𝐍𝐠𝐮̉ 𝐂𝐮̀𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐂𝐡𝐞̂́𝐭 - 𝐊𝐢𝐧𝐡 𝐃𝐢̣ 𝐁𝐮....𝐨̂....𝐧... 𝐍𝐠....𝐮̛...𝐨̛̀....𝐢
___________________________
𝐇𝐨̂̀𝐢 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝟏𝟑 - Đ𝐚̣𝐢 𝐤𝐞̂́𝐭 𝐜𝐮̣𝐜
Xem Lại Chap 23 : Tại Đây
..............................................................................
Tôi giật mình hoảng hốt lùi lại phía sau. Trong một tích tắc, nhờ ánh đèn tờ mờ hắt vào từ mấy cái lều bên cạnh, tôi nhận ra thứ mình đang nhìn chăm chăm vào hai vong hồn có vẻ như vừa mới chết. Hai người đàn bà này rất quen, hệt như tôi đã gặp ở đâu đó rồi, nhưng nhất thời chẳng thể nào nhớ ra.
Mặc dù còn hồ nghi về vong của hai người đàn bà trước mặt, thế nhưng tôi chẳng có nhiều thời gian. Tôi thì thào gọi con bé Ngọc để nhờ nó lấy chiếc nắp hộp thịt dã được mài sắc từ ngày hôm qua. Con bé xoay người lại với tôi, hì hục một lúc cũng lấy từ trong túi áo khoác của tôi ra chiếc nắp hộp sắc lẻm.
Ở bên lều bên cạnh bắt đầu có tiếng cãi vã khe khẽ, tôi nghe lõm bõm câu được câu mất, chỉ biết là một gã thanh niên gác vòng ngoài vô tình thấy được một quả bóng bay bị vướng trên ngọn cây. Ban đầu tưởng rằng bóng bay của đứa trẻ con nào đó bỏ quên trong rừng. Thế nhưng bọn thằng Minh và mụ Sảng nghĩ lại thì không thấy đúng lắm, vì quanh đây mười mấy cây số đều không có một bóng người, làm gì có trẻ con đến chơi mà xuất hiện vật kỳ lạ như thế??
Tôi run cầm cập, trong lòng nghĩ kế hoạch của mình sắp bị bại lộ đến nơi. Thế là tôi nghiến răng nghiến lợi cố gắng cắt sợi dây thừng thật nhanh. Cũng may, sợi dây mà bọn thằng Minh trói tay chúng tôi không quá dày, khoảng 4 – 5 phút sau tôi đã cắt đứt đoạn dây ở gần mấu dây thừng, thuận tiện để tháo dây khỏi tay mà không cần phải cắt toàn bộ.
Duy Anh nhìn tôi khẽ rên rỉ: “Chị ơi! Cứu chúng em..” Tôi không trả lời thằng bé, vội vàng dùng hết sức để cắt đầu sợi dây đang trói chặt tay nó. Tiếng cãi cọ, tiếng bàn tán mỗi lúc một gay gắt hơn, thời gian của tôi không có nhiều. Khi sợi dây trên tay Duy Anh đã đứt, tôi bảo thằng bé:
“Cầm lấy cái nắp hộp này, cắt dây cho Ngọc đi.”
Thằng bé không nói gì vội vàng làm theo. Ở phía bên này tôi cũng hết sức bận rộn. Đầu tiên tôi lấy chiếc đồng hồ có đèn pin của Duy Anh chiếu xuống gương mặt của hai xác người chết dưới kia. Vong của họ vẫn đang lảng vảng ở gần đây, có lẽ rằng chính bản thân họ cũng không biết rằng mình đã chết. Ánh sáng của đèn pin vừa soi xuống gương mặt họ, tôi chợt nhận ra đó chính là hai người phụ nữ mê man lần trước nằm trong xe cùng với tôi. Phần cổ của họ có hai vết hằn màu đỏ au đang ngả dần sang màu xanh tím.
Điều đó chứng tỏ, hai người này mới chết chưa bao lâu. Sờ vào người họ vẫn còn thấy hơi ấm. Không cần phải suy nghĩ nhiều tôi cũng có thể biết được, cả hai đã bị bọn chúng hành hạ cho đến chết. Vết hằn ở cổ và vết cào cấu ở phần ngực áo đang bị bung ra rách tả tơi cho thấy trước khi chết họ đã bị cưỡng bức rất dã man. Mặc dù đã không ít lần chứng kiến những hành vi bỉ ổi của lũ b.u.ôn người này, nhưng tôi vẫn không thể nén nổi một cơn rùng mình.
Tôi khẽ lẩm bẩm xin phép cả hai người đàn bà bạc mệnh một câu, rồi vội vàng lấy từ trong mũ áo khoác ra lọ lân tinh của chồng chị Oanh. Tiếp theo sau đó, tôi xoa bột lân tinh lên trên gương mặt của hai người đã chết, đoạn lại khiêng học ngồi dựa vào vách lều hệt như người còn sống. Con bé Ngọc thấy tôi làm như vậy bèn thì thào hỏi:
“Chị làm gì vậy chị?”
Tôi khẽ ra hiệu để cho nó im lặng. Lúc này tôi cần chiếu đèn pin vào gương mặt của hai xác chết đã xoa đầy lân tinh. Tôi chưa dùng thứ bột đặc biệt này bao giờ, nhưng theo phản ứng thông thường thứ này phải được tiếp nhận nguồn sáng thì mới có thể phát ra ánh sáng xanh trong bóng tối. Dưới chân hai cái xác lúc này còn có một mảnh chăn rách tả tơi. Thế là tôi tiện tay phủ lên trên người hai cỗ thi hài đang ngồi thu lu nhìn rất quái dị.
Xoảng...!!!
Từ bên căn lều ở phía trước có tiếng đổ vỡ. Tiếng mụ đàn bà kia khẽ chửi bới, nghe giọng của mụ tôi đoán mụ cũng đang phải ghìm lại ít nhiều. Tôi ra hiệu cho hai đứa nhỏ để chúng phải cho tay ra đằng sau hệt như đang bị trói. Trên tay cái Ngọc và Duy Anh bây giờ là hai cái nắp hộp thịt sắc lẻm, chúng nó có thể dùng thứ này để phòng thân.
Riêng tôi thì lấy từ trong người ra chiếc đũa tre mà bà Vui đã đưa cho tôi hôm nào. Tôi cầm chặt chiếc đũa sau tay, giống hệt như phù thủy có đũa phép để chiến đấu. Kể ra có vẻ dài dòng, nhưng lúc đó thời gian hành động được tính bằng giây, nếu không nhanh chóng có thể kế hoạch của tôi sẽ bị đổ bể hết.
Tôi vừa vòng tay ra sau thì mụ Sảng hất tung tấm bạt che trước cửa lều đi vào. Mụ nhào tới bóp cổ tôi, ghé sát gương mặt dữ tợn vào tôi rồi gầm gừ:
“Là mày... là mày thả bóng bay phải không con chó đẻ?”
Cổ họng tôi nghẹn lại, nước mắt trào ra, tôi ú ớ không thành tiếng rồi lắc đầu quầy quậy. Thằng Minh đứng đằng sau bố nó hất hàm nói:
“Nhưng mà... làm sao chúng nó có thể tìm quả bóng có thể bay được? Nếu... nếu thổi bằng hơi từ miệng thì làm sao bóng bay lên được. Lại còn bay xa hơn nữa...”
Lão Phàm lúc này đã gần như mất bình tĩnh, lão gầm lên:
“Đ...mẹ! Tao không cần biết. Thu dọn nhanh đi rồi rời khỏi đây ngay. Bọn tao với bọn mày, mỗi bên tỏa đi một hướng... Đừng để cho bọn chó kia nó tóm được nghe chưa?”
Mấy gã thanh niên canh gác chúng tôi từ trước khẽ dạ một tiếng rồi lục tục cầm súng rời đi. Mỗi người trong bọn nó đều cầm một khẩu súng hoa cải. Tôi nghe thấy chú Long nói rằng, bọn thổ phỉ đại kỵ nhất là nổ súng, vì như thế chẳng khác nào đánh động công an biên phòng và trạm kiểm lâm. Chỉ trong trường hợp sống còn chúng mới sử dụng đến phương án cuối cùng. Tôi cầu khấn trong lòng, cầu mong sẽ có người đến cứu chúng tôi trong thời khắc cam go này.
Mụ Sảng vẫn nhìn chằm chằm vào tôi. Tim tôi đánh thót một cái, hệt như người ta khi chột dạ. Vài giây sau, mụ vỡ lẽ:
“Thôi đúng rồi! Con chó này... con chó này đã từng bị bọn thằng Ngụy bán cho lão Kiệm... Phàm ơi! Tao với mày gặp nó rồi! Là nó... Là nó...”
Lão Phàm nhìn theo ngón tay mập mạp như nải chuối sứ của mụ chỉ vào tôi. Lão ta chiếu ánh đèn pin vào mặt tôi để xem cho rõ. Gương mặt lão đỏ phừng phừng rồi gầm gừ bằng chất giọng lơ lớ:
“Mày là....mày là hai đùi gà...”
Thôi! Thế là hết! Tất cả bị bại lộ rồi. Tôi vẫn luôn mường tượng tới khả năng mình sẽ bị bọn lão Phàm phát hiện. Bố con thằng Minh có thể nhắm mắt để bán lần người lần hai, nhưng riêng bọn b..u..ôn n.g.ư.ời như mụ Sảng sẽ không đời nào làm thế. Bởi chúng cho rằng kẻ đã bắt cóc rồi lại trốn về sẽ gây họa cho cả đường dây của chúng. Mồ hôi tôi đổ thành từng dòng, trong khoảnh khắc ấy tôi quyết định ngửa bài. Cùng lắm là chết. Thế là tôi cười gằn:
“Giờ mới nhận ra thì quá muộn rồi! Bố mẹ tao còn đang đứng đằng sau để chờ bọn mày đền mạng kìa.”
Tôi vừa nói xong câu ấy, theo phản xạ tự nhiên, bố con thằng Minh, mụ Sảng và lão Phàm đột ngột quay lại. Tôi chỉ chờ có thế, lập tức hất cái chăn đang che kín hai thi hài lên. Lão Phàm và mụ Sảng lại xoay đầu lại nhìn tôi. Khoảnh khắc thấy hai người đàn bà đã chết trong lều đang ngồi thu lu, gương mặt phát ra ánh sáng xanh xanh trong bóng tối nhìn chằm chằm về phía trước. Thoạt nhìn thấy cảnh tượng ấy, một gã thanh niên gào lên thất thanh:
“Đ...m.. Đm... Ma hiện về! Ma hiện về.”
Bố con thằng Minh rú lên một tiếng rồi nháo nhào bỏ chạy cùng với mấy gã đàn em phía sau. Mụ Sảng giật lùi về đằng sau mấy bước, miệng gào lên kinh hãi. Tôi lập tức nhảy bổ vào người mụ, bàn tay phải cầm đũa của tôi đâm thẳng vào mắt ả đàn bà khốn nạn. Mụ rú lên:
“Á! Phàm ơi! Con này nó giết tao!”
Tôi rút thật nhanh chiếc đũa ra khỏi mắt mụ. Máu nóng từ tròng mắt bắn ra ngoài, hất cả vào mặt lão Phàm. Từng giọt chất lỏng tanh tanh ngòn ngọt hệt như thứ giải trừ phong ấn của con ác quỷ trong người lão Phàm. Lão ta rút phắt ra từ trong hông quần một khẩu súng. Tôi chỉ kịp nhìn thấy một cái bóng nhỏ thó nhảy chồm lên đẩy tôi sang bên cạnh trước khi tiếng đoàng inh tai vang lên chỉ độ một giây. Mùi thuốc súng bốc lên trong căn lều nồng nặc.
..............................
Khi tôi chưa kịp hoàn hồn thì ở bốn phía sáng bừng lên bởi đèn pha. Một giọng nói vang rền như sấm:
“TẤT CẢ ĐỨNG IM”
Con bé Ngọc là người đầu tiên nhận thức được hiện tại. Nó gào lên:
“Công an! Công an đến rồi!”
Mụ Sảng vẫn ôm chặt tròng mặt đầy máu nửa nằm nửa quỳ, quằn quại trước hai cỗ thi thể phát sáng trong bóng đêm. Riêng lão Phàm thì lúc này gần như hóa dại, lão ta chửi tục bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Xoay người khắp bốn xung quanh giống hệt như con chuột tìm đường bỏ trốn. Tiếng đạn lên nòng vang lên tanh tách ở bốn phía. Giọng nói sấm rền lại vang lên:
“ĐẦU HÀNG ĐI. ĐẦU HÀNG ĐỂ NHẬN ĐƯỢC SỰ KHOAN HỒNG CỦA PHÁP LUẬT!!”
Tôi ứa nước mắt khi nghe thấy những điều ấy. Tôi khẽ quay sang Duy Anh:
“Chị em mình phải cố lên... Sắp được cứu rồi...”
Những lời cuối cùng của tôi bất chợt tan biến. Dưới cảnh tranh sáng tranh tối của ánh đèn cao áp rọi từ bên ngoài vào, tôi nhìn rất rõ mặt Duy Anh đang dần dần tái nhợt. Nó hướng đôi mắt to tròn với hàng lông mi cong vút nhìn về phía tôi. Dường như không khí xung quanh đang bị ai đó rút cạn dần, tôi nhìn xuống ổ bụng của nó. Một vết máu màu đỏ thẫm đang loang ra dần dần.
Duy Anh nhìn tôi mỉm cười.
Tôi hét ầm lên:
“Duy Anh! Duy Anh! Đừng... đừng... đừng...”
Giọng nói sấm rền của bác công an nào đó tôi nghe không còn rõ nữa. Mọi tâm trí của tôi lúc này đổ dồn vào vệt máu trên người thằng bé. Đột nhiên lúc đó, lão Phàm nhào tới bồng lấy con bé Ngọc rồi chạy tung lều, mở đường máu, trốn vào rừng. Tiếng con bé Ngọc khóc thét lên. Gương mặt Duy Anh đang tái nhợt bỗng nhiên nghiêm lại, giọng nó gằn từng tiếng thật rành mạch:
“Không được để cho kẻ xấu thoát!”
Tôi đứng sững người, rồi khẽ gật đầu với nó. Tay tôi siết chặt chiếc đũa tre trong tay, tôi lao theo phía sau. Lúc tôi chạy ra khỏi lều, hình ảnh bố con thằng Minh cùng mấy gã đàn em đang quỳ mọp xuống đất để xin hàng. Một tốp cảnh sát chạy theo phía sau lão Phàm, tôi còn thấy bóng một người nào đó hệt như bác sĩ đang vội vã chạy về phía lều của chúng tôi.
Thấy bóng người bác sĩ, nỗi lo lắng điên cuồng của tôi về Duy Anh như đã được cất gọn. Tôi biết rất rõ lão Phàm chạy đi đâu, chạy tới đâu...Thế là tôi chạy bổ theo, mặc cho giọng chú Long gào tên tôi ầm ĩ ở phía sau. Tôi mặc kệ. Trận chiến cuối cùng này là của tôi và lão.
......................................
Khắp rừng núi lúc này vang lên tiếng bước chân rượt đuổi trên con đường mòn. Tiếng khóc của cái Ngọc nhỏ dần, tôi vẫn chạy như điên ở đằng sau, mặc dù lúc này phần bụng tôi xóc lên đau điếng. Một cơn mưa phùn báo hiệu mùa xuân đến đột ngột mà không hề báo trước. Người ta vẫn hay bảo nhau, đi rừng ban đêm nếu gặp mưa phùn tất sẽ nhìn thấy ma.
Một bóng người đi đằng trước tôi cũng chạy theo lão. Người thanh niên mặc chiếc áo sơ mi trắng đã cũ kĩ, ổ bụng có một vệt đen to tướng. Cái bóng đó chẳng hề xa lạ gì với tôi. Bởi lẽ tôi đã nhìn thấy nó rất nhiều lần. Đúng vậy! A Phong đang ở phía trước.
Trên con đường mòn nho nhỏ lắt léo mà chỉ bọn thổ phỉ mới biết, có ba người sống. Một là lão Phàm quắp theo cái Ngọc làm con tin chạy đằng trước. Tiếp đến là vong của A Phong, và cuối cùng là tôi chạy đằng sau.
Từng mô đá, từng cành cây chìa ra, từng tiếng chim lợn vang lên đều vô cùng quen thuộc. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy, đống tiền nhân dân tệ cọ vào chân tôi đau điếng nhưng tôi vẫn không màng.
Đến ngã ba đường có một lối rẽ vào sâu trong rừng, A Phong ngoái lại nhìn tôi rồi khẽ chỉ tay, ngỏ ý bảo: “Đi theo anh!” Lão Phàm vẫn chạy theo đường thẳng, còn A Phong và tôi đi đường vòng. Tôi bắt đầu cảm thấy đuối sức. Cái áo bông ấm càng lúc càng trở lên nặng trịch. A Phong ngoái lại nhìn, tôi nghe thấy có tiếng ai đó thì thầm ở bên tai:
“Cố lên! Sắp tới chỗ bức tượng cụt đầu rồi!”
Nghe thấy thế, tôi lập tức dùng hết sức bình sinh để chạy tiếp. Răng cắn vào môi đến bật máu, nhưng chân vẫn giữ nguyên tốc độ. Một tiếng sấm vang rền trên bầu trời làm tôi giật mình ngã khuỵu xuống. Giây phút ấy, tôi nhìn thấy bức tượng cụt đầu nằm lăn lóc bên vệ đường. Mặc cho sỏi đá nghiến vào bàn tay, tôi vẫn chống tay để gượng đứng dậy. A Phong đứng ở phía trước đợi, trong khi tôi tập tễnh đi về phía trước.
..............................................................
Gọi là pho tượng, nhưng thực chất chỉ là một tảng đá nho nhỏ cao chừng 30 cm có hình dáng của một con người, nhưng đã cụt đầu. Bọn thổ phỉ, bọn b..uô..n ng..ườ..i mỗi khi đi ngang qua bức tượng này đều đặc biệt kính nể. Chúng tin rằng, khi bức tượng nằm xuống có nghĩa là tượng sẽ che chở cho chúng làm ăn trót lọt.
Còn khi tượng được dựng lên, điềm báo đại họa đang kéo tới. Đại họa như thế nào thì không có ai biết rõ. Chỉ nghe người H’Mông sống trên những rẻo núi cao vùng Phó Bảng bảo nhau rằng, kẻ nào đã từng giết người mà bắt gặp bức tượng dựng đứng, thì những vong hồn người chết sẽ hiện về.
Dưới làn mưa phùn lất phất bay bay, tôi vừa đứng nhìn pho tượng vừa thở dốc. Tiếng bước chân nặng nề vang lên càng lúc càng gần, kèm theo đó là tiếng khóc ư ử của cái Ngọc vọng lại. Những âm thanh ấy báo hiệu lão Phàm sắp đến. Tôi vội vàng ngồi thụp xuống rồi nghiến răng nhấc bước tượng lên. Thân tượng lạnh ngắt, tiếp xúc với đất ẩm lâu ngày khiến cho mùi ngai ngái tỏa ra thoang thoảng.
Trời lúc này tối mịt, để giúp cho lão Phàm nhận biết được dễ dàng, tôi đổ thốc cả hũ lân tinh vào thân bức tượng. Vừa làm tôi vừa rọi đèn pin trên chiếc đồng hồ, hệt như lúc trước. Mọi việc diễn ra chưa đầy một phút. Xong việc, tôi vội vã trốn ngay sau thân cây cổ thụ bên cạnh, tay cầm chắc chiếc đũa tre, hồi hộp chờ lão Phàm đi tới.
......................................................
