Cổ nhân cho rằng tướng mạo, vận mệnh và khí sắc của một người luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Từ khí sắc, tướng mạo của một người, người ta có thể đoán được vài phần vận mệnh tương lai của người ấy.
Bởi vậy mà việc xem tướng mạo để biết trước đường công danh sự nghiệp, hôn nhân vốn không còn xa lạ, đặc biệt là đối với những người Châu Á.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, cổ nhân đã đúc kết ra một câu tục ngữ: “Mã khán tứ đề, nhân khán tứ tướng”, nghĩa là muốn đánh giá về ngựa thì nên xem 4 đặc điểm; còn người thì phải xem bốn loại tướng. Bốn tướng đó bao gồm:
Diện tướng
Diện tướng là tướng mặt, hay ngũ quan, tướng mạo. Trước tiên khi quan sát một người, chúng ta cần chú ý đến tai, lông mày, mắt, mũi, miệng. Tướng mặt sẽ cho ta thấy đối phương là gian trá giảo hoạt hay chính nhân quân tử. Cổ nhân nói: “Diện do tâm sinh” (Tướng do tâm sinh). Ngoài ra, khuôn mặt còn thể hiện cả tình trạng lục phủ ngũ tạng và tâm tính đạo đức của một người.
Những người cát tường, đáng tin cậy là những người có ngũ quan hài hòa, phúc hậu. Tướng cát tường là tướng “Thiên đình bão mãn, địa các phương viên”, “Nhĩ đại cập kiên, diện đái từ tường” ý chỉ phần trán, cằm đầy đặn, sung túc, vuông tròn, tai to và dài, khuôn mặt hiền từ đôn hậu.
Trái lại, những người không đáng tin là những người có ngũ quan thiên lệch. Tăng Quốc Phiên, danh thần nhà Thanh viết: “Tà chính khán nhãn tị, chân giả khán chủy thần”, tức là muốn xem chính hay tà, thật thà hay gian xảo thì dựa vào mắt, mũi, môi miệng có thể đoán được.
Những người có thói quen liếc mắt nhìn người khác, hoặc ánh mắt luôn luôn lơ đễnh không cố định trong lúc trò chuyện, hay không dám nhìn thẳng đối phương, thì thường là những người không chân thành. Người có đôi môi dày phần lớn là người rộng rãi, nhiệt tình. Người môi mỏng thì đa số là người khéo ăn nói nhưng dễ trở mặt.
Tất nhiên, tướng mặt cũng phải dựa vào tổng thể không thể dựa vào một hai đặc điểm để kết luận được.
Nhục tướng là chỉ làn da bên ngoài. Sức khỏe, tâm tính và tinh thần của một người cũng ít nhiều thể hiện ra ở làn da của họ. Người có cuộc sống sung túc, cả về thể chất lẫn tinh thần là người có sắc mặt hồng hào, trên khuôn mặt hay nở nụ cười tươi tắn. Những người như vậy cũng thường là người chất phác, cởi mở.
Người có số không tốt, gia đình, hôn nhân tương đối kém, không thông thuận thường có làn da thô ráp, sạm xỉn, hoặc là mặt bủng da chì, nhiều nếp nhăn.
Thời cổ đại, do cuộc sống của các tầng lớp khác nhau rất lớn nên người ta thường nhìn nhục tướng để đoán biết thân phận của một người. Ví như các tiểu thư khuê các thì thường có làn da mịn màng, sáng bóng, còn thường dân, lao động vất vả thì có làn da thô ráp, không mịn màng.
Cốt tướng
Cốt tướng là chỉ cốt cách vóc dáng con người, không phải cứ cao lớn cường tráng mới là cốt tướng tốt đẹp. Một người có thể có dáng vóc không cao nhưng rất có khí độ, lúc nào cũng ngẩng đầu ưỡn ngực thì cũng được coi là cốt tướng đẹp.
Cổ ngữ nói: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, ý là vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương, biết người biết mặt không biết lòng. Bởi vậy cốt tướng rất trọng yếu khi muốn xem xét một người.
Cốt tướng có thể quyết định vận mệnh của một người, một người có thành tựu thì thường nói đó là người “Cốt cách kinh kỳ”, ý chỉ người có cốt tướng phi phàm. Còn những mỹ nhân thì được khen là “mỹ nhân tại cốt không tại da” nghĩa là người đẹp từ cốt cách chứ không phải vẻ bên ngoài.
Khí tướng
Khí tướng là chỉ “khí” trong thần khí của con người, hiểu đơn giản thì đây là thần sắc, khí sắc của con người. Người có khí tướng tốt thông thường là người thiện lương, ôn hòa, tràn đầy năng lượng, thoải mái vui vẻ.
Còn những người thường đăm chiêu ủ dột, chau mày thì khí sắc sẽ rất kém, cũng là do gặp phải nhiều những sự tình không như ý. Những người như vậy thường sẽ mang theo năng lượng không tích cực, thậm chí là không tốt đẹp.
Đăng nhận xét