Tác giả : Ngọc Trâm
Bà Hai từ dưới ghe nhìn lên căn nhà ba gian, buồn rầu não ruột nói nhẹ với người chèo ghe :
_ Chú dừng ở đây giùm tôi !
Ghe chèo hướng mũi vào bờ đất, bên cạnh bụi chuối xiêm, chưa lên bờ thì dưới ghe bà đã nghe vọng từ trong nhà ra tiếng cự cãi. Bên trong nhà là Toàn, đang quỳ gối cầu xin bà Tuyết :
_ Con quỳ lạy mẹ, mẹ cho con với em Lụa ở chung đi mẹ, em ấy mới sanh con, là cháu nội của mẹ, tụi con có tội tình gì đâu mà mẹ ngăn cản tụi con, tội nghiệp tụi con đi mẹ !
Bà Tuyết đập bàn, giận dữ nhìn con trai, vừa nói vừa đay nghiến :
_ Đừng hòng, loại con gái không biết thân biết phận, hư thân mất nết, mẹ mày đã cho nó thời gian để sanh đẻ, nhận cháu về nuôi đã là phước ba đời của nhà nó tích góp ! Còn dâu nhà này phải là do tao chọn, mày ăn bùa mê thuốc lú gì của nó mà mày ngu vậy con ?
_ Con với em ấy có con chung rồi mà mẹ !
_ Cái loại đó chỉ ham tiền bạc cái nhà này, mày dễ dụ quá mới bị nó gài cho ăn ở rồi có bầu, tất cả là do bà mẹ nó không biết dạy nó mới để nó có bầu trước cưới, mẹ nói rồi, con dâu nhà này chỉ có con Thắm xóm trên, còn mày thấy vướng bận chuyện đứa bé, tao cho người nhấn nước nó rồi đem chôn, giờ mày lấy con Thắm hay đứa nhỏ kia chết…!
Bà Hai nghe được những lời cay nghiệt ấy, hàng mi vừa rơi lệ đã vội gạt đi, nói với người chèo ghe :
_ Thôi, chú cho tôi về đi !
Chiếc ghe càng lúc càng chèo xa khỏi căn nhà ấy, nhưng những tiếng đay nghiến kia vẫn cứ tiếp tục được vang vọng. Bà Hai ngồi trên ghe, hồn thơ thẩn ký gửi theo hàng dừa nước mọc ở mép bờ :
_ "Người ta đã như thế rồi, có để nó về làm dâu thì cũng như đem con gái của mình vào chốn quỷ môn quan, chỉ mong thằng bé sau này lớn lên có thể hiểu chuyện mà nhận mặt mẹ của nó"
Bà Hai về nhà, trong căn nhà lá nhỏ, một người con gái, gương mặt tèm lem nước mắt, đầu tóc cũng không gọn gàng, hai bên lỗ tai còn bịt gòn trắng, trông cô cũng đã rất mệt mỏi. Thấy bà Hai bước vào trong, cô vội vàng ngồi dậy, ánh mắt hi vọng :
_ Mẹ, con của con đâu, nó đâu mẹ ?
Bà Hai ôm chầm lấy con gái :
_ Thôi đi con, mẹ sợ mình làm căng quá, bà Tuyết giết cháu mẹ, bà Tuyết là người như thế nào con cũng biết mà, chỉ trách mình thân phận nghèo, không nói được ai, thương con của mẹ…!
Lụa nghe mẹ nói lòng vòng, lại rơi nước mắt :
_ Con của con không về được sao mẹ ?
Bà Hai chua xót ôm lấy con gái, nghẹn đến mức không nói nên lời. Lụa cũng ôm chầm lấy mẹ, không hỏi thêm điều gì nữa. Cô chỉ trách mình đã trèo cao, làm cho mẹ phải xấu hổ. Đến cả đứa con mình đứt ruột sinh ra cũng bị người ta giành quyền nuôi.
Phía bên căn nhà ba gian kia, đứa trẻ khóc vì khát sữa nghe mà đứt ruột, bà Tuyết cũng chịu khó đi xin sữa của hàng xóm cho đứa bé. Suy cho cùng nó cũng là cháu của bà, chỉ là mẹ của nó không phải người bà mong muốn, không môn đăng hộ đối với nhà của bà. Nửa đêm, Lụa vì không chịu nổi cảnh mất con, cô có thể không liên lạc gì với Toàn nữa, nhưng con phải để cô nuôi.
Đội cái khăn mỏng trên đầu, Lụa lén mẹ đi xuống xuồng ba lá, tấm thân mỏng manh còn trong tháng đứng chèo cái xuồng lớn hướng đến nhà của Toàn. Gió đêm thổi lạnh cả thân xác người mẹ trẻ, nhưng nó không cản được Lụa đến với con. Chiếc xuồng ba lá cỡ trung, để hai mẹ con bán đồ tươi trên sông kiếm sống. Khi đêm xuống, hàng chưa bán hết được chuyển cất vào nhà, nên chiếc xuồng nhẹ tênh. Đang lênh đênh, cô nhìn thấy cha đang ngồi trước mũi, cha nhìn cô lắc đầu. Lụa không kìm nén được cảm xúc mà rơi lệ :
_ Cha ơi, con nhớ con của con quá rồi !
Nhìn tình cảnh con gái như vậy, có người cha người mẹ nào không xót xa. Ông tiến lại gần con gái, đặt tay lên tay của Lụa, vẻ mặt ông buồn bã nhưng chất chứa nhiều cảm thông, rồi từ từ biến mất. Từ phút đó, cô chẳng hiểu sao mình đi giữa đêm nhưng không còn cảm giác thấy lạnh buốt nữa. Đến nhà của Toàn, cô lên bờ đập cửa :
_ Trả con lại cho con, dì ơi, nếu dì không thương con, không chịu con thì trả con của con đi dì, con hứa là con không tới làm phiền dì nữa, không làm phiền anh Toàn nữa, làm ơn trả con lại cho con đi !
Bà Tuyết ở trong nhà nghe tiếng của Lụa liền đi ra ngoài :
_ Đi ra khỏi đây, không tao đánh gãy chân mày !
Lụa quỳ xuống van nài :
_ Dì ơi dì trả con của con đi dì, con hứa là con sẽ đi thật xa, không làm phiền dì với anh Toàn, con lạy dì !
Lụa luôn miệng cầu xin bà Tuyết :
_ Dì ơi trả con cho con đi dì !
Mắt bà Tuyết long lên sòng sọc, nhưng cũng sớm tính được chuyện này, dùng giọng nhẹ nhàng mà khuyên Lụa :
_ Thôi con về đi, con đã nói không làm phiền gì tới thằng Toàn thì dì đây cũng không làm căng làm gì, biết điều thì ổn thỏa cả thôi. Nhưng dù sao nó cũng là con của thằng Toàn, thì để nó ở lại đây nuôi cho tròn ngày tròn tháng. Dì làm lễ cúng cho thằng nhỏ, rồi trả nó cho con !
Lụa ngây thơ hỏi lại :
_ Dì nói thiệt không dì ?
Vẫn là giọng ngọt ngào :
_ Thiệt, dì chỉ muốn cúng cho nó mâm đầy tháng để trọn tình trọn nghĩa rồi trả con lại cho con, chứ để nó ở đây cũng cản trở hạnh phúc của thằng Toàn !
Lụa lau vội dòng nước mắt :
_ Dạ, vậy thì con về, đầy tháng thằng Thành con sẽ tới nhận con !
Bà Tuyết chỉ 'ừm' một cái trong họng. Nhìn Lụa đi xuống xuồng rồi mới trở vào nhà. Lụa chèo xuồng đi về mang theo niềm tin rằng bà Tuyết sẽ trả con lại cho mình. Vừa về đến nhà, đã thấy bà Hai đứng ở cửa ngóng xuống sông. Tuy Lụa không nói nhưng bà Tuyết thừa biết con gái đã đi đâu :
_ Con ơi là con, sao mày liều vậy? Nửa đêm nửa hôm mày đi tới đó !
_ Bà Tuyết nói khi thằng Thành đầy tháng sẽ trả lại con cho con. Ổn rồi mẹ ơi, bà ấy chỉ muốn làm mâm cơm đầy tháng cho thằng nhỏ xong sẽ trả lại !
Bà Hai đưa đôi mắt ngấn lệ nhìn con rồi gật đầu :
_ Ừ, con vào ngủ đi, đầy tháng thằng nhỏ hai mẹ con mình tới đón cháu !
Hai mẹ con vào nhà, chỉ có Lụa là ngủ được do bản thân đã mệt nhoài. Còn bà Hai cứ trằn trọc mãi không thôi. Bà sống ở từng tuổi này rồi, đầu hai thứ tóc cũng đủ biết bà Tuyết là người không đơn giản như thế được.
Căn nhà ba gian ấy thiếu bóng dáng của bà Tuyết từ sớm, đến khi bà về, Toàn đã hỏi :
_ Sáng sớm mẹ đi đâu vậy ?
Bà Hai nựng đứa cháu trai rồi trả lời :
_ Con coi coi, chuẩn bị đám với con Thắm, gia đình hai bên bàn xong hết rồi !
Toàn không hài lòng trước cuộc hôn nhân mà mẹ sắp đặt, tuy anh và Thắm là bạn tốt cùng nhau lớn lên từ nhỏ, nhưng người anh thương chỉ có Lụa, cô gái nghèo thật thà, dễ thương , theo mẹ bán hàng dưới sông. Toàn tỏ thái độ sau câu nói của mẹ :
_ Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên hả mẹ ?
_ Mẹ cũng chỉ muốn tốt cho bây, cứ nghe lời mẹ, bổn phận con cái là phải báo hiếu cho mẹ cho cha !
Toàn bị mẹ mình đặt lên bàn cân bên hiếu bên tình, khiến cho anh phải khó xử. Anh bỏ đi ra khỏi nhà, đến xóm trên tìm gặp Thắm :
_ Em nói với cha mẹ là không có cái đám cưới nào đi, coi như anh xin em !
Thắm nhìn Toàn :
_ Em không đủ tốt hay sao? Cái đám của mình được mọi người chúc phúc, mong đợi, hơn nữa mình còn lớn lên cùng nhau…
Toàn ngắt ngang lời Thắm :
_ Em biết là anh thương Lụa mà !
_ Nhưng còn em thì thương anh, em sẽ cố gắng làm người vợ tốt, đảm đang, hiền hậu, thương thằng Thành như con ruột… !
_ Em thôi đi !
_ Em sẽ bằng mọi giá chiếm được trái tim của anh !
Vừa nói, cô vừa cởi cái nút đầu tiên của áo bà ba.
_ Em thôi ngay, anh không phải là người ham muốn xác thịt !
Toàn quay lưng bỏ đi, Thắm tức giận nói lớn :
_ Không ham muốn xác thịt mà anh với con Lụa có bầu với nhau ?
_ Vì anh thương Lụa, anh muốn có con với cô ấy, Lụa ngoan hiền, chăm chỉ, còn em, anh chỉ xem em như một người bạn, một tri kỷ, khác với tình thương !
_ Ngoan hiền? Ngoan hiền mà… hơ? Gái chưa chồng mà có bầu? Ngoan hiền chỗ nào vậy?
Toàn giận đỏ mặt đi về, từ sau hôm đó anh cứ kiếm cớ trốn tránh Thắm, mặc dù hai bên người lớn luôn tạo cơ hội cho hai bên gặp gỡ, nói chuyện như sui gia.
