CHƯƠNG 7: NGƯỜI THỦ THƯ
Xem Lại Chap 6 : Tại Đây
Vì tâm trạng hôm ấy không được tốt, sau khi trực nhật xong, Khanh lại lẻn vào phòng thể chất cũ để hút hai điếu thuốc, thư giãn một mình. Cảm giác không bị làm phiền thật thoải mái. Ở dưới vùng quê này chán quá, ban đêm cũng chẳng có gì để chơi. Khanh không muốn tối nào cũng nằm co ro trong căn phòng ám màu đỏ quạch của bàn thờ, xem những chương trình nhạt nhẽo trên tivi. Cô đã liên lạc với hội bạn trên thành phố, cả nhóm thằng Thăng, đợi khi nào có tiền chú Tín gửi cho bà ngoại, Khanh sẽ xin tiền đóng học rồi cuối tuần sau trốn về thành phố chơi một hôm.
Ngồi hút thuốc lim dim, Khanh không để ý trời đã dần sụp tối tự lúc nào. Ngoài sân trường không còn tiếng trò chuyện huyên náo của đám học sinh nữa. Giờ chắc cũng phải 6 giờ tối rồi.
Bỗng dưng, một tiếng động lớn phát ra.
“BỘP!”
Tiếng thứ gì đó đập vào cửa kính nhỏ sát trần nhà ngay phía sau lưng Khanh. Khanh giật mình tỉnh ra khỏi cơn mơ màng, nhìn về hướng ấy.
“BỘP! CHOANG!” Tiếng thủy tinh vỡ nứt vang lên. Cửa kính phía trên Khanh đã nứt một mảng khá lớn. Có vẻ như ai đang ném đá về phía này.
Khanh tức giận đứng dậy, miệng lẩm bẩm chửi thề: “Sư cha đứa nào còn nghịch giờ này thế?”
Chẳng may bảo vệ phát hiện rồi tới khu vực này thì có phải Khanh đi đời không?
Cô vội thu dọn đống tàn thuốc xuống dưới gầm tủ đựng đồ rồi vác ba lô đẩy cửa bước ra ngoài.
Sân trường đìu hiu vắng lặng. Trước nhà thể chất, dải ngăn cách vẫn còn y nguyên, không có học sinh nào ở phía trước cả. Ở xa xa, trong bốt bảo vệ, đèn vẫn sáng. Dường như chưa có ai để ý tới khu vực này. May quá, dù sao khu nhà thể chất này cũng xa phòng bảo vệ nhất.
Khanh cố gắng nhìn quanh xem đứa nào vừa nghịch dại, cô phải “tẩn” cho nó một trận ra trò mới được. Ánh mắt Khanh đảo khắp nơi rồi chợt dừng lại ở tầng hai tòa phòng học.
Khi học sinh đã về hết, tòa nhà phòng học cũng chìm trong bóng tối im lìm như một khu tập thể hoang. Ở ban công tầng 2, có ba bóng người đang đứng, khuôn mặt lấp ló trong bóng tối, hướng về phía Khanh. Dường như là học sinh nữ chăng? Khanh thấy mái tóc của một trong ba đứa đó bay lất phất trong gió.
Khanh dụi dụi mắt rồi căng mắt ra cố gắng nhìn cho rõ hơn xem đó là đám học sinh lớp nào, trông như thế nào.
Thế nhưng, khi vừa mở mắt ra nhìn lại, Khanh chợt nhận ra, hành lang tầng 2 ấy, lại không có một bóng người...
Khanh giật mình, thấy kì lạ trong lòng. Rõ ràng vài giây trước, cô vừa nhìn thấy bóng ba người đứng trên hành lang. Thế mà giờ thoắt cái đã chẳng có ai. Chúng nó đi đâu được trong khoảng thời gian ngắn thế? Khoảng cách từ chỗ Khanh nhìn thấy đám học sinh đó cách cầu thang lên xuống các tầng khá xa. Có lẽ chúng vào lớp học bên trong chăng?
Khanh không lí giải được, cũng chẳng muốn leo lên tầng 2 để đi tìm một mình nên đành tha cho chúng. Giờ đã hơi muộn quá, đi về nhà qua đoạn đường vắng cũng hơi ghê, Khanh vội vàng ra bãi xe để lấy xe đạp trở về nhà. Bãi xe đạp chỉ còn chỏng chơ mỗi chiếc xe đạp của cô. Khanh nhanh chóng đạp xe về.
Ngày Chủ nhật ở nhà, Khanh giúp bà dọn dẹp lại nhà cửa, tưới vườn rau nhỏ phía sau gian chính. Chỉ có căn phòng nhỏ ở cuối vườn, nơi ở cũ hồi bé của Khanh và mẹ, cô không dám lại gần. Ở đó có những kí ức không tốt đẹp mà cô không muốn nhớ lại.
Hôm nay là ngày phạt trực nhật cuối cùng của Khanh. Trong thời khóa biểu cũng có tiết Anh, vì thế trước tiết học cô sẽ phải xuống phòng giáo vụ để lấy đài cho lớp.
Ngồi ngáp ngắn ngáp dài tới hết tiết 3, giờ 5 phút vừa bắt đầu, Khanh bèn đứng dậy đi ra khỏi lớp, xuống tầng 1, thẳng hướng phòng giáo vụ. Phòng giáo vụ nằm ở cuối hành lang tầng 1, phải đi qua khu thư viện và phòng truyền thống.
Cô bé đứng ngó vào trong phòng giáo vụ nhưng chẳng thấy có cô giáo nào trực ở đó. Khanh đứng ngó nghiêng chờ đợi quá cả giờ 5 phút mà vẫn không thấy ai trở lại căn phòng. Thời gian không có nhiều, nhớ ra vừa rồi đi qua phòng thư viện, có cô thủ thư ngồi trong đó nên Khanh chạy sang hỏi.
Cô thủ thư ngồi ở chiếc bàn trong góc, nơi xếp sổ và chiếc máy tính cũ, chỗ ngồi hơi khuất sau những kệ sách lớn chứa đầy sách đã có phần ám bụi. Thư viện là nơi chẳng có mấy học sinh mò tới. Cô thủ thư còn khá trẻ, đâu khoảng ngoài 30 tuổi, nước da hơi ngăm đen, tóc buộc gọn gàng sau lưng, đang ngồi đánh máy tính.
“Cô ơi cho em hỏi, cô giáo phòng giáo vụ đâu rồi ạ?”
“Cô ấy có việc đi đâu một lát ấy. Em tìm cô ấy có việc gì?” Cô thủ thư ngẩng lên, trả lời.
“Em mượn đài cho lớp ạ.”
“Thế em chỉ cần ghi giờ mượn và lớp mượn vào cuốn sổ trên bàn uống nước rồi lấy đài ở chiếc bàn trên góc phòng là được. Khi nào trả thì lại ghi giờ trả.”
“Vâng. Em cảm ơn”. Khanh vội vã sang phòng giáo vụ làm theo lời của cô thủ thư rồi lấy một chiếc đài trong số 3 cái đài đã xếp sẵn rồi mang lên lớp.
Khanh vào tới lớp thì đã quá gần 10 phút. Cô Trang nhìn thấy Khanh xồng xộc xông vào thì đã khó chịu lắm.
“Chị đi đâu mà giờ mới lên lớp? Lấy đài chứ không phải tranh thủ trốn tiết đi chơi đâu!”
“Em... em không cố tình nhưng mà...”
“Thôi nhanh lên đi! Mang đài lên đây rồi về chỗ!”
Khanh chưa kịp giải thích thì cô Trang đã quát. Nỗi uất ức nghẹn lên cổ Khanh. Khanh hậm hực để chiếc đài lên trên bàn giáo viên rồi về chỗ ngồi.
Cô giáo giảng dạy nốt phần ngữ pháp rồi mới chuyển sang phần luyện nghe cho cả lớp. Lớp trưởng đi phát phiếu học tập. Hóa ra đây là phần luyện nghe mà cô giáo tự chuẩn bị. Cô lấy từ trong cặp táp ra một chiếc CD rồi mở đài, nhét đĩa vào trong.
“Cả lớp dành 2 phút để đọc đầu bài. Lưu ý các từ khóa...”
Cả lớp chìm trong im lặng. Khanh thấy ngây ngây buồn ngủ. Giờ là năm cuối cấp nên chúng nó cũng tập trung học hơn bình thường thật. Ở các trường khác, năm ngoái Khanh học, trong lớp cũng ồn ào như quỷ. Vì chuyển trường nhiều nên Khanh thường phải học những lớp cuối, không có nhiều học sinh xuất sắc, lại còn nhiều đứa hiếu động nghịch ngợm. Thế nhưng chúng nó chẳng ăn nhằm gì với độ lì lợm của Khanh cả. Khanh từng đánh nhau tới mức nứt hàm, rách mặt. Còn ở trường này, bọn lớp Khanh vẫn có ý thức chán.
Cô Trang bắt đầu bật đoạn hội thoại lên để cả lớp nghe. Những từ tiếng Anh phát ra từ trong đài nghe rè rè, lạ lẫm đối với Khanh, cô chẳng hiểu gì. Giờ Ngữ văn Khanh còn chẳng bận tâm nữa là ngoại ngữ.
Âm thanh ngày càng rè hơn, tiếng xẹt xẹt vang lên khắp nơi, giọng nói của các nhân vật trong băng bị bóp méo, lẫn lộn vào nhau, lúc nhanh lúc chậm, không nghe ra tiếng gì.
“Có lẽ băng hơi xước. Cô bật lại nhé...” Cô Trang chỉnh lại đài.
Lần thứ hai cô Trang bật, âm thanh vẫn chẳng cải thiện hơn được chút nào. Tiếng méo mó xoẹt xoẹt còn rõ rệt hơn, nghe như bị nhiễu sóng.
Làn khói mờ ảo phía sau lưng cô giáo lại dần dần xuất hiện khiến tay Khanh toát mồ hôi lạnh toát. Chuyện gì lại xảy ra đây…
“Xoẹt... xoẹt... xoẹt...”
Tự dưng từ trong chiếc đài, một bản nhạc rè rè phát ra, âm thanh vui tươi:
“....Ôm cuộc sống trong tay bên đời quá rộng
Tuổi thần tiên yêu dấu dưới ngôi trường kia
Em cùng đóa hoa lan hay quỳnh hương trắng
thơm ngát từ đất đai quê nhà....”
“Ôi cái gì thế? Chắc cô bấm nhầm ở đâu rồi....” Cô Trang kêu lên. Mặt cô giáo có phần biến sắc vì sự cố bất ngờ. Bạn lớp trưởng nhanh nhẹn chạy lên bục giảng hỗ trợ. Chiếc đài vẫn đều đều phát ra bài hát nghe có phần quen thuộc đó, giọng ca và cách phối nhạc nghe cũng có phần cu cũ, như là những bản nhạc thời xưa.
Lớp trưởng tắt đài rút đĩa CD ra rồi bật lại.
Lần này kịch bản cũng lặp lại không khác gì. Đoạn hội thoại trong băng của cô Trang chỉ phát lên được một lúc thì bài hát kia chen vào...
“Rẹt....rẹt...rẹt...
“Như là những bông hoa trong thành phố này
Tuổi đời mênh mông quá búp non đầu cây
Em về giữa thiên nhiên em cười em nói
... như sóng đùa biển khơi...”
Cả lớp quay ra nhìn nhau xì xào.
“Đây là bài hát gì quen quen nhỉ?” Khanh nghe thấy thằng con trai bàn bên cất tiếng hỏi.
“Tuổi đời mênh mông! Của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chẳng biết ai hát...” Có đứa đáp lại.
Khanh nghe thấy cái tên này quen quen. “Tuổi đời mênh mông” ư? Chẳng phải là...
Khanh chợt nhớ ra bản nhạc chép tay mà Khanh đã vô tình nhặt được ở chiếc tủ chứa đầy trứng ngài trong nhà thể chất cũ. Đó cũng là bản nhạc bài “Tuổi đời mênh mông”...
Cô Trang khẽ vỗ vỗ nhẹ cái đài, ấn các nút ở trên thân đài để dừng bài hát lại nhưng vẫn không có tác dụng gì. Bài hát vẫn phát đi phát lại thông qua chiếc đài với chất lượng rè rè như vậy. Lúc này mặt cô Trang cũng có vẻ đã tái xanh cả đi, đôi tay run run. Cô vội vàng cúi sang chiếc ổ cắm cạnh tường, rút phắt dây cắm của chiếc đài ra. Mồ hôi rỉ ra lấm tấm trên trán của cô dù giờ tiết trời hiện giờ vẫn còn chút se se lạnh.
“Ừm… Có… có lẽ hôm nay đĩa CD có trục trặc… Vì thế nên chúng ta… sẽ để lại bài nghe sang buổi sau…” Giọng cô Trang vang lên có phần hơi run rẩy và lắp bắp. Có vẻ hơi lạ với tính cách khảng khái nghiêm khắc hàng ngày của cô.
Chẳng nhẽ bài hát này có tác động gì đặc biệt khiến cô ấy khó chịu đến thể hay sao? Khanh thầm nghĩ.
Tiết học trôi qua nốt những giờ phút còn lại. Tiếng trống trường vừa báo hết tiết, cô Trang vội vàng báo cho cả lớp nghỉ rồi thu dọn sách, bước ra khỏi lớp. Phía sau lưng cô, làn khói đen đặc vẫn trôi lửng lơ bám theo. Cô giáo đó,... chắc hẳn có bí mật gì chăng?
Cô Trang vừa đi khuất, Khanh bèn mang đài xuống phòng giáo vụ trả. Trước khi mang chiếc đài đi, Khanh không quên ngó mắt qua sổ ghi đầu bài xem tên mình có bị ghi vì vào lớp muộn hay không. Thấy không có tên, Khanh mừng húm. Hôm nay Khanh sẽ ở lại trực nhật nốt rồi từ mai sẽ không phải ở lại lớp nữa.
Khanh mang đài tới phòng giáo vụ, đã thấy cô giáo vụ trở lại văn phòng. Cô bé vừa đặt chiếc đài xuống thì cô giáo vụ ngẩng lên, gương mặt cô đã có phần già nua, kính đeo trễ xuống dưới sống mũi, đâu như đã ngoài 50 tuổi, sắp về hưu. Ánh mắt cô dò xét gương mặt Khanh. Đúng là vẻ ngoài của Khanh không bao giờ ra dáng một học sinh bình thường cho lắm: quần áo lúc nào cũng xộc xệch cáu bẩn, không là lượt gì; quần Khanh cũng hay xắn ống lên cho tiện, nhiều khi ống thấp ống cao; dáng người cô dong dỏng, gầy gò, mái tóc tém lúc nào cũng bù xù, che khuất nửa bên mặt. Cô giáo vụ hỏi:
“Em học lớp nào đấy?”
“12A6 ạ.”
“12A6? Hôm nay tôi có thấy ai lớp A6 xuống mượn đài đâu?”
“Vâng, em xuống thì không thấy cô ở đây nên đã ghi sổ rồi mang đài lên lớp…”
Nghe tới đây, cô giáo vụ cau mày lại:
“Ai cho phép em tự tiện mang đài đi? Nếu không có tôi ở đây thì sao tôi biết đài đang ở lớp nào, ai chịu trách nhiệm trả? Nhỡ các cô các cậu ghi bậy ghi bạ vào sổ thì sao? Rồi mất đài thì tôi đòi ai đây? Tôi nghiêm cấm lần sau đấy nhé!”]
“Tại em hỏi cô thủ thư phòng bên nên mới dám…” Khanh thấy tức tối, lên giọng cãi.
“Thủ thư nào cơ? Em nói cái gì thế? Tôi là người quản lí thư viện luôn mà?” Cô giáo vụ cao giọng.
Xem Tiếp Chap 8 : Tại Đây
Đăng nhận xét