Truyện ma Việt Nam "Ngủ cùng người chết" chap 10

 𝐇𝐨̂̀𝐢 𝐭𝐡𝐮̛́ 𝟕

Xem Lại Chap 9 : Tại Đây

Đêm đầu bà Xuân bị mua về đây, lão Kiệm cũng chuẩn bị cho bà một bát mì trường thọ, lão bảo rằng ăn thứ ấy là để cầu phúc. Bà Xuân khi ấy còn rất nhỏ tuổi, bụng lại đang đói cồn cào nên cũng không nghĩ gì mà ăn ngấu ăn nghiến. Thế nhưng khi chưa kịp ăn tới miếng cuối cùng, toàn thân bà hệt như có lửa đốt. Đôi mắt bà nhòe đi, trời đất như chao đảo rồi bà nhìn thấy lão Kiệm đứng ở cửa cười hềnh hệch.

Một phút sau, bà chẳng còn biết gì nữa, khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau thì bà thấy mình nằm trên nền đất lạnh cóng, cả gian nhà vắng tanh không có một bóng người. Toàn thân bà vừa đau đớn, vừa ê chề tủi nhục, bà bưng mặt khóc nức nở. Lão Kiệm lại đem nhốt bà ở chuồng dê rồi khóa cửa lại ngăn cho bà trốn chạy.


Những người trong thôn Bạch Thủ thấy lão Kiệm có vợ mới thay cho Đại Doanh, thế là lục tục đến đòi làm cỗ uống rượu. Lão Kiệm đương cao hứng, nhận lời ngay không cần suy nghĩ. Ở trên nhà ăn uống linh đình, trong chuồng dê một mình bà Xuân nghĩ đến số phận của mình, của mấy đứa em mà muốn đập đầu chết. Bà quan sát thật kỹ cái chuồng dê, ngoài bốn bức tường ám khói cùng với nền nhà đầy phân bẩn thỉu thì chẳng còn gì để cho bà chết cả. Bà toan đập đầu vào bờ tường thì đúng lúc ấy có một đứa trẻ con đến trước cổng chuồng để nhìn bà.

Vừa thấy bà ngồi trong đó, nó vội vã vất miếng thịt xiên nướng về phía bà rồi chạy biến mất. Bà Xuân ngừng chết, nhặt lấy xiên thịt rồi cắm cúi ăn. Hương thơm của thịt dê nướng khiến cho bà tỉnh táo trở lại. Phải rồi! Mình còn sống thế này mà chết thì phí quá. Thế là bà quyết định không chết nữa, bà sẽ cố gắng hòa nhập với cuộc sống ở nơi đây, cố gắng chấp nhận con cóc ghẻ kia để tìm cách trở về Việt Nam.
Một năm sau đó, lão Kiệm thấy bà ngoan ngoãn nghe lời thì cũng không còn cảnh giác như trước. Bà Xuân không còn phải ngủ ở chuồng dê nữa mà đã được vào nhà. Thỉnh thoảng lão Kiệm gù còn mua cho bà thêm manh áo mới. Không phải vì lão cảm thấy phải bản thân phải đối xử tốt với bà, mà chỉ đơn giản rằng lão muốn người ngoài khen ngợi mình mà thôi. Đêm giao thừa ở Trung Quốc gọi là đêm trừ tịch, hôm ấy tuyết rơi rất đậm.

Lão Kiệm ngà ngà uống rượu say rồi ném tiền sai bà Xuân đi mua thêm rượu. Lần đầu tiên kể từ khi về tới đây lão cho bà cầm tiền đi ra ngoài một mình. Bà Xuân quyết định bỏ trốn khỏi thôn, ấy thế mà chưa chạy ra khỏi đường lớn thì đã bị đám thanh niên trong làng bắt lại áp tải về thôn. Trong mắt họ, người nào đã bước tới nơi này, dù cho là tự nguyện hay bị bắt cóc đem bán thì cũng đều là người của thôn, nếu không được phép thì vĩnh viễn không bao giờ thoát khỏi nơi này.

Sau vụ bỏ trốn không thành vào đêm trừ tịch ấy, bà Xuân bị lão Kiệm đánh đập rất dã man. Cũng kể từ lúc đó, bà mới biết được lão già gù trong nhà này bắt đầu trở thành một đầu mối để mua bán thiếu nữ và trẻ em từ mạn biên giới tới đây. Hễ ai trong thôn, hoặc người ở nơi khác có mong muốn tìm vợ hoặc có con đều đến nói với lão Kiệm. Lúc đó, lão sẽ liên hệ với bọn thằng Ngụy, hoặc gã Phàm cùng mụ béo tên là Sảng để tìm hàng đưa đến.


Nhanh thì tuần trước đặt, tuần sau sẽ có luôn, chậm thì vài tháng, có khi phải cả năm. Giá cả mua bán từng người cũng không giống nhau. Đối với phụ nữ thì mức tiền sẽ dựa vào độ tuổi và nhan sắc, càng trẻ trung xinh đẹp thì giá lại càng cao. Ít nhất cũng phải tám ngàn tệ, không thì cũng phải mười ngàn tệ. Trẻ con càng nhỏ bán càng được giá, con trai sẽ bán đắt hơn con gái. Tôi nghe bà Xuân nói mà cảm thấy nhiệt độ xung quanh như giảm đi vài phần, căn nhà này giống như một hầm băng vô hình, vĩnh viễn chẳng có ánh sáng, cũng chẳng có tình người.

Thấy tôi ngẩn người ra, bà Xuân khẽ cười buồn rồi vuốt lấy mái tóc tôi nhẹ nhàng nói:

“Phụ nữ bị bán ở đây đa phần là bán để làm vợ. Nhiều người không thể cưới được vợ do quá nghèo hoặc dị tật, hoặc đơn giản là không tìm được ai để sinh con sẽ đến nhờ lão Kiệm. Những người xinh đẹp như cháu, bọn thằng Ngụy sẽ gọi chung là hai đùi gà. Trong khẩu phần ăn thỉnh thoảng sẽ có hai chiếc đùi gà để tẩm bổ cho cháu thêm phần tươi tỉnh.

Những người xấu hơn thì gọi là một đùi gà, còn người xấu nhất bán giá rẻ nhất thì gọi là màn thầu hỏng. Cháu xinh đẹp như thế này, chắc chắn người mua cũng phải là gia đình có tiền. Thường thì lão Kiệm sẽ lấy giá gấp đôi.”

Tôi nghe bà Xuân nói thế mà muốn khóc. Ngay giờ đây tôi còn không biết ai sẽ mua mình. Rồi mình sẽ được mang đến đâu. Con đường trở về Việt Nam sao mà càng ngày càng xa xôi đến thế? Tôi sụt sịt một lúc rồi ngập ngừng hỏi bà Xuân:

“Vậy...vậy đứa con của cô.. cũng bị...”

Gương mặt bà Xuân đang nhìn tôi buồn bã, vừa nghe thấy vậy liền sa sầm sắc mặt. Tôi có cảm tưởng như bà đang hồi tưởng lại một điều gì đó rất đỗi khổ tâm. Giọng bà nghẹn lại:

“Năm ấy cô mang thai đứa con đầu lòng. Người trong thôn ai cũng bảo, bụng nhọn như thế này chắc chắn là sinh con trai. Ban đầu lão Kiệm gù cũng vui lắm, lão cho cô được ở nhà trên, được ăn uống ngon miệng. Một vài người bị mua về làm vợ khi sinh con thì được nhà chồng cho về Việt Nam. Cô cứ nghĩ rằng, bản thân mình cũng được như thế. Nếu vậy thì cô sẽ... sẽ đi tìm mấy đứa em của mình. Cô sẽ nhờ công an để người nhà. Biết đâu...

Bà Xuân thở dài một tiếng rồi khẽ đưa tay lau nước mắt. Giọng nói của bà mỗi lúc một khàn đặc:

“Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, mùa đông vừa đến thì cũng là lúc lớp vảy nến trên người lão càng lúc càng nhiều. Lão mời một gã thầy bói từ đâu về để xem phong thủy cho cái nhà này, gã thầy bói nói rằng đứa bé trong bụng cô xung khắc với lão, nếu để cho nó sinh ra đời chắc chắn lão sẽ không toàn mạng.


Ban đầu cô không hề biết điều này, nhưng từ sau khi gã thầy bói kia rời đi, cô nhận thấy thuốc an thai mình uống có vị khác hẳn mọi khi. Cô hỏi thì lão nói rằng sắp sinh nên đổi thuốc. Lúc đó trong lòng cô có chút nghi ngờ... Đến đúng đêm trừ tịch, tuyết cũng rơi như năm nào, cô hạ sinh một đứa bé.

Chỉ có điều.... đứa bé khi sinh... phần đầu bị lõm vào trong...ở giữa môi có vết nứt chạy thẳng lên vòm miệng nhìn giống hệt một con ếch. Bà đỡ trong thôn hoảng sợ quá vội kêu ầm lên, những người khác tới xem rồi đòi giết thằng bé...

Lúc đó.. lúc đó cô còn đau lắm, dây rốn nối liền giữa cô và thằng bé còn chưa cắt. Từ bên ngoài người ta chạy đến đòi đem con cô đi cúng thần linh trên núi, nhằm mong cho thôn Bạch Thủ này không còn người chết trẻ nữa. Tục lệ tế sống này cô đã từng nghe qua nhưng... nhưng có nằm mơ cũng không nghĩ là nó sẽ xảy đến với con mình. Nhìn thấy đứa bé nhỏ xíu thoi thóp ở trên tay, không bao lâu nữa là chết, lão Kiệm dửng dưng đòi cô phải giao con cho lão để lão bán đi kiếm chút tiền.

Cô gắng sức gào lên rồi dùng chân đạp vào người lão. Đàn bà khi sinh ai chẳng máu me đầy người. Lão sợ máu nên chạy đi để tìm người. Chỉ còn lại cô và đứa bé trong phòng. Cả hai đều sắp chết. Thế là... thế là... cô gắng hết sức bóp mũi cho đứa trẻ chết... nó tím dần rồi ngừng thở....”

Tôi điếng người, bà Xuân nửa gào nửa khạc ra một nỗi khổ tâm từ tận tâm cam. Tiếng kêu khô khốc đập vào vách tường rồi vọng lại. Tôi có cảm giác như bà Xuân đã chờ đợi ngày này từ rất lâu để có thể dốc hết nỗi lòng của mình nói cho một ai đó. Tôi không nhận ra gương mặt của mình nhạt nhòa nước mắt. Chúng tôi, hai thế hệ, nhưng cùng một tình cảnh trớ trêu. Làm gì có ai có thể khẳng định rằng mình liệu có khốn khổ hơn người khác.
Bà Xuân cố gắng nguôi đi cơn xúc động rồi chỉ vào bát mì nguội ngắt, đoạn nói với tôi:

“Bát mì kia lão Kiệm bắt cô phải cho thuốc vào rồi ép cháu ăn cho lão dễ hành sự. Ngày mai, hoặc ngày kia, gia đình người mua cháu sẽ đến đây. Cho nên cô gái nào vào trong ngôi nhà này cũng bị lão Kiệm cưỡng bức. Có lần... lão...lão quá tay đánh đập trong cơn say rượu còn làm cho người ta co giật rồi chết nữa. Mấy lần rồi...”

Toàn thân tôi khẽ run lên khi nghe thấy điều đó. Một tiếng gà trống ở đâu gáy vang trời. Biết trời sắp sáng, tôi khẽ hỏi bà Xuân:

“Vậy... tại sao cô lại giúp cháu..? Có phải là vì cháu... cháu nhìn thấy con trai của cô không? Em ấy... em ấy vẫn theo cô đấy.”

Bà Xuân nhắm mắt lại nhưng hai hàng nước mắt vẫn tuôn không ngừng. Phải độ một phút sau, bà mới khẽ chạm vào gương mặt tôi rồi nghẹn ngào:

“Cháu giống lắm. Giống hệt như cái Hạ nhà cô. Con bé... con bé bị bắt cóc cùng với cô, cho đến giờ cô cũng không biết là nó còn hay mất. Nhìn thấy cháu, cô... cô cứ nghĩ là nó trở về.”
Tôi nghe thế thì òa lên khóc. Có vẻ như tiếng khóc đã trở thành một thứ âm thanh quen thuộc trong ngôi nhà này, cho nên chẳng có ai, thậm chí ngay cả bầy chó cũng chẳng lấy làm lạ khi nghe thấy tiếng người nào đó nức nở.


Bên ngoài, lại có tiếng chim hót ríu rít của buổi sớm mai. Cảnh vật bên ngoài vẫn yên lành, chẳng hề biết rằng, trong lòng tôi lúc này đang sôi sục ý định muốn thoát khỏi nơi đây. Lần đầu tiên trong đời, tôi muốn giết người để báo thù cho chính mình, báo thù cho cả những người không quen biết.
........................................................
Tôi hít một hơi thật sâu, trong đầu tôi lúc này hệt như có ngọn lửa đang rừng rực cháy. Rà soát lại câu chuyện từ lời của bà Xuân kể đêm qua, tôi có thể nhận thấy hai điều rất quan trọng. Thứ nhất, bà Xuân rất căm hận lão già gù lưng trong nhà này. Điều này hẳn là rất hiển nhiên. Thế nhưng, cuộc đời thì không bao giờ giống trên phim hay tiểu thuyết, lòng căm hận phải sử dụng đúng chỗ mới có thể phát huy tác dụng. Thứ hai, lão già gù lưng Trần Kiệm và cả thôn dân ở cái làng này đều cực kỳ mê tín. Vừa hay tôi có thể nhìn thấy ma... Để bảo vệ mình khỏi việc bị lão già làm nhục, cũng như tìm cơ hội để trốn thoát khỏi đây, nhất định tôi phải xoay xở nghĩ ra một cách.

Trong đầu tôi chợt nhớ đến người thanh niên nhìn thấy vong hồn của cô Đại Doanh treo đèn lồng trước cửa nhà lão Kiệm. Theo như lời của bà Xuân thì bà mẹ của gã là một thầy bói. Tôi cười buồn, ở đâu cũng vậy, phàm là những kẻ làm ác thì lại càng nơm nớp lo sợ chuyện quỷ thần. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi. Được lắm! Nếu người ta đã tin thì tội gì tôi không giả thần giả quỷ?
_____________________________

Lời Nói Từ Tác Giả :

Trong phần thứ 7 kế tiếp, mình sẽ tái hiện lại cảnh bán người thực sự như thế nào... những cô gái bị gia đình mua người đến xem mặt ra sao... Linh sẽ làm gì để giữ bản thân mình không bị cưỡng bức... Chắc chắn mọi ng sẽ thấy rất bất ngờ, khi mình đọc tài liệu cũng có cảm giác y như vậy. Thì ra ở Việt Nam chúng ta nhận thức của con người còn văn minh hơn nơi khác rất nhiều.

Cảnh bán người là hoàn toàn có thật, do chính nạn nhân khi được các chiến sỹ công an và bộ đội biên phòng cứu về kể lại. Mình nhớ cách đây hai năm Beatvn cũng có lên 1 bài viết như này.

Tất cả sẽ được tái hiện trong hồi thứ 7. Mọi ng ủn mông, Bấm vào quảng cáo trên webiste và bình luận để động viên mình nhé.

Chúng Tôi sẽ Cập nhật chap 11 sớm nhất có thể

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn