Truyện Ma Việt Nam "oan hồn trên bờ biển" chap 3

Xem lại chap 2 : Tại Đây

Tác Giả : Thảo Trang

Phần Thứ Ba

Tôi và thằng Khánh đồng thanh hét lên một tiếng rồi nhảy giật lùi ra sau, hai mắt vẫn dán chặt vào cái chai nhựa rơi trên bãi cát. Phải đến một lúc sau, thằng Khánh mới hoàn hồn. Nó lắp bắp hỏi tôi:

“Mẹ khỉ. Sao con Mực lại đào được thứ này? Hai… hai cái tròng mắt đấy của ai?”

Tôi run giọng chửi thề vài câu cho đỡ sợ:

“Bố ai mà biết được. Tởm lợm thực sự. Làm sao lại có kẻ nào độc ác đến nỗi móc mắt người ta ra chứ?”

Con Mực lúc này dường như cũng thấm mệt, nó không còn sủa nữa nhưng vẫn nhìn chăm chăm vào cái chai gầm gừ đầy cảnh giác. Tôi ngồi phịch xuống bãi cát, mệt mỏi thở hắt ra. Thằng Khánh ngần ngừ nhìn chai nước khoáng Lavie rồi ấp úng nói:

“Tùng này! Tao hỏi thật, mày có nghĩ đây là…”

Tôi quá hiểu nó muốn nói gì. Thú thực trong đầu tôi lúc ấy cũng nghĩ đến khả năng này. Rất có thể, tròng mắt trong cái chai ấy là của anh Phúc. Vừa nghĩ tới đó thôi, toàn thân tổi nổi da gà, cảm giác lợm giọng dâng lên trong cổ họng khiến cho tôi chỉ muốn nôn khan vài cái.


Mặc dù mưa bão đã tan nhưng thời tiết vẫn còn hơi lành lạnh. Giữa mùa hè trên đảo mà lạnh bất thường như thế là điềm gở. Ngư dân sẽ không dám thả lưới. Tôi thở dài rồi đứng dậy tìm được một một chiếc bọc nilon rơi trên bờ cát, sau đó cẩn thận thả chiếc chai nhựa kia vào bên trong. Vừa làm ngón tay tôi vừa run lẩy bẩy. Thằng Khánh nhìn tôi làm rồi hỏi nhỏ:

“Có nên báo công an bây giờ không? Tao với mày sẽ nộp cái này cho anh Lộc, biết đâu anh ấy sẽ tìm ra chân tướng?”

Tôi hơi dao động trước đề nghị này, nhưng rồi nói với nó:

“Chuyện này chỉ có tao và mày biết. Cặp mắt ở bên trong là của ai bọn mình còn chưa xác định. Thậm chí cũng không ngoại trừ trường hợp cặp mắt này là của động vật chứ không phải của con người.

Kẻ nào đã thả chúng vào trong cái chai này rồi chôn dưới bụi xương rồng chắc chắn là có lý do chứ không đơn thuần chỉ là đem giấu đi. Mày còn nhớ chuyện yểm bùa năm trước không?”

Thằng Khánh im lặng không đáp, mắt nó hướng ra biển ngoài biển suy nghĩ. Tôi biết nó đang nhớ về chuyện cách đây vài năm. Năm đó chúng tôi mới lên lớp sáu, chú Toan có việc phải đón tàu vào đất liền một thời gian. Khoảng gần một tháng sau thì chú về xách theo một cái túi du lịch bên trong toàn là tiền. Cô Toan ngạc nhiên lắm, hỏi chú rằng tiền này ở đâu ra thì chú trả lời rằng tiền trúng xổ số.

Chú Toan kể lại là đang ngồi ăn cơm vỉa hè thì có hai đứa trẻ con đến bán vé số. Thấy tụi nó nhếch nhác, chú động lòng thương nên mua giúp vài tờ, sau đó cũng quên bẵng đi mất. Nào ngờ mấy hôm sau phát hiện ra mình trúng giải, chú sững sờ đến độ không thể tin nổi vào mắt mình. Phải đến khi cầm được tiền trên tay rồi, chú mới tin rằng điều ấy là sự thật.
Những năm 2000, số tiền hai trăm triệu lớn một cách khủng khiếp, nhất là với những người dân trên hòn đảo quê tôi. Vợ chồng chú Toan bàn nhau ngoài bố mẹ tôi là chỗ thân tình ra, việc trúng thưởng lần này tuyệt đối không thể nói cho ai biết.

Có tiền, cô chú Toan mới tính đến việc làm nhà. Ngôi nhà hai tầng khang trang đầu tiên trên đảo là của gia đình chú. Xây nhà xong vẫn còn dư ra một ít, chú Toan mua luôn mảnh đất kề sát bên hông nhà dự định để làm một mảnh vườn nho nhỏ, bụi xương rồng cũng trồng từ ngày ấy.

Mặc dù đã cố tình giấu không cho ai biết, ấy thế mà không hiểu vì sao người dân trong thôn vẫn biết được chuyện. Người tốt bụng thì mừng cho vợ chồng chú ấy, thế nhưng cũng có nhiều kẻ dèm pha ganh ghét. Họ bảo rằng chú Toan buôn gian bán lận mới giàu nhanh như thế. Ban đầu vợ chồng chú Toan cũng chỉ im lặng, không phân bua với người ngoài. Thế nhưng cô chú càng im lặng thì những lời đồn đại lại càng nhiều hơn.


Đỉnh điểm là có lần, cô Toan dẫn con chó Mực đi chạy bộ ngoài bãi biển trở về, chợt thấy có người nào đó lén lút trèo từ mảnh vườn nhà cô rồi chạy ra ngoài. Nghĩ là có trộm, cô tri hô thì kẻ đó bỏ chạy mất dạng. Cô gọi chồng con đi vào trong vườn để xem xét thì phát hiện có vết đào bới rồi lấp đất lại dưới gốc cây dừa.

Chú Toan dùng thử cái xẻng để đào lên thì tìm được một cái hộp nhựa kích thước bằng bàn tay người lớn chôn ở dưới đấy. Chú Toan mở ra xem thì thấy bên trong có mấy miếng vải màu vàng, bên trên vẽ những hình thù cùng chữ nghĩa rất kỳ lạ. Mẹ tôi cùng cô Toan đi tìm bà thầy bói thì mới biết thứ ấy là bùa trù ẻo cả nhà chú Toan.

Cô Toan nghe thấy thế thì sợ lắm, từ trước đến giờ cô chú chữa bệnh cho người, làm sao mà gây thù chuốc oán với ai? Bà thầy bói còn bảo rằng, may phước là gia đình phát giác sớm chuyện này. Nếu để một vài ngày nữa thôi, người trong nhà sẽ gặp tai họa.

Nhẹ thì phát bệnh rồi điên điên khùng khùng, sống không sống được, chết không chết được. Nặng thì chỉ còn nước vong mạng. Sau vụ đấy, chú Toan tuy ngoài mặt vẫn tỏ ra không tin tưởng vào chuyện tâm linh, nhưng cũng không còn dám nặng lời phỉ báng.

Lần này xuất hiện cặp mắt bị nhét vào trong chiếc chai nhựa, nếu nói không phải là chuyện yêu ma dị quỷ thì có chết tôi cũng chẳng tin. Tôi và thằng Khánh bàn bạc với nhau hồi lâu, cuối cùng chúng tôi quyết định tạm thời sẽ giấu kín việc này để nghe ngóng thêm động tĩnh. Thằng Khánh cũng không quên giao hẹn, bắt đầu từ ngày mai chúng tôi sẽ phải tìm thi hài anh Phúc.

Trọng điểm của cuộc tìm kiếm lần này là ở những hốc đá lớn, có thể giấu kín thân thể một người cao từ 1m70 trở lên, vừa đúng với chiều cao của anh Phúc. Nhìn bức tường đá được thiên nhiên đẽo gọt một cách kỳ công, trong lòng tôi không khỏi cảm thán. Số lượng hốc đá nhiều đến vô số như thế này, chẳng biết đến bao giờ mới có thể tìm ra. Nhưng thoạt nghĩ tới cảnh anh Phúc đang phải nằm ở một nơi tối tăm nào đó một mình, chúng tôi lại không đành lòng.
…………………………………………….
Trời xâm xẩm tối, tôi định chia tay thằng Khánh để về nhà thì sực nhớ ra một chuyện. Cái đống đất mà hồi sáng nay con Mực đào bới vẫn chưa được lấp lại. Tôi lo sợ ngộ nhỡ có kẻ nào đó phát hiện ra việc tròng mắt đầy máu tanh kia đã bị người khác lấy đi thì thực là tai hại. Nghĩ thế nên tôi rủ thằng Khánh quay trở lại bụi xương rồng hồi sáng.

Dường như trời cũng chiều lòng người, khi tôi và thằng Khánh về đến nơi thì cái hố đất ở bụi xương rồng vẫn y hệt như lúc chúng tôi bỏ đi. Cả hai chúng tôi vội vội vàng vàng lấp đất xuống hố, rồi trải ít sỏi cát lên trên hệt như ban đầu.


Xong việc, chúng tôi rủ nhau ra về. Đúng lúc đó tôi nhìn thấy một thứ gì đó xuất hiện bên cạnh gốc dừa. Bản tính tò mò trong người nổi lên, tôi cúi xuống quan sát thì phát hiện ra một cái nhẫn vàng rơi ở đó, một nửa chiếc nhẫn bị lẫn vào đất cát. Thằng Khánh thấy lạ thì chạy lại xem thử, vừa thấy chiếc nhẫn nó thì thào:
“Cái này là ở đâu ra?”

Tôi hỏi ngược lại nó:

“Của bố mày phải không? Nhìn cái nhẫn lớn thế này chắc chắn không phải của đàn bà con gái rồi.”

Thằng Khánh chưa kịp trả lời thì bất chợt con Mực vểnh tai nghe ngóng rồi ngước mặt về phía trước. Linh cảm thấy có người nào đó đang lại gần, tôi vội kéo thằng Khánh và con Mực trốn vào lùm cây quan sát. Tiếng bước chân càng lúc càng gần, tim tôi đập thình thịch như muốn chạy ra ngoài lồng ngực. Cả người cả chó đều nín thở quan sát.

Dưới ánh sáng chạng vạng tối, tôi thấy một người đàn ông dáng đi chậm chạp bước tới trước bụi xương rồng rồi ngồi thụp xuống. Bàn tay ông ta khẽ mò mẫm dưới mặt đất như thể muốn khẳng định xem có ai đã từng động chạm hay chưa. Mồ hôi tôi túa ra như tắm, thằng Khánh ngồi bên cạnh cũng run lẩy bẩy, tôi có thể nghe thấy cả tiếng thở nhè nhẹ của nó. Một lúc sau, không phát hiện ra điều gì, người đàn ông ấy lại chậm rãi đứng lên, bước thẳng tới gốc dừa tìm kiếm.

Ông ta cẩn thận bật chiếc đèn pin nho nhỏ lên, sau đó soi thật kỹ vào bên trong như muốn tìm kiếm một thứ gì đó. Tôi đoán chắc thứ mà ông ta muốn tìm thấy là chiếc nhẫn vàng trong tay tôi. Thằng Khánh khẽ bấu vào người tôi ra hiệu. Tôi hiểu ý nó muốn biết người đàn ông kia là ai.

Ngoại trừ việc bóng lưng của người đàn ông này trông rất quen thì tôi cũng không hề biết được điều gì. Trong đầu tôi chỉ có thể suy tính được rằng, người trước mặt kia chắc chắn phải liên quan đến việc tròng mắt trong chai nhựa, cùng với chiếc nhẫn vàng kỳ lạ xuất hiện dưới gốc dừa.

Độ chừng 10 phút sau, người đàn ông cũng đành bỏ cuộc. Trời đã tối, ông ta cũng nhận thấy là không thể tìm được chiếc nhẫn nên khẽ lẩm bẩm vài câu chửi thề rồi bỏ đi. Để tránh việc mình bị bại lộ, chúng tôi phải chờ ông ta đi khuất hẳn mới bước ra khỏi lùm cây. Mặc kệ cho muỗi cắn đầy người, tôi nói ngay:

“Đi theo người kia.”

Thằng Khánh gật đầu ngay không cần suy nghĩ. Riêng con Mực thì đi đằng trước, có vẻ như nó cũng có linh tính chẳng lành về người đàn ông này. Ông ta bước lặng lẽ ra khỏi vườn, vừa đi vừa dáo dác nhìn quanh như sợ có ai bắt gặp, cái đèn pin trên tay vẫn bật sáng.

Đèn đường trên đảo Phức Sơn lúc ấy cũng chưa được lắp đặt, người dân trên đảo lại tiết kiệm điện nên chúng tôi vừa đi vừa mò mẫm. Cơn gió thổi từ ngoài bãi cát trở vào mang theo vị mặn mòi của biển cả. Chúng tôi duy trì một khoảng cách vừa đủ với người đàn ông ở phía trước. Vừa không để mất dấu ông ấy, nhưng cũng đủ cho ông ta không phát hiện.

Con đường ông ta đi chính là hướng từ nhà thằng Khánh lên tới ngôi trường cũ kỹ mà chúng tôi đang theo học. Đoạn đường này ngày nào mà tôi và nó chẳng đi qua, ngay cả mấy cái ổ gà trên đường tôi cũng quen thuộc. Không biết người kia đi ngược lên trường tôi để làm gì? Liệu việc chúng tôi bám theo sau như thế này có mang lại điều gì hay không? Hàng loạt câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi, khiến tôi vô tình đạp trúng một ổ gà chứa đầy nước.


Một tiếng “tõm” vang lên, cả tôi và thằng Khánh theo quán tính ngồi sụp xuống trốn sau một cái xe bò bỏ không. Người đàn ông quay lại nhìn với vẻ mặt đầy cảnh giác. Vừa trông thấy con Mực, gương mặt của người kia giãn ra ngay, có vẻ ông ta cho rằng tiếng động vừa nãy là do con chó này gây ra.

Giây phút ông ta quay mặt lại, nhờ ánh đèn vàng vọt trước mái hiên của nhà nọ, tôi và thằng Khánh kinh hoàng nhận ra, người ấy không phải ai xa lạ mà chính là bác Tâm bảo vệ trường tôi.

Tôi nhìn thằng Khánh, gương mặt nó lúc này trắng bệch vì ngạc nhiên. Tôi khẽ lay vai nó rồi thì thầm:

“Cứ tiếp tục bám theo. Xem ông ấy định làm gì.”

Thằng Khánh hơi run nhưng vẫn khẽ gật đầu. Chúng tôi chờ cho ông ta đi thêm một đoạn nữa thì mới ló đầu bước theo. Khu vực nhà dân lúc này đã hết, muốn đến trường học của tôi phải băng qua một con đường mòn chạy tắt qua một rừng thông nho nhỏ.

Tôi nghe người ta bảo, địa điểm xây dựng trường học trên đảo trước kia vốn là khu nghĩa địa trong chiến tranh. Những năm đế quốc Mĩ leo thang bắn phá miền Bắc, hàng trăm người trên đảo phải bỏ mạng vì những quả bom bi từ máy bay trải xuống.

Thầy dạy lịch sử của tôi từng kể rằng, thứ bom bi này tuy kích thước không lớn nhưng độ sát thương của nó thực sự đáng gờm. Người nào vô tình bị trúng bom thì dù có to cao béo tốt thế nào cũng mất mạng, hoặc chí ít cũng phải cụt chân, cụt tay vì nó.

Khu vực đảo Phức Sơn quê tôi ngày ấy còn trống trải, cho nên đa phần những xác người chết ở đây đều nát be nát bét, máu thịt lẫn lộn trộn cùng với thứ cát trắng tinh. Để có thể an táng cho những nạn nhân không may ấy, người ta phải dùng xẻng để xúc từng mảnh xác rồi bỏ vào trong chiếc tiểu sành, sau đó mới đem chôn trong rừng.

Năm tháng qua đi, khu vực nghĩa địa ở đảo Phức Sơn ngày càng có nhiều oán khí, thậm chí nhiều ngôi mộ vô danh cũng bị biến mất vĩnh viễn dưới lòng đất lạnh. Lo sợ khu đất trong rừng thông bị oán khí từ vong hồn người chết bao phủ, dân trên đảo quyết định gom góp tiền bạc để xây một ngôi trường tiểu học, một ngôi trường cấp hai.

Phải rất lâu sau này tôi mới biết, người ta thường chọn những vùng đất dữ để xây trường. Lý giải cho việc này có hai nguyên nhân: Thứ nhất là trường học vốn tập trung nhiều học sinh, dương khí cực mạnh có thể làm cho âm khí ở mảnh đất vơi bớt đi phần nào. Thứ hai, trường học chỉ mở cửa từ sáng cho đến cuối buổi chiều, buổi tối rất ít người ở lại trường. Cho nên khó có thể xảy ra chuyện gì bất trắc liên quan đến tâm linh. Trường của tôi cũng không ngoại lệ.

Con đường mòn đi tới trường được xây dựng ngang qua một rừng thông um tùm, sau đó mới tới một khu nghĩa trang với những nấm mồ màu trắng. Người ta thường nói thế đất đẹp hợp phong thủy phải là thế “tựa sơn hướng hải” tức là lưng thì dựa vào núi, mặt thì hướng ra biển. Trớ trêu thay, ngôi trường cấp hai tồi tàn của chúng tôi thế đất lại ngược lại. Cổng trường lại trông ra một rừng thông um tùm mù mịt, còn phía sau lưng trường là lối nhỏ đi thẳng ra bãi biển.

Nếu như cái Cổng Tò Vò ở đầu hòn đảo, thì bãi cát sau trường ở cuối đảo. Nói vậy là để bất cứ ai cũng có thể hình dung thế đất sơn cùng thủy tận của trường tôi. Tôi nhớ mãi thầy hiệu trưởng trường tôi từng nói, thế đất của trường học bình thường vốn đã không được tốt lành, thế đất của trường tôi lại càng thêm độc, nhất định sẽ sinh ra nhiều họa hại.

Có lẽ ý thức được điều đó, cho nên cứ vào dịp đầu năm học, các thầy cô giáo trong trường lại cùng nhau ra ngoài đó để cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh và thắp nhang cho người đã khuất. Người dân sống trên đảo vốn dĩ không an táng ở nơi này. Những nấm mồ ở nơi đây đều là của những người năm xưa được yên nghỉ trong khuôn viên nhà trường. Khi người ta đào móng thấy được vô số hài cốt thì mới gom lại rồi an táng luôn ở đấy. Bọn học sinh chúng tôi lúc nào cũng cố gắng đi cùng với nhau, tránh đi một mình, nhất là vào những lúc trời nhá nhem tối. Đứa nào cũng sợ sẽ gặp ma. Nhất là vào những ngày sau bão, ma sẽ xuất hiện càng nhiều.

Trời hôm ấy rất lạ, dù đang ở giữa đêm hè nhưng không hề nóng nực, làn gió lành lạnh khiến cho rặng thông xanh kêu rì rào như người đang kể chuyện. Có nằm mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng sẽ có một ngày mình bước tới đây vào lúc trời tối như thế này.

Ông Tâm cứ lẳng lặng đi phía trước, hai đứa tôi cùng con Mực cứ bám ở phía sau. Mùi tanh tanh tỏa ra từ cái chai đựng đôi tròng mắt khiến chúng tôi cảm thấy buồn nôn. Mấy lần tôi đã định nôn khan nhưng may sao kiềm lại được.

Chưa bao giờ tôi thấy con đường đi đến trường dài đến thế. Trực giác trong đầu tôi mách bảo, nhất định chuyến đi này sẽ không uổng phí. Nghĩ vậy nên tôi có thêm động lực bước tiếp, chiếc dao nhíp tôi vẫn mang theo bên mình phòng khi bất trắc.


Ông Tâm đi đến cổng trường thì dừng lại để mở cổng. Đang vào giữa kì nghỉ hè nên ông ta chỉ cần đi một vòng quanh trường để tuần tra vào sáng và tối là hoàn thành nhiệm vụ. Thằng Khánh và tôi trốn sau bức tường mà thường ngày mấy cô bán quà sáng vẫn thường hay ngồi ở đó. Thấy ông Tâm bước vào bên trong, thằng Khánh thì thào hỏi tôi:

“Giờ làm sao? Bọn mình sao có thể đi vào bằng cửa chính được?”
Tôi nheo mắt nhìn theo bóng lưng của ông Tâm rồi cố vắt óc suy nghĩ:
“Mới có trận bão hôm trước. Tao đoán là cánh cổng phụ gần khu vệ sinh trường mình đã “rụng” rồi. Cánh cửa ọp ẹp đấy không chịu nổi sức gió đâu. Bọn mình vòng ra đằng sau đi theo lối đấy là được.”

Thằng Khánh gật đầu đồng tình. Nó khẽ xoay chiếc đồng hồ điện tử trong tay. Chiếc đồng hồ ấy là quà sinh nhật mà anh Phúc tặng cho nó vào năm ngoái bằng tiền thưởng học sinh giỏi. Thằng Khánh quý món quà ấy lắm. Nghĩ đến anh Phúc, trong lòng tôi như có thêm vài phần can đảm. Tôi bước đi đầu tiên, sau đó là thằng Khánh và con Mực đi cuối cùng.

Đúng như những gì tôi dự đoán, cơn bão hôm trước đã làm cho hàng cây mới trồng ở cạnh trường tôi đổ nghiêng đổ ngả, riêng cánh cổng phụ bị hư hỏng nặng, phần mái tôn che chắn khu nhà vệ sinh cũng bị tốc lên, chưa có người sửa chữa. Tôi đẩy cánh cửa bước vào bên trong. Con Mực lần đầu tiên tới chỗ này nên nó tỏ ra cảnh giác thực sự. Thằng Khánh hất hàm về phía trước rồi nói nhỏ:

“Trường rộng thế này, biết tìm ông ấy ở đâu? Mày có nghĩ là ông Tâm sẽ phải đi vào phòng bảo vệ trước không?”

Tôi không nói gì, chỉ khẽ gật đầu đồng tình. Khuôn viên trong trường quá trống trải, chúng tôi không dám tự ý đi lại vì rất có thể sẽ bị ông Tâm phát hiện. Thế là chúng tôi chỉ tiếp tục trốn đằng sau một lùm cây đối diện với phòng bảo vệ. Vừa nhìn ánh sáng vàng vọt hắt ra từ phòng bảo vệ, tôi vừa cố vắt óc để nghĩ xem trong trường tôi có nơi nào kín đáo để giấu xác. Hàng loạt địa danh điểm qua trong đầu tôi.

Phòng học thì chắc chắn không được, tuy giờ này không có học sinh nhưng nếu giấu xác vào trong đó thì quá ngu ngốc. Thứ nhất là cái xác sẽ mau chóng phân hủy và để lại dấu vết. Thứ hai là phòng học chỉ có bàn ghế chứ không có chỗ nào khuất để che đậy cả.

Phòng hội đồng lại càng không, nhà vệ sinh tuy kín đáo hơn nhưng cũng không phải là sự lựa chọn tốt nhất. Nơi đó theo như anh Phúc mô tả trong giấc mơ đó là vừa tối tăm, vừa kín đáo. Trong trường này làm gì có nơi nào như vậy?

Tôi đem suy nghĩ đó nói lại với thằng Khánh. Nó hơi cau mày suy nghĩ rồi ánh mắt chợt sáng lên. Nó bấu vào tay tôi thật mạnh:

“Mẹ khỉ. Tao nghĩ ra rồi. Trong trường này có một nơi như thế.”

Tôi tròn mắt nhìn thằng bạn rồi bảo:

“Chỗ nào? Sao tao không biết?”

Thằng Khánh không giấu nổi sự hưng phấn. Nó thì thầm bên tai tôi đầy kích động:

“Mày có nhớ cô Phòng làm văn thư trong trường mình không? Cái bà người gầy đét lúc nào cũng ưa mặc đồ màu tím ấy.”

Tôi khẽ gật đầu rồi nghe thằng Khánh kể tiếp:

“Đợt ấy bà ấy đẻ non, may có bố mẹ tao cứu kịp nên mới thoát nạn. Sau vụ đấy, vợ chồng bà Phòng thân với bố mẹ tao lắm, cứ lâu lâu lại đến chơi một lần. Có lần tao nghe chồng bà Phòng nói chuyện với bố tao rằng cái trường này trước đây vốn là nghĩa địa.

Mà đã là nghĩa địa thì nhất định phải chỗ để lấy nước dành cho mỗi khi bốc mộ cho người chết. Ở nơi khác người ta sẽ đào ao hoặc đào giếng, thế nhưng ở hòn đảo toàn đá ong như thế này thì đào kiểu gì. Thế là mọi người mới quyết định xây một cái bể nước để hứng nước mưa. Sau này khi chuyển mộ phần sang khu rừng thông thì cái bể cũng bị đổ đất lấp đi luôn.”

Tôi hơi băn khoăn:

“Nếu đã vậy thì làm sao có thể tìm thấy?”

Thằng Khánh hơi mỉm cười:

“Để tao kể hết đã. Cách đây độ chừng chục năm, có một đứa học sinh chơi tha thẩn ở trường không may bị sụt xuống hố. Đó cũng chính là cái giếng năm nào. Nó kêu khóc một hồi, may thay được ông bảo vệ đang đi khóa cửa phòng học nghe thấy. Thế là nó thoát nạn. Ông bảo vệ đó không ai khác chính là ông Tâm kia kìa.”

Tôi bất giác nhìn về văn phòng bảo vệ đang sáng đèn. Đoạn lại hỏi:
“Vậy mày nghĩ ông Tâm là người gây ra tất cả các chuyện này. Từ lúc anh Phúc mất tích cho tới việc giấu xác anh ấy đi, có phải thế không?”

Nụ cười trên gương mặt thằng Khánh hơi héo đi. Nó nghiêm mặt nói với tôi:
“Chắc chắn lão già này phải có liên quan ít nhiều. Trực giác của tao chưa bao giờ sai. Nhất là trong việc này.”

Tôi không nói thêm điều gì nữa. Bởi lẽ tôi biết, cách tốt nhất bây giờ là phải chờ lão Tâm hành động thì mới đối phó được.

Trời càng về khuya càng lạnh. Bụng dạ của chúng tôi sôi lên òng ọc, ngay cả con Mực cũng tỏ ra mệt mỏi. Đúng lúc tôi không còn chịu đựng thêm được nữa thì đột nhiên con Mực nhìn về khoảng không phía trước gầm gừ, hai cái răng của nó nhe ra đầy đe dọa. Thằng Khánh giật mình hỏi nhỏ:

“Sao đấy Mực? Mày nhìn thấy gì à?”

Vốn dĩ tôi vẫn biết giống chó đen có thể nhìn thấy ma. Nhưng nếu để con Mực sủa gằn từng tiếng như sáng nay thì chẳng khác nào đánh động cho ông Tâm biết. Tôi vội vàng ôm lấy cổ con Mực rồi thì thầm:

“Đừng sủa! Mày đừng có sủa nữa. Lão ấy sẽ phát hiện ra chúng mình mất. Biết chưa?”

Dường như hiểu ý người, con Mực không sủa nhưng vẫn chằm chằm nhìn về phía trước với ánh mắt đầy đe dọa. Trăng lên cao, vầng mây đen bị gió thổi bay đi mất để lộ ra mặt trăng sắp tròn báo hiệu sắp đến ngày rằm âm lịch. Gió từ biển lúc này ùa vào khiến cả hai chúng tôi lạnh toát. Thằng Khánh khẽ co người trong cái áo phông màu đen, nó quay sang hỏi tôi:
“Này! Mày có thấy nhiệt độ bỗng dưng lạnh không?”

Tôi chưa kịp trả lời thì con Mực đứng hẳn dậy, như hàm răng nhọn hoắt trông còn hung dữ hơn cả lúc nãy. Tôi vội quay về hướng nó nhìn. Giây phút ấy tim tôi như muốn rơi xuống dạ dày. Ấy là bởi vì trước cửa phòng bảo vệ lúc này, tôi nhìn thấy hẳn một cái bóng trắng toát cao lớn, đi lại lững thững như muốn chờ ai đó. Cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng của tôi. Con Mực lúc này thủ thế như muốn tấn công. Tôi khẽ lay thằng Khánh:

“Khánh… Khánh ơi! Mày có nhìn thấy gì không?”

Toàn thân thằng Khánh run lên bần bật, hai hàm răng nó va vào nhau lập cập. Nó vừa run vừa gật đầu với tôi:

“C…có… có ma Tùng ơi. Tao… tao thấy cái bóng trắng đứng chờ lão Tâm.”
Vậy là tôi không nhìn nhầm. Từ lúc bé đến giờ chưa bao giờ tôi trông thấy ma, nếu không kể lần trước nhìn thấy bóng anh Phúc ở bên cạnh cửa sổ thì đây có thể là lần đầu tiên.

Khi tôi chưa biết phải làm gì thì từ trong văn phòng bảo vệ, ông Tâm bước ra. Tay còn cầm theo một cái đèn pin cỡ lớn. Ông ta vô tư đi xuyên qua cái bóng mà không hề hay biết. Dường như cảm thấy điều gì kỳ lạ, ông Tâm chỉ khẽ quay lại phía sau nhìn một lúc rồi thôi.

Tôi ra hiệu cho thằng Khánh:

“Lão ấy đi rồi. Giờ phải bám theo xem lão ấy đi đâu.”

Thằng Khánh vẫn run như cầy sấy, nó lắp bắp nói với tôi:

“Nhưng… nhưng… rõ ràng ở kia có vong.”

Tôi khẽ gắt:

“Cái vong đó không biết chừng là của anh Phúc đang muốn dẫn bọn mình đến nơi anh ấy bị chết đấy. Làm sao? Anh Phúc mà mày còn sợ à?”

Thấy tôi khiêu khích, thằng Khánh thở hắt ra rồi im lặng. Ông Tâm vẫn ung dung đi một vòng để tuần tra trong trường, còn bóng người trắng toát kia thì lững thững đi về hướng ngược lại, tức là hướng thẳng về phía con đường mòn men theo bờ biển. Con Mực gầm gừ trong khoang miệng như muốn sủa vang, nó hết nhìn tôi rồi lại nhìn cái bóng trắng toát. Lúc này tôi và thằng Khánh buộc lòng phải đưa ra hai hướng lựa chọn. Hoặc là tiếp tục bám theo ông bảo vệ, hoặc là đi theo cái bóng trắng kỳ lạ kia. Thằng Khánh hiểu tôi đang phân vân trong lòng, nó quyết định luôn:

“Đi theo cái vong kia đi. Tao muốn biết anh Phúc đang được chôn ở đâu.”
Tôi gật đầu đồng tình với nó. Chúng tôi lặng lẽ men theo hàng cây trong sân trường rồi đi về hướng ngược lại. Một ý nghĩ kỳ quái chợt nảy ra trong đầu tôi, có vẻ như chúng tôi đang bị ma dẫn. Có khi nào cái vong này sẽ giấu chúng tôi ở một xó xỉnh nào đó, ở ngay chỗ giấu thi hài của anh Phúc, và rồi chúng tôi sẽ là những cái xác tiếp theo? Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, chứ chân tôi vẫn rảo bước đi theo cái bóng.

Con đường càng lúc càng nhỏ dần, con Mực đã chen lên để đi đằng trước từ bao giờ, cứ như thể nó muốn bảo vệ hai đứa tôi. Mặc dù ánh sáng đèn pin hắt ra từ chiếc đồng hồ đeo tay của thằng Khánh không quá mạnh, nhưng tôi vẫn có thể cảm nhận được ánh mắt cảnh giác của con Mực. Có lẽ nó cũng giống như chúng tôi lúc này, vừa muốn biết đích xác cái vong kia có phải là anh Phúc không, vừa phải sẵn sàng tấn công nếu như có bất cứ tình huống bất trắc nào.
………………………………………………..
Tiếng sóng biển vỗ rì rào cũng không thể khiến tôi bớt lo sợ. Đêm nay có trăng, thế nhưng không hiểu từ đâu sương mù lại dày đặc, giống hệt như cái lần ba anh em tôi bị cuốn xuống biển. Tôi cầm chắc con dao trong tay, chân vẫn bước không ngừng về phía trước. Đến khi tới một hốc đá nhỏ nhỏ nằm nép sau một rặng dừa cao lớn, cái bóng lảng vảng ở đó rồi biến mất. Linh tính có chuyện chẳng lành, tôi bảo thằng Khánh:

“Chắc chắn thi hài của anh Phúc chỉ ở đâu đó quanh đây thôi. Chia nhau tìm xem sao?”
Thằng Khánh hơi sợ, nó bám chặt lấy tôi, ngay cả con Mực cũng nép vào một góc. Gió vừa thổi vù vù như thế mà bỗng dưng như ngừng lại, tôi hít một hơi thật dài rồi nói:
“Mày có ngửi thấy gì không Khánh?”

Thằng Khánh khịt khịt rồi lắc đầu:

“Chỉ ngửi thấy mùi của biển thôi. Mũi tao mấy hôm nay thỉnh thoảng cứ bị tắc.”

Tôi toan nói thêm thì con Mực đã bắt đầu đánh hơi. Nó chạy thẳng đến vách đá nho nhỏ trông sang trường tôi rồi bắt đầu đào đất như hồi sáng. Chỉ có điều lần này nó không sủa mà chỉ đào xới trong im lặng.


Thằng Khánh hiểu ý tháo chiếc đồng hồ ra chiếu sáng vào khu đất con Mực đang đào. Chỉ vài phút sau, dưới lớp đất hiện ra một cái nắp bằng gỗ đã mòn vẹt, mốc meo cũ kỹ. Cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm thấy cái bể nước ngày xưa. Thằng Khánh khẽ kéo con Mực ra ngoài. Hai chúng tôi hợp sức để nâng cái nắp lên. Nào ngờ vừa nhấc ra, một mùi hôi thối xộc thẳng vào mặt khiến chúng tôi choáng váng. Cả hai đều nhận ra ngay, ấy là mùi của tử thi.
…………………………………………….
Lần đầu tiên tiếp xúc với tử thi gần đến vậy, nếu nói rằng không sợ hãi thì là nói dối. Dẫu vậy nhưng nghĩ rằng người nằm dưới có thể là anh Phúc nên tôi quên cả sợ, cố gắng nhổ vài bãi nước bọt để tránh cơn nôn ọe. Thằng Khánh có vẻ bình tĩnh hơn tôi, nó đứng bất động, tay còn cầm nguyên cái đồng hồ rọi xuống cái bể cạn.

Từ trên nhìn xuống có thể thấy một cỗ thi hài của một người mặc áo trắng đầu ngoẹo sang một bên. Có vẻ như vừa mới chết nên chưa xuất hiện giòi. Tôi đã từng nghe một bác sĩ làm trong pháp y nói rằng, họ có thể căn cứ vào giòi trên thân người chết để xác định thời điểm người đó tử vong. Thằng Khánh nhìn thêm một lúc rồi quay sang nhìn tôi, hai mắt nó đỏ hoe:
“Có phải anh Phúc đang ở dưới không mày?”

Tôi lúng túng không biết trả lời thế nào. Thằng Khánh khẽ lau nước mắt rồi nói vội:
“Nhanh! Nhanh lên! Bọn mình phải đưa anh ấy về nhà. Anh ấy đi lâu quá rồi.”

Tâm trạng thằng Khánh dần trở lên kích động. Tôi ước lượng đường kính của miệng bể nước rồi nhận thấy một điều: Nếu thả người chết từ trên xuống dưới bể thì dễ, nhưng nếu muốn đưa cái xác lên thì bắt buộc phải có người xuống dưới bể buộc dây vào rồi mới có thể kéo lên.

Bất chấp mùi ôi ôi ngầy ngậy của tử thi, tôi nằm rạp xuống bờ cát, tay cầm chiếc đồng hồ phát sáng rọi thẳng vào bên trong để quan sát thêm cho kỹ. Đột nhiên, tôi nhận thấy người trong bể nước có vẻ béo hơn anh Phúc. Thân hình anh ấy cao gầy, còn người này có vẻ thấp hơn, mập mạp hơn. Tôi nhìn hai cánh tay của người ấy. Rõ ràng khác hẳn với tay của anh học trò thư sinh mà tôi quen biết từ nhỏ. Tôi khẽ bảo với Khánh:

“Hình như… người ở dưới không phải anh Phúc đâu.”

Thằng Khánh giật thót mình:

“Mày nói gì cơ?”

Tôi nhìn quanh, chợt trông thấy gần chỗ con chó mực có một cành thông dài, nên ra hiệu cho thằng Khánh nhặt lấy. Tôi đưa cho nó chiếc đồng hồ rồi dặn dò:
“Mày chiếu đèn vào mặt người chết cho tao. Tao muốn xác nhận xem có phải người nhà mình không đã.”

Thằng Khánh gật đầu sợ sệt. Con chó Mực cũng nằm ở miệng bể nhìn xuống dưới với vẻ hồi hộp. Tôi cầm cành cây cố gắng hất cái đầu người chết để nhìn cho rõ. Ban đầu cái đầu vẫn ngoẹo sang bên phải, không hề nhúc nhích. Tôi bặm môi đẩy mãi không được. Tôi lẩm bẩm trong miệng:

“Em xin phép được động vào người anh để nhìn thấy mặt. Dù có thế nào đi chăng nữa, em cũng sẽ báo người trên đảo để mang anh về an táng, chứ không phải nằm dưới bể nước bỏ hoang thế này nữa.”

Nói ra cũng thật quỷ dị. Ngay khi tôi vừa dứt lời thì cành thông vừa gẩy nhẹ một cái, cái đầu đã ngoẹo sang bên trái. Cũng vì thế mà tôi có thể nhìn rõ khuôn mặt của người ta. Gương mặt người chết vừa xuất hiện trước mắt, tôi kinh hoàng khẽ kêu lên một tiếng. Người ngồi trong bể nước bỏ hoang không phải là anh Phúc. Hai hốc mắt của người ấy đã bị ai khoét rỗng, trên gương mặt lúc này chỉ còn hai cái hố đen ngòm, máu khô dính đen kịt chảy dài từ gò má xuống tới cổ.

Thằng Khánh hoảng hồn rú lên một tiếng. Cái chai lavie chứa hai tròng mắt đựng trong cái túi nilon bỗng dưng rơi ra, tạo thành một tiếng động rất khẽ xuống bãi cát. Tim tôi đập thình thịch, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Tôi và thằng Khánh nhìn nhau, mặt đứa nào cũng trắng bệch không còn giọt máu. Chúng tôi cùng một lúc nhận ra rằng:

Mình đã tìm được chủ nhân của cặp mắt. Có vẻ như, vong hồn người ấy muốn chúng tôi đem mắt lại để trả cho mình. Giữa lúc căng thẳng ấy, con Mực bỗng nhe răng nhìn về phía đằng sau tôi gầm gừ.

Mời Bạn Xem Tiếp Chap 4 : Tại Đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn