Truyện ma Việt Nam "bóng trắng sau trường" chap 15

 CHƯƠNG 15: NGƯỜI MẸ

Xem lại chap 14 : Tại Đây

“Sao mày chắc chắn cái chết… của thằng Lân có liên quan tới hồn ma đó? Nhỡ đâu chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ, chắc gì nữ sinh đó chết mà…” Khanh vẫn cố gạt đi, từ chối cảm giác trong lòng.

“Vì… kể từ sau ngày đó, biểu hiện của thằng Lân rất lạ. Nó bỏ ăn uống, tâm trạng lúc nào cũng bất an sợ sệt, không còn hứng thú với những việc hàng ngày phải làm nữa. Mỗi lần bọn tao đi “giao chiến” với lũ học sinh trường khác, thằng Lân lại chẳng làm ăn được gì, nó cứ gào lên rồi chạy trốn, kêu rằng gương mặt của đám học sinh đó biến thành gương mặt máu me của ma nữ kia. 


Tao cứ nghĩ nó bị căng thẳng vì áp lực nợ nần của gia đình thôi. Nhưng nó cứ liên tục kêu tao cứu nó... ngay trong đêm tối cũng gọi... bảo nó sắp bị giết rồi... cô ta làm nó dằn vặt bởi những tội lỗi trong quá khứ. Tao cũng mong đợt đi tham quan này có thể giúp nó bình tâm trở lại... Ai ngờ chỉ mới rời mắt khỏi nó chút ít đã xảy ra chuyện rồi... Kèm theo chuyện tất cả từng cùng chứng kiến thì bọn tao không thể không tin!” Thằng Việt nói lên, giọng hơi gắt.

“Tao với thằng Lân là bạn nối khố từ nhỏ. Bố nó rượu chè rồi nợ nần khắp nơi, bỏ lại mẹ con nó một mình. Con trai nhà chủ nợ chuyên gia tìm gặp thằng này đòi nợ, nên bọn tao.... phải tìm mọi cách kiếm tiền giúp nó! Nếu tao không chủ quan thì... nó đã không chết” Thằng Dũng giải thích.

Khanh nghĩ tới những lúc bộ ba này đi trấn lột tiền khắp nơi, đánh nhau, rủ rê đứa khác bài bạc mà khẽ cười khẩy trong lòng. Đúng là kẻ xấu nào cũng sẽ có lí do riêng hợp lí của chúng. Nhưng Khanh cũng từng đi đánh nhau nên lần này sẽ không phán xét.

“Sao tao lại bị lôi vào việc của chúng mày chứ?” Khanh thấy lo lắng và tức tối, vặn hỏi thằng Dũng.

“Tao không biết! Tao không biết! Tao đã kiểm tra rồi, trường có hai người tên Khanh nữa nhưng toàn là con trai. Chỉ có mày thôi…”

Khanh nhớ tới những hồn ma cô vô tình nhìn thấy trong ngôi trường này, bèn tò mò hỏi:
“Ừm... Ngoài ra trường này còn có lời đồn nào khác không? Còn có ai từng mất ở đây nữa không?”

“Trường xây dựng đã khá lâu rồi, cũng có một vài lần tu sửa. Tận 60 năm rồi cơ mà. Gần đây hiệu trưởng mới xin được vốn đầu tư để xây lại trường. Còn trước đó thì chỉ xây thêm tí một hoặc sửa lại chút thôi. Lời đồn thì cũng khá nhiều nhưng chưa có ai kiểm chứng là có thật. Mấy năm trước thì có vụ nhân viên thủ thư của trường mất tại đây do đột quỵ… 

Lâu hơn thì chỉ có lời đồn về nữ sinh mất tích này thôi. Còn ngọn đồi ngay phía sau trường này được gọi là đồi Lô cốt, cũng là điểm bắn phá của địch đợt chống Mỹ gì đó.... Chỉ có vậy…” Thằng Việt giải thích, mái tóc nâu của nó nghênh nghênh, miệng vẫn nhai kẹo cao su.

Nghe tới đây, hơi thở Khanh khẽ run rẩy. Thằng Việt nói sai rồi, những lời đồn đó không phải không có ai kiểm chứng. Khanh quả thực đã gặp phải “họ”: những hồn ma còn vất vưởng trong ngôi trường này.

“Thế giờ chúng mày tính sao...? Kể ra cũng khó tin thật...” Khanh hỏi, trong lòng vẫn bán tín bán nghi, mặc dù bản thân cô đã đụng độ với ma nữ này vài lần. Cô vẫn không tin trong hàng trăm học sinh thế này, chỉ một vài người ngẫu nhiên trở thành nạn nhân bị ám.

“Giờ về tìm hiểu thêm xem thực hư câu chuyện thế nào đã... Tung tích nữ sinh mất tích đó còn chưa rõ ràng. Không loại trừ khả năng khác...” Thằng Dũng mệt mỏi dựa lưng vào tường, tay đút túi quần.

“Chúng mày cứ tìm thêm thông tin đi... Có gì báo cho tao biết. Dù sao cũng cảm ơn đã cảnh báo!”

“Có gì bất thường cũng nhớ nói cho bọn tao biết. Bọn tao cũng muốn kết thúc chuyện vô lí này sớm. Đừng để bị ám ảnh giống như thằng Lân. Năm nay đã có quá nhiều chết chóc trong ngôi trường này rồi.”

Thằng Dũng nói rồi cùng Việt quay lưng bỏ lên lớp, để mặc Khanh tần ngần với đống thông tin vừa thu nạp. Những lúc thế này, trông thằng Dũng có vẻ chững chạc người lớn hơn so với vẻ ngổ ngáo nó tỏ ra thường thấy. Trong đôi mắt nó ngoài vẻ đau khổ vì mới mất đi người bạn thân còn có vẻ mang thêm nhiều tâm sự khác.

Cô cũng trở về lớp, vẫn yên chí với suy nghĩ rằng có lẽ những điều xấu sẽ không tìm tới mình sớm.

Thế nhưng có lẽ Khanh đã nhầm. Những điều xấu xa đang dần len lỏi trở về bên cạnh cô. Có vẻ như ma nữ đó rất giỏi khơi gợi những điều đau đớn làm loạn tâm trí của người mà nó bám theo.

Đêm hôm ấy.

Khanh vẫn ngủ ngoài phòng khách, từ lần trước gặp ác mộng, Khanh đã bật thêm chiếc đèn ngủ nhỏ màu vàng để xua đi ánh đèn đỏ u ám trên bàn thờ. Tivi vẫn bật qua đêm.

Khanh chìm vào cơn say ngủ. Đột nhiên, có ánh sáng chớp tắt từ đâu đó rọi vào mắt cô làm Khanh dần tỉnh giấc. Khanh nhỏm dậy, dụi dụi mắt, nhìn ra chiếc cửa sổ bên cạnh giường mình. Cô nhớ rằng trước khi đi ngủ cô đã đóng cửa sổ lại nhưng giờ nó đã mở toang ra, gió ở bên ngoài đang xao động những tán cây trong khu vườn nhỏ. Ánh đèn chớp tắt Khanh vừa nhìn thấy, hóa ra lại bắt nguồn từ gian phòng nhỏ trong vườn.

Cô tò mò nhìn về hướng đó, chẳng nhẽ giờ này đã là một giờ đêm, bà ra đó làm gì chăng?
Ở khung cửa sổ của gian phòng đó, Khanh nhìn thấy bóng của một người đang đứng. Một bóng dáng khá quen thuộc nhưng có vẻ lại không phải là bà ngoại...

Người đó đứng yên lặng bên cửa sổ, nơi ở ngay bên cạnh sẽ là công tắc đèn phòng, Khanh vẫn nhớ như in là vậy. Trong căn phòng nhỏ xíu đó, có một nhà vệ sinh chật chội, một chiếc giường gỗ ọp ẹp, chiếc tivi nhiễu sóng ở góc phòng và một chiếc bàn ăn gấp gọn, chiếc bếp ga du lịch. Bao nhiêu năm trôi qua rồi, không hiểu đã có gì thay đổi chưa...

Người đó dùng tay bật tắt công tắc đèn, để căn phòng lúc sáng lúc tối. Hơi thở Khanh lại trở nên run rẩy. Thế rồi, người đó từ từ quay nghiêng mặt sang. Vẫn là gương mặt lạnh lùng, nước da trắng tái và nụ cười quái đản ấy. Người đó chính là mẹ của Khanh. Bà nở nụ cười rộng đến mang tai, nhìn thẳng vào gương mặt Khanh đang ở khu nhà đối diện.
Toàn thân cô run rẩy lên, đầu đau nhói. Những kí ức cũ ùa về.

“Lêu lêu! Đồ con hoang! Mày cút đi! Cút đi!”

“Đúng rồi! Cút đi! Bọn tao không chơi với đồ không có bố, không chơi với con mụ giật chồng!”
“Mẹ mày là đồ lăng loàn dơ dáy!”

Cả một đám trẻ trong xóm xúm vào quây quanh đứa trẻ 3 tuổi là Khanh khi ấy. Cô bé co rúm người lại sợ hãi, khóc lóc chạy về nhà. Đó là lần đầu tiên Khanh trốn ra khỏi nhà để tìm bạn đi chơi nhưng nhận lại chỉ là sự xa lánh. Vừa chạy vào vườn nơi có căn phòng nhỏ của mẹ con cô bé thì Khanh giật mình nhận ra bà ngoại đã đứng ở đó, khuôn mặt vô cùng tức giận. Bà nắm lấy tai Khanh rồi kéo đi, khiến cô bé càng khóc dữ dội hơn.

“Con ranh này! Mày y như thằng bố lừa đảo của mày vậy, ai cho phép mày trốn ra ngoài đi chơi hả!”

Khanh lại bị đưa vào căn phòng nhỏ được xây sơ sài trong vườn. Trong căn phòng nhỏ ẩm thấp đó chỉ có một nhà vệ sinh chật chội, một chiếc giường gỗ ọp ẹp, chiếc ti vi cũ ở góc nhà, chiếc bàn ăn gấp gọn nhỏ cùng với bếp ga du lịch. Y như trong trí nhớ của Khanh.

Ông bà ngoại chỉ có một đứa con gái duy nhất là mẹ Khanh. Ông bà gửi con gái lên thành phố học cao đẳng để mong sau này con gái sẽ có nghề nghiệp ổn định. Công việc đâu chưa thấy, năm 21 tuổi, mẹ Khanh dẫn một đứa bé 2 tuổi về - là Khanh. Hóa ra cô yêu đương với một người đàn ông hơn tuổi, bị lừa có bầu rồi mới biết người ta đã có vợ. Mẹ Khanh cố gắng trụ lại ở thành phố học xong rồi dắt con về nhà.

Quanh năm suốt tháng cô bé phải ở trong căn phòng nhỏ đó, thi thoảng mới được ra ngoài. Hồi nhỏ xíu Khanh không nhớ được rõ nhưng từ khi nhận thức được nhiều hơn về thế giới xung quanh, Khanh đã phải sống trong những tiếng chửi mắng, cãi vã của bà và mẹ. Bà ngoại hay nhìn cô bé bằng ánh mắt sắc như dao cau khiến Khanh rất sợ hãi.

“Mày là đứa con gái mất dạy, mày biết chưa! Cho ăn cho học đàng hoàng không muốn, tớn lên đi theo giai để rồi nó lừa cho ễnh bụng ra. Chết nhục chết nhã. Mày bôi tro trát trấu vào mặt bố mẹ mày rồi đấy. Giờ lại còn dẫn thứ nghiệt chủng này về bắt tao đèo bòng. Đúng là con gái cái bòn. Sao mà khổ thế này hả giời! Đi ra ngoài ngõ không dám ngẩng mặt lên nhìn ai... Tao còn bị cắt mất suất bầu vào ủy ban xã... cũng chỉ vì mày thôiii!”

Giọng bà ngoại cứ thế xa xả dội vào giấc ngủ của cô bé 4,5 tuổi ngày ấy. Bà bắt mẹ con Khanh ở trong căn phòng đó, hạn chế ra ngoài để khỏi làm xấu mặt bà.

Khanh có cảm tình hơn với ông ngoại. Ông ít nói, chỉ hay thở dài và nhìn Khanh bằng ánh mắt buồn rầu. Thi thoảng, ông sang chơi với cô bé và cho cháu thêm ít quà bánh.

Thời gian đầu, mẹ Khanh chăm lo hết mọi thứ cho Khanh. Cô kiếm được việc ở trên thị trấn, đi làm sáng rồi chiều tối về. Khanh cũng được đi học ở một trường tiểu học gần nhà. Khi đến trường, cô bé luôn bị bạn bè trêu chọc, nếu không có cô giáo giúp đỡ, có lẽ Khanh đã chán nản mà bỏ học từ lâu. Có lẽ sự ghét đi học đã nhen nhóm trong long cô bé từ những ngày ấy.
Thế nhưng sau đó, mọi thứ tệ đi hơn. 

Mẹ Khanh mất việc, tìm việc khác cũng chỉ đi làm bữa đực bữa cái, tính tình cũng thay đổi. Mẹ Khanh gầy hơn, xăm trổ đầy mình, còn hay uống rượu và hút thuốc lá. Quần áo cô bẩn thỉu, mái tóc rũ rượi. Khanh bị bỏ đói suốt ngày mà không ai quan tâm. Cô bé hay ngồi thu lu một góc nhà, người cũng gầy rộc đi. Không chỉ thế, mỗi lần say mèm về, mẹ Khanh còn lôi cô bé ra trút giận.

“Mày… mày là đồ xui xẻo, ôn dịch!! Tại sao càng lớn mày lại giống bố mày như thế cơ chứ? Từ lúc có mày, cuộc đời tao nát bấy, chẳng việc gì ra hồn! Cái thứ sao chổi! Mày chết đi! Chết đi!!!!!!!”

Cô gằn lên từng tiếng, dùng tay bóp chặt lấy cổ con gái mình khiến mặt nó đỏ gay lên, nước mắt nước mũi giàn giụa, chân tay khua khoắng mà không thể thoát ra, miệng cũng không phát nổi tiếng kêu cứu nào. Việc Khanh bị bóp cổ, bị đánh đập diễn ra như cơm bữa. Cuối cùng Xuyến cũng buông con mình ra, khiến Khanh ho sù sụ. Những ngày khác, cô vớ lấy bất kể thứ gì trong tầm tay ném vào mặt con bé. 

Có một lần, chiếc lọ hoa thủy tinh bị mẹ ném, đập vào trán Khanh khiến cô bé chảy máu be bét, phải đi viện khâu mất 5 mũi, gây nên một vệt sẹo dài khó xóa bỏ. Xuyến còn đánh con tới mức gãy cán chổi quét nhà. Cơn cuồng nộ và oán hận cuộc sống trong lòng mẹ Khanh ngày một lớn, chỉ tội đứa trẻ lúc đó mới có 7-8 tuổi mà khắp người không còn chỗ nào lành lặn. Mắt Xuyến lúc nào cũng long sòng sọc lên, đỏ ngầu đầy điên dại. Đó là những ngày ác mộng trong cuộc đời của Khanh. Từ một cô bé vui tươi trên thành phố, trở về đây cô bé ngày càng rụt rè thu mình.

Thế rồi một đêm, sau khi bị bỏ đói cả ngày, Khanh đói quá tỉnh giấc giữa đêm nhưng không thấy mẹ đâu. Cửa phòng vẫn khóa trong. Ngoài trời đang mưa bão to, ánh đèn căn nhà của ông bà ngoại xa xa không còn nhìn thấy nữa. Khanh ngửi thấy mùi hương thức ăn thơm trên bàn: một bát mì còn chút hơi nóng. Cô bé muốn sà vào ăn ngay nhưng lại nhớ tới mẹ. Liệu mẹ có giận khi mình tự ý ăn không? Nhỡ đây là bát mì của mẹ thì sao?

Nghĩ vậy, Khanh bèn đi vào nhà tắm để tìm mẹ. Khanh khẽ mở cánh cửa he hé vang lên cót két:

“Mẹ… mẹ ơi… Mẹ có trong đó không?”

Cánh cửa mở toang ra, Khanh bước vào. Từ lúc đó, cảnh tượng trước mắt ám ảnh cô bé cả một đời.

Xem Tiếp chap 16 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn