TIẾNG KHÓC ĐÊM TRĂNG 4
Chương cuối.
Tác giả: Trần Linh
Xem lại chap 3 : Tại Đây
Sau này má kể lại cho tôi biết, sau khi vong ma xuất ra khỏi người tôi, tôi ngủ một giấc thật ngon cho tới sáng. Cũng sau hôm đó, tôi biết ngoại mình là một thầy pháp ẩn danh.
Sáng sớm, tiếng gà gáy vừa gáy trong chuồng, tôi tỉnh dậy, bụng nôn nao đói, thèm muốn ăn một tô cháo nóng lấp đầy cái bao tử đang réo ọc ọc vì đói. Tôi gọi với ra ngoài.
“ Má ơi.. con đói quá..”
Má tôi trực sẵn ngoài cửa từ bao giờ mà không dám vô thăm tôi. Bữa qua ngoại có dặn khi nào tôi gọi ba má tôi mới được phép vô thăm. Má tông cửa chạy vào, ôm chầm tôi vào lòng khóc nức nở. Ba đứng bên, vỗ vai nhìn hai má con mỉm cười, má hôn lên trán, kéo tôi vào lòng, ôm chặt trong vòng tay ấm áp.
Thím bưng tô cháo hành từ ngoài bước vào, đặt lên bàn nhìn tôi hối:” Nam khỏe hơn chưa con? Ráng dậy ăn chút cháo mau lấy lại sức nè con.”
Tôi gượng cười cám ơn thím. Nói thật, tôi cười không nổi khi mà hai đứa bạn vẫn chưa tìm thấy xác. Nghĩ tới cả đêm qua tụi nó vẫn nằm dưới đáy sông mà bụng dạ tôi xoắn vặn cả lên. Ngoại biểu tôi ăn cho nhanh, theo ngoại ra sông tìm xác. Ba má không muốn tôi ra ngoài đó, sợ trong người tôi còn mệt, và cũng sợ vong ma kia nhập vô người tôi thêm một lần nữa. Ngoại xua tay, nói ba má đừng lo cho tôi, ngoại sẽ có cách bảo vệ mọi người trong khoảng thời gian tìm xác.
Đúng 8h15’ sáng.
Ngoại đưa tôi và nhỏ Đẹt ra bến sông. Bữa nay mấy chú thợ lặn trong xóm tình nguyện đi mò xác, giúp gia đình người gặp nạn. Đi đến nơi, ngoại lại đốt ba cây nhang, 1 cây cắm lên mũi thuyền, một cây cắm trong bụi cỏ trên cồn đất, cây còn lại ngoại cầm trên tay, đi ra mũi thuyền, lầm rầm khấn vái, nhẩm mấy câu chú trong miệng.
Nãy ngoại dặn, khi nào ngoại đứng cúng thì hai đứa tôi đứng lên kêu tên hai thằng bạn cho thật to, đến khi nào vớt được xác thì thôi. Tôi gọi thằng Bình, nhỏ Đẹt gọi thằng Sếu. Hai chúng tôi gọi đến lạc giọng, 2 tốp thợ lặn luân phiên nhau vẫn không tìm thấy xác hai đứa nó.
Đến hơn 1h sau ngoại thấy không ổn, chắc chắn do hồn ma của hai mẹ con bà goá dìm dưới nước, giấu xác khác không cho người ta tìm ra.
Ngoại vô bờ, trước khi đi ngoại dặn, khi nào ai muốn về thì phải rút chân nhang trên mũi tàu, cắm vào bụi cỏ trên cồn đất rồi mới được đi. Đã đi thì đừng quay lại nhìn, kẻo bị vong ma theo.
Hơn 1h sau, ngoại quay lại cùng ba má thằng Bình và ba má thằng Sếu. Trên tay họ là bộ quần áo của hai thằng thường hay mặc và cả món đồ chơi tụi nó thích.
Con thuyền đi vào rạch, hai bên phủ kín hai hàng dừa nước xanh tốt um tùm, gần đến cồn đất ngoại biểu người ta dừng lại. Quay qua nói.
“ Tui cúng xong, hai người thảy hai bộ quần áo và đồ chơi của sắp nhỏ xuống nước, ném cho thiệt xa, bộ quần áo chìm ở đâu, cứ xuống ngay đó mà mò.”
Người nhà chỉ được ném đồ, không được xuống nước. Chết đuối kiêng kị người nhà vớt.
