CHUYỆN MA CÓ THẬT Ở CẦN THƠ Chap 2
Xem Lại Chap 1 : Tại Đây
Chương 2 : Câu chuyện thứ Hai : Ma chết đuối dưới chân cầu Nhị Kiều
Ngày trước, tôi sống cùng với ông bà ngoại tôi ở Đường Hùng Vương, ven sông gần cầu Nhị Kiều ngày đó lúc mà còn chưa làm bờ kè, bên đây sông có mở một quán cà phê, còn bên kia sông là chợ Bích Nài hay Mít Nài gì đó ý (cũng còn có tên khác thường gọi là chợ An Nghiệp), bà chị trong xóm của tôi tên là Hằng thường hay đi làm đêm ở quán cà phê dưới mé sông đó, nhưng mà chuyện sẽ chẳng có gì nếu như ngày đó không xảy ra những chuyện ly kỳ mang đậm tính chất tâm linh trong đó.
Có một lần, tôi ra quán nước cô Thảo ở ngay trước cửa nhà mình ngồi uống nước, tôi vô tình được nghe bà mẹ của chị Hằng và cô Thảo (người thuê sân nhà ông bà ngoại tôi mở quán nước) tám chuyện với nhau.
Nói đoạn, mẹ chị Hằng cất lời:
- Nè bà Thảo! Bà có tin trên đời này có ma không?
- Vụ gì nữa bà nội!
- Con Hằng, nhỏ con gái nhà tui dạo này kì lắm!
Cô Thảo ngạc nhiên:
- Kỳ là kỳ làm sao?
- Hông biết mà tự nhiên có hôm qua Hằng nó đi làm khuya dìa nó mở cửa nhà ra, thoáng nhìn tôi tá hỏa tâm tinh luôn, nhìn nó cứ như cái xác chết trôi ý, da thì trắng bệch hà, mà lúc nào cũng than lạnh rồi than đói, hôm qua nó ăn cả ba tô cơm bự luôn mà nó vẫn còn than đó.
- Trời phật! Thiệt hông vậy?
Mẹ chị Hằng lại gật đầu:
- Thiệt chứ sao hông, không tin một chút tui dẫn nó ra cho chị coi, mới bị ngày hôm qua thôi hà.
Không hiểu sao, khi nghe đến đây tôi lại thấy tò mò vô cùng, cũng phải ngồi nán lại thêm một chút để được tận mắt xem cho rõ.
Được một hồi lâu sau…
Đúng y như lời mẹ của chị Hằng kể, chị Hằng lơ ngơ từ xa xa bước vô quán, nhưng thoạt nhìn mà tôi cũng không thể nào tưởng tượng nổi, trong cô ta cứ như bị thiếu đi sức sống vậy, cái mà người ta thường hay nói như là bị mất vía ấy, dáng đi cứ như một người vô hồn, gương mặt thì lúc nào cũng trắng bệch mà trắng đúng như kiểu xác chết vậy, vừa trông thấy tôi cô ta tự động tránh né, như thể sợ một thứ gì đó mà chính tôi cũng không biết được.
Nói đoạn cô Thảo mới cất lời:
- Nè chị! Cho tui xin lỗi trước nghen nếu mà lỡ lời, tui thấy con bà coi bộ như là đang bị ma nhập đó, cẩn thận mà nhờ thầy về đi, chứ để lâu nó bị hành quài sao con nhỏ chịu nỗi.
Mẹ chị Hằng lúc bấy giờ mới thở dài đáp:
- Hầy!... tui có biết ông thầy bà nào đâu mà dẫn nó đi, hổm rày cũng hay nằm mơ suốt, cứ thấy một con bé nào chạc tuổi con Hằng á, nó kêu nó lạnh quá cho nó ở nhờ, rồi nó còn bảo là đói nữa…
Bà Thảo nghe vậy cũng nói theo:
- Trời, bà tìm đâu xa, đây nè nhà ông bà Chín Dần, ông Chín ổng giỏi lắm, dắt con nhỏ qua đó coi sao... À đây nè, con bé Trân cháu ổng nè, Trân… con dẫn bà mẹ của chị Hằng vô nhà gặp ông ngoại con được không?
Cô Thảo vừa nhìn sang chỗ tôi vừa hỏi, kỳ thực là lúc đó tôi cũng còn bé lắm, chưa hiểu gì, nghe mấy cô hỏi cũng chỉ biết gật đầu rồi chạy tọt vào trong nhà.
Một lát sau...
Mẹ chị Hằng mới dẫn chị ấy qua nhà tôi, đứng trước cửa lúc này là ông Chín Dần (là ông ngoại tôi) mới hỏi:
- Có chuyện gì vậy cô Năm?
Bà Năm nghe ông Chín hỏi nên cũng kể thiệt lòng cho ông nghe hết tường tận sự việc.
Ông Chín Dần lại hỏi tiếp:
- Nó đâu rồi! Dắt nó qua đây cho tui xem.
Bà Năm lúc này mới kéo tay chị Hằng ra đứng trước mặt ông Chín, nhưng cô gái tên Hằng ấy cứ như là sợ thứ gì đó vậy, cô ta không dám ngước nhìn ông Chín.
Được một lúc sau, ông Chín Dần mới kêu bà Năm dẫn chị Hằng vào trong điện thờ nhà ông, nhưng khi bà Năm bã kéo tay con gái của bã vào thì có kéo thế nào đi nữa thì chị Hằng cũng không chịu vào.
Chị ta cứ luôn miệng nói:
- Con không vào đâu! Cho con ở ngoài này đi, con sợ lắm, làm ơn cho con ở ngoài này đi…
Phải đợi đến khi có bốn năm người đàn ông kéo vào, vậy mà cô gái tên Hằng ấy cũng không thể bước được nửa bước qua cánh cửa dẫn vào chính điện.
Đứng nhìn một lúc, thấy không ổn nên ông của tôi mới phải đích thân ra nắm tay chị Hằng kéo vào tận trong nhà, rồi đưa chị lên cái gác, vì nơi thờ cúng cửu huyền và sư phụ của ông tôi khi đó là nằm trên gác, lúc lôi cô gái trẻ đó vào, chị ấy càng ngày càng la dữ dội hơn, nhưng nhìn kỹ tôi còn thấy chị ta cứ đưa tay lên che trán lại, gân máu gì nổi cộm hết khắp cả tay chân, chị Hằng khóc không ngừng.
Khi đã yên vị trước bàn thờ tổ và cửu huyền nhà tôi, khi đó tôi len lén đứng sau tủ thờ nên thấy rất rõ, ông ngồi xuống cạnh Hằng và hỏi chuyện chị ta.
- Tên gì? bao nhiêu tuổi?
Cô gái trẻ khẻ gật đầu qua lại, nhưng vẫn không dám ngước nhìn ông, chị ấy đáp:
- Con tên Thu! con 18 tuổi.
Ông Chín Dần (ông ngoại tôi) lại hỏi tiếp:
- Mày chết ở đâu? rồi sao không về nhà đi, sao lại lang thang rồi nhập vào hành con gái người ta?
Cô gái trẻ vẫn rụt rè nói:
- Con ở bên kia sông, con buồn mẹ con lắm,… rồi có lần ra ngồi ngay mé sông, trượt chân té chết, xác trôi dưới chân cầu… con muốn về mà không có ai gọi con về.
Ông Chín lại hỏi tiếp:
- Vậy rồi bây giờ có ra khỏi xác của người ta hay là không?
Nghe đến đây, cô gái kia lại vừa khóc vật vã vừa trả lời:
- Thôi con không ra đâu… hức hức, con lạnh lắm, cho con ở đây đi... đừng đuổi con...
Thấy không ổn, ông Chín Dần mới lật đật lấy từ trên bàn thờ cửu huyền ra một chén nước, đến cả tôi là con cháu của ông, mà tôi còn chưa biết cái thứ nước ấy là gì, chỉ biết rằng khi cái thứ nước đó vẩy vào người chị Hằng thì chị ta liền kêu gào lên trong đau đớn mà van xin:
- Thầy ơi!... thầy tha cho con, đừng đánh con nữa, con đau lắm… thầy ơi con biết lỗi rồi…
Nhưng dù cho chị ta có van xin thế nào đi nữa, đến khi ông Chín hỏi có chịu thoát ra hay không thì chị ta vẫn lắc đầu.
