Truyện ma Việt Nam "bóng trắng sau trường" chap 2

 CHƯƠNG 2: NHÀ BÀ NGOẠI

Xem lại chap 1 : Tại Đây

Hai tuần sau, chú Tín đã xin được cho Khanh nhập học vào một ngôi trường ở thị xã dưới quê, gần nhà ông bà ngoại của cô. Trước khi đi, các mẹ và các dì đều giúp Khanh chuẩn bị đồ và dặn dò cô rất kĩ. Trong lòng cô bé nặng trĩu nỗi buồn vì phải rời xa nơi mình đã sống suốt bảy năm. 

Tuy rằng ở ngôi nhà này Khanh cũng đã phải trải qua những giờ phút buồn rầu, bực bội, những trận đòn roi nghiêm khắc nhưng cũng không thiếu những lúc đầm ấm vui cười. Các mẹ dặn cô phải cố gắng hết sức nghiêm chỉnh học tập, giúp đỡ ông bà. Thế nhưng những lời dặn dò không đọng lại trong đầu Khanh được nhiều. Vốn dĩ từ nhỏ Khanh đã là một cô bé vô cùng bướng bỉnh, lầm lì ít nói, lại thích đánh nhau, tính tình cục cằn, gây không ít rắc rối cho mọi người.


Khi rời khỏi ngôi nhà này, Khanh chỉ lưu luyến nhất là cái Na, người em thân thiết nhất với Khanh trong nhà tình nghĩa, kém cô sáu tuổi. Khanh phải chăm Na từ khi nó còn bé tí xíu, hồi mới được gửi vào nhà tình thương. Dù tính cách cô cộc cằn thô lỗ nhưng nhìn Na cười toe toét một hồi là giận dữ gì Khanh cũng phải xuôi. Con bé rất thảo, có đồ gì ngon các khách tới cho, nó đều dấm dúi giấu đi để dành cho Khanh, âm thầm bao che đủ trò nghịch ngợm láo toét của cô. Chỉ ngặt nỗi con bé bị bệnh tim bẩm sinh giờ mổ chưa khỏi hẳn, cơ thể yếu ớt xanh xao. Cũng chính vì lẽ đó nên nó bị bố mẹ bỏ rơi, cũng chẳng chơi được những trò như các bạn cùng trang lứa. Nó luôn bảo:

“Em thích chị Khanh lắm, chị Khanh mạnh mẽ chả sợ ai, ở bên cạnh chị em thấy yên tâm lắm!”

Chiều tối ngày trước khi về thị xã, Khanh và Na ngồi trước cửa phòng Khanh, chia nhau túi bỏng, dặn dò nhau. Chủ yếu là Na nói còn Khanh chỉ ngồi yên lặng, nhìn xa xăm. Khanh hứa khi học xong, đi làm sẽ về chở Na đi chơi. Cô đưa tay xoa đầu Na khi thấy mắt con bé đã rơm rớm.

Sáng hôm sau, xách hai chiếc túi lớn chứa đựng tất cả những vật dụng sơ sài có được suốt mấy năm qua, Khanh theo chân chú Tín bước lên xe khách. Ở phía sau, giọng của đám trẻ - những đứa em nuôi của Khanh vang lên nháo nhác:

“Chị Khanh, chị Khanh! Nhớ đến thăm bọn em nhé!”

“Tạm biệt chị Khanh!”

Các mẹ đứng cùng lũ trẻ ở phía sau, đưa tay vẫy vẫy. Cái Na khóc mếu máo, nước mắt ướt hết hai đôi má, nép sau lưng dì Thoan mà nhìn ra. Khanh bối rối trước cảnh tượng này, không biết nên khóc hay nên cười, bèn gật nhẹ đầu vài cái rồi quay lưng ngồi yên vị trên ghế. Cô không quen thể hiện tình cảm.

Chuyến xe chòng chành chở Khanh và chú Tín về thị xã, cách thành phố tầm 40 cây số. Càng đi xa, khung cảnh hai bên đường càng rợp bóng cây, ít các khối bê tông xám xịt của nhà ở, công ty, nhà máy. Khu dân cư ông bà ngoại Khanh ở cũng là một ngôi làng nhỏ, trường học là trường địa phương, sát chân những ngọn núi đồi thoai thoải.

Xe khách thả hai chú cháu ở đầu thôn, sau đó đi bộ dần vào trong làng. Cây cối ở đây mọc dày như thành lũy, có cả một bụi tre lớn ở đầu làng. Hai bên đường bạt ngàn những cánh đồng xám xịt khi thời tiết đang vào đông, xa xa chỉ có một số con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào các thôn xóm khác. Mọi thứ toát lên sự nhàm chán. Càng tới gần nhà ông bà, những ký ức cũ dội về khiến Khanh thấy khó chịu.

Căn nhà ông bà ngoại Khanh chỉ là một căn nhà cấp bốn có ba gian, đằng trước là một khoảng sân rộng để phơi thóc, rụng đầy lá khô lâu ngày chưa ai quét tước. Sau nhà còn một mảnh vườn nữa, ở đó có một căn phòng nhỏ xây biệt lập, trước đây từng là phòng kho. Đó cũng là nơi Khanh đã từng ở hồi bé.

Chú Tín bấm chuông cửa. Từ trong nhà, có bóng người chậm chạp bước ra, dáng người gầy gò. Khanh nhận ra đó là bà ngoại. Bất giác, như một phản xạ tự nhiên, cô cúi đầu, núp sau lưng chú Tín.
Tiếng mở cổng vang lên kẽo kẹt, bà ngoại cất tiếng:

“Khanh, lâu lắm con mới về đấy à… Chà, bây giờ lớn quá rồi nhỉ, chắc quên ông bà rồi. Cậu Tín, vào đây uống cốc nước nhé!”

Khanh không nói tiếng nào, hé mắt quan sát. Đã bảy năm cô không gặp ông bà, giờ nhìn bà đã khác nhưng sự xa cách vẫn đọng lại trong lòng Khanh. Tóc bà đã bạc nhiều, má có phần hóp lại nhưng ánh mắt vẫn sắc sảo, đôi lông mày thưa mỏng xếch lên phía trên trán, miệng khẽ mỉm cười. Bất giác một nỗi sợ dấy lên mà Khanh không lí giải được.

Cô tự xách những túi đồ đặt lên chiếc giường ngủ ở ngay cạnh bàn thờ, để chú Tín ngồi uống nước chè với bà một lát, tính lỉnh ra ngoài sân. Thế nhưng lúc ấy bà ngoại lại gọi giật Khanh lại để vào chào ông. Ông ngoại của Khanh bị tai biến cách đây gần 8 năm, không thể đi lại, đầu óc giờ lúc minh mẫn lúc không. Chính vì ông ngoại đổ bệnh nên bà ngoại Khanh phải xin trợ cấp, gửi Khanh lên nhà tình thương trên thành phố. Khanh đành theo chân bà vào phòng ngủ phía bên phải phòng khách, thấy cả gian phòng đang chìm trong bóng tối, chỉ có chút ánh sáng hắt vào từ chiếc cửa sổ khép hờ. Ông ngồi một mình trong góc phòng, trên chiếc xe lăn, nghe đài radio, có lẽ là tiếng được tiếng mất. Khanh lại gần, chào ông mấy lần rất to, ông mới gật gù nghe thấy, quay lại. Gương mặt xương xẩu của ông lão hiện ra, đôi mắt đã có phần mờ đục.

“Ờ… ờ… Xuyến về đấy hả con…?”

Miệng ông ngoại khẽ nở một nụ cười vô hồn rồi lại quay vào bóng tối.

Khanh cảm thấy khó chịu vì ông nhầm tên cô với mẹ. Khanh bước thẳng ra vườn, ánh mắt tránh né những di ảnh trên bàn thờ vì cô biết ở đó có di ảnh của mẹ cô.

Khanh đi dạo bộ ra ngoài sân, không khí có vẻ trong lành hơn nhiều trên thành phố. Xa xa là những ngọn núi trập trùng, chim bay nháo nhác. Đường thôn cũng không có nhiều người qua lại lắm. Cô ngồi ngoài cổng, giật mấy ngọn cỏ tết thành con cào cào. Ở đây, Khanh biết sẽ không có nhiều sự chào đón mình.

Một lát sau, chú Tín ra về. Trước khi rời khỏi, chú Tín gọi riêng Khanh ra, dặn dò kĩ lưỡng thêm lần nữa về các thủ tục nhập học, không quên đe nẹt cô không được gây rắc rối thêm. Khanh bối rối quay vào trong nhà, trời đã dần sụp tối.

Bà ngoại lúc này đang đứng trước ban thờ, bật lửa thắp hương. Khanh đi vào, tính mở túi đồ sắp xếp quần áo thì bất chợt, giọng bà ngoại lạnh lùng vang lên.

“Khanh, ra thắp hương cho các cụ và mẹ đi.”

“Bà cứ thắp đi, cháu đang sắp xếp quần áo rồi.”

Bà ngoại vội nắm chặt lấy cổ tay Khanh, kéo lại phía bàn thờ. Nụ cười nhẹ khi gặp chú Tín đã biến mất, thay vào đó là ánh mắt như băng giống trong trí nhớ của Khanh. Bà gằn giọng:
“Thắp hương đi! Bà bảo gì thì nghe nấy, đừng quen cái thói bướng bỉnh trên đấy. Nếu mày ngoan thì đã chẳng phải về đây làm tội nợ cho bà thêm việc!”
Trống ngực Khanh khẽ đánh cái “thịch”, cầm lấy ba nén hương bà vừa thắp, run run cắm vào bát nhang. Ra ngoài kia, Khanh chắng sợ bất kì một ai, nhưng đứng trước người phụ nữ lớn tuổi này, cô lại cảm thấy sợ.

Sau đó, Khanh cùng bà chuẩn bị cơm tối, Khanh ăn một mình còn bà ngoại bận bón cháo cho ông. Đêm ấy, cô bé nằm ngủ ở chiếc giường nhỏ ở phòng khách. Lạ chỗ ngủ, Khanh trằn trọc chẳng ngủ được. Lâu lâu, từ trong buồng trong, tiếng lẩm bẩm của ông ngoại lại vang lên.
Ở với ông bà thêm hai ngày cuối tuần, chiều thứ hai sau đó, Khanh tới trường mới buổi đầu tiên.
Trường học mới của Khanh có tên là trường THPT Đông Sơn, là một ngôi trường khá rộng nhưng cũ kĩ của địa phương, nằm gần ngọn đồi sau làng. Sáng hôm ấy, bà ngoại đã nhờ một bác hàng xóm nào đó dẫn cô tới trường học vì Khanh không biết đường. Sau vài ngày thạo đường, Khanh sẽ lại tự đi học trên con xe đạp cũ quen thuộc.

Càng đến gần trường, Khanh càng thấy chán nản. Cô bất giác thu mình lại trong chiếc áo khoác đồng phục, chụp chiếc mũ lưỡi trai đội lên đầu. Gần cổng trường vẫn có những hàng quán nhỏ lẻ bán đồ dùng học tập, đồ ăn vặt linh tinh như bao ngôi trường khác nhưng có vẻ xơ xác hơn. Từng đám học sinh đi xe đạp, đi bộ đang tản dần vào trong cổng trường.

Bước qua cổng trường, Khanh đưa mắt quan sát toàn bộ ngôi trường mới. Trường có một khoảnh sân rộng và một sân khấu để thực hiện các buổi lễ, làm không gian sinh hoạt chung cho học sinh. Bên tay trái là một toàn nhà có ba tầng sơn màu vàng, những lớp vôi vữa đã tróc cả ra và một công trường đang thi công dở, được quây rào kín. Có lẽ ngôi trường đang được xây dựng thêm. Ở phía xa xa còn một toà nhà hai tầng cũ kĩ nữa mà đôi mắt hơi cận của Khanh không nhìn rõ được. Hành lang của các tòa nhà đều thoáng rộng, nhìn thấy cả khoảnh sân phía sau. Quanh sân trường là những cây bàng, cây phượng cũ, gốc cây được sơn trắng nhưng cành đang khẳng khiu trụi lá. Nhìn kiến trúc của ngôi trường đúng là khác xa những ngôi trường sạch sẽ mà Khanh từng theo học trên thành phố.

Ở đây toát lên sự cũ kĩ, tiêu điều. Đứng giữa sân trường đông đúc học sinh mà Khanh vẫn cảm thấy lạnh lẽo. Ngôi trường này có một bầu không khí khó diễn tả, cảm giác như từng lớp sơn tường đều chứa đựng những bí ẩn nào đó.

Cô giáo chủ nhiệm mới của Khanh là một người cao ráo, cắt mái tóc ngắn ngang vai, mặc chiếc quần âu và áo sơ mi đơn giản – một hình mẫu giáo viên thông thường, không có gì đặc biệt, cô tên là Phương. Tiếng trống vào tiết vang lên khắp sân trường. Khanh theo cô giáo lên lớp. Vẫn giữ tính cách lầm lì ít nói, đáp lại nụ cười của cô chủ nhiệm, Khanh chỉ chào cô khe khẽ.

Những học sinh còn lại ở dưới sân trường vội vàng túa về hướng cầu thang của toà nhà ba tầng màu vàng để lên lớp. Hoá ra toàn bộ các học sinh đều sẽ học ở toà nhà này.
Lớp học của Khanh là 12A6, nằm trên tầng ba.

Theo chân cô giáo bước vào lớp, Khanh vẫn giữ nét mặt bình thản, tóc mái dài che nửa vầng trán. Cô đã trải qua quá trình này rất nhiều lần trong mấy năm qua, tới mức không còn thấy ngại ngùng gì nữa cả. Khanh còn có chút khinh thường những học sinh quê mùa ở đây. Chắc hẳn chúng chẳng biết gì về sự sôi động ở thành phố.

“Cả lớp chú ý nào! Hôm nay lớp mình có bạn mới nhập học! Em lại đây...” Cô giáo nói.

Tiếng xôn xao ồn ào trong lớp lại vang lên.

Cô Phương gõ chiếc thước gỗ xuống bàn, nghiêm giọng hơn: “Cả lớp trật tự! Đây là bạn Khanh, mới chuyển từ trên thành phố xuống học. Cả lớp nhớ giúp đỡ bạn. Em ngồi xuống bàn thứ năm dãy kia nhé.”

Khanh đảo mắt quanh lớp một vòng, những gương mặt hiếu kì khác đang hướng về phía cô. Tất cả những gương mặt ấy đều thật vô vị, chẳng đáng để ghi nhớ. Dù sao cũng chỉ ở cùng nhau 4 tháng nữa, Khanh chẳng bận tâm.

Khanh nghênh ngang đi xuống dưới lớp, ngồi phịch xuống chiếc ghế trống ọp ẹp, bên cạnh một bạn nữ, chỗ đã được cô giáo chỉ định.

Nữ sinh ngồi bên cạnh Khanh mặc bộ quần áo đồng phục đã hơi ngả màu, tóc buộc đuôi gà, trông không có gì nổi bật.

“Chào cậu, tớ là Thư. Cậu chuyển từ trường nào về thế?” Nó quay sang bắt chuyện với Khanh, khuôn mặt hớn hở.

Khanh chỉ liếc mắt sang nhìn rồi lại quay đi, không buồn đáp lời. Điều đó làm Thư tẽn tò trong im lặng. Suốt các tiết học sau đó, Khanh ngủ gà ngủ gật, nếu không thì vẽ nguệch ngoạc ra tập vở. Lời giảng bài của những thầy cô trên bục giảng kia không thể thu hút sự chú ý của cô một chút nào. Khanh ghét trường học, chẳng hứng thú với mớ kiến thức hỗn tạp kia cũng như đám bạn đồng trang lứa. Những kỉ niệm xưa kia ở nơi đây càng khiến Khanh thêm ác cảm.

Một tuần học đầu tiên trôi qua trong nhàm chán. Khanh vẫn không hề chủ động bắt chuyện với bất kì một bạn nào trong lớp. Dần dà, ánh mắt của những bạn học trong lớp nhìn Khanh cũng khác đi, những lời thì thào ngày một nhiều lên. Thái độ học tập của Khanh cũng làm các thầy cô giáo không hề hài lòng. Thế nhưng Khanh chỉ có một mục tiêu duy nhất là ra được trường trong 4 tháng tới.

Cuộc sống ở thị trấn nhỏ này khác xa trên thành phố. Cứ tới tối, đường làng lại chìm trong ánh vàng leo lét, không gian vắng lặng. Bà ngoại vẫn cư xử với Khanh lạnh lùng như vậy, chỉ nấu cơm cho cô ăn chứ cũng không hỏi han gì nhiều. Vì thế nên Khanh dành thời gian lê la ở ngoài nhiều hơn. Cô tìm được một vài hàng net ở trên phố, ở đó chơi game lướt mạng cho tới tối sụp mới về.

Sự nhàm chán buồn tẻ khiến Khanh cảm thấy thèm thuốc lá. Dù đã được cảnh báo trước nhưng đây vẫn là một thói quen khó bỏ. Thế là tối ngày hôm ấy, cô mặc chiếc áo khoác gió có mũ lụp xụp, ra hàng tạp hoá đầu thôn, mua một bao thuốc lá.

Chiều hôm sau, sau giờ tan trường, Khanh đi lòng vòng xung quanh ngôi trường cũ, tìm chỗ nào khuất ngồi hút thuốc chơi. Nếu hút ở gần nhà, Khanh chỉ sợ bà hàng xóm nào nhiều chuyện, đi nói với bà ngoại thì dở việc. Ở trong thôn xóm, mọi người đều biết hết nhà nhau, còn ở đây, không phải đứa học sinh nào cũng rõ cô là ai, học lớp nào, chỉ cần tránh giáo viên, bảo vệ là được.

Khanh lại gần hơn toà nhà hai tầng bên tay trái sân trường mà cô chưa có dịp nhìn kĩ. Hoá ra đây từng là khu phòng thực hành cũ, tầng một là phòng thể chất, trên tầng hai còn có một số phòng thực hành Sinh – Hóa,... Thế nhưng toà nhà trông có vẻ như đã khá lâu không được sử dụng. Các tiết học thể dục, các học sinh vẫn phải học ngoài trời, dưới sân trường chứ không phải nhà thể chất này. Các cửa sổ đóng im ỉm, có lớp bụi đã phủ mờ, những cánh cửa chính được khoá chặt, kể cả lối lên cầu thang tầng 2 cũng vậy, ổ khoá đã hoen rỉ hết cả. Ở lối vào hành lang còn có chăng những sợi dây vàng công trường, ngăn không cho học sinh lại gần. Có lẽ toà nhà này cũ rồi, đang chờ được thi công lại.

Khanh nhoẻn miệng cười. Như vậy càng tốt, chỗ này thích hợp để hút thuốc, sẽ chẳng có mấy ai bén mảng gần đây cả. Khanh bèn đi vòng ra sau toà nhà thể chất, xem có chỗ nào khuất một chút không.

Phía sau toà nhà là một hành lang tôi tối, sát với vách tường bao quanh trường. Ở ngoài bức tường ấy là khu vực chân đồi, cây cối rậm rạp.

Dọc hành lang còn có những bụi cây mọc hoang, đã lâu không ai cắt tỉa. Đặc biệt, có một cây bàng khá lớn nằm ở góc tường.

Khanh bèn vòng ra sau cây bàng, ngồi dưới gốc cây. Góc này khá khuất, chỉ có vòng tít sang bên đối diện đi vào mới nhìn thấy được. Khanh yên tâm móc bao thuốc và bật lửa ra, rút một điếu châm lên và hút.

Từng hơi thuốc lan xuống cổ họng khiến cô cảm thấy thư thái trong lồng ngực. Tiếng gió cuối chiều đã rít lên từng cơn.

Thế nhưng Khanh không hề biết rằng, cô đang ngồi ở một nơi cấm kị.

Xem tiếp chap 3 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn