𝐍𝐠𝐮̉ 𝐂𝐮̀𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐂𝐡𝐞̂́𝐭 - 𝐊𝐢𝐧𝐡 𝐃𝐢̣ 𝐁𝐮𝐨̂𝐧 𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢
__________________________
𝐇𝐨̂̀𝐢 𝟗 𝐭𝐢𝐞̂́𝐩
Xem lại chap 15 : Tại Đây
..................................................
Tôi định thần nhìn lại cho kỹ thì phát hiện cái bóng trắng ấy không còn nữa, chỉ thấy ánh trăng rọi qua cửa sổ phòng khách tạo thành một mảng sáng dưới trần nhà. Tôi khẽ nhún vai rồi quay đi, từ ngày có con mắt âm dương nhìn thấy vong hồn của người đã chết, tôi không còn cảm thấy quá kinh ngạc khi đột nhiên thấy những thứ kì quái nữa. Suy cho cùng, người chết cũng hệt như người sống, chỉ cần không động chạm gì tới ai thì sẽ mãi được yên bình. Nghĩ thế cho nên tôi xoay người thật nhanh để đi về phòng, vừa bước vào cửa phòng, tôi đột nhiên nhìn thấy một bóng người đen xì ngồi trên giường, hướng mặt song song với ô cửa sổ. Tôi giật mình, đưa hai tay bụm miệng ngăn bản thân hét toáng lên vì hoảng sợ. Người... người này là ai? Sao lại ngồi đây thế này?
Bóng người đen ngòm từ từ quay đầu lại nhìn tôi. Ánh trăng hắt vào cho tôi biết đó là một người đàn ông trung niên. Dưới cảnh tranh tối tranh sáng, tôi nhìn thấy gương mặt ông ta sáng rực trong đêm. Giây phút ấy, tôi lặng lẽ ngã khuỵu xuống cửa vì nhận ra đó là cha ruột của Bao, cũng là người mà tôi đã hành lễ tế bái lần trước. Gương mặt dữ tợn của ông ta nhìn chằm chằm vào tôi, cánh cửa kính trước giờ vẫn đóng kín đột nhiên bật tung chốt cửa, gió từ bên ngoài thổi thốc vào nghe lạnh buốt.
Ông ta lặng lẽ bước lại gần tôi, mùi formol chen lẫn với mùi xú uế của tử thi bốc ra nồng nặc khiến tôi không tài nào chịu nổi. Khoảnh khắc ông ta cúi xuống ghì sát vào mặt, tôi có thể cảm nhận được mùi hôi thối của thi hài chết đã lâu bốc lên còn nồng nặc hơn lần trước. Giòi bọ từ trong miệng ông ta bắt đầu rơi xuống gương mặt của tôi khiến một cơn buồn nôn dữ dội từ dạ dày cuộn lên tới cuống họng. Thế rồi mọi thứ tối sầm lại, tôi chẳng còn biết trời trăng gì nữa.
................................................
Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình đã nằm ở trên giường, Miêu Miêu và Bao cùng bà mẹ chồng đứng quây quần bên giường tôi họ đang nói chuyện gì đó. Tôi giật mình nhổm dậy nhìn quanh. Cửa sổ trong phòng tôi vẫn đóng nguyên, chiếc rèm cửa màu đỏ từ hôm đón tôi về đây đang khẽ đung đưa trong gió. Thấy tôi tỉnh dậy, Miêu Miêu chạy đến nắm tay tôi. Con bé nói một tràng tiếng Trung, nhưng tôi chẳng hiểu gì. Bao đứng bên cạnh giường, sau gọng kính cận của anh ta, tôi thấy mắt anh ta thâm quầng lại, có lẽ đêm qua không ngủ. Riêng bà mẹ chồng thì không có biểu lộ gì đặc biệt, chỉ đứng nhìn tôi.
Bao làm vài động tác để diễn tả cho tôi câu hỏi của anh ta. Ý tứ của anh ta rất rõ ràng, đó là muốn hỏi xem hôm qua tôi thấy gì mà lại bất tỉnh ở cửa? Tôi khua chân múa tay một lúc, cuối cùng mọi người cũng hiểu đêm hôm qua bố anh ta trở về. Tôi không hề kể tỉ mỉ chuyện hôm qua đã xảy ra như thế nào, chỉ vờ vịt rằng muốn ra ngoài thắp nhang cho ông ấy mà thôi. Thấy tôi có lòng như vậy, Bao gật đầu ngay mà chẳng hề mảy may suy nghĩ, gương mặt mẹ anh ta cũng trở nên dịu đi ít nhiều.
Tôi nhìn chăm chăm vào bài vị trên ban thờ, trong lòng băn khoăn không biết có phải đêm qua ông ta hiện về tìm tôi là bởi vì biết được tôi có ý định bỏ trốn khỏi gia đình này không? Người đang có âm mưu làm chuyện kín đáo thường hay giật mình chột dạ, tôi vội vàng vái lấy vái để vài cái rồi đứng dậy giục Bao đưa tôi đến nhà chị Oanh như đã hẹn. Để chuẩn bị đi, tôi mặc cái áo khoác lần trước Bao đưa cho.
Trong túi áo tôi đã khéo léo chia tiền ra để bỏ vào nhiều ngăn. Ngoài tiền thì tôi còn giữ thêm một sợi dây chuyền có dính tóc của cô bạn bị bọn thằng Ngụy cưỡng bức đến chết, và một lọn tóc cùng vết cắt của cái áo bông của con bé đã chết cạnh tôi trong ngày đầu tiên lưu lạc đến đất nước này. Tôi khấn vái hai người ấy trong đầu, mong sao mọi người sống khôn thác thiêng phù hộ cho tôi để có thể trở về được quê hương. Chiếc bút bi và cây đũa cùng với con dao rọc giấy hôm qua được ghim ở trong túi áo ngay bên tay phải, khi cần có thể dùng ngay. Chuẩn bị xong xuôi, tôi theo Bao ra khỏi nhà. Bậc cầu thang có 17 bậc, tôi không thể nào quên được những con số đó.
......................................................
Từ nhà tôi đến nhà Oanh không quá xa, nhưng vì hôm nay có tuyết rơi lác đác nên Bao quyết định sẽ lái xe trở tôi đến đó. Ngồi trên chiếc xe oto có phần cũ kỹ, tôi cố gắng quan sát thật kỹ con đường mà mình đang đi. Đầu tiên sẽ phải đi qua nhà tang lễ, rồi tiếp tục đi qua chợ, sau đó rẽ vào một khúc quanh bên tay phải, đi thêm khoảng một cây số nữa là đến. Mặc dù vẫn được coi là ở thị trấn, nhưng nhà của Oanh lại mang đậm kiến trúc của nông thôn Trung Quốc ngày xưa.
Căn nhà có bức tường gạch đỏ, với mái ngói màu xanh phủ đầy tuyết nổi bật giữa khoảng không trắng xóa mịt mùng. Trước cửa nhà còn treo thêm hai hàng ngô đã được phơi khô, cùng một hàng thịt hong gió lủng lẳng. Tôi khẽ ngừng lại để ngắm nhìn ngôi nhà trong chốc lát, nếu như bây giờ tôi không phải rơi vào tình cảnh trớ trêu này, nhất định tôi sẽ cảm thán khung cảnh nên thơ ở nơi này. Vậy mới nói, dù Trung Quốc được xem là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhưng ở nhiều nơi vẫn giữ nếp sinh hoạt hệt như trước.
Thấy tôi ngẩn người ra nhìn, Bao quay lại xòe bàn tay để đỡ tôi bước đi cho khỏi ngã. Anh ta nở một nụ cười rạng rỡ làm cho tôi cảm thấy rất có lỗi với người thanh niên trước mặt này. Tôi khẽ gật đầu rồi nắm lấy tay anh ta coi như đáp lại một chút thịnh tình. Vừa trông thấy chúng tôi đằng xa, Oanh đã đứng trước cửa vẫy tay rồi gọi tôi thật lớn. Gương mặt chị ta ửng hồng, tay xoa xoa cái bụng. Nếu chỉ nhìn từ vẻ bên ngoài ấy, chẳng ai có thể nghĩ rằng đó cũng là nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Tôi vừa bước vào cửa, Oanh đã vội vàng nắm lấy tay tôi rồi hỏi han rất ân cần:
“Sao? Sao? Lạnh không? Đi đường lạnh không?”
Tôi cười rồi nhìn quanh. Trong nhà lúc này có một người phụ nữ lớn tuổi đang ngồi cuộn rau thịt, một người đàn ông cao to nhưng trông quê mùa, có lẽ đó là chồng và mẹ chồng của Oanh. Trên chiếc giường lớn đặt cạnh lò sưởi trong nhà, tôi còn nhìn thấy có hai đứa bé sơ sinh nằm ngủ cạnh nhau. Thấy tôi lúng túng, Oanh kéo tôi đến chỗ mẹ chồng rồi giới thiệu. Bà mẹ chồng có gương mặt từa tựa như mặt mẹ của Bao, nhưng trông phúc hậu hơn vài phần. Tôi khẽ cúi đầu chào bà ấy, sau đó Oanh chỉ vào chồng mình rồi dạy tôi chào bằng tiếng Trung. Tôi ấp úng đọc theo khiến mọi người cười vang.
Bao và anh họ ngồi uống rượu trên nhà, còn tôi và Oanh đi xuống bếp để làm cơm. Căn bếp truyền thống của người Trung cũng có những nét độc đáo rất khác với người Việt. Tôi thấy họ xây một cái lò lớn rồi đặt một cái chảo sâu lòng xuống, củi sẽ được luồn vào phía dưới để làm nóng thật nhanh. Tôi giúp Oanh nhặt rau, chúng tôi vừa làm vừa nói chuyện. Oanh thao thao bất tuyệt kể rằng cô ấy đã đem chuyện tôi phán lần trước nói cho mẹ chồng nghe ra sao. Bà cụ giật mình vì quả thực từ ngày đứa con dâu cả đầu tiên của bà đang mang thai bị tai nạn chết, bà vẫn thường hay thắp hương khấn vái hai người. Chỉ có điều này bà không hề công khai nói với ai cả, thế mà tôi chân ướt chân ráo mới được mua về lại biết rành rọt đến thế.
Oanh cũng nói rằng, chị ta cũng nghe chuyện tôi bị mẹ chồng đánh đòn lần trước. Vừa ngồi thái đậu phụ, Oanh vừa lắc đầu chẹp miệng:
“Tao đã dặn mày rồi mà mày không nghe. Bà mẹ chồng mày từ trước đến giờ nổi tiếng tai quái, đành hanh. Bà ấy thấy mày bỏ đi như thế, tưởng là mày bỏ trốn nên tiếc tiền chứ sao. Ba vạn tệ chứ ít gì!”
Thấy tôi không nói gì, cũng chẳng có thái độ ra sao, Oanh lại bảo:
“Mà cũng tại mày. Thằng Bao tốt như thế, chúng mày lại đẹp đôi, mày chỉ cần đẻ xong là mọi chuyện tốt đẹp. Thế mà cứ cố chấp làm gì? Số tao với số mày còn may đấy, ít ra có mỗi một chồng. Nhiều đứa con gái bị bán sang bên này, không những phải phục vụ chồng, lại còn phải phục vụ luôn cả bố chồng, anh em trai nhà chồng nữa. Con đẻ ra không biết của ai luôn.... Nếu tao mà rơi vào tình cảnh ấy, có khi tao treo cổ chết cho đỡ nhục.”
Tôi nghe Oanh kể mà lạnh cả người. Tình cảnh kinh hoàng của những cô dâu bị bán đi như thế, không phải là tôi chưa từng nghe qua. Tôi khẽ hỏi Oanh:
“Chị có nhớ nhà không? Nếu không phải vô tình bị bắt sang đây, chị có tình nguyện sống như này không?”
Những nhát dao của Oanh đang liên tiếp nện xuống đống thịt băm bỗng chậm dần rồi dừng lại. Tôi không ngẩng lên nhưng vẫn biết chị ta đang nhìn mình. Một lúc sau Oanh mới trả lời:
“Biết làm sao được! Số phận rồi! Cũng may là cuộc sống ở đây không đến nỗi nào. Ít nhất không bị bán vào nhà thổ.”
Tôi thở dài tỏ ý đồng tình rồi nói một câu không đầu không cuối:
“Đúng vậy! Mùa đông lạnh thế này, không biết ở nhà bố mẹ mình sống thế nào?”
Oanh không nói thêm gì nữa. Một phút rồi hai phút trôi qua, tôi thấy chị ta đưa tay quẹt nước mắt vào cái áo phao màu tím nhạt. Cả hai chúng tôi không hẹn mà cùng thở dài một tiếng.
.................................................................
Trưa hôm ấy chúng tôi quây quần bên nồi lẩu. Món lẩu Tứ Xuyên cay nồng ăn trong trời tuyết lạnh rất hợp cảnh, nhưng tôi thấy không hợp khẩu vị nên chỉ ăn rất ít.
Qua lời kể của Oanh, tôi biết chồng chị ấy trước đây vốn làm ruộng, nhưng sau này lên thành phố làm việc, được nhận vào tổ đạo cụ của một đoàn làm phim nhỏ vì vóc dáng khỏe mạnh, lại chăm chỉ thật thà. Cũng chính vì thế mà anh ta quen được người vợ đầu tiên, nhưng ở với nhau chưa được hơn một năm thì vợ anh ta bị tai nạn chết. Bây giờ, người anh họ ấy không đi kiếm tiền ở trên thành phố nữa, mà chủ yếu làm việc ở nhà.
Đằng trong nhà kho cạnh nhà vệ sinh anh ta vẫn xếp đầy những món đạo cụ ngày trước từng làm, coi như là kỷ niệm. Lúc đang làm cơm, Oanh nhờ tôi ra ngoài vườn hái cải thảo, tôi không ngần ngại mà lập tức đi ngay, bởi lẽ bản thân tôi cũng muốn xem xét địa hình quanh nơi này. Khu vườn rau nhà Oanh nằm sát cạnh gian nhà kho, tôi tò mò đẩy cửa vào để xem thì thấy bên trong chỉ có vài bức tượng hình thú, cùng vài chai lọ hóa chất đựng thứ bột trông vô cùng lạ mắt. Thấy mấy lọ bột, bản tính hiếu kỳ trong đầu tôi trỗi dậy, tôi tỉ mỉ cầm chúng lên thì phát hiện thứ bột này phát sáng trong nhà kho tối mịt.
Tôi khẽ cau mày suy nghĩ, chồng của Oanh vốn làm thuê trong tổ đạo cụ, thứ bột này lại phát sáng trong đêm. Nếu ai có hỏi tôi đây là gì thì đáp án gần nhất có lẽ là bột dạ quang. Tôi từng nghe thầy Phòng giảng bài về thứ bột được chiết xuất từ Phốt Pho này có chung nguồn gốc với Điphotphin ở trong cơ thể người, từ đó mà hình thành lên hiện tượng ma trơi ở nghĩa địa. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, mà tôi tiện tay cầm luôn chai bột dạ quang bỏ vào túi, sau đó ra ngoài hái cải thảo rồi điềm nhiên bước vào trong bếp, coi như không có chuyện gì xảy ra.
............................
Người Trung ăn cơm rất lâu, thậm chí họ có thể ngồi nhâm nhi rượu từ sáng tới tối. Hôm nay có tôi và Bao đến chơi, anh họ đặc biệt mang ra một bình rượu Mao Đài đã cất giữ từ lâu. Tôi nghe Oanh nói, thứ rượu này phải được mua tại đúng quê hương của nó là tỉnh Quý Châu. Nhà anh họ vốn dĩ không có quá nhiều tiền để mua, thế nhưng trước khi từ thành phố về quê, anh ta được ông chủ đoàn phim tặng cho bình rượu nhỏ này.Vì rất đắt đỏ cho nên chỉ khi nào tiếp khách quý mới dám mang ra dùng. Tôi không muốn ngồi thêm nữa nên đi vào giường để trông hai đứa bé sơ sinh đang nằm ngủ. Hỏi ra mới biết, cả hai đứa nhóc này là con của chị chồng Oanh đang sinh sống ở thôn bên, hôm nay đem qua nhờ mẹ đẻ trông hộ.
Bà mẹ đẻ cao hứng ngồi uống rượu với con cháu còn ca hát vang khắp nhà. Tôi nằm chống tay nhìn hai đứa trẻ con, trong đầu vẫn nghiền ngẫm về kế hoạch bỏ trốn của mình. Theo đúng như kế hoạch, hôm nay tôi sẽ chờ cho đến buổi chiều Bao đưa tôi về nhà, đến gần chợ tôi sẽ dừng xe ở đấy vờ mua hàng rồi nhân lúc chợ đông đúc mà trốn đi. Từ chợ chạy thẳng ra tới bến xe bus chỉ vài trăm mét, đường phố buổi chiều đông đúc chẳng có ai buồn để ý đến tôi.
Đang mải mê suy nghĩ, tôi ngửi thấy từ bên ngoài có mùi rượu thơm nức bay vào. Ngay cả ở trong này tôi cũng cảm nhận được hương vị thơm nồng của thứ rượu Mao Đài bay vào. Một lúc sau, tôi nhìn Oanh đã ngủ say từ bao giờ cùng với hai đứa bé, tiếng ồn ào bên ngoài vọng vào khi nãy cũng trở lên im bặt. Trực giác mách bảo cho tôi rằng cơ hội bỏ trốn của tôi đã tới nhanh hơn dự tính ban đầu. Tôi rón rén bước đi thật khẽ ra ngoài phòng khách thì thấy Bao và anh họ đã nằm trên ghế ngáy o o, còn bà mẹ thì gục xuống bàn ngủ đến mức không biết trời trăng gì nữa. Tim tôi lúc này như muốn ngừng đập, tôi nhìn xung quanh thật nhanh rồi nhận ra mình là người duy nhất còn thức trong ngôi nhà này.
Không kịp chần chừ lấy một giây, tôi bước thật nhanh ra cửa bếp, đi vòng ra vườn rau rồi băng qua mặt sân toàn tuyết. Khi đến bên cánh cổng, tôi nín thở đẩy nhẹ cổng một cái rồi bước ra. Đúng lúc đó có vài người đàn ông vác trên vai một bó than củi thật lớn, tất cả đều nhìn tôi chằm chằm. Để tránh việc người ta chú ý đến mình, tôi cố gắng tỏ ra thật bình tĩnh, bước đi chậm rãi, mắt vẫn không quên liếc nhìn những người kia. Tôi đoán rằng họ là hàng xóm của gia đình nhà chồng Oanh. Khoảng độ hai phút sau, mấy người đàn ông rẽ vào một con đường nhỏ, hoàn toàn khuất bóng phía sau một tàn cây um tùm thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Ngay lập tức tôi hộc tốc chạy như bay, nhằm thẳng hướng xe bus mà tới.
Trời vào lúc giữa trưa nên chẳng có ai buồn ra ngoài. Nếu như có người nào để ý lúc này, hẳn sẽ thấy rất lạ khi nhìn thấy một đứa con gái mặt trắng bệch vì rét đang cắm đầu cắm cổ chạy thật nhanh. Tuyết dày và xốp ở trên mặt đất như muốn níu chân tôi lại. Vết thương ở những chỗ bà mẹ chồng hôm trước đánh càng thêm phần nhức nhối dưới trời lạnh căm căm.
Chân bắt đầu ứa máu... tôi vẫn chạy.
Bụng bắt đầu xóc lên đau điếng.... tôi vẫn cứ chạy.
Gió thổi thốc xoáy vào hai thái dương đem theo hơi lạnh buốt tận vào trong óc.... tôi vẫn không hề ngừng chân.
Cố lên! Cố lên! Nhanh nữa lên Linh ơi! Mày làm được mà! Phải chạy thật nhanh để còn về với bà nội. Chạy đi! Không được ở đất khách quê người thêm một ngày nào nữa! Tôi tự nhủ với mình như thế. Bất thình lình, tôi vấp vào một hòn đá, thế là ngã sõng soài xuống đất nhưng tôi vẫn cứ chạy. Máu ở mũi tuôn ra vì trời quá lạnh, tôi khẽ lấy tay quẹt ngang mặt rồi lại chạy tiếp.
Tôi cứ chạy mãi... chạy mãi... cho đến khi đến được khúc quanh để rẽ về chợ. Nhìn thấy đám người cửu vạn đang bốc dỡ hàng hóa trên con đường vào chợ, tôi mừng phát khóc. Vậy là tôi đã đi được hai phần ba đoạn đường.
...................................
Khi đi ngang qua cổng chợ, tôi nhìn thấy phía trước có một bà cụ già bán một sạp hàng nho nhỏ, bên trên treo đầy mũ len, găng tay, và mấy cái túi đeo chéo qua vai lòe loẹt như của trẻ con, tôi định dừng lại để mua nhưng lại sợ giờ này Bao và anh họ đã tỉnh dậy nên không dám. Tôi bước thật nhanh về phía trước, cột mốc tiếp theo của tôi là nhà tang lễ. Lần trước đi chợ cùng với Bao, tôi đã ước lượng từ nhà tang lễ tới nhà tôi chỉ cách khoảng vài trăm mét. Nếu may mắn có thể gặp được chuyến xe bus dừng lại để đón khách, tôi phải dùng hết sức bình sinh để leo thật nhanh lên xe. Thành bại hay không là ở lúc ấy.
..........................................
Nhà tang lễ dần dần hiện ra ở trước mắt tôi. Mới qua giờ trưa mà nơi này đã tấp nập những người mặc áo trắng toát đứng khóc lóc thương tiếc cho người thân của mình. Từ nhà tang lễ, tôi phóng tầm mắt ra nhìn trạm dừng xe bus cách đó khoảng 200 mét. Cũng may là hôm nay tuyết rơi không quá dầy, cho nên miễn cưỡng vẫn có thể nhìn thấy được. Tấm biển xanh lá cây cùng mái hiên nhỏ xíu đứng im lìm trong tuyết rơi, cho thấy vẫn chưa có chuyến xe bus nào tới nơi. Đúng lúc tôi đang bần thần thì cô bạn bị cưỡng hiếp đến chết ở trạm xe bus bỏ hoang lần nào đột ngột xuất hiện trước mắt tôi.
Tôi đờ người, vội vàng giật lùi về sau mấy bước chân. Gương mặt của cô ấy nhợt nhạt hệt như hồi mới chết. Khi tôi chưa kịp phản ứng thêm điều gì, thì đã thấy cô ấy hoảng hốt hất mặt về phía sau. Theo quán tính, tôi quay phắt người lại thì thấy xe oto của Bao đang đi chầm chậm, vừa đi vừa quan sát hai bên đường. Tim tôi như muốn vỡ tung thành từng mảnh, tôi vội vàng bước vào trong nhà tang lễ rồi đi thẳng theo hành lang để tới hậu đài.
..............................................
Nhà tang lễ này có bốn gian chính. Gian đầu tiên là dành để đặt bàn thờ, linh cữu của người quá cố. Gian thứ hai là phòng nghỉ cho người nhà. Gian thứ ba là nơi khâm liệm cho những ai đang được chuẩn bị tổ chức lễ tang ở ngoài kia. Gian cuối cùng có lẽ là phòng đại thể, nơi đặt thi hài những người chết nhưng chưa đến lượt làm lễ tang. Tôi bước đi ngang qua phòng thứ nhất, bên trong này tấp nập quan khách lẫn người nhà chít khăn trắng hệt như đám ma ở Việt Nam. Một bà cụ già đứng ngơ ngác trong góc nhà nhìn khắp xung quanh. Vừa nhìn thấy bà ấy, tôi đoán ra ngay đó là người đang nằm trong quan tài.
Tôi hòa vào đám đông để bước đi thật nhanh. Sang tới gian phòng thứ hai, tôi nhìn thấy năm sáu người mặc tang phục màu trắng xóa, nhưng trên mặt lại trang điểm hệt như diễn viên hí kịch. Trong đầu tôi cảm thấy rất hoang mang, con cháu người đã khuất ai lại làm như thế này? Hình ảnh đó khiến tôi ngờ ngờ đoán rằng, rất có thể đám người này là người được thuê về để khóc thuê cho gia đình nhà hiếu. Tôi không dám nấn ná ở đây lâu, khi đang định bước sang gian cuối để tìm chỗ chốn thì bỗng nhiên tôi nảy ra một ý.
Xem tiếp chap 17 : Tại Đây
Đăng nhận xét