Truyện ma Trung Quốc "cầu tài miếu âm"

 Miếu là nơi để thờ cúng thần linh, thời cổ đại, mọi người cho rằng miếu thờ là nơi để con người và thần linh giao tiếp với nhau. Con người dâng hương cúng bái cho thần, còn thần linh hưởng thụ hương khói của con người thì phải phù hộ tín đồ, thực hiện lời cầu xin của họ, ban phát lợi ích và hạnh phúc.

Chỉ là phúc hay họa đều có nhân quả hết, số mệnh đều được định sẵn rồi, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, ông trời đã quyết thì dù có là thần linh cũng đâu dễ dàng thay đổi. Nếu cầu thần bái Phật có tác dụng, vậy chẳng phải là rất không công bằng với những người cần cù vất vả lao động kiếm tiền, làm nhiều việc thiện tích góp công đức hay sao?
Nếu người có nghiệp chướng nặng nề đi cầu thần bái Phật, thắp thêm nén hương, dập đầu thêm vài cái mà được bỏ qua ngay, vậy chẳng phải là thần linh bị mù rồi à! Có gì khác mấy tên quan tham ô thu nhận hối lộ, nối giáo cho giặc đâu chứ? Thế mới nói, muốn dựa vào cầu thần bái Phật để lấy được phúc vận, thoát khỏi ác báo, hoàn toàn là chuyện viển vông. Dân gian thường bảo, cầu thần bái Phật không bằng làm nhiều việc tốt cũng là vì thế.
Chắc sẽ có người muốn hỏi, nói thế là không đúng rồi, có rất nhiều miếu thờ thiêng lắm mà, hay nghe thấy người ta nói miếu ở đâu ở đâu linh lắm, cầu tiền có tiền, xin con có con, thật ra bên trong những miếu thờ như vậy chưa chắc đã thờ cúng thần linh, ai biết được bên trong là những thứ gì.
Miếu thờ chia làm âm dương, miếu dương mới là nơi thờ cúng chính thần, là kiểu có thần cách, được sắc phong lên Bảng Phong Thần. Ví dụ như miếu Tam Thanh, miếu Ngọc Hoàng, miếu Chân Vũ, miếu thổ địa, vv… Những miếu ấy đều được xây dựng ở nơi dễ thấy, bước vào sẽ tạo cho người ta cảm giác trang trọng nghiêm trang.
Còn miếu âm lại thờ cúng đa dạng hơn, đủ mọi tầng lớp, cao thì như mấy tán tiên dã thần được dân gian truyền miệng, thấp thì là các loại hồ yêu tu luyện thành tinh, cô hồn dã quỷ. Phải kể các loại như miếu Hồ tiên, miếu Hoàng tiên, miếu Vạn ứng công, miếu Cô… đều thuộc về miếu âm, nói một cách đơn giản, chỉ cần không thờ chính thần thì đều là miếu âm. Miếu âm thường được xây ở những nơi hẻo lánh, đi vào trong có cảm giác lạnh lẽo âm u.
Miếu âm ở phương Bắc đa phần là miếu thờ yêu quái, chủ yếu hay thờ phụng Hồ tiên (hồ ly tinh), Hoàng tiên (chồn tinh), thần giữ nhà,… Còn miếu âm ở phương Nam lại nghiêng về miếu quỷ, thường cúng bái cho những cô hồn dã quỷ.
Sở dĩ phải lập miếu cho vong hồn là vì có một số người chết oan, dương thọ chưa hết, sau khi chết sinh ra rất nhiều oán khí, không thể vào luân hồi được nên ở lại nhân gian quấy phá hại người. Một số người do lúc sống không có con cháu gì, sau khi chết không có ai thờ cúng cầu siêu, chỉ có thể lang thang vất vưởng ở dương gian, không nơi nương tựa, dần dần sinh ra oán niệm, hóa thành lệ quỷ. Cách duy nhất là xây miếu cho những vong hồn đó, để chúng được hưởng thụ hương khói lễ bái mới có thể giúp chúng xóa bỏ oán niệm, an giấc ngàn thu.
Dựa theo các loại vong hồn được thờ cúng khác nhau, miếu âm lại có tên khác nhau, miếu nào thờ cúng oan hồn lệ quỷ thì gọi là Miếu quần chúng, những oan hồn lệ quỷ đó được tôn là đại chúng gia. Miếu nào thờ hài cốt không chủ do người ta sửa đường, đào kênh, dời mộ mà tìm thấy thì hay gọi chung là miếu hữu ứng công, nếu là hài cốt của nữ thì gọi là miếu Cô, còn miếu nào thờ xác chết trôi từ ngoài biển hoặc trên sông tới được gọi là miếu Thủy công.
Trên bảng tên hoặc tờ sớ của rất nhiều những miếu âm thờ cúng cô hồn đã quỷ này được ghi bốn chữ "Cầu được ước thấy", đây cũng là ngọn nguồn của cái tên miếu Hữu ứng công (đồng ý với mọi người), bởi vì miếu âm rất linh nghiệm nên có rất nhiều tín đồ, đặc biệt là kiểu dân cầu bạc đến cầu tài.
Chỉ là thứ mà miếu âm cung phụng không phải quỷ thì là quái, vừa chính vừa tà, há lại dễ dàng ban phát phúc lợi như con người mong muốn chứ? Cái thứ gọi là "linh nghiệm" chưa chắc đã là thứ tốt. Thử nghĩ mà xem, trên đời này nhiều miếu dương như vậy, trong đó cung phụng vô số chính thần thượng tiên, có ai là kém cạnh với những cô hồn dã quỷ, sơn tinh dã quái kia chứ? Vậy tại sao chỉ có miếu âm là linh nghiệm hơn?
Bởi vì loại "linh nghiệm" này phải trả giá rất đắt, đã có xin thì phải có trả, thậm chí có những lúc cái giá chính là tính mạng của bản thân và số kiếp của con cháu. Thế mới nói, nếu không phải đường cùng rồi thì tốt nhất là đừng tùy tiện đi bái miếu âm, tránh mất nhiều hơn được. Câu chuyện của chúng ta hôm nay có liên quan tới miếu âm đây.
Chuyện phải kể bắt đầu từ mười mấy năm trước, khi đó ở đầu thôn Tây chúng tôi có một nhà họ Lý, nói ra thì nhà đó cũng được coi như là cùng dòng họ với nhà tôi, tổ tiên hai nhà có chung một cội.
Nữ chủ nhân của nhà đó tên là Lý Tú Anh, sống cùng một thôn ấy mà cúi đầu không thấy ngẩng đầu gặp, người nhà bảo tôi gọi bà ấy là thím Lý. Phải kể về thím Lý này thế nào nhỉ! Thích lợi dụng người khác, làm việc chung với người ta thì không chịu thua thiệt dù chỉ là cái móng tay, thế nên rất hay va chạm với người khác, động một cái là lại chửi đổng mắng người, thế nên danh tiếng trong thôn cũng không tốt lắm.
Đầu xuân một năm nọ, trên một ngọn núi ở gần thôn chúng tôi tổ chức hội chùa, thím Lý cũng đi xem hội. Ngọn núi kia được gọi là núi Gai, cũng không to lắm, trên đó có mấy tòa miếu cũ không biết đã xây ở triều đại nào, trải qua gió táp mưa sa đã hoang tàn lắm rồi.
Sau đó có người nhận thầu ngọn núi này, tu sửa những ngôi miếu đã đổ nát, sau đó lại chặn đường thu vé, lúc ấy hình như là mất năm đồng, cũng không đắt lắm nên rất nhiều người khi đi trẩy hội cảm thấy có thể chấp nhận được.
Nhưng thím Lý lại không muốn bỏ tiền lấy ra, năm đồng tiền mua gì chẳng được, sao cứ phải nhất thiết tiêu hoang thế này. Thím Lý biết một con đường nhỏ đi lên từ sau núi, tuy hơi khó đi nhưng lại không bị chặn đường, có thể lên núi miễn phí, trước kia bà đã đi mấy lần rồi.
Thím Lý quyết định xong, vòng ra sau núi bắt đầu bò lên trên theo con đường nhỏ kia, đã biết là đường núi này rất ít người nên dọc đường chẳng gặp ai cả. Đi được một lúc lâu mới thấy phía trước xuất hiện một ngôi miếu cũ nát, chắc là vì ở đây ít ai lui tới, không có người nên ngôi miếu này chưa được sửa chữa, vẫn còn đổ nát tan hoang, cỏ hoang mọc đầy trước cửa miếu. Thím Lý biết đi qua ngôi miếu đổ nát này là cách đỉnh núi không xa nữa rồi.
Ngay khi bà đi ngang qua ngôi miếu đổ nát thì chợt nghe bên trong có tiếng động, vì tò mò nên mới đi tới chỗ cửa miếu ngó đầu vào trong. Tuy trước đây bà đã thấy ngôi miếu này rồi nhưng chưa từng đi vào, đây cũng là lần đầu tiên bà nhìn thấy quang cảnh bên trong miếu, lúc ấy lập tức cảm thấy có gì đó là lạ.
Bên trong hơi tối tăm, mùi ẩm mốc xộc lên, trên bàn thờ đầy bụi bặm thờ cúng một bức tượng thần, điều khiến bà kinh ngạc là tượng thần kia lại có hình dạng của một đứa trẻ chừng năm sáu tuổi, mặc yếm đỏ, thắt hai bím tóc xinh xinh, nở nụ cười mỉm trong sáng thuần khiết, khóe miệng hơi nhếch lên, rồi lại tạo cho người ta một loại cảm giác quỷ dị.
Trên bàn thờ còn để một lư hương, bên trong cắm ba cây hương, khói nhẹ lượn lờ. Một người đang quỳ dưới tượng thần, người đó mặc trạng phục kiểu tây, đi giày da, tóc vuốt ngược, nhìn không giống thôn dân quanh đây mà như là con cái nhà giàu, đang không ngừng quỳ lạy tượng thần, trong miệng còn lẩm nhẩm gì đó.
Thím Lý nghĩ đứa nhỏ như vậy cũng là thần tiên sao? Có quỷ mới tin! Đang định rời đi, người trong miếu chợt ngẩng đầu lên nhìn thím Lý, cười nói: "Thím kia không vào bái lạy sao? Nghe nói miếu này thiêng lắm đấy!"
Thím Lý nghe cậu ta nói thế thì chỉ coi là cậu ta có lòng tốt, không tiện làm phật lòng người ta nên mới bước vào trong, quỳ gối cạnh người nọ bái lạy tượng thần vài cái, trong lòng nghĩ nhà mình cái gì cũng tốt, nhưng mà lại không có tiền, không giàu có bằng nhà chị em dâu, thế nên vẫn không ngóc đầu lên được, chẳng có gì hay để mà xin, thôi thì xin sau này được phát tài to vậy!
Bà vừa lạy xong, người kia lại nói: "Chắc thím không biết rồi, bái thần lấy mà, phải dập đầu chín cái mới được, như vậy mới tỏ ra thành tâm, thành tâm thì ắt sẽ linh nghiệm!"
Thím Lý tự nhủ trong lòng, chẳng trách trước đây mình đi bái thần chưa từng linh nghiệm, hóa ra là cách dập đầu không đúng, vì vậy lại dập đầu chín cái theo lời người kia.
Dập đầu xong vừa ngẩng lên, không biết người kia đã đi từ lúc nào, trên đất có một tờ một trăm tệ bị rơi, có điều tờ tiền đó lại bị một sợi tơ hồng buộc quanh, không biết là để làm gì.
Thím Lý đoán là người vừa nãy vô ý làm rơi, bà nhìn ra ngoài miếu, thấy bốn bề vắng lặng thì nhặt tiền kia nhét vào túi rồi vội vàng rời đi, dọc đường cứ mừng thầm không thôi, trong lòng nhủ rằng cái miếu kia nhìn cũ nát nhưng đúng là thiêng thật, vừa mới xin xong mà đã bắt đầu linh nghiệm rồi.
Chỉ một lúc sau thím Lý đã lên tới đỉnh núi, người đi trẩy hội rất nhiều, rộn ràng nhốn nháo, còn có không ít người bán hàng rong nhỏ lẻ, tiếng rao không dứt bên tai. Tâm trạng bà đang rất tốt, mua mấy cái bánh bao ăn, lại quyết định mua cho mình một bộ quần áo, đang nghĩ xem có nên mua mấy đôi tất cho ông chồng ở nhà không thì ông thầy bói bên cạnh chợt “ồ” một tiếng.
Thầy bói kia nhìn chằm chằm bà một hồi rồi mới nói: “Này cô kia, tôi thấy tướng mạo cô hơi không chút không đúng đấy!”
Thím Lý nhíu mày, hỏi làm sao vậy, có phải mình có tai họa gì không, gần đây gặp xui hả, cần phải phá giải ư! Thím Lý nói lời này bằng giọng điệu quái gở, chỉ nghĩ thầy bói kia là kẻ lừa gạt, muốn lừa tiền mình, thế nên cũng không tức giận.
Không ngờ thầy bói lại lắc đầu, bảo rằng sắp tới bà không chỉ không gặp xui mà ngược lại còn vận may ập đến, số vận phất lên, e là chẳng lâu nữa sẽ thành đại phú đại quý.
Thím Lý nghe vậy thì vui lắm, nói đó là chuyện tốt mà!
Nhưng thầy bói kia lại nghiêm nghị bảo, cô sắp có vận may ập xuống là thật, nhưng vận may ấy lại quá thịnh, đã từ đỏ chuyển sang tím, trên đầu có tử khí (tử ở đây là màu tím), mơ hồ còn có xu hướng hóa đen. Vạn sự vạn vật, đến cực điểm ắt sẽ ngược lại, tử khí đại biểu cho may mắn, nếu nhiều hơn sẽ hóa đen, ấn đường màu đen đồng nghĩa sẽ gặp họa lớn. Dân gian thường bảo phúc họa kề nhau cũng là vì thế.
Hơn nữa mọi việc đều phải chú ý nhân quả, số mệnh của con người cũng thế, người tốt có mệnh của người tốt, người thường có mệnh người thường, nồi nào thì úp vung nấy, mọi thứ đã được định trước rồi.
Nếu một người bình thường không dưng lại được trời cao ưu ái, phú quý ngập trời, vậy lại thành chuyện khác thường, chuyện khác thường thì ắt có yêu, chưa chắc đã là chuyện tốt.
Thím Lý nghe mà đầu váng mắt hoa, không hiểu thầy bói nói thế là sao, trên mặt lộ ra vẻ khó hiểu.
Thầy bói nói tiếp, “tôi nói thẳng thế này cô đừng giận, mệnh cô vốn không được đại phú đại quý, vận may trên người cô bây giờ vô căn vô cứ, chẳng hiểu sao lại có được, cô phúc mỏng, không gánh được nó đâu, nếu cứ ngang ngược muốn nhận thì e là sẽ có nguy hiểm tính mạng đấy.”
Thím Lý cười, chép miệng bảo, “Nói vòng nói vo, tóm lại là sắp có họa chứ gì! Tiếp theo tôi phải tiêu tiền giải hạn đúng không! Mấy cái đấy của ông đi lừa cụ già bảy tám chục tuổi còn được, muốn lừa tôi ấy hả, cửa cũng không có nhé, tôi đâu có ngốc.”
Thầy bói thấy thím Lý nói vậy thì thở dài bảo, “Cô không biết tôi nhưng tôi nhận ra cô, cô là con dâu nhà cụ Lý bị què ở thôn Lý đúng không! Khi bố chồng cô còn sống có quen biết tôi, lúc cô kết hôn tôi còn tới uống rượu mừng đấy! Tôi lừa bậc con cháu như cô làm gì.”
Thím Lý thấy ông ta nói bài bản hẳn hoi, còn biết cả thân phận của mình nữa thì nửa tin nửa ngờ, lại cẩn thận quan sát thầy bói kia, vẫn không nhớ ra là ai, lại nghĩ lại, thấy cũng có thể là ông ta đã hỏi thăm về mình trước rồi mới ở đây ba hoa chích chòe, ở nông thôn có không ít chuyện như vậy, rất nhiều người đã gặp phải rồi.
Thím Lý không nói gì, không muốn dây dưa với thầy bói nữa, xoay người muốn đi, thầy bói kia thấy thím Lý không tin mình thì vô lực lắc đầu. Lúc thím Lý sắp đi thì dặn bà hãy nhớ đừng có tham tài, đừng có nhận tiền của bất chính thì mới giữ mạng được.
Nhưng thím Lý đâu có nghe lọt, bà không quan tâm tới lời thầy bói, đi dạo trong hội chùa thêm một lát tới chán rồi mới về nhà.
Tới nửa đêm, thím Lý mơ một giấc mơ kỳ quái, bầy trời trong mơ xám xịt không biết đang là ban ngày hay buổi tối, bà đứng giữa sân, nhìn thấy tiền bay từ trên trời xuống không ngừng, rơi ngập kín sân. Thím Lý mừng rỡ hoa chân múa tay, cười không khép được miệng.
Nhưng lúc này trong sân đột nhiên xuất hiện mấy người, khuôn mặt bọn họ đều mờ mờ ảo ảo nhìn không rõ, bọn họ cầm chổi quét tiền ra ngoài cửa lớn, thím Lý quýnh lên, cũng cầm chổi đi vun tiền bị quét ra vào lại nhà, mấy người kia chỉ mặc kệ bà, cúi đầu tiếp tục quét tiền. Thím Lý giận lắm, không chịu yếu kém, cứ ông quét tôi vun, quét không ngừng.
Trong lúc lơ đãng ngẩng đầu lên lại thấy trong những người đó có bóng người quen lắm, tuy không nhìn rõ khuôn mặt nhưng tư thế đi đường khập khiễng lại giống hệt bố chồng là cụ Lý què chân.
Thím Lý giận sôi máu não luôn, ông già không biết tích cóp tài sản cho con mình thì thôi, giờ còn quét tiền nhà mình ra ngoài cửa, đúng là già tới hồ đồ rồi! Bà giận quá, nhấc chổi đánh cả bố chồng.
Thoắt một cái những người đó đều biến mất hết, chỉ còn lại một mình thím Lý đứng trợn mắt há mồm trong sân, đến lúc ấy bà mới nhớ ra bố chồng mình đã chết từ lâu lắm rồi, bỗng thấy rùng mình sợ hãi.
Vừa định về phòng, lúc vô ý quay đầu nhìn lại thì thấy còn có một cụ già đứng ngoài cửa lớn, tóc người đó đã ngả hoa râm, nếp nhăn đầy mặt, lưng khòng xuống, run rẩy đứng đó đầy vẻ tuổi già sức yếu.
Lão ta ngơ ngẩn nhìn thím Lý, sau đó chợt cười, nụ cười cực kỳ quái đản, chẳng hiểu sao thím Lý lại thấy sợ hãi hết cả người, cứ như ngã xuống vực sâu vạn trượng đen sì, bà bị dọa cho chân tay rụng rời, không nhúc nhích nổi. Tiền từ trên trời vẫn rơi xuống không ngừng, tiền dưới đất càng tích càng dày, càng đọng càng nhiều, mãi đến khi vùi lấp cả thím Lý, thím Lý không thở nổi, nghẹn tới mức mồ hôi đầy đầu mới giật mình tỉnh lại.
Sau khi tỉnh lại, thím Lý mới phát hiện mình toát mồ hôi lạnh khắp người, bà còn chưa hoàn hồn lại, cả đêm đấy không ngủ, nghĩ rằng giấc mơ này có điều lạ, lại nhớ tới lời phán của lão thầy bói lúc ban ngày, trong lòng thấy hơi khó chịu.
Nhưng chẳng được mấy ngày mà thím Lý đã quên béng chuyện này, nên ăn thì ăn, cần uống thì uống. Kể ra cũng lạ, từ đó nhà thím Lý bắt đầu phát tài, dần trở nên giàu có, không phải là do nhà thím Lý tìm ra cách kiếm tiền, mà là tùy ý làm gì đó cũng có thể kiếm được đầy bồn đầy bát. Cùng là đi bắt cá dưới ao, người ta tung một mẻ lưới chỉ bắt được mấy con cá nhỏ quẫy đạp linh tinh, còn lưới nhà thím Lý lại thu hoạch vô cùng phong phú, một mẻ lưới kéo lên cơ man là cá, vô cùng kì quái.
Thậm chí tiện tay xới vài cuốc ở đất nhà mình cũng có thể đào ra đồ cổ vô giá, vận may như vậy muốn không phát tài cũng khó, chưa đến nửa năm, nhà thím Lý đã trở thành hộ giàu số một bốn phương tám hướng, thím Lý cả ngày tròng vàng đeo bạc, vui không khép được miệng.
Cứ thế được một thời gian nữa, thím Lý bắt đầu phát hiện cơ thể mình có hơi không ổn, cả ngày cứ uể oải ỉu xìu như chưa tỉnh ngủ, tinh thần rất kém, hơn nữa còn hay gặp ác mộng.
Lại chẳng được bao lâu sau, cơ thể thím Lý trở nên suy yếu, ốm bệnh nằm trên giường, nhưng lạ là không bác sĩ nào khám ra được bà mắc bệnh gì. Mặt mũi thím Lý xám ngoét, tóc đốm bạc, chưa đến bốn mươi mà đã nếp nhăn kín mặt, da trên người nhăn nheo lỏng lẻo, chẳng khác gì bà cụ bảy tám mươi tuổi.
Chưa đầy 1 năm mà thím Lý như già đi mấy chục tuổi, người trong nhà dẫn thím Lý đi khắp nơi tìm thầy hỏi thuốc nhưng chẳng có tác dụng. Trong lúc tuyệt vọng thím Lý mới tin lời thầy bói từng nói, kể lại chuyện từng vào miếu hoang trên núi Gai kia bái thần cầu tài, còn có giấc mơ kỳ quái khi về nhà kia cho người nhà nghe, mọi người nghe xong thì sợ hãi lắm, bởi vì trước giờ thím Lý chưa từng nhắc tới những chuyện này.
Chồng thím Lý nói với thím Lý rằng, khi bố mình còn sống đúng là có quan hệ rất tốt với một thầy bói ở thôn bên cạnh, hai người hay chơi cờ với nhau, chỉ là bà gả tới đây không lâu thì bố đã qua đời, thầy bói kia cũng không tới nữa, thế nên bà không biết thầy bói kia cũng là chuyện thường.
Chồng thím Lý dẫn thím Lý sang thôn bên tìm thầy bói kia, kể lại chuyện của thím Lý cho ông ấy, xin ông ấy nể mặt bố mình mà cứu bà một mạng.
Thầy bói nghe chuyện của thím Lý xong thì cau mày, cẩn thận quan sát thím Lý xong thì thở dài, nói nếu trước đó bà nghe lời mình thì còn giữ được mạng, nhưng bây giờ số mệnh đã ứng nghiệm trên người bà rồi, giờ mới xin giúp cũng đã muộn.
Thầy bói nói với bọn họ, ông ấy cũng biết ngôi miếu mà thím Lý đã bái lạy trên núi Gai kia, đó không phải ngôi miếu bình thường mà là miếu âm, thứ được thờ cúng bên trong không phải chính thần mà là tà thần, là thần An Nhàn – một trong năm Thông Thần.
Nghe nói năm Thông Thần là do năm con quỷ tu luyện thành, thanh danh của chúng trong dân gian không được tốt lành cho cam, nghe đồn rằng chúng dâm loạn vợ con người ta, gây họa cho bá tánh, nhưng nếu được thờ cúng cẩn thận thì cũng sẽ ban phát một chút phúc lợi, đáp ứng yêu cầu của người ta, hơn nữa còn linh nghiệm hơn thần linh bình thường nhiều.
Cũng chính vì thế mà trong dân gian có không ít miếu thờ năm Thông Thần, một số người đi cầu chính thần mà không được, hoặc chuyện đi cầu trái ngược lẽ trời, hại người tốt mình, không thể xin thần linh giúp đỡ thì sẽ đổi sang bái tà thần, thường thường đều sẽ linh nghiệm.
Thầy bói nói đến đây thì khẽ thở dài, lại nói tiếp, chỉ là mọi người không hề biết loại linh nghiệm này sẽ phải trả giá rất rất đắt, không dưng lại đi hàng phúc ban thọ cho người khác, đến thần linh còn không làm được thì mấy thứ gọi là tà thần, thực chất chỉ là mấy yêu ma quỷ quái kia sao lại tài giỏi như vậy được! Cũng chỉ là lấy hoặc mang tài thọ phúc đức các thứ trên người tín đồ, hoán đổi cho nhau mà thôi.
Thầy bói nói cho thím Lý biết, khi ấy bà cầu tài ở miếu năm Thông Thần, thứ bị mất chính là thọ mệnh, người trẻ tuổi trong miếu kia bảo bà dập đầu chín cái là có ý nghĩa sâu xa cả.
Dập đầu phải để ý tam thần tứ quỷ, nghĩa là khi bái thần thì dập đầu ba cái, tế tổ thì dập đầu bốn cái, bình thường sẽ chẳng có lúc nào phải dập đầu chín cái, vậy dập đầu chín cái là sao? Là hiến tế, hiến tế chính mình.
Các đại thần ở cổ đại dập đầu với hoàng đế đều là ba quỳ chín lạy, nghĩa là nguyện hi sinh thân mình, trung thành với quân chủ. Đương nhiên nếu ba quỳ chín lạy với hoàng đế thì chẳng sao cả, hoàng đế chưa chắc đã muốn mạng của thần tử, nhưng nếu dập đầu chín cái với tà thần, rồi xong, làm vậy chẳng khác nào dâng tính mệnh của mình lên.
Còn về tờ tiền buộc tơ hồng thím Lý nhặt được trong miếu kia chẳng phải là do người ta bất cẩn làm rơi mà là cố ý để đó, đấy chính là một cái bẫy, chỉ chờ thím Lý chui đầu vào.
Buộc tơ hồng vào tiền cũng tương đương với tiền trả trước, nhặt tờ tiền kia chính là ký khế ước trước mặt tà thần, dùng mạng của mình để đổi lấy tiền của người ta. Còn người trẻ tuổi trong miếu kia là người muốn dùng tiền mua mạng.
Thím Lý nghe xong thì hối hận lúc trước không nghe, khóc tới đứt ruột đứt gan. Thầy bói thở dài nói, nếu khi ấy cô nghe lời tôi, không tham tiếc tiền bạc trong giấc mơ hôm bái tà thần ấy thì có lẽ còn tránh được một kiếp, đấy là tổ tiên nhà cô biết tiền từ trên trời xuống có điều chẳng may nên mới quét ra khỏi cửa, bọn họ đang muốn cứu cô đấy! Nhưng cô lại ngang ngược cắt đứt đường sống duy nhất, bây giờ tôi cũng bó tay rồi.
Thím Lý thấy thầy bói cũng không có cách, chỉ đành khó sướt mướt đi về nhà, mấy ngày sau, thím Lý vô tình nhìn thấy một mẩu tin trên báo, nói là một doanh nhân nổi tiếng trong huyện làm từ thiện, quyên tặng không ít tiền để sửa chữa miếu hoang trên núi Gai, còn đi làm lễ tạ cùng người cha bệnh nặng mới khỏi, trên báo còn đăng cả ảnh chụp của hai cha con nữa. thím Lý kinh ngạc phát hiện, doanh nhân kia đúng là người trẻ tuổi bà gặp được trong miếu năm Thông Thần ngày đó, còn bố cậu ta chính là cụ già cười giả lả với bà trong mơ.
Không bao lâu sau thì thím Lý qua đời, lúc bà đi thì thất khiếu đổ máu, đầu bạc sắc tàn, mặt đầy nếp nhăn, gầy tới da bọc xương, cả người toát ra mùi mục nát.
Người nhà thím Lý hận doanh nhân kia đã hại chết thím Lý lắm, nhưng chuyện này lại không có chứng cứ, chẳng làm gì được người ta, chỉ có thể nói chuyện này cho bà con chòm xóm để trút giận.
Thầy bói thôn bên cạnh nghe được, nói chắc doanh nhân kia cũng được người mách nên mới dùng cách độc ác này kéo dài tính mạng cho cha, nhưng cách làm này vốn trái lẽ trời, chắc chắn sẽ không kết được quả ngọt. Hơn nữa muốn chiếm lợi từ chỗ tà thần à, làm gì có chuyện tốt như vậy, phàm là người bái miếu âm cúng tà thần, cho dù nguyện vọng linh nghiệm nhất thời nhưng cuôi cũng vẫn khó tránh được hậu quả xấu, rơi vào kết cục thê thảm.
Quả nhiên không lâu sau đã nghe tin doanh nhân kia bị phá sản, sau khi phá sản, cậu ta nợ người ta rất nhiều tiền, cuối cùng vợ con ly tán, cái nghèo quấn thân, còn cha cậu ta nghe đâu vẫn chưa hết bệnh, liên tục tái phát, cần rất nhiều tiền để duy trì. Sau khi cậu ta phá sản, người cha không có tiền chữa trị, cuối cùng bại liệt trên giường, cả ngày bị ốm đau tra tấn, sống không bằng chết, nhưng mà vẫn ngắc ngoải không chết đi được, cực kỳ thê thảm, giống hệt lời thầy bói từng nói.
Xem Thêm Nội Dung Khác :

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn