Truyện ma Việt Nam "bóng trắng sau trường" chap 1

Mở Đầu

[TRUYỆN TÂM LINH HỌC ĐƯỜNG]
BÓNG TRẮNG SAU TRƯỜNG
Thục Linh -

"Khanh - một cô gái ngỗ ngược, vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt phải chuyển về học tại một ngôi trường dưới quê. Trong ngôi trường tưởng chừng bình yên này lại chứa đựng những lời đồn đại không rõ thực hư: về chiếc cây đổ máu sau trường, bóng ma ở tòa nhà thể chất bỏ hoang… Không sợ trời, không sợ đất, Khanh vô tình đánh thức linh hồn đã ngủ yên, dẫn tới một vài cái chết bất thường kì lạ trong trường. Cô từ từ khám phá và tìm hiểu ra nỗi đau, sự thật được che giấu phía sau bài hát “Tuổi đời mênh mông” vẫn vang vọng một cách ma mị ai oán ở nơi hành lang vắng người… Liệu Khanh có thể thoát ra khỏi nỗi ám ảnh và tìm lại cách sống đúng đắn? Không chỉ có vậy, những bí ẩn của bà ngoại và quá khứ đau thương về người mẹ của mình bủa vây Khanh trong những giấc mơ, như một tấm màn bao phủ cuộc đời cô từ khi tấm bé cũng dần được hé mở theo một cách ghê rợn…" 

Ở phía ngoài bức tường bao vàng của trường học, trong một con ngõ nhỏ sát khu dân cư, một đám học sinh đang tụ tập lại. Có đâu khoảng năm nữ sinh trung học, tóc tai kiểu cách, có một hai đứa còn để mái tóc nhuộm nâu vàng rực lên dưới ánh nắng, đang đứng chống nạnh vây quanh một nữ sinh khác.

“Ê! Đồ lập dị, mày biết tại sao bọn tao hẹn mày ra đây không?” Một đứa hất hàm hỏi.

“Con mồ côi, cứ thích tỏ ra mình ngầu à?” Một đứa khác hung hăng đẩy mạnh vai của nữ sinh đứng giữa vòng vây kia.

Nữ sinh đứng giữa có vóc dáng gầy gò, đang chịu đựng những lời lẽ xối xả đầy miệt thị của những học sinh xung quanh. Mái tóc tém của cô bé cắt ngắn tới gáy, phần mái dày che khuất một bên trán, tới tận mắt.

Nữ sinh đứng đầu đám bắt nạt, có mái tóc nâu vàng cất giọng:

“Nghe nói mày là đồ con hoang hả? Mẹ mày nhục nhã quá khi có mày phải không? Mẹ mày cũng do mày ép chết thôi… Ha...ha”

“Bốp!” Chưa nói hết câu, nữ sinh tóc tém kia đã tung một cú đấm mạnh vào mặt nữ sinh tóc vàng. Cô ta ngã ra đất, máu mũi chảy ròng xuống môi.

“MÀY!” Cô gái ôm mũi, tai đỏ gay lên vì tức tối.

“Đừng – bao – giờ - nhắc đến- mẹ tao!” Nữ sinh tóc tém gằn giọng từng chữ, ánh mắt đã trở nên sắc lẹm, ngước lên từ đám tóc mái lòa xòa.

Những nữ sinh còn lại bực tức xông vào, nắm tóc nắm áo của tóc tém mà ghì xuống. Thế nhưng trong vóc dáng nhỏ nhắn đó lại chứa đựng sức mạnh khó tin, chẳng mấy chốc mà cô gái đã giằng ra khỏi được vòng tay của đám nữ sinh kia. Những cú đá, đấm tóc tém tung ra đều khiến những nữ sinh còn lại chẳng kịp phản đòn, chỉ phản ứng yếu ớt. Chỉ một lát sau, chúng đã mệt lử, đứng lom khom phòng vệ, không dám tấn công nữ sinh tóc tém kia nữa.
Nữ sinh đầu sỏ lúc này mới bật dậy, lao về phía tóc tém đầy vẻ căm thù. Thế nhưng cô ta phải khựng lại vì một vật mà nữ sinh kia vừa tung ra.

“Á!” Cô ta hét lên đau đớn, trên mặt đã có một vết xước rớm máu.

Trên tay tóc tém có một đồ vật đang ánh lên lấp loáng dưới ánh nắng ban trưa: một con dao găm.
Cả hội nữ sinh kia lùi lại.

“Mày… mày mang dao bên người rồi đến trường? Mày là cái giống gì…” Ả tóc vàng lắp bắp.

“Cút!” Tóc tém quát lớn, khua dao một đường rất ngọt trong không trung. Đám nữ sinh ngang ngược kia đành quay lưng bỏ đi. Tóc tém đứng lại một mình, khẽ thở dốc, mái tóc đã rối bù và quần áo đã xộc xệch cả, nhưng là người thắng trận cuối cùng.

Ngày hôm sau…

Trong văn phòng hiệu trưởng, bầu không khí có phần nặng trĩu, căng thẳng. Xung quanh bàn nước, có tất thảy ba người đang ngồi. Một người đàn ông có mái tóc muối tiêu, gương mặt đã có nét đồi mồi sương gió, khẽ cúi đầu, ngồi ở chiếc ghế da đơn bên tay trái. Nữ sinh tóc tém hôm qua có cuộc ẩu đả với hội nữ sinh ngồi kế bên chú, tựa lưng vào ghế, hai tay buông thõng, đang vân vê tà áo. Trông khuôn mặt cô gái không có chút lo lắng nào mà chỉ dâng lên sự chán nản. Ngồi đối diện hai người ấy là một người đàn ông hói đầu, mặc chiếc áo sơ mi xanh bệ vệ, tay khoanh trước ngực, gương mặt nhăn nhó, nhìn ra ngoài cửa sổ. Những cốc nước trà trên bàn đã nguội ngắt.

Lúc này, người đàn ông tóc muối tiêu – tên Tín mới cất giọng khẽ:

“Tôi thành thực xin lỗi vì đã không bảo ban cháu cẩn thận… Mong thầy chiếu cố, cho cháu thêm cơ hội để ở lại theo học…”

Lão hiệu trưởng ngồi đối diện cau mày, đáp lời:
“Tôi cũng rất hiểu và thông cảm cho nỗi khổ tâm của anh, anh Tín ạ. Nhưng mà quả thực trường tôi không nhận nổi cháu nữa. Trong vòng một tháng, tái phạm hút thuốc ba lần, gây sự với bạn bè năm lần, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, bài học trên lớp không bao giờ hoàn thành đầy đủ… Hôm qua còn gây thương tích cho một bạn khác bằng dao. Các giáo viên cũng đã rất cố gắng, nhưng còn ý kiến của phụ huynh học sinh cùng lớp…”

“Tôi… tôi sẽ quản giáo cháu nghiêm khắc hơn…” Chú Tín lắp bắp.

“Ý tôi đã quyết rồi, mong anh thông cảm!”

“Lúc xin cho cháu vào học, tôi cũng nhờ thầy chiếu cố, vì hoàn cảnh của cháu…”

“Tôi hiểu! Tôi hiểu! Nhưng giờ tôi không thể giúp được nữa. Anh cũng không cần cố quá sức làm gì, anh chỉ là người bảo trợ xã hội cho nó, anh đã làm hết trách nhiệm rồi. Thực sự tôi nghĩ cần người có chuyên môn giúp cho nó, hoặc anh cho nó đi học nghề đi! Thật sự, hết thuốc chữa rồi…!” Lão hiệu trưởng phủi phủi tay.

Ánh mắt tóc tém có chút mơ màng, nhìn ra ánh nắng cuối đông nhợt nhạt chiếu ngoài khung cửa. Những lời nói như kịch bản đã viết sẵn nhiều lần trôi khỏi tai cô như bánh xà phòng.

“Ha… Thật buồn cười…” Cô gái khẽ nhếch mép, buông một nụ cười nhạt, lẩm bẩm trong miệng.

“Cái… cái gì cơ?” Lão hiệu trưởng hướng ánh mắt về phía cô nữ sinh.

“Khanh!” Chú Tín gằn giọng nghiêm nghị.

Khanh chẳng có phản ứng gì, chỉ tập trung vào thứ mà mình cô bé nhìn thấy. Cô đang quan sát làn khói trắng đang lẩn quẩn xung quanh cổ của lão hiệu trưởng, khác hẳn những sợi không khí bình thường đang tản mát khắp nơi. Đôi lúc, nó tụ lại thành hình một người đàn ông có gương mặt đầy căm giận. Ông ta khẽ rít lên vài câu nói mà Khanh nghe câu được câu chăng, nhưng cũng hiểu được đôi phần.

“Buồn cười vì một người nhân cách không ra gì… Lại bảo tôi là hết thuốc chữa cơ đấy!” Khanh nói, nhìn thẳng vào mắt lão hiệu trưởng.

“Cái…cái gì! HỖN LÁO!” Vành tai lão hiệu trưởng đã đỏ tía cả lên, chỉ tay vào mặt nữ học sinh mà quát.

Chú Tín nắm chặt lấy cánh tay cô học sinh tóc tém mà lay: “Khanh! Cháu nói cái gì thế hả? Xin lỗi thầy mau lên!”

Khanh vẫn giữ gương mặt khinh khỉnh.
“Nghe nói thầy hay bị đau vai gáy… Thử về nghĩ lại xem, trong quá khứ có làm gì tội lỗi không? Để rồi giờ bệnh tật không yên…” Khanh tuôn một tràng, khóe môi khẽ giật giật.

“NÓI CÁI GÌ THẾ HẢ???” Mặt lão hiệu trưởng đã có chút biến sắc, dường như cô nữ sinh đã nói trúng tim đen của lão.

Khanh đá cái ghế đẩu sang một bên, ung dung bước ra khỏi văn phòng, bỏ mặc chú Tín đang gọi tên mình và lão hiệu trưởng đang tức không nói nên lời ở phía sau.
“Khanh! Khanh!” Chú Tín gọi giật giọng phía sau, nắm lấy chiếc balô sờn rách của Khanh mà kéo lại.
Cô gái chán chường quay lại nhìn, mặt không có chút cảm xúc.
“Tại sao cháu lại làm thế! Có biết người khác khổ sở như thế nào không?” Chú Tín gắt lên.

“Cháu không thích học! Chú đừng bắt ép cháu nữa. Đi học gò bó lắm! Với lại, lão thầy đó đã nhất quyết đuổi thì việc gì phải xin xỏ…”

“Lỗi là do mình! Đừng đổ cho ai cả! Chú cũng sắp hết kiên nhẫn với cháu rồi. Trong ba năm chuyển 8 trường! Giờ không đi học thì đi làm thuê cực khổ… Không có bằng tốt nghiệp cấp ba sao có nhiều cơ hội công việc tốt sau này?”

“Cháu không thích nghe mấy người đạo đức giả giảng giải…” Khanh lầm bầm trong miệng.
“Lại nói linh tinh cái gì thế hả? Giờ chú phải đi về có việc. Cháu cũng về nhà đi. Chú sẽ nói chuyện với các mẹ của cháu sau! Từ mai ở yên trong nhà chờ tính tiếp.”

Nói rồi chú Tín phất tay bỏ đi, dáng người gầy liêu xiêu trong gió đông. Khanh thủng thẳng vác balô xuống sân trường, đi chầm chậm lại khu nhà để xe, cảm giác như vừa trút bỏ được một gánh nặng. Cô lần tìm chiếc xe đạp cũ rỉ của mình trong đống xe của lũ học sinh trong trường.

Trước khi đạp xe rời đi, Khanh quay lưng nhìn ngôi trường mình theo học được 3 tháng này lần cuối. Trông nó vẫn nhạt nhẽo vô vị như lần đầu tiên cô tới đây. Nhấn pê đan, Khanh khẽ huýt sáo.

Chiếc xe vang lên những tiếng kẽo kẹt, lịch xịch của chiếc xích sắt đã lỏng lẻo. Khanh chưa muốn về ngay, bèn lượn một vài vòng hồ điều hòa, tới sát cuối giờ chiều mới trở về nhà, khi những cơn gió buổi tối ngày một buốt hơn.

Khanh đẩy cổng bước vào, mùi ẩm mốc quen thuộc xộc lên. Bên trong dãy phòng lụp xụp, những tiếng cười nói, pha lẫn tiếng khóc mếu, tiếng bát đũa, nước chảy vang vọng khắp nơi. Đây là một ngôi nhà tình nghĩa, dành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi, bệnh tật, nghèo khổ,… Khanh đã ở đây từ năm lên cấp hai, tới nay cũng được gần bảy năm rồi. Cô chỉ còn ông bà ngoại ở dưới quê, không có khả năng chăm sóc cô nên đành ở lại đây.

Ở đây có tất cả sáu “mẹ” và “dì” thay nhau chăm sóc những đứa trẻ. Có những đứa vừa mới lọt lòng, đủ mọi lứa tuổi, Khanh gần như lớn tuổi nhất.

Sau bữa cơm đạm bạc như mọi ngày, rửa bát tắm giặt xong, cô ngồi phịch xuống góc giường tối tăm trong căn phòng nhỏ, bấm chiếc điện thoại đen trắng để chơi game.

Mẹ Dần lúc đó đi ngang qua, gọi cô bé: “Khanh! Ra đây mẹ bảo!”

Cô gái đành đứng dậy đi theo bóng mẹ ra cuối hành lang. Sắc mặt mẹ đã đanh lại. Mẹ Dần là người nghiêm khắc nhất trong các mẹ ở nhà tình thương nhưng cũng là người luôn quan tâm Khanh nhất.
“Khanh! Mẹ nghe chú Tín nói, con lại gây chuyện ở trường phải không?”

“Con đâu có… Toàn chúng nó gây sự trước…” Khanh cau mày phản đối.

“Mẹ đã nói con bao nhiêu lần rồi cơ mà? Phải học yên ổn hết năm nay để tốt nghiệp! Sao con không nghe lời mẹ nói ra gì?”

“Con xin lỗi…” Khanh cúi mặt.

“Lần nào cũng xin lỗi xong vẫn vậy! Con phải biết chú Tín rất thương con và lo cho con rất nhiều lần rồi. Con làm khổ chú quá nhiều! Kiểu này…” Giọng mẹ Dần có chút trầm xuống.
“Con không thích đi học… Ở đó loạn lắm!” Khanh nói nhỏ trong miệng.

“Mẹ cũng không biết nói sao nữa! Kiểu này… mẹ với chú thống nhất là đưa con về trường ở dưới thị xã học. Ở trên thành phố cũng không còn trường nào dám nhận con nữa! Con về ở với ông bà, đỡ đần chăm sóc ông bà thêm!”

Nghe tới đây, mặt Khanh tái hẳn đi. Nét ương ngạnh lầm lì cũng tan biến. Cô có những ký ức không hề tốt về những người thân duy nhất còn lại. Khanh vẫn cứ nghĩ sẽ chuyển tới một trường học nào khác trong thành phố này nên chẳng quan trọng. Giờ phải trở về ở cùng ông bà, cô thấy sợ hãi. Ngôi nhà đó… Cô không muốn về chút nào.

“Nhưng...”

“Mẹ biết con không thích về đó nhưng đấy là lựa chọn cuối cùng và tốt nhất chú Tín có thể đưa ra cho con rồi. Tiền trợ cấp bên đó vẫn sẽ gửi đều. Nếu như con không chịu học thì bắt buộc phải đi học nghề! Con nên nhớ rằng, đủ 18 tuổi, trung tâm sẽ không bảo trợ thêm nữa, nếu con không học nghề thì con sẽ phải tự xin các công việc nặng nhọc, khổ sở hơn rất nhiều. 

Tốt nghiệp cấp ba xong thì sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn! Con lớn rồi, tự con suy nghĩ kĩ và lựa chọn. Mà mẹ cũng nhắc nhở con một lần cuối cùng, nếu lần tới còn bị đuổi học nữa, chú Tín sẽ không xin cho con bất kì một trường học nào nữa đâu. Nếu không muốn về làng thì tại sao không học tử tế… Mẹ không thể cứ kè kè bên con mãi được, còn phải lo cho các em!”

Vừa dứt lời, tiếng khóc của một đứa em trong nhà vang lên. Mẹ Dần vội quay lưng chạy đi, không kịp nói thêm tiếng nào.

Khanh thở dài chán nản, vào phòng vớ lấy chiếc áo khoác mỏng, khẽ khàng đi ra ngoài cổng. Cô đứng sau chiếc cột điện trong con ngõ tối cạnh nhà, rút trong túi áo trong ra một bao thuốc lá. Những lúc căng thẳng ức chế, chán chường, chỉ có mấy điếu thuốc này mới làm cô thấy nhẹ lòng hơn. Lần đầu tiên Khanh hút thuốc là vào năm lớp 9. Khi ấy, một đàn chị khoá trên đã rủ cô bé thử. Lâu dần thành nghiện. Dù bị phạt, đánh mắng thế nào, Khanh vẫn lén lút hút.
Khanh suy nghĩ mông lung. Chẳng lựa chọn nào mẹ Dần và chú Tín đưa ra cô thích cả. Khanh chỉ muốn tự mở cái gì đó của riêng mình, như một cửa hàng nhỏ chẳng hạn… Điều làm cô thấy lo lắng hơn là việc phải sống cùng ông bà ngoại – những người mà Khanh cảm thấy xa cách pha lẫn chút sợ hãi...

Khanh đứng nhìn ra con đường náo nhiệt xe cộ đi lại ngoài con ngõ, dưới ánh đèn vàng vọt. Ai cũng vội vã, co ro trong lớp áo khoác. Làn khói mỏng toả ra từ đầu điếu thuốc trên miệng cô trôi lảng bảng xung quanh, hoà lẫn với một số làn khói kì dị đang phảng phất ở gần một số chiếc xe máy, ô tô ngoài kia.

Đó cũng chính là những điều Khanh nhìn thấy mà chẳng ai nhìn thấy. Cô bé từng nghĩ mình có bệnh về mắt, nhưng đi khám một số nơi vẫn chẳng hề phát hiện ra điều gì bất thường. Sau này cô mới hiểu, những làn khói đó, đôi khi chứa đựng bí mật của một số con người…

Một phần lí do mà Khanh không muốn tới trường, vì nơi đó chứa đựng đầy rẫy những con người giả tạo, bê tha, thối nát. Điển hình như lão hiệu trưởng cũ vừa rồi, cũng có bí mật chẳng mấy tốt đẹp. “Bóng ma” theo sau lão là một người đàn ông bị lão đâm chết nhưng chẳng hề bồi thường cho tử tế. Thế nhưng, lựa chọn tốt nhất mà Khanh có thể bấm bụng làm lúc này, là đi học nốt học kì còn lại. Đó là trường học cuối cùng của cô. Chuyển về nơi có những ký ức không vui, lại xa xôi và vắng vẻ hơn, Khanh càng lo lắng về những gì mình sẽ gặp phải.

Tới mãi sau này Khanh mới biết, ở nơi đó, cô sẽ phải học những bài học lớn để trưởng thành.
(còn tiếp)

Xem Tiếp Chap 2 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn