𝐇𝐨̂̀𝐢 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝟕 - 𝐓𝐢𝐞̂́𝐩
Xem lại chap 10 : Tại Đây
Tôi quay sang nói với bà Xuân:
“Ngày nào lão già gù lưng này còn sống thì ngày đó cô không thể đi ra khỏi thôn này được, chứ đừng nói là đi tìm em gái của cô.... Sao cô không nghĩ đến việc trốn đi?”
Cô Xuân nhìn tôi rồi cười buồn:
“Trốn đi đâu được hả cháu? Người trong làng này đều sợ lão già ấy cả? Mà...mà người như cô... đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Họ bảo cô là quái vật nên...nên mới sinh ra thứ quái thai kia.”
Tôi sững sờ đến mức không thể tin nổi vào tai mình. Dựa như mô tả của bà Xuân, con trai của cô ấy bất quá chỉ bị chứng hở hàm ếch. Ở Việt Nam chỉ cần phẫu thuật tại bệnh viện là có thể đem lại nụ cười lành lặn cho đứa trẻ. Tôi vội nói với cô Xuân điều này. Chưa kịp nghe xong, cô nghẹn lại rồi hỏi tôi:
“Cháu nói thật chứ? Có thật là con cô không phải quái thai không? Bệnh... bệnh đấy chữa được à?”
Tôi gật đầu dứt khoát: “Chữa được cô ạ. Nhiều đứa trẻ bị như thế lắm. Ở Việt Nam các bác sĩ đã có thể làm được rồi. Bấy lâu nay, cô bị lão già kia chửi rủa vì đẻ ra đứa bé như thế phải không? Chính lão mới là thứ quái thai ấy!”
Ánh mắt đau khổ đến đờ đẫn của bà Phương đã tràn đầy sự căm phẫn. Nhân lúc này, tôi thuận nước đẩy thuyền:
“Chỉ cần lão Kiệm gù ấy không còn hành hạ cô được nữa, thì ít ra cô cũng có thể sống yên ổn qua ngày. Biết đâu sau này còn có thể đi tìm cô Hạ, rồi về Việt Nam...”
Vừa nghe thấy tôi nói như thế, hai mắt bà Xuân sáng lên. Đúng lúc đó, tiếng chuông của chiếc đồng hồ cổ bên ngoài phòng khách vang lên 6 tiếng. Vậy là đã tới 6 giờ sáng. Bà Xuân vội nói với tôi, sáng nay sẽ có một gia đình trong thôn đến xem mặt tôi cho con trai của mình. Nhà lão Kiệm ở ngay giữa thôn, thì nhà bên ấy ở cuối thôn, họ có nghề mổ lợn gia truyền. Nếu như việc mua bán không thành, thì ngày mai sẽ có một gia đình khác ở nơi khác đến xem mặt tôi. Lão Kiệm hy vọng nhận được một món hời, vì lão phải trả 1 vạn 2 ngan tệ mới đem được tôi về từ tay bọn thằng Ngụy.
Đêm hôm qua đáng lẽ là tôi sẽ bị lão Kiệm gù cưỡng bức, thế nhưng bà Xuân có nói với lão rằng người tôi đang sốt cao cho nên sợ sẽ lây cho lão. Người bị bệnh vảy nến thường mẫn cảm với nhiệt độ, vừa nghe thấy thế lão đã vội tin ngay, dù vẫn cố chửi tục vài câu như thói quen thường nhật. Thế nên tôi mới có thời gian để nằm nói chuyện với bà Xuân đến hết đêm.
Tôi cố gắng nhớ thật kỹ những thông tin này, bởi chúng sẽ có ích cho tôi trên con đường bỏ trốn trở về.
Bà Xuân định nói điều gì với tôi, nhưng chưa kịp mở lời thì đã nghe thấy tiếng lão Kiệm gù ở bên ngoài càu nhàu. Người đàn bà khốn khổ khẽ đáp lại một tiếng rồi lục tục bước xuống giường. Lúc này chỉ còn một mình tôi ở trong phòng, thầm toan tính kế hoạch của chính mình. Bắt đầu từ bây giờ, mọi đường đi nước bước của tôi phải thật sự cẩn trọng, chỉ cần sơ sảy một chút thôi, thì tôi cũng không còn cơ hội quay lại.
..........................................................
7h sáng ngày 19 tháng 11
Bà Xuân quay trở lại phòng, mang cho tôi một bát cháo, một chiếc khăn mặt và một thỏi son đỏ lòe loẹt trông rất cũ kỹ. Hai thứ kia thì tôi có thể hiểu được, nhưng thỏi son thì tôi không biết rằng để làm gì. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, bà Xuân cười chua chát:
“ Những cô gái trong nhà này được mang ra cho người ta xem mặt để mua bán đều được gọi là con gái của lão già gù. Để bán cho được giá, lão ra lệnh cho “đám con gái” phải trang điểm thật tươi tắn. Nhiều người bị lão hành hạ suốt đêm, gương mặt bị xước thì còn có phấn để thoa lên.”
Nghe đến đó, bỗng dưng tôi cảm thấy lợm giọng. Không biết thỏi son này đã từng điểm trang cho bao nhiêu cô gái, càng không biết được trong số họ có những người còn sống hay đã chết. Tôi khẽ lau mặt cho tỉnh táo, rồi húp một hơi hết bát cháo. Cháo có vẻ hơi nóng, nhưng tôi chẳng hề để ý. Ăn xong, tôi cầm thỏi son lên tay, khẽ tô một đường thật đậm lên môi. Tiếp theo đó, tôi thè lưỡi, dùng son trét một lớp ở mặt lưỡi. Mùi vị của thỏi son ngai ngái tanh tanh như thể đã bị lẫn với máu của nhiều người, song tôi vẫn không để ý. Khi tôi vừa chuẩn bị xong xuôi, thì bà Xuân đi vào. Bà nhìn tôi mà đôi mắt đỏ hoe, giọng bà run run nói:
“Cháu... cháu ra ngoài đi. Họ đến rồi.”
Tim tôi bỗng nhiên cảm thấy hồi hộp. Từ xưa đến giờ, bà nội và chú Long vẫn luôn nói, khi nào tôi phải tốt nghiệp xong đại học mới được tính đến chuyện lấy chồng. Trong một tích tắc, tôi đã thầm nghĩ, không biết giờ này mọi người trong gia đình có biết được tôi đang bị ép buộc để lấy một người chưa hề biết mặt. Ý nghĩ ấy thoáng nhanh qua đầu tôi, giờ không phải là lúc để bi lụy chuyện đó. Tôi khẽ thở hắt ra, ngẩng cao đầu vén tầm màn để bước ra bên ngoài.
............................................
Rất nhiều người đang ở đây. Ngồi ở chính giữa nhà là lão Kiệm gù, hôm nay trông lão có vẻ hom hem, ốm yếu hơn hẳn hôm qua khi nói chuyện với bọn gã béo Tiểu Triệu. Ở phía đối diện với lão là một người đàn ông mặc áo xám nhạt, bụng to lặc lè hệt như người có chửa. Ngồi bên cạnh ông ta là một người đàn bà cũng to béo không kém, trên người bà ta mặc một cái áo ấm bằng nhung màu huyết dụ, trên cổ choàng một chiếc khăn lông màu xám nhìn rất kì quặc.
Điều đáng chú ý hơn cả là một người thanh niên vóc dáng nhỏ bé diện một bộ áo vest quá khổ màu lông chuột. Người này đang ra sức lấy chiếc điện thoại di động to tướng trong túi của người đàn bà kia. Thấy vậy, người đàn bà mặc áo nhung liền khẽ đánh vào tay anh ta một cái rồi gườm gườm. Người trong thôn đứng quây lại xem xét thấy người thanh niên kia bị đánh thì cười ồ lên.
Tôi đoán hai người đó là vợ chồng, đứa con trai lớn tồng ngồng kia dường như có chút vấn đề về thần kinh. Họ đương rôm rả nói chuyện, vừa thấy tôi bước ra tất cả mọi người ồ lên một tiếng rồi mọi ánh mắt đổ dồn về tôi.
Bị nhiều người quan sát, tôi hơi ngượng ngùng nên chỉ cúi đầu theo bà Xuân rồi đi đến thẳng cái ghế đặt ở vị trí trung tâm của gian nhà. Đám đông trong thôn xì xào xuýt xoa, người đàn bà kia quay sang nói gì đó với gã đàn ông bụng phệ, rồi giật giật áo thằng con lớn chỉ vào tôi, miệng cười cười nói nói. Gã thanh niên dẩu môi, phụng phịu không thèm nhìn tôi lấy một cái, chỉ chăm chăm đòi chiếc điện thoại trong tay mẹ mình. Bà mẹ thấy vậy lại càng chỉ về phía tôi, nhưng gã thanh niên đã không còn kiên nhẫn nữa. Gã ngồi phịch xuống đất rồi bắt đầu mếu máo. Đám đông lại cười rộ lên. Riêng tôi và bà Xuân không cười.
Giữa lúc gã thanh niên bắt đầu khóc lóc ăn vạ thì một ông lão râu tóc bạc phơ trông còn già hơn cả lão Kiệm gù đột ngột bước lại gần tôi, lão giơ ra 5 ngón tay, gương mặt đỏ phừng phừng như vừa nổi giận. Lão Kiệm già gù lưng cười nhạt, chẳng thèm nói điều gì chỉ đủng đỉnh uống ngụm trà rồi quay sang nói chuyện với người đàn ông béo ục kề bên.
Bị lão coi thường, ông già tóc bạc kia tức tối quá, bèn giơ 7 ngón tay. Lần này lão Kiệm chỉ khẽ ngước lên rồi phẩy tay, coi như không để ý. Đám đông im phăng phắc, chỉ có tiếng khóc nỉ non của gã thanh niên vẫn nằm lăn ở dưới đất. Lão béo ục ịch kia tiến lại gần tôi quan sát, lão hỏi một câu gì đó mà tôi không hiểu. Bà Xuân đứng phía sau khẽ nhắc cho tôi:
“Ông ấy hỏi cháu bao nhiêu tuổi?”
Tôi không trả lời vội. Bởi vì lúc này tôi còn đang bận quan sát phía sau ông ta. Khác với bà Xuân có đứa bé trai ngồi trên cổ, lão già Kiệm gù lưng cõng những vong hồn từng giết, lão béo này dưới chân toàn là thủ lợn chảy đầy máu. Trên vai của lão lúc nhúc toàn là những đụn trứng cá li ti đùn lên thành từng mảng. Dưới phần thắt lưng của lão còn đeo bám theo cả hai cái sọ người nhỏ xíu, có lẽ là của trẻ con. Tôi chưa từng thấy người nào bị vong bám theo nhiều đến vậy, đã thế lại là vong của cả người lẫn vật đu bám ở bên. Tôi không dám nhìn quá lâu vào từng tảng trứng cá đùn thành ổ bám ở hai vai của gã, nên vội vàng quay mặt đi.
Thấy thái độ của tôi, lão béo có vẻ không hài lòng. Lão quay ra hỏi bà Xuân. Bà Xuân lại hỏi tôi:
“Ông ấy nói thái độ của cháu không tốt.. Sao ông ta hỏi cháu không trả lời?”
Tôi đưa tay lên bịt mũi rồi lắc đầu, cố ý nói thật to:
“Người này có mùi của lợn và cá, trên bụng lại có sọ của hai vong nhi nữa. Chắc chắn ông ta đã từng giết ít nhất hai đứa trẻ con rồi. Cô nói cho ông ta biết, giờ đang có vong lợn, vong cá, vong của hài nhi đi theo. Người này thối, nghiệt nặng, cháu không trả lời. ”
Gương mặt bà Xuân biến sắc. Dù lão béo không hề hiểu tôi đang nói gì, nhưng thấy câu chữ tôi nói có vẻ dài, lão quay ra ép bà Xuân phải dịch lại. Người xung quanh đều im lặng để nghe ngóng xem tôi nói cái gì. Khi bà Xuân chưa kịp nói hết câu, thì lão béo đã gào lên một tiếng tức giận rồi định giơ tay lên đánh tôi một cái.
Tôi chỉ chờ có thế, tôi giả bộ ngã vật ra đất, rồi ngước mặt về phía lão già kia hét lên kinh hãi. Tôi luôn miệng hét: “Quỷ... quỷ... quỷ...” rồi chỉ ra phía sau lão béo nước mắt giàn giụa. Đột nhiên, tôi quỳ bằng hai đầu gối rồi bắt đầu uốn người, động tác cứng nhắc như người ta điều khiển con rối bằng dây. Trong gian nhà đông đúc, tất cả mọi người đều nghe thấy tiếng tôi cười khùng khục, miệng vẫn không ngừng kêu la, còn tay thì chỉ vào lão béo trước mặt.
Bị tình huống bất ngờ làm cho ngỡ ngàng, lão béo đứng như trời trồng không hiểu chuyện gì xảy ra. Mụ vợ của lão nhảy ra che chắn trước chồng, mụ giang tay định tát tôi một cái thì tôi thè cái lưỡi đỏ hỏn ra liếm xung quanh miệng. Cái lưỡi đầy son liếm đến đâu, phần da xung quanh tôi đỏ lòm đến đó. Thằng thanh niên ngờ nghệch khi nãy, nhìn thấy thế thì hét toáng lên rồi bỏ chạy. Lúc nó bỏ đi, tôi thấy mông quần nó phía sau loang ra một vết thẫm lớn. Nó sợ đến bĩnh ra quần. Mụ đàn bà kia thấy thế thì gào tên con rồi cũng chạy theo. Đám đông hoảng sợ dạt sang một bên, cảnh tượng nhất thời trở nên hỗn loạn.
Lão Kiệm gù lưng gầm lên một tiếng, có lẽ là để đuổi mấy kẻ hoảng hốt kêu la ra ngoài nhà mình. Trong nhà lúc này, chỉ còn hơn chục người dân trong thôn, bà Xuân, lão Kiệm và lão béo ục ịch vừa nãy đứng nhìn tôi chằm chằm. Tôi khẽ mừng thầm trong lòng, nếu đã diễn thì phải diễn cho tròn vai. Tôi chống hai tay xuống đất, thở dốc, ánh mắt bắt đầu long lên sòng sọc rồi đảo mắt một vòng.