Nói đoạn, ông Chín lúc này mới ngậm dầu lửa phun vào ba nén nhang đã cắm sẵn trên lư hương, rồi đọc lẩm bẩm câu chú trong miệng, sau đó lại phun tiếp lên người của chị Hằng, cứ thế vừa đọc chú vừa ngậm dầu lửa phun thì chị ta liền ngất xỉu.
Sau đó, ông của tôi lại lấy ra một cái bùa rồi đeo vào cổ cô gái kia, cái thứ bùa huyền diệu ấy tôi được nghe bà ngoại (vợ của ông Chín) kể lại rằng, đó chính là "bùa lèo", chuyên dùng để đuổi tà, rất hữu hiệu.
Sau ngày hôm đó, ông Chín Dần cũng dựa theo những thông tin mà vong hồn của cô Thu nhập vào xác của chị Hằng khai ra, mà qua đó đi tìm gia đình của cô ấy.
Ông có qua đến bên mé sông bên kia cầu Nhị Kiều (giờ cũng là bờ kè Đinh Tiên Hoàng) để hỏi xem có hai mẹ con nào tên Nguyệt và Thu sống gần đó hay không, vẫn may là ông được người dân bên đó chỉ qua một căn trọ gần đó, nhưng mà là ở bên kia sông, cách cầu Nhị Kiều chừng vài trăm mét, lúc này người ta mới kinh ngạc khi biết được là ngày trước cũng có hai mẹ con thuê trọ ở đó, người mẹ là Nguyệt, còn đứa con là Thu, sau khi gặp và nói chuyện trực tiếp với những người sống lâu năm trong căn trọ đó thì ông Chín Dần mới biết được là ngày Thu còn sống hay quậy phá trong nhà lắm.
Hai mẹ con hầu như nào cũng cãi nhau cả, cho đến khi bà Nguyệt (mẹ của cái vong tên Thu) bà ta tưởng cô con gái của bà bỏ nhà đi mất tích thì bà ấy cũng chuyển trọ đi nơi khác luôn, mà không hề biết rằng con bà đã chết.
Mãi đến sau này, ông Chín mới đem hồn của cô Thu lên chùa Bửu Pháp Tự nằm trong hẻm 90, để cho vong hồn cô được nghe đọc kinh và siêu thoát.
------------------------------------
Chương 2: Câu chuyện thứ hai: Quỷ Bắt Hồn Con Nít
Chuyện này cũng là một trong số ít chuyện hy hữu nhất mà tôi may mắn được chứng kiến khi còn là một cô bé.
Có một hôm vào buổi trưa, khi tôi vẫn còn đang mải mê ngồi chơi đùa trước nhà, nhà tôi hồi đó vẫn ở trên đoạn đường Hùng Vương, nhưng lại nằm gần con hẻm, nên chuyện mới bắt đầu xảy ra từ đó.
Hôm đó cô cháu gái bé nhỏ của ông Chín vẫn chơi đùa như mọi khi trước sân nhà mình, ngó ra ngoài chỗ cây cột điện gần đầu hẻm nhà ông Chín, tôi thấp thoáng thấy có một bà chị đang ru con ngủ, trong lòng ngực tôi bỗng dưng thấy thấp thỏm lo âu đến lạ, đối với tư tưởng của một cô bé còn đang trong độ tuổi thơ ngây ấy, kỳ thực là chẳng hiểu được gì về thế giới tâm linh đầy mụ mị đó cả, nhưng những chuyện mà tôi đã từng trải qua khi còn sống cùng với ông bà ngoại là những điều cực kỳ dị thường mà tôi từng được biết.
