôi mới gỡ bùa được.”
Nghe đến đây tôi chợt nhớ ra đêm hôm trước mình bị mộng du đi ra mộ. Đám tang của cụ Cẩn làm tôi quên béng đi mất chuyện hôm đó. Tôi giơ tay, xin phát biểu. Bác Chiêu gật đầu bảo tôi có gì cứ nói. Tôi chậm rãi kể lại mọi chuyện hôm đó, kể từng chi tiết không sót câu nào. Từ việc hồn chị Vân dẫn tôi ra mộ, đến chuyện tôi thấy một đám người ăn nhậu bên mâm cúng mà gia đình dòng họ tôi chuẩn bị cho lễ giải trùng.

Nhưng tối quá tôi không nhìn rõ mặt kẻ nào, hơn nữa chị Vân giữ tôi lại, không cho tôi qua bên ấy chắc chị sợ bọn họ đánh tôi. Còn cả việc tôi mơ hồ nhìn thấy ai đó áp sát sau xe chị Vân, đạp một cú khá mạnh khiến xe chị lao xuống nước. Tôi không dám cá nó là sự thật, nhưng lại cảm nhận nó rất chân thật, cứ như vừa xảy ra ngay trước mắt mình.
Ai cũng ngạc nhiên khi nghe tôi kể. Bác Nghĩa siết chặt nắm đấm, đấm thùm thụp xuống chiếu, nghiến răng tức giận nói:” quân khốn khiếp, cái loại người đem cả chuyện tâm linh ra cả lừa gạt vì tiền thì chúng thật sự không thể tha thứ. Tôi đui mù nên tin nhầm người, thật có lỗi với mọi người nhiều lắm.”
Bố tôi xua tay, chen vào:” Kìa bác, còn chưa biết thực hư thế nào cơ mà, biết đâu, chuyện thằng Bình bừa kể, chỉ xảy ra trong giấc mơ.”
Lời bố vừa dứt, một ông chú trong họ hớt hải từ cổng chạy vào. Tay chỉ ra phía nghĩa địa, mặt mày xám ngoét nói lắp bắp:
“ Không hay rồi, ngoài kia, ahh.. không… mộ nhà họ Hoàng bị người ta phá, ngôi mộ nào cũng bị ai đó treo quần lót của phụ nữ lên bia mộ, còn tạt cả sơn đỏ lên đó.”
Cả nhà tôi lại một phen kinh hoàng, hoang mang.

Xem Tiếp Chap 5 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn