𝐍𝐠𝐮̉ 𝐂𝐮̀𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐂𝐡𝐞̂́𝐭 - 𝐊𝐢𝐧𝐡 𝐃𝐢̣ 𝐁𝐮𝐨̂𝐧 𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢
____________________
𝐇𝐨̂̀𝐢 𝟏𝟐 - 𝐓𝐢𝐞̂́𝐩
Xem Lại Chap 22 : Tại Đây
Tôi gập người xuống, cố khóc nhưng không sao khóc thành lời được. Đôi tay tôi run bần bật, cố gắng xoa xoa lấy bàn tay của Duy Anh đặng cho nó chút hơi ấm. Tôi muốn giết hết chúng nó. Tôi muốn băm vằm lũ khốn nạn này ra. Bọn chúng xứng đáng bị đày xuống 18 tầng địa ngục mới phải. Nước mắt tôi rơi lã chã, rơi cả vào tay của thằng bé. Thấy có tiếng động, Ngọc ngồi dậy dụi mắt rồi nhìn tôi. Trong bóng tối, giọng của con bé vang lên thì thầm:
“Sao chị Linh lại khóc ạ?”
Khi tôi chưa kịp trả lời thì ánh mắt của Ngọc đã chú ý đến Duy Anh . Con bé nhìn thấy thằng bé nằm bất động ở trên sàn nhà, nó chỉ nhìn chăm chăm rồi không nói gì nữa. Tôi quanh mặt ra chỗ khác, vì chính bản thân tôi cũng không muốn phải nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt của con bé lúc này. Một lúc sau, tôi nghe thấy Ngọc nói rất khẽ:
“Anh Duy Anh ngủ ngoan. Sáng mai là hết đau mà.”
Câu nói cuối cùng ấy khiến tôi òa khóc đến mức không sao kìm nén được. Tôi ôm lấy thằng bé, cái Ngọc cúi xuống ôm lấy tôi. Chúng tôi cùng khóc. Lúc đó tôi nhớ đến một câu nói vu vơ:
“Những đứa trẻ hiểu chuyện, đều làm ta cảm thấy rất đau lòng.”
Có lẽ tiếng động từ căn chòi nhỏ đã đánh động đến hai gã đàn ông canh gác ở phía dưới. Chúng gõ ầm ầm vào cầu thang rồi chửi bới:
“Mả mẹ chúng mày! Có im không? Tao mà lên bây giờ thì có đứa chết!!!”
Tôi cầm vạt áo lau nước mắt rồi ra hiệu cho cái Ngọc im lặng. Chúng tôi kéo Duy Anh vào bên trong cho kín gió, sau đó đắp lên người thằng bé mấy cái chăn để giữ ấm cho nó. Nhìn gương mặt nhợt nhạt của hai đứa trẻ con trong bóng tối, tôi siết chặt lòng bàn tay, tự nhủ với mình bằng mọi giá phải thoát được khỏi nơi đây, hoặc chí ít cũng phải tìm cách đánh tin cho người khác. Theo như bố con thằng Minh nói lại,
.....................................
Trời lúc này đã tảng sáng, tôi bắt đầu đi đi lại lại trong căn nhà để tìm kiếm xem có thứ gì khả dĩ giúp tôi báo vị trí ra ngoài được hay không. Trong những bộ phim, người ta sẽ thường dùng pháo làm tín hiệu. Thế nhưng đây là đời thực, ngay cả một cái còi chúng tôi còn không có nữa là đống pháo màu xanh xanh đỏ đỏ. Tôi tần ngần nhìn mấy gói bột thông cống trong phòng, rồi lại nhìn mấy chiếc vỏ chai coca hơn một lít vất ngổn ngang ở phía dưới. Một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi, có cách để báo hiệu vị trí này rồi.
Tôi lấy miếng nắp đã mài của mấy hộp thịt hôm qua đem cắt nhỏ mấy lon coca vỏ nhôm thành từng mảnh. Tiếp đến, tôi đổ một ít nước lọc vào trong mấy chai nước rỗng, rồi thả từng mảnh nhôm vào bên trong. Khâu tiếp theo là quan trọng nhất, tôi hòa một nửa gói bột thông cống vào những chai nước có vỏ nhôm kia. Phản ứng hóa học bắt đầu xảy ra, bên trong chai xuất hiện những bọt khí lăn tăn nổi lên.
Tôi bịt mấy quả bóng bay vào trong miệng chai, chưa đầy vài phút sau, hơi thoát ra từ miệng chai làm cho mấy quả bóng bay bắt đầu to dần. Tôi cầm chiếc đồng hồ của Duy Anh lên tay rồi khẽ tính toán. Thời gian để mấy quả bóng bay này được bơm đầy khí Hidro có lẽ phải mất hơn nửa tiếng nữa. Bây giờ là khoảng 5 giờ sáng. Nếu bọn thằng Minh mang đồ ăn đến cho chúng tôi, chí ít cũng phải tầm 7 – 8 giờ. Trong thời gian chờ bóng được thổi đầy hơi, tôi không lo bị bọn chúng phát hiện.
Thấy tôi ngồi tỉ mẩn buộc bóng vào miệng chai, con bé Ngọc lồm cồm bò tới hỏi tôi:
“Chị Linh làm gì đấy?”
Tôi hơi mỉm cười:
“Chị làm cho bóng bay bay lên để báo cho người ta biết chúng ta đang ở đây.”
“Nhưng bóng bay thổi bằng chai coca thế này liệu có bay được không chị?”
Tôi gật đầu giảng giải: “Được chứ. Em nhìn này, bột thông cống này có tên hóa học là NaOH, vỏ chai coca là nhôm, còn nước lọc chúng ta uống là H20. Khi chúng ta thực hiện phản ứng hóa học này sẽ giải phóng ra khí Hidro. Vì loại khí này nhẹ hơn không khí cho nên chúng có thể làm quả bóng bay bay lên được. Chúng ta sẽ thả bóng bay từ vị trí cửa sổ căn chòi này để báo cho người ngoài biết vị trí của chúng ta. Sẽ có người đến cứu mình, em hiểu không?”
Cái Ngọc trầm trồ ngưỡng mộ tôi:
“Chị Linh giỏi quá! Cứ như là phù thủy ấy.”
Nhưng rồi con bé lại xịu mặt:
“Nhưng liệu có ai nhìn thấy đống bóng bay chúng ta thả không? Nơi này em thấy toàn cây cối ấy, không có một bóng người.”
Tôi khẽ an ủi nó:
“Nhất định sẽ có người thấy. Chúng ta sẽ ra khỏi đây được mà.”
Mặc dù miệng thì nói thế, nhưng trong lòng tôi rất lo lắng. Điểm mấu chốt trong kế hoạch của tôi là phải bắn tin được ra ngoài. Người xưa thường nhìn cột khói từ đống củi lửa đốt để tìm vị trí. Còn chúng tôi, ngoài đống bóng bay đang phồng lên một cách chậm chạp kia thì chẳng có một tia hy vọng gì nữa.
Thêm vào đó, hai gã đàn ông vẫn đang canh gác ở dưới chòi. Ngộ nhỡ chúng phát hiện ra chúng tôi thả bóng bay thì chỉ còn nước chết chắc. Vậy thì lúc này, tôi bắt buộc phải nghĩ ra một phương án nào đó để có thể phân tán sự chú ý của chúng.
Tôi cúi xuống dưới chân, lấy tiền từ trong ống quần ra rồi khẽ gọi con bé Ngọc lại để giúp mình một tay. Vừa nhìn thấy đống tiền từ tay tôi, cái Ngọc tò mò:
“Tiền này để làm gì hả chị?”
Tôi không trả lời nó vội mà thầm tính toán trong đầu. Nếu bây giờ gấp tiền thành máy bay giấy phóng xuống để phân tán sự chú ý của mấy gã kia, thì có thể làm chúng nghi ngờ tôi có nhiều tiền hơn. Chắc chắn chúng sẽ lên trên này để tra hỏi. Vậy thì cách tốt nhất là thả những đồng tiền này rơi thật tự nhiên, để chúng tranh nhau nhặt.
Nhân cơ hội đó tôi sẽ thả bóng bay. Cũng may căn nhà này được dựng giữa một vạt đất trống đã bị chặt hết cây, cho nên bóng bay sẽ không bị vướng vào cành cây mà có thể bay vút lên không trung. Tôi hít một hơi thật sâu. Toàn bộ kế hoạch lần này đều phụ thuộc vào mấy chiếc bóng bay và tiền trong tay tôi. Nếu không thể báo kịp thời cho mũi trinh sát của cơ quan điều tra, thì cơ hội sống sót của chúng tôi càng lúc càng trở lên mong manh.
Giữa lúc tôi đang lo lắng không ngừng thì Duy Anh tỉnh lại. Nó thều thào gọi tên tôi:
“Chị Linh... chị Linh ơi!!”
Nghe tiếng thằng bé gọi, tôi vội vàng chạy lại ngay. Cả tôi và cái Ngọc quỳ xuống cạnh chỗ nó nằm. Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của nó, nước mắt không ngừng trào ra.
Tôi lắp bắp nói:
“Ổn rồi! Ổn rồi! Chúng ta sắp thoát khỏi đây rồi Duy Anh ơi! Cố gắng lên nhé. Chị sẽ gọi người đến cứu chúng ta.”
Gương mặt thằng bé tái nhợt, nó nhìn tôi thều thào:
“Em đau lắm chị ơi. Hai thằng kia nó....”
Tôi quay mặt đi không dám đối diện với sự thật kinh khủng này. Duy Anh thở hắt ra rồi nói với tôi:
“Lão già bố thằng Minh và một thằng người Trung Quốc chúng nó trói nghiến em lại, sau đó...”
Ba chúng tôi im nặng, trong lòng không biết phải nói gì thêm nữa. Con bé Ngọc bắt đầu thút thít. Tôi lấy chai nước lọc duy nhất còn sót lại trong phòng, rồi khẽ nói với thằng bé:
“Nội trong đêm nay chúng ta sẽ thoát khỏi đây em ạ. Đừng lo nhé. Ra khỏi đây rồi chị sẽ đưa em tới bệnh viện. Sau đó chúng ta sẽ liên lạc với bố mẹ em.”
Duy Anh nhìn tôi và cái Ngọc rồi khẽ mỉm cười gật đầu. Tôi đưa mắt ra nhìn mấy ống bóng bay đang lớn dần, trong lòng cảm thấy như lửa đốt. Không biết tới bao giờ chúng mới đạt được kích thước vừa đủ để có thể bay vút lên khỏi cánh rừng. Cũng may hôm nay trời chỉ lạnh chứ không có gió thổi thốc như đêm qua, nếu không thì rất có thể mấy quả bóng bay sẽ bị tạt đi tứ tung, lúc đó thì kế hoạch của tôi sẽ bị đổ bể.
Tôi ngồi dựa lưng vào trong vách tường, trong lòng nghĩ đến bà nội, bố mẹ và A Phong. Từ đêm qua đến giờ, tôi chưa hề chợp mắt, phần vì lo lắng cho thằng bé Duy Anh, phần vì sợ trong lúc mình ngủ thằng Minh sẽ làm thừa cơ làm nhục lúc nào không biết. Tôi nhớ đến cung đường trong mơ mà A Phong đã từng dẫn tôi đi.
Nơi ấy là một khu rừng nằm gần Phó Bảng. Những năm 2000, Phó Bảng vẫn chưa được nhà nước liệt vào danh sách thị trấn như bây giờ. Xung quanh khu vực này toàn là núi rừng hẻo lánh. Ngọn đồi này nối tiếp ngọn đồi kia, ngọn đồi sau lại cao hơn ngọn đồi trước. Chính vì địa thế đặc biệt ấy mà những băng thổ phỉ xuyên biên giới Việt Trung chọn nơi đây làm điểm giao dịch. Mặc dù không biết mình bị bố con nhà thằng Minh mang đến đâu, nhưng tôi chắc chắn rằng, nơi này cách Phó Bảng không bao xa.
Tôi còn nhớ rất rõ, trong giấc chiêm bao ấy, A Phong còn chỉ cho tôi bức tượng bị cụt đầu bằng đá nằm lăn lóc trên khu đường mòn. Theo như lời A Phong nói, bức tượng này vốn là vật trấn yểm mà bọn thổ phỉ và đám tội phạm đặc biệt kiêng dè. Mỗi khi đi ngang qua bức tượng, chúng đều cúi đầu thật thấp để tỏ ý thành kính. Bọn chúng tin rằng, nếu như bức tượng đó bị nhấc lên thì tai họa sẽ lập tức giáng xuống. Kể ra cũng thật buồn cười, kẻ làm ác lại còn lo gặp báo ứng.
...................................................
6 giờ 45 phút sáng hôm đó, bảy quả bóng bay đã được bơm đầy hơi. Tôi nhanh chóng thắt nút đầu bóng rồi đưa cho con bé Ngọc cầm thật chặt. Con bé mới 7 tuổi mà xem chừng cũng thật thông minh, nó nhặt mấy túi nilon buộc lại thành mấy sợi dây dài màu trắng trắng, vàng vàng rồi cột vào nút thắt của quả bóng bay.
Căn phòng gỗ ảm đạm thoang thoảng mùi tanh tanh, khai khai của nước tiểu nay lại ngập tràn trong sắc màu rực rỡ. Cảnh tượng ấy đối lập với hình ảnh Duy Anh tái nhợt nằm trong đống chăn mền nhìn ra.
Tôi rón rén đi ra ngoài cửa sổ ngó đầu xuống. Hai gã đàn ông có nhiệm vụ canh gác chúng tôi đang ngồi trước cửa lều. Một gã đang cố đánh lửa bằng mấy cành củi để đun ấm nước. Gã còn lại đang đứng hướng mặt vào gốc cây để tiểu tiện. Trời rất lạnh nhưng không có gió, ngược lại lại có chút sương mù phảng phất ở trên, rất hợp với ý tôi. Từ trong cửa sổ của căn chòi, tôi lấy ba tờ tiền 100 tệ rồi bắt đầu thả xuống.
Ba tờ tiền chao đảo một lúc rồi hạ xuống đất. Một tờ rơi ra xa cái lều, một tờ rơi trên nóc lều, còn một tờ chỉ cách gã đàn ông đang hì hục với đống củi khô vài bước chân. Tôi tiếp tục thả thêm chục tờ tiền nữa, chúng rơi lả tả xung quanh khu vực lều. Việc tiếp theo bây giờ là chờ đợi.
.......................................
Chưa đầy vài phút sau, tôi nghe thấy ở dưới có tiếng nói vọng lên:
“Ơ mẹ nhà nó! Ở đéo đâu mà có tiền Trung thế này?”
Một giọng nói khác nhỏ hơn:
“Mày mơ ngủ à?
Ở đâu ra?
Lão Phàm mới tới đêm qua, còn mụ Sảng chưa tới cơ mà. Sao mà có tiền Trung được?”
“Rõ ràng đây này! Tờ này không phải 100 nhân dân tệ thì là gì?”
Cả hai tiếng nói im lặng một lúc. Sau đó tôi bắt đầu nghe thấy tiếng bước chân của bọn chúng đạp lên cành cây khô. Tôi lặng lẽ ngó đầu ra khỏi cửa sổ một lần nữa. Y hệt như tôi dự đoán, hai gã đàn ông canh cửa chỗ chúng tôi đã bỏ vị trí lều để tìm tới tìm lui tiền. Cơ hội đã đến! Tôi vội vàng vẫy tay cái Ngọc ra ô cửa sổ. Con bé đem theo đống bóng bay rón rén bước đến chỗ tôi.
Tôi đón lấy một quả bóng bay từ tay cái Ngọc rồi nhẹ nhàng đưa qua ô cửa sổ. Quả bóng bay giống hệt như con chim non được tháo cũi sổ lồng, nó lập tức bay vút lên trên cao. Quả đầu tiên trót lọt... quả thứ hai... quả thứ ba... rồi đến quả thứ bảy. Nhìn quả bóng cuối cùng bay quá ngọn cây, tôi thở phào nhẹ nhõm. Hai gã đàn ông kia vẫn cãi nhau oang oang để chia tiền. Ở trong chòi gỗ, tôi và cái Ngọc vội vàng nằm xuống sàn nhà, giả vờ như vẫn còn đang ngủ.
Duy Anh lúc này đã khá hơn, sắc mặt nó hồng hào hơn vài phần. Rất có khả năng đêm nay, lão Phàm và mụ Sảng sẽ đem chúng tôi qua biên giới. Tôi không biết bọn chúng sẽ đưa chúng tôi qua kiểu gì, nhưng chắc chắn đám người này không thể đi con đường chính ngạch giống như lần cả lớp tôi kéo nhau đi Hà Khẩu. Nếu vậy thì có thể là đi tắt qua mấy con đường mòn. Tôi nhìn Duy Anh và Ngọc, hai đứa nó còn nhỏ thế này làm sao mà chịu đựng dược cái lạnh ở chốn rừng sâu núi thẳm. Bằng mọi giá, trước đêm nay tôi phải trốn đi.
...........................
Lúc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ thì ngoài cửa lại vang lên tiếng mở khóa. Lần này là bố con thằng Minh bước vào cùng với một người đàn ông cao to, mặc một cái áo khoác màu đen, còn cái đầu thì trọc lóc. Vừa nhìn thấy người này, tôi lập tức nhận ra đó là lão Phàm. Trên cổ lão lúc này dường như vong hồn lại nhiều hơn lúc trước. Điều đó chứng tỏ lão lại giết thêm nhiều người.
Lão Phàm nhìn chúng tôi một lượt rồi hỏi:
“Ba đứa này cùng với hai con đàn bà kia, tổng cộng là năm đứa. Giá vẫn như mọi lần à?”
Nụ cười trên môi bố thằng Minh hơi héo đi một chút. Song lão trả lời ngay:
“Không! Làm sao như thế được?
Thằng nhóc này 10 tuổi, bán đi cũng được khối tiền. Hai đứa này xinh như thế này, bán đi làm vợ hay làm con nuôi đều tốt. Giá như thế thì .... lần sau làm sao anh em bọn nó còn kiếm ăn được nữa?”
Lão Phàm nhếch mép:
“Hai đứa trẻ con này lớn quá rồi. Nếu lớn quá thì khó nuôi lắm.”
Tôi cố gắng cúi gằm mặt để lão không nhận ra mình. Bố thằng Minh xì xào nói vài câu tiếng Trung với lão, cả hai người vừa nói chuyện vừa đi ra khỏi cửa. Tôi cố ngước mắt nhìn chăm chăm vào gáy lão để nhìn thấy đầu của bố mẹ tôi. Để rồi nhận ra, gương mặt của bố mẹ mình nhợt nhạt bám chặt vào sống lưng của lão. Nhìn sơ qua trông hệt lão đang cõng trên lưng nhung nhúc những cái đầu người quái dị. Chỉ vài năm nữa thôi, gã đàn ông này cũng sẽ còng rạp cả lưng xuống như lão Kiệm gù ở thôn Bạch Thủ.
Lúc thằng Minh vươn người vào để kéo cánh cửa, vô tình bắt gặp ánh mắt của tôi, nó cười nhạt rồi biến mất sau lớp cửa gỗ. Khi tiếng bước chân người đã xa dần, tôi mới thở hắt ra nhẹ nhõm. Lúc nghe thấy lão Phàm đến, tôi vẫn lo rằng mình sẽ bị lão nhận ra. Thế nhưng giờ này, nhìn mặt tôi mà lão vẫn không hề mảy may để ý. Điều đó chứng thực được rằng lão không hề nhớ mặt tôi. Tính ra cũng không lạ, khoảng thời gian tôi trốn từ Trung Quốc về tới Việt Nam cũng hơn hai tháng rồi. Lại thêm việc lần trước tôi chỉ gặp lướt qua lão trước khi đi lên xe bọn thằng Ngụy thì làm sao có thể nhớ được? Nghĩ đến đó, hai cặp mắt tôi nặng trĩu, tôi không tài nào chống chọi được cơn buồn ngủ thêm nữa. Thế là tôi ngủ gật, lưng vẫn dựa vào tường.
...................................................
Khi tôi tỉnh lại thì trời đã ngả về chiều. Tôi giật mình nhìn xung quanh, cái Ngọc và Duy Anh vẫn đang ngồi nói chuyện. Vừa thấy tôi, chúng nó vội kể rằng vào lúc tôi đang ngủ thì có một người đàn bà béo ục ịch đi lên trên đây một mình. Bà ấy bảo rằng ngay tối hôm nay sẽ chuyển chúng tôi ra khỏi nơi này. Bọn trẻ con đương nhiên sẽ rất sợ mà không dám nói gì. Thế nhưng người đàn bà ấy lại để ý đến mấy cái chai lọ trong góc nhà rồi hất hàm hỏi đây là thứ gì mà lạ thế.
Cái Ngọc lắp bắp trả lời rằng không biết, lúc mới vào đây đã thấy thế này rồi. Tôi nghe mà sợ, vì nếu để cho bọn buôn người này biết được tôi tìm cách thả bóng bay ra khỏi nơi này thì chỉ có nước chết. Nghe bọn trẻ con kể, tôi biết ngay mụ Sảng đã tới. Mụ đàn bà này mới chính là kẻ cầm đầu đường dây, còn những người khác chỉ đơn giản là làm thuê cho mụ. Tôi bò ra cửa sổ để nhìn ra ngoài, chưa bao giờ tôi cảm thấy sốt ruột đến thế. Tôi tính toán kế hoạch trong đầu, tối nay sẽ là lúc quyết định.
.....................................................
19h21 phút tối, trời rét căm căm, có vài hạt mưa rơi lác đác. Không khí càng lúc càng lạnh. May mà trên người tôi vẫn mặc chiếc áo khoác ấm của Bao mua cho lúc trước. Tôi ngồi sắp xếp một vài thứ quan trọng để mang theo lần này. Một chiếc đũa tre mà bà Vui đã đưa cho tôi từ bao giờ, một lọ lân tinh mà tôi trộm được từ nhà kho của chồng chị Oanh, một cái nắp thịt hộp được mài thật sắc có móc cầm. Những thứ này đều có thể miễn cưỡng dùng làm vũ khí, nhưng nếu bọn lão Phàm có súng thì mọi thứ tôi chuẩn bị đều trở nên vô dụng.
Khi tôi vừa cho mấy thứ trên vào túi thì ở bên ngoài có tiếng bước chân đi lên trên cầu thang. Một trong hai gã đàn ông làm nhiệm vụ gác cửa đẩy qua cửa sổ cho tôi một túi bánh mì và ba chai nước rồi gằn giọng:
“Ăn đi mấy con chó! Ăn nhanh lên rồi đi ngay.”
Tôi không nói gì, lặng lẽ tiến lại gần cửa sổ để nhặt bánh mì. Tôi vừa ngồi thụp xuống, gã đàn ông vươn tay vuốt má tôi một cái rồi cười khả ố:
“Làm nghề này lâu rồi, anh đây chưa thấy con nhỏ nào xinh mà ít khóc lóc như cô em đấy. Cho anh hôn một cái nào, rồi anh cho tiền.”
Tôi quay lại lườm gã một cái sắc lẻm, rồi lạnh giọng trả lời:
“Nếu muốn bị bố con thằng Minh và lão Phàm giết chết thì cứ việc.”
Thấy tôi phản ứng, gã đàn ông sững người một lúc rồi bắt đầu chửi thề. Gã nhổ toẹt xuống đất một bãi nước bọt to tướng rồi rầm rầm bước đi. Tôi điềm nhiên chia bánh mì cho hai đứa nhỏ. Cả ba chúng tôi ăn trong lặng lẽ. Không biết có phải vì lo lắng hay sợ hãi không, mà lúc này cả hai đứa nhóc gần như chẳng ăn uống gì. Gương mặt của chúng nó trắng bệch, cầm chiếc bánh mì trên tay mà run run.
Tôi khẽ nuốt nước bọt rồi trấn an bọn nhỏ:
“Ăn đi! Phải ăn vào thì mới có sức để chạy trốn. Tối nay chúng ta sẽ thoát.”
Duy Anh thì thào nói với tôi, gương mặt nó hơi nhăn lại, có lẽ vẫn còn đau:
“Chị có chắc là mình sẽ trốn được không chị? Chắc chắn trốn được không?”
Tôi nhìn thẳng vào mắt nó rồi gật đầu, dù trong lòng vẫn không dám chắc chắn. Cái Ngọc nghe thấy thế thì ăn nhanh hơn. Cả ba chúng tôi đều thấp thỏm lo lắng.
20h15 tối, nhiệt độ lại hạ thêm, gió mùa đông bắt đầu thổi vù vù. Cánh cửa lại mở ra. Lần này hai gã đàn ông trông coi chúng tôi cùng thằng Minh bước vào. Bọn nó trói tay chúng tôi lại bằng một sợi dây thừng. Lúc đó trái tim tôi như tụt xuống tới dạ dày vì thất vọng. Thôi rồi! Nếu bị trói thế này thì cơ hội thoát thân càng khó hơn gấp bội.Ngoài mặt tôi vẫn không tỏ ra điều gì, nhưng trong lòng tôi lo lắng đến cực độ.
Ba gã thanh niên dẫn chúng tôi xuống cầu thang, ra khỏi căn chòi trên cao rồi đi thẳng về phía trước. Thằng Minh cầm đèn pin đi thẳng về phía trước để mở đường, một hai thằng còn lại đi phía sau. Chúng tôi xếp thành hàng dọc để đi thẳng.
Không được dừng lại, không được trò chuyện, càng không được khóc lóc. Chỉ im lặng mà đi. Nếu gây ồn ào thì cây roi da trên tay thằng Minh sẽ giáng xuống người chúng tôi không ngớt.
..................................
Đi đường rừng trong đêm là một thử thách can đảm rất kinh khủng. Khắp nơi đều tối tăm, không có một chút ánh sáng nào lọt xuống. Thỉnh thoảng có tiếng rúc của con cú mèo vang lên càng làm cho không gian trở nên rợn ngợp. Tôi lo lắng nhìn xung quanh, trong lòng không biết phải làm sao.
Khoảng cách từ chỗ chòi nơi tôi bị giam giữ cho tới mấy căn lều của chỗ bọn thằng Minh ngủ lại không quá xa, nhưng không hiểu sao lần này tôi cảm thấy đường đi đến đó dài hơn hẳn mọi lần. Vào lúc tôi nhìn thấy ánh đèn sáng ở phía trước, cũng là lúc có tiếng một con chim lợn vang rền ở trên cao. Tôi nghe thấy một trong hai gã thanh niên đi sau thì thào với nhau đầy sợ hãi:
“Mẹ kiếp! Hình như là tiếng chim lợn. Nghe ớn quá mày ạ!”
Gã kìa run run đáp lại:
“Tao... tao nghe người ta bảo... chim lợn kêu ở chỗ nào là nơi đó sắp sửa có người chết đấy..”
Tôi khẽ cười thầm. Thì ra lũ buôn người này cũng biết sợ như ai. Thằng Minh đang đi đằng trước, nghe thấy thế thì gằn giọng quát:
“Chúng mày có câm mẹ mồm đi không? Còn bàn tán nữa bố mày cho ăn đòn.”
Hai gã đằng sau im bặt. Tất cả lại cắm cúi đi, không ai còn nói gì nữa. Thằng Minh dẫn tôi cùng với hai đứa nhỏ đi vào trong một cái lều. Khi đi ngang qua cái lều ở giữa, tôi nhìn thấy mụ Sảng và lão Phàm đang ngồi cùng bố nó và hai gã đàn ông khác bàn bạc. Đêm nay không có trăng, trời lại đổ mưa, việc di chuyển hẳn là sẽ khó khăn.
Tôi cố ý nấn ná lâu hơn để nghe ngóng tình hình, nhưng thằng Minh lại giật mạnh tay tôi để kéo về phía trước. Dây thừng nghiến vào hai cổ tay làm tôi đau điếng. Nó tống tôi vào trong một cái lều nằm ngay sau lều giữa. Bên trong này rất tối, chẳng có đèn đóm giống như những chiếc lều khác. Tôi ngã dúi dụi, đè lên đôi chân của một người nào đó. Hai đứa nhỏ cũng bị đẩy một cách thô bạo vào bên trong. Thằng Minh lạnh lùng nói với chúng tôi:
“Ngồi yên đợi ở đây...! Tí nữa sẽ lên đường ngay. Chúng mày mà ho he nửa lời thì đừng trách bố mày.”
Tôi cố gắng vật lộn để lấy điểm tựa ngồi lên. Da thịt của người mà tôi đang đè lên lạnh ngắt. Không hiểu sao người ấy không có phản ứng gì. Tôi nhìn xung quanh rồi thì thầm nói nhỏ:
“Duy Anh! Còn giữ cái đồng hồ điện tử ở đấy không? Đồng hồ ấy có đèn pin.”
Thằng bé thở hổn hển như muốn đứt hơi:
“Nó ở trong túi áo khoác của em, nhưng em không lấy được.”
Tôi cố gắng lết về phía nó để nghĩ cách lấy đồng hồ. Thế rồi tôi sững người khi nhìn thấy trong góc lều, có hai người đàn bà đang ngồi thu lu nhìn chúng tôi không nói không rằng. Toàn thân cả hai xanh lè phát sáng trong bóng đêm hệt như ánh sáng mờ mờ của đom đóm. Cảm nhận được cái nhìn của tôi, hai người đàn bà ngẩng lên nhìn thẳng. Giây phút ấy sống lưng tôi lạnh cóng. Ấy là vì..tròng mắt hai người này không hề có lòng đen.
..............................................................................
Hết hồi 12
Đón đọc hồi cuối – Đại kết cục
Xem Tiếp Chap 24 : Tại đây
Đăng nhận xét