Bí ẩn viên kim cương xanh và lời nguyền chết chóc 100 năm

 Câu chuyện về viên kim cương lớn nhất thế giới - bị lấy trộm trong một đền thờ cổ của một vị thần tại Ấn Độ đã trở nên rất nổi tiếng. Mặc dù xuất thân huyền bí, nhưng lời nguyền chết chóc mà viên kim cương xanh "The Blue" này đem đến còn kỳ bí hơn rất nhiều.

Nó đã mang lại tai ương chết chóc cho biết bao vua chúa, quý tộc, tỷ phú, doanh nhân, và cả những kẻ trộm. Liệu đây có phải là lời nguyền bí ẩn, hay là chính là cơn thịnh nộ của Thần Linh? 

Kim cương là món trang sức quý giá mà có lẽ ai ai cũng mơ ước được sở hữu. Viên kim cương xanh lớn nhất thế giới này được các nhà khảo cổ gọi với cái tên đơn giản là "The Blue". 

Phóng viên Ron Edmonds của tờ AP đã từng sửng sốt thốt lên rằng: “Bạn đặt viên đá 45,5 carat lên, có kích thước bằng quả óc chó, ánh sáng lóe lên từ các mặt của nó, bạn biết rằng đây là vật liệu tự nhiên cứng nhất nhưng lại sợ làm rơi nó”. Quả là một báu vật đáng giá.

Nhưng những gì vị phóng viên này mô tả là viên kim cương đã được chia nhỏ ra. Trên thực tế, viên “The Blue” còn lớn hơn nữa, nó lên tới 115 carat. 

Theo truyền thuyết, nó bị đánh cắp từ một tượng thần Hindu ở Ấn Độ. Và bắt đầu từ khi đó, một lời nguyền báo trước những điều xui xẻo và cái chết không chỉ dành cho chủ nhân của viên kim cương, mà dành cho tất cả những ai đã chạm vào nó.

"The Blue" đã xuất hiện và biến mất nhiều lần trên khắp Châu Âu và qua Đại Tây Dương. Trong quá trình đó, vô số nạn nhân của nó là các vua chúa, quý tộc, tỷ phú, kẻ trộm… đã gặp phải vận rủi hoặc mất mạng.

Trong cuốn “Muôn kiếp nhân sinh”, tác giả Nguyên Phong - từng là Kỹ sư trưởng của Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học Đại học Carnegie Mellon - đã kể câu chuyện có thật, đầy huyền bí của một triệu phú đang sống tại New York, có bí danh là Thomas.

Thomas đã có cuộc gặp gỡ với người thợ kim hoàn và biết về lịch sử của viên kim cương “The Blue”. Đó là một ông lão Do Thái nhỏ bé, đeo cặp kính dày cộm. Ông tự giới thiệu mình là thợ kim hoàn chuyên về trang sức cổ xưa của Ai Cập, Ba Tư và Ấn Độ.

Cuộc trò chuyện với ông lão đã giúp Thomas khám phá ra nhiều bí ẩn thú vị.

Lời nguyền trang sức của các Pharaoh

Bắt đầu câu chuyện, ông lão cho biết các bậc Pharaoh ngày xưa đeo nhẫn vào ngón trỏ, tượng trưng cho uy quyền. Một khi Pharaoh đưa ngón tay trỏ đeo nhẫn ra lệnh thì đó là quyền năng cao nhất và mọi người phải tuyệt đối tuân theo. 

Thomas tò mò hỏi tiếp: “Vậy chiếc nhẫn trưng bày tại viện bảo tàng Luân Đôn là của ai? Và trên đó khắc chữ gì?”

Ông lão cho biết đó là chiếc nhẫn của một Pharaoh thuộc vào thời đại cuối của triều đại các vua chúa Ai Cập. Chiếc nhẫn đó khắc dòng chữ “Xin thần Thái Dương Amun Ra che chở cho tôi”. Phía trong có hình chim ưng Horus, tượng trưng cho công lý.

Chiếc nhẫn đó có khảm một viên hồng ngọc, tượng trưng cho đức tin. Do đó, vị Pharaoh này phải là người có đức tin tôn giáo mãnh liệt. Mỗi khi lên ngôi, các Pharaoh đều cho giáo sĩ làm nghi thức đặc biệt truyền bùa chú vào đồ trang sức để bảo vệ cho họ. Hiện nay, chiếc nhẫn này được trưng bày trong viện bảo tàng ở Luân Đôn nên không có điều gì nguy hiểm. 

Ông lão nói thêm rằng hầu hết các đồ vật chôn theo vua chúa đều được yểm bùa để bảo vệ, hay những xác ướp đã được các giáo sĩ giam giữ một số sinh vật cõi âm vào để giữ mồ. Do đó, người mua đồ cổ thường bị hại bởi các động lực, năng lượng vô hình này. Nếu họ không chết thì cũng tán gia bại sản và con cháu họ cũng khó sống yên ổn. 

Dĩ nhiên, ngày nay không ai tin vào những chuyện như thế. Một số người cho rằng đó chỉ là những chuyện hoang đường nhằm mục đích dọa nạt mọi người, không cho họ bén mảng đến những nơi chôn cất đó thôi. 

Tuy nhiên, nhiều nhà khảo cổ đã chết bất đắc kỳ tử. Một số triệu phú thích sưu tầm đồ cổ của vua chúa thời xưa cũng gặp phải các tai nạn thương tâm bất ngờ.

Ngôi mộ của Pharaoh Tutankhamun đã tồn tại trong suốt mấy ngàn năm, còn nguyên vẹn, không bị trộm. Năm 1923, nhà khảo cổ Howard Carter và Lord Carnarvon đã tìm ra ngôi mộ này. Sau khi đào mồ, Lord Carnarvon đã chết bất đắc kỳ tử vì một lý do hết sức mơ hồ. Người phụ tá của ông trong việc đào mồ, George Gould cũng chết vì tai nạn vài ngày sau đó. 

Trong số 40 người hiện diện lúc khai quật mộ, thì 25 người cũng chết trong vòng ba tháng. Nhiều người cho rằng ngôi mộ có rải thuốc độc nhưng cho đến nay không ai tìm được bằng chứng nào cho thấy có độc trong ngôi mộ.

Doanh nhân Thomas tò mò hỏi phải chăng đó chỉ là tin đồn được báo chí phóng đại lên mà thôi. 

Người thợ kim hoàn lắc đầu cho biết: “Chúng tôi làm nghề này đã lâu nên biết rõ mọi việc hơn người khác. Đối với chúng tôi, các cổ vật, trang sức lấy được trong mồ mả, nơi thờ phượng là điều cấm kỵ, không ai dám đụng vào”.

Viên kim cương nổi tiếng nhất thế giới “The Blue”

Ông nói tiếp rằng, một trong những món trang sức nổi tiếng là viên kim cương “Hy vọng” (Hope) màu xanh được lưu giữ trong viện bảo tàng Smithsonian tại Washington D.C. Nó có xuất xứ từ viên kim cương rất lớn tên là “The Blue”, được gắn vào trán của một vị thần trong một ngôi đền cổ tại Ấn Độ. 

Hầu hết các viên kim cương không màu được đánh giá cao, nhưng "The Blue" lại nổi bật với màu xanh lam đậm đặc biệt của nó. Nó có khối lượng khổng lồ 115 carat - một trọng lượng hiếm có về mặt đá quý.

Vào thế kỷ 17, giữa những năm 1640 và 1667, một thương nhân Pháp là Jean Tavernier đã mua được một viên đá quý to gần bằng nắm tay của một người từ một nhóm phiến quân trộm mộ. Ông ta đã bí mật mang về Châu Âu.

Theo tài liệu, Tavernier bán viên kim cương này cho triều đình Pháp vào năm 1668 để gắn lên vương miện của vua Louis thứ XIV, và nó được gọi là “viên ngọc xanh của nước Pháp”. Sau khi bán viên kim cương này được ít lâu, Tavernier hộc máu chết trong xưởng làm trang sức của ông ta tại Paris. 

Vua Louis XIV đã cho cắt nó, giảm xuống còn 69 carat, nhưng tăng cường độ sáng của nó để chế tác một biểu tượng phù hợp cho Vua Mặt trời. Ông cho gắn nó trong một khung cảnh vàng đặc biệt trên vương miện, tạo ra hiệu ứng ánh nắng Mặt trời phản chiếu trên đá vô cùng lộng lẫy.

Sau khi đội vương miện trong lễ đăng quang, vua Louis thứ XIV cũng bị bệnh, da thịt ung thối và chết vì nhiễm độc. Không những thế, những người con của vị vua này cũng chết thê thảm. Người chết đuối, kẻ chết cháy, kẻ chết vì ngã ngựa lúc đi săn, chỉ có một người duy nhất sống sót.

Vương miện được truyền qua tay vua Louis thứ XVI. Ông này cho tháo viên kim cương đó ra để làm vòng đeo cổ cho nữ hoàng Marie Antoinette. Chỉ vài năm sau, cả hai đều chết thê thảm trên máy chém trong cuộc Cách mạng Pháp 1792. Tài sản triều đình được phân chia cho những người lãnh đạo cuộc cách mạng. 

Theo tài liệu của các thợ kim hoàn thời đó, vào giữa tháng 9 năm 1792, khi một làn sóng bạo loạn nhấn chìm Paris, những tên trộm đã đột nhập vào Kho bạc Hoàng gia Garde-Meuble, và lấy trộm hầu hết các trang sức trong vòng 5 đêm.

Viên kim cương sau đó được mang qua Anh, và lọt vào tay một thợ kim hoàn nổi tiếng là Wilhelm Fals. 

Bốn viên kim cương nhỏ hơn

Theo các tài liệu cho biết, Wilhelm Fals cắt nó ra thành bốn viên kim cương nhỏ hơn để dễ bán, vì không mấy ai có khả năng mua được một viên kim cương nặng hàng trăm carat như thế. 

Ít lâu sau, Wilhelm Fals bị chính con trai mình giết để cướp gia tài. Cậu con trai bị kết án và cũng chết trong nhà ngục. Chuyện gì đã xảy ra cho bốn viên kim cương này không được lưu truyền trong suốt một thời gian dài.

Ông lão Do Thái cho biết, theo tài liệu bí truyền của các thợ kim hoàn, thì chàng triệu phú Hoa Kỳ trẻ Somerset đã mua được một viên để làm quà tặng cho người vợ chưa cưới. Lúc đó, viên kim cương quý tộc lung linh này được mệnh danh là "Trái tim của Đại dương". Hai vợ chồng hưởng tuần trăng mật sóng gió trên chiếc tàu định mệnh Titanic. Chắc mọi người cũng biết bi kịch gì đã xảy ra cho chiếc tàu Titanic rồi.

Viên thứ hai rơi vào tay Nga Hoàng Nicholas và được chế tác thành vòng ngọc đeo trên cổ hoàng hậu Alexandria. Cuối cùng, Nga Hoàng đã bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Bolshevik 1917.

Viên thứ ba rơi vào tay triệu phú Hy Lạp Simon Maoncharides. Chỉ ít lâu sau khi mua viên kim cương, ông lái xe rơi xuống vực chết thê thảm. Hiện nay không ai biết viên kim cương này thuộc về ai. 

Có người nói rằng nó lọt vào tay triệu phú Onassis và được tặng cho bà Jacqueline Kennedy trong hôn lễ. Nếu viên kim cương này được lưu giữ trong gia đình Kennedy thì thật là bất hạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là tin đồn, chứ không ai biết rõ sự thật.

Viên thứ tư, lớn nhất và đẹp nhất được bán tại Thụy Sĩ, nhưng giá trị của nó quá lớn nên không ai mua nổi. Đến năm 1839, hoặc có thể sớm hơn, viên kim cương xanh thuộc sở hữu của Henry Philip Hope, người thừa kế ngân hàng Hope & Co. Hope là một nhà sưu tập đồ mỹ nghệ và đá quý, và ông đã mua viên kim cương xanh lớn và cho nó mang họ mình “The Hope”

Viên kim cương “Hy vọng” (Hope) đầy ám ảnh

Vào năm 1887, ông Philip Hope phá sản và năm 1901 phải bán lại viên kim cương cho cháu mình là Francis Hope. Người này sau khi sở hữu viên kim cương đã mất khối gia tài khổng lồ vào bài bạc, còn người vợ thì bỏ theo nhân tình, con cái bất hòa, tranh chấp kiện tụng để giành tài sản, tạo ra rất nhiều tai tiếng trên báo chí. 

Hành trình gieo rắc xui xẻo của viên kim cương Hope lại tiếp tục khi viên đá được công ty trang sức Sons & Company ở New York, Mỹ mua lại. Công ty này cũng nhanh chóng rơi vào khó khăn tài chính trong cuộc suy thoái có tên gọi "Cuộc hoảng loạn của các chủ nhà băng" vào năm 1907 và phải bán lại viên đá.

Cuối cùng, viên kim cương được nhà kim hoàn danh tiếng người Pháp Pierre Cartier mua. Lúc này nó đã “khét tiếng” là gây ra những cái chết bí ẩn hoặc kết cục bi thảm cho chủ nhân dù người đó là ai.

Khi công ty trang sức nổi tiếng Cartier quảng bá viên kim cương là một “vật báu bị nguyền rủa”, thì có một người mua bất ngờ xuất hiện. Đó là tiểu thư Evalyn Walsh McLean - người thừa kế cực kỳ giàu có ở New York, Mỹ - vốn tin rằng cô có quyền lực biến đổi vật báu mang điềm gở thành một viên kim cương may mắn, mang lại danh tiếng và tiền bạc.

Hợp đồng ban đầu với Cartier có điều khoản nêu rõ: “Nếu có bất kỳ trường hợp tử vong nào xảy ra với gia đình McLean trong vòng 6 tháng, viên kim cương Hope nói trên sẽ được đồng ý đổi lấy đồ trang sức có giá trị tương đương”.

Trong cuốn hồi ký "Father Struck It Rich", Evalyn McLean viết rằng: "Tôi có thể đã được miễn tội...vì tin rằng tất cả những kết cục buồn đó chỉ là hậu quả của cơn thịnh nộ của tượng thần Hindu (nơi viên kim cương bị lấy trộm) đó".

Nhưng "quyền lực" rũ bỏ điềm gở của McLean đã thất bại thảm hại. Cô sớm đối mặt với lời nguyền khủng khiếp: Lần lượt mẹ chồng, người con trai mới 9 tuổi của cô tử vong trong tai nạn xe hơi, con gái nghiện ma túy và chết vì sốc thuốc năm 25 tuổi. Chồng cô là Edward bị tuyên bố là mất trí vì chứng teo não do nghiện rượu. Tòa án đã ra lệnh buộc ông ta phải ở tại bệnh viện tâm thần vô thời hạn. Còn bản thân Evalyn thì cuối cùng phải bán tờ báo Washington Post, rồi chết trong nợ nần chồng chất vào năm 1947.

11 năm sau đó, Hope rơi vào tay một người buôn đá quý tên là Harry Winston. Ông đã mang viên kim cương đi khắp nước Mỹ từ năm 1949 đến 1953 trước khi tặng lại báu vật cho Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian ở Washington D.C., Mỹ vào năm 1958.

Sau khi viên kim cương nằm yên ổn trong bảo tàng, nó dường như không gây ra thêm rắc rối nào nữa sau 118 năm 'lênh đênh' bên ngoài. 

Lý do cho những thảm kịch là gì?

Doanh nhân Thomas rất ngạc nhiên về lai lịch của bốn viên kim cương Hope và tai họa thê lương đã xảy đến với những người có liên quan đến chúng. Ông thắc mắc tại sao ông lão Do Thái lại biết lai lịch và hành trình của những viên kim cương này rõ thế?

Ông lão hãnh diện nói: “Công trình làm ra những món trang sức có giá trị lớn đều được ghi vào sổ sách cẩn thận. Tất cả thợ kim hoàn thiết kế những tác phẩm nghệ thuật đều ghi lại công trình của họ vào tài liệu để cho đời sau học hỏi. Đây là truyền thống của nghề kim hoàn đã có từ nhiều trăm năm nay”.

Ông kết luận rằng những bảo vật có giá trị lớn thường đi kèm với những điều không may. Những của cải phi nghĩa do cướp bóc, chiếm đoạt đều mang lại những điều bất hạnh mà không mấy ai biết. Khi một vật có giá trị lớn, nó khiến cho người khác thèm muốn và gây ra phiền toái. Nếu không gặp trộm cắp thì cũng bị chiếm đoạt. 

Vì lòng tham mà biết bao nhiêu người đã phải bỏ mạng hay tán gia bại sản. Lịch sử đã ghi nhận rõ ràng là những ai lấy của cải từ người khác một cách phi nghĩa (đương nhiên bao gồm những kẻ trộm cổ vật), thì đều phải trả một cái giá rất đắt - không phải lúc này thì ắt cũng vào lúc khác. Càng chiếm đoạt bao nhiêu thì càng gặp những điều không may bấy nhiêu... và lúc đó có hối hận thì cũng đã quá muộn. 

Lời Kết

Có rất nhiều giả thuyết và các câu chuyện xoay quanh viên kim cương nổi tiếng này, đa số đều làm nổi bật “lời nguyền chết chóc” của nó. Cũng như ông lão Do Thái đã cho biết hầu hết các đồ vật trong cổ mộ đều được yểm bùa để bảo vệ. Do đó, người mua cổ vật thường bị hại bởi các năng lượng vô hình này. 

Viên kim cương bị đánh cắp từ tượng thần linh này đã gieo rắc tai họa kinh hoàng, phải chăng không phải do lời nguyền bí ẩn nào cả, mà chỉ vì lòng tham của con người, vì con người đã dám xúc phạm đến Thần? 

Dù họ là bậc vua chúa, quý tộc hay thương nhân giàu có thì cũng không tránh khỏi tai họa. Có lẽ vì họ ít nhiều đã biết đến nguồn gốc của viên kim cương này nhưng vẫn muốn dùng nó để tô điểm cho vẻ ngoài, sự sang trọng và danh tiếng của bản thân, nên mới tự chuốc họa vào thân?

Ngày nay, “Hope” được xem là “viên kim cương nổi tiếng nhất trên thế giới”, được trưng bày tại Viện Smithsonian ở Washington, DC. Hàng năm, nó được hàng triệu khách tham quan chiêm ngưỡng. Sau khi để lại cho thế nhân nhiều bài học “đáng sợ”, viên kim cương này dường như đã đồng ý “nằm yên”.

Theo NTDVN

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn