Trong lịch sử và truyền thuyết dân gian đã từng xuất hiện rất nhiều quý nhân, từ ngoài mà nhìn thì họ không khác gì người bình thường, thậm chí không hề có năng lực gì đặc biệt, nhưng từ quỷ Thần cho đến các sinh mệnh ở không gian khác đều rất kính ngưỡng họ. Rốt cuộc họ có uy đức gì mà đạt được vinh diệu như vậy?
Bao Công ngày xử dương thế, đêm xử âm gian
Bao Thanh Thiên tên thật là Bao Chửng, tự Hy Nhân, còn được gọi với những tên khác như Bao Hắc Tử, Bao Học Sĩ, Bao Long Đồ,… là một vị quan thiết diện vô tư, xử án như Thần, dưới triều vua Tống Nhân Tông (1022 – 1063).
Theo truyền thuyết dân gian, Bao Chửng vốn là Văn Khúc Tinh Quân nhận mệnh của Thiên Thượng xuống trần phò vua giúp nước. Vì vậy mà trên trán ông có hình tượng mặt Trăng, biểu hiện cho uy nghiêm của Thần và ánh sáng của công lý, có thể nhìn thấu sự thật kể cả ở những nơi tăm tối trá ngụy nhất.
Bao Chửng một đời làm quan thanh liêm giản dị, trên trung với minh quân, dưới một lòng vì bách tính, trong triều giữ quan hệ hữu hảo với những vị hiền thần trung nghĩa, và không ngại uy quyền đối đầu với những kẻ gian tà hại dân hại nước, dù họ có xuất thân hiển hách hay là người của hoàng tộc thì cũng không khiến ông e dè sợ hãi.
Chính nhờ lòng dạ ngay thẳng, chí công vô tư, dám bảo vệ chính nghĩa và công lý, nên ông không những được hoàng đế nhà Tống trọng dụng, bách tính yêu thương, các hào sĩ giang hồ kính nể, mà thậm chí cả quỷ Thần ở Âm gian cũng phải kính trọng.
Bao Thanh Thiên ngày xử chuyện dương thế, đêm đến âm phủ phán xét quỷ hồn, giữ lẽ công bằng cho cả hai giới Âm Dương, nên đã trở thành huyền thoại lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay.
Trên bề mặt, Bao Chửng dường như chỉ là một quan văn không biết võ nghệ, nhưng ánh nhìn còn sắc hơn cả đao kiếm của ông có thể khiến mọi ác đồ phải dập đầu nhận tội, nếu có kẻ gian tà hoặc yêu ma hồ mị muốn dùng tà thuật hãm hại ông, thì Thần linh và các sinh mệnh ở không gian khác đều nhất loạt đến tương trợ và bảo hộ cho ông.
Điều này cho thấy rằng quỷ Thần rất xem trọng những người ngay thẳng chính trực, đặc biệt là những người không sợ cường quyền, dám bảo vệ lẽ phải, chính diện đối đầu với các thế lực tà ác.
Các bậc chân tu luôn được Thần linh trọng vọng
Nhắc đến câu chuyện về những người tu hành, bỏ qua nhân vật Đường Tăng trong Tây Du Ký là một thiếu sót lớn. Đường Tăng từ nhỏ đã xuất gia, một lòng hướng Phật, chuyên tâm tu luyện, khi nhận lệnh vua Đường thì dốc lòng sang đất Phật thỉnh chân kinh về hóa độ chúng sinh, vì Phật Pháp mà bôn ba chịu khổ suốt mười mấy năm.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng chỉ là một phàm nhân do thai mẹ sinh ra, hoàn toàn không có chút bản lĩnh nào, thậm chí so với người thường thì dường như còn yếu đuối hơn. Nhưng dù là vậy, hễ ông gặp nguy hiểm, thì không chỉ có ba đồ đệ dốc lòng bảo vệ, mà ngay cả Sơn Thần Thổ Địa, các Thần Lục đinh Lục giáp, chư Thiên Long Bát Bộ hộ pháp, cho đến các vị Thần Tiên trên Thiên cung, các vị Chân Nhân, Bồ Tát, La Hán, Phật Đà, đều đến tương trợ và bảo hộ ông, không cho phép ông thật sự xuất hiện nguy hiểm đến tính mạng.
Còn nhớ khi bốn thầy trò ngủ lại chùa hoàng gia của nước Ô Kê, nửa đêm oan hồn vị vua thật của vương quốc này, vốn bị yêu tinh hãm hại ném xuống giếng sâu, ngay cả tìm Diêm Vương để cáo trạng cũng không thể, nhưng lại tìm đến Đường Tăng để cầu xin được giải oan và giúp đỡ diệt trừ yêu quái. Đường Tăng vốn chỉ là một phàm nhân yếu đuối, sao hồn ma nhà vua có thể tin tưởng và xem trọng ông đến vậy?
Hay như khi đi ngang qua Vạn Thọ Sơn – Ngũ Trang Quán, Trấn Nguyên Đại Tiên vốn là vị Chân Nhân đắc đạo, Quan Âm Bồ Tát cũng phải “kính nể ba phần”, nhưng Đại Tiên dù đang bận việc vẫn không quên dặn dò hai đồ đệ phải tiếp đãi Đường Tăng thật chu đáo, còn mang cả quả nhân sâm trân quý ngàn năm có một cho ông thưởng thức, mà thứ quả này đến cả Thần Thổ Địa cũng chưa từng có phúc ngửi qua. Trấn Nguyên Đại Tiên còn tự nhận Đường Tăng là “bạn cũ” của mình.
Những chi tiết trên cho thấy rằng, người chuyên tâm tu hành, một lòng tín tâm vào Phật Pháp như Đường Tăng, dẫu cho có vẻ như không có năng lực gì, nhưng uy đức của họ đã gần thành, dù là quỷ ở âm gian hay Thần trên Thiên giới cũng phải xem trọng và vị nể họ.
