Tôi làm nghề may xác!
Tôi tên Hoài An sống ở làng Quế Lĩnh, kiếm sống bằng nghề khâu vá quần áo và... may xác chết.
Nghề này từ trước đến nay không phải là hiếm nhưng ít ai dám làm bởi chỉ cần nghĩ đến việc cầm một bộ phận trên cơ thể người, dùng mũi kim sắc nhọn đâm vào chúng thôi đã khiến người ta sởn hết gai ốc.
Ban đầu tôi chỉ là một người may quần áo bình thường nhưng vì miếng cơm manh áo nên mới phải làm thêm nghề này. Có người hỏi sao không chọn nghề khác tôi chỉ đáp lại một câu “Vì nhiều tiền.” Quả thực, làm nghề may xác được trả tiền rất hậu hĩnh nhưng bên cạnh đó vẫn có những tai nạn nghề nghiệp không đáng có.
Dân làng tôi kỳ thị nghề may xác, họ cho rằng đây là một nghề nguy hiểm dễ bị vong ám theo nếu hợp mệnh đặc biệt là mấy đứa con gái như tôi. Bình thường thì không sao nhưng hễ dính phải duyên âm thì khổ. Vốn dĩ tôi cũng không thích nghề này nhưng cuối cùng không có gì qua nổi việc kiếm kế sinh nhai.
Nghề may xác mang lại cho tôi khá nhiều tiền thậm chí còn nhiều hơn việc ngồi ở nhà vá lại mấy chỗ rách trên quần áo. Trong làng nếu nhà có người mà khi chết cơ thể không lành lặn sẽ tìm đến người may xác để may lại cho hoàn thiện giống như ban đầu. Bởi họ cho rằng chỉ khi thân xác lành lặn thì đi xuống địa phủ mới dễ dàng đầu thai làm người ở kiếp sau.
Trước mặt họ chê bai nhưng sau lưng vẫn tìm đến tôi để may xác đơn giản vì nhà nào có người chết không lành lặn sẽ được coi là điềm xui. Dĩ nhiên, số tiền họ bỏ ra để may xác và để tôi giữ kín bí mật không hề nhỏ nhờ đó mà tôi có tiền mua thuốc cho bố, lo cho hai em đi học, giảm bớt gánh nặng cho mẹ tôi.
Nói thật, ban đầu tôi rất sợ khi phải nhìn những phần thi thể lặt lìa của người đã khuất đặc biệt tôi lại là con gái nên lá gan cũng nhỏ hơn nhiều so với những người đàn ông trong nghề. Nhớ lại lần đầu tiên tôi nhận khâu xác cho một đứa trẻ con bị tai nạn giao thông, đầu óc tôi lúc đó như thể trên mây tôi còn không dám nhìn trực diện. Đến gần thi thể tôi hé một mắt ra nhìn thì tá hỏa khi phần trên và dưới của đứa bé tách rời hoàn toàn, vài vệt máu tươi vẫn còn dính trên tấm vải trắng.
Nghe bố mẹ thằng bé nói, nó đi chơi trên tỉnh không mấy bị tàu hỏa cán đứt lìa hai chân rồi chết ngay tại chỗ. Vì thế trước khi đem chôn cất bố mẹ nó đã tìm đến tôi để may lại hai chân cho con mình. Khi ấy tay tôi run lẩy bẩy khó khăn lắm mới có thể cầm dao và kéo lên từng bước thực hiện trên thi thể thằng bé.
Tôi cắt những sợi dây chằng lởm chởm, vướng víu trên chân và đùi rồi bắt đầu công việc khâu chúng lại với nhau. Dù đã qua một lớp khẩu trang nhưng tôi vẫn ngửi được mùi tử thi thoang thoảng nơi cánh mũi. Tay tôi chạm vào đôi chân lạnh ngắt cẩn thận di chuyển chúng gần với đùi.
Sau khi đã căn chỉnh chuẩn xác tôi bắt đầu khâu vá chúng lại với nhau. Trong lúc làm việc, tôi luôn tự nhủ với bản thân rằng mình chỉ đang khâu một chiếc áo hay một chiếc quần để tự trấn an. Từng đường kim mũi chỉ cứ thế thuận theo tay tôi mà nối liền hai khúc lại tạo thành một đôi chân hoàn chỉnh mặc dù không giống như lúc đầu cho lắm.
Lần may xác đầu tiên của tôi có thể coi là thành công khi chỉ có đôi chân bị lìa ra khỏi xác tuy nhiên đường khâu không được đẹp nên tiền cũng theo đó mà ít đi. Dù sao, tôi cũng mừng vì đã vượt qua nỗi sợ của bản thân. Những lần may xác sau đó tôi làm việc một cách chuyên nghiệp hơn, học được cách khâu không nhìn thấy đường chỉ và đặc biệt là làm cho cơ thể người chết giống y nguyên như lúc còn sống.
Có những thi thể khi tôi nhận may không còn nguyên vẹn, nhiều xác đầu lìa khỏi cổ, cái khác thì mặt mũi dập nát đến nỗi không nhận ra nhưng vẫn không có gì làm khó được tôi. Tiền trả sau mỗi lần may ngày một cao, nhiều người tìm đến tôi hơn nhưng tôi biết họ vẫn âm thầm kỳ thị sau lưng. Tôi mặc kệ chỉ cần có tiền, họ nói thế nào cũng được.
Hôm nay, tôi lại có thêm một khách yêu cầu may xác. Khác với những lần trước, thông thường người muốn may xác sẽ tự đưa người thân của họ đến chỗ tôi để thực hiện công việc cần làm. Còn lần này, vị khách mới lại yêu cầu tôi đến nhà của họ thay vì đưa thi thể tới chỗ làm việc bí mật của tôi giống mọi người.
Ngồi trong phòng, tôi thẫn thờ nhìn mảnh giấy ghi vài dòng nghuệch ngoạc. Tôi nhíu mày khó khăn đọc từng chữ:
- Đến căn nhà dưới chân núi Mộc Tử.
Căn nhà dưới núi Mộc Tử chính là căn nhà của dòng họ Trịnh, dòng họ lâu đời và quyền thế nhất làng của tôi. Nghe danh đã lâu nhưng tôi chưa một lần đến đó. Dân làng nói người trong dòng họ này rất kỳ bí, ít khi xuất hiện. Mỗi tuần, nhà họ sẽ cử một người đi chợ vào thứ hai. Mà mỗi lần mua sẽ mua đồ ăn dự trữ một tuần, cứ như vậy đều đặn mỗi tuần một người nên cũng không ai rõ nhà họ Trịnh có bao nhiêu người làm.
Tôi từng nghe bà ngoại kể trước kia dòng họ Trịnh làm ăn buôn bán phất lên nhanh chóng nên rất có tiếng nói trong làng. Thậm chí họ còn nhập nguồn hàng của người dân để bán giúp cho cuộc sống mọi người cải thiện hơn.
Nhưng kể từ khi người đứng đầu dòng họ mất, gia đình bắt đầu suy thoái làm ăn thua lỗ một khoảng thời gian dài không ngóc đầu lên được. Khoảng 5 năm trở lại đây bỗng dưng giàu có trở nên lại nhưng người nhà Trịnh ít tiếp xúc với dân làng nên cũng không ai biết họ làm giàu bằng cách nào. Tuy nhiên việc nhập hàng từ mọi người họ vẫn tiếp tục nên không ai nghi ngờ hay để tâm gì.
Nguồn hàng họ nhập thì nhiều vô kể từ rau quả, thịt cá đến vải vóc. Có lần tôi định bán cho họ ít vải mà bố tôi một mực ngăn cản nhất quyết không cho. Nhiều lần tôi gặng hỏi bố lý do vì sao thì bố lại im bặt không nói. Tôi đã từng giấu bố đem bán vải cho họ tiếc rằng bị phát hiện, nhớ lần đó tôi bị bố đánh cho một trận nhừ tử nên từ đó về sau tôi không dám cãi lời ông, không giao du với người họ Trinh.
Chuyện tôi làm nghề may xác không một ai trong gia đình biết, bây giờ chuyện tôi được mời đến nhà họ Trịnh may xác mà bị phát hiện thì chỉ có nước ra đường ở. Tôi cất mảnh giấy vào hộc tủ vươn vai hít một hơi thật sâu rồi đứng dậy rời khỏi phòng.
Vừa bước xuống lầu, đang định lên tiếng gọi mẹ thì tôi nghe được cuộc nói chuyện của bố và mẹ.
- Mình này, gần đây nhà mình buôn bán ế ẩm quá không lời lãi được bao nhiêu. Tôi lo không có tiền đóng học cho con.
- Bà yên tâm để tôi nghĩ cách giải quyết.
Bố tôi vừa nói xong liền ho lên mấy tiếng. Nhìn dáng vẻ gầy gò ốm yếu vì bệnh tật của bố. cổ họng tôi nghẹn ứ. Nhà tôi cũng chẳng phải khá giả gì, vì không có tiền nên tôi đã phải nghỉ học ở nhà may vá quần áo bây giờ vì cái nghèo mà các em tôi tiếp tục nghỉ học, tôi thật không đành lòng. Nhìn cảnh mẹ xoay sở tiền bạc khắp nơi, sáng đi tối về với sập rau quả chẳng được mấy đồng tôi nghĩ bản thân nên làm gì đó.
Tổng Hợp
Đăng nhận xét