Truyện ma Việt Nam "Ngủ cùng người chết" Ngoại Truyện 3 Full

 𝗡𝗴𝘂̉ 𝗖𝘂̀𝗻𝗴 𝗡𝗴𝘂̛𝗼̛̀𝗶 𝗖𝗵𝗲̂́𝘁 - 𝗡𝗴𝗼𝗮̣𝗶 𝗧𝗿𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻

𝗣𝗵𝗮̂̀𝗻 3. 𝗫𝘂𝗮̂𝗻 𝗛𝗮̣ 𝗧𝗵𝘂 Đ𝗼̂𝗻𝗴 - 𝗳𝘂𝗹𝗹 Chap Cuối
Xem Lại NGoại Truyện 2 : Tại Đây
...............................................
Một mùa đông mới lại về tới ngôi làng nho nhỏ nằm trên núi. Mùa đông là mùa khắc nghiệt nhất trong năm, cũng là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người dân ở đây. Gió lạnh thổi thốc vào bên trong từng ngôi nhà tranh vách đất, cây cỏ xơ xác gục xuống nền đất xám xịt.

Người trong làng cùng với bầy dê chẳng có gì ăn ngoài mấy bắp ngô treo khô trước cửa nhà. Thời điểm ấy, ai cũng đói, ai cũng nghèo. Thế nhưng gia đình nghèo nhất trong thôn khi ấy vẫn là nhà ông bà Tiều. Mới chớm đông mà trời đã lạnh, lão Tiều lại nhận được tin vợ lại có thai thêm lần nữa.

Bốn lần đều sinh ra con gái, lần thứ năm này vợ mang thai, lão Tiều cũng không hy vọng gì nhiều. Mỗi lần vợ lên cơn nghén, lão đều chửi rủa rằng vợ lão là một kẻ vô tích sự, chỉ biết ăn xong rồi chửa, chửa rồi lại ăn. Có lần lão còn toan đánh vợ, may mà có người hàng xóm đi ngang qua thấy vậy nên chạy tới can ngăn.


Lại nói về bốn chị em Xuân Hạ Thu Đông, kể từ lúc mẹ mang thai đứa em thứ năm trong gia đình, chẳng còn ai thấy người đàn bà mặt đỏ ngồi trên cây hòe nữa. Có nhiều đêm trăng sáng vằng vặc, con bé Hạ rủ Xuân ra ngoài cây hòe để nghe ngóng, nhưng cuối cùng hai đứa lại đành lủi thủi đi về, chẳng trông thấy gì. Xuân cho rằng người đàn bà kia đã đi mất rồi, nhưng Hạ lại nghĩ mọi chuyện không đơn giản như thế. Hai đứa muốn đi xem bói, ngặt nỗi không có tiền.

Cả hai nghe ngóng được ở thôn bên cạnh có một bà thầy bói vừa mù vừa tàn tật có thể xem bói rất hay, nên định bụng khi nào để dành được tiền sẽ đến. May thay, cuối tuần ấy Xuân gánh củi cho nhà hàng xóm được trả công năm ngàn đồng, thế là hai đứa tấp tểnh đi ngay. Nhà bà thầy bói mù ở sát bìa rừng, vừa đến nơi đã thấy có rất đông người đến xem bói. Thậm chí còn có cả một đôi vợ chồng đi xe hơi đến đứng chờ đợi ở bên ngoài. Bà thầy bói mắt mù mở cửa bước ra, bà khẽ khịt mũi rồi phẩy tay đuổi mấy người kia về. Giọng bà khò khè:

“Đi về đi! Hôm nay tao không xem.”

Tất cả mọi người ngẩn ra nhìn nhau, chưa kịp nói gì thì bà thầy bói đã toan quay lưng rời đi. Con bé Xuân và Hạ nhìn nhau lòng đầy thất vọng. Đúng lúc ấy, bà thầy bói quay mặt về phía hai đứa nhỏ, rồi khua tay vào khoảng không trước mặt:

“Hai con kia nhà có người chửa phải không? Đi vào! Đi vào đây!”

Mọi cặp mắt đều đổ dồn về hai đứa nhỏ. Chúng líu ríu dẫn nhau vào trong gian nhà nho nhỏ. Bên trong nhà gần như chẳng có gì, chỉ bày biện một chiếc bàn thờ với bát nhang còn đang bốc khói nghi ngút. Xuân cảm thấy sờ sợ, nhưng gương mặt Hạ thì lạnh tanh. Nó đặt năm ngàn tiền lễ lên trên cái đĩa nhỏ rồi bắt đầu xưng tên tuổi và địa chỉ. Bà lão mù có vẻ chẳng quan tâm tới những thứ đó lắm, bà ngắt lời cái Hạ:

“Nhà hai đứa có người đang chửa phải không?”

Cái Xuân rụt rè gật đầu:

“Vâng... vâng ạ!”

Bà lão lại hỏi:

“Trong nhà có gì lạ phải không? Ví dụ như mùi gì đó thoang thoảng?”

Cả hai nhìn nhau, cuối cùng cái Hạ trả lời:

“Không... không có mùi gì lạ bà ạ. Mà giả như có mùi lạ thì khéo cũng bị mùi của phân dê át hết rồi. Thế nhưng chính mắt chị em cháu thấy trong nhà quả thực có chuyện này rất lạ. Ấy là bọn cháu thường xuyên thấy một người đàn bà mặt đỏ, mặt đen ngồi vắt vẻo trên cây. Người này thỉnh thoảng còn đứng ở bên cửa sổ phòng bọn cháu nữa. Thế nên là chúng cháu mới tìm đến bà...”

Bà lão mù gật đầu:

“Cái cây mà người đó ngồi hẳn phải là cây có nhiều âm khí. Có thể là cây tre, cây hoa ngọc lan, hoặc cây hòe. Bên cạnh cây phải có một vật thuần âm như giếng nước hoặc thứ gì đó.. có phải không?”

Cái Xuân điếng người, gật đầu lia lịa:

“Cháu... cháu thấy bà ấy ngồi trên cây hòe. Đúng là cây hòe nhà cháu trồng cạnh giếng nước. Mà cây này có lẽ từ lâu lắm rồi, từ lúc cháu lớn lên đã có.”

Bà lão mù lại đột ngột đổi chủ đề:

“Mẹ chúng mày mới chửa thôi phải không?”

Cái Hạ xác nhận:

“Vừa mới được hơn 2 tháng.”

“ Có thấy bà mẹ nói chuyện với người trên cây bao giờ không?”

“Có! Cháu thấy một lần” Xuân đáp lại.

Bà lão mù không nói thêm gì nữa, bà lầm rầm khấn vái một mình rồi gieo quẻ leng keng. Trong căn nhà tranh tối tranh sáng, hai đứa nhỏ ngây người nhìn bà lão quái dị. Một lúc sau, bà lão mù hướng mặt về phía chúng, tròng mắt đục ngầu đảo liên tục khiến cả hai đứa càng thêm phần hoảng sợ. Giọng bà lão càng trở nên khò khè:

“Mẹ hai đứa mày là bát tự thuần âm. Mảnh đất của gia đình đang ở lại là đất nghịch. Người ở trên mảnh đất này có muốn có con trai cũng khó, vì con trai vốn là dương khí. Đứa bé... đứa bé trong bụng mẹ mày... mười phần thì đến chín phần là trai. Chỉ có điều... chỉ có điều...”

Hai chị em cùng hồi hộp:

“Điều gì hả bà?”

Bà lão hạ thấp giọng thì thầm:

“Người mặt đỏ mặt đen ngồi trên cây kia là quỷ. Mẹ của hai đứa chúng mày cầu xin quỷ cho một đứa con. Điều ấy có nghĩa là quỷ gửi con vào bụng mẹ mày. Những đứa trẻ như thế này đều khó nuôi lắm, lại khắc nghịch với anh chị em trong nhà.

Không chừng... không chừng chúng mày phải bán mạng cho nó. Vì mẹ mày đã gán để đổi chúng mày lấy một thằng con trai rồi. Cứ mỗi một vận hạn của nó sẽ có một đứa phải chết đi. Chết hết.. chết khi nào không còn một ai nữa. Khặc.. khặc... khặc...”

Càng nói bà lão mù càng khoái chí. Những lời nói cuối cùng của bà chìm trong tiếng cười khằng khặc như điểm tô thêm cho bầu trời cuối năm âm u đến ảm đạm. Cái Xuân sợ quá, vội vàng kéo đứa em chạy về. Hai đứa chạy ra khỏi nhà rồi mà vẫn còn nghe thấy tiếng của bà lão mù vọng ra:

“Quỷ gửi con... quỷ gửi con.. Chúng mày nhớ lấy... nhớ lấy... Không quá mùa đông năm sau, sẽ có đứa đầu tiên bán mạng... Nhớ lấy.... nhớ lấy..”

Tiếng cười xen lẫn với tiếng hét của bà lão mù khiến cho cái Xuân va vào đôi vợ chồng sang trọng đi xe hơi vẫn đang kiên nhẫn chờ ngoài cửa. Con bé luống cuống đứng dậy rồi bỏ chạy, để lại hai người kia nhìn nhau chẳng hiểu gì.

Về đến nhà, cả hai cố gắng tỏ ra bình thường, coi như không có chuyện gì xảy ra. Xuân và Hạ đã thống nhất với nhau từ trước rằng: Chuyện hôm nay tuyệt nhiên không được nói cho ai biết, kể cả bố mẹ đẻ của mình.

Hai đứa thấp thỏm chờ ngày em trai ra đời, chúng không dám tin rằng trên đời lại có chuyện quỷ gửi con, càng không thể chấp nhận nổi việc bản thân mình sẽ phải thế mạng cho đứa bé. Có lẽ trong lòng có sẵn chấp niệm đó, chúng chẳng thể nào vui mừng chào đón một đứa em mới sắp sửa chào đời.
.................................
Thời gian thấm thoát trôi qua, chẳng mấy chốc cũng đến ngày bà Tiều trở dạ. Trong căn nhà chất đầy dây bắp ngô vàng rực, bà đau đớn vật vã liên hồi. Cái Xuân, cái Hạ chạy ra chạy vào. Chúng vừa chạy vừa nhìn ra ngoài cửa sổ, trong lòng thấp thỏm không biết có trông thấy người đàn bà đứng ở cửa sổ nhìn chòng chọc vào như lần trước nữa không. Chẳng biết vì nguyên do gì mà đứa trẻ này lại sinh dễ hơn bình thường. Chưa đầy hai tiếng đồng hồ bà Tiều đã sinh ra một đứa bé đỏ hỏn. Bà đỡ vui mừng gọi lớn:

“Con trai! Con trai rồi.”

Lão Tiều đang thờ ơ uống rượu bên ngoài, nghe thấy thế sững sờ đến nỗi đánh rơi chai rượu trong tay rồi chạy đến trước cửa phòng đẻ. Bà đỡ ẵm đứa bé trai ra, tiếng khóc của thằng bé rất yếu, nhưng lão Tiều mừng rơi nước mắt. Cả hai chị em Xuân và Hạ nhìn nhau. Trời bắt đầu đổ mưa, ở ngoài cửa sổ bỗng dưng xuất hiện một gương mặt nửa đỏ nửa đen ngó vào. Cùng lúc đó tiếng quạ réo liên hồi, khiến cho khung cảnh càng thêm phần rợn ngợp.
..........................................................
Lại một năm nữa trôi qua, mùa đông lại đến. Từ ngày thằng bé Quan ra đời, lão Tiều trở nên vui vẻ hẳn. Lão cưng chiều thằng con trai hết mực, mấy đứa chị phải thay nhau chăm sóc em. Ngộ nhỡ mà để cho em bị lạnh hay bị ho vài tiếng thì sẽ ốm đòn với bố mẹ.

Ngẫm ra cũng thật kì quặc, trẻ con hơn một tuổi đã bắt đầu lẫm chẫm tập đi, nhỏ hơn nữa cũng đã có thể nhận biết được người quen, người lạ. Ấy thế mà con trai nhà lão Tiều cả ngày chỉ ngủ li bì, đêm tối cứ quay mặt vào tường rồi cười khành khạch. Người trong thôn bảo thằng bé này hệt như bị quỷ ám. Mỗi lần như thế lão Tiều lại đứng ra ngoài chửi đổng, thậm chí còn đánh nhau với người ta.

Xuân, Hạ và Thu đều cảm thấy sợ đứa em trai của mình. Đỉnh điểm là có lần Thu bị trượt chân nên chảy máu, thằng bé kia đang ngủ ngửi thấy mùi máu nó đột ngột tỉnh giấc rồi nhìn vào chân Thu mà liếm mép. Xuân thấy vậy thì sợ quá, vội vàng giục cái Thu đi chỗ khác, đừng lại gần thằng quỷ này.

Vào tiết đại hàn năm ấy, thằng Quan bị sốt li bì. Cả ngày nó chẳng ăn uống được gì, từ trong miệng ói ra toàn mật xanh mật vàng. Lão Tiều lo lắng lắm, toan đi mời thầy lang thì chợt nhớ ra lần trước mình mới gây sự với con trai của thầy lang xong. Thế là lại thôi. Có người mách cho lão mời thầy lang ở thôn bên, nhưng lão không có tiền. Cả nhà này vét hết mọi ngóc ngách chẳng có nổi vài chục nghìn. Lão tần ngần nhìn thằng bé nóng ran mà trong lòng sốt ruột.
............................
Quá trưa hôm ấy, lão ra ngoài rồi hăm hở ra về. Vài tiếng đồng hồ sau, lão trở về bàn bạc với bà Tiều chuyện gì đó. Cuối ngày hôm ấy, lão mua cho con bé Đông rất nhiều kẹo mút rồi bế con bé đi ra ngoài. Xuân, Hạ và Thu cảm thấy không tin nổi vào tai mình. Từ trước đến giờ bố có bao giờ quan tâm gì tới con bé đâu, chẳng lẽ hôm nay mặt trời lại mọc ở đằng tây?

Sẩm tối, lão Tiều trở về nhà mang theo hai con gà nướng thơm phức. Không thấy con bé Đông đâu, cái Xuân và cái Hạ mới hỏi.Lão chối quanh co, sau cùng cũng thú nhận rằng đã bán con bé cho một đôi vợ chồng giàu có. Tiền bán được là một chỉ vàng, người chồng kia còn cho thêm ít tiền để mua ít thịt.

Cái Xuân và cái Hạ khóc lớn. Nó cầm cái đùi gà trên tay rồi ném thẳng đi. Bố nó đã đổi đứa em gái bé bỏng của nó để lấy 2 con gà quay rồi. Thấy thịt bị ném xuống đất bẩn, lão Tiều định nhảy vào đánh cái Xuân nhưng con bé chạy trốn được. Nó trốn trong ngôi chùa ở làng, sư thầy thương tình cho nó tá túc ít hôm rồi dẫn về tận nhà.

Lúc này thằng Quan đã được uống thuốc nên khỏi bệnh. Nó nằm trong vòng tay bà Tiều, cầm nắm xôi nhỏ xíu nhìn cái Xuân rồi mỉm cười. Lúc đó con bé hiểu rằng, con bé Đông là người đầu tiên bị gán mạng cho thằng Quan.
............................
Vài tháng sau thằng Quan lại ốm. Lần này cái Xuân và cái Hạ cố gắng giữ con bé Thu bên mình. Mấy chị em đi đâu cũng có nhau, không rời nhau nửa bước. Bệnh tình của thằng Quan mãi không khỏi, mời thầy lang chữa trị cũng không có ích gì. Cô y sĩ ở trong trạm xá xã nói rằng bệnh của thằng bé phải đưa đến bệnh viện dưới huyện may ra mới có tiến triển. Vợ chồng lão Tiều tẩn ngẩn tần ngần, khẽ nhìn trong túi không còn nổi mấy đồng bạc.

Tối hôm đó, lão lại dẫn cái Thu đi, mặc cho cái Xuân và cái Hạ khóc lên khóc xuống, van lạy cha mẹ mình đừng có bán em đi. Chừng vài tiếng sau, lão Tiều trở về nhà một mình, trên tay cầm hai chỉ vàng. Lần này thằng Quan được đưa tới bệnh viện dưới huyện bằng xe oto. Khi về, thằng bé cười khanh khách với bố mẹ như chưa có chuyện gì xảy ra.

Nghe mẹ nó kể, lúc ở trên viện vô tình bế nó đi ngang qua nhà xác, thằng bé nhoài người vào đòi hít hà không khí trong đó một lúc mới chịu đi. Người trông nhà xác vừa về tới nơi thấy gia đình ba người nhà kia dẫn cả trẻ nhỏ vào khu vực để thi hài thì tá hỏa, vội vội vàng vàng đuổi đi. Trẻ con nhà bình thường, đi qua khu vực nặng âm khí như thế thường sẽ khóc nức khóc nở, thậm chí còn bị ốm mấy ngày.

Ấy thế mà thằng bé này lại đòi vào bên trong để ngửi. Lúc vợ chồng nhà lão Tiều bồng con đi ra ngoài, thằng Quan xoay người lại nhìn vào trong nhà xác với vẻ mặt rất tiếc nuối.Nó khẽ bập bẹ:

“Xác... Thơm.”

Hai từ đầu tiên nó nói trong cuộc đời là như thế.
...............................................
Lại nói về cái Xuân và cái Hạ, từ lúc hai đứa em bị bán đi, cả hai đứa không còn thiết gì nữa. Chúng chẳng ăn chẳng uống mấy ngày liền, bà Tiều có thoáng ngần ngại nhìn hai con, nhưng rồi tiếng khóc của thằng bé Quan lại làm bà quên ngay lập tức. Xuân hiểu rằng, trong nhà này, thằng bé kia chính là trời, cả bốn chị em mình gộp lại cũng không bằng một góc của nó. Trước sau gì cũng bị bán cho người khác, chi bằng cả hai trốn đi. Ít ra còn được làm chủ cuộc đời mình.

Xuân chưa kịp đem chuyện này bàn với em gái thì con bé Hạ đã ngỏ ý rủ chị mình cùng bỏ đi. Hai đứa trẻ nhanh chóng thống nhất nơi chúng muốn tới, ấy chính là thủ đô Hà Nội. Cái Hạ nghe cô giáo bảo, Hà Nội rất đẹp. Nơi ấy có tháp rùa, có cầu Thê Húc, có quảng trường Ba Đình rực rỡ cờ hoa.

Trong giấc mơ của nó, vùng đất thủ đô hiện lên như một mảng trời đầy màu sắc. Phải rồi! Cả hai chị em sẽ đến đó để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để rồi sau này sẽ không ai có thể coi thường được hai đứa nó nữa. Ngay cả cha mẹ chúng nó cũng không.

Vấn đề lớn nhất bây giờ là làm thế nào để có tiền để rời đi. Cả hai đứa chẳng có đồng nào trong người cả. Không có tiền biết đi đâu về đâu? Xuân bàn với em, cả hai đứa cố gắng gánh củi cho người trong thôn để tiết kiệm tiền. Vào mùa măng sẽ theo lũ trẻ cùng làng đi vào rừng để hái măng kiếm sống.

Thứ ấy có giá trị cao, nếu may mắn còn có thể kiếm được nhiều hơn là gánh củi. Thằng bé Quan chắc bây giờ chưa bị bệnh ngay, cho nên cả hai đứa không cần phải trốn đi vội. Cái Hạ nghe xong cho là phải, nó gật gù đồng ý. Kế hoạch của hai chị em chính thức bắt đầu kể từ giờ phút ấy. Hơn 2 tháng sau kể từ ngày cái Thu bị bán đi, đêm hôm ấy, tại nhà Xuân xảy ra chuyện quỷ dị.
...................................
Vào một đêm trời rét, nằm trong chiếc giường ọp ẹp, Xuân nằm mơ thấy một giấc mơ rất lạ. Mà cũng không hẳn phải là mơ, vì lúc đó con bé còn đang chập chờn nửa mơ nửa tỉnh. Xuân nhìn thấy cánh cửa chính ở nhà khẽ mở ra, gió từ ngoài sân thổi thốc vào lạnh toát. Tiếng lão Tiều gáy như sấm vang rền ở gian bên cạnh. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, một bóng người nhỏ bé lặng lẽ tiến vào. Cái Xuân dụi mắt để nhìn cho kỹ hơn thì giật mình phát hiện người vừa bước vào ấy là cái Thu. Xuân ngạc nhiên khẽ gọi:

“Thu! Sao em lại về đây?”

Con bé Thu ngơ ngác đứng ở cửa, nó nhìn sang gian phòng ngủ của bố mẹ một lúc. Sau đó mới tiến lại đứng ở cuối giường nơi Xuân và Hạ nằm. Con bé không nói gì cả, chỉ nhìn Xuân rồi khóc thôi. Xuân hoảng hồn ngồi bật dậy, khẽ đưa tay về phía trước:

“Sao đấy? Sao lại khóc? Chị... chị tưởng bố bán mày cho người ta rồi.”

Cái Thu cứ đứng ở cuối giường mà khóc. Phải tới mấy phút sau, con bé mới thì thào:
“Chị Xuân ơi! Em bị người ta giết rồi. Xác em bị chôn ở dưới đồi chè mãi tận Thái Nguyên.”
Giọng con bé lúc ấy nghe lạ lắm, cứ như truyền từ nơi âm ti địa ngục nào đó vọng về, khác hẳn với giọng nói véo von như ngày trước. Lần này thì Xuân hoảng sợ thực sự, nó lắp bắp hỏi em:

“Ai... ai giết? Làm sao lại thế?”

Con bé Thu chưa kịp trả lời thì cánh cửa sổ sát giường đang đóng im ỉm bỗng dưng bật tung ra. Không khí trong phòng lạnh cóng, Xuân nghe rõ tiếng vù vù bên tai. Vừa thấy cửa sổ mở, Xuân giật mình quay ra nhìn. Trong giây phút ấy, con bé phát hiện người đàn bà mặt đỏ mặt đen đang đứng ở bên ngoài, nụ cười của bà ta ngoác rộng đến mang tai. Một giọng nói thì thào vang lên:

“Đi thôi! Đi thôi! Tới giờ rồi!”

Thu cúi gằm mặt chạy vụt ra ngoài. Xuân gào lên để giữ em lại nhưng không kịp. Con bé nhào tới bệ cửa sổ thì thấy Thu lẽo đẽo đi theo người đàn bà quái dị vừa nãy. Cả hai đi ra tới gốc cây hòe thì biến mất. Tiếng đạp xe lạch cạch của mấy người đàn bà đi chợ ban đêm từ ngoài đường làng vọng lại, báo hiệu cho Xuân biết lúc ấy là khoảng 3 giờ sáng.

Sáng hôm sau con bé đem chuyện này kể cho cái Hạ nghe. Cả hai đều khẳng định rằng cái Thu đã bị con quỷ mặt đỏ mặt đen sống ngay trong ngôi nhà này lấy mạng. Cả hai đứa xem xét cây hoa hòe một hồi lâu nhưng cũng chẳng thu được gì đáng giá. Cuối cùng đành tự chít khăn tang em mình, nhưng cũng chỉ lén lút chít khăn vào ban đêm lúc đi ngủ. Nếu để bố mẹ chúng biết được, chắc chắn hai đứa sẽ bị đánh đòn.
................................
Từ sau cái ngày lão Tiều bán con gái cho người lạ, cả thôn không ai còn muốn qua lại với gia đình lão nữa. Đám trẻ con trong làng nhìn thấy Xuân và Hạ đều chạy theo để trêu đùa, chúng bảo rằng bọn nó không sớm thì muộn cũng bị bán vào nhà thổ. Kỹ viện hay nhà thổ là gì, bọn trẻ con trong làng chưa chắc đã hiểu hết, chỉ là chúng xem phim trên truyền hình thì biết vậy thôi.

Ấy vậy mà điều đó lại khiến hai chị em Xuân và Hạ lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Tiền chúng kiếm được cũng kha khá, cả hai quyết định sẽ lên đường vào hôm hội làng. Lúc ấy, chắc chắn bố mẹ sẽ đưa thằng Quan đi chơi hội.

Đúng như dự đoán của cả hai, sáng sớm ngày hôm ấy ba người kia đi chơi từ sớm. Cái Xuân và cái Hạ chuẩn bị một túi quần áo, mấy bát gạo, một ít ngô đổ vào tay nải rồi vội vàng rời đi. Lúc vừa bước ra khỏi cửa, cái Hạ nảy ra một ý. Nó lén vào trong gian phòng ngủ của bố mẹ, cậy tủ để tìm thêm ít tiền mang đi dọc đường. Tiền mặt trong tủ thì không có, chỉ còn một cái nhẫn vàng từ lần bán cái Thu dạo trước mẹ nó vẫn đang để dành. Xuân thấy thế thì khẽ hỏi em:

“Mày làm gì thế?”

Hạ trả lời gọn lỏn:

“Mang đi! Chừng đó tiền chưa chắc đã đủ đâu”

Hai đứa lấy vàng xong vội vã đi ngay. Nào ngờ khi chúng tới bến xe thì vô tình gặp một người đàn bà còn rất trẻ. Thấy chúng chỉ có hai chị em líu ríu dắt nhau đi, người đàn bà kia liền tới gần làm quen, còn mua cả nước ngọt mời uống. Hai chị em cứ như thế nghe theo, khi tỉnh lại thì mình đã ở một nơi xa xôi lắm.
.......................................
Rất nhiều năm sau, ở một thôn nhỏ trong một vùng quê Trung Quốc, người ta thường nghe thấy tiếng khóc của một người đàn bà vào lúc nửa đêm. Tiếng khóc ấy phát ra từ căn nhà của lão Kiệm gù. Cả thôn ai cũng biết rằng người này mới được lão Kiệm gù mua về sau cái chết của cô vợ Đại Doanh.

Mỗi lần tiếng khóc vang lên cũng có nghĩa là lão Kiệm đang sỉ nhục, đang ngược đãi người ấy. Nằm trong chăn nệm ấm sực, chẳng có ai buồn quan tâm xem sự tình thế nào. Người nào tốt bụng lắm thì tặc lưỡi, kẻ nào vô tâm thì lại kéo chăn quá đầu ngủ tiếp. Chuyện chẳng có gì liên quan đến mình, mắc mớ gì phải quan tâm? Dân trong thôn ai cũng nghĩ như vậy.

Những đêm tuyết rơi ngập trời, bà Xuân lại nhớ đến ba đứa em đáng thương của mình. Nhất là con bé Hạ. Khi bà Xuân bị bán đi, con bé vẫn còn đang lên cơn sốt. Thằng Quan khi xưa ốm còn có bố mẹ chăm lo, cái Hạ thì không có. Mỗi lần nghĩ đến mấy đứa nó, tim bà Xuân lại đau thắt, hệt như có ai đang bóp nghẹt.

Khi gặp con bé Linh, bà cứ nghĩ cái Hạ trở về. Cả đêm hôm ấy bà không sao ngủ được. Cái Linh cao hơn, da trắng hơn vài phần, nhưng đường nét trên gương mặt thì giống y hệt đứa em gái của bà.

Khi con bé đưa cho bà cục thuốc nổ trong tay, bà đã từng nghĩ hay là mình sẽ tự sát cùng với lão Kiệm. Thế rồi bà lại lắc đầu cãi lại chính mình. Nếu chỉ có bà và lão kia chết thì phí phạm thuốc nổ quá. Cái Linh bảo rằng, thứ thuốc nổ này có lực công phá rất mạnh, chỉ cần một quả cũng có thể làm cho một người bị thương rồi chảy máu đến chết. Huống chi trong tay bà có những ba quả.

Bà nằm trằn trọc trong gian buồng nhỏ để nghĩ ngợi. Sau một đêm thì đưa ra quyết định, chờ cho bọn thằng Ngụy đến, bà sẽ chết cùng chúng nó. Đám đàn ông này cứ tới cuối tháng sẽ đến để lấy tiền đặt cọc từ chỗ lão Kiệm. Khi ấy là thời điểm duy nhất của bà.
.....................................
Đêm cuối tháng trời mịt mùng chẳng hề có trăng sao, tuyết rơi bên ngoài càng lúc càng dữ dội. Ngày mai thằng Ngụy sẽ đến, bà sẽ giải thoát khỏi đau khổ bấy lâu nay.

Tiếng đồng hồ cổ trong căn phòng khách vọng lại nghe thật vui tai. Bà đếm từng giờ, từng phút để gặp lại mấy đứa em, và gặp lại cả đứa con mệnh bạc không may mất sớm của mình. Người ta cứ bảo, kiếp này đau khổ là do kiếp trước làm nhiều việc ác. Bà Xuân ngậm ngùi, có lẽ bốn chị em bà sinh ra trong gia đình của ông bà Tiều cũng có thể coi là quả báo.

Sáng sớm hôm sau, lão Kiệm gù vào phòng bà. Lão chẳng nói chẳng rằng đè chặt bà xuống rồi bắt đầu sỉ nhục. Độ chừng nửa tiếng sau, lão đứng dậy rời đi. Khi bước đến cửa phòng còn không quên quay lại dặn bà mang lò sưởi than vào nhà để lát nữa bọn thằng Ngụy tới.
Bà Xuân uể oải mặc lại bộ quần áo xộc xệch trên người. Hai hàng nước mắt nóng hổi lăn trên gò má nhăn nheo đã sạm lại của bà. Lần sỉ nhục cuối cùng. Lần đau khổ cuối cùng. Tất cả mọi thứ sắp chấm dứt tại đây được rồi.
............................
𝟴 𝗴𝗶𝗼̛̀ 𝘀𝗮́𝗻𝗴 𝗻𝗴𝗮̀𝘆 𝟭𝟳 𝘁𝗵𝗮́𝗻𝗴 𝟭𝟮.
Trời đã ngưng đổ tuyết để chuẩn bị cho một trận tuyết còn lớn hơn lúc trước. Thằng Ngụy và gã béo Tiểu Triệu đang ngồi trong nhà, thư thả uống trà với lão Kiệm.Trên bàn là một xấp tiền đặt cọc. Bà Xuân nghe loáng thoáng rằng có một nhà giàu nọ muốn mua một lúc bốn đứa trẻ, dự định đặt tên là Tứ Quý nghĩa là Xuân Hạ Thu Đông. Bọn Tiểu Triệu nghe thế thì gật gù đồng ý, chỉ có điều tìm trẻ con sẽ khó hơn.

Cả ba người đàn ông bàn bạc hồi lâu, một lúc sau lão Kiệm quát bà Xuân mang đồ ăn lên để lão nhắm rượu. Bà Xuân khẽ đáp lại một tiếng rồi lục tục xếp vào khay một mâm rượu thịt thơm lừng. Khi mâm cơm vừa mang lên, thằng béo Tiểu Triệu ngạc nhiên thấy ở giữa mâm có mấy ống tre trông rất lạ mắt. Nó hỏi thì bà Xuân trả lời rằng đó là cơm ống lam của người Việt.

Ở quê bà người ta thường ăn cơm này vào ngày mưa rét. Lão Kiệm và thằng béo ồ lên một tiếng, thằng Ngụy gật gù vì gã cũng đã từng thưởng thức món này ở mạn Chùa Hương. Khi thằng béo định lấy ống tre thì bà Xuân đã nhanh tay đón lấy rồi mỉm cười:

“Cơm đã nguội! Để tôi hong ở trên bếp than hồng ngay tại đây.”

Cả ba người kia không nói gì. Giây phút bà Xuân đưa mấy chiếc ống lam vào trong lò, trước mắt bà hiện lên hình ảnh bốn chị em cười đùa với nhau dưới một góc sân nhà.
..........................
8 giờ 37 phút sáng. Người dân trong thôn Bạch Thủ được một phen hoảng hồn vì nghe thấy một tiếng nổ ầm ầm phát ra từ căn nhà ở giữa thôn. Khi mọi người chạy đến, gian phòng khách của lão Kiệm lúc này đã bị thổi tung một góc. Cát đá, bụi bặm bay tung tóe khắp nơi. Ai nấy cũng đều rụng rời chân tay trước cảnh tượng ấy. Một người đàn ông gào lên:

“Mau vào cứu người!!! MẸ CHÚNG MÀY! CÒN ĐỢI CÁI GÌ NỮA?”

Đám thanh niên luống cuống chạy vào bên trong. Mùi thuốc nổ vẫn bốc lên nồng nặc. Hiện trường có bốn người chết, trong đó ba người đàn ông đều nằm đè lên trên cái bàn đã thành gỗ vụn. Máu thịt bầy nhầy bắm tung tóe, nhiều người trông thấy cảnh tượng đó bèn nôn thốc nôn tháo.

Đám đàn ông trong làng tìm được mấy chiếc xẻng xúc tuyết để hốt xác của các nạn nhân. Máu thịt lúc này đã hòa lẫn với nhau, căn bản không thể nào còn phân biệt được của ai vào với ai nữa. Một người đàn ông phát hiện thấy một nửa cái đầu nằm giữa vũng máu trên góc nhà. Phần sọ lúc này đã rơi ra một nửa.

Nhìn thoáng qua đã đủ kinh hồn bạt vía, không ai dám lại gần để nhặt chiếc đầu lên. Lúc ấy Lý Tam đến, gã xung phong đi vào nhặt đầu nọ. Nhìn thấy cái đầu, gã cố gắng nén một trận nôn khan rồi tiến lại gần. Hai bàn tay thô bè của lão bưng một nửa cái đầu lên. Tóc, máu và thịt lẫn lộn với nhau. Lý Tam nhận thấy đây là đầu của bà Xuân. Gã nhìn một lúc rồi thốt lên với người trong thôn đang nín thở theo dõi:

“Mọi... mọi người ơi... Mụ Xuân... Mụ... mụ ấy đang mỉm cười...!!!”
.........................................................
𝗩𝗮̀𝗶 𝘁𝗵𝗮́𝗻𝗴 𝘀𝗮𝘂
Trong một phòng bệnh ở bệnh viện thuộc huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang, một người đàn bà băng mắt đang ngồi bất động trên giường. Mụ chỉ bị thương một mắt, mắt kia vẫn có thể nhìn được nhưng mụ nằng nặc đòi bác sĩ phải băng cả hai mắt cho mình. Bởi lẽ, cứ mỗi lần mở mắt ra là mụ lại thấy một người đàn bà mặc áo đỏ áo đen đứng trước cửa phòng bệnh. Ký ức ngày bé của mụ lại ùa về như một thước phim quay chậm.

Cây hòe già nằm im lìm bên cạnh cái giếng, nụ cười của chị Xuân, của em Thu và em Đông rực rỡ trong ánh nắng mặt trời. Nước mắt chảy ra lại làm cho cơn đau của mụ buốt đến tận óc. Mấy người cảnh sát mặc quân phục màu xanh đi đi lại lại. Họ chưa hỏi mụ điều gì cả, chỉ hỏi thăm sức khỏe và muốn mụ kể về thời thơ ấu của mình. Mụ cười nhạt trả lời:

“Tôi không có thời thơ ấu.”

Dĩ nhiên là mụ nói thật, hoặc chí ít là mụ nghĩ rằng điều ấy là thật. Thời thơ ấu của mụ đã chấm dứt kể từ ngày mụ lấy vàng trong tủ của bố mẹ trốn đi cùng với chị ruột của mình. Bắt đầu từ đó, mụ không còn nhớ thêm điều gì nữa. Những gì còn sót lại trong kí ức của mụ là ở trong căn hầm dột nát toàn phân chuột.

Thứ mùi ấy hôi nồng không kém mùi phân dê ở nhà mụ ngày trước. Khi chị Xuân bị một lão già mang đi, mụ còn đang sốt và tưởng rằng mình sẽ chết. Mụ khóc nức nở, mụ bị thằng cai ngục cưỡng bức để rồi gần chục ngày sau mụ bị bán đi với danh nghĩa một đùi gà. Có lẽ tuổi trẻ của mụ vớt vát lại cho mụ chút ít.

Sau rất nhiều năm, mụ không còn dùng cái tên Hạ nữa. Mụ tự gọi mình là Sảng. Vì mỗi lần lên cơn mê sảng, mụ lại được về nhà, cùng mấy chị em đi hái măng trên rừng.

Vào một ngày trời rét lạnh, hệt như cái đêm trước khi mụ cùng chị ruột trốn đi. Mụ nhìn thấy người đàn bà mặt đỏ mặt đen đứng trước cửa. Sau lưng người đàn bà kia là chị Xuân, cái Thu và con bé Đông. Mụ mỉm cười đờ đẫn, miệng hé môi:

“Cuối cùng thì chúng ta cũng đoàn tụ.”

Mụ dồn hết sức lực của mình cắn thật chặt vào lưỡi.

Một dòng máu tanh nồng xộc thẳng vào khoang miệng. Nghiệt ác mụ tạo ra quá nhiều, chỉ có cách này mới có thể đền tội. Trước khi chết mụ giật băng mắt nhìn ra bên ngoài. Ánh mắt trời buổi sáng đang chiếu nắng vào phòng bệnh. Ở ngoài kia, hình như mùa xuân đã về.

..............𝗛𝗲̂́𝘁 𝗻𝗴𝗼𝗮̣𝗶 𝘁𝗿𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗽𝗵𝗮̂̀𝗻3 ........................
Đ𝗼́𝗻 𝗰𝗵𝗼̛̀ 𝗻𝗴𝗼𝗮̣𝗶 𝘁𝗿𝘂𝘆𝗲̣̂𝗻 𝗽𝗵𝗮̂̀𝗻 4: 𝗛𝗼̂̀𝗻 𝗠𝗮 𝗔 𝗣𝗵𝗼𝗻𝗴 𝗢̛̉ 𝗣𝗵𝗼́ 𝗕𝗮̉𝗻𝗴
Xem Tiếp Phần 4 Hồn Ma A Phong Ngoại Truyện : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn