Một cậu bé hơn 2 tuổi ở Sri Lanka đã thú nhận mình chính là người chú ruột đã qua đời đầu thai. Vì kiếp trước từng giết người vợ mới cưới, nên kiếp này phải mang dị tật trên thân. Sự việc đã làm cả gia đình một phen chấn động.
Kiếp trước là người chú đã qua đời
Gia đình ông Tileratne sinh sống tại làng Uggalkaltota, tỉnh Sabaragamuwa, Sri Lanka. Ông có một người em trai quá cố tên là Ratran Hami. Trước khi bị xử tử không lâu, Ratran có nói với anh trai rằng mình “sẽ quay lại”.
19 năm sau, năm 1947, vợ Tileratne sinh ra một cậu con trai có cánh tay phải ngắn hơn cánh tay trái, ngón tay phải ngắn, thô và dính vào nhau, xương sườn ngực phải bị biến dạng.
Cậu bé tên là Wijeratne. Khi được hai tuổi rưỡi, cậu bắt đầu vòng tới vòng lui phía trước và sau ngôi nhà. Vừa đi vừa tự lẩm bẩm, nói mình bị tàn tật là do báo ứng đã giết hại người vợ mới cưới trong kiếp trước.
Quá sốc vì những gì nghe được từ miệng con trai mới 2 tuổi, mẹ Wijeratne bảo cậu nhắc lại những gì vừa nói. Và cậu bé lặp lại rằng mình từng dùng dao đâm chết một phụ nữ bằng tay phải và cha đẻ của cậu hiện giờ chính là người anh trai khi cậu còn sống ở kiếp trước.
Khi người vợ nói với ông Tileratne về những điều nghe được, ông đã vô cùng kinh ngạc. Kỳ thực, đây là một bí mật được gia đình giữ kín, con trai mới mấy tuổi của ông sao lại có thể biết được.
Sau đó, ông Tileratne mới tiết lộ bí mật của gia đình cho vợ: Đó là vào năm 1928, em trai ông nghi ngờ rằng người vợ mới cưới của mình Podi Menike đã không chung thủy nên sát hại cô ấy và sau đó bị kết án tử hình.
Hối hận vì nghiệp báo quá nặng :
Cha mẹ của cậu bé Wijeratne đều có tín ngưỡng vào Phật giáo. Mặc dù cha không cho phép, nhưng Wijeratne vẫn kể về kiếp trước một cách chán nản buồn phiền. Mẹ cậu chia sẻ, sự hồi tưởng của Wijeratne là những mảnh ghép rời rạc, liên quan đến các chi tiết về vụ giết người, các tình tiết mà chú của cậu bị bắt và xử tử.
Có một lần, có người họ hàng đến nhà Hami và cậu bé nhận ra rằng dây thắt lưng họ đeo là của người chú quá cố đã để quên ở nhà người dì. Điều này đã được xác nhận. Đồng thời, màu da và dáng dấp của cậu bé cũng rất giống người chú.
Khi lên 5 tuổi, cậu bé không còn tự lẩm bẩm, chỉ khi ai đó hỏi cậu mới nói về những chuyện quá khứ. Mặc dù cậu biết rằng sự dị dạng ở cánh tay và ngực là vì nhân quả báo ứng, nhưng lúc đầu khi được ông Stevenson phỏng vấn, cậu bé trả lời rằng, nếu gặp phải tình huống tương tự trong kiếp này, cậu vẫn sẽ làm như thế. Tuy nhiên sau đó cậu đã hối hận, nói rằng nghiệp báo quá nặng, giết người thực sự không đáng.
Đau đớn về tinh thần cũng là một loại nghiệp báo
Học giả về luân hồi nổi tiếng Ian Stevenson đã nghiên cứu trường hợp này. Sau đó, câu chuyện về cậu bé Wijeratne được học giả về luân hồi và nhà trị liệu tâm lý tái sinh người Đức Trutz Hardo tập hợp vào cuốn sách “Những đứa trẻ luân hồi chuyển kiếp” (Children Who Have Lived Before: Reincarnation Today).
Wijeratne cũng hoàn thành việc học như những đứa trẻ khác, nhưng vào năm 1969 khi ở tuổi 22, cậu được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt tuổi dậy thì và đã được chữa khỏi vài năm sau đó. Tuy vậy, những người nghi ngờ tính xác thực của trường hợp này cho rằng cậu bé hồi tưởng về kiếp trước là từ tưởng tượng, có lẽ là do cha cậu gợi ý.
Chuyên gia Stevenson thì đưa ra một quan điểm khác: sự bất thường về tâm lý của chàng trai có liên quan đến những khó khăn mà anh ta gặp phải khi tiếp xúc với các cô gái, bởi nó gợi lại những ký ức về kiếp trước anh ta đã giết vợ mình.
Một số học giả cũng đã đặt câu hỏi rằng, con dao gây tử vong năm đó thực sự nằm trên ngực trái của Menike, chứ không phải ngực phải. Stevenson cho rằng, trong cuộc sống đôi khi mọi người thường không phân rõ trái phải, ngực trái với người đối diện mà nói chính là bên phải.
Người dân ở Nam Á tin vào Phật giáo, trong khái niệm về “nghiệp lực luân báo”, ngoài sự biến dị về thân thể trong kiếp này, những bất thường và đau đớn về tinh thần cũng là một loại nghiệp báo.
Do đó, các học giả ủng hộ Stevenson tin rằng, chứng rối loạn tâm lý của cậu bé là vì bị giày vò do ký ức của kiếp trước. Câu chuyện về Wijeratne không khỏi làm người ta cảm thấy đáng tiếc, nhưng cũng lưu lại những nhắc nhở sâu sắc cho hậu nhân.
Cùng Chủ Đề :
Đăng nhận xét