𝗡𝗴𝘂̉ 𝗖𝘂̀𝗻𝗴 𝗡𝗴𝘂̛𝗼̛̀𝗶 𝗖𝗵𝗲̂́𝘁
𝗡𝗴𝗼𝗮̣𝗶 𝘁𝗿𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗽𝗵𝗮̂̀𝗻 𝟮: 𝗛𝗼̂̀𝗻 𝗠𝗮 𝗔 𝗣𝗵𝗼𝗻𝗴 𝗢̛̉ 𝗣𝗵𝗼́ 𝗕𝗮̉𝗻𝗴
Xem lại Ngoại Truyện 3 : Tại Đây
_______________________________________
Năm A Phong ra đời, tuyết rơi rất lớn. Nhiều thương lái từ dưới xuôi không biết rằng mùa đông ở mạn ngược vô cùng khắc nghiệt, không ít người không chịu nổi chết như ngả rạ. Mẹ của A Phong tên là A Tú, vốn là một người phụ nữ mồ côi sống một mình ở cuối làng.
Ngày trước Phó Bảng chưa được tấp nập như bây giờ, nhà cũng không được xây bằng gạch đá xi măng mà chủ yếu dùng bằng đất nung. Nhà của A Tú nhỏ nhất, lạnh nhất vì không có tiền để dùng gỗ làm cửa che chắn. Người trong làng không ai muốn nói chuyện với A Tú, vì người phụ nữ này chung sống cùng với một gã đàn ông quái lạ từ nơi khác đến.
Không ai biết chồng của A Tú tên gì, hỏi chuyện anh ta cũng chẳng bao giờ trả lời. Người ở đây có nước da sáng sáng vì sống trên mạn núi cao, riêng chồng A Tú lại có nước da nhợt nhạt, tròng mắt không đen mà lại có màu nâu nhạt giống hệt như mấy cục hổ phách trong rừng.
Dáng người của anh ta lại đặc biệt cao lớn, thanh niên trong làng không có ai bì kịp. Có lần một bà cụ bị chiếc xe bò đổ ụp lên người, một mình chồng A Tú cõng bà cụ chạy băng băng ra đường lớn để đi nhờ xe xuống huyện cấp cứu. May mắn làm sao mà bà cụ mới bảo toàn được tính mạng. Sau vụ ấy, người ta dần dần chấp nhận chồng A Tú.
................................................................
Bẵng đi một thời gian, A Tú mang thai. Mấy người trong làng đều phán rằng cái thai trong bụng chắc chắn là con trai. Chồng A Tú thấy vợ mang bầu nên quyết định đi cùng mấy người bạn vượt biên giới để đi làm ăn.
Không rõ họ làm những gì nhưng thấy gia đình nhà A Tú giàu có lên trông thấy. Chỉ vỏn vẹn có vài tháng mà hai vợ chồng họ đã xây được cái nhà to nhất làng. Mọi người xúm lại hỏi thăm thì A Tú bảo rằng chồng cô đi buôn nấm, còn loại nấm nào thì quả thực cô cũng không được biết.
Nhiều người muốn xin đi theo để làm ăn, nhưng chồng A Tú không nhận lời với ai. Anh ta tỏ ý rằng, làm nghề lái buôn xuyên biên giới quá đỗi nguy hiểm, không những cần sức vóc mà còn phải thực sự gan dạ nữa. Nếu chẳng may gặp bọn thổ phỉ giữa đường thì đa phần là chết chắc. Ngộ nhỡ xảy ra tình cảnh đấy, vợ chồng anh ta cũng không sống được ở làng. Vì vậy, trưởng làng có đến nhờ cậy anh ta cũng xin phép khước từ.
Nhiều người thấy vậy thì cũng đành ngậm ngùi không nài ép thêm nữa. Kẻ xấu bụng thì bảo vợ chồng nhà này ích kỷ, chỉ biết khư khư giữ của cho mình. A Tú biết hết những gì người khác nói sau lưng nhưng đành làm thinh không đáp lại.
........................................
Từ xưa đến nay, ở bất cứ ngôi làng nào cũng tồn tại những câu chuyện dân gian quỷ dị. Làng của A Tú cũng không ngoại lệ. Vào mỗi đêm quây quần ngồi quanh bếp lửa hồng, người già trong làng thường kể cho con cháu nghe về loài quỷ tuyết.
Người ta bảo rằng nếu một ngày nào đó trên con đường đầy tuyết xuất hiện vết máu lê dài, lại có tiếng trẻ con khóc khắc khoải vào ban đêm thì ấy là thời điểm quỷ tuyết đến nhận con. Đứa trẻ được quỷ tuyết nhận sẽ có làn da nhợt nhạt khác thường, đôi mắt cũng chẳng giống với người bình thường, đã vậy lại lầm lầm lì lì ít nói.