Phía bên Lụa, chỉ trong một thời gian ngắn từ đêm ấy về. Cả thân thể trở nên nặng nề mệt mỏi. Cho dù bà Hai có sắc thuốc bồi bổ nhưng tình trạng vẫn không khá khẩm hơn.
_ Bây làm mẹ rầu quá trời đi, non ngày non tháng lại chèo xuồng giữa đêm, giờ nó thấm vào người khó hết bệnh đây nè !
Lụa bây giờ cả người ê ẩm, đôi môi nhợt nhạt, giọng nói cũng yếu đi :
_ Con xin lỗi mẹ, để mẹ lo cho con quài !
Bà Hai cũng chỉ chắt lưỡi cho qua. Hôm ấy ông Hai đến nhà của một ông thầy, nhìn thấy người đứng trước cửa, thầy Lý mời vào :
_ Ông có chuyện gì? Sao lại đến đây? Ông tên gì ?
Ông Hai trả lời thầy Lý :
_ Xin thầy cứu con gái tôi, nó bị người ta hãm hại rồi !
_ Nhà ông ở đâu ?
_ Nhà tôi cách đây xa lắm, tôi xin thầy, rộng lòng từ bi cứu con gái tôi !
_ Sao ông không tìm người khác gần hơn ?
_ Tôi biết thầy là người tốt, chính trực mới đi nhờ thầy, tôi thật sự không thể bảo vệ con nhỏ khỏi những thứ ấy !
Nhìn linh hồn già nua, khổ tâm lo cho con gái đã chạm tới lòng trắc ẩn của thầy Lý, một thầy bùa ẩn tu.
_ Được rồi, sáng mai ông hãy quay lại đây, tôi sẽ đi cùng ông xem cho con gái của ông !
_ Dạ, tôi đội ơn thầy !
Thầy Lý xua tay :
_ Tôi với ông cũng trạc tuổi nhau, gọi tên đi, tôi tên Lý !
_ Dạ !
Ông Hai đi về nhà, đêm ấy ông về gặp vợ, trong mộng ông nói bà chuẩn bị trước cơm chay tiếp quý nhân. Bà Hai cũng nghe theo lời chồng, sáng ra đã chuẩn bị nấu mâm cơm chay. Hôm nay cũng không đi bán hàng tươi vì ở nhà đợi vị khách mà chồng bà nói đến. Ông Lý đi cùng ông Hai vào căn nhà nhỏ, ông Lý hỏi bà :
_ Chị đây có tin tâm linh tồn tại không ?
Bà Hai nhìn người trước mặt, liền cảm giác được đây là người mà chồng báo mộng đêm qua.
_ Mô Phật, tôi rất tin tâm linh !
_ Nếu như tôi nói, chồng của chị đến tìm tôi... liệu chị có tin không ?
Bà Hai rơm rớm nước mắt :
_ Thưa thầy, tôi tin chứ, đêm qua ông ấy cũng dặn tôi phải ở nhà đợi thầy đến cứu con gái tôi !
_ Chị tin thì tôi an tâm hơn rồi, tôi tên Lý, cứ gọi tên đi cho thân mật, tôi không làm thầy ai, nên chị đừng xưng như vậy !
_ Dạ, Mô Phật !
Thầy Lý vào nhà, thấy Lụa đang bệnh nằm đó. Sau khi tìm ra căn nguyên, ông hoá tro một tờ giấy vàng và đưa cho Lụa uống. Ông đặt tay mình lên hai đầu gối của Lụa :
_ Con có đau chỗ này không ?
Lụa gật đầu :
_ Dạ có !
Tiếp đến ông chạm vào hai bên vai, hai bên tay và bụng, mỗi lần chạm vào ông đều hỏi câu tương tự và được Lụa trả lời tương tự. Để Lụa ngồi thả chân xuống, thầy Lý dùng nhang mà bà Hai mua đốt cho chồng, vẽ hoả phù từ trên đỉnh đầu dọc từ trên xuống dưới gót chân. Cầm ba cây nhang trên tay, thầy Lý vẽ cách da của Lụa tầm hai cm, trời cũng không nóng, vậy mà cả thân thể Lụa chảy mồ hôi nhiều như tắm.
Điều làm cho bà Hai cảm thấy sợ hãi, là phần nhang rất nhanh bị đốt thành tro, dù có gió thổi để nhang nhanh tàn cũng không thể nhanh đến mức bất thường như vậy được, hơn nữa, tro nhang cứ dính khư khư trên cây, không rụng xuống, tạo ra một tro nhang dài thẳng như cây nhang chưa bị đốt vậy. Đến đoạn thầy Lý lớn tiếng :
_ Xuống !
Tro nhang mới thật sự rụng xuống đất, ông cho Lụa một vòng chuỗi bằng gỗ :
_ Chú mong con bình an vô sự từ nay về sau ! Từ nay cho đến lúc bị ói, thì không được ăn uống bất kỳ thứ gì cả ! Hơn nữa để tránh chuyện không may, con đừng tìm về đó làm gì, người kia mà biết con giải được bùa, sẽ tìm cách ếm nặng hơn. Hoặc là phải giả điên giả dại khi gặp người đó ! Mạng con còn hay mất, là do con !
_ Nhưng mà thầy ơi, còn con của con phải làm sao ?
_ Người ta cũng cần cháu để nối dõi, người kia trừ khi có thêm cháu trai khác mới không cần thằng bé kia thôi. Trước mắt con tự bảo vệ mình trước đi. Chú chỉ có thể giúp con hóa giải bệnh đau, không thể giúp con giành lại đứa bé !
_ Dạ, con biết rồi, con cảm ơn thầy !
Thầy Lý ở lại ăn cơm nhà của Lụa một buổi, hai mẹ con tiễn ân nhân một đoạn rất xa. Đến khi thầy Lý kiên quyết để hai mẹ con về thì họ mới về :
_ Sức khỏe con không có, tiễn đến đây được rồi, con về đi !
Hai mẹ con đồng loạt chắp tay thì bị thầy Lý ngăn lại :
_ Không cần phải làm vậy, thôi thầy đi, đừng tiễn nữa !
Sau khi tiễn thầy Lý, Lụa quay về nhà thì ói lấy ói để. Điều làm cô run sợ là lẫn lộn trong mớ mình vừa ói lại có một miếng da đầy lông lá, tanh hôi vô cùng. Bấy giờ Lụa mới biết rằng bà Tuyết là người thâm độc đến mức nào.
Từ ngày hôm ấy, Lụa toàn tâm ăn chay niệm Phật, mong những người thân yêu của mình luôn được bình an. Cô cũng thường xuyên đi chùa nhiều hơn, nhưng cũng từ ngày hôm ấy Lụa phải sống giả điên, giả dại trước mặt mọi người.
Thỉnh thoảng theo mẹ bán rau củ, đồ tươi dưới xuồng, cốt cũng chỉ mong nhìn vào căn nhà ấy, mong được nghe tiếng con khóc, nhưng giờ Lụa phải giả thành một con người khờ khạo, ngờ nghệch.
Vì sự an toàn của con gái, bà Hai cũng chôn giấu bí mật con gái mình hoàn toàn bình thường. Mặc kệ những lời ác ý của mọi người làm bà chua xót. Bà Tuyết sau khi biết Lụa đã bệnh, liền mừng thầm vì mục đích của mình đã đạt được. Sau đêm Lụa chèo xuồng đòi con, sáng sớm bà đã tìm thầy thư ếm người con dâu vốn không được bà công nhận.
Trớ trêu thay, người mà cô yêu, người mà nói một lòng một dạ cả đời thương cô. Con còn chưa đầy tháng, anh đã vội vàng đám cưới với người ta. Sau đêm anh rước người ta về làm vợ, mất con, mất cả người thương, cầm lòng không đặng cô ngồi khóc một mình ở sông. Bà Hai thương cho cảnh trái ngang của con gái, nhưng bà không biết làm gì hơn.
Đầy tháng của con, Lụa mua cho con vài bộ áo mới, gói thật kỹ rồi đặt trước cửa từ rất sớm. Nhưng món đồ ấy lại bị Thắm vứt xuống sông, Lụa âm thầm đứng một nơi rất xa, bẻ hoa bẻ lá cắm lên đầu phòng người đi ngang nhìn thấy. Cô nhìn con trai của mình từ xa, Thắm là người bế đứa nhỏ, bên cạnh còn có Toàn, người mà cô tưởng rằng sẽ là chồng của cô. Nhìn họ hạnh phúc bên nhau, tim cô đau như ai cắt.
Lụa ngồi ở đó đến tận khuya, đến khi không còn người tới lui nữa cô mới âm thầm lội xuống dòng sông, vớt những bộ đồ ấy đem về giặt sạch sẽ cất giữ. Cuộc sống của người nghèo chẳng hề dễ dàng. Trải qua một thời gian, sức bà Hai dần suy kiệt, Lụa thay mẹ đi bán hàng dưới xuồng, người ở đây cũng đã quen với Lụa, thừa nhận cô đã không còn tỉnh táo như xưa, vẫn mua hàng giúp cô và chưa bao giờ lừa gạt.
Thời gian thấm thoát trôi qua bảy năm, Thành giờ đây sắp được vào học lớp một. Bảy năm giả điên giả dại, một người đa nghi như bà Tuyết cũng đã tin cô bị bệnh từ lâu. Lụa từng ngày một chèo ghe bán đồ theo dõi con trai không sót một ngày. Dù không biết Lụa là mẹ, nhưng thằng bé thích Lụa lắm, ngày nào cũng theo cha ra mua đồ ủng hộ. Với cô, được nhìn con trai lớn khôn từng ngày, là điều làm cô hạnh phúc nhất. Đến tận trời tối, cô mới chèo ghe về với mẹ. Lúc chỉ có hai mẹ con, Lụa lại không phải gồng mình giả khờ nữa.
_ Mấy hôm nay trời giông gió dữ quá, con chèo cho cẩn thận, tranh thủ trời chưa triển mưa thì kiếm chỗ trú !
_ Dạ, con cũng quen như vậy bảy năm rồi, mẹ đừng lo lắng quá !
_ Không lo làm sao được, bữa nào mà trời mưa lớn là mẹ đứng ngồi không yên hà !
_ Con sẽ cẩn thận mà mẹ !
Hai mẹ con ngủ cùng nhau trong căn nhà nhỏ. Sáng sớm Lụa lại thức chuẩn bị đi bán hàng. Người ở đây nói Lụa khờ mà khôn, biết đi bán hàng, biết đi chùa, chứ đâu biết cô chỉ là đang giả vờ bị điên mà thôi. Trên cái xuồng lúc nào cũng mang theo một con búp bê cỡ như em bé, luôn nhận con búp bê ấy là con của mình. Nhiều khi chính bà Tuyết lại mượn cớ ra mua đồ hỏi cô xem thằng Thành và con búp bê ai mới chính là con của cô. Lòng ngậm ngùi mà Lụa vẫn phải giả vờ chỉ về con búp bê, bế nó trên tay mà ầu ơ như con nít thật. Nhờ vậy mà bà Tuyết mới thôi hoài nghi.
Nhiều lần bà cũng đi thầy khác xem nhưng họ vẫn không xem ra được Lụa là người tỉnh táo, căn bản đạo hạnh của họ thấp hơn thầy Lý năm nào. Cô cũng không quên ơn người đã cứu mình một mạng, cứ đến rằm hàng tháng, chèo một quãng đường rất xa đến để tặng trái cây cho ông. Chiều hôm ấy trời nổi gió to lắm, Lụa chưa kịp trở tay thì trời đã trút mưa, chiếc xuồng ba lá chao đảo trên sông lớn, Lụa đang loay hoay xoay sở thì Toàn lại ra ngoài bờ sông. Nắm dây kéo mũi xuồng vào gần bờ. Lụa thấy anh liền luôn miệng xua đuổi :
_ Đi đi, tránh xa ra, đừng lại đây !
Toàn lao xuống xuồng, ôm chặt lấy cơ thể đang vùng vẫy, mặc cho cô đánh anh rất đau nhưng anh không chịu buông :
_ Lên nhà anh trú mưa đi, giông gió lớn rồi không có sự lựa chọn cho em đâu, nhà hàng xóm cách đây tới con ruộng mấy chục công, em biết nó nguy hiểm mà !
Cô vừa phải giả khờ, vừa phải đánh anh bằng bao nhiêu tủi hờn :
_ Ra đi, tránh xa Lụa ra !
_ Bao năm qua anh vẫn thương em như ban đầu, anh cố chăm sóc cho con thật tốt, anh chưa từng ngủ với Thắm trong bảy năm qua, giữa trời mưa anh xin thề những lời anh nói là sự thật. Nếu sai nửa lời, trời đánh anh. Anh chỉ chờ khi mẹ nằm xuống, trọn đạo làm con, anh sẽ rước em về. Ngày nào anh cũng dắt con ra thăm em, em hiểu mà !
Lụa nghe xong phút chốc buông tay, mặc cho Toàn ôm mình. Không biết giữa anh và Thắm có ngủ cùng không, nhưng hiện tại họ vẫn chưa có con với nhau. Nhưng cô rất sợ bà Tuyết sẽ ếm bùa mình lần nữa, lại rất nhanh dốc sức đánh anh. Toàn ôm Lụa rất lâu, đến khi cả thân của hai người lạnh cóng vì mưa gió vẫn không buông nhau. Bên trong nhà, Thắm nhìn thấy tất cả liền quay đầu khóc lặng lẽ. Đến khi gió yên sóng lặng, Toàn vào nhà thay vội bộ đồ ướt, thấy Thắm nằm quay mặt vào trong giả vờ ngủ :
_ Anh xin lỗi, bao năm qua anh vẫn chưa dứt được tình cảm ấy !
Như bao năm qua, Thắm trả lời :
_ Em không sao, chỉ cần được làm vợ anh cũng đủ hạnh phúc rồi !
Toàn đặt tay lên tay Thắm :
_ Sắp tới lễ Vu Lan em đi với anh và con nhé !
Thắm liền ngồi dậy :
_ Anh cho em đi cùng thật à ?
_ Thật mà, năm nay mẹ tới thăm nhà bà con, để em một mình ở nhà thì sợ em buồn !
_ Dạ, để mai em coi may áo … !
_ Không cần đâu, mình đi chùa là vì cái tâm, với lại ba chúng ta có đồ hết rồi mà em may chi nữa. Ngủ đi em !
_ Dạ !
Anh thương Lụa, nhưng cũng cảm thấy áy náy với Thắm. Dành cho cô một chút thời gian coi như đền đáp tình nghĩa bảy năm qua. Đêm chùa làm lễ, Thành vào chùa với Thắm và cha, cài hoa hồng đỏ trên ngực trái, Thành hồn nhiên nắm chặt tay Thắm :
_ Vui quá à, năm nay có mẹ đi cùng nữa !
Thắm cũng rất vui vì bao chịu đựng sự lạnh nhạt suốt mấy năm qua, cũng chỉ mong ngày anh hồi tâm chuyển ý. Bỗng Thành chỉ tay vào đám đông :
_ Dì khờ cũng đi chùa kìa !
Toàn nhìn theo hướng tay của con trai, thấy Lụa đang được một Phật tử khác cài cho một bông hồng màu hồng nhạt.
_ Sao năm nào dì khờ cũng cài hoa màu đó vậy cha ?
_ Tại cha của dì Lụa mất rồi con !
_ Mất rồi bao giờ có lại vậy cha ?
Toàn nhẹ nhàng giải thích :
_ Cha mẹ chỉ sống với ta ở cuộc đời này một lần. Vì vậy phận làm con phải biết hiếu thảo trước khi cha mẹ mất rồi !
Trong tâm trí ngây thơ, Thành thốt ra :
_ Vậy là mất rồi là mất mãi mãi !
Thành chạy lại bên Lụa, cô thấy con trai thì mừng lắm, nhưng vẫn giả khờ giữa dòng người đi lễ :
_ Dì khờ ẵm con đi !
Lụa ẵm con trai, thằng bé hôn vào má cô một cái :
_ Thương dì khờ lắm, dì mất cha mới cài bông màu đó !
Phút chốc cô sững sờ, lòng vui đến đôi mắt ướt lệ. Toàn đi cùng Thắm lại gần :
_ Con lại nói gì để dì Lụa khóc rồi hả ?
Lụa liền xua tay :
_ Không có, không có đâu, hihi, Thành thương Lụa, thơm má Lụa, hihi !
Vừa nói, cô vừa tranh thủ hôn lại con. Sau buổi lễ về, dư âm nụ hôn của con trai khiến cô vui đến mức không ngủ được, nằm trong buồng mà cô cứ sờ mãi trên má. Thành ngoan lắm, sau khi đi chùa về lại càng ngoan hơn. Thấm thoát cũng đến ngày con vào học lớp một, sáng hôm đó khi Toàn ra mua đồ tươi, Lụa đưa cho anh một chiếc áo trắng :
_ Cho Thành… đi học, mặc đi, đẹp lắm !
Toàn ngồi xuống sàn lãng, nhìn chăm chăm vào Lụa :
_ Em biết Thành là con của chúng ta đúng không ?
_ Ai? Con ai ?
_ Hãy nói với anh rằng bao năm qua em giả khờ đi Lụa, anh không tin mẹ anh đi tìm thầy hãm hại em ra nông nỗi này !
Lụa cười ngờ nghệch, bế vội con búp bê :
_ Con Lụa nè, suỵt, nhỏ tiếng thôi, thằng bé nó thức đó !
Toàn bất lực, cầm cái áo quay vào nhà. Thắm nhìn thấy cái áo mới, hỏi chồng :
_ Ủa? Sao anh mua thêm vậy ?
_ À, anh thấy nó đẹp mà rẻ nên mua, em coi, vải dày quá nè !
_ Dạ !
Cứ ba hôm, Thành sẽ mặc áo của Lụa đi học một lần. Cô rất vui khi thấy con ngồi trên xe đạp với cha tới trường. Cô cũng đổi chỗ bán, bắt đầu mua thêm bánh, chèo xuồng tới gần trường học của con trai. Cốt cũng chỉ muốn nghe con học đánh vần. Lâu lâu cô lại cho con trai bánh ăn vặt, thằng bé càng ngày càng thích cô hơn. Cuối năm học, cô đòi lại cái áo trắng của Thành đã mặc. Rồi lại đưa cho Thành một chiếc áo mới, cứ như thế mỗi năm một chiếc, size áo cũng lớn theo từng năm.
Thời gian ấy vậy mà trôi nhanh, mới đó Thành đã vào lớp 11, trong nhà của Lụa cất giữ mười cái áo sơ mi của con, mặc dù một vài cái nó lấm lem mực nhưng cô vẫn xếp, vẫn giữ rất kỹ chung với những bộ đồ hồi Thành mới một tháng tuổi. Phía trong còn có một vài cây viết đã hết mực, hoặc đã hư mà suốt những năm qua cô dụ con trai đổi đồ mới. Với cô, nó là gia sản lớn nhất.
Thành cũng bước vào tuổi vị thành niên, cũng là con trai nên thường đi chơi với bạn bè. Cậu đá bóng rất giỏi, thường xuyên ghi điểm về cho đội. Hôm ấy cũng thế, sau khi thắng áp đảo đội bóng của lớp trên, cậu được mọi người tung hô rất nhiều. Đội đối thủ cảm thấy bị một đội lớp nhỏ hơn đá thắng liền khó chịu :
_ Hơ, có gì mà tụi mày tung hô nó dữ vậy, nó chẳng qua là đứa con rơi con rớt của bà Lụa khùng với cha nó thôi, còn bà Thắm chẳng qua là vợ nhỏ của cha nó, mẹ của nó là bà điên !
Vài ba đứa đồng thanh :
_ Phải, mẹ tao cũng nói nó là con của dì Lụa khờ bán hàng dưới xuồng chứ không phải con của dì Thắm, mẹ của nó bị điên !
Thành nghe thế liền quát lớn :
_ Tụi mày nói láo, mẹ tao là mẹ tao, còn dì Lụa chỉ là dì thôi !
Một thằng to con, tiến lại gần :
_ Mày không tin thì mày về hỏi cha mày đi !
_ Mẹ tao tên Thắm, mày nghe rõ chưa !
_ Cho dù mày có không chấp nhận được nhưng mày vẫn là do bà khùng đẻ ra !
_ Không phải !
Thành chạy khỏi ấy, khỏi cái nơi mà cả đám hùa nhau nói rằng dì Lụa là mẹ của mình.
_ Mày chạy đâu vậy? Vẫn còn tiết thể dục mà !
_ Nói thầy tao mệt, tao nghỉ buổi này !
Thành chạy ra khỏi trường, Lụa từ dưới sông gọi lớn :
_ Thành ăn cơm chưa ?
Thành cảm thấy dì Lụa mình mến bấy lâu nay bỗng trở nên ghê tởm :
_ Bà im đi !
Thành chạy xe đạp về nhà, dưới sông, Lụa vẫn chèo đuổi theo con trai. Cô vẫn không hiểu tại sao Thành lại có thái độ ấy. Về đến nhà, Thành chưa vào thì đã nghe tiếng cha mẹ cãi nhau :
_ Gần hai mươi năm rồi, lúc nào anh cũng nhớ người đó, em ở với anh, làm vợ làm dâu nhà này mười bảy năm, vậy mà anh chẳng thương em lấy một ngày !
_ Em đừng có chuyện nhỏ xé ra to nữa. Anh chỉ là muốn giữ một chút kỷ niệm của Lụa thôi !
_ Anh là đồ ích kỷ !
_ Ích kỷ? Ừ thì sao? Vốn dĩ từ đầu em biết tôi không hề thương em mà, là em tự nguyện muốn gả vào cái nhà này, tôi cũng chỉ muốn làm mẹ tôi được an tâm mới lấy em về làm vợ. Quần áo, vàng bạc tôi cho em có thiếu cái gì đâu? Vì một cái khăn thêu mà em làm lớn chuyện ra !
_ Tại sao ? Rốt cuộc là tại sao, bao nhiêu tâm tư của tôi, chăm sóc cái nhà này, chăm sóc mẹ anh như thế mà anh vẫn không quên được con Lụa, nói đi !
_ Tại vì tôi không thể ở cùng người có dã tâm giống như em, vốn dĩ ngày tôi cưới em về làm vợ, tôi đã hứa với mình sẽ đối xử tốt với em. Nhưng mà tôi không ngờ, cô lại âm thầm bỏ bùa tôi !
Thắm cứng họng, mở to mắt nhìn Toàn. Anh vẫn tiếp :
_ Bất ngờ lắm đúng không? Mười bảy năm qua tôi chưa một lần chạm vào cô là do tôi ghê tởm cô. Tên thầy bùa mà cô tin tưởng suốt mười mấy năm qua đã bị tôi mua chuộc từ lâu rồi !
_ Phải ! Tôi dã tâm thì sao? Vẫn không ác bằng mẹ anh, chỉ vì chê con Lụa nghèo mà ếm bùa nó đến điên điên khùng khùng. Anh nói xem tôi với mẹ anh ai mới là người ác hơn? Nếu anh chịu thương tôi hơn một chút, tôi đã không phải dùng cách ấy !
_ Cha, mẹ !
Tiếng của Thành từ trước cửa vọng vào, làm cả hai giật mình.
_ Sao con về giờ này ?
_ Hôm nay con mệt nên về sớm !
Rồi Thành tiến lại bên Thắm :
_ Con thương mẹ, con chỉ muốn mẹ là mẹ của con thôi !
_ Con…?
_ Con là con của mẹ đúng không? Tụi nó nói con là con của bà Lụa điên, con không muốn !
Toàn nhanh như chớp táng cho con trai một cái trời giáng, cả Thắm và Thành đều không kịp trở tay :
_ Con không được nói dì Lụa như vậy ?
Thành ôm mặt, nhìn cha :
_ Cha đánh con? Vì một mụ điên mà cha đánh con ?
Toàn sắp cho con ăn thêm cái táng nữa thì Thắm đã vội can ngăn :
_ Đừng đánh con nữa !
Thành rất nhanh thoát khỏi lòng Thắm, chạy ra sàn lãng nhìn xuống chiếc xuồng ba lá :
_ Bà biến đi, cút đi, là do bà phá hoại gia đình tôi, tôi không có người mẹ điên !
_ Thành…?
_ Bà không được gọi tên tôi, ai cho bà tới đây để làm phiền tôi, bà lấy tư cách gì làm mẹ tôi !
Toàn cầm theo cây chổi chà hùng hổ lao ra :
_ Mày thôi chưa, ai dạy mày kiểu ăn nói hỗn hào như vậy ?
Lụa vừa khóc vừa nói :
_ Lụa không phải mẹ của Thành, đừng đuổi Lụa !
Dường như việc giả khờ ấy đã thành một thói quen, cô luôn miệng lặp lại câu nói, vừa bế vội con búp bê :
_ Đừng đuổi dì, con dì đây nè !
Toàn lao ra thẳng tay đánh con trai khiến con ngụy xuống. Lụa điếng hồn khi thấy Toàn đánh con như thế, trái tim cô như trễ nhịp khi thấy cảnh tượng ấy. Thành dù đau, dù rơi nước mắt vẫn hét lớn :
_ Cho dù bà không phải mẹ tôi thì bà cũng cút đi, đừng xuất hiện ở đây nữa. Tôi ghét bà !
Lụa với vội lấy mái chèo :
_ Lụa đi liền, đi liền !
Vừa nói mà nước mắt cứ rơi. Cô chèo đi thật nhanh mặc cho tiếng Toàn gọi :
_ Lụa, em đừng giận thằng Thành ! Mai lại ghé bán rau cho anh !
Từ sau hôm ấy, dù Toàn có thức từ sớm, ngồi ở sàn lãng đến khi mặt trời đã lên cao cũng không thấy Lụa chèo xuồng ngang nữa. Anh hỏi thăm mọi người mới biết Lụa chỉ còn bán ở xóm dưới và gần trường học mà thôi. Nhiều lần anh nài nỉ nhưng Lụa vẫn không bán nữa. Từ ngày con trai hỏi cô lấy tư cách gì để làm mẹ, cô cũng cảm thấy hổ thẹn. Không muốn làm phiền cuộc sống đang yên bình của con, chỉ ngồi ở xuồng nhìn con đi học.
Một mùa Vu Lan nữa lại đến, Thành đi cùng gia đình đến chùa, giờ đây cậu cũng đã hiểu được ý nghĩa của bốn màu bông hồng cài áo. Năm nay Lụa cũng đi, vẫn là màu bông hồng nhạt cài lên áo, nhưng năm nay Thành lại né tránh cô, xem như không hề thấy cô. Đứng giữa dòng người mà cõi lòng cô như chơi vơi, cô độc. Có lúc cô chỉ muốn chạy đến bên con, nói với con rằng cô không hề bị điên, nhưng lại sợ phá vỡ gia đình êm ấm của con nên cô thôi. Mỗi mùa Vu Lan, Thành lại được ngồi nghe giảng về lòng hiếu thảo.
Cậu cũng hiếu thảo với cha, với Thắm, với bà nội rất nhiều. Chỉ là trong cậu không thể chấp nhận được mình là con của người bị điên. Năm Thành học mười hai cậu bắt đầu đi chơi đêm với bạn bè, cậu cũng đâu để tâm rằng ở dưới sông, có một người phụ nữ âm thầm theo dõi từng bước đi của cậu, chỉ lo sợ cậu gặp nguy hiểm. Cứ lo cơm tối cho mẹ già xong, cô lại vội vã xuống xuồng chèo, đến khi con đi chơi an toàn về đến nhà, đến khi biết con đã ngủ sâu giấc, cô mới an tâm chèo xuồng về. Hai mái chèo tách đôi dòng nước, quay về trong đêm lặng lẽ, âm thầm.
Gần hai mươi năm giả điên, người con gái năm nào giờ đã bốn mươi, sương gió vô tình cũng làm cho cô trông già hơn tuổi. Tháng năm năm ấy, mưa thất thường lắm. Đêm ấy Thành đi chơi về, không muộn, nhưng hình như trong người đã có chút men. Gần sang được đầu cầu thì chẳng may trượt chân, cây cầu dừa không nhỏ, nhưng do dạo này trời mưa nên nó trơn hơn bình thường.
Thành vẫn đủ tỉnh táo để bơi vào bờ nhưng lúc này trời lại nổi giông, cuốn Thành ra xa bờ một chút ,trời đã vội trút nước. Giữa trời đêm, cậu chới với đập nước liên hồi, cho dù có cố sức cũng chỉ đủ làm cậu không bị trôi ra giữa dòng. Trong làn mưa đêm, Lụa không xác định được ai là người gặp nạn nhưng vẫn cố sức chèo xuồng đến cứu người, gió từng cơn ào ạt cũng làm cho chiếc xuồng khó đến gần hơn.
Lúc cô đuối sức muốn xuôi dòng lại nghe được tiếng kêu cứu của con trai. Lụa dốc hết sức bình sinh chèo tới gần, kéo Thành lên trên xuồng, trong cơn mệt mỏi sắp ngất, Thành thấy hình bóng của Lụa mờ ảo đang cố kéo mình lên. Lụa đuối sức rồi mà trời vẫn không thôi nổi gió. Cô nhảy xuống sông, dùng hết sức nâng mông con trai, đặt con nằm trên xuồng. Nhưng cô cũng không còn sức bám víu nữa, dòng nước vô tình cuốn cô rời xa chiếc xuồng đang bấp bênh. Đôi mắt kiên định kia khép dần rồi nhắm hẳn. Thân xác ấy, chìm dần xuống dòng nước.
Sáng hôm sau, bà con chỉ thấy Thành nằm trên xuồng ba lá của Lụa, lênh đênh xuống xóm dưới, còn cô thì chẳng thấy đâu. Mọi người tìm thấy xác cô dạt vào hàng dừa nước. Toàn bên xác Lụa, gào khóc bất lực, bà Hai hay tin con gái qua đời chịu không nổi cú sốc sớm đã ngất xỉu.
Mọi người thay bà Hai tổ chức tang lễ cho Lụa. Trong đám tang, Thành đi đến cũng chỉ vì muốn gặp mặt cô trước lúc cô nhập quan, nhưng sau khi đến rồi, cậu và mọi người mới nhận ra sự thật bấy lâu nay Lụa chỉ giả vờ điên để tiếp cận con trai. Lý do Lụa phải làm vậy cũng vì sợ bà Tuyết chơi bùa lần nữa. Bà Hai sau khi tỉnh lại đã nói hết sự thật, đem những thứ thuộc về Thành mà Lụa cất giữ rất kỹ. Áo cô mua cho con lúc tròn tháng, áo đi học, cùng một số cây viết đã cũ được Lụa cất rất kỹ, nhìn những cái áo, cây viết, từng kỷ niệm về Lụa hiện lên trong đầu của Thành. Lẫn trong chiếc áo sơ mi lớn, có một tờ giấy bị rơi ra :
_ "Mẹ biết là cả cuộc đời này, khó có thể làm cho con chấp nhận mẹ là mẹ, xin lỗi con vì mẹ chỉ dám nhìn con từ xa, ngay cả một ngày lo cho con mẹ còn lo không tròn thì lấy tư cách gì làm mẹ. Những thứ thuộc về con mẹ luôn giữ rất kỹ, được thấy con lớn lên mạnh khỏe là điều làm mẹ hạnh phúc nhất, bị con hỏi lấy tư cách gì làm mẹ, mẹ đau lòng lắm, nhưng cũng chẳng biết chia sẻ với ai, từ nay mẹ không đến gần con nữa cũng chỉ vì muốn con được thoải mái, mong con luôn cười thật nhiều"
Trên tờ giấy còn ghi lại ngày viết những dòng này, đó là sau một ngày Thành đuổi mẹ đi, có lẽ mẹ đã viết nó trong đêm. Toàn sau khi biết Lụa giả điên suốt những năm qua, ngụy xuống khóc cười với số phận trêu ngươi. Suốt những ngày tang lễ, Thành đội trên đầu chiếc khăn tang, rơi vào trầm lặng.
Mỗi khi nghe tiếng mưa, Thành chỉ ước giá như không có ngày hôm ấy. Và giá như cậu biết được sự thật sớm hơn.
Sau tang lễ cậu chuyển sang ở với bà ngoại, cậu muốn hằng ngày lo nhang khói cho mẹ, và tập chăm sóc bà ngoại thay mẹ. Cứ mỗi chiều chiều thắp nhang, cậu chỉ xin được gặp mẹ trong mơ để nói lời xin lỗi và được thấy mẹ tha thứ.
Mùa Vu Lan năm ấy, Thành không còn may mắn được cài hoa hồng đỏ nữa. Thay vào đó là một hoa hồng nhạt. Giờ đây ngồi nghe thầy giảng pháp, Thành mới thấm được điều mất mát của những người mất đi bậc sinh thành. Tâm can của Thành chua xót một cách thấm thía. Giọt nước mắt muộn màng thương mẹ đã ra đi.
Mùa thu đến lá chẳng còn xanh nữa
Tuổi mẹ hiền cũng sang buổi xế chiều
Lo con nhiều mẹ hao mòn thân xác
Lòng chua xót, man mác, lẫn chơi vơi
Rồi một ngày chiếc lá bỗng rụng rơi
Mẹ vắng bóng không một lời trăn trối
"Lòng kính dâng mong mẹ hiền thứ tội
Chốn trần gian con phạm lỗi đã nhiều"
( Chân thành cảm ơn những ai đã đọc truyện )
Xem Thêm Truyện Khác:
Đăng nhận xét