Nằm sâu trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở Venezuela có một dãy các cao nguyên mọc lên cách mặt đất gần 3.000m. Từ trên cao, trông chúng như những hòn đảo trên mây ẩn chứa đầy huyền bí. Nơi đây được người Pemón bản xứ gọi là Tepuis.
Tepuis là dãy núi gồm những ngọn núi phẳng ở cao nguyên Guayana thuộc Nam Mỹ. Phần lớn dãy Tepuis nằm trên lãnh thổ Venezuela, nổi tiếng nhất trong số đó là núi Roraima, có sườn dốc tự nhiên và đỉnh bằng phẳng như một chiếc bàn rộng 31km vuông, với những vách núi dựng thẳng đứng cao 400m. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất tại Nam Mỹ thuộc cao nguyên Pakaraimab.
Địa hình địa lý dãy Tepuis rất đặc biệt, nơi đây cũng sở hữu hàng ngàn loài thực vật độc đáo mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất. Và những ngọn núi huyền bí này đã mê hoặc các nhà văn, nhà thám hiểm trong nhiều thế kỷ. Năm 1912 núi Roraima bắt đầu nổi tiếng, nhà văn Conan Doyle đã xuất bản cuốn truyện viễn tưởng có tên “Thế giới bị mất” kể về chuyến du hành của một đội thám hiểm tìm kiếm khủng long và những loài thực vật thời tiền sử được cho là đã được thiên nhiên bảo tồn hàng triệu năm nay trên đỉnh núi này. Cho đến tận ngày nay vẫn có người tin rằng có khả năng khủng long thật sự đang sinh sống ở đó…
Một thế giới đầy bí ẩn
Ngoại trừ người bản địa Pemón, khu vực Núi Roraima từng là nơi bất khả xâm phạm đối với phần còn lại của thế giới. Nơi đây thực sự là một vùng đất bị lãng quên. Cao nguyên này được hình thành khi Nam Mỹ còn dính liền với châu Phi tạo ra siêu lục địa Gondwana, có lẽ từ khoảng 250 – 400 triệu năm trước. Ngọn núi này là một trong những phần còn sót lại sau quá trình đứt gãy của một cao nguyên sa thạch cộng thêm gió thổi và dòng nước chảy qua đã gây xói mòn vùng cao nguyên rộng lớn thành những dãy núi. Vào khoảng 20 triệu năm trước ngọn núi đã hình thành hình dạng giống như bây giờ.
Phần lớn các phần trong dãy Tepuis tách rời nhau chứ không liền mạch. Vì thế mỗi quả núi là một “vương quốc” với hệ sinh thái độc lập. Người ta đoán rằng ít nhất “một nửa trong số 10.000 loài thực vật được ước tính ở đây” là chủng loài độc nhất chỉ có ở dãy Tepuis và khu vực lân cận.
Nhiều sinh vật vẫn đang được khám phá. Mặc dù tất cả các ngọn núi nơi đây đều đã được con người chinh phục, nhưng chỉ một số ít ngọn núi là đã được khám phá toàn diện. Như vậy có nghĩa là đối với những chủng loài được cho là đã tuyệt chủng từ hàng trăm triệu năm trước, thậm chí là khủng long, có thể vẫn tồn tại trên các cao nguyên hẻo lánh mà con người vẫn chưa khám phá hết này.
Cao nguyên Roraima thực sự là nơi hẻo lánh và có đủ độc đáo để nhà văn Conan Doyle lấy nó làm nơi sáng tạo ra một thế giới sống động gồm khủng long và thực vật thời tiền sử trong cuốn tiểu thuyết “Thế giới bị mất” của ông. Trong thực tế, Doyle đã bị mê hoặc trước câu chuyện thám hiểm của nhà thực vật học người Anh Everard Im Thurn, người đã leo lên đỉnh núi Roraima vào tháng 12/1884.
Vào năm 1989, Uwe George, nhà thám hiểm người Đức thuộc Hiệp hội Địa lý Quốc gia nói về việc leo lên đỉnh Roraima: “Không ai trong chúng ta đi theo Im Thurn đến Roraima và phát hiện ra các sinh vật nguyên thủy hoặc hóa thạch của chúng ở đó, nhưng địa hình rất hiểm trở, nên chỉ có một phần rất nhỏ của Tepui – khoảng 70 km vuông – mới được khám phá cho đến tận nay”.
Vùng đất linh thiêng
Trước khi người châu Âu xuất hiện, người bản địa Venezuela đã xem dãy Tepuis có ý nghĩa thần thoại đặc biệt. Theo người Pemón bản địa, vùng núi Roraima là gốc của cây vĩ đại từng chứa đựng tất cả các loại trái cây và rau củ trên thế giới, tuy nhiên, nó đã bị một trong những tổ tiên của họ đốn hạ, khi cây cối không còn, một trận lũ khủng khiếp đã xảy ra. Người ta tin rằng, nếu có người dám lên đỉnh Tepuis thì người đó sẽ không toàn mạng trở về.
Ngọn núi pha lê và dòng thác lấp lánh ánh kim cương
Việc leo lên Tepuis là cực kỳ khó khăn và càng hiểm trở hơn vì những cơn mưa thường xuyên ở đây làm cho các lối đi bằng đá trơn trượt và lầy lội. Năm 1595, Walter Raleigh, nhà thám hiểm châu Âu đầu tiên viết về Tepuis trong quá trình tìm kiếm Đế chế Guiana đã kể cho đồng nghiệp nghe về một ngọn núi trong như pha lê và so sánh giống với một tòa tháp nhà thờ cao. Ông viết về một ngọn núi pha lê được thác nước bao phủ lấp lánh như kim cương ấy như sau:
“Một con sông lớn chảy từ trên cao xuống mà không chạm vào vách núi, nước bắn ra không trung và chạm đáy khiến nó tạo ra tiếng gầm và vang lên ầm ầm như tiếng va đập của hàng ngàn quả chuông khổng lồ. Tôi tin rằng trên thế giới không tồn tại một thác nước nào lớn hơn và kỳ diệu hơn thế.
Khả năng rất cao là ông mô tả về thác Angel, con thác được đặt theo tên một người Mỹ là Jimmie Angel. Ông là người đầu tiên bay qua khu vực này vào giữa thế kỷ 20. Không chỉ thế, ngọn núi Roraima và thác nước Angel ở đây còn là ý tưởng cho hình ảnh “Thác Thiên Đường” trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng “Up” đã đạt 2 giải Oscar năm 2009 ở hạng mục phim hoạt hình hay nhất và nhạc phim hay nhất.
Mặc dù ngày nay, khách du lịch có thể không gặp phải khủng long và các sinh vật thời tiền sử khác, nhưng họ có thể nhìn thấy những con ếch đen và nhện khổng lồ, chúng không tồn tại ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh ngoại trừ Tepuis. Người ta tin rằng vẫn còn nhiều loài sinh vật khác chỉ có ở Roraima vẫn chưa được khám phá.
Tiểu Phúc (Theo Ancient Origins)
Đăng nhận xét