Truyện ma Việt Nam "quỷ ngự đình làng" chap 2

 QUỶ NGỰ ĐÌNH LÀNG

Tác giả: Lê Như Tiên
Chương 2: lễ hội cầu phúc

Xem lại chap 1 : Tại Đây
5 tháng sau
Theo truyền thống của làng Hồ, mỗi năm vào ngày 9 và 10 tháng giêng dân làng lại tổ chức lễ hội cầu phúc ở đình làng để cảm ơn thần hoàng làng đã bảo hộ cho dân làng, cầu một năm mưa thuận gió hoà, bình an yên ổn. Đây cũng là dịp để dân làng tổ chức những trò chơi dân gian gắn kết mọi người lại với nhau hơn. Lễ hội đình làng được tổ chức rất lớn, cờ trống linh đình suốt hai ngày hai đêm.

Ngày nay, lễ hội cầu phúc của làng Hồ không chỉ có quy mô trong làng nữa mà cả những thôn xóm khác trong xã và những xã lân cận cũng tới giao lưu rất nhộn nhịp.Lễ hội cầu phúc năm nay lại càng thêm đặc biệt bởi vào đúng dịp này đình làng Hồ sẽ được công bố quyết định và đón bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau bao nhiêu ngày chờ đợi, cuối cùng ngày mà toàn bộ dân làng trông đợi nhất cũng đến.

“Thi gan cùng tuế nguyệt
Bao lâu bao lâu rồi
Mái đình xưa làng biển
Thênh thang một góc trời
Những thăng trầm thời gian
Đã ghi tạc hư danh
Nét trạm trổ phượng long
Uốn lượn tựa mây sóng.”
Trong nhà sinh hoạt chung ở đình làng, hoà quyện cùng với âm thanh phát ra từ dàn loa bên cạnh, Xoan đang say sưa hát những giai điệu trữ tình của bài hát mái đình làng biển. Đây là bài hát quen thuộc năm nào cũng được biểu diễn ở hội làng. Bên cạnh Xoan là đội múa văn nghệ gồm 6 trai 6 gái. Bấy giờ đã hơn 9 giờ tối nhưng mọi người vẫn còn hăng say tập luyện cho tiết mục văn nghệ mở màn chương trình khai mạc vào sáng ngày hôm sau. Mấy ngày hôm nay phải tập trung lo chuẩn bị cho lễ hội đến tận khuya mới về nhưng trên gương mặt ai nấy đều rất vui vẻ phấn khởi. Một người đàn ông từ ngoài đi vào khiến Xoan dừng lại không hát nữa. Cô đon đả chào:
“Chào bác chủ tịch, muộn thế này bác còn xuống khảo sát tình hình đấy ạ?”
Ông Thịnh chủ tịch xã cũng tươi cười mà đáp:
“Chào các cô các cậu thanh niên trẻ. Mọi người vẫn đang còn tập đấy à, tình hình thế nào rồi, ổn cả chưa? Tớ ở nhà không cũng sốt ruột quá nên ghé qua đây xem mọi người chuẩn bị đến đâu rồi. Phía trong đình và bên ngoài đã ổn cả rồi, còn chỗ văn nghệ mở màn nữa thôi. Mọi người cố gắng tập luyện nhé, mai có cả bên đài truyền hình tỉnh về đưa tin nữa đấy.”
Mấy người trong đội văn nghệ nghe nói có đài truyền hình về thì phấn khởi lắm. Hậu- bạn thân của Long cũng là một thành viên trong đội cười tít mắt rồi bảo:
“Bác chủ tịch cứ yên tâm ạ, gì chứ văn nghệ thì làng Hồ chúng cháu đứng thứ hai không ai dám đứng thứ nhất. Xin giới thiệu với bác đây là Hoa Xoan thành viên thứ 5 của nhóm nhạc đang nổi blackpink. Xin một tràng pháo tay cho ca sĩ Hoa Xoan ạ.”
Hậu vừa dứt lời thì mọi người đồng thanh vỗ tay rồi cười ồ lên rất vui vẻ. Xoan hai má ửng hồng lườm Hậu một cái rồi nói:
“Cái anh Hậu này cứ trêu em. Quảng cáo cho lố vào rồi lúc hát không ra gì mọi người lại cười em thối mũi.”
Ông Thịnh đáp:
“Các cô các cậu vui vẻ đoàn kết thế này thì yên tâm rồi. Gì chứ cô Xoan giải nhất giọng ca trẻ toàn huyện mình mà hát thì còn chê vào đâu được nữa. Này, hôm sau nhà chú về nhà mới kiểu gì cũng phải mời cô Xoan qua hát giao lưu đấy nhé.”
Một cậu thanh niên có nước da đen bánh mật nghe vậy thì cười tít mà chen vào:
“Khiếp nhà bác chủ tịch xây cái nhà chắc phải to đẹp nhất xã mình ấy nhỉ. Hôm nào về nhà mới bác cho đám thanh niên bọn cháu xin một chân bưng bê cỗ nha.”
“Cậu này có phải là Hào con trai của bà Hoè bán thịt ở chợ không nhỉ? Lớp trẻ bây giờ lớn lên nhanh quá mới đấy mà mình đã già mất rồi còn đâu. Cái nhà đó là xây cho thằng Hùng đấy chứ. Em nó đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc gửi tiền về cho bố xây nhà trước để một hai năm nữa về lấy vợ, chứ có cô Xoan đây làm ở xã cũng biết lương cán bộ có được bao nhiêu biết đời nào mới đủ tiền xây cái nhà như thế. Này chỗ nhà tôi với nhà cậu Hào là còn họ hàng với nhau đấy, hôm sau kiểu gì cậu cũng phải đến phụ một tay đó.” Ông Thịnh cười gượng đáp trả.
Long lên tiếng:
“Đúng là hổ phụ sinh hổ tử bác Thịnh nhỉ, trong lứa thanh niên mới lớn như bọn cháu chắc có anh Hùng nhà bác là giỏi nhất đấy ạ. Nhà cao cửa rộng rồi lấy thêm cô vợ nữa là vừa đẹp luôn.”
Ông Thịnh trả lời:
“Ừ thì bác cũng giục em nó thế, nhưng thanh niên mà còn trẻ nên đang còn muốn phấn đấu, chứ vợ chồng bác là cũng muốn bế cháu lắm rồi đấy. Còn các cô các cậu thì sao định bao giờ cho làng ăn kẹo đây hả?”
Hậu đẩy Xoan về phía Long rồi cười mà nói:
“Chúng cháu á còn phải đợi đi bê tráp cho cái đôi này xong thì mới hết nhiệm vụ bác ạ. Chứ trong đội văn nghệ này ai cũng có đôi có cặp cả rồi đấy ạ.”