Nhìn vẻ mặt của mọi người chung quanh, tôi biết họ đã coi tôi là một thứ nửa người nửa quỷ. Những người hiếu kỳ còn lại cũng vội vã bỏ đi, ngay cả lão béo ục cũng tấp tểnh bước ra ngoài, không hề ngoái lại nhìn tôi lấy một lần. Riêng bà Xuân thì đứng dựa vào góc nhà, tay đặt lên ngực còn đang phập phồng sợ hãi.
Tôi đưa mắt nhìn lão Kiệm gù. Bắt gặp ánh mắt của tôi, lão lảng tránh rồi quát bà Xuân một câu. Ngay lập tức, bà Xuân xốc nách tôi đứng dậy rồi dìu vào trong. Trước khi rời đi, tôi vẫn kịp nhìn ra bên ngoài. Lúc này có rất nhiều người đang đứng ở ngoài cửa để ngóng chuyện. Vừa thấy gương mặt hoang mang xen lẫn tò mò, háo hức của họ, tôi hiểu rằng... bước đầu kế hoạch của mình đã tiến triển thuận lợi.
..................................................
Tôi vừa bước vào trong phòng đã ngã vật xuống vì mệt. Xem ra làm một diễn viên cũng không hề dễ dàng gì. Giữa lúc tôi đang xoa xoa cái bụng vì đói, thì bà Xuân bước vào. Trên tay vẫn là chiếc khay có một bình nước thật lớn, cùng với một ít cơm trắng trộn với muối vừng. Lần đầu tiên sau bao ngày lưu lạc ở đất khách quê người, tôi nhìn thấy một món cơm giống với Việt Nam đến vậy. Tôi ăn ngấu ăn nghiến, khi ngẩng lên thì thấy bà Xuân đang nhìn mình.
Không cần phải nói ra, tôi cũng hiểu bà ấy đang nghĩ gì. Tôi uống một ngụm nước rồi mở lời:
“Cô không phải sợ cháu. Cháu nhìn thấy vong thật, nhưng không có nghĩa là cháu bị điên. Chỉ là vừa rồi, cháu không muốn bị bán cho gã đàn ông thiểu năng kia thôi.”
Bà Xuân khẽ gật đầu, nhưng vẫn im lặng. Tôi biết bà ấy vẫn đang sợ. Lúc này tôi chợt nhớ đến một câu văn trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của bác nhà văn Tô Hoài. “Ở trong cái khổ quen rồi, Mị không thấy khổ nữa.” Có lẽ bà Xuân cũng giống như vậy. Người đàn bà này ở trong sự tăm tối, mê tín quá lâu, đến giờ ngay cả việc người ta có giả thần giả quỷ hay không bà ấy cũng không còn phân biệt được nữa. Bà Xuân thật giống với Mị, ít nhất là trước khi Mị gặp A Sử.
Tôi khẽ lắc đầu, nhìn người đàn bà số khổ trước mặt tôi một lúc rồi hỏi nhỏ:
“Vợ chồng lão béo bán thịt lợn ấy là ai? Sao có nhiều vong đi theo lão già ấy thế hả cô?”
Bà Xuân đang ngây người nhìn tôi, khi vừa nghe thấy tôi hỏi như thế thì khẽ giật mình:
“ Đấy... đấy là Đại Trư... người trong thôn gọi hắn là Trư Bát Giới. Gia đình thằng này sống bằng nghề mổ lợn. Nhà này cũng thuộc dạng hiếm con, mãi về sau mới thấy vợ Đại Trư mang thai. Cái thai lớn lắm, ai cũng bảo là song sinh. Thế nhưng, không hiểu vì sao mà Đại Trư không cho bà đỡ đến để giúp vợ mình đẻ. Hắn bảo rằng bản thân mình đã đỡ đẻ cho biết bao nhiêu con lợn, chút việc này có xá gì.
Đêm vợ hắn chuyển dạ, đích thị trong thôn có người nghe thấy có tiếng khóc vang lên. Nhưng sáng sớm hôm sau thì Đại Trư lại nói rằng, cái thai trong bụng vợ gã là hai đứa bé gái, không may vừa ra đời đã chết, hắn đem chôn rồi. Người ta thấy vậy cũng không nói thêm gì nữa, một thời gian sau họ thấy vợ gã lại mang bầu. Khi tới tháng thứ bảy thì không may bị động thai rồi sinh non, thằng bé sinh ra đã ngờ nghệch. Hơn ba mươi tuổi đầu rồi mà trí tuệ còn không bằng đứa trẻ con lớp một. Vợ chồng Đại Trư sợ không có người nối dõi tông đường, nên mới tìm lão Kiệm để mua vợ. Nào ngờ hôm nay việc không thành. Cũng may là cháu.... không bị bán về nhà lão ấy... Mụ vợ Đại Trư đánh người làm rất dã man.”
Tôi nghe xong không biết nói gì thêm, chỉ cúi đầu nhìn xuống cái bát cơm đã trống không của mình. Tôi hiểu rằng, gã Đại Trư này nhất định có liên quan đến cái chết của hai đứa con gái sinh đôi của hắn. Thế nhưng, chuyện đã qua lâu rồi, có nhìn thấy sọ người của hai đứa bé đáng thương ấy tôi cũng chẳng thể giúp gì được.
Làng Bạch Thủ này vốn có khung cảnh đẹp y như trong phim, nhưng bên dưới cảnh vật yên bình ấy lại là một lũ người vô minh, dốt nát. Bà Xuân đã nói rằng, những người ở đây không quan tâm đến việc phụ nữ bị ép bán hay tự nguyện, chỉ cần đã làm vợ đàn ông ở đây, có chết cũng không được rời đi. Chính vì thế nên khi biết được có người trong thôn đến xem mặt tôi, tôi phải tìm cách để dọa cho họ sợ mà từ bỏ.
Đó là còn chưa kể, lão già gù lưng vốn là kẻ dâm ô, lão muốn cưỡng bức tôi như những người con gái khác. Thế nhưng giờ đây, chứng kiến cảnh tượng tôi bị “vong nhập” rồi cười khành khạch giữa nhà, chưa chắc lão đã dám động đến tôi thêm nữa. Đây gọi là nhất tiễn song điểu, một mũi tên trúng hai con chim. Tôi đoán rằng, giờ này lão đang gọi điện thoại cho bọn thằng Ngụy để chất vấn chuyện này.
Nếu là tôi thì tôi cũng sẽ làm như vậy. Kế hoạch bước đầu của tôi đã thành công như mong đợi, việc cần làm tiếp theo là phải tính toán làm sao để có thể ra khỏi đây. Nhưng trước hết, tôi muốn ngủ một giấc thật ngon để lấy lại sức. Quyết định thế nên tôi chui vào trong chăn, nằm tưởng tượng đến hình ảnh của người thân. Cơn gió lạnh thổi thốc qua khe cửa làm cho tôi ngủ vùi lúc nào không biết. Đêm ấy tôi lại nằm mơ thấy A Phong.
.............................................................................................
A Phong lần này không dẫn theo đứa bé mặc áo phao màu xanh đã chết trong xe lần trước nữa. Người đi cùng với anh ta lúc này là cô bạn gái bị thằng Ngụy và gã béo Tiểu Triệu cưỡng bức ở trạm xe bus bỏ hoang mấy ngày trước. Ban đầu, tôi không nhận ra cô ấy, thế nhưng khi cô ấy chỉ vào sợi dây chuyền tôi còn giữ khư khư trong ngực áo thì tôi lập tức hiểu ra.
Cô ấy không nói được, chỉ nhìn tôi gật đầu rồi lại trào nước mắt. Tôi lấy làm lạ vì sao lúc trước rõ ràng tôi còn thấy cô ấy kêu cứu, giờ lại không? A Phong dường như hiểu được thắc mắc của tôi nên lắc đầu nói nhỏ:
“Bọn nó khâu miệng của cô ấy lại rồi. Nhiều kẻ giết người thường làm như thế này để tránh trường hợp người chết báo mộng cho gia đình. Thậm chí, còn khâu cả mắt lại để người âm không tìm thấy đường về.”
Tôi cau mày suy nghĩ. Hình như cảnh tượng này tôi đã thấy ở đâu. Thế rồi, tôi bàng hoàng nhớ lại. Vong hồn của người phụ nữ mặc váy đỏ mà tôi phát hiện trên cái cây trước sân nhà mình cũng hệt như thế. Có lẽ nào, người đàn bà bị giết hại thảm thương ấy có liên quan với đường dây buôn người? Hay cô ta chỉ là một nạn nhân bị chúng cưỡng bức rồi chết thảm?
Đúng lúc đó, A Phong giật tay tôi rồi hét lớn: “Linh! Dậy ngay!”
Bàn tay anh ta lạnh ngắt, ngay cả khi tôi mơ mơ màng màng bước ra khỏi giấc mộng cũng vẫn cảm thấy một bàn tay đang sờ soạng trên người mình. Tôi lập tức mở mắt ra. Lão Kiệm gù đang ở trong căn phòng này, tay lão đang mò mẫm trên bụng tôi. Một cảm giác ghê tởm lẫn sợ hãi kéo đến, tôi vung tay đẩy lão ra khỏi người. Miệng gào lên chửi tục. Trước phản ứng của tôi, lão Kiệm già có phần giật mình hốt hoảng. Lão lục tục bò lên giường tôi rồi hai tay chắp lại như van xin:
“Linh... Linh đẹp... Linh đẹp...”
Cơn phẫn nộ khiến tôi gầm lên như con thú bị điên. Tôi gầm gừ:
“Mày mà lại gần thì tao với mày cùng chết.”
Dù lão Kiệm không hiểu tôi đang nói gì, thế nhưng vẻ hung dữ của tôi khi ấy khiến cho lão thêm phần sợ hãi. Lão luống cuống bò xuống giường, hai tay hai chân vẫn không ngừng run lên bần bật. Tiếng bước chân chạy rầm rập ở ngoài hành lang, cánh cửa bật tung ra, bà Xuân xuất hiện trên bậc cửa. Vừa nhìn thấy tôi đầu tóc xõa xượi, đang đứng trên giường, còn lão Kiệm thì khúm núm bò dưới đất, bà Xuân hoảng sợ lại lấy tay ôm ngực hệt như một thói quen.
Bà há hốc mồm không nói thêm được lời nào, chỉ biết nhìn chăm chăm vào lão già kia cho đến khi bóng dáng của lão ta khuất sau cánh cửa. Chưa bao giờ, lão phải chịu thua không cưỡng bức được đàn bà con gái xuất hiện trong nhà mình. Cho đến rất nhiều năm về sau, tôi vẫn còn nhớ như in, đêm hôm ấy lão bò lên giường tôi nhưng chân vẫn đi một đôi dép vải.
.....................................................
Chờ cho lão đi rồi, tôi ngồi thụp xuống khóc rưng rức. Lần đầu tiên tôi cảm thấy mỏi mệt đến thế. Phải chi tôi nghe lời A Phong không đi xa khỏi gia đình thì tốt biết mấy. Tôi úp mặt vào lòng bàn tay, vị mặn của nước mắt càng làm cho sống mũi trở nên cay xè. Bà Xuân thở dài, lại mang vào cho tôi một chiếc khăn mặt ấm. Trong lúc này, cả hai chúng tôi đều chỉ hận mình sao không thể giết được lão già đốn mạt kia.
Tôi hỏi thăm bà Xuân thì được biết, sáng ngày mai sẽ có hai gia đình tới để xem mặt tôi. Một người ở cách đây hơn một trăm cây số, người còn lại thì ở ngay thôn bên cạnh. Cả hai gia đình này, cùng với nhà của lão béo Đại Trư sáng nay đều đã phải đặt cọc tiền cho lão Kiệm. Nếu có nhiều gia đình muốn hỏi vợ, nhưng lại chỉ có một “cô dâu”, thì cô dâu sẽ được quyền quyết định mình muốn về nhà nào. Mới nghe đến đây, tôi đã cảm thấy hơi ngạc nhiên vì không ngờ cô dâu bị bắt cóc lại còn có quyền dân chủ đến thế. Hỏi ra mới biết, người ta để cho cô dâu tự mình chọn lựa nhà chồng tương lai để tránh trường hợp ép buộc quá mức dẫn đến bỏ trốn, hoặc tệ hơn nữa là tự sát.
Trong trường hợp có nhiều cô dâu nhưng lại chỉ có một gia đình muốn hỏi mua, thì chú rể kia sẽ quyết định mua người nào. Khi đã mua bán xong xuôi, nếu như cô dâu bỏ trốn thì gia đình chú rể sẽ đòi lại một nửa tiền của lão Kiệm, còn nếu như cô dâu tự sát thì lão Kiệm không phải chịu bất cứ phí tổn gì. Bởi thế cho nên, những người chuẩn bị mua cô dâu luôn luôn phải trông coi người thật kỹ. Vì chỉ cần một chút bất cẩn thôi, tiền bạc của họ sẽ trôi xuống sông, xuống biển. Tôi cười chua chát, trong lòng thầm nghĩ, lũ buôn người bán mạng này cũng tính toán kỹ lưỡng đến không ngờ.
Bà Xuân còn bảo, gia đình Đại Trư hồi tối mới đánh tiếng cho lão Kiệm. Bên ấy bảo rằng, vóc dáng của tôi gầy quá, không phải là tướng của người dễ đẻ cho nên họ khước từ, tiền đặt cọc vẫn để đó, chờ khi có thêm cô dâu mới sẽ tới xem mặt lại lần nữa. Trong lòng tôi thừa biết, đám người nhà Đại Trư sợ vỡ lở chuyện hai đứa bé gái năm nào, cho nên mới khước từ như vậy. Điều này rất đúng với kế hoạch của tôi.
Những người trong thôn Bạch Thủ này đều có mỗi quan hệ gắn bó với nhau, đặc biệt hơn cả, họ đều cho rằng việc buôn bán đàn bà con gái hay trẻ em đều là thứ rất hiển nhiên, hệt như đi ra ngoài chợ mua đồ ăn vậy. Do đó, nếu muốn kế hoạch trốn thoát được thành công trót lọt, tôi bắt buộc phải rời khỏi thôn này.
Theo như lời của bà Xuân thì ngày mai sẽ có hai gia đình mang con trai đến xem mặt tôi. Gia đình thứ nhất ở cách đây khá xa, gia đình thứ hai vốn sinh sống ở ngay thôn bên cạnh. Bà Xuân nói cho tôi, gọi là thôn bên cạnh nhưng cũng phải cách đây gần nửa tiếng đi xe máy. Người ta gọi nơi đó là thôn Biệt Lâm. Người ở thôn Bạch Thủ vốn làm nông nghiệp, thỉnh thoảng mới lên rừng để bẫy thú. Còn ở thôn Biệt Lâm, dân cư sống trong rừng, họ chủ yếu hành nghề trồng cây lấy gỗ để mang đi bán làm đồ công nghiệp.
Từ khi còn ở Việt Nam, tôi không xa lạ gì với những khu vực lâm trường như thế. Nhà nọ cách nhà kia cả vạt rừng, thậm chí có chết cũng chưa chắc có người phát hiện. Trong lòng tôi dấy lên một dự cảm bất an, thôn Biệt Lâm xa xôi như vậy, ngộ nhỡ như tôi bị họ mua về đấy thì càng khó trốn thoát.
Dù cho tôi có thoát được gia đình nhà kia, thì cũng chết đói chết khát dọc đường. Tôi hỏi thêm về gia đình ở cách đây hơn một trăm cây, nhưng bà Xuân cũng lắc đầu, bà nói rằng lão Kiệm gù không bao giờ cho bà biết quá rõ về những ai sắp tới mua người. Lão không muốn bà mang chuyện này đi bép xép khắp nơi.
..................................
Tối hôm ấy, nhiệt độ ngoài trời bắt đầu giảm đột ngột. Bên ngoài có lác đác vài hạt tuyết rơi. Căn phòng này không có cửa sổ, cũng không có bất cứ lỗ hổng nào để tôi có thể quan sát ở bên ngoài. Đến tối muộn hôm ấy, bà Xuân mới khệ nệ xách vào một chậu than hồng để sưởi ấm cho tôi. Tôi đoán chừng lão già gù lưng kia sai bà làm vậy, vì trong ngôi nhà của lão, tôi là thứ đáng tiền nhất.
Tôi đang co ro xoa tay bên bếp lửa, thì bà Xuân lại vào dẫn tôi đi tắm. Tôi hơi ngạc nhiên vì đãi ngộ của mình cũng không giống như những gì tôi tưởng tượng. Thế rồi, tôi lập tức hiểu ra, lão Kiệm chỉ đơn giản muốn tôi thật tươm tất để cho gia đình đàng trai xem mặt, có như thế lão mới tăng thêm số tiền đòi hỏi. Ban đầu tôi vốn không định tắm vì trời quá lạnh, tôi cũng chẳng còn bộ quần áo nào để thay. Nhưng mùi máu tanh, mùi tử khí của hai cái xác chết từ lúc ngồi trên xe bọn Tiểu Triệu đến giờ làm tôi cảm thấy khó chịu. Tôi đành đi cùng với bà Xuân tới một cái buồng tắm được xây phía sau căn nhà.
Buồng tắm rất nhỏ, chỉ đủ cho một người đứng ở bên trong để dội nước. Tôi cẩn thận tháo đôi tất đang cộm lên vì tiền, sau đó nhét xuống dưới áo khoác. Sợi dây chuyền còn vướng ít tóc của cô bạn gái kia, cùng với túi gấm có chứa tóc và mảnh áo phao của đứa bé con bị chết lần trước, tôi cũng cài vào trong túi áo. Một chiếc đũa tre, cùng cây bút bi làm vật phòng thân thì đặt ở ngay tầm với của tôi. Lỡ như có gì bất trắc xảy ra, tôi đều có thể ứng phó kịp thời.
...................................
Nước nóng dội xối xả trên nền đất ẩm khiến cái lạnh chỉ được vơi đi phần nào. Lúc tôi đang tắm, bỗng chợt cảm thấy có một ánh mắt nào đó đương nhìn mình.Tôi hơi hoảng hồn quan sát xung quanh. Ở hướng bắc của phòng tắm, có một cái lỗ nhỏ bị ai đó khoét ra. Vết khoét còn mới lắm, tôi nhìn vào đó thì thấy một đôi mắt già nua đục ngầu đang nhìn mình chòng chọc.
Tôi giật mình gọi bà Xuân ầm ĩ. Cả hai đều biết bản thân mình đã bị đối phương phát hiện. Người bên ngoài vẫn còn muốn nhìn thêm, liền bị tôi dùng gáo nước nóng tạt vào bức vách. Tôi nghe thấy bên ngoài có tiếng đàn ông kêu la rồi bước đi loạng choạng.
Sự việc xảy ra chỉ trong một tích tắc, nhưng nó khiến tôi cảm thấy sợ vô cùng, sợ hơn cả việc nhìn thấy vong hồn lai vãng xung quanh đây. Tôi nhanh chóng mặc lại quần áo, nhét tiền thật sâu vào trong tất, cái bút bi và chiếc đũa tre lại trở về vị trí cũ. Xong xuôi, tôi lập cập bước ra ngoài, bà Xuân đã đợi sẵn ở cửa. Tôi không lên tiếng, bà Xuân cũng không mở lời. Chúng tôi đều biết rõ chính lão Kiệm gù lưng là người rình trộm tôi tắm vừa nãy. Tôi nhất định phải rời khỏi đây thật nhanh, xa thật xa chỗ lão già biến thái này. Nghĩ thế nên khi trở về phòng, tôi lấy từ dưới chiếc tất ra một ít tiền. Tôi đếm chừng chỗ này khoảng ba ngàn tệ, rồi cầm chắc trong tay, chờ bà Xuân đến.
...................................................................
Đêm hôm đó, bà Xuân lại mang khăn mặt đến cho tôi. Không biết rằng, những người con gái bị liệt vào hạng một đùi gà và màn thầu hỏng có được hưởng đãi ngộ giống tôi không. Tôi không có nhiều thời gian để suy nghĩ vẩn vơ chuyện đó, vừa trông thấy bà ấy, tôi vội vàng nói ngay:
“Cháu có việc muốn nhờ cô!”
Tôi toan nói thì đã thấy trên tay bà Xuân có vài vết thương bầm tím, tay còn lại xuất hiện một vết xước rất dài. Tôi vội hỏi:
“Thằng già ấy đánh cô à?”
Bà Xuân gật đầu, rươm rướm nước mắt. Càng lúc tôi càng có cảm giác người phụ nữ này hệt như đã bị lão Kiệm ngược đãi đến mức quên mình là con người. Tôi khẽ cầm lấy tay bà Xuân rồi nói thật khẽ:
“Cháu muốn nhờ cô một việc. Cô có thể đi tìm cho cháu một bà thầy bói được không?”
Thấy tôi nói năng lạ lùng, bà Xuân ngây người ra dường như không hiểu. Tôi nhét vào trong tay bà ấy 3 ngàn tệ, rồi thì thầm vào tai:
“Số tiền này một nửa cô đi tìm thầy bói rồi dặn họ nói theo lời cháu. Một nửa cô giữ lại mà phòng thân...lão Kiệm sắp chết đến nơi rồi.”
Có lẽ từ khi bị bán về đây, bà Xuân chưa bao giờ thấy một đứa con gái lạ lùng như tôi. Nay lại thấy tiền, bà ngơ ngác đến độ không sao hiểu nổi. Bà hỏi lại tôi:
“Ở đâu mà cháu có số tiền này?”
Tôi lắc đầu:
“Cháu giấu được. Đây là toàn bộ số tiền cháu có. Cô từng kể cho cháu nghe trong thôn có một người tên là Lý Tam có một bà mẹ hành nghề thầy bói phải không? Cô cứ làm theo lời cháu.. Nhất định trước khi rời đi, cháu sẽ cho cô tiền để tìm cách về Việt Nam.”
Nghe tới hai từ Việt Nam, bà Xuân dường như không tin nổi vào tai mình. Bà lật đật rời đi trong đêm. Tôi không biết nhà Lý Tam ở đâu trong thôn này, nhưng bước tiếp theo trong kế hoạch của tôi nhất định phải có một bà thầy bói giúp sức. Nếu không thì e chừng tôi chưa kịp bỏ trốn thì đã vác bụng bầu. Người ta mua vợ, chủ yếu là để sinh đẻ. Để bảo vệ mình, buộc lòng tôi phải dùng đến chiêu hiểm. Tôi đã dặn dò bà Xuân trước khi đi rất kỹ lưỡng, bà ấy sẽ biết phải nói thế nào với mẹ con nhà Lý Tam.
Ngày trước tôi đọc sách, từng nhớ có một câu nói rất hay của người Trung: “Có tiền cũng có thể sai khiến được ma quỷ”. Vậy thì lần này, tôi sẽ thử xem sao....
.......................................................................
Hết hồi 7
Mời Bạn Xem tiếp Chap 12 : Tại Đây
Đăng nhận xét