Lão Phàm thở hồng hộc chạy về hướng con đường mòn bí mật của bọn thổ phỉ. Hiển nhiên lão ta rất tự tin vì không nghĩ rằng phía công an sẽ biết được lối này. Con đường này, đừng nói là công an, mà ngay cả nhiều kẻ trong ngành cũng không biết được.
Chỉ những người nào đi rừng lâu năm, thâm niên từ 20 năm trở lên thì mới tường tận. Lão Phàm thả cái Ngọc xuống đất, con bé run bần bật vì sợ, nhưng không dám khóc ầm ĩ như lúc trước.
Gương mặt lão lúc này có vẻ đã bình tĩnh hơn trước. Từ đây để đi xuyên rằng, chạm tới biên giới không còn bao xa. Phía trước là pho tượng cụt đầu, lão hăm hở đi tới.
Từ trong lùm cây um tùm, tôi quan sát thấy lão giật mình khi nhìn thấy pho tượng đã dựng đứng lên từ bao giờ. Điều kì quái ở chỗ, thân tượng sáng rực trong đêm hệt như ma trơi. Cái Ngọc thét lên một tiếng sợ hãi rồi lùi lại, riêng lão Phàm thì đứng sững sờ như không thể tin vào mắt mình.
Cơn mưa phùn càng lúc càng dày hơn. Từ trong bóng tối hư vô, tôi nhìn thấy vong của A Phong lặng lẽ đứng trước mặt lão. Tiếp đó là vong của bố mẹ tôi, vong của hai người đàn bà trong lều, và hơn chục vong của những người khác nữa. Họ lặng lẽ đứng lặng trong đêm, nhìn chằm chằm vào lão Phàm không chợp mắt.
Lão Phàm thở hồng hộc như một kẻ điên. Lão rút súng ra hết chĩa vào mặt A Phong, rồi chĩa vào mặt bố mẹ tôi như đe dọa. Giọng lão run run:
“Chúng... chúng... mày là... cái gì... Chúng... chúng mày... đừng hòng hù dọa tao. Chắc chắn là trò của con quái thai kia bầy ra..”
Cái Ngọc không hiểu chuyện gì xảy ra, lại chẳng nhận thức được gì. Con bé thấy lão Phàm đột ngột trở nên kích động nên vội vàng nép vào một tảng đá bên đường. Trước giờ tôi cứ nghĩ, khi ma quỷ xuất hiện để đòi mạng kẻ đã giết mình, sẽ có những tiếng hú hét ghê rợn để dọa nạt.
Thế nhưng thực tế mới biết, những vong chết oan ấy chẳng cần làm gì cả, chỉ đứng trợn trừng mắt nhìn cũng đủ khiến cho kẻ kia phát hoảng. Để tăng thêm áp lực lên tâm lý kinh hoàng của lão Phàm, tôi hít một hơi rồi cười khành khạch:
“Phàm! Phàm ơi! Giờ chết của mày đã điểm!”
Vừa nghe thấy giọng nói lanh lảnh, lão Phàm hoảng hốt tuột độ. Lão rút súng bắn loạn xạ về phía trước. Một phát, hai phát, rồi bốn, năm phát. Nghe thấy tiếng súng vang lên, cái Ngọc hoảng sợ nằm thụp xuống, hai tay ôm đầu. Tôi đắc ý cười thầm, tiếng súng của lão chẳng khác nào mời gọi công an đến.
“Cạch!”
Lão Phàm định bắn thêm, nhưng hết đạn. Lão gầm lên một tiếng rồi toan bỏ chạy về phía cây cổ thụ nơi tôi đang trốn. Tôi vội vã đứng phắt dậy, thò một chân ra để ngáng đường lão. Toàn thân hình hộ pháp của lão ngã một cái rầm, mặt đất bên cạnh tôi như rung chuyển.
Lão Phàm vùng dậy, nhìn sang bên cạnh thấy tôi đang ngáng đường thì gầm lên như con thú phát bệnh. Hai tay lão bóp chặt lấy cổ tôi, khiến tôi chới với. Chiếc đũa trong tay tôi rơi xuống dưới đất. Tình thế lúc này rất nguy ngập, tôi mài lưng xuống đường để trườn đi tìm lại đũa, hay bất cứ thứ gì để phản kháng. Lão Phàm điên loạn chửi rủa tôi:
“Con chó! Con chó chết! Tại mày.. chỉ tại mày...”
Cứ mỗi câu “tại mày” lão lại giáng cho tôi một cái bạt tai đau điếng. Máu mũi, máu miệng chan hòa cùng nước mắt càng khiến tôi bình tĩnh đến lạ lùng. Tôi cười khành khạch như kẻ điên. Hai tay tôi vẫn khua khoắng ở bên cạnh, cố gắng tìm một hòn đá vừa tay. Và rồi... tôi chạm được vào chiếc bút bi, không hiểu nó đã rơi ra tất tôi từ bao giờ.
Giây phút quyết định đã đến, tôi nắm chặt chiếc bút trong tay, đâm phập nó vào mắt của lão Phàm. Lão Phàm rú lên đau đớn, nhấc tấm thân hộ pháp ra khỏi người tôi rồi loạng choạng đứng dậy. Cùng lúc đó, ánh sáng đèn pha rọi tới, bóng một người đàn ông tóc vàng nhảy phốc tới đá thẳng vào bụng lão Phàm khiến lão bật ngửa.
Giây phút ngã sõng xoài xuống đất, lão Phàm nhìn thấy người tóc vàng kia rồi kêu lên kinh ngạc:
“Quang tóc vàng! Sao lại là mày?”
Tôi và chú Quang đều cười nhạt. Cả hai không hẹn mà đồng thanh:
“Giờ mới biết thì quá muộn rồi!”
.....................................................................................
Mùa xuân năm ấy dường như đến sớm. Trời chưa lập xuân nhưng tôi đã thấy ở trước cửa mấy ngôi nhà trong thị trấn đã có vài cây đào trổ rất nhiều nụ hoa. Tôi một mình đi bộ từ trường học về. Quãng đường từ trường học đến nhà tôi cũng phải mất vài cây số. Đáng lẽ phải đạp xe, nhưng tôi lại muốn đi bộ để có thời gian nghiền ngẫm về những điều đã qua. Tôi hít một hơi thật sâu để cảm nhận không khí trong lành của hương hoa cỏ.
Kẻ giết chết bố mẹ tôi đã bị bắt giữ, chờ ngày ra tòa. Bố con thằng Minh khai nhận, ban đầu việc giết bố mẹ tôi nằm ngoài kế hoạch, vì bố tôi vô tình phát hiện ra thùng xe tải có chứa người bất tỉnh bên trong đậu trước cửa nhà thằng Minh trước cái đêm xảy ra án mạng. Để giữ được bí mật cho mình, bố thằng Minh nhờ lão Phàm giết chết bố mẹ tôi.
Nhưng không ngờ, tôi còn sống sót. Người đàn bà mặc váy đỏ bị chết trước cửa nhà tôi sau đó bị khâu mắt mũi lại là tác phẩm của mụ Sảng. Động cơ giết người là do cô gái ấy đột nhiên tỉnh dậy vì hết thuốc mê, nên đã lén chạy đi báo án. Không ngờ bị phát hiện nên giết hại, sau đó treo lên bụi cây um tùm trước cửa nhà tôi vì sợ người kia về đòi mạng.
...............................................................
Quay lại thời điểm tôi mới trở về Việt Nam và được phía công an mời lấy lời khai. Lúc ấy tôi đã nằng nặc xin cho mình được làm mồi nhử để có thể tìm tới tận nơi bọn lão Phàm, mụ Sảng và bố con thằng Minh tập kết người trước khi đưa sang biên giới. Tổ chuyên án dưới sự chỉ đạo của bác Tân đã cài được người vào trong nội bộ của phe bu.ô.n người.
Đó chính là người đàn ông tóc vàng, tai đeo đầy khuyên mà tôi đã gặp trong văn phòng công an. Ban đầu không ai đồng ý cho tôi thực hiện cả. Thế nhưng dưới sự bảo trợ của chú Long, cùng với việc nhận thức được kế hoạch theo dõi bọn lão Phàm cần có sự bứt phá. Cuối cùng tôi cũng được nhận, nhưng với điều kiện phải tuyệt đối tuân thủ theo kế hoạch.
Việc đầu tiên tôi phải làm đó là khiêu khích thằng Minh để nó hạ quyết tâm bắt được tôi. Tổ chuyên án biết được, thằng Minh theo đuổi tôi đã lâu nhưng chưa được đáp lại. Vậy nên điều này đã khiêu khích bản tính thích chinh phục của nó.
Hôm tôi gặp nó đang sửa xe ở bên đường cũng chẳng phải ngẫu nhiên, mà đều đã có sự chuẩn bị từ trước. Thằng Minh bị tôi coi thường ra mặt, nên về nhà tức giận đập phá đồ đạc. Lúc này chú Quang tóc vàng – vốn là cảnh sát nằm vùng mới khích nó bắt cóc được tôi để xử trí. Thằng Minh không dám ra tay một mình, chú Quang bèn ngỏ lời giúp nó một tay.
Vào buổi tối tôi đạp xe lên thị trấn mua nhang, người đeo mặt nạ đỏ đứng chặn đường tôi chính là chú Quang. Việc bắt tôi thuận lợi sẽ đạt được hai mục đích. Thứ nhất là tạo sự tin tưởng của bố con thằng Minh đối với chú Quang. Thứ hai là tôi có thể biết được nơi giam giữ người trước khi đem sang biên giới ở đâu.
Điều này rất quan trọng trong kế hoạch lần này. Bởi lẽ chú Quang mới chỉ dừng ở việc lái xe đưa người đến Phó Bảng, còn từ Phó Bảng trở đi chú Quang hoàn toàn chưa hề hay biết. Ban đầu, tất cả mọi người đều lo lắng không biết rằng làm thế nào để xác định được vị trí của tôi. Phải đến khi phía trinh sát của công an báo lại, họ tìm thấy một vài xác chết trong rừng bị trộn rất nhiều vôi và bột thông cống thì tôi mới tìm ra được cách thức truyền tin bằng bóng bay.
Để cho bố con thằng Minh không hề nghi ngờ, chú Quang phải lục soát người chúng tôi như bình thường. Chú có nhìn thấy lọ dạ quang và mảnh gương tôi giấu, nhưng chỉ có thể chọn một trong hai để giao nộp cho bố thằng Minh. Thế là chú đặt cược vào lọ dạ quang, còn mảnh gương giao lại.
Lúc tôi ngủ mê,thằng Minh có tiến tới định lục soát thêm lần nữa thì vô tình thấy bóng bay tôi mang trong túi rơi ra. Nó nghĩ rằng chỉ là sự trùng hợp nên không buồn quan tâm. Sai số duy nhất trong kế hoạch lần này là Duy Anh. Thằng bé tỉnh dậy đói quá nên đi tìm đồ ăn. Nó thấy trong túi tôi có bóng bay nên lôi về chơi. May mà cả ba chị em tôi đều nhốt chung một chỗ. Những sự việc sau đó diễn ra không khác so với dự đoán của tổ chuyên án là bao.
......................................................
Lại nhắc đến Duy Anh và cái Ngọc. Cả hai đều được bác sĩ cấp cứu kịp thời. Tôi là người được đưa vào bệnh viện sau cùng. Thế nhưng khi đưa đến bệnh viện, người ta mới phát hiện Duy Anh là nhóm máu Bombay siêu hiếm gặp. Tôi không rõ bác sĩ nói thế nào, nhưng người ta bảo rằng, nhóm máu ấy ở Việt Nam chưa tới nổi mười người. Người nhà của Duy Anh không tới kịp, đồng nghĩa với việc thằng bé phải nằm chờ chết.
Giữa lúc sinh tử ấy, có một người đồng ý hiến máu cho Duy Anh. Người ấy không ai khác chính là mụ Sảng. Khi được hỏi lý do vì sao lại cứu thằng bé mà mình đã định đem đi bán ấy, người đàn bà béo mập khẽ mỉm cười:
“Vì lúc tôi bị bán đi, em trai của tôi có lẽ cũng... chỉ bằng tuổi nó.”
......................................................................................
Đêm hôm ấy, trời lại đổ một cơn mưa phùn hệt như cái đêm tôi chạy đến bức tượng cụt đầu. Tôi khẽ vén mái tóc dài sang một bên, ngồi trước gương ngắm nhìn mình trong bộ áo dài đỏ rực. Cái Châu bảo rằng, để biết được xem mình có bị duyên âm hay không, phải thắp thêm một đôi nến đỏ và nhìn ra đằng sau.
Tôi cố gắng đưa mắt nhìn qua gương nhưng chẳng thấy gì khác lạ. Lần thứ nhất, lần thứ hai, rồi lần thứ ba... Cuối cùng tôi trèo lên giường nằm, trong lòng thất vọng vô cùng vì A Phong không đến. Tôi khẽ đẩy cho cánh cửa sổ mở ra, mũi dép hướng lên giường và chân thò ra ngoài chăn. Nằm thao thức một lúc, cơn buồn ngủ kéo tới làm mắt tôi trĩu nặng. Trong mơ tôi nhìn thấy A Phong. Anh ta chạy tới bên cạnh tôi, miệng mỉm cười rạng rỡ rồi dắt tay tôi đi đến căn nhà lần trước.
Căn nhà này vẫn hệt như xưa, bên trong u ám, tất cả chỉ toàn một màu xám và nghi ngút khói nhang. A Phong nắm lấy tay tôi bước vào một căn phòng toàn hình nhân giấy. Vừa trông thấy tôi, những hình nhân giấy kia thoắt cái biến thành người. Họ cười nói rôm rả rồi bàn tán:
“Cô dâu xinh thế! Cô dâu đẹp ghê”
Một đứa bé con khụt khịt mũi rồi bảo với mẹ nó:
“Hình như chị đó là người! Anh A Phong lấy người sống hả mẹ?”
Bà mẹ vội vàng bịt miệng con trai rồi len lén đưa mắt nhìn theo bóng lưng của tôi.
Tôi mỉm cười chào tất cả mọi người. Họ cho tôi rất nhiều tiền và vàng. Cầm trên tay mà lòng tôi cứ nghĩ:
“Toàn là giấy thế này thì sao mà dùng được?”
A Phong lại đưa tôi ra bên ngoài. Chúng tôi đi trong một khu rừng âm u, mặc dù không có trăng sao nhưng cảnh vật cứ sáng nhờ nhờ nhìn rất quái dị. Khi đi đến một con sông nho nhỏ, tôi lập tức nhận ra đây là nơi mà A Phong đã dẫn tôi đến vào cái đêm đầu tiên tôi bị bắt ở Trung Quốc. Tôi ngờ vực hỏi anh ta:
“Tới đây làm gì hả anh?”
A Phong nhìn tôi một lúc lâu rồi cười buồn:
“ Từ giờ anh sẽ không gặp em nữa!”
Tôi sửng sốt đến bàng hoàng:
“Sao lại thế?”
A Phong trả lời:
“Người âm và người dương không thể nào bên nhau mãi mãi. Anh đi rồi nhưng vẫn sẽ dõi theo em. Họ bảo rằng đã tới lượt anh đầu thai kiếp khác, nhưng mà anh sẽ ở lại để chờ em.”
Vừa nói xong câu đó, A Phong biến mất ngay trước mắt tôi.
Cơn mưa phùn ban nãy đã trở thành một cơn mưa nặng hạt, ướt cả chiếc áo dài đỏ tôi đang mặc trên mình. Tôi thấy gương mặt mình ươn ướt, khi tôi choàng mắt tỉnh dậy, nước mắt của tôi vẫn đang rơi không ngừng.
...........................................................
Sáng sớm hôm sau, tôi cùng chú Long và cái Châu quay trở về Phó Bảng để dự một đám ma khô. Vẫn là những người dân tộc H’Mông mặc những chiếc váy rực rỡ đủ sắc màu ngồi xem thầy mo trong bản gieo dóng tre. Người đàn bà trạc tuổi tứ tuần tên là A Tú hồi hộp đứng bên cạnh. Tất cả im phăng phắc nghe thầy Mo khấn lầm rầm:
“A Phong ơi! A Phong à! Con chim bay mãi phải về tổ, khách khứa đến nhà chơi mãi cũng phải đi. Mày còn lấn quấn ở đây làm sao mà siêu thoát được?”
Hai dóng tre lại tung lên. Cả hai đều ngửa. Mười lần như một. Ông thầy mo lắc đầu:
“Thôi! A Tú ạ! Nếu nó đã không đi, thì có lẽ nó đang chờ người nào đó. Mày cứ sống tốt là được rồi. Còn bà con trong bản nữa...”
Tôi thấy bà A Tú bật khóc, rồi cúi đầu cảm tạ thầy mo. Người trong làng lũ lượt rời đi. Tôi không hề ngạc nhiên trước cảnh tượng này. Bởi lẽ A Phong đã hứa với tôi là sẽ chờ.
...................................................
𝟱 𝗻𝗮̆𝗺 𝘀𝗮𝘂
Tôi tỉ mỉ sắp xếp đồ đạc đặt vào vali. Phòng ký túc xá lúc này đã vắng tanh, có lẽ tôi là người cuối cùng trong học viện rời khỏi nơi này. Thời gian trôi thật nhanh, nhiều lúc tôi cứ nghĩ mình mới trở thành tân học viên của Học Viện An Ninh Nhân Dân chỉ vừa hôm qua.
Năm ấy tôi thuận lợi thi đỗ vào học viện với mức điểm á khoa. Khỏi phải nói, chú Long vui thế nào khi đứa cháu duy nhất cũng nối nghiệp mình. Ban đầu bà nội tôi phản đối nhiều lắm, bà vẫn muốn tôi trở thành cô giáo dạy hóa học ở gần nhà. Phải thuyết phục mãi, bà mới chịu đành lòng cho tôi đi. Dù cũng giận tôi mấy ngày liền không nói chuyện.
Tôi tần ngần nhìn ra cửa sổ. Ở bên ngoài ánh nắng vàng rực rỡ đang nhảy nhót trên tán cây xanh rậm rạp. Bà và chú Long không hề biết, vào cái đêm rượt đuổi với lão Phàm ấy. Tôi đã khắc sâu vào trong lòng mình một lời thề trang trọng:
“Không được để cho kẻ xấu thoát!”
...........................................................
Một cơn gió thổi thốc từ phía sau khiến cho tóc tôi tung bay trong gió. Cảm nhận được có ai nhìn mình, tôi chợt quay về đằng sau thì thấy A Phong đứng dựa lưng vào tường khẽ mỉm cười rồi gật đầu với tôi. Nụ cười trên môi chưa bao giờ rạng rỡ đến thế. Tôi vẫy tay với anh ta, miệng ngập ngừng không thành tiếng:
“Chúng ta, sau này sẽ gặp lại!”
.....................𝗛𝗲̂́𝘁..........................................
Đôi lời của tác giả
Bạn thân mến! Cảm ơn bạn đã đọc đến dòng cuối cùng này. Cảm ơn bạn đã sống và cùng Linh trải qua những thời khắc sinh tử, những giây phút tới chết không quên. Mình tin rằng, A Phong và Linh sẽ gặp lại ở một thời điểm nào đó. Bởi vì, chết chưa bao giờ là kết thúc cả.
Câu chuyện của A Phong thế nào?
Bà Xuân có giết được lão Kiệm không? Em gái của bà Xuân là ai nhỉ? Sau này Duy Anh và Ngọc sẽ thế nào?
Nếu bạn muốn biết đến tận cùng những điều này, hãy chờ đón phần ngoại truyện nhé. Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau, để cùng vs nhau sống một cuộc đời khác. Một cuộc đời của những nhân vật trong truyện.
Một lần nữa, mình xin thành tâm đa tạ.
Mời Bạn Xem Ngoại Truyện 1 : Tại Đây
Đăng nhận xét