Long cười tươi đáp lại:
“Các bạn cứ chuẩn bị tinh thần tháng 8 đi ăn cưới mình nhé, còn tháng 8 năm nào thì chưa biết, haha.”
Mọi cười lại cùng cười lên vui vẻ. Ông Thịnh ở lại tán gẫu thêm vài câu rồi cũng ra về. Còn lại đội văn nghệ ở lại để khớp nhạc và thử trước quần áo cho tiết mục của mình. Long khệ nệ lôi từ trong góc nhà ra hai bịch quần áo lớn để mọi người mặc thử. Hào mặc vào người bộ đồ màu đỏ có giáp ở bên ngoài trông hệt như đồ của các tướng quân trong phim cổ trang. Cậu ta xoay trước xoay sau mấy vòng thích thú lắm, rồi thử một động tác trong bài múa của mình, lúc này mới cảm thấy có gì đó sai sai, cậu chạy lên trước mặt Xoan mà hỏi:
“Này Xoan, bộ đồ vướng như này thì làm sao mà xoay được nhỉ?”
Long cốc vào đầu Hào một cái rồi bảo:
“Cái thằng chỉ được cái lanh chanh là không ai bằng, ai bảo cụ mặc cái đó hả. Không nhìn xem mọi người mặc cái gì cứ nhắm mắt mà mặc bừa. Đây, đồ của cụ cũng là áo dài màu đỏ nhưng là bộ này, còn bộ trên người cụ là bộ đồ của tướng quân trong phần chơi cờ tướng đó ạ.”
Hào đưa tay gãi đầu cười trừ rồi nói:
“Em biết đâu, thấy bảo nam bọn em mặc áo dài màu đỏ em tưởng cái này nên thấy sai sai sao đó. Mà mai bọn em cũng đóng thế quân cờ mà, có cần phải thay đồ không anh Long?”
Long đưa một bộ áo khác cho Hào rồi lắc đầu nói:
“Không cần đâu, mặc luôn bộ này cũng được rồi. Trong đội văn nghệ có 6 người là nam thì trừ đi thằng Hậu là tướng còn đúng 5 người, vừa hay mặc đồ đồng màu thì ứng với 5 quân tốt trên bàn cờ. Ngày mai sẽ có giấy dán hiệu quân cờ ở sau lưng cho kỳ thủ dễ phân biệt.”
Hậu giả bộ múa một vài đường võ bắt mèo xong bắt chước mấy giọng trong những vở cải lương trên ti vi mà nói:
“Cha chả ba quân hãy nghe cho rõ đây, ngày mai nhất định đội chúng ta phải dành được chiến thắng nếu không các ngươi sẽ bị chém bay đầu.”
Trước bộ dạng đó của Hậu mọi người lại cười ồ lên. Sau khi thử xong quần áo, đám con gái kéo nhau ra về để sáng mai còn dậy ra đình sớm. Còn lại đám con trai được cắt cử ở lại trông đồ đạc chuẩn bị cho lễ hội vào ngày mai. Ngồi quây lại với nhau bên bếp lửa hồng ở dưới gốc cây đa cạnh đình, mọi người vừa nướng gà vừa trò chuyện với nhau quên cả thời gian. Lúc này là vừa tết xong, thời tiết vẫn còn rất lạnh. Tuy ngồi bên bếp lửa nhưng gió từ ngoài hồ thổi vào vẫn làm mọi người thi thoảng phải rùng mình vì lạnh. Không biết thằng Hào lấy ở đâu ra một chai rượu, nó cười lém lỉnh rồi bảo:
“Làm tý cho ấm bụng đi các anh ơi. Chứ đêm còn dài mà ngồi đây lạnh quá. Có mồi ngon thế này mà không có tý gì cay cay thì phí quá phí.”
Long thấy vậy thì vội ngăn lại:
“Này ông Phùng trưởng làng đã dặn hồi chiều mà cậu không nghe hả? Mai là ngày trọng đại mọi thứ phải được chuẩn bị chu đáo cẩn thận không được để xảy ra bất cứ sơ sót nào. Đêm nay tuyệt đối không được uống rượu, có gì đợi mai làm lễ xong xuôi, tối mai anh em mình tới bến luôn cũng được.”
Hào vẫn giữ nụ cười nham nhở:
“Thôi mà anh Long, chỉ uống một chút cho ấm bụng thôi chứ ai uống say đâu mà sợ.”
Chưa kịp đợi Long kịp phản ứng gì, Hậu đã nhanh tay đón lấy chai rượu trên tay Hào, mở nắp ra đưa lên miệng uống một ngụm. Xong xuôi cậu ta khẽ khà lên một cái như thể rất sảng khoái, rồi đưa chai về phía Long mà nói:
“Mày đó, mới tý tuổi đầu đã học cái thói cứng nhắc như ông già rồi. Bỏ đi mà làm người nghe chưa. Anh em ngồi vui thế này làm hớp rượu thì đã làm sao, mày thừa biết tửu lượng bọn nó tốt như nào rồi còn gì nữa. Làm tý đi cho anh em phấn khởi cái coi.”
Long gạt tay của Hậu đi không uống, vẻ mặt cương nghị. Hào vội đỡ lấy cái chai từ tay Hậu đưa lên miệng làm một ngụm, rồi lại chuyển cho người khác. Cứ thế chai rượu được xoay vòng cho khắp lượt những người ở đó, trừ Long. Long nhìn vẻ mặt hớn hở của mấy đứa bạn khẽ lắc đầu ngán ngẩm rồi một mình đứng dậy đi vào trong đình để kiểm tra.
Sân đình hôm nay đã được giăng bạt để che mưa che nắng phục vụ cho buổi lễ trao bằng chứng nhận vào ngày mai. Trong sân lúc này bàn ghế cũng đã được bày sẵn thành hàng lối ngăn nắp. Loa đài âm thanh cũng đã được nhà rạp mang tới từ chiều, tất cả đã sẵn sàng. Long đảo qua một vòng quanh khu vực sân khấu để kiểm tra lại xem đồ đạc có bị xáo trộn, hoặc có kẻ gian nào đột nhập vào với ý đồ xấu hay không. Long chỉ kiểm tra cho chắc ăn vậy, chứ thực ra Long cũng thừa biết trong sân đình bóng đèn vẫn được bật sáng, mấy người bọn Long nãy giờ ngồi ở sân bóng đối diện với cổng đình, có ai ra vào thì sẽ bị phát hiện ra ngay.
Đi một vòng quanh sân không thấy có gì khả nghi Long toan quay lại phía đống lửa với mọi người, nhưng nhác trông thấy mấy thằng bạn vẫn đang truyền tay nhau chai rượu, Long lại cảm thấy khó chịu ở trong lòng không muốn ra ngoài đó nữa. Tiện chân Long bước vào trong đình để kiểm tra thêm một lần nữa. Bóng đèn trong đình vẫn đang được bật sáng, tuy nhiên ánh sáng vàng vọt từ cái bóng tròn 15w không đủ chiếu sáng cả căn phòng thờ rộng lớn. Mọi thứ trong đình lúc này mờ mờ ảo ảo như một bức tranh nửa sáng nửa tối.

Không gian hoàn toàn yên tĩnh, chỉ thi thoảng có một ngọn gió thổi vào làm lay động ngọn đèn dầu trên ban thờ thần hoàng làng. Trong không gian tĩnh mịch như hiện tại, chẳng hiểu sao bức tượng thần hoàng làng lại làm Long có cảm giác gì rờn rợn lạnh cả sống lưng. Ngay từ ngày bé Long đã quá quen với ngôi đình này, mọi thứ đều thân thuộc như trong chính ngôi nhà của mình vậy. Chỉ có duy nhất đêm nay là lần đầu tiên Long có cảm giác lạ như vậy. Long khẽ lắc đầu để xua đi cái cảm giác sợ hãi lúc này, tự an ủi bản thân mình rằng có lẽ do Long chưa bao giờ vào đình lúc nửa đêm như vậy nên có cảm giác này cũng phải thôi.
Đúng lúc đó, cái bóng đèn trên trần nhà chớp tắt liên hồi hệt như có ai đó đang chơi đùa mà ấn bật tắt liên tục ở công tắc vậy. Rồi liền ngay sau đó, cái bóng đèn vụt tắt hẳn, cả căn phòng chìm trong bóng tối. Mất vài giây lúng túng sau đó kịp định thần lại Long mới nhớ bên hông của mình có dắt một cây đèn pin. Long lấy nó ra, ấn công tắc bật nhưng không hề có chuyển biến gì cả, khắp bốn bề vẫn tối thui như mực. Đưa tay vỗ liên tục vào cây đèn pin trên tay mình, Long buột miệng chửi thề: “chết tiệt thật sao lại hết pin vào lúc này cơ chứ.”
Không gian lúc này im lặng đến nghẹt thở, Long nghe được cả tiếng trái tim mình đập thình thịch trong lồng ngực. Mà không đúng, ngoài tiếng trái tim đang nhảy loạn xạ của mình ra Long còn nghe thấy một thứ âm thanh khác, là tiếng khè khè như có ai đó đang thở mạnh phát ra từ đằng sau ban thờ thành hoàng làng. Lắng tai để nghe lại, Long chắc chắn với suy đoán của mình. Long cất tiếng hỏi:
“Là ai ở trong đó?”
Không có ai đáp trả lại câu hỏi của Long, chỉ có âm thanh khè khè đó vẫn liên tục phát ra. Một cơn gió lạnh thổi qua làm cơ thể Long có bao nhiêu lỗ chân lông đều dựng đứng lên bằng hết. Toan quay bước ra ngoài để gọi người đến thì Long giật mình kinh hãi khi phát hiện ra, ở phía ban thờ lúc này vừa xuất hiện một cặp mắt màu đỏ rực như lửa sáng bừng lên giữa đêm tối. Cặp mắt đó hướng thẳng về phía của Long đang đứng, chớp tắt liên hồi. Tiếng thở khò khè mỗi lúc nghe một rõ. Long cảm thấy trời đất xung quanh mình như chao đảo, tay chân bủn rủn không còn đứng vững được nữa. Lấy hết sức bình sinh từ bé đến giờ, Long bỏ chạy thật nhanh ra ngoài sân đình. Bên ngoài bóng điện cũng đã tắt hết, mọi thứ tối thui không nhìn thấy gì.
Long cắm đầu nhằm hướng cổng đình mà lao tới, rồi cậu va phải một bóng đen chắn trước mặt mình ngã nháo nhào ra đất. Cái bóng đen lồm cồm bò dậy la oai oái:
“Mẹ thằng quỷ này làm gì mà chạy như ma đuổi thế hả?”
Nhận ra giọng của Hậu, Long lao tới vồ lấy tay bạn vừa thở dốc vừa nói:
“Bên trong đình có người.”
Lúc này mấy đứa bạn ở bên ngoài cũng đã vào đến nơi. Mọi người bật đèn pin ở điện thoại nên có thể thấy lờ mờ được mọi thứ. Đỡ Long đang ngồi dưới đất dậy, thằng Hào vừa phủi bụi trên người Long vừa hỏi:
“Anh Long bình tĩnh kể xem có chuyện gì mà anh chạy hớt ha hớt hải vậy? Mà anh làm gì trong đó lại tắt hết đèn rồi?”
Long đưa tay lên ngực để trấn an lại tinh thần rồi bảo:
“Anh cũng không biết nữa, anh đang đi kiểm tra ở trong đình thì bóng đèn bất ngờ chớp tắt mấy lần rồi tắt hẳn. Mà ở trong đó, hình như là có người.”
Hậu lên tiếng:
“Vậy chắc điện quá tải bị nhảy aptomat rồi. Thằng Hào với một thằng nữa soi đèn pin lại phòng sinh hoạt chung bật aptomat lên đi.”
Rồi quay qua phía Long, Hậu hỏi tiếp:
“Mà mày bảo bên trong đó có người, là ai? Tao nhớ lúc tối mọi người đã về hết rồi cơ mà.”
Long nhớ lại cái cặp mắt kì dị ban nãy, khẽ nuốt nước bọt rồi trả lời:
“Tao cũng không biết nó là người hay cái quái quỷ gì nữa. Khi đèn tắt hết trong phòng tối thui tao nghe thấy có tiếng người thở khò khè phát ra từ ban thờ thần hoàng làng. Sau đó có một cặp mắt màu đỏ như lửa cứ nhìn chằm chằm vào tao, tao sợ quá mới chạy ra ngoài này thì đụng trúng mày đó.”
Hậu ôm bụng cười ngặt nghẽo:
“Ối dồi ôi đồng chí phó công an xã gương mẫu của tôi ơi, đồng chí còn chưa uống giọt rượu nào đâu nhé. Con người làm gì có ai có cặp mắt đỏ như lửa bao giờ, hay đồng chí đang muốn nói là mình vừa gặp ma sao?”
Mấy thằng bạn đứng phía sau cũng phì cười. Long thấy thái độ của mấy đứa không tin tưởng lại còn cười nhạo mình thì tức lắm. Đúng lúc đó thì bóng đèn bật sáng trở lại. Long cau mày rồi bảo:
“Tao không bảo thứ đó là ma, nhưng chắc chắn ban nãy trong đình có cái gì đó. Tụi mày không tin thì đi theo tao vào trong này kiểm tra lại một lần nữa xem.”
Nói xong Long dẫn đầu lũ bạn tiến vào trong đình. Bên trong mọi thứ vẫn im phăng phắc không có gì bị xáo trộn, cũng không hề có bóng dáng của một người hay của bất cứ thứ gì giống như Long nói. Hậu đưa mắt nhìn Long châm trọc:
“Đâu nào, cái cặp mắt màu đỏ mày nói đâu?”
Long không biết nên giải thích thế nào cho đúng. Ban nãy rõ ràng Long còn nghe rõ cả tiếng người thở bên tai mình, nhưng nay thì đến tiếng một con muỗi bay vo ve cũng không có. Chợt thằng Hào la lên thất thanh:
“Các anh xem bức tượng thần hoàng làng kìa.”
Lúc này mọi người mới để ý đến bức tượng thần hoàng làng. Trên khuôn mặt nổi bật lên hai hàng nước mắt màu đỏ tươi như máu. tượng thần hoàng làng một lần nữa đổ huyết lệ. Đây đã là lần thứ 2 chuyện này xảy ra, cả Long và mọi người đều rất hoang mang. Hậu cũng không còn cười được nữa. Bật đèn pin để soi kĩ hơn, nhưng cũng giống như lần trước, thứ nước chảy ra từ hốc mắt của bức tượng lăn dài xuống đến hết khuôn mặt có màu đỏ tươi như màu máu. nhưng khi được thấm vào cái khăn lau thì lại không để lại dấu vết gì trên đó cả. Long khuôn mặt thất thần nhìn lũ bạn hỏi nhỏ:
“Rốt cuộc chuyện này là sao đây? Đây đã là lần thứ hai rồi đó.”
Thằng Hào nắm tay Long run run bảo:
“Anh Long, không hiểu sao đứng ở đây em cứ nổi hết cả da gà lên, hay là mình ra ngoài rồi bàn tiếp được không?”
Long nhìn Hậu rồi hai đứa gật đầu đồng ý với nhau. Chứng kiến những gì xảy ra từ nãy đến giờ, Long cũng không đủ can đảm để đứng ở đây thêm nữa. Mấy đứa lại kéo nhau ra đống lửa ở sân bóng mà tiếp tục màn tranh luận của mình.
Ngồi quây lại với nhau bên bếp lửa ấm nhưng không ai bảo ai mọi người đều cố ngồi sít vào gần nhau hơn. Vẫn là Hào lên tiếng trước:
“Anh Long, chuyện ban nãy anh nói là thật sao ạ? Eo ôi đến tận bây giờ em vẫn còn nổi hết cả da gà lên đây này.”
Hậu hích vào người Hào một cái thật mạnh rồi bảo:
“Mẹ cái thằng thanh niên mà nhát chết, mới có nhiêu đó thôi mà đã cuống hết cả lên rồi. Thời nào rồi mà còn tin vào chuyện ma quỷ hả?”
“Thế anh giải thích thế nào về chuyện ban nãy ạ? Chuyện anh Long kể thì thôi không nói, nhưng việc bức tượng thần hoàng làng tự dưng đổ lệ thì tất cả chúng ta đều tận mắt chứng kiến mà.” Hào phản bác lại.
Hậu cười nhạt một cái rồi bảo:
“Tại sao mày lại có thể tin chuyện một bức tường bằng đồng có thể đổ lệ được nhỉ? Thật là vô lý hết sức. Tao ấy là tao vẫn chỉ nghĩ là có đứa nào đang muốn chơi bọn mình thôi. Này nhá, thử xâu chuỗi mọi việc lại mà xem. đầu tiên nó ngắt aptomat để tắt bóng đèn điện, rồi lợi dụng bóng tối để giả ma giả quỷ doạ thằng Long. Trong lúc thằng Long hoảng sợ bỏ chạy ra ngoài phía cổng, nó đã nhảy tường phía sau mà trốn thoát ra ngoài rồi.”
Mấy đứa bên cạnh thì gật gù đồng ý với lời giải thích của Hậu, duy chỉ có Long là người chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối thì thấy mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Hậu vừa dứt lời Long đã hỏi bật lại ngay:
“Vậy mày giải thích thế nào về chuyện hai cái đèn dầu hả? Rõ ràng lúc tao vào trong đình không có ai, hai ngọn đèn dầu vẫn đang cháy. Nhưng khi điện bị ngắt thì hai ngọn đèn dầu cũng đột ngột tắt cùng một lúc. Lúc đó tao đang có mặt ở trong đình thì có ai ra vào tao phải biết chứ.”
“Có thể do gió thổi vì lúc vào mày mở cửa còn gì, cái này chỉ là trùng hợp thôi có gì đâu mà không giải thích được. Thôi thôi đồng chí công an viên ơi, tỉnh táo lại giùm tôi cái. Bây giờ vấn đề ở đây là tìm hiểu xem kẻ đột nhập đó là ai, và mục đích của hắn ta là gì đi chăng nữa cũng cần phải được lôi cổ ra giữa sân đình mà xét hỏi. Xin đừng ngồi đó đổ tội cho ma quỷ nữa. Trong đình làng là thờ thần hoàng làng đó, hay ý của cậu là thần hoàng làng không bảo vệ người dân mà lại hoá ma hoá quỷ doạ mọi người? Hay như 5 tháng trước đây, thần hoàng làng tự cạy cửa ra vào để đột nhập vào đình làng hả?”
Trước những lý lẽ mà Hậu đưa ra Long cũng không biết nên phản biện lại thế nào cho đúng. Những điều Hậu nói không sai, trước nay trong đình làng cũng chưa bao giờ có tin đồn ma quỷ cả. Nhưng từ sau lần đầu tiên bức tượng thần hoàng làng đổ lệ vào 5 tháng trước, những chuyện xảy ra sau đó làm Long luôn có một dự cảm không lành về ngôi đình. Đầu tiên là cái chết bất ngờ của ông nội Long cũng là người trông giữ đình. Sau cái chết của ông dân làng vẫn còn truyền tai nhau chuyện đình làng bị đột nhập, thần hoàng làng nổi giận mà vật chết người giữ đình.

Tiếp đó nữa đến cây đa cổ thụ vốn là biểu tượng của làng, nó tồn tại cùng ngôi làng suốt cả mấy trăm năm cũng đột nhiên chết héo, đang giữa mùa hè mà lá cây tự động chuyển sang màu vàng rồi thi nhau rụng xuống gốc. Đến giờ cây đa đã trở nên trơ trụi không còn cái lá nào, chỉ còn lại những thân cây khẳng khiu vươn nhánh cành khô xác không sức sống. Những người tâm linh thì bảo cây đa có tuổi đời đã mấy trăm năm hấp thu được linh khí của trời đất, lại mọc ngay cạnh nhà cụ Tích nên nó rụng lá để tang cho người giữ đình, đợi khi mùa xuân tới cây cối đâm chồi nảy lộc cây đa sẽ hồi sinh trở lại. Các cụ trong làng thì bảo, cũng giống con người có sinh lão bệnh tử, có sinh thì phải có diệt, cây đa già quá rồi cũng đến lúc phải trở nên cằn cỗi. Còn Long thì Long tin rằng cây đa có một mối liên hệ mật thiết với ngôi đình, chuyện cây đa bỗng trở nên héo úa chắc hẳn có lý do của nó, và lý do đó là gì đến nay Long vẫn chưa có lời giải.
Thấy Long cứ trầm ngâm mãi không nói gì, Hậu lại lên tiếng tiếp:
“Tao cũng biết để chuẩn bị cho lễ hội năm nay mày là người trông giữ đình đã vất vả thế nào để vừa phải hoàn thành công việc ở uỷ ban vừa trông lo mọi thứ. Có vẻ như mày đã căng thẳng quá rồi đó, hay là về nhà nghỉ ngơi một chút đi đêm nay để anh em bọn tao ở lại trông đồ cho.”
Long cười buồn:
“Cảm ơn bọn mày đã hiểu cho tao, nhưng tao không sao đâu. Chỉ còn đêm nay nữa thôi qua ngày mai nhận bằng xếp hạng, xong xuôi phần lễ nữa là có thể thoải mái tư tưởng rồi. Đêm nay rất quan trọng đó. Nếu đúng như Hậu nói có kẻ gian đột nhập vào đình thì chắc hẳn mục tiêu của hắn muốn nhằm vào lễ hội ngày mai. Bây giờ chúng ta phải chia nhau ra trông giữ mọi thứ cho cẩn thận. Một nhóm ở ngoài này để ý cổng ra vào và canh giữ những khu vực trò chơi dân gian đã được dựng sẵn, một nhóm vào trong để bảo vệ đình và đồ đạc khu vực phía trong, bọn mày thấy thế nào?”
Hậu gật đầu đồng ý:
“Được, làm theo ý của mày đi. Mày với ba thằng nữa ở ngoài này canh giữ, còn thằng Hào và thằng Nhân theo tao vào trong. Cũng còn lâu trời mới sáng, chia nhau ra để thức rồi tranh thủ ngủ được tý nào hay tý ấy, ngày mai sẽ rất dài đấy. Có phát hiện ra điều gì phải gọi nhau ngay đó.”
Nói rồi Hậu cùng Hào và Nhân đứng dậy bước trở vào phía trong sân đình.
*****
Trời còn chưa sáng rõ những người có nhiệm vụ trong lễ hội đều đã có mặt tại sân đình để nhận công việc của mình. 7 giờ sáng mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, phía đại diện tỉnh đoàn và đài truyền hình tỉnh cũng đã về. Lúc này bà con trong làng và những người dân hiếu kì ở nơi khác cũng kéo đến đông nghịt kín cả sân đình. Mở đầu chương trình là phần lễ được tổ chức trong buổi sáng, tiếp đó sẽ đến phần hội và những trò chơi dân gian kéo dài đến hết cả ngày hôm sau.

Sau tiết mục văn nghệ mở màn, ông Phùng trưởng làng đại diện lên đọc thông qua lịch sử hình thành làng Hồ và ngôi đình cổ kính. Tiếp đó phía tỉnh đoàn lên đọc quyết định công nhận đình làng Hồ trở thành di tịch lịch sử cấp tỉnh, trao bằng xếp hạng và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ xã và các cụ cựu chiến binh trong làng.
Kết thúc phần lễ lạc rườm dà lê thê, bước vào phần hội mới là phần mà những người đến xem trông đợi nhất. Mở đầu phần hội là hoạt động truyền thống thường niên mỗi năm: rước kiệu thần hoàng làng. Sau khi thầy cúng làm lễ trong ban thờ thần hoàng làng xong, sẽ có kiệu rồng 4 người khiêng được đưa vào trước cửa đình để đón thần hoàng lên ngự. Dẫn đầu đoàn rước kiệu sẽ là đội múa lân mở đường nghinh thần.

Từ ngày hôm trước những nhà dân ở dọc hai bên đường rước kiệu đã đồng loạt treo quốc kì trước cửa nhà. Phía sau đoàn lân là đội trống, rồi đến đội thiếu niên trẻ cầm cờ hội đi thành hai hàng. Tiếp đó là một vài thanh niên cầm lọng màu vàng và đỏ đi trước kiệu rước thần. Phía sau kiệu là cán bộ xã, hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ và toàn thể những người dân đến tham gia lễ hội. Kiệu được rước từ đình làng đi dọc theo bờ hồ sen, đến hết địa phận của làng thì rẽ vào con đường nhỏ hơn, đi theo con đường đó vòng một vòng tròn bao quanh làng, sau đó lại quay trở lại sân đình.
Đội khiêng kiệu gồm có 4 người, là những thanh niên chưa vợ, sức khoẻ và có đạo đức tốt. Hào cũng là một trong số 4 thanh niên vinh dự được giao nhiệm vụ khiêng kiệu của thần hoàng làng. Không khí buổi rước kiệu diễn ra hết sức sôi động, cờ trống rợp trời, đoàn người kéo nhau đi thành một hàng dài không có điểm kết. Ai nấy khuôn mặt đều rất vui vẻ rạng ngời. Chiếc kiệu được dùng để rước thần hoàng làng là kiệu gỗ được sơn đỏ, có phủ mành che. Bên trên là một chiếc ghế đơn cũng được sơn màu đỏ, trạm khắc rồng phượng rất đẹp mắt. Và dĩ nhiên, rước kiệu chỉ là hình thức chứ chẳng có ai ngồi trên đó cả. 4 người thanh niên khiêng một cái kiệu gỗ bước đi nhàn tênh như không.
Vừa ra khỏi đình được một đoạn, Hào liền có cảm giác có cái gì đó không đúng. Bên trên kiệu không có người ngồi, nhưng cậu lại cảm thấy cái kiệu trên vai mình khẽ rung lên. Ban đầu chỉ rung rất nhẹ, giống như ai đó ngồi bên trên mà khẽ rung đùi vậy. Nhưng càng về sau thì độ rung càng mạnh, đến mức Hào cảm nhận được cái kiệu như đang nhún nhảy sau lưng mình. Do đã được tập luyện từ trước, Hào không dám quay đầu lại phía sau để nhìn, cậu hích vai Nhân đang đi cùng hàng với mình để hỏi xem cậu ta có thấy giống như mình không. Tiếng trống vẫn vang lên dồn dập, kèm theo đó là tiếng trò chuyện cười đùa của hàng nghìn người trong đoàn rước kiệu, phải cố gọi thật lớn thì Nhân mới nghe thấy Hào đang gọi mình.
“Này mày có cảm thấy cái kiệu nó đang rung lên giống như tao không vậy Nhân?”
“Tao có. Ban nãy tao còn tưởng là gió thổi, nhưng càng về sau nó lắc càng mạnh. Có khi nào hai thằng phía sau nó cố tình chơi anh em mình không?”
“Cũng không thể loại trừ khả năng đó. Mẹ hai cái thằng này, tý nữa về đình thì liệu hồn…”
“Vút!”
Hào còn chưa kịp dứt lời thì đã nghe một tiếng vút vang lên bên tai, sau đó cậu lãnh trọn một roi vào ngay giữa lưng, Hào co rúm người lại vì đau. Hào á lên một tiếng thật lớn làm mấy người xung quanh cũng chú ý tới.
“Này! Có chuyện gì vậy Hào?” Một người chạy lại hỏi.
Hào nhăn nhó khuôn mặt trả lời:
“Ai vừa quất roi vào lưng cháu vậy, đau quá.”
“Thằng này mày bị say nắng đến sảng rồi hở cháu? Đang rước kiệu thần hoàng mà nói gì linh tinh thế hả? Nãy giờ tao đi bên cạnh đây làm gì có ai.”
Hào quả quyết:
“Rõ ràng vừa rồi có người dùng roi quất mạnh vào lưng cháu đây mà sao bác không tin. Bác tìm xem đứa mất dậy nào lôi cổ nó ra cho một trận. Cháu đang khiêng kiệu thần hoàng làng mà nó còn dám trêu trọc. Á!”
Vừa dứt lời Hào lại nhận thêm một roi nữa vào lưng. Lần này cậu dừng hẳn lại không bước được nữa làm cả đám đông phía sau ùn tắc thành cả một hàng dài. Ông Phùng hớt hải chạy lên gắt gỏng:
“Mấy đứa khiêng kiệu sao đang đi lại dừng lại thế kia? Mau đi tiếp đi chứ trễ mất giờ đẹp bây giờ.”
Hào nhăn nhó trả lời:
“Ông Phùng ơi cháu đang đi mà đứa nào cứ quất roi vào lưng cháu ấy, cháu đau quá rát hết cả lưng lên rồi đây này.”
“Mày đang khiêng kiệu trên vai thì làm gì có ai ở sau lưng mà quất hả cháu?”
Người đàn ông ban nãy cũng lên tiếng:
“Đúng rồi đó ông trưởng làng, nãy giờ tôi ở ngay cạnh đây mà làm gì thấy có ai ở đây đâu mà cậu Hào cứ bảo bị đánh, đến tận hai lần rồi. Có ai thì tôi phải thấy chứ.”
Ông Phùng nhìn Hào lắc đầu chán nản:
“Này, hay tối qua các cậu lại trốn tôi uống rượu có phải không hả? Mau đi tiếp đi, phía sau còn bao nhiêu người. Đài truyền hình người ta vẫn còn đi theo để ghi hình đó. Đợi xong việc rồi các cậu cứ liệu hồn với tôi đấy.”
Hào lúc này mặt đã đỏ gay như gấc, hai vết roi ở sau lưng vẫn còn đau rát, cộng thêm việc không ai tin những gì mình nói làm cậu rất khó chịu. Nhưng cũng đành phải cắn răng khiêng kiệu mà bước tiếp. Trở về đình, vào trong phòng thay đồ, Hào kể lại chuyện vừa xảy ra cho lũ bạn thân nghe nhưng ai cũng bán tín bán nghi những lời Hào kể, cho đến tận khi cậu cởi áo ngoài ra cho mọi người xem hai vết hằn tím bầm trên lưng mình thì ai nấy mới tin lời Hào nói là thật.

Nhưng rõ ràng lúc đó xung quanh Hào không hề có ai, vậy hai roi đó là ai đã vụt vào lưng cậu? Đám thanh niên còn đang xem xét vết thương trên lưng của Hào thì một người đeo băng rôn đỏ của ban tổ chức lễ hội trên cánh tay chạy vào hỏi:
“Này Long, cậu phụ trách phần chơi cờ người đúng không? Chuẩn bị đến đâu rồi?”
Long gật đầu xác nhận:
“Vâng, bọn em đang chuẩn bị thay đồ rồi đây ạ. Kỳ thủ lần này sẽ là bác Trọng trưởng hội cựu chiến binh là người làng mình đấu với ông Tấn ở làng Đông. Người đóng thế quân cờ cũng sắp xếp xong hết cả rồi, chờ đến giờ là bắt đầu thôi ạ.”
“Thế ông Tấn đâu, sao giờ này vẫn chưa thấy? Ban tổ chức muốn gặp hai kì thủ trước khi trận đấu bắt đầu. Cậu tìm cách liên lạc với ông ấy đi.”
Long lấy điện thoại từ trong túi ra định bụng sẽ gọi tìm ông Tấn cho dễ. Từ sáng đến giờ bận rộn với công việc Long còn chưa đụng đến điện thoại lần nào. Không biết đã vô tình bấm tắt chuông từ bao giờ, có rất nhiều cuộc gọi nhỡ hiển thị trên màn hình. Trong đó có cả số của ông Tấn. Bấm gọi lại, Long trao đổi điện thoại một vài câu rồi tắt máy. Vẻ mặt rầu rĩ, Long quay qua người ban nãy mà nói:
“Ông Tấn bị đột quỵ vào sáng nay hiện đang cấp cứu ở bệnh viện rồi anh ạ. Cũng tại em sơ ý quá sáng đến giờ không để ý đến điện thoại. Gần đến giờ rồi biết tìm ai thay thế được bây giờ.”
Lời của Long vừa dứt thì có người hớt hải chạy từ ngoài vào nói giọng đứt quãng:
“Anh Long ơi… ông Trọng… bị ngã ở trong đình rồi, chảy nhiều máu lắm… Anh mau ra xem đi.”
Ngay lập tức những người có mặt trong phòng sinh hoạt chung nhanh chân chạy về phía cửa đình. Lúc này đám đông đang vây quanh lấy một ông cụ nằm sõng soài trên mặt đất ôm cái chân đau của mình không ngừng rên rỉ. Máu từ chân ông cụ chảy ra thấm cả xuống nền gạch. Rẽ đám đông tiến về phía ông cụ, Long hốt hoảng hỏi:
“Ông Trọng ông bị làm sao thế này có đau lắm không ạ?”
Một người đàn bà đứng bên cạnh chen vào:
“Ông cụ đi đứng bất cẩn bị vấp vào cửa ra vào rồi ngã. Các cậu xem có phải là gãy chân rồi không. Mau gọi xe đưa cụ đi bệnh viện liền đi.”
Mặc dù đang nhăn nhó vì đau nhưng cụ ông vẫn quay qua nhìn người đàn bà lúc nãy nói bằng giọng gắt gỏng:
“Cái nhà chị này ai bảo với chị tôi bị vấp hả? Có đứa nào đằng sau nó đẩy tôi ngã nhào ra trước đó chứ. Tôi còn cảm nhận được rõ hai bàn tay nó chạm vào lưng tôi mà. Các chị nghĩ tôi già nên lẩm cẩm rồi phải không?”
Long kéo chân quần ông cụ lên để kiểm tra, có vẻ như không bị gãy xương, nhưng ở bắp chân bị rách một vết dài đang chảy rất nhiều máu. Long nói giọng trấn an ông cụ:
“Vết thương của ông chảy nhiều máu quá cần phải đi bệnh viện khâu lại ngay. Còn mọi chuyện để tính sau đi được không ạ?”
Cũng may trong đám con cháu trong làng có người có xe tô nên ông Trọng được trở đi bệnh viện ngay sau đó. Ở đình làng lúc này mọi thứ bắt đầu loạn hết cả lên. Người dân xì xào bàn tán với nhau chuyện ông Trọng bảo bị xô ngã chứ không phải tự vấp. Nhưng mà trong đình lúc ấy đông người như thế thì biết ai là người đã xô ông cụ? Có người lại bảo ông cụ tự ngã, bị choáng nên mới nhớ thành có người xô mình. Rồi người ta còn nhắc lại cả chuyện 5 tháng trước, cụ Tích là người trông giữ đình bị ngã rồi chết ở ngay trong đình, cũng đúng chỗ này. Liệu có phải chỉ là trùng hợp hay còn gì bí ẩn ở phía sau mà chưa ai phát hiện ra?
Vấn đề lớn nhất được đặt ra ngay lúc này là cả hai kì thủ trong trận đấu cờ người đều đã không thể tham dự. Cờ người là một trò chơi dân gian, một nét đẹp văn hoá mà ít nơi còn lưu giữ được. Lễ hội đình làng năm nào cũng tổ chức, hơn nữa lại trong một ngày đặc biệt như ngày hôm nay, có bên đài truyền hình tỉnh về đưa tin nên ai cũng muốn truyền bá nét đẹp văn hoá này. Mấy người trong ban tổ chức cứ hết đứng lên lại ngồi xuống như đang ngồi trên đống lửa.

Người ta đưa ra đủ cái tên nhưng không ai có tự tin để điều khiển ván cờ. Trước đây khi cụ Tích còn sống, cụ là một kỳ thủ đáng gờm ở trong xã, những trận đấu có cụ tham gia thường được bà con đánh giá rất cao, và cũng rất ít lần cụ bại trận. Nay cụ Tích mất đi trong làng chỉ còn lại ông Trọng là người có thể đứng ra trực tiếp đấu cờ với đội bạn. Nhưng nay đến ông Trọng cũng bị thương không thể tham gia được. Và oái oăm thay, cả đối thủ của ông Trọng là ông Tấn cũng không thể tham dự. Cùng một lúc mất đi cả hai đấu thủ, đúng là trong cái rủi lại còn có cả cái xui.
“Hay thôi bỏ qua phần đấu cờ đi hả các cụ? Chứ bây giờ cả hai đấu thủ đều không thể tham dự, trong thời gian ngắn như vậy biết tìm đâu được người thay thế bây giờ?”
Một cụ ông lên tiếng cắt ngang dòng suy nghĩ của tất cả mọi người. Ngay sau đó liền bị ông Thịnh bác bỏ:
“Các cụ cứ bình tĩnh tìm hướng giải quyết đã xem nào. Cán bộ tỉnh người ta rất hào hứng với màn đấu cờ tướng này của lễ hội, bởi lẽ bây giờ không phải ở đâu cũng còn giữ được những nét bản sắc văn hoá như làng mình đâu. Hơn nữa phía đài truyền hình cũng đang đợi để ghi hình tiết mục này, giờ bảo cắt thì biết nói lại với người ta thế nào?”
Ông Phùng trưởng làng cũng gật gù theo:
“Bác Chủ tịch nói cũng có lý. Đề chuẩn bị cho ván cờ này hơn 30 nam thanh nữ tú đã phải cùng nhau tập luyện vất vả suốt cả tuần trời, quần áo trang phục cũng mất công đi thuê đủ cả. Đến sân đấu cũng được chuẩn bị chu đáo hết cả rồi, giờ đến phút cuối lại xảy ra truyện. Mà cũng không ai dám nghĩ đến trường hợp này để mà biết đường đưa ra phương án dự phòng. Giờ trước mắt vẫn còn một chút thời gian nữa mọi người đang nghỉ ăn trưa, đừng vội bàn lùi, chúng ta cùng tìm ra những người có thể đứng ra đấu cờ đi. Đến phút cuối không được nữa thì mới phải chấp nhận huỷ bỏ vậy.”
“Trong thời gian ngắn như vậy làm sao mà tìm được người có thể chỉ huy ván cờ, không chỉ một mà là hai người. Hơn nữa có tìm được người biết chơi đi, nhưng chưa tập luyện bao giờ làm sao mà nắm hết được luật lệ cho khớp với những gì mà đám thanh niên đã tập trước đó? Thà là bỏ ngay từ đầu tìm cách nói khó lại với phía đài truyền hình còn hơn là cố đấm ăn xôi nhưng trận đấu hỏng bét chẳng ra gì.”
Cụ ông ban nãy nêu ý kiến phản biện lại ông Thịnh và ông Phùng. Cả hai bên ai cũng có cái lý riêng của mình không ai chịu nhường ai. Đang giữa lúc còn không biết nên quyết định như thế nào thì từ phía trong đình một người đàn ông tướng mạo phi phàm, mặc trên mình bộ triều phục của thời xưa, chân đi hài, đầu đội mũ tướng soái có giáp bảo vệ che kín cả hai tai và phần nửa dưới của khuôn mặt, chỉ để hở ra đôi mắt và vầng trán rộng phía trên hùng dũng bước ra. Trên tay người đó còn cầm một sợi dây xích được vắt từ trên vai xuống. Dừng lại trước đám đông, người đàn ông cất tiếng dõng dạc nói:
“Ta sẽ đứng ra khiển trận này.”
“Kìa, chẳng phải đây là thằng Hậu cháu của ông Trọng đây sao?”
Mặc dù đã được che nửa khuôn mặt nhưng vẫn có người nhận ra được người đó là Hậu. Ông Thịnh tiến tới gần đi một vòng quanh người hậu ánh nhìn dò xét rồi cười lớn:
“Chà cái cậu này, mặc bộ đồ vào trông tướng tá cũng ổn quá nhỉ, nếu mà sinh vào thời xưa thì cũng giống với mãnh tướng chứ đùa à. Cậu vừa bảo là cậu có thể đứng ra để chơi cờ sao? Cậu còn trẻ như vậy liệu có làm được không?”
Ông Phùng lúc này mới vỗ đùi đánh đét một cái, rồi nói bằng giọng hồ hởi:
“Đúng rồi sao ta lại quên mất lớp trẻ như cậu nhỉ, từ đầu chúng ta chỉ tập trung vào các cụ mà quên đi lớp trẻ cũng lắm người tài, thật là một thiếu sót lớn. Cậu Hậu đây là cháu của ông Trọng, ta cũng đã nghe qua ông Trọng nói về tài chơi cờ tướng của cậu vài lần. Hay lắm, nay có đất để dụng võ rồi. Sao, trước giờ chỉ toàn đóng tướng trong các thế cờ của ông nội mình, bây giờ có đủ tự tin để tự đứng ra điều khiển ván cờ một lần không hả?”
Vừa nói ông Phùng vừa đưa tay vỗ vỗ lên vai của Hậu. Hai hàng lông mày khẽ cau lại, Hậu không ngần ngại gạt thẳng tay của ông ra khỏi người mình. Không trả lời vào câu hỏi của ông Phùng mà Hậu đưa tay chỉ thẳng về phía của Long đang đứng cạnh đó mà lạnh lùng nói:
“Ta muốn đấu với hắn.”
Long thấy bộ dạng của Hậu lúc này thì không nhịn được cười, cậu ta tiến về phía Hậu khẽ hích vào mạng sườn bạn một cái rồi bảo:
“Cái thằng quỷ này mày bị cái gì nhập vậy hả? Tự dưng học đâu ra cái bộ dạng này, trông buồn cười chết đi được. Thôi thôi xả vai đi ông ơi, ai trả cát xê đâu mà diễn ghê vậy. Tao cứ tưởng mày là tướng quân thật luôn đó.”
Hậu bước một bước về phía trước để không đụng chạm vào người Long nữa, vẫn giữ ánh mặt lạnh lùng mà nói:
“Quyết đấu một trận với nhau, thắng làm vua thua làm giặc, ngươi có dám nghênh chiến hay không?”
Ông Thịnh chợt ồ lên một tiếng rồi nói chen vào cuộc trò chuyện của hai người:
“Phải rồi, sao cậu Long ở ngay đây mà cũng không ai nghĩ ra nhỉ. Cậu Long là cháu của cụ Tích, lúc sinh thời là kì phùng địch thủ của ông Trọng, ông nội của cậu Hậu đây. Giờ tre già măng mọc, hay lắm. Ngày hôm nay chẳng phải là cơ hội để lớp trẻ các cậu thể hiện tài năng của mình hay sao. Đúng là người tính không bằng trời tính. Còn ai thích hợp hơn truyền nhân của hai cao thủ đấu cờ ngày trước. Mặc dù chưa đấu trực tiếp bao giờ nhưng năm nào các cậu cũng tham dự ván cờ trong vai tướng chủ chốt thì chắc hẳn người nắm rõ quy tắc nhất bây giờ cũng chỉ có các cậu mà thôi.”
“Nhưng mà cháu chưa trực tiếp đứng ra đấu trận bao giờ. Ngày hôm nay có cả báo đài về đưa tin, cháu sợ làm không tốt thì hỏng hết cả việc của làng thì sao.” Long đáp.
“Cậu sợ phải đấu với ta sao? Nếu vậy thì nhận thua ngay từ đầu đi, rồi làm bại tướng dưới tay ta, ta sẽ tha cho một mạng.” Hậu nhìn Long khiêu khích.
“Mày nhập vai hơi sâu rồi nha Hậu. Đang nghiêm túc mà cứ đùa hoài. Được rồi muốn đấu thì đấu, nhưng giờ đổi ai lên thế vị trí chủ tướng của chúng ta bây giờ?”
“Đổi tướng sao? Cậu không đùa ta chứ, làm gì có ai đủ bản lĩnh để thế chỗ của hai ta được? Ta với cậu sẽ đấu trực tiếp với nhau dưới vai trò là chủ tướng.”
Hậu gằn từng tiếng một đáp trả, từng lời cậu nói ra chắc nịch như có tiếng sấm vọng, ánh mắt cương nghị. Long chớp chớp mắt liên hồi không biết người trước mặt mình lúc này đây có phải là thằng Hậu bạn thân của mình không nữa. Từ ánh mắt, cử chỉ đến lời nói giống như một người hoàn toàn khác.
Vậy là lễ hội cầu phúc năm nay sẽ xuất hiện một màn đấu cờ người đặc biệt nhất từ trước đến nay trong lịch sử của làng. Điểm đặc biệt đầu tiên đó là ghi dấu hai đấu thủ trẻ tuổi nhất từ trước đến nay. Điểm thứ hai là sẽ khác với trước đây, hai người đấu cờ sẽ đứng ngoài để chỉ huy thế cờ, mà lần này hai tướng trong bàn cờ sẽ tự đấu trực tiếp với nhau.
Vào phòng thay đồ trước giờ vào trận đấu, Hậu cứ lầm lũi ngồi một mình một góc không nói với ai câu nào, khác hẳn với bộ dạng lém lỉnh ba hoa như chích choè của mọi ngày. Sau khi chuẩn bị thay đồ xong xuôi Long tiến lại góc nơi Hậu đang ngồi, vỗ mạnh một cái vào vai bạn rồi bảo:
“Ê thằng quỷ! Hôm nay mày làm sao vậy? Từ nãy tao cứ thấy mày có gì lạ lạ đó.”
Bất ngờ Hậu chồm người đứng bật dậy, theo đà bước tới mấy bước ép Long đứng sát vào bức tường, lúc này hai tay của cậu ta đang đặt trên cổ của Long mà siết chặt. Ánh mắt sắc lạnh Hậu nói như rít lên trong cổ họng:
“Làm sao mày lại biết?”
Long bị Hậu siết đến nghẹt thở, đưa tay cố gỡ đôi bàn tay cứng như thép của Hậu đang ghì nơi cổ họng mình ra. Dường như cũng nhận ra được hành động quá khích của mình, ngay sau đó Hậu buông lỏng đôi bàn tay của mình xuống, Long ôm ngực thở dốc rồi nhìn Hậu bằng ánh mắt kinh ngạc. Long nói:
“Mẹ thằng này mày bị điên hả? Mày hỏi tao biết cái gì cơ?”
Ánh mắt của Hậu vẫn nhìn vào Long không rời nửa bước, Hậu hỏi nhỏ đủ để mình Long nghe thấy:
“Mày vừa gọi tao là gì?”
Long ngơ ngác:
“Thằng quỷ này, mày mới ở trên trời rơi xuống à, ngày nào tao chả gọi mày như thế mà sao nay phản ứng gì ghê mày?”
Hậu nhìn thẳng vào ánh mắt của Long, đôi mắt của cậu ta trong khoảnh khắc khẽ loé lên, rồi ngay lập tức trở lại bình thường. Hậu quay người đi rồi khẽ bảo: “Thôi bỏ đi.”

Xem tiếp chap 3 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn