𝐍𝐠𝐮̉ 𝐂𝐮̀𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐂𝐡𝐞̂́𝐭 - 𝐊𝐢𝐧𝐡 𝐃𝐢̣ 𝐁𝐮𝐨̂𝐧 𝐍𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢
______________________
𝐇𝐨̂̀𝐢 𝟖 - Tiếp
....................
Xem lại chap 12 : Tại Đây
Cảm giác bị bóng đè làm cho tôi cảm thấy nghẹt thở. Tôi gồng hết sức để kêu lên thành tiếng nhưng không sao làm được. Đại Doanh vẫn ngồi trên bụng tôi, trên gương mặt cô ta còn rơi vãi những miếng thịt bị băm vằm. Nhìn vào gương mặt ấy, tôi chẳng thể nào phân biệt được đâu là mắt, mũi, miệng... Tất cả giống hệt như một đống thịt nát ngự trên cái đầu sắp vẹo đi. Gió thổi tuyết vẫn đang rú lên từng hồi, lò than hồng rực khi nãy đã tắt ngúm từ bao giờ. Không khí bên trong phòng ngột ngạt, khiến tôi không tài nào thở nổi. Một cơn gió khô khốc không biết từ nơi nào thổi ùa vào mặt tôi làm cho tôi có cảm giác buồn ngủ đến cùng cực. Tôi cố gắng cựa quậy một lúc, nhưng rồi cũng dần dần chìm vào giấc mộng mị.
Hàng loạt những hình ảnh chắp vá tràn vào trong đầu tôi như một bộ phim quay chậm. Tôi nhìn thấy một đứa bé con đứng ở ngôi nhà màu vàng, trên cửa ghi một tấm biển lớn có dòng chữ: “Cửa hàng quần áo Thu Lan – 117 ngõ Tây Đen.” Đứa bé mặc một cái váy màu vàng, cầm một chùm hoa phượng rực rỡ rồi chạy biến vào trong nhà.
Tôi chưa kịp nhìn rõ thì hình ảnh lại nhòe dần, tiếp ngay sau đó tôi thấy một người đàn ông khom lưng ôm một thùng giấy nặng nề đi vào trong phòng. Căn phòng chỉ có bóng đèn sáng lờ mờ vàng vọt chiếu xuống. Tôi đứng ngay sau ông ta, nghe thấy ông ta lẩm bẩm điều gì đó bằng tiếng Trung rồi cầm trên tay một ống nhựa đã ăn mòn, trên ống nhựa to bằng cổ tay trẻ con có ghi dòng chữ rất nhỏ: HG( CNO)2.
Tôi sững người vì dòng chữ này rất quen thuộc, giống hệt như tôi đã gặp ở đâu đó nhưng không hề nhớ ra. Khi tôi còn chưa kịp định thần thì lão già kia quay mặt lại, tôi nhận ra rõ ràng đó là lão Kiệm, chỉ có điều lúc này trông lão có vẻ trẻ trung hơn một chút. Lão nhìn tới nhìn lui ra phía sau như muốn chắc chắn xem không có ai rình mò mình. Lão rút từ trong túi ra một xâu nhẫn vàng và dây chuyền đủ các thể loại kích cỡ rồi cho vào một cái hộp nhỏ, đặt lên trên đống ống nhôm mòn vẹt kia. Cuối cùng lão bước ra ngoài, tắt điện và đi thẳng về chuồng dê. Hình ảnh vừa vụt tắt cũng là lúc tôi choàng mắt tỉnh dậy. Tôi bật dậy thật nhanh, đầu óc vẫn còn nghĩ tới giấc mơ kỳ lạ vừa rồi.
Vậy là Đại Doanh đã hiện hồn về để báo mộng cho tôi biết, trong nhà lão Kiệm có chứa rất nhiều nữ trang bằng vàng. Tôi đoán đó là của những người phụ nữ đã từng bị buôn bán qua tay lão. Điều tôi cảm thấy vừa quen thuộc vừa lạ lùng đó là hợp chất có tên HG (CNO) 2. Tôi có thể chắc chắn trong quá trình ôn thi học sinh giỏi hóa của mình, tôi đã đọc được tên của hợp chất này ở đâu đó rồi. Thế nhưng trong giai đoạn hiện giờ tôi không tài nào nhớ ra. Tôi nhíu mày thắc mắc, trong lòng thầm băn khoăn không biết Đại Doanh muốn cho tôi thấy những hình ảnh đó để làm gì?
Đúng lúc đó, tiếng bước chân đi ngoài hành lang vọng vào, tôi nghe thấy tiếng mở cửa lạch xạch rồi bà Xuân lại xuất hiện ở cửa. Giọng bà trở nên run run:
“Cháu ra ngoài đi. Gia đình người mua cháu đã đến rồi.”
Tôi không có thời gian để son phấn như lần trước, cũng chẳng kịp phản ứng điều gì đã bị bà Xuân vội vàng kéo đi theo. Tôi khẽ hỏi lại:
“Bây giờ là mấy giờ hả cô? Cháu thấy còn sớm mà!!”
Bà Xuân đáp lại ngay: “6 giờ sáng rồi. Người ta đi suốt đêm đến đây.”
Tôi giật mình: “Sớm thế này thì bà thầy bói mẹ Lý Tam có đến kịp không? Nếu không thì mọi chuyện hỏng bét!!”
Bà Xuân chưa kịp trả lời thì cánh cửa bên ngoài đã mở. Tôi buộc lòng phải bước ra để cho người mua xem mặt. Trống ngực tôi đập thùng thùng, chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi như thế này. Kế hoạch vẹn toàn của tôi rất có thể sẽ bị đổ vỡ.
Tôi ló đầu ra ngoài, ở gian ngoài phòng khách chỉ lác đác vài người. Thậm chí trời bên ngoài còn chưa sáng rõ. Bà Xuân khẽ đẩy tôi bước ra. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình mất tự tin thế này. Người đến xem mặt tôi hôm nay là một người phụ nữ tuổi chừng 60, đi cùng với bà ấy là một cô bé tuổi chừng 13 – 14, và một người thanh niên đeo kính cận có làn da trắng nhợt nhạt. Không hiểu sao vừa trông thấy ba người họ, tôi đã cảm thấy có một chút hảo cảm trong lòng, khác hẳn khi gặp hai gia đình trước đó.
Lão Kiệm hôm nay có vẻ mệt mỏi, lão khẽ chỉ vào người tôi rồi giơ hai ngón tay, có lẽ đang nói rằng tôi là “hai đùi gà”. Tôi cúi gằm mặt xuống, mồ hôi lấm tấm trên trán dù bên ngoài trời vẫn đang đổ tuyết. Đám người trong thôn tới xem mỗi lúc một đông, nhưng trong số đó không có ai có dáng vẻ giống như bà thầy bói trong tưởng tượng của tôi cả.
Từ bên ngoài vang lên tiếng cười của vài đứa trẻ con, chúng chạy đuổi nhau cầm theo dây pháo nổ đì đùng, hoàn toàn khác hẳn với không khí căng thẳng ngột ngạt bên trong gian nhà này. Thoạt nhìn thấy đống pháo trong tay chúng, tôi rùng mình nhớ ra. Phải rồi! Thuốc nổ! Hợp chất HG(CNO)2 ấy chính là Fulminat Thủy Ngân. Ngày trước người ta thường điều chế thứ thuốc nổ này từ rượu và dung dịch thủy ngân.
Trước khi cải tiến thuốc nổ hiện đại, nhiều nơi dùng thuốc này để phá đá nổ mìn đây mà. Tôi lập tức nhớ lại ngày đầu tiên bước đến đây, thôn Bạch Thủ này nằm ngay dưới chân núi đá, vậy thì rất có thể sau rặng núi này người trong thôn lén lút khai thác mỏ. Như vậy thì trong nhà lão già này có thuốc nổ như thế cũng không có gì quá lạ lùng.
Đương suy nghĩ vẩn vơ, tôi lập tức nổi gai ốc cảm nhận có ai đó đang nhìn mình. Tôi ngẩng đầu lên nhìn thấy người đàn bà đang nói chuyện với lão Kiệm, vong của Đại Doanh đang ngồi im lìm trên vai của lão. Gương mặt bị băm nát của cô ấy làm cho tôi hơi buồn nôn, nên đành vội vàng cúi xuống. Thái độ này của tôi khiến cho người nào cũng nghĩ rằng bản thân tôi đang rụt rè sợ hãi. Lão già gù lưng đó thì thầm vào tai người đàn bà. Tôi đoán rằng bà ta và lão đang bàn bạc mặc cả về giá để mua tôi.
Nhìn vẻ mặt của bà ấy, tôi đoán bà ta đã ưng thuận tôi, nhưng trước khi tiến hành trao đổi, người này vẫn muốn hỏi ý con trai thêm một lần nữa. Bà ta nói gì đó với người thanh niên đeo kính kia, sau đó mọi người trong phòng cười rộ lên. Tôi không hiểu gì nên ngơ ngác nhìn quanh, riêng anh ta thì không cười, chỉ chăm chăm nhìn tôi một lúc. Khoảng vài phút sau, anh ta đi xung quanh chỗ tôi đang ngồi để nghe ngóng và đánh giá. Bà Xuân đứng bên cạnh tôi khẽ thì thầm:
“Anh ta hỏi cháu tên là gì? Sinh năm bao nhiêu?”
Tôi một lòng muốn rời khỏi đây, vừa nghe thấy thế đã ngước lên nhìn người thanh niên đối diện rồi cố tỏ ra vẻ hoảng sợ, run rẩy, miệng tôi lắp bắp:
“Linh... Linh...”
Người thanh niên nhắc lại tên tôi rồi khẽ gật đầu. Anh ta quay lại nói gì đó với mẹ của mình, cuối cùng người đàn bà quay sang lão Kiệm đưa ra một xấp tiền. Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực, vậy là tôi được bán rồi! Tôi không biết có người nào rơi vào tình cảnh này còn có thể mong được bán đi như tôi không.
Nhưng cái cảm giác bí bách, mùi tanh nồng thoang thoảng trong nhà, lẫn gương mặt đê hèn ti tiện của lão Kiệm làm cho tôi cảm thấy lợm giọng, tôi không thể nào chịu đựng thêm được nữa. Tôi thấy lão Kiệm khẽ cười nhạt rồi đẩy tiền trở lại, lão ngoắc một ngón tay rồi nói giọng rất nhỏ. Mọi người trong phòng ồ lên một tiếng. Ba mẹ con nhà kia nhìn nhau, sau đó chừng vài phút, người thanh niên đeo kính mới gật đầu. Bà Xuân dẫn tôi về phòng, trước khi đi, tôi còn nhìn thấy gia đình nhà kia nhìn theo bóng tôi cho đến khi khuất hẳn.
Lần này thì tôi không hiểu gì cả. Bà Xuân vừa đưa tôi đến cửa phòng đã vội nói thầm:
“Cháu được mua rồi. Lão Kiệm bán cháu với giá ba vạn tệ, tăng thêm một vạn tệ so với ban đầu. Trước giờ chưa có người nào lão đòi bán được nhiều như thế đâu. Lão... lão bảo rằng cháu là thiếu nữ nên mới có giá đó, còn không thì đừng hòng. Nhà đó sẽ đặt cọc trước một vạn, ngày mai người con trai kia mới đi ra ngoài lấy thêm tiền rồi sẽ đưa cháu đi luôn. Giờ... giờ phải làm sao?”
Mặc dù đã chuẩn bị trước tinh thần, nhưng tôi vẫn hơi choáng váng về điều này. Tôi vội hỏi:
“Bà thầy bói Lý đâu? Mẹ con nhà Lý Tam đâu? Cháu cần bà ta lúc này...”
Bà Xuân khó nhọc gật đầu:
“Không hiểu sao hôm nay bà ấy không đến. Để... để mai... mai sẽ đến.”
Tôi thoáng nghi ngờ bà Xuân có thể đã không đưa tiền cho mẹ con nhà Lý Tam theo lời tôi dặn. Nhưng giờ nghi ngờ người phụ nữ này thì cũng không giải quyết được gì. Tôi vẫn cần đến bà ấy cho kế hoạch của mình. Thế là tôi vội vàng kể vắn tắt về giấc mơ đêm qua, lại nói cho bà ấy biết vị trí giấu đống vàng vòng của lão Kiệm. Tôi dặn đi dặn lại bà ấy:
“Khi cháu đi rồi, cô nhất định phải tìm cách lấy được hai món đồ sau. Món đồ thứ nhất là xâu vòng vàng mà lão Kiệm cóp nhặt được từ những người phụ nữ bị bán đến đây. Cháu đoán rằng họ cũng giấu vàng bạc trong quần áo, nhưng đều bị lão Kiệm tịch thu khi làm nhục người ta. Món đồ thứ hai là cái ống dài chừng 10 cm, bên trên có ghi dòng chữ HG (CNO)2. Thứ đó rất dễ nhận biết, cô nhìn là thấy ngay. Khi đã tìm được thời điểm trốn, cô phải mang theo thứ đó bên mình nhưng không được để chúng va chạm mạnh với nhau. Nếu bị lão Kiệm phát giác, cô ném thật mạnh ống thuốc nổ đó về phía lão, sau đó không được hoảng sợ... nhất định... nhất định cô phải trốn đi. Cô nhớ rõ chưa? Nhất định cô không được quên lời cháu.”
Thấy gương mặt tôi trắng bệch đi vì căng thẳng, bà Xuân đờ đẫn gật đầu. Bà định nói gì đó với tôi nhưng bên ngoài có tiếng gọi, bà vội vàng khóa cửa rồi bước ra ngoài. Trước khi đi vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng, như thể bà ấy chưa bao giờ gặp một người giống như tôi bây giờ. Tôi mệt mỏi nằm vật xuống giường, hai mắt nhìn chăm chăm lên trần nhà cũ kỹ, bẩn thỉu. Nếu ngày mai bà thầy bói kia không đến, chắc chắn tôi phải nghĩ ra một cách khác.
..................................................
Đêm tối hôm ấy tôi lại nằm mơ thấy A Phong. Anh ta đứng ở trước cửa nhà lão Kiệm, xung quanh phảng phất một màn sương mờ mờ ảo ảo. Thấy A Phong, trong lòng tôi mừng lắm. Tôi toan chạy đến thì anh ta giật lùi lại mấy bước rồi vội vàng nói:
“Hành trình của em đã đi được một nửa rồi. Những việc sau này, nhờ vào ý trời, nhờ cả vào em nữa. Nhớ dù có thế nào cũng không được chảy nước mắt. Nhớ chưa?”
Tôi thoáng ngạc nhiên nhưng vẫn gật đầu. Hình như người âm khi báo mộng cho người trần gian biết, chẳng bao giờ nói rõ ràng ra cả. Nhưng không sao, gặp được A Phong cũng làm cho tôi cảm thấy an lòng thêm chút đỉnh. Tôi tỉnh giấc, nằm co quắp trên giường chờ trời sáng. Bên ngoài vẫn văng vẳng tiếng khóc sụt sùi thút thít, không biết là của vong hồn hay của ma. Tôi cũng chẳng buồn quan tâm đến nữa.
...................................
6 giờ 54 phút sáng ngày 21 tháng 11
Sáng hôm sau bà Xuân lại xuất hiện trước cửa phòng, mang cho tôi thỏi son bóng nhẫy thoảng mùi tanh tanh của máu như lần trước. Nhờ bà nói tôi mới biết được, những cô gái hai đùi gà khi được bán đi như tôi, bọn buôn người gọi là “gả chồng”. Nếu như cô nào bỏ trốn, chúng sẽ thông báo với nhau trên điện thoại là cô ấy “bỏ về nhà mẹ đẻ”. Lúc đó lão Kiệm sẽ buộc phải trả lại một phần tiền. Để ngăn chặn điều ấy, kẻ bán người như lão sẽ dặn gia đình người mua tôi phải chú ý thật kỹ không để cho tôi được trốn ra ngoài. Bằng không thì tiền bạc coi như mất trắng. Trong những năm 2000, số tiền ba vạn tệ được coi như là cả gia tài, nhiều người Trung ở nông thôn khi ấy cũng chưa từng nhìn thấy, chứ đừng nói đến là sở hữu.