Ngoại đốt nhang, vẫn làm theo hình thức cũ, hai cắm những chỗ cần thiết, một cây ngoại cầm trên tay. Cúng vái xong, ngoại phẩy tay ra hiệu ném đồ xuống. Hai bộ đồ nổi lập lờ trên mặt nước, bị nước đẩy đi xa cách con thuyền một đoạn, rồi chìm nghỉm. Tăm nước sôi ục ục vẩn đỏ như có ai đó bên dưới sục bùn.
Ngoại hối:” Xuống mò đi, đúng chỗ tăm nước sôi đó.”
Hai người thợ lặn nhảy xuống, hì hục lặn xuống tìm xác. Tìm mãi, hơn 30p vẫn không thấy, họ mệt mỏi hiện rõ vẻ thất vọng trên gương mặt. Ngoại cắm chân nhang xuống mũi thuyền, đốt mấy cây nhang mới, đưa cho tôi 3 cây, nhỏ Đẹt 3 cây biểu.
“ Cắm trên mũi thuyền một cây đi hai đứa, xíu nữa thuyền đi sát vô cồn đất, cắm 1 cây vô bụi cỏ, cây còn lại hai đứa cầm trên tay, đi thẳng vô căn nhà lá phía trong, xá ba xá lên trên bàn, gọi đầy đủ họ tên hai thằng bạn, gọi ba ba lần. Khi nào thấy dưới đất có dấu chân ướt,hoặc có
vũng nước thì cứ đi theo vết ướt ra ngoài. Nó dẫn đến đâu thì gọi thì thật lớn, đấy chắc chắn là chỗ xác hai đứa nhỏ bị giấu.”
Tôi và Đẹt hôm qua còn sợ lắm, nhưng đến tình cảnh này thì tôi và nó chẳng còn tâm chí đâu mà sợ nữa. Cầm cây nhang trên tay, chúng tôi làm theo lời ngoại dặn, cắm cây nhang vào bụi cỏ xong cả hai lủi thủi bước vào căn nhà lá bỏ hoang.
Cánh cửa ọp ẹp phát ra tiếng kêu kèn kẹt vang vọng giữa buổi trưa vắng vẻ làm tôi hơi rùng mình ớn lạnh. Lúc cánh cửa vừa mở ra, mùi ẩm mốc xen lẫn hơi lạnh khiến da gà ai gốc trên người tôi nổi cả. Không biết nhỏ Đẹt nó có sợ không, chứ tôi thì xém đái ra quần.
Hai đứa tôi xá ba xá, cắm cây nhang lên bát, miệng gọi lớn.
“ Nguyễn Quốc Bình
Nguyễn Quốc Bình
Nguyễn Quốc Bình.”
Nhỏ Đẹt kêu tên thằng Sếu.
“ Huỳnh Thanh Phong
Huỳnh Thanh Phong
Huỳnh Thanh Phong.”
Đấy là tên thật của thằng Sếu, ở quê tôi ngộ lắm, con nít người lớn toàn gọi biệt danh khi ở nhà, vừa thân thiện vừa thể hiện tình yêu với con cái.
Quả nhiên, tầm 5p sau cả tôi và nhỏ Đẹt thấy dưới nền đất trong căn nhà bắt đầu xuất hiện những dấu chân toàn là nước, 1 lớn, 1 bé, đi theo hai lối khác nhau. Nhớ lời ngoại dặn, tôi và Đẹt nhìn nhau gật đầu, chúng tôi chia ra hai ngã rẽ khác nhau, đi theo vết ướt của dấu chân để lại. Lần theo dấu chân tôi thấy nó mờ dần, có lúc tôi phải cúi gập người xuống, căng mắt ra nhìn, để ý những cọng cỏ dưới đất ngả rạp, có nước đọng trên đó để đi theo. Cứ vậy.. tôi đi theo dấu chân ra đến ngoài mép rạch thì dừng lại. Tôi để ý thấy mô đất trống trơn sát mép nước, nhẵn nhụi hơn những chỗ khác, cỏ không mọc lại có mấy vũng nước nho nhỏ lớn bằng quả trứng gà, tôi chỉ tay vào đó, reo lớn.
“ Ngoại ơi ngoại, con thấy rùi.. con thấy rùi ạ..”
Bên kia, cách tôi một đoạn không xa lắm, sau bụi bình bát tốt um xanh mơn mởn, tiếng nhỏ Đẹt cũng hò hét.
“ Đây rùi, ông Bảy ưi.. con thấy rùi. Dấu chân ra tới đây thì mất hút.”
Ngoại tôi nói lớn:” Được rồi hai đứa, đứng zô bờ đi, cách xa mép nước ra.”
Hai con thuyền lái tới, ngoại và mọi người bờ. Má thằng Bình và má thằng Sếu khóc đến sưng mắt, hai chân không còn lực, ngồi mọp dưới đất còn phải có người đỡ.
“ Xuống mò đi, nuốt cái này trước đã rồi xuống.” Ngoại vừa nói, vừa đưa cho hai thợ lặn hai miếng cam thảo bảo họ nuốt vào bụng, nghe đâu, cam thảo tránh được ma quỷ bắt đi, xua đuổi đi tà khí âm gì đó, mà có lần vô tình tôi nghe ngoại nói.
Tùm..
Tùm..
Hai người thợ lặn nhảy xuống, mò mẫm hai chỗ hai tụi tôi chỉ. Người dưới nước thì vất vả, nhọc công tìm kiếm, người trên bờ, hồi hộp, lo lắng, đau lòng khôn nguôi. Hơn 15p sau, một thợ lặn ở chỗ nhỏ Đẹt ngoi lên, trên tay chú ấy là cái đầu của thằng Bình đứt lìa, giơ lên cao, nói.
“ Thấy rồi, nhưng mới chỉ tìm thấy cái đầu. Để tui lặn xuống chuyến nữa.”
Lúc này, trên bờ nhiều người lắm. Người thân họ hàng chòm xóm đều ra hết, trước khi ra đây ngoại dặn mua hai chiếc quan tài, chở ra, nếu vớt được xác thì liệm ngay, đưa vô quan tài, khiêng đi chôn luôn chứ không cho về nhà.
Chú ấy bơi vào bờ, truyền đầu của thằng Bình đưa cho chú ruột thằng Bình, chú ấy rưng rưng nước mắt đỡ cái đầu đứt lìa của cháu mình, tay run rẩy đặt cẩn thận vào trong. Bây giờ tôi mới thấm nỗi sợ, gương mặt thằng Bình trắng bệch như trang giấy trắng. Hai mắt bị cua cá ăn đến mòn, đôi môi tái nhợt, miệng há hốc đầy dong rêu bám vào kẹt răng. Hai mắt nhắm nghiền như đang ngủ.
Mẹ nó ngất luôn ngay sau khi nhìn thấy cảnh này. Ngoại biểu đưa họ về, ở đây cứ để người nhà lo. Con thuyền chở hai người phụ nữ, hai người mẹ âm thầm đi ra khỏi cồn đất, mang theo nỗi buồn và sự đau đớn tột cùng.
Vài phút sau, chú ấy lôi được xác thằng Bình lên, quần áo trên người rách te tua như có móng tay ai đó cào cho đến rách. Mảng thịt trên bụng thối rã ra bong tróc từng vùng, đống ruột rà bên trong trương phình, nhìn rõ qua lớp màng mỏng manh trên bụng.
Ấy vậy mà xác vẫn không nổi, chắc có lẽ mới chết hôm qua, độ phình bụng chưa đủ căng làm cho xác nổi. Đấy là sau này tôi nghĩ vậy, chứ lúc đó tôi còn quá nhỏ để phân tích. Sau ngoại nói tôi mới viết, không phải do ruột gan bên trong chưa đủ phình, nên mãi xác không nổi, mà do hồn ma hai mẹ con bà goá giữ họ lại.
Xác thằng Bình được đặt trên manh chiếu, thay đồ mới cho nó xong ngoại kêu người khiêng xác đặt ngay ngắn vào trong quan tài, tay ấp lên bụng. Mười đầu ngón tay ngón còn ngón mất, có ngón bị cá rỉa đến nham nhở, bay luôn cả móng. Ngoại vẽ chữ bùa lên trán bằng một chất dịch sền sệt màu đỏ đậm, dần chuyển sang màu cánh gián. Nghe đâu, đấy là máu chó mực, vẽ bùa lên trán để hồn thằng Bình không quay về bắt người nhà đi.
“ Xong rồi, đóng nắp quan tài, rồi đóng đinh.”
Bên này, chú thợ lặn hì hục mấy lần cuối cùng cũng lôi được xác thằng Sếu lên bờ. Cơ thể nó không bấy bứa như thằng Bình, xong trên cổ bị cành gai hay vật gì đó sắc nhọn cứa vào sâu, vết thương lòi ra cả cuống họng. Chú thợ lặn bảo, đầu thằng Sếu bị mắc kẹt trong rễ cây, lôi kéo mãi mới ra. Lúc đặt xác lên manh chiếu cói, mấy con tép còn nhảy độp độp từ miệng ra ngoài, do khi chết nó há miệng. Thay đồ xong, xác thằng Sếu được ông ngoại phun rượu kín từ đầu đến chân, khi nãy, ông cũng làm vậy với thằng Bình.
Làm xong ngoại nói:” Khiêng xác vào quan đi, nhẹ nhẹ thôi, cơ thể nó đang rã ra rồi.”
Lời ngoại vừa dứt, hai người nhấc bổng xác thằng Sếu đặt vào quan, lúc cái xác vừa đưa đến miệng quan tài, bỗng..một cẳng tay của thằng Sếu rớt xuống đất “ Bộp” cái. Nhỏ Đẹt nhìn thấy kinh hãi hét ré lên, nhảy cỡn vòng ra sau lưng ngoại trốn.
Tôi đứng khóc như mưa, sụt sùi nhìn hai thằng bạn lần cuối, mà trong lòng buồn không sao tả hết được. Lo hai cái xác xong, ngoại đưa nải chuối và thỏi nhang vào căn nhà lá cúng. Một lúc sau, ngoại trở ra, xua tay hối thúc mọi người.
Khiêng quan tài lên thuyền, về bến.
Chúng tôi lên thuyền lặng lẽ đi ra khỏi nơi này. Tôi không dám ngoảnh lại nhìn ngã ba tử thân thêm một lần nào nữa. Nơi mà cướp đi hai thằng bạn thân ở quê của tôi. Mặc dù ít gặp nhau nhưng tình cảm chúng tôi dành cho nhau rất lớn.
Thuyền bơi đến bến, người ta khiêng hai chiếc quan tài lên bờ. Ngoại đốt thỏi nhang cuối cùng, lạy tứ phía, cắm hết trên bến sông mới quay người đi. Hai đứa nó được chôn cất gần nhau, được tiễn đưa cùng một lúc. Nhìn di ảnh đặt trước quan tài làm vội bằng ảnh thẻ, mà ai ai cũng thương xót, rưng rưng nước mắt. Má thằng Sếu và má thằng Bình gào được mấy câu..” Con ơi.. sao con lại bỏ má ra đi sớm vậy hả con..” ngả vào lòng người thân lịm đi trong đau đớn.
Chôn xong, tôi đặt hai chiếc đèn lồng và hai cái bánh lên mộ hai thằng bạn, khóc nghẹn đi một lúc ngoại kéo tôi về. Ngoại bảo, đừng khóc, để cho người chết ra đi được thanh thản, không oán hận điều gì trong kiếp làm người của mình.
Ngày mai, tôi và ba má quay lại Sài Gòn.
Đêm hôm ấy, tôi thấy hai thằng bạn về thăm tôi, trên tay mỗi đứa là chiếc đèn lồng tôi tặng.
Thằng Sếu và thằng Bình đứng dưới cuối giường, giơ chiếc đèn lồng quá đỉnh đầu, nhìn tôi mỉm cười, nói.
“ Nam ơi, tụi tao đi trước nhen, bây ở lại sống vui vẻ nghen.”
Sống mũi tôi cay cay, hai hàng lệ trên khoé mi ứa ra, chảy dài mặc dù vẫn đang trong giấc ngủ. Tôi thấy hai đứa nó dắt nhau ra cổng, tôi chạy theo, gọi với.
“ Bình, Sếu.. chờ tao với..”
Đúng lúc này, tiếng quát trên hiên của ngoại làm tôi giật mình, ngoảnh lại.
“ Đứng lại cho ngoại, tiễn bạn xong rùi thì quay zô nhà. Ở trong, còn có ba má con đang đợi.”
Tôi khóc huhu, không bước thêm bước nào, nhìn theo hai cái bóng cho tới khi nó mờ dần trong màn đêm đen đặc trước mặt, mới lủi thủi quay vào.
Đó là lần cuối, tôi nhìn thấy hai đứa nó.
Sau này, mỗi khi có dịp về quê ngoại, tôi vẫn nghe người dân sống trên cù lao Thới Sơn truyền nhau nghe, những câu chuyện ly kỳ về tiếng khóc thê lương, vào những đêm trăng sáng, đặc biệt là tết trung thu. Lần nào ghé quê ngoại tôi cũng mua một món đồ chơi và ít trái cây đem ra mộ hai thằng bạn để cúng. Mỗi lần như vậy tôi cứ đứng ôm mặt khóc, nhìn hai gương mặt non nớt trên bia mộ, tôi lại nhớ như in ngày hôm đó.
Cái ngày định mệnh, buồn nhất trong cuộc đời.
Sài Gòn, ngày 15-8-1997.
Hết!
Đăng nhận xét