Chỉ những yêu tinh không biết Thiên lý mới dám tự ý làm càn mà gây hại cho họ, nhưng sau cùng thì họ vẫn sẽ được bảo hộ mà không thật sự xuất hiện nguy hiểm.
Cao nhân bị lãng quên trong Tây Du Ký: Đường Thái Tông
Nhắc đến “cao nhân” trong Tây Du Ký, người ta thường nghĩ đến những vị Thần Tiên với vô số phép thần thông và bảo bối có uy lực to lớn, khiến cả Tôn Ngộ Không dù lợi hại cũng nhiều phen thất điên bát đảo. Tuy vậy, ít người nhận ra rằng có một “phàm nhân” không có phép màu, không sở hữu bảo bối, nhưng vẫn được quỷ Thần kính trọng, Thập Điện Diêm Vương vị nể, ngay cả Quan Âm Bồ Tát cũng hiện thân bảo hộ cho ông: đó chính là vua Đường Thái Tông.
Khi Long Vương sông Kinh Hà làm mưa sai lệch với ý Trời, biết sẽ bị xử chém, bèn tìm đến cầu xin Đường Thái Tông cứu mạng. Tuy rằng sau cùng Long Vương vẫn không thoát được cái chết, nhưng chi tiết này cho thấy rằng Đường Thái Tông rất được Thượng Thiên xem trọng, nên lời cầu xin của ông mới có tác dụng xá miễn tội cho Long Vương.
Lại nói, khi Đường Thái Tông bị đưa xuống âm gian, Phán quan không ngần ngại mà tăng thêm cho ông đến 20 năm tuổi thọ, Thập Điện Diêm Vương cũng đối đãi ông như thượng khách, không dám có chút thiếu sót. Ngoài ra, Quan Âm Bồ Tát đích thân hiện thân bảo hộ ông khỏi bị những quỷ hồn làm hại.
Trước khi về lại nhân gian, Đường Thái Tông đã du ngoạn qua các tầng địa ngục. Khi đi qua thành Uổng Tử, ông đã chứng kiến vô số oan hồn vô chủ chịu đói chịu lạnh. Nhà vua khi trở về đã dùng hẳn một kho kim ngân bố thí cho những hồn ma không ăn không uống này, và còn mời danh tăng đến cầu siêu cho họ. Không chỉ vậy, khi được Bồ Tát chỉ điểm, ông lập tức tìm người đến Tây Phương bái Phật thỉnh kinh về cứu độ chúng sinh.
Điều này cho thấy, vua Đường Thái Tông là một minh quân yêu dân như con, một lòng tin vào Phật Pháp, hơn nữa còn có lòng đại từ bi với chúng sinh âm gian, gánh chịu một phần tội lỗi cho họ, tìm cách giúp họ siêu thoát. Đây là điều mà cả Thập Điện Diêm Vương cũng không làm được, nên quỷ Thần đều phải kính ngưỡng ông, Bồ Tát cũng đích thân bảo hộ cho ông. Có thể nói Đường Thái Tông dựa vào đức độ của mình mà khiến quỷ Thần khâm phục vậy.
Chu Vũ Vương thuận Thiên phạt Trụ
Chu Vũ Vương là vị vua nhân đức của nhà Chu trong Phong Thần diễn nghĩa. Cũng như Đường Thái Tông, ông chỉ là một người phàm, ngoài quyền hành của người đứng đầu đất nước ra thì bản thân ông không có năng lực gì to lớn. Tuy vậy, rất nhiều Thần Tiên các giới, dù là Phật gia hay Đạo gia, thậm chí cả những vị Thần Phật cao hơn nữa, cũng dốc sức giúp ông lấy được thiên hạ.
Vì sao lại như vậy? Đó là vì Trụ Vương đang cai quản thiên hạ vốn là một vị vua tàn ác hoang dâm, trong khi đó Chu Vũ Vương anh minh đức độ, không muốn nhìn cảnh bách tính lầm than nên dấy binh phạt Trụ cứu dân
Việc Chu Vũ Vương sẽ đăng cơ là mệnh Trời định sẵn, ông thuận theo Thiên ý mà làm, nên dù là Thần Tiên ở cảnh giới nào cũng phải theo phò tá. Những ai muốn hại ông hoặc ngăn cản bước tiến phạt Trụ của ông, dẫu trước đây họ tu hành cao thâm đến đâu, lúc này đều bị xem là “loạn Thần”, hễ không tỉnh ngộ thì đều bị tước bỏ Thần vị và hủy mất đạo hạnh ngàn năm.
Chu Vũ Vương từng bị mắc kẹt trong trận Hồng Sa 100 ngày, ấy là vì trong mệnh ông cần phải trải qua kiếp nạn như vậy, nhưng vì là người làm việc theo ý Trời nên dù ông ở đâu cũng được phép thuật Tiên gia bảo hộ, vất vả thì có nhưng Thần Phật tuyệt đối sẽ không để ông bị nguy hiểm tính mạng.
Thông qua những nhân vật trên, chúng ta có thể kết luận rằng: Những bậc trung thần chính trực vô tư vì dân vì nước, những người tu hành và biết kính trọng Phật Pháp, những người đức độ có tâm đại Thiện vì chúng sinh, và những người biết thuận theo ý Trời mà tuyên dương chính nghĩa, đó chính là những “quý nhân” được quỷ Thần kính trọng nhất.
Trên bề mặt dường như họ không có năng lực gì to lớn, nhưng dù đi tới đâu cũng được Thần Phật bảo hộ chở che, yêu ma không thể làm hại.
Thế Di
Đăng nhận xét