Dân gian (TQ) có câu tục ngữ rằng: “gà không quá sáu năm, chó không quá tám năm”, trong sách cổ ‘Dịch yêu’ của Tây Hán cũng có nhắc tới điều này, ý là gà không thể nuôi tận sáu năm, chó không thể nuôi tới tám năm, qua thời hạn đó, gà chó sẽ bắt đầu không yên phận nữa. Chúng nó ở cạnh con người cả ngày, quan sát từng cử chỉ hành động của con người, lâu dần sẽ hiểu được tính người, có thể hiểu được tiếng người, bắt chước động tác, cách cư xử của con người, thậm chí còn làm ra những chuyện không ai ngờ được, nói cách khác chính là thành tinh.
Chuyện hôm nay là về một con chó già thành tinh. Chuyện kể phải bắt đầu từ hơn ba mươi năm trước, khi đó thôn Tây chúng tôi có một người được gọi là Hàn lão tam, mồ côi cha mẹ từ khi còn bé. Trong nhà vốn có bốn anh em thì anh cả, anh hai chết đói vào năm mất mùa, chỉ còn lại ông ấy là cậu tư sống nương tựa vào nhau.
Sau đó cậu tư cưới vợ, hai anh em chia nhà, Hàn lão tam lẻ loi một mình, chắc vì thấy trong nhà quạnh quẽ quá nên mới nuôi một con chó chăn gia súc (chó đất). Con chó đất kia lớn lên rất to khỏe hùng dũng, cứ như chó săn vậy. Lúc Hàn lão tam rảnh rỗi thì dẫn nó ra đồng săn thỏ, săn được thì một người một chó lại được nâng cấp thức ăn, có thể nói con chó đất ấy đã lập công lao lớn trong việc lấp đầy dạ dày của lão.
Hàn lão tam cũng đối tốt với con chó ấy đến mức không còn gì để chê, chỉ cần mình có đồ ăn thì sẽ không để nó bị đói, một người một chó cứ dựa vào nhau như vậy mà sống cả bảy tám năm. Sau đó cuộc sống dần tốt hơn, không cần vì miếng ăn mà lo bạc tóc nữa, con chó đất kia cũng già rồi, lông trên người cũng đã lốm đốm, có chỗ còn rụng sạch lông, Hàn lão tam mới xích nó ở cửa để nó trông nhà, thỉnh thoảng dắt nó ra ngoài đi dạo.
Khi đó nhà cậu tư có hai đứa trẻ, là hai chị em, em trai là Hổ Tử chừng bảy tám tuổi, hay chạy sang nhà Hàn lão tam chơi, Hàn lão tam cũng rất yêu thương đứa cháu trai này, nhà có gì ngon cũng để phần thằng bé. Nhưng trẻ con ấy mà, bảy tám tuổi thì đến chó cũng ghét, nghịch kinh hồn, có một lần Hổ Tử chạy sang nhà Hàn lão tam chơi, thấy con chó già đang nằm rạp ngủ trên đất thì xông lại đá một phát.
Đang yên đang lành lại bị đá, con chó già lồng lên muốn cắn người, may mà có dây xích kéo lại, con chó không bứt ra được, chỉ có thể sủa nhặng lên với Hổ Tử. Hổ Tử bắt đầu thấy sợ, sau lại thấy con chó không xông lên được thì mới vênh váo lên, chỉ vào con chó nói chờ đến lúc ăn tết sẽ bảo mọi người (bác) làm thịt mày, cho lên mâm.
Thằng bé nói xong, chỉ thấy con chó già hơi sững lại, sau đó không kêu nữa mà tiu ngỉu chui vào chuồng. Hổ Tử hả hê lắm, lại mắng mấy câu con chó chết tiệt rồi mới vào nhà.
Từ đó về sau mỗi lần Hổ Tử tới mà thấy con chó già đều ngứa mắt mà bảo chờ đến tết sẽ hầm thịt chó ăn, con chó cũng không dám cắn Hổ Tử nữa, chỉ là ánh mắt nó nhìn Hổ Tử ngày càng u ám hơn. Lại qua mấy tháng, càng gần cuối năm hơn rồi, con chó già có vẻ bồn chồn, ăn cũng không ăn, suốt ngày chỉ vòng đi vòng lại quanh chuồng.
Hàn lão tam nghĩ là nó bị ốm, luộc cho nó mấy quả trứng gà, nó cũng không ăn.
Thoắt cái đã tới hai ba tháng chạp, hôm nay là tết ông Công ông Táo, cũng là ngày hội chùa trong thị trấn, cậu tư chuẩn bị một ít sản vật núi rừng để lên hội chùa bán, muốn nghỉ lại đó mấy ngày, vì vậy bèn nhờ Hàn lão tam trông coi hai đứa trẻ nhà mình. Hàn lão tam cũng đồng ý luôn, đón hai đứa bé về nhà, nhưng ông không ngờ ngày đầu tiên hai đứa bé về nhà mình đã có chuyện.
Buổi tối hôm đó, hai đứa bé nhà cậu tư ngủ ở phòng phía Tây. Đến nửa đêm, chị Hổ Tử nghe loáng thoáng có tiếng gõ cửa ở bên ngoài, âm thanh kia rất kỳ quái, người bình thường gõ cửa chỉ gõ ba tiếng là ngừng, mà đây tiếng gõ lại lúc nặng lúc nhẹ không hề có quy luật, như là người uống say vậy.
Chị Hổ Tử ngủ mơ mơ màng màng nên chẳng để ý, một lúc sau tiếng gõ cửa kia ngày càng dồn dập, giữa chừng còn có cả tiếng ho khan không khác tiếng ho của Hàn lão tam là mấy, chỉ là có vẻ trầm thấp hơn, cứ gượng gượng thế nào, như thể cố tình hạ giọng để ho ra.
Hàn lão tam bị viêm khí quản nên hay bị ho khan, chị Hổ Tử ngủ lúc tỉnh lúc mê, chỉ nghĩ là bác lớn gõ cửa nên đứng dậy đi mở cửa, mở ra rồi lại thấy bên ngoài đen như mực không một bóng người, cô bé không khỏi sợ hãi, vội vàng đóng cửa lại.
Vừa chui vào chăn được một lúc, đang ngủ mơ màng thì bên ngoài lại truyền đến tiếng đập cửa lần nữa, gõ liên tục khiến người ta không sao ngủ nổi, chị Hổ Tử đang buồn ngủ lắm rồi, bèn mặc kệ luôn, một lát sau cô bé nghe loáng thoáng có tiếng em trai xuống giường đi mở cửa, tiếng đập cửa lập tức biến mất, cô bé ngủ mê man luôn.
Hôm sau Hàn lão tam dậy thật sớm, muốn đi chợ mua ít đồ tết, tiện thể mua luôn ít đồ ăn ngon cho hai đứa trẻ, vừa ra cửa lại thấy cả người con chó già ướt sũng, dưới chân còn dính bùn thì thấy rất lạ. Hôm nay trời không mưa, nước trên người con chó từ đâu ra vậy?
Ông nhìn kỹ con chó già, thấy dây quấn trên cổ nó rộng ra lỏng lẻo, nghĩ không lẽ đêm hôm nó lén chạy ra ngoài, lại thấy không có khả năng, chẳng lẽ con chó này về xong còn biết tự đeo xích vào à?
Nghĩ vậy thì Hàn lão tam cũng phải bật cười, tuy không biết mô tê ra sao nhưng cũng không để ý, chỉ lấy vải lau nước trên người con chó già đi để tránh cho nó bị cảm lạnh. Nhưng lúc lau nước cho con chó, Hàn lão tam lại thấy có gì đó không đúng, con chó già cúi đầu vẫy đuôi, ánh mắt luôn né tránh như đứa trẻ mắc lỗi, khiến ông thấy khó hiểu, không biết hôm nay nó bị sao vậy.
Đang nghĩ ngợi, chị Hổ Tử chợt hoang mang rối loạn chạy từ trong phòng ra, vừa khóc vừa bảo không thấy Hổ Tử đâu cả.
Hàn lão tam lắp bắp kinh hãi, dỗ cô bé không khóc nữa, bình tĩnh kể lại. Chị Hổ Tử mới kể chuyện tối qua ra, Hàn lão tam nghe xong càng thấy lạ, tối qua mình ngủ sớm, ngủ thẳng cẳng tới hừng đông thì làm sao đi gõ cửa phòng mấy đứa nhỏ được?
Vậy là ai gõ cửa? Hàn lão tam nghĩ mãi cũng không nghĩ được manh mối nào, bèn đi tìm Hổ Tử trước, tìm vòng quanh thôn một vòng cũng không thấy. Lúc này người trong thôn nghe nói không thấy Hổ Tử đâu cũng nháo nhác tìm giúp, tìm tới tận chiều mới có người phát hiện ra thi thể Hổ Tử ở bờ sông thôn Đông.
Cả người Hổ Tử toàn là máu, bị cắn xé không còn hình người, nằm trơ trọi cạnh mép sông lạnh băng, Hàn lão tam nhìn thấy thì bật khóc tại chỗ, ôm Hổ Tử thất tha thất thểu đi về nhà.
Sau đó lại có người trong thôn phát hiện có dấu chân chó ở bờ sông, nói với Hàn lão tam. Hàn lão tam lại nhớ tới biểu hiện khác lạ, cả người ướt đẫm, dưới chân dính bùn của con chó già nhà mình, lúc ấy mới hiểu chính con súc sinh này đã hại chết Hổ Tử.
Trước đây Hổ Tử hay mắng con chó già, nó làm vậy là đang trả thù! Tuy Hàn lão tam cảm thấy khó mà tin được, vô cùng khiếp sợ trước hành vi của con chó, nhưng cơn giận bùng lên tới não rồi, cuối cũng lão vẫn cầm gậy đánh con chó chết tươi. Lúc con chó sắp chết nó kêu lên thống thiết, nhưng từ đầu tới cuối vẫn không cắn Hàn lão tam miếng nào.
Trong thôn có người nói, con chó già nhà Hàn lão tam kia đã thành tinh rồi. Chỉ là động vật tuy thành tinh, hiểu được tiếng người, bắt chước vài hành động của con người nhưng suy cho cùng vẫn chỉ là súc sinh, không hiểu lòng người, không biết nhân tính, không biết phân biệt lời nói thật giả. Nghe thấy Hổ Tử nói cuối năm muốn ăn thịt chó bèn tin ngay là thật, thế mới sinh ra lòng hại người, tạo thành đại họa.
___________________
Dịch: Bông | Fanpage Qiu Xian - 秋贤
Đăng nhận xét