Tôi còn nhớ như in, cái buổi trưa ngày hôm đó trời cứ âm u khó lường, những cái chuông gió treo trên ban công nhà ông Ngoại cứ được thể reo đông đưa rồi phát ra những thứ âm thanh như chuông báo thức.
Ông ngoại tôi khi đó nằm trên chiếc ghế bố, vì ông nằm ngủ ở ngoài ban công nên khi nghe được tiếng chuông gió, ông liền giật mình tỉnh dậy, ông ngoại của tôi ngó xuống dưới nhìn qua chỗ tôi, xong lại nhìn ra ngoài đầu hẻm nhà mình, lúc đấy không hiểu sao ngoại tôi mới hớt hãi nhảy từ ban công đáp nhẹ nhàng xuống dưới đất, vì là lầu nhà tôi được xây cũng thấp lắm nên ông mới tiện thể mà phóng đại xuống như vậy, ông ngoại tôi lúc bấy giờ mới tức tốc chạy ra lôi cho bằng được hai mẹ con của cái chị kia và cả tôi vào trong nhà, khi đó cửa nhà cũng đang khép hờ, chỉ chừa lại một khe hở nhỏ đủ cho một người vào, vậy mà khi đó ông ngoại đạp một phát cả hai chị em và đứa nhỏ lọt thẳng vào trong rồi nói vọng vào:
- Mấy đứa đóng cửa lại liền cho ông, chạy lên bàn thờ cửu huyền chờ ông, một lát nữa ông vào, nghe chưa!
Bà chị bồng đứa con trai tay dù không hiểu là chuyện gì nhưng cũng dẫn tôi lên gác ngồi chờ ông tôi trở vào.
Ngồi trước bàn thờ, tôi vẫn nghe rõ những âm thanh ì đùng bên ngoài, nó cứ y như là một trận xung kích của những toán binh lính vậy, đến hồi chập nửa tiếng sau, ông ngoại tôi mới mở cửa ra bước vào trong nhà rồi đóng cửa lại liền ngay sau đó.
Ông bước lên bàn thờ thắp cho cửu huyền và trước bát hương thờ lão sư của ông mỗi bên 3 nén nhang, xong lại quay sang chỗ tôi mà nói:
- Mai mốt con có ra ngồi chơi trước sân nhà mình, nếu có thấy ai mặc đồ đỏ, mà trang phục giống như là trên mấy cái phim cổ trang trung quốc mà con hay coi ấy, con nhớ là khi gặp nó thì phải liền chạy vào trong nhà nghe chưa, hoặc nếu gần đó có nhà nào thì cứ chạy thẳng vào trong đó mà trú, đừng bao giờ quay đầu nhìn lại, nghe chưa Trân!
Nói rồi ông lại lấy ra mấy lá bùa nho nhỏ đeo vào cổ chị gái kia và cả đứa bé, xong phải đợi đến chiều tối mới cho về.
Thời gian sau đó, hai mẹ con chị kia cũng nước ngoài, mãi cho đến mấy năm sau, chị ấy về gặp tôi và ông ngoại, chị mới kể cho tôi nghe lại chuyện hồi trước.
Chị ấy nói rằng cái hôm mà xảy ra chuyện, chị ấy đứng ru con ngay khúc hẻm gần nhà tôi, quả thật là trưa hôm đó chị có gặp phải một người ăn bận đúng y như những gì mà ông ngoại tôi nói, vừa may là khi đó ông ngoại tôi kéo chị ấy vào, chứ không thì đã bị bắt mất con rồi, chị ấy còn nói rõ đó là quỷ chứ không phải người, vì chị ấy không thấy rõ mặt phía sau cái nón, với lại ông ta không có chân, buổi trưa nhất là 12 giờ trưa, giờ đó là giờ chí dương nên ma quỷ cũng đặc biệt nhiều, mà ngã tư đường, những con hẻm thì lại là nơi tập tụ của chúng, nên ông ngoại tôi mới dặn dò kỹ càng như thế.
Bởi có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà, nên có những chuyện dù tưởng rằng như là bình thường, nhưng biết đâu đó ở bên kia thế giới lại là điều cấm kị thì sao.
-------------------------------
Chương 3: Câu chuyện thứ ba: Bóng Người Dưới Sông
Ngày trước, tôi vẫn như mọi khi thôi, ông ngoại là ông Chín Dần đi đâu là tui cứ chạy theo ông đi đó, đến độ cả gia đình thường hay gọi tôi là cái ăng ten của bà ngoại, vì hể khi ông đi đâu làm gì là trở về, tôi đều báo cáo lại cho bà ngoại tôi biết hết, nhưng mà dẫu sao thì ông bà vẫn thương tôi vô bờ bến.
Tôi còn nhớ, ông và tôi ngày trước thường hay đi ven con sông, chỗ mà khi nhìn qua bên kia chính là chợ An Nghiệp. Mẹ tôi hồi đó bán trái cây bên chợ An Nghiệp luôn, nên phải đi ven con sông đó để đến bến ghe qua chợ cho nó nhanh. Chứ mà đi qua cầu rồi đánh một vòng vô chợ, người thì đông đúc, chỗ bán của mẹ tôi hồi đó cũng nằm ngay giữa chợ nên cũng khó bon chen lắm, may nhờ đi vậy mới đỡ tốn thời gian.
Chỗ mà mẹ tôi buôn bán lúc bấy giờ cũng là nhờ có ông ngoại đứng ra tìm cho được cái chỗ ưng ý, rồi cũng trấn trạch đủ thứ mới bán buôn thuận lợi.
Hồi đó, gia đình tôi có quen ông Tư, người ta hay gọi là ông Tư Què (vì ông bị mất hết một chân), nhà ông Tư ngày đó cũng ven con sông đó, cứ ngày đêm bất kể nắng mưa, ông Tư đều phải lặn lội bán vé số dọc con Rạch Cái Khế đó để bán, có hôm còn lội vòng qua tận bến xe Hùng Vương ngày trước để bán nữa. Ông ngoại tôi thường hay mua vé số giúp ông Tư, mà kiểu mua dùm một hai tờ thôi, vì vốn dĩ ông ngoại đâu có chơi vé số. Cái thời đó tuy một tờ có mỗi hai ngàn thôi, vậy mà người ta lại thấy ấm cúng lắm.
Rồi một thời gian lâu sau đó, gia đình tôi không còn thấy ông Tư Què bán vé số nữa, có một hôm ông ngoại tôi tập thể dục về, lúc đi trên cầu Nhị Kiều mới vô tình thấy ông Tư ngồi xe lăn chứ không chống gậy đi như mọi khi nữa, ông tôi lúc đó cũng bàng hoàng.
- Chú Tư! Lâu quá không gặp, hổm rày không thấy chú Tư bán.
Ông Tư lúc này cũng thay đổi nét mặt, cái vẻ mặt như sợ sệt thứ gì đó, đôi mắt cứ đảo lia lịa đáp:
- Cậu… cậu Chín dắt hộ tôi xuống dốc cầu được hông cậu, ghé quán cà phê nào đó rồi tôi kể cậu nghe, chứ đứng ở đây tôi nhớ lại mà sợ quá cậu ơi!
Nghe vậy, ông Chín Dần (ông ngoại tôi) cũng bán tín bán nghi, nhưng rồi cũng dẫn ông Tư xuống dốc cầu rồi tấp vào một quán nước gần đó, cầm ly cà phê đá mà tay ông Tư cứ run run, uống lẹ một cái rồi ông Tư mới kể lại.
Có một hôm, ông Tư đi bán vé số từ bến xe đổ về, giờ đó cũng đã gần mười giờ đêm rồi, mà phải đi men theo Rạch Cái Khế để về nhà, mà hồi đó thì làm gì có đèn đường, chỉ nhờ vào ánh đèn của mấy ngôi nhà gần con sông hắt ra mà men theo đi thôi.
Đêm đó cứ đinh ninh trong bụng là đi về nhà sáng mai bán tiếp, vậy mà đi được một đoạn dọc con sông thì lại thấy có bóng người ở phía xa xa đứng ngoắc tay, rồi bất chợt một cơn mưa trút xuống khiến cho ông Tư được thể chạy nhanh đến chỗ bóng người đó, nhưng với một người như ông Tư thì việc chạy nhanh cũng là điều hơi khó, ông cứ khập khiễng bước đi trên con đường mòn đã ướt sũng bởi nước mưa.
Cứ tưởng là có người mua vé số, nhưng khi chạy gần đến nơi thì ông Tư mới giật mình khi thấy cái bóng người đó đang đứng ở giữa sông. Người đó như thể đang nổi trên mặt nước vậy, điều lạ thay là giữa trời mưa ầm ầm như thế, mặt nước chỗ người đàn ông đó lại êm ru chẳng có tiếng động gì, cho đến khi cái bóng người đó lướt từ từ trên sông rồi đứng trên bờ, thì lúc này ông Tư mới nhìn rõ được dáng người đó là của một người phụ nữ, bà ta mặc một bộ đồ lam, lại còn đội nón lá.
Ông Tư nghĩ trong lòng:
"Trời tối hù mà giờ lại mưa xối xả, cái cô này ở đâu ra vậy không biết?"
Vừa suy nghĩ miên man, ông Tư vừa điếng người nhận ra khi thấy người phụ nữ đó từ khi đứng ở dưới con sông kia cho đến bây giờ, dường như bà ta chẳng hề bị ướt chỗ nào cả.
Biết có điềm dữ, nhưng vẫn cố tự trấn an mình, ông Tư lay lay người đàn bà đang đứng trước mặt mình chừng một cánh tay.
- Cô gì ơi! Cô mua vé số hả cô?
Bầu trời vẫn cứ mưa i đùng, chập choạng còn có tiếng sét nổ vang trời, nhưng người đàn bà đội chiếc nón lá kia vẫn đứng trân trân một chỗ không nói gì.
Ông Tư lại gọi tiếp:
- Cô… cô gì ơi… cô mua… mua…!
Chưa kịp nói hết lời thì một cơn gió thổi khẽ qua, vô tình làm chiếc nón rơi xuống đất, để lộ một cảnh tượng hãi hùng. Ngay trước mắt ông Tư lúc đó là một người phụ nữ không có đầu.
- Trời đất ơi! Ma… maaa…
Ông Tư quay ngắt người chạy thụt mạng giữa màn đêm đang mưa, ông chạy tới gần đầu cầu, thời đó chỗ đoạn đó còn có một cái xưởng gỗ, ông Tư chạy rồi ngã nhào xuống bãi gỗ rồi lăn đùng xuống sông. May là nước xuống nên hai bên mé sông cũng cạn, ông Tư té rồi nằm lại dưới đó luôn, phải mất một lúc lâu sau có người sống trên một cái ghe gần đó, nghe ông Tư kêu cứu mới chèo lại vớt ông lên.
Nằm viện li bì suốt một tuần lễ sau, ông Tư sau lần đó cũng nghỉ bán vé số luôn, lúc xuất viện người nhà đưa ông về, đi ngang đoạn đường đó còn thấy rõ chiếc nón nằm bên đường tối hôm nọ, điều đó càng khiến cho ông Tư chắc nịt với những chuyện ly kỳ mà ông đã gặp đêm hôm đó.
Khi nghe ông Tư kể lại toàn bộ sự việc, ông Ngoại tôi lúc bấy giờ cũng cho ông Tư một lá bùa đeo vào cổ.
Ngày đó tôi đi theo ông ngoại, nên cũng được nghe hết tất tật mọi chuyện. Nghe nói chỗ mà ông Tư gặp ma, bây giờ xây bờ kè, mà trên bờ kè đó còn có xây một cái chùa, người ta hay gọi là Chùa Nữ, vì trong chùa toàn nữ thôi, ngày nào cũng nghe các ni cô đọc kinh siêu độ.
Riêng tôi kể từ khi nghe được chuyện đó, cứ mỗi lần đi ngang là miệng cứ niệm "nam mô" suốt.
Cre: Nguyễn Tất Nhiêm
Đăng nhận xét