Để dễ nhận biết, quỷ tuyết sẽ làm một dấu hiệu nào đó trên gương mặt của đứa bé. Không quá mười lăm tuổi, đứa trẻ ấy sẽ đột ngột mà chết đi. Người nhà không được tiết lộ cho người ngoài biết phần mộ chôn cất của nó, càng không được bén mảng tới mộ hay thắp nhang khấn vái đứa trẻ. Làm như vậy cũng đồng nghĩa với việc là tranh giành con với quỷ tuyết.
Chúng sẽ nổi giận mà băm người thành một khối thịt nhầy nhụa rồi đem vất khắp nơi trong rừng. Đến thời hạn tròn một năm sau mới được làm đám ma khô theo phong tục của người H’Mong. Người ta còn đồn đại với nhau rằng, từng có một người mẹ kia vì không chấp nhận nổi sự thật rằng con mình đã chết vì quỷ tuyết, nên thường xuyên ra mộ con để khóc lóc rồi ôm ấp nấm mồ lạnh ngắt.
Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, mà hôm đấy trong làng có mấy người đi săn vô tình đi ngang qua nấm mồ nằm khuất dưới một tàn cây um tùm. Họ thấy bóng dáng một đôi chân thò ra, nổi bật giữa mặt đất xám ngắt. Cả đám vội vàng chạy lại gần để xem xét tình hình.Khi lại gần mới giật mình kinh hãi. Người nằm dưới đất đã bị thứ gì đó băm nát mặt, Từ phần cổ trở xuống thì còn nguyên vẹn, riêng phần đầu thì thịt, máu và xương đã hòa thành làm một.
Ở gần đó còn có mấy con mèo rừng đang tranh nhau một vật nhũn nhũn lẫn lộn đầy máu. Một người thợ săn trong số họ thấy vậy bèn ném hòn đá để xua bọn mèo đi. Đám mèo rừng thấy người lạ bèn chạy, nhưng vẫn tiếc rẻ món ngon còn đương ăn dở. Người kia lại gần thì kinh hoàng kêu lên, thứ mà bọn chúng ăn là não người.
Đã là thợ săn trong rừng, có ai mà chẳng từng nhìn thấy cảnh tượng máu chảy lênh láng ra ngoài mặt đất? Ấy vậy mà khi mục kích sở thị đầu người bị băm nát, não rơi ra ngoài để thú hoang ăn thịt như thế này, ai nấy đều nôn thốc nôn tháo. Có anh chàng kia mới lần đầu đi săn, vừa mới nhìn thấy thây người kinh hoàng đến thế đã lăn ra ngất xỉu. Ai biết chuyện cũng bảo rằng, người mẹ kia thương nhớ con khiến cho vong hồn đứa trẻ vương vấn không yên nên mới bị quỷ tuyết giết hại một cách dã man như thế.
Vậy là từ đó, cứ mỗi khi màn đêm buông xuống, trong làn tuyết rơi dày đặc, người ta lại nhìn thấy một bóng người mặc áo đỏ phất phơ đi trong tuyết, ôm theo một đứa trẻ con. Rất nhiều người trong làng thấy, có người bảo rằng đó là một người đàn bà có đôi môi đỏ rực như máu. Người khác lại cam đoan rằng cặp mắt của người ấy sáng rực trong đêm. Mỗi người nói một kiểu, nhưng tựu chung lại đều giống nhau ở một điểm, đó là hễ ai thấy quỷ tuyết bồng con là một thời gian sau sẽ mất mạng.
Một người chết đi sẽ kéo theo nhiều người khác chết cùng. Hệt như hiện tượng trùng tang ở dưới Để giữ sự bình an của nơi này, người ta buộc không được để cho thai phụ đẻ trong làng vào những đêm có mưa tuyết. Tiếng khóc của đứa trẻ cùng với mùi máu tanh của đàn bà khi sinh nở sẽ làm cho thứ yêu ma tà mị kia tìm đến.
Cũng chính vì thế mà những người phụ nữ mang thai gần đến ngày đẻ sẽ được người nhà chở bằng xe thồ xuống dưới huyện. Khi nào đứa trẻ đầy tháng thì mới được đưa về. Nhà nào làm trái thì sẽ bị làng phạt ba con bò, thậm chí bị đuổi khỏi làng.
Mùa đông năm ấy, A Tú sinh con trai vào đúng ngày tuyết đổ. Giữa đêm khuya, người ta nghe thấy một tiếng khóc vang lên rõ mồn một. Những câu chuyện quỷ dị tại Phó Bảng bắt đầu từ đây.
...............................................
Xem Tiếp Chap 5 : Tại Đây
Đăng nhận xét