Tôi nghe mà thấp thỏm trong lòng, vì biết chắc gia đình người này sẽ để ý từng bước chân của tôi. Thế nên, khi chỉnh trang lại đầu tóc để bước ra ngoài, trong lòng tôi càng thêm phần hoảng loạn. Tôi khẽ khấn vái Trời Phật trong đầu, tôi gọi tên bố mẹ tôi, những vong hồn mà tôi từng tận mắt nhìn thấy, mong sao mình vững tâm hơn.
Nhiệt độ hôm nay ấm hơn hôm qua, nhưng vẫn khiến tôi run lẩy bẩy trong chiếc áo phao đang mặc trên người. Lúc tôi bước ra phòng đã nhìn thấy gia đình ba người nhà kia, cùng nhiều người trong thôn đang đứng ngó nghiêng xem tôi được “gả về nhà chồng”. Tôi biết thừa rằng họ không chỉ đến hóng chuyện, những người này đến để nhận một phần thịt kho đông pha như hôm trước. Ý nghĩ ấy khiến trong lòng tôi cảm thấy chua chát chưa từng thấy. Họ nhẫn tâm nhìn một người thiếu nữ bị bán đi, và thôn dân cầm về được một bát thịt đông pha nóng hổi.
Đúng lúc gia đình kia dắt tôi ra khỏi nhà, thì đám chó trong chuồng sau nhà lão Kiệm sủa vang. Một tiếng chuông đồng vang lên từng hồi. Mọi người trong thôn đổ dồn ánh mắt về phía sân. Trên sân tuyết trắng xóa lúc này có một người đàn bà mặc một bộ áo bông màu đỏ rực, hai má được tô đỏ như hai quả cà chua, gương mặt thoa phấn trắng bệch như tượng sáp. Người đàn bà đỏ đứng im lặng trong tuyết, tay vẫn khẽ rung rung chiếc chuông, mắt nhìn chằm chằm về phía tôi. Tôi chưa kịp phản ứng thì bà ta đã run lên bần bật, mắt long sòng sọc, chỉ thẳng về phía tôi nói một tràng tiếng Trung.
Không rõ bà ta nói những gì, nhưng tất cả mọi người đều ngỡ ngàng rồi nhìn tôi chằm chằm, ngay cả gia đình ba người kia cũng thế. Tôi chẳng hiểu chuyện gì, bèn quay sang nhìn bà Xuân để tìm kiếm sự trợ giúp. Ánh mắt tôi bắt gặp ánh mắt của bà Xuân, bà ấy khẽ gật đầu với tôi một cái rất nhẹ. Tôi lập tức hiểu người mặc áo đỏ trước mặt không phải ai khác mà chính là mẹ của Lý Tam. Mẹ con nhà này là người đầu tiên nhìn thấy vong hồn của Đại Doanh treo đèn lồng trước cửa nhà, cũng chính vì thế mà người trong thôn đều tin tưởng vào khả năng bói toán, vu thuật của bà Lý. Thấy có người ngất xỉu trên nền tuyết lạnh, vài người dân thôn vội vàng chạy lại đỡ họ vào trong. Gia đình ba người kia cũng vội vã vào bên trong.
Một ông già bấm huyệt nhân trung cho người đàn bà tỉnh lại. Bà ta thấy tôi bèn nhào tới, nắm chặt tay tôi rồi vừa nói vừa khóc, một lúc sau lại cười. Bà Xuân đứng ngay sau lưng tôi, thì thầm rất khẽ:
“Bà ấy bảo rằng cháu có cát mệnh. Nhưng trong vòng ba tháng này không được nhập phòng, nếu không thì người chồng sẽ chết thảm.”
Tôi liếc mắt nhìn thấy người thanh niên đeo kính cận kia có vẻ lúng túng, còn gương mặt bà mẹ và cô gái kia thì lộ rõ vẻ hoảng sợ ra mặt. Tôi đoán rằng, kế hoạch của mình đã thành công.Những người này đặc biệt tin vào bói toán, tạm thời tôi sẽ được an toàn trong vài tháng. Bấy giờ lão Kiệm cũng toát mồ hôi hột, nhưng lão đã cầm tiền trong tay, cho nên lão chỉ lớn tiếng trấn an phần nào rồi có ý đuổi khéo chúng tôi.
Dù không hề nói ra, nhưng trong thâm tâm lão sợ rằng việc để bà Lý thầy bói ở lại đây nói hươu nói vượn sẽ khiến cho người ta e sợ mà không ai dám làm ăn với mình nữa. Thế là độ chừng vài phút sau, bà Lý đã bị hai gã đàn ông vạm vỡ trong thôn kéo ra khỏi nhà, còn tôi được gia đình người kia đưa lên một chiếc xe để trở về nhà. Trước lúc chia tay, tôi quay lại ôm bà Xuân để thay cho lời tạm biệt. Trong giây phút ngắn ngủi ấy, tôi vẫn kịp thì thầm với bà:
“Cô nhất định phải nhớ lời cháu dặn. Nếu sau này tìm đường về đến Việt Nam rồi, cô nhớ đến thị trấn Mộc Phong ở ngay khu cửa khẩu để tìm gia đình bà nội cháu là bà Nguyễn Thị Loan. Cô... cô cháu mình.. nhất định sẽ gặp lại.”
Bà Xuân nghẹn ngào nhìn tôi rồi ứa nước mắt. Khi ngồi lên xe rồi, tôi mới quay lại thì thấy người đàn bà số khổ ấy vẫn đứng im lặng trong tuyết nhìn tôi. Sống mũi tôi đột nhiên cay xè, tôi cảm thấy rối bời chưa từng thấy. Tôi không thể nào ngờ rằng, về sau tôi và bà Xuân có gặp lại trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Nhưng đó là chuyện của sau này.
Trong xe chật chội nhưng ấm áp, thoáng có mùi thuốc sát trùng ở đâu đây. Tất cả mọi người trên xe đều im lặng, người thanh niên kia lái xe, bà mẹ anh ta ngồi ghế phụ, cô em gái ngồi ở hàng ghế thứ hai, còn tôi ngồi ở ghế cuối cùng. Âm thanh từ đài radio phát ra nhè nhẹ, khiến cho tôi cảm thấy lạc lõng chưa từng thấy. Đây là chiếc xe thứ hai mà tôi ngồi lên, kể từ khi bị bọn Tiểu Triệu và thằng Ngụy bắt cóc. Xe đi được một lát, bà mẹ cùng cô con gái lăn ra ngủ, tôi nhìn ra bên ngoài trời tuyết trắng mù mịt, trong lòng hoang mang tự hỏi không biết những ngày sắp tới sẽ ra sao.
.........................................
Khi tôi tỉnh lại thì chiếc xe đã đưa tôi về đến nhà. Nơi này là một thị trấn nhỏ, có vẻ đông đúc và hiện đại hơn thôn Bạch Thủ rất nhiều. Trời đã đổ về chiều, xe dừng ở một căn nhà hai tầng cũ kỹ. Bên dưới là một tiệm chữa bệnh thú y nho nhỏ, bên trên là gian nhà của gia đình họ. Anh chàng kia kéo tay tôi thật chặt rồi đi lên trên tầng 2. Một vài người đàn bà bán hàng quà bánh bên nhà trông thấy tôi liền lập tức chỉ trỏ. Người kia đưa tôi đi vào trong nhà. Bên trong không quá sang trọng nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Người đàn bà dẫn tôi vào một căn phòng nho nhỏ có dán giấy màu đỏ bên ngoài. Hai chữ Song Hỷ được cắt bằng giấy màu khiến tôi cảm thấy gai ốc nổi lên khắp người. Bà ấy đưa tôi một chai nước để uống, rồi đóng chặt cửa khóa bên ngoài.
Căn phòng này không nhớp nháp, không có tấm chăn dính máu in hình người chết như ở nhà bọn Tiểu Triệu, cũng không tối tăm bẩn thỉu thoảng mùi tanh nồng như ở nhà lão Kiệm. Phòng này nhỏ, có một chiếc giường và một bàn phấn trang điểm đã cũ kỹ. Từ bàn trang điểm này chếch một góc 45 độ là ô cửa sổ nho nhỏ. Tôi lập tức đứng ở cửa sổ để quan sát xung quanh. Chỗ này có đường lớn, có hàng quán hệt như thị trấn nhỏ ở quê tôi. Điểm khác biệt lớn nhất là nơi này đông dân hơn. Tôi thấy từng tốp người đi đi lại lại dưới phố, tiếng ồn ã của còi xe đạp, xe máy, tiếng rao bán đồ ăn vang lên. Tôi tính toán trong lòng, nếu như muốn trốn khỏi nơi này, bắt buộc phải đi xuống dưới nhà.
Từ nơi này chạy ra ngoài hẳn là sẽ dễ dàng hơn so với việc ở thôn Bạch Thủ rất nhiều lần. Tôi tỉ mỉ nhìn thật kỹ hàng quán, thấy ở bên tay trái của căn nhà nơi tôi đang bị nhốt có một biển báo dừng xe bus. Tim tôi lập tức đập nhanh dữ dội. Có xe bus, tức là có phương tiện để di chuyển. Tôi đứng trân trân hồi lâu để chờ đợi một chiếc xe bất kỳ dừng lại đó. Năm phút rồi mười phút trôi qua. Đúng lúc chân tôi cảm thấy tê bì thì một chiếc xe bus đi tới. Xe dừng khoảng hai phút cho người bước xuống rồi ngay lập tức rời đi.
Tâm trạng tôi lúc này vỡ òa. Từ ngày bị lưu lạc đến đây, chưa bao giờ tôi cảm thấy con đường trở về nhà lại rõ ràng như thế. Tôi đi đi lại lại trong phòng suy tính. Việc cần nhất bây giờ là tôi phải đi được xuống dưới tầng trệt của nhà này rồi vòng sang bên kia đường để bắt xe bus. Không rõ khoảng cách các trạm xe bus ở thị trấn này như thế nào. Còn ở Việt Nam, tôi từng nghe chú Long nói, ở trong nội thị cứ khoảng 700 mét là có một trạm xe bus, còn ở ngoại thành thì 3000 mét mới có một trạm, áp dụng cho khu vực đô thị lớn như Hà Nội.
Tôi đoán rằng, ở Trung Quốc dân số đông hơn, nếu vậy thì tần suất cũng như khoảng cách các trạm phải dày đặc hơn Việt Nam rất nhiều. Vậy thì giờ tôi phải làm hai việc. Việc thứ nhất là phải lấy được lòng tin của người trong gia đình này, phải làm sao để họ tin được rằng tôi không hề có ý định bỏ trốn. Việc thứ hai là phải biết được giờ giấc của các tuyến xe bus dừng ở dưới nhà. Nếu không thì việc bỏ trốn sẽ trở thành công cốc. Ánh đèn đường lúc chập tối chiếu rọi vào trong gian phòng, không khí ở nơi này giờ đã trở lên ấm áp hơn rất nhiều, tôi khẽ mỉm cười để lấy thêm tinh thần. Từ lúc lưu lạc đến nơi này, đây là lần đầu tiên tôi cười. Cơ mặt tôi lúc này như được giãn ra. Tôi không ngờ rằng, trong căn phòng nơi tôi đang đi đi lại lại này, có một chuyện không thể nào tưởng tượng nổi sắp sửa xảy ra.
Đêm ngày 21 tháng 11
Trời bên ngoài tuyết rơi lác đác. Không hiểu sao tuyết ở đây lại ít hơn ở thôn Bạch Thủ. Tôi ngồi trong căn phòng trống trải, nghĩ lại gương mặt của lão Kiệm, rồi vẻ u uất của bà Xuân mà chợt lạnh người. Căn nhà đó lúc nào cũng thoang thoảng mùi tanh. Mùi của máu trộn với mùi của mấy món đồ gỗ cũ kỹ trong nhà, hòa với vách đất được trát nham nhở để ngăn cho gió lùa qua kẽ hở. Tất cả tạo thành một thứ mùi khiến người ta cảm thấy lợm giọng. Tôi chợt nhớ đến lời kể của bà Xuân vào cái đêm chúng tôi trò chuyện. Bà ấy kể rằng, thôn Bạch Thủ toàn những người chết trẻ, chết vì tai nạn, chết bất đắc kỳ tử.
Đến giờ khi ngẫm lại, tôi mới hiểu, nguyên nhân cái chết tôi đoán rằng những người trong thôn này đi làm khai thác mỏ đá nho nhỏ ở đằng sau núi, lại điều chế thứ hóa chất từ thủy ngân để làm thuốc nổ lậu. Họ tiếp xúc với thứ hợp chất này trong thời gian dài, e là sau này người trong thôn không những không mắc bệnh chết, mà trẻ con sinh ra cũng bị quái thai, dị dạng. Tôi thở dài, không biết rằng bà Xuân có làm theo những gì tôi dặn không. Tôi khẽ lắc lắc đầu để cho những suy nghĩ vẩn vơ không làm phiền mình thêm nữa. Đúng lúc ấy, từ bên ngoài nhà có mùi nhang khói thoang thoảng bay qua mũi tôi. Tiếng bước chân bên ngoài vang lên. Tôi lập tức ngồi dậy cảnh giác.
Cánh cửa vừa bật mở, người thanh niên đeo kính nặng nề đẩy một chiếc xe lăn đi vào. Trên xe là một người đàn ông ngồi yên bất động, hai mắt nhắm nghiền, làn da xám xịt, mùi thuốc sát trùng cùng với mùi formone từ người ông ta bốc ra nồng nặc. Đi theo sau chiếc xe lăn là bà mẹ lúc sáng tay đang cầm một bát nhang bốc khói nghi ngút. Con bé nhỏ nhất thì cầm một chiếc khăn điều ( loại khăn thường phủ lên đầu tân nương vào ngày cưới), và một đôi nến long phụng.
Tôi giật mình đến độ ngã nhào xuống đất. Không lẽ mấy người này định bắt tôi lấy người âm? Tôi từng nghe tới chuyện ở nhiều vùng bên Trung vẫn còn có tục lệ người sống kết hôn với người chết, khi hành lễ sẽ bắt một con gà trắng để thay cho cô dâu, hoặc chú rể. Đến đêm động phòng sẽ phải chui vào quan tài. Nhiều người yếu ớt không chịu nổi tử khí, dần dần dẫn đến nhiễm hơi lạnh từ thi hài mà chết. Tôi gào lên kích động, chẳng lẽ đám người này bỏ tới ba vạn tệ để mua tôi về làm vợ một lão già đã chết từ bao giờ? Tôi nhìn khắp xung quanh, không hề thấy vong hồn của lão lai vãng ở đây. Vậy tóm lại chuyện này là như thế nào?
Lúc tôi đang hoang mang sợ hãi, đứa bé gái kia đã lạnh lùng tiến tới quàng lên người tôi một cái khăn điều đỏ rực, nó đẩy tôi ngồi phịch xuống đất theo tư thế quỳ rạp rồi dùng tay giữ chặt cho tôi không nhúc nhích. Mùi nhang khói bốc lên mù mịt trong căn phòng cùng với mùi đặc trưng của formone làm cho tôi cảm thấy khó thở. Người đàn bà phía trước bắt đầu lầm rầm khấn vái toàn bằng tiếng Trung. Tôi thấy người thanh niên cũng quỳ rạp bên cạnh mình, giọng anh ta ho húng hắng, chắc cũng chẳng dễ chịu hơn tôi là mấy. Tôi vừa đưa mắt nhìn sang bên cạnh thì bàn tay lạnh lẽo của đứa con gái kia gì chặt đầu tôi xuống. Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế này?
..........................................................
Còn tiếp
Mời Bạn Xem Tiếp Chap 14 : Tại Đây
Đăng nhận xét