Truyện Ma Việt Nam - Ngủ cùng người chết chap 5

 𝐏𝐡𝐚̂̀𝐧 4 - 𝐓𝐡𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠

Xem lại chap 4 : Tại Đây

………………………………………..

Những năm 2000, việc đi du lịch Hà Khẩu chưa thuận tiện như bây giờ. Thời đó, để xin được giấy thông hành cả lớp chúng tôi phải mất hơn một ngày. Vì đa phần người đi du lịch đều là trẻ vị thành niên, cho nên ngoài vấn đề ủy quyền, thì các thầy cô giáo chúng tôi phải đảm bảo tình hình kiểm soát chúng tôi tới mức tối đa. Tại khu vực cửa khẩu ở đầu phía Việt Nam còn ghim những thông tin để công dân cần liên lạc trong tình huống khẩn cấp.

Mấy đứa con trai trong lớp nhìn nhau cười cười, chúng bảo rằng người ta chỉ hứng thú bắt cóc đám con gái, còn đám con trai như chúng nó chẳng hề là mục tiêu của bọn buôn người. Mấy lời đùa cợt ấy lọt tới tai thầy Phòng và cô giáo chủ nhiệm của tôi, kết cục đám con trai bị mắng té tát. Cái Châu và tôi nghe thấy thế thì trong lòng có chút lo lắng. Tôi đứng im lặng đọc tờ hướng dẫn thông báo thật lâu, trong đầu cố gắng nhớ toàn bộ những con số điện thoại ở trên đó, mãi cho tới khi cái Châu giục tôi mới rời bước đi.


Khi đi đến biên giới, đặt chân sang nước bạn, trong lòng tôi cảm thấy háo hức lắm. Tôi vẫn nhớ đến lời dặn của bà Cúc điên cùng với cảnh báo của A Phong trong giấc mơ. Thế rồi chính tôi lại tự thuyết phục mình rằng nơi này không quá xa nhà, bản thân tôi lại luôn luôn đi cùng với thầy cô giáo cùng các bạn nên chắc chắn sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Trong một khoảnh khắc tôi đã từng lưỡng lự định ở nhà không đi, ấy vậy mà cuối cùng tôi lại tặc lưỡi rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra. Mãi đến sau này, trong giây phút tuyệt vọng nhất, tôi mới cảm thấy hối hận vì đã không nghe lời người thanh niên trong giấc mơ lúc trước.
Quay trở lại cái ngày cả lớp tôi đi du lịch Hà Khẩu. Theo lịch chúng tôi sẽ đi qua biên giới vào lúc 5 giờ chiều, sau đó nghỉ đêm tại đây rồi chiều hôm sau về sớm. Chúng tôi đi vào đúng dịp nơi này tổ chức lễ hội đèn lồng, khắp nơi phủ một màu đỏ rực rỡ hệt như trong phim. Trời mùa đông ở Trung Quốc rất lạnh, mặc dù đã chuẩn bị áo ấm từ trước nhưng cả đám vẫn co ro trước cái lạnh khô khốc như muốn cào xé da thịt.

Ở hai bên đường kê san sát những quán vỉa hè, người bán thịt dê nướng, người bán màn thầu, lại có cả những người vác cây kẹo hồ lô đỏ rực khổng lồ trên vai đi đi lại lại nữa. Lũ học sinh chúng tôi như bị mê hoặc trước cảnh tượng ấy. Bấy lâu nay tôi cứ tò mò mãi về những cây kẹo hồ lô, nay có dịp nếm thử mới biết rằng thứ kẹo đỏ rực ấy được làm bằng quả sơn tra, phủ bên ngoài một lớp đường mỏng dính. Tôi rút tiền ra mua hai que kẹo, vừa mới định quay lại để khoe với cái Châu thì đã thấy nó đang đứng trước một quầy bán ven đường. Thì ra con bé đang đứng cạnh tội thì đột nhiên thấy một hàng bán bánh nướng rất thơm, kề bên tiệm thịt nướng mà lớp tôi đang tụ tập, thế là chạy tới đó ngay.
Trời càng về tối người đổ dồn về nơi này càng đông. Tôi nhìn thấy cái Châu đứng cạnh cô giáo, nên vội vàng gọi với theo. Không biết có phải nó không nghe thấy tôi hay không, mà vẫn quay lưng về phía tôi cười đùa với mấy đứa bạn khác. Tôi cố hết sức để chen lấn giữa dòng người để đổ về phía ấy, thế nhưng người có vóc dáng nhỏ xíu như tôi không thể nào chen được. Tôi gọi cái Châu, gọi cô giáo nhưng cứ như thể có ai đó che mắt họ. Khoảng cách giữa họ và tôi ngày càng xa, tôi có cảm giác như mình giống hệt một con cá đang bơi ngược dòng, càng cố gắng bơi gần đến bờ thì càng bị đẩy ra xa. Khi tôi chen đến một khúc quanh, thì vô tình vấp vào một hòn đá nên ngã sõng soài xuống đất.

Cú ngã khiến cho đầu óc tôi choáng váng, tôi ngồi phịch xuống đất để định thần lại, từ trong khoang miệng rỉ ra một ít máu tươi chảy từ chân răng. Đúng lúc đó tôi nhìn thấy một chiếc ví màu xanh nhạt nằm lẫn dưới đống lá cây xơ xác. Tôi với tay ra để lấy chiếc ví, bên trong khá dày. Tôi không kịp phủi bụi bẩn trên quần áo mình, cũng chẳng kịp xem xét cái ví đó kỹ càng hơn, tôi vội vàng đứng dậy để tìm kiếm bóng dáng đám bạn cùng lớp giữa dòng người đông nghịt. Đám bạn tôi đã đi đâu mất hút, tôi nhìn bốn xung quanh nhưng không thấy nổi một ai quen thuộc. Tôi lớn tiếng gọi cái Châu, cũng chẳng có ai trả lời. Không một ai để ý đến tôi, không một ai tỏ vẻ là đã mất cái ví, người ta ùn ùn kéo tới những hàng quán dọc bên đường. Không khí lạnh lẽo lúc tôi mới đến dường như bị thân nhiệt của những người nơi đây làm cho biến mất. Trong lòng tôi sợ hãi vô cùng. Tôi bàng hoàng nhận ra, mình đã bị lạc mất cả đoàn.


Từ trước đến giờ, chú Long đã từng rất nhiều lần dạy cho tôi cùng với cái Châu cách ứng phó khi bị đi lạc. Trong tình huống ấy, đột nhiên tôi trấn tĩnh lại rồi nhớ đến những gì ông chú ruột đã từng chỉ bảo. Đầu tiên, tuyệt đối không được tỏ ra hoảng loạn. Tôi hít một hơi dài để trấn tĩnh, sau đó nhét thẳng chiếc ví màu xanh nhạt vào trong túi áo khoác, cố gắng làm ra vẻ thật tự nhiên không để ai biết mình đi lạc. Bước tiếp theo, không được chạy lung tung, hãy ở một nơi thật an toàn để tìm cách liên lạc với người thân.

Tôi nhìn dọc theo con phố đông đúc, xung quanh là hàng quán đông nghịt, chỗ nào cũng đầy rẫy những người ăn uống cười nói oang oang. Tôi đi vừa đi bộ vừa quan sát, bất chợt tôi nhìn thấy một tiệm mì có khá đông đúc người ngồi cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi quyết định bước vào, tìm một bàn trống. Thằng bé đứng bên ngoài quán có lẽ chỉ bằng tuổi chúng tôi, vừa nhìn thấy tôi nó vội vàng sà vào hỏi, nói một tràng bằng tiếng Trung. Đầu óc tôi lúc đó chợt tỉnh táo lạ thường, tôi đoán rằng nó đang hỏi tôi muốn ăn gì, hoặc đi mấy người. Tôi giơ ba ngón tay lên trước mặt nó, thằng bé phục vụ tươi cười gật đầu rồi dẫn tôi tới một cái bàn nằm trong góc. Tôi run run gật đầu, cố tỏ ra vẻ tự nhiên rồi đi thẳng tới đó.
Vừa ngồi ở bàn, tôi vừa quan sát xung quanh. Nơi này giống như một tiệm ăn Trung Hoa điển hình, có bàn ghế gỗ, có một quầy bán mì, lại còn kèm thêm cả một kệ để đầy rượu, bên trên có đặt một ban thờ Quan Công bằng gỗ đỏ. Thằng bé đi một lúc, nói chuyện gì đó với người đầu bếp đang ở sau quầy, hai người liếc mắt về phía tôi rồi quay đi ngay. Trong lòng tôi lúc này cảm thấy có chút lo lắng, nếu như tôi đứng dậy mà bỏ đi lúc này thì chưa chắc đã yên ổn. Tôi ngoái đầu về phía sau, chợt nhìn thấy cánh cửa có đề hai chữ WC màu đỏ. Ngay lập tức tôi đứng dậy, bước đi vào trong nhà vệ sinh đó.

Khi chỉ còn một mình, tôi ngồi phịch xuống bồn cầu, hai tay bụm lên miệng, cố gắng ngăn bản thân mình bật khóc thành tiếng, tự nhủ với lòng mình rằng từ lúc mình đi lạc đến giờ vẫn chưa quá lâu, hoàn toàn có thể tìm lại được đoàn du lịch. Nghĩ đến thế cho nên tâm trạng tôi cũng dần dần bình ổn trở lại. Tôi cầm chiếc ví mình nhặt được để kiểm tra. Bên trong chứa khá nhiều tiền, toàn là tờ có số 100, có lẽ là 100 tệ. Tôi đếm sơ qua, phải được hơn 10.000 tệ. Tôi ngẩn người nhìn đống tiền trên tay mình, không hiểu chủ nhân của nó gặp rắc rối gì mà lại làm rơi mất số tiền lớn thế này. Tôi dự định sẽ đem chiếc ví về để tới đồn công an trả cho người bị mất, nhưng cuối cùng lại đổi ý.

Tôi nhẩm đếm số tiền mình có trong túi, tất cả chưa đến 100 tệ. Sau một vài giây cân nhắc, tôi quyết định vất cái ví này xuống thùng rác bên cạnh bồn cầu, sau đó chia đống tiền ra làm hai phần rồi nhét ở dưới tất. Tiền của tôi vẫn để trong túi áo, tôi tuyệt nhiên không muốn động đến số tiền không phải có mình. Ngộ nhỡ nếu ai đó phát hiện ra tôi đang giữ chiếc ví này thì không chừng sẽ cho rằng tôi trộm mất của người khác. Số tiền tôi mang đi đủ để gọi điện thoại về phòng thông tin ở Việt Nam ngay cạnh cửa khẩu. Tôi thở hắt ra, cảm thấy mình thật may mắn khi chí ít tôi có thể nhớ được số điện thoại đó trước khi sang tới đây.
Phía bên ngoài có tiếng phụ nữ gắt gỏng đòi vào, tôi vội vã mở cửa bước ra, gương mặt vẫn tỏ ra bình thường như không có gì. Thằng bé phục vụ khi nãy nhìn thấy tôi trở ra thì vội vàng bưng bát mì đến cho tôi, lúc nó đặt khay đựng mì xuống, vô tình làm rơi cái bút bi xuống dưới bàn. Tôi vội vàng cầm lấy chiếc bút viết thật nhanh số điện thoại liên lạc của phòng thông tin vào lòng bàn tay. Tôi viết đi viết lại tới 3 lần, trong lòng chỉ sợ mình quên mất. Thằng bé phục vụ thấy lạ, nó trợn mắt ngó theo tôi nhưng không nói gì. Bụng tôi bắt đầu réo lên vì đói, tôi hơi ngần ngừ nhìn bát mì loang loáng dầu trước mặt, định sẽ không ăn, thế nhưng lại sợ rằng hành động của mình sẽ khiến người khác để ý cho nên tôi đành cúi đầu ăn thật chậm rãi. Vừa ăn tôi vừa toan tính mình sẽ làm gì tiếp theo.

Tôi không nhớ địa chỉ chính xác nơi nghỉ trọ của lớp tôi đêm nay, bởi lẽ lúc nhận phòng cất hành lý, mấy đứa chúng tôi tíu tít nói chuyện với nhau, chỉ trỏ cảnh vật bên ngoài nên chẳng có đứa nào không để ý. Tôi thầm oán trách mình đã quá bất cẩn, nếu tôi giữ lấy địa chỉ ở quán trọ đó thì giờ này mọi chuyện đã đơn giản hơn rất nhiều. Thế nhưng, trên đời này làm gì có nhiều từ giá như đến thế?
Vừa mới nghĩ đến đó, tâm trạng tôi chùng hẳn xuống. Tôi ngước lên nhìn bên ngoài, bầu trời bây giờ đã lác đác mưa. Con đường rộng lớ vừa lúc nãy còn tràn ngập người qua kẻ lại, ấy thế mà bây giờ người ta đã nhốn nháo thu dọn hàng, không ai còn muốn nấn ná thêm nữa. Tôi đứng hẳn dậy để ngóng ra bên ngoài, chẳng thấy bóng dáng của bạn bè đâu cả. Trong giây phút đó, đột nhiên tôi phát hiện thấy một bóng người đứng bên kia đường nhìn chằm chằm vào trong cửa tiệm, ánh sáng hắt ra từ mấy cửa hàng cho tôi biết người ấy mặc một chiếc váy đỏ mỏng manh, hai chân đi đất.
Khi tôi còn đang ngây người ra nhìn thì từ trên không trung có một tia chớp giật rồi tiếng sấm đùng đùng vang lên, mấy đứa trẻ con theo bố mẹ đi ăn mì giật mình khóc thét. Tôi hét lên một tiếng rồi bật lùi ra sau, trong một tích tắc, tôi phát hiện ra người mặc váy đỏ loang loáng máu đang nhìn tôi chằm chằm không phải ai khác mà là người đàn bà đã chết từ hôm rằm tháng bảy.
............................................
Toàn thân tôi lúc này sợ đến run cầm cập. Một vài người khách quay lại nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên. Tôi không muốn thu hút sự chú ý về phía mình, cho nên đành ngồi xuống, mắt vẫn nhìn ra ngoài cửa sổ. Trong đầu tôi lúc này hiện lên hàng loạt suy nghĩ. Tại sao bà ấy lại ở đâu? Tại sao vong hồn này cứ ám theo mình mãi thế này? Giờ phải làm sao đây? Khi tôi còn đang bần thần thì điện sáng lúc này đột nhiên tắt ngúm, thực khách trong quán đồng loạt ồ lên một tiếng.


Thằng bé phục vụ lên tiếng trấn an, rồi cùng ông già đầu bếp lúi húi thắp mấy ngọn nến đỏ rực mang đến các bàn. Tôi cầm chắc chiếc bút mà khi nãy thằng bé ấy bỏ quên, như thể có nó tôi cảm thấy vững dạ hơn rất nhiều. Tôi hơi mím môi, tiện tay kéo ống quần lên rồi nhét luôn chiếc bút trong tất bên chân phải. Vào lúc tôi còn đang suy nghĩ thì có một người thanh niên còn rất trẻ bước vào cửa tiệm.

Người này nói chuyện với thằng bé phục vụ vài ba câu, không rõ là nói gì nhưng tôi thấy thằng bé kia chỉ vào nơi tôi đang ngồi. Người thanh niên đi tới bàn của tôi, thả mình xuống ghế rồi chăm chú đọc tờ thực đơn dính mỡ bóng nhẫy dán ở trên bàn. Tôi cúi đầu vờ im lặng ăn tiếp, bên ngoài cố tỏ ra bình tĩnh không có gì, nhưng trong tim tôi đập thình thịch vì lo sợ. Người thanh niên nhìn tôi rồi mở lời trước:
“Sao ăn ở đây một mình thế này?”
Thấy anh ta nói tiếng Việt, tôi khẽ ngẩng lên để nhìn nhưng rồi lại cúi xuống. Tôi vẫn còn nhớ lời chú Long dặn dò, khi đi lạc không được tùy tiện nói chuyện với người lạ. Thấy tôi không nói gì, chỉ cắm cúi ăn, người thanh niên kia lấy trong túi ra một chiếc điện thoại di động. Anh ta nhoay nhoáy nhắn tin một hồi rồi gọi điện thoại cho ai đó. Giọng nói của người này không lớn lắm, nhưng vẫn đủ cho tôi nghe rõ mồn một:
“Ừ! Bên đó đã báo tin có người đi lạc rồi. Nhưng chưa có thông tin cụ thể...”
Vừa nghe đến đó, tôi lập tức buông đũa, ngẩng đầu lên rồi vội vàng hỏi:
“Anh đang đi tìm người đi lạc à? Anh là người Việt Nam sao?”
Người thanh niên trước mặt nhìn tôi rồi gật đầu. Anh ta hơi nhíu mày hỏi tôi:
“Nãy giờ cứ tưởng là người Trung đấy. Hóa ra cùng là người Việt cả. Trời tối rồi, ở khu vực cửa khẩu này không an toàn chút nào, sao còn ở đây?”
Trong lòng tôi lúc này mừng hơn bắt được vàng, tôi định nói tình hình của mình hiện giờ, nhưng cuối cùng tôi hỏi ngược lại:
“Anh là cảnh sát hay là người của biên phòng? Sao lại có nhiệm vụ tìm người đi lạc?”
Người kia nhìn tôi rồi bật cười. Anh ta không trả lời câu hỏi của tôi vội mà lấy từ trong túi áo ra một bao thuốc, rồi châm một điếu vào cây nến đỏ rực trước mặt. Mùi thuốc thơm thơm bay trong không khí, tôi khẽ khịt mũi vài cái,rồi lấy tay xua làn khói đang lởn vởn xung quanh. Lúc này tôi nghe giọng anh ta lẫn với tiếng cười nhạt:
“Cô em đi lạc phải không? Dân trong nghề nhìn là biết ngay...”
Câu nói ấy khiến tôi điếng người, vẻ mặt anh ta thay đổi ngay lập tức, không còn là dáng vẻ bụi bặm như trước, mà thay vào đó là ánh mắt gian tà cùng đôi mắt hơi xếch về đằng sau. Trên khóe miệng anh ta có một nốt ruồi, khiến cho tổng thể gương mặt càng trở lên khó coi. Mùi thuốc lá càng tỏa ra dữ dội, hương thơm ngòn ngọt, lờ lợ khiến cho tôi cảm thấy lợm giọng. Ánh nến đỏ bập bùng trước mắt tôi mờ dần. Thế rồi trời đất xung quanh như đổ sập, mọi thứ tối sầm, tôi lịm đi không còn biết trời trăng gì nữa. Từ trước đến giờ, tôi cứ nghĩ rằng những đêm nằm mộng mị mơ thấy A Phong hay người đàn bà mặc váy đỏ chết trước sân nhà tôi đã là ghê gớm lắm.

Có nằm mơ tôi cũng không biết được, đêm ấy khi tỉnh lại, tôi đang nằm ở ghế đằng sau một chiếc xe bán tải, bên cạnh tôi lúc ấy là một đứa bé gái người cứng đờ, hai mắt trợn ngược. Phần đầu của con bé dựa vào người tôi, toàn thân nó lạnh toát cứ như thể vừa ngâm mình trong một chậu nước đá. Cơn đau đầu chuếnh choáng khiến tôi đờ đẫn đến mức ngẩn ngơ như người mất hồn. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhận ra mình vừa mới ngủ cùng một người chết. Tôi rú lên kinh hoàng rồi phẩy tay đẩy cái xác của đứa bé gái ấy sang bên cạnh, cái xác đập vào cửa kính xe rồi lại lăn về phía tôi. Một người đàn ông nói giọng lơ lớ nhoài người về phía sau gằn giọng:
“Mẹ con chó! Làm ồn nữa là cái xe này có hai cái xác đấy, nghe chưa?”
Tôi run run không nói gì thêm nữa, vừa liếc mắt nhìn cái xác trợ mắt trừng trừng ở bên cạnh, vừa nhìn khắp nơi. Đây là đâu thế này? Chẳng lẽ tôi đã rơi vào tay bọn buôn người?
....................................................
Xem Tiếp Chap 6 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn