Có lẽ đa số ai trong chúng ta cũng yêu thích hay có tuổi thơ gắn liền với những bộ phim cổ trang và kiếm hiệp của Trung Quốc đúng không. Tể Tướng Lưu Gù, Hoàn Châu Cách Cách, Lộc Đỉnh Ký, Ỷ Thiên Đồ Long Ký vân vân và mây mây.
Ắt hẳn nhiều bạn từng ước rằng, mình có khả năng xuyên không về thời kì đó, để xem cung nữ, hoàng hậu, phi tần có đẹp như trong phim hay không, rồi mấy ông đại hiệp làm cái gì để có thu nhập mà suốt ngày chỉ đâm chém đánh nhau thôi cũng đủ tiền ăn nhậu.
Mê Truyện Ma hiểu được điều đó, nhưng ghé qua nhà Doraemon để mượn cỗ máy thời gian thì Nobita bảo Doraemon đi tiêm...vắc xin chưa về.
Đặng chẳng đừng, Mê Truyện Ma đành an ủi các bạn bằng cách mở một chuyến bay đến Bắc Kinh, vào thăm các cung phủ, nghe đâu ở đây có các hồn ma thời xa xưa vua chúa, biết đâu bắt gặp họ, hỏi han thêm được vài tư liệu, câu chuyện hay ho thì sao.
1. Cung nữ không có mặt ở Tử Cấm Thành
Nằm giữa thủ đô Bắc Kinh, Tử Cấm Thành là hoàng cung từ triều Minh cho tới cuối nhà Thanh. Ngoài hoàng tộc, đây còn là nơi sinh sống của hàng nghìn phi tần, người hầu qua các đời vua. Do mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi mà xảy ra hàng loạt các vụ hãm hại đẫm máu. Đây gọi là tiền đề quá...quen thuộc để bắt đầu những lời đồn có ma.
Một quân nhân làm việc trong thành kể rằng, vào một buổi chiều tháng 10/1995, anh cùng đội tuần tra của mình bắt gặp một người phụ nữ mặc áo choàng đen trong hoàng cung. Họ liền hốt hoảng đuổi theo, rồi dồn cô ta vào góc phòng, yêu cầu quay mặt lại.
Đoạn này mọi người sẽ thấy quen quen này. Khoảnh khắc đối tượng quay đầu lại, đội tuần tra đã vô cùng hoảng hốt, có người còn đánh rơi cả đèn pin vì cô ta không hề có khuôn mặt, tóc dài phủ kín xuống. Giống ma nữ không có ngũ quan ở Việt Nam thật.
Năm 1992, sau một tiếng sét trong cơn mưa, bức tường Đỏ trong cố cung bất chợt hiện lên hình ảnh cung nữ đi ngang qua đầy ma mị. Nhiều du khách cũng đã nhanh tay chụp lại hình ảnh này, để càng củng cố cho lời đồn có ma. Hi vọng không có ai dính tiếng sét ái tình rồi đột ngột có duyên âm mang về.
Chưa dừng lại ở đó, những người canh cổng vào ban đêm, thường nghe tiếng nhạc từ đâu đó trong cung điện vang lên, rồi một nhóm thái giám với hầu gái đồng loạt xuất hiện. Còn xuất hiện để làm gì thì không ai biết.
2. Bóng ma áo trắng trong Vương phủ Hòa Thân
Nếu bạn đã từng xem bộ phim Tể Tướng Lưu Gù thì không lạ gì Hòa Thân đúng không. Ngoài việc hay chơi khăm, đối địch với Tể Tướng Lưu Gù, ông còn là một quan tham với câu nói nổi tiếng, sau khi vua Càn Long hỏi : “Khanh là gian thần hay trung thần." Hòa Thân liền đáp : Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần thì càng bị giết.
“Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất.”
Ngoài Tử Cấm Thành, Cung Vương của Hòa Thân cũng rất bề thế và hoành tráng. Đây cũng là một khu du lịch ma ám nổi tiếng của Bắc Kinh, nằm tại phố Liễu Ấm, quận Tây Thành.
Hòa Thân có một hậu cung đông đúc với hơn 80 thê thiếp. Đoạn này có lẽ khiến cánh đàn ông muốn xuyên không về làm đại thần lắm đây. Khi đi nhớ đem theo cái gì đó mà 1 giờ.
Trong phủ có một nơi được xây dựng kì công mà Hòa Thân dành riêng cho một người thiếp có tên là Phùng Thị, được ông rất yêu chiều. Không may, con trai của Phùng Thị chết từ nhỏ, khiến bà rất đau buồn, sinh bệnh rồi cũng qua đời sớm.
Từ đó, dân gian bắt đầu đồn rằng cung Vương phủ bị hồn ma của Phùng Thị ám. Đêm về, người trong phủ thường nghe tiếng phụ nữ khóc, thậm chí còn khẳng định đã từng nhìn thấy bóng phụ nữ mặc áo trắng lướt đi trong vườn.
Lạ thiệt, mới thấy cái bóng thôi đã vội khẳng định là Phùng Thị. Ít ra phải đến hỏi rồi nhờ cái bóng trắng xác nhận.
3. Linh hồn ái thiếp ở Thư viện của Ngô Tam Quan
Ngô Tam Quế là một quan võ dưới triều Minh, sau đó đi theo quân Thanh, lập triều đình mới. Tùng Thư Đồ thư quán, nằm ở ngõ Thạch Hổ 7, quận Tây Thành, từng là nơi được ông lưu trú lại.
Ngô Tam Quế có một ái thiếp tên là Trần Viên Viên, tuy nhiên sau khi có được địa vị cao dưới triều Thanh, ông liền phớt lờ người này, khiến cho Trần Viên Viên uất ức, treo cổ tự vẫn. Đúng là thời nào cũng có đàn ông phụ bạc. Cũng vì đó, mà lời đồn hồn ma của cô gái trẻ này đã ám cả con ngõ nhỏ Thạch Hổ và dinh cơ Tùng Pha, làm cả người dân và khách du lịch sợ hãi.
Vật chất là thứ bỏ ngoài túi, tình nghĩa mới đáng cất giữ trong lòng. Thật dễ dàng chất chồng tình cảm xưa cũ thành một cái ghế, để ngồi chễm chệ tận hưởng thành quả, rồi đổ lỗi cho thời gian vì đã làm phai mờ những dấu chân đi cùng.
Đăng nhận xét