Truyện ma Việt Nam "bóng trắng sau trường" chap 19

 CHƯƠNG 19: THẾ MẠNG

Xem lại chap 18 : Tại Đây

Tham gia đội văn nghệ cũng chính là lúc cô quen với Lam, nam sinh khóa trên, đang học lớp 11, cũng đại diện cho lớp một tiết mục văn nghệ. Lam giỏi guitar, sẽ đệm cho một bạn trong lớp hát. Tiết mục hát chỉ được chọn vào vòng trong 1-2 bài nên lớp Hương và lớp của Lam coi như có “cạnh tranh”. Khi nghe xong cả hai tiết mục, cô giáo tổng phụ trách cười nói: “Bạn lớp 11 này hát chưa ổn, còn tiết mục lớp 10 này thì đơn điệu quá. Giá như bạn nữ này hát còn anh Lam đệm đàn cho thì hay hơn!”

Câu nói đó đã kéo hai người Lam và Hương lại gần nhau. Lam hay trêu đùa Hương, cô bé xinh xắn bẽn lẽn nhưng có giọng hát rất hay. Tình cảm nảy sinh từ lúc nào không hay biết. Lam hứa sẽ dạy Hương học đàn guitar để cô bé có thể tự đàn hát luyện giọng. Hương hay chép những bản nhạc nắn nót đem tặng Lam thay vì những nhạc phổ khô cứng bằng mực in, coi như món quà cảm ơn. Để người lớn không phát hiện ra, hai người hay trao đổi bằng thư tay, qua tủ đựng đồ trong phòng thể chất.


Tiết mục của lớp Hương tất nhiên không thể vào vòng chung kết, thế nhưng khi đi thi vòng Thành phố, cô tổng phụ trách vẫn nhớ tới Hương và gọi cô bé đi góp giọng ca.

Trong quá trình tổng duyệt cho buổi biểu diễn cuối, Hương trở thành cái gai trong mắt một đàn chị lớp 12. Nữ học sinh đó tên Ngọc, là trưởng nhóm văn nghệ, phụ trách của những tiết mục đi biểu diễn, kết hợp biên đạo nhảy, dàn dựng. Thấy cô tổng phụ trách ưu ái Hương, dù cô bé tỏ ra ù lì ít nói, cô ta đã thấy chướng tai gai mắt. Sau đó, mâu thuẫn bùng nổ khi Hương mặc nhầm quần áo biểu diễn của Ngọc, khiến cô ta phải mặc bộ quần áo chật chội ra sân khấu, tiết mục cũng không được như mong đợi.

“Chát!” Ngay sau buổi biểu diễn, Hương đã phải nhận ngay một cú tát trời giáng của Ngọc vì sai lầm của mình, dù cô bé đã hết sức xin lỗi.

Chuyện chưa dừng lại ở đó, sau buổi biểu diễn thất bại, Ngọc vẫn giữ nỗi ấm ức trong người. Hễ gặp Hương ở đâu là Ngọc lại bày trò bắt nạt tới đó. Cô ta và đám bạn học huých ngã Hương giữa hành lang, giẫm nát tập sách vở của cô bé, đổ cốc nước lên đầu Hương. Dù thầy cô giáo có vài lần phát hiện ra và nhắc nhở nhưng những sự việc nhỏ ấy vẫn ngấm ngầm xảy ra trong trường, tàn phá tâm hồn mỏng manh của Hương. 

Những bạn học khác biết nhưng không thể can thiệp được gì bởi Ngọc có bạn trai là một đàn anh của trường giáo dục thường xuyên trong huyện. Dần dần bạn bè xa lánh, tẩy chay Hương để khỏi dính vào phiền toái.

Trong hội chị em văn nghệ của Ngọc có một nữ sinh cũng đem lòng thích Lam. Lam đã từ chối cô ta vì không có tình cảm gì…

“Khi biết cô ấy bị gây khó dễ, thầy đã rất tức giận. Thầy đã một mình đối chọi với hội con Ngọc đó, bảo vệ Hương, cũng nhiều lần báo cáo lên với thầy cô nhưng chỉ được một thời gian là đâu lại đóng đó. Sự việc kéo dài căng thẳng hàng tháng trời. Thầy đã cãi nhau to tiếng với Ngọc, rồi còn tát cô ta... 

Thế là bạn trai của cô ta kéo hội đầu gấu đến, đánh thầy một trận nhừ tử trên đường đi học về. Sau lần đó, Hương càng xa cách thầy hơn. Cô ấy cho rằng vì cô ấy mà ảnh hưởng tới thầy, về việc học và thi đội tuyển của thầy... 

Cô ấy tránh mặt và cũng không kể cho thầy nghe những điều mình đang gặp phải nữa. Thầy thực sự không hề ngờ rằng, càng chống đối thì lại càng khiến cô ấy bị ghét hơn, bị bắt nạt nhiều hơn. Thầy bất lực và không thể làm gì khác. Thế rồi cô ấy đi học và không trở về nữa. Ai cũng nghĩ cô ấy chán nản bỏ đi thôi... Nhưng mãi vẫn không trở về. Thầy không biết rõ chuyện gì xảy ra với cô ấy, càng hối hận rằng năm đó không xử lí và giúp đỡ cô ấy một cách khôn ngoan hơn...”

“Không có manh mối gì đặc biệt sao?” Khanh hỏi.

“Thầy cũng không hiểu vì sao thông tin cô ấy bị bắt nạt không hề được nhắc tới nhiều trên báo chí. Đợt đó, vụ Hương mất tích chỉ cư dân xung quanh thị trấn này quan tâm chứ cũng không nhiều người ở những nơi khác biết. Bố mẹ Hương cũng đã cố gắng tìm kiếm nhiều nơi nhưng không có kết quả. Ngay cả việc Hương bị bắt nạt cũng không cho bố mẹ biết. Lần cuối cùng cô ấy đi học vẫn bình thường. Có lẽ có thế lực nào đó đã bưng bít vụ việc này...”

Thế lực nào đó sao? Khanh thầm nghĩ trong đầu. Quả thực vụ việc này phức tạp. Chắc chắn đã có chuyện kinh khủng nào đó xảy ra khiến Hương phải ra đi trong oan ức, oán hận đến vậy. Cô ta có lẽ chỉ muốn trở về bên gia đình. Nhưng sao Khanh có thể tìm hiểu được cơ chứ? Cô thấy thật vô lí khi bị lôi kéo vào câu chuyện này.

Sau khi đã nghe được câu chuyện từ thầy Lam, Khanh cảm ơn rồi đi về, đầu suy nghĩ mông lung. Từ bé tới giờ, cô chưa từng phải đối mặt với việc gì quá phức tạp. Khanh cư xử theo cách đơn giản gọn gàng nhất có thể. Nếu chạy trốn mà đỡ phải lo lắng sợ hãi, Khanh sẽ làm như vậy. Vì thế cô quyết định đầu tuần sau sẽ âm thầm bỏ học lên thành phố, đi theo hội thằng Thăng một thời gian.

Chiều hôm đó về, Khanh làm theo lời cô Huệ. Cô nhét cả lá bùa bình an đang đút tạm trong túi quần vào chiếc túi đỏ, giắt bên người. Vì nhà không có chiếc chuông đồng nào nên Khanh phải ra chợ, tìm hàng đồng mà mua. Khanh mua một chiếc chuông nhỏ, mang về treo trên cửa sổ nhìn ra vườn ngay cạnh phản giường ngủ của mình. Bình thường chiếc cửa sổ vẫn đóng, nhưng hôm nay Khanh buộc phải mở ra.

Một vài ngày sau đó, Khanh hết sức cảnh giác nhưng vẫn chưa có chuyện gì xảy ra. Có lá bùa bên cạnh làm cô cảm thấy an tâm hơn. Cô đếm từng ngày tới thứ hai đầu tuần để có thể chạy trốn khỏi nơi này. Quần áo và một số vật dụng cần thiết đã được cô nhét đầy ba lô để giả vờ đi học. Những thông tin Khanh đã lấy được từ thầy Lam, cô đã nói lại hết với hội thằng Dũng. Khanh muốn mặc chúng nó tự giải quyết oan hồn giận dữ đó. Cô sẽ tìm về bình yên, chỉ cần trốn khỏi nơi đây là thoát nạn.

Đêm Chủ nhật, Khanh đi ngủ trong tâm trạng thoải mái. Giữa đêm, cô nghe tựa hồ như có tiếng chuông lanh canh va vào khung sắt cửa sổ, từng tiếng, từng tiếng một. Nhưng Khanh vẫn ngủ một giấc thật sâu, như bị kéo chặt vào lưng giường.

“Cô bé… cô bé… Dậy đi! Dậy mau đii…” Có tiếng gọi vang vọng ở trong mơ dội vào tai Khanh.

Khanh mở mắt. Tiếng tivi dội vào tai cô, Khanh hé mắt nhìn thì thấy ông đang ngồi trên chiếc xe lăn ngoài phòng khách, im lặng xem tivi. Giờ cũng đã gần 10 giờ trưa, chưa khi nào Khanh ngủ dậy muộn tới vậy. Khanh ra nhà vệ sinh bên cạnh vệ sinh cá nhân rồi quay vào. Không thấy bóng dáng bà dưới bếp như mọi khi. Thật thoải mái. Chỉ còn chút nữa là tới giờ bắt xe khách để đi. Nếu không có bà ở nhà, kế hoạch của Khanh càng dễ thực hiện hơn.

Khanh sờ vào túi quần và chợt nhận ra không thấy chiếc điện thoại đâu cả. Cô quay lại phản tìm thì phát hiện ra nó đã rơi xuống đất từ khi nào, nằm dưới gầm giường. Khanh cầm lên xem thì cảm thấy có chút bàng hoàng.

Chiếc điện thoại báo có tổng cộng 10 cuộc gọi nhỡ của cô Huệ và một, hai cuộc gọi của các mẹ, các dì. Có lẽ cuộc gọi của các mẹ chỉ là để hỏi thăm Khanh như thường lệ, nhưng có chuyện gì mà cô Huệ gọi cho Khanh tận 10 cuộc mà Khanh không hay biết gì?
Cô vội vàng ấn số gọi lại cho cô Huệ.

Tới cuộc gọi thứ hai, cô mới bắt máy.

“Cháu làm gì cả sáng thể hả? Cô lo quá, đang định qua nhà cháu xem thế nào…” Cô Huệ vội nói.

“Cháu ngủ quên… Do hôm qua mệt quá. Có chuyện gì gấp hả cô?”

“Sáng nay cô thấy đống tàn hương của cháu để lại hôm trước hóa đen. Sợ có điềm chẳng lành xảy ra nên phải gọi cháu ngay… 

Cháu có thấy gì bất thường không? Kiểm tra túi bùa đi!”
Khanh nghe thấy thế mới cảm thấy lo lắng. Hôm thứ bảy túi bùa cô Huệ đưa Khanh lại để trong cặp sách, lúc về mệt quá quên không lấy ra để bên người. Khanh vội vàng quýnh quáng tìm túi bùa, mở ra xem. Lá bùa bên trong đã biến mất!

Khanh lộn ngược chiếc túi dốc ra ngoài, chẳng có gì rơi ra ngoại trừ những mảnh tro đen lốm đốm.

Khanh tức tốc gọi điện lại cho cô Huệ, thông báo về việc lá bùa đã bị đốt cháy hoặc rơi đi đâu mất. Điều này thật khó tin vì chiếc túi đựng bên ngoài vẫn còn nguyên vẹn.

“Khi có âm khí, oán khí mạnh xâm nhập tới, tàn hương trên lá bùa sẽ phản ứng và khiến nó cháy, không ảnh hưởng tới vật xung quanh và cô cũng sẽ được báo tới. Điều này chứng tỏ có điều đang đe dọa tới an nguy của cháu trong khoảng vài tiếng kể từ khi lá bùa cháy…”
“Nhưng cháu giờ vẫn đang hết sức bình thường cô ạ…”

“Cô rất lo lắng vì khi cô phát hiện ra tàn hương đã cháy hết, chứng tỏ nó đã bén lửa từ cách đây hai, ba tiếng. Cháu ở yên đó, cô sẽ qua xem xét…”

Khanh nóng ruột đi ra đi vào, không dám động thêm vào đồ đạc gì kể từ lúc nói chuyện với cô Huệ. Chỉ mười lăm phút sau, cô Huệ đã phóng xe máy qua nhà Khanh. Cô vội vàng mở cổng cho cô vào và đưa cô xem xét túi bùa cũ.

“Ông bà cháu đâu…?” Cô Huệ hỏi.

“Ông cháu đang xem tivi trong nhà ạ. Còn bà cháu đi chợ từ sáng nhưng chưa thấy về, bà về muộn nên cháu đang chưa biết cho ông ăn uống thế nào…”

Mặt cô Huệ tự dưng đanh lại rồi ngây ra.

“Chết... chết rồi! Nếu không phải là cháu... thì rất có thể người thân cận nhất của cháu sẽ gặp nguy hiểm!” Cô Huệ kêu lên. “Mau đi tìm bà cháu đi!”

Khanh hơi run rẩy. Quả thực hôm nay bà về muộn một cách bất thường. Bà thường đi chợ từ sáng sớm, nếu không có việc gì qua thăm họ hàng thì chỉ tầm 9 rưỡi, 10 giờ là bà đã về nhà. Dù bà không hề yêu quý Khanh nhưng dù sao cô cũng không muốn có chuyện gì xảy ra với bà.

Cô đi đi lại lại ngoài sân chờ đợi, phân vân không biết nên làm thế nào trong khi cô Huệ ngồi đợi trong phòng khách. Một lát sau, bà ngoại xuất hiện ở cổng, tay xách rất nhiều túi đồ. Bà thấy Khanh và cô Huệ đang ở trong nhà thì trưng ra vẻ mặt vừa ngạc nhiên vừa khó chịu.

“Đây là…?”

“Bà đi đâu vậy ạ? Cháu thấy bà về muộn nên hơi lo. Đây là cô Huệ…ờm… mẹ của bạn cháu, qua nhà trao đổi một chút…” Khanh nói dối.

“Tôi đi đâu kệ tôi chứ… Đi chợ phiên ấy mà. Sau không có tôi ở nhà thì đừng tùy tiện cho người lạ vào nhà nhé! 

Thôi, hai cô cháu nói chuyện nốt đi!” Bà ngoại Khanh vẫn nói mát, có chút khiếm nhã, lướt qua mặt Khanh và cô Huệ rồi xuống bếp chuẩn bị cơm. Khanh thấy hơi ái ngại với cô Huệ.

Đúng lúc đó, điện thoại bên túi quần Khanh lại rung lên. Cô lấy ra xem, hóa ra là mẹ Dần gọi. Khanh bèn bắt máy.

“A lô Khanh à...? Dạo này con học hành ổn chứ...?” Giọng mẹ vang lên, vẫn khàn khàn như mọi khi nhưng pha chút bối rối.

“Vâng... con vẫn bình thường ạ, dạo này không có chuyện gì cả...” Khanh nói dối. “Ở trên đó mẹ và các em vẫn ổn chứ?”

Đầu dây bên kia có vẻ ngập ngừng.

“Thực ra thì... cũng không có vấn đề gì lắm. Chỉ là... chỉ là... mẹ muốn hỏi con chút...”

“Có chuyện gì ạ?”

“Con có gặp cái Na không?”

Cái Na vừa gọi điện cho Khanh tuần trước, báo tìm được một việc làm thêm mới, hẹn Khanh hè sẽ gặp lại nhau. Con bé vẫn khỏe và vui vẻ, sao tự dưng mẹ Dần lại hỏi thế?

“Con không. Con tưởng em vẫn ở trên đó chứ?”

“Mẹ cũng không muốn gọi làm con lo lắng... Nhưng mà.... từ đêm hôm qua, cái Na bỏ đi rồi! Nó cãi nhau với mẹ và dì Bảy về... về một số chuyện... Con bé còn ẩm ương, khái tính lắm. Mẹ cũng không ngờ nó bỏ đi như vậy...”

“Trời ơi... giờ biết nó ở đâu...” Khanh kêu lên.

“Trước giờ nó ngoan, ở trong nhà suốt rồi phụ việc, học nghề, không quen biết ở bên ngoài mấy. Mẹ không thực sự đoán được nó đi đâu. Nó chỉ bám con nhất, nên mẹ sợ nó về tìm con. Con để ý nhé, nếu gặp em thì khuyên nó về, mẹ sẽ xuống đón...”

“Vâng... vâng... mẹ dò hỏi thêm đi, có gì con sẽ báo...” Khanh nói rồi cúp máy. Không hiểu cái Na bất mãn chuyện gì tới mức bỏ đi như thế. Khanh lại phải lo lắng cho nó rồi. Học thói nào không học, nó lại đi học cái tật hay thích bỏ đi của Khanh.

Thấy gia đình Khanh đã an toàn, cô Huệ có chút yên tâm hơn nên chuẩn bị ra về. Cô vẫn buông giọng nhã nhặn với bà:

“Con chào bác, có dịp khác bác cháu nói chuyện, con hỏi nốt bác một số thứ nhé...” Cô Huệ nói với bà.

“Ờ… ờm…” Bà ngoại Khanh chỉ đáp lại vài từ cho có.

Sau bữa cơm trưa, Khanh giả vờ chuẩn bị đồ đạc đi học như mọi ngày, thực tế là qua trường gửi xe đạp rồi đi bộ sang bến xe ở ngoài đường bắt xe lên thành phố. Chẳng hiểu sao trong lòng Khanh vẫn có điều gì đó bất an như thiêu đốt.

Khi đạp xe gần tới trường, Khanh giật mình khi nhìn thấy chiếc xe cứu thương đã đậu ở bên ngoài. Xung quanh, đám đông lại xì xào tán loạn hết cả lên...

Xem tiếp chap 20 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn