Nếu ai có dịp đến thăm Tây Bắc sẽ được người dân bản địa giới thiệu cho nghe về danh thắng ở nơi này. Ngoài những món ăn đặc biệt, những cảnh đẹp hùng vĩ đến choáng ngợp, Tây Bắc quê tôi còn nổi danh bởi những câu chuyện tà ma bí ẩn. Vào những đêm mùa đông tuyết rơi trên đỉnh núi, chúng tôi không thể đi chăn dê được, mọi người lại quây quần bên bếp lửa rồi kể chuyện cho nhau nghe về bùa ngải, hay con ma rừng ma núi. Tôi nghe chuyện của nơi khác đã nhiều, nhưng nói thực, chẳng nơi đâu xảy ra câu chuyện đẫm máu và kinh hồn như ở làng tôi. Ngôi làng nho nhỏ nằm cheo leo trên đỉnh núi cao nhất trời Tây Bắc.
Người ở nơi khác vẫn thường hay gọi làng tôi là làng Quái Kê. Bởi lẽ, họ cho rằng, đàn bà con gái trong làng tôi đều có nuôi thứ tà ma quỷ quái có tên là MA GÀ. Ngày còn nhỏ, tôi với lũ bạn trong làng vẫn thường được nghe đi nghe lại một câu chuyện quỷ dị về truyền thuyết về giống ma gà bí ẩn và những cái chết bất đắc kỳ tử vào những đêm trời đổ tuyết. Câu chuyện kể lại rằng, ngày trước trong làng có một người đàn bà góa bụa nghèo khổ sống cùng đứa con trai mới chừng sáu tuổi. Để có tiền trang trải cuộc sống, mẹ con bà góa phụ ngày nào cũng dệt vải rồi tước đay. Dẫu rằng cuộc sống vất vả lắm nhưng hai mẹ con bà góa lúc nào cũng đầm ấm, vui vẻ.
Năm thằng bé con lên bảy tuổi, nhà hàng xóm bị mất trộm một con gà. Bà chủ nhà ấy vốn là con gái của một ông thầy mo ở bản, lại lấy được chồng là người Kinh giàu có nên rất chua ngoa đanh đá. Nhà ấy giàu có lắm, mất đi một con gà cũng chẳng đáng là bao, ấy vậy mà bà hàng xóm vẫn đứng chống nạnh trước cửa nhà oang oang chửi rủa. Thằng bé con bà góa lúc ấy đi chơi về ngang qua thấy vậy thì đứng lại xem. Bà hàng xóm chửi mãi cũng thấm mệt, lúc toan quay người bước vào trong nhà thì vô tình thấy dưới chân thằng bé kia có một cái xương gà. Bà ta nổi cơn tam bành cho rằng chính thằng này ăn trộm gà của bà, chạy đến véo tai thằng bé rồi chửi oang oang khiến cả làng đều nghe thấy. Có người chạy ra can ngăn, có người vội vàng tới tìm bà góa nhưng bà ấy đã đi xuống chợ phiên từ sớm. Thế là chỉ có một mình thằng bé con chịu trận.
Nó khóc lóc phân bua rằng nó không hề ăn trộm con gà, thế nhưng bà hàng xóm vẫn không tiếc lời mắng chửi nó. Đám trẻ con trong làng xúm lại xem rồi chỉ trỏ bàn tán. Thằng bé uất ức quá, nó gào lên một tiếng rồi bỏ chạy, người đàn bà kia lấy đá ném vào người nó, lại chửi thêm vài câu rồi bỏ về nhà, mọi người cũng tản đi, không ai biết rằng lúc ấy thảm kịch mới thực sự xảy đến.
………………………..
Tối hôm ấy trời rét căm căm, vài hạt tuyết rơi lác đác. Mặc dù làng Quái Kê ở trên núi cao quanh năm lạnh buốt, nhưng chưa có năm nào tuyết lại rơi sớm đến thế. Nhiều người bảo, tuyết rơi bất thường ấy là báo hiệu có quái sự sắp diễn ra. Người đàn bà góa bụa trở về nhà mới biết căn nhà trống không, con trai đã bỏ đi đâu không rõ. Bà chạy thục mạng đi tìm con, thế nhưng chẳng thấy có tung tích gì cả. Người trong làng tốt bụng đốt đuốc đi tìm cùng với bà, đám thanh niên trai tráng còn vào rừng nhưng thằng bé vẫn bặt vô âm tín. Bà hàng xóm kia thấy bên ngoài nháo nhác tìm kiếm thì trong lòng cũng chột dạ, sợ bị người trong làng nói ra nói vào bèn đóng cửa tắt điện đi ngủ từ sớm.
Sáng hôm sau, người trong làng phát hiện ra thằng bé đã treo cổ tự tử trên cây mận sau nhà bà hàng xóm từ bao giờ. Người đàn bà góa bụa kia nhìn thấy xác con thì như hóa điên, vội vàng lao tới ôm chầm lấy con khóc nức nở. Người đàn bà hàng xóm chua ngoa lúc này cứng họng không biết nói gì nữa, chỉ run rẩy đứng nhìn xác chết của thằng bé trong vòng tay mẹ nó. Nghe những người chứng kiến kể lại rằng, xác chết của thằng bé trông quỷ dị lắm. Cái đầu nó dài ra cả tấc móc trên sợi dây thừng, riêng phần cổ thì thâm tím lại vì mạch máu bị nghẽn, hai đôi mắt thì trợn ngược lòi ra như đang nhìn người khác trân trân. Thấy cái xác như vậy, ai mà chẳng lạnh người, các cụ già trong làng lắc đầu bảo nhau: “Thằng nhỏ này chết không nhắm mắt”.
Mọi người đều cho rằng thằng bé kia bị đổ oan ức quá sinh ra nghĩ quẩn nên mới tìm đến cái chết, thế nên ai cũng ra sức khuyên bà góa mang thi thể của con về nhà làm ma chay. Bà góa đau khổ đến cùng cực, bà vừa khóc vừa chỉ vào bà hàng xóm rồi gào lên:
“Quân khốn nạn! Quân thất nhân thất đức. Tao thề…. Tao thề… tao có phải làm ma tao cũng ám nhà mày.”
Bà hàng xóm giận lắm nhưng đuối lý nên chẳng dám hé răng nửa lời. Bà góa gào khóc mãi rồi ngất lịm đi. Dân trong làng Quái Kê thương tình xúm lại đưa một người một xác về nhà, rồi cùng nhau khâm liệm, tổ chức một đám ma nho nhỏ cho thằng bé tội nghiệp. Việc ma chay tưởng đâu tốn thời gian, ấy thế mà từ lúc thằng nhỏ nhập quan cho tới lúc đưa nó ra nghĩa địa chôn cất cũng chỉ mất hơn một ngày. Người trong làng thương bà góa sống một mình khổ sở nên góp tiền biếu bà, lại còn chu đáo gửi ông trưởng làng đến trao tận tay. Thế nhưng, sau đám ma của thằng con trai thì bà góa biến mất.
………………………………………………..
Lúc ông trưởng làng đến nhà tìm thì thấy cửa nhà mở toang, quần áo tư trang trong nhà vẫn còn nguyên. Ngay cả bát nhang trên bàn thờ vẫn đang bốc khói nghi ngút. Nghĩ bà góa vắng nhà, ông trưởng làng ngồi một lúc rồi ra về, định bụng hôm sau sẽ đến. Nào ngờ đến hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng không thấy bà góa đâu cả. Mọi người lo bà góa đi đến mộ con trai rồi ngất xỉu ở đó, ấy vậy mà khi đến nơi thì chỉ thấy khắp nơi toàn tuyết là tuyết. Ngay cả dấu chân còn không có. Không ai biết bà góa đã đi đâu, người trong làng lại được phen bàn tán. Mọi sự nghi ngờ đều đổ dồn về bà hàng xóm.
Bà ta lúc này không dám ra ngoài, mọi việc buôn bán chợ búa đều phó mặc cho ông chồng. Dáng người bà vốn béo mập, ngày ngày ở trong nhà tự giết gà để ăn. Hôm thì bà nấu cháo, hôm thì luộc để ăn cùng với xôi. Càng ăn bà càng lo lắng, càng lo lắng thì bà lại càng thèm ăn đến u dại cả người.
Sau nhà bà hàng xóm ấy có một vại nước bằng gốm to đến nỗi người ôm không xuể. Cái vại nước này đựng đồ ăn thừa, khi gần đầy mới đổ ra để nấu cám cho lợn ăn. Lúc bấy giờ lợn nhà bà vừa mới xuất chuồng, vì gặp chuyện liên quan đến thằng bé kia nên bà chưa đi bắt đàn lợn mới. Thế là mỗi lần ăn thịt gà xong, bà lại vất thịt thừa, xương xẩu vào trong cái vại rồi tiện tay đóng nắp lại. Thịt gà, máu gà, xương gà trong cái vại ngày càng nhiều, mỗi lần mở nắp của vại ra lại thấy hôi thối thoang thoảng bốc ra dù đang ở giữa tiết trời lạnh giá.
Sự lạ vẫn chưa dừng ở đấy, từ độ bà góa mất tích, gà trong vườn nhà bà hàng xóm càng thường xuyên bị mất. Bà hàng xóm nghi rằng có người nào đó trộm gà, nhưng không dám chửi bới trước cửa nhà như trước, chỉ dám ngồi đằng sau cánh cửa trông thẳng ra chuồng gà để rình, nhưng đến nửa đêm trời lạnh quá, bà ta ngủ gật lúc nào không hay. Cuối cùng bà đành tự thuyết phục bản thân mình rằng gà bị mất là do mấy con cáo hoang trên núi xuống bắt trộm.
Một tuần trăng sau, bà hàng xóm thấy cái vại đã đầy gần quá nửa, nên muốn mang đống xương thịt ấy ném xuống vách núi. Tiết trời hôm ấy âm u, cả hai vợ chồng bà chong đèn để múc thịt. Nào ngờ vừa mở toang cái nắp đậy ra, ông chồng rú lên một tiếng thất thanh rồi ngã ngửa ra đằng sau miệng lắp ba lắp bắp:
“Trong… trong… vại… trong vại có người.”
Bà hàng xóm ngơ ngác nhìn chồng rồi tò mò bước đến cái vại ngó xuống. Dưới ánh đèn leo lét của chiếc đèn lồng, bà ta gào lên kinh hoàng rồi nhảy ra đằng sau, miệng lắp bắp không thành tiếng. Lúc bấy giờ, cái vại rung lắc dữ dội rồi bất ngờ đổ ụp xuống đất vỡ tan tành, mùi hôi thối từ thịt gà đang phân hủy trộn lẫn với mùi máu tanh từ gà sống ngập ngụa trong không khí.
Từ trong đống đổ nát, bỗng xuất hiện một người đàn bà khỏa thân, làn da trắng nhợt nhạt tai tái như con gà vừa mới nhổ lông bò chầm chậm trên nền đất ẩm. Hai vợ chồng nhà kia gần như phát điên vì sợ, ông chồng lồm cồm nửa bò nửa lăn ra ngoài cửa để kêu cứu, riêng bà vợ thì toàn thân co giật, gương mặt tím tái, giương cặp mắt hoảng sợ nhìn về người kia. Trong giây phút kinh hoàng ấy, bà hàng xóm nhận ra người đàn bà quái dị ấy không phải ai xa lạ mà chính là bà góa phụ bên cạnh nhà. Chỉ có điều lúc này tóc của bà góa đã rụng gần hết, cặp mắt lồi ra thao láo nhìn giống hệt như một con gà. Trên miệng bà ấy thò ra một cái chân gà còn sống nguyên. Bà hàng xóm sợ quá ngất xỉu. Bà góa bò tới dùng răng cắn phập vào cổ người đối diện, máu bắn tung tóe hệt như lúc con gà bị cắt tiết.
Ông chồng bò lồm cồm ra gần tới cửa, nghe thấy tiếng động lạ vội vàng quay lại nhìn thì kinh hoàng phát hiện ra vợ mình đã bị người quái dị kia cắn chết. Gương mặt bà vợ tím dần, toàn thân co giật nằm đờ người trước vũng máu. Trong giây phút sinh tử ấy, ông vùng dậy chạy ra khỏi nhà để kêu cứu. Bà góa kia lập tức đuổi theo, hai tay bám chặt vào lưng áo ông chồng, miệng không ngừng mổ liên tiếp vào da thịt ông ấy. Người đàn ông kêu thảm thiết:
“Cứu… cứu… cứu tôi với! Có ma…có ma gà… ma gà…”
Ông chồng chưa nói được hết câu thì đã ngất lịm vì sợ hãi. Đám chó trong làng nghe tiếng động sủa ầm ĩ nhưng không một người nào dám đốt đuốc ra ngoài xem xét, tất cả nín thở nghe ngóng động tĩnh. Tờ mờ sáng hôm sau dân trong làng mới mon men đến xem thì thấy xác chết của ông chồng nằm cứng còng giữa sân, kẻ nào đó đã cắn xé trên lưng ông ta rồi gặm nham nhở vào cổ, khiến máu chảy đầm đìa xuống vạt áo. Xác của bà vợ chết trong phía bên trong cũng có vết thương ở cổ y hệt như ông chồng. Điều quái dị hơn nữa là xung quanh hai cái xác toàn lông gà rải rác khắp nơi.
Chuyện quỷ dị chưa dừng lại ở đó, đêm hôm qua có một người đã chứng kiến tất cả. Người ấy là thằng nhóc Sâm định lẻn vào vườn hai vợ chồng nhà kia để ăn vụng. Nào ngờ trốn trong hộc tủ lâu quá nên nó lăn ra ngủ, đến gần nửa đêm thằng Sâm bị tiếng hét của người đàn ông làm cho tỉnh giấc. Nó mới hé cửa tủ trông ra thì chết điếng người khi nhìn thấy một người đàn bà đã rụng gần hết tóc đang ngấu nghiến cắn cổ ông chủ nhà. Đúng lúc ấy, tiếng chó trong làng sủa ran, người đàn bà khỏa thân kia giật mình nhìn quanh rồi chạy ngược lại vào nhà trong rồi biến mất. Lúc người đàn bà ấy vụt ngang qua chỗ thằng Sâm trốn, nó nhận ra đó là bà góa phụ trong làng. Toàn thân thằng Sâm run bần bật, nó chờ đến trời sáng, gà bắt đầu gáy thì mới dám bỏ chạy một mạch về nhà. Nó trở thành nhân chứng duy nhất của vụ án mạng ma gà giết người như thế.
Sau này, tôi có nghe người lớn kể lại rằng, dân làng Quái Kê khi ấy có tổ chức tìm kiếm bà góa rất lâu, nhưng cũng chẳng thu được tin tức gì đáng giá. Ngôi nhà của bà góa và nhà của vợ chồng bà hàng xóm kia cũng bị làng phá dỡ rồi cho xây dựng trường học, cũng chính là trường tôi bây giờ. Từ đó trở đi, làng tôi nổi tiếng bởi có ma gà. Người ta bảo rằng, không phải nhà nào cũng nuôi được ma gà, những nhà có đàn bà góa chồng, hoặc nhà có con gái xinh đẹp mới có thể nuôi được. Một khi đã nuôi thì con ma gà ấy sẽ sống từ đời này qua đời khác trong nhà đó. Người nuôi phải để ma gà trong chum vại ở một xó xỉnh nào đó hệt như cái chum mà ngày xưa bà góa từng ở. Cứ vào độ ngày mồng một và ngày mười lăm hàng tháng, người nuôi phải cho ma gà ăn một con gà còn sống. Nếu không kịp cho ăn thì người nuôi cũng sẽ vong mạng.
Từ nhỏ tôi đã bạo gan, cho nên những câu chuyện đồn thổi ấy tôi đều không tin. Mãi cho đến mùa hè năm ấy, tôi phát hiện một người rất quen thuộc với mình nuôi đích thực đang nuôi ma gà. Mọi biến cố kinh hoàng lúc này mới ập đến.
Phần 2 chúng tôi sữ sớm cập nhật nhanh nhất có thể
Đăng nhận xét