Phần Thứ hai
tác Giả : Thảo Trang
Xem lại chap 1 : tại đây
Một tia chớp lóe lên làm cả không gian nhất thời sáng rực như ban ngày. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi chợt nhìn thấy bóng lưng anh Phúc đang quay ngược về phía tôi, lững thững đi ra ngoài cổng.
Tôi hoảng quá vội vàng nói lớn:
“Bố ơi! Anh Phúc. Anh Phúc vừa đứng ở ngoài?”
Vừa nghe thấy thế, thằng Khánh đang nằm ở giường ngồi bật dậy, nó mở toang cánh cửa chính, gió từ ngoài biển thốc vào lạnh ngắt. Giọng nó lạc đi trong tiếng gió rít ầm ầm:
“Anh Phúc ơi! Anh Phúc! Anh về đi.”
Nó vừa gọi vừa mếu máo khóc, lại còn toan chạy ra ngoài để tìm anh trai, may mà bố tôi kịp thời kéo tay nó lại, rồi khẽ gắt:
“Đi ra ngoài làm gì? Ở ngoài có ai đâu.”
Thằng Khánh vẫn khóc lóc không ngừng, bố tôi quay sang tôi rồi hỏi:
“Mày nhìn thấy thằng Phúc ở đâu?”
Tôi sợ hãi chỉ tay vào màn mưa mịt mùng phía trước, miệng lắp bắp:
“Con… con thấy… anh Phúc đứng ở cửa sổ, rồi anh ấy đi ra ngoài cổng mất rồi. Anh ấy… anh ấy còn nói..”
Ba người còn lại nhìn tôi trên gương mặt còn lộ rõ vẻ căng thẳng. Mẹ tôi hỏi dồn:
“Nó nói cái gì?”
Tôi nuốt nước bọt một cái rồi thấp giọng:
“Anh Phúc nói anh ấy chết rồi. Lại…lại còn dặn con là phải đem xác anh ấy về cho mẹ anh ấy nữa.”
Bố mẹ tôi ngẩn ra nhìn nhau. Lúc ấy tôi cứ nghĩ thằng Khánh sẽ gào lên rồi chạy ra ngoài , ấy thế mà khi nó vừa nghe tôi kể hết câu chuyện thì chỉ ngồi phịch xuống đất, đưa mắt nhìn trân trân ra ngoài trời mưa, không hề nói gì cả. Bố tôi khẽ thở dài rồi đi đóng lại cánh cửa sổ, sau đó lại dùng một thanh gỗ lớn để chèn cửa. Cái đài cát sét cũ kỹ ở nhà tôi vẫn vang lên bản tin tức về cơn bão đang hoành hoành.
Không khí trong nhà tôi chưa bao giờ ngột ngạt đến thế. Thằng Khánh không còn khóc nữa, chỉ thỉnh thoảng nấc lên vài cái. Mưa mỗi lúc một lớn hơn, tiếng sấm ầm ầm, tia chớp giật ngang trời như muốn xé nát không gian thành nhiều mảnh. Bóng đèn đang sáng bỗng tắt phụt khiến cho cả gian nhà trở nên tối om. Mẹ tôi thở dài:
“Mất điện rồi! Trận bão này to quá.”
Dường như để cho yên tâm hơn, mẹ tôi ngồi dậy cầm theo chiếc đèn pin, bước ra trước bàn thờ thắp nhang khấn vái. Mùi thơm của nhang khói, ánh sáng bập bùng của ngọn đèn dầu hắt lên gương mặt thằng Khánh khiến tôi cảm thấy rờn rợn.
Mọi lần cứ vào dịp mưa bão như thế này, hai anh em thằng Khánh lúc nào cũng chạy sang nhà tôi để tránh bão cùng. Không phải vì nhà tôi kiên cố, vững chắc hơn nhà nó, mà đơn giản vì khi có bão bố tôi sẽ thổi xôi ăn kèm với chút ít muối vừng. Gặp hôm nào thuyền vừa về bến, chúng tôi sẽ có thêm món chả mực giã bằng tay, ăn với xôi nếp thơm thơm vào lúc trời mưa giông thì đúng là nhớ đời.
Vừa ăn, bố tôi sẽ vừa kể cho ba thằng nhóc chúng tôi nghe về những chuyện quỷ dị trên biển. Nào là chuyện những vong hồn của người đuối nước thoắt ẩn thoắt hiện vào những ngày sương mù dày đặc. Nào là chuyện những cái xác chết trôi ở cửa sông đổ ra biển, có những cái xác còn nguyên dây chuyền vàng đeo trên người, kẻ nào nổi lòng tham mà lấy đồ người chết thì sẽ gặp đại họa. Mặc dù chỉ có vài câu chuyện như thế thôi, nhưng mấy đứa tôi nghe say mê lắm.
Thậm chí tôi với thằng Khánh còn hẹn với nhau mai này lớn lên sẽ học lái tàu để được rẽ sóng ra khơi. Lúc đó tôi còn hỏi anh Phúc có muốn học như thế không, anh chỉ cười và nói rằng muốn trở thành một bác sĩ cứu người. Tôi với thằng Khánh gật đầu giao hẹn, chúng tôi sẽ lớn thật nhanh để đi thi đại học Hàng Hải dưới Hải Phòng, còn anh Phúc sẽ theo học trường y.
Những kỷ niệm nhỏ bé ấy ùa về trong đầu khiến tâm trạng tôi trùng xuống. Không biết giờ này anh Phúc ở đâu, không biết anh đã về hay chưa? Tôi nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương để cầu khấn ông bà nội, cầu mong một phép màu nào đó sẽ khiến anh Phúc trở về, và bóng người đen ngòm đứng nhìn tôi bên ngoài cửa sổ khi nãy chỉ là một hồn ma trôi dạt ngoài bãi biển để dọa người. Tôi vừa nghĩ, vừa nằm trên giường trằn trọc hồi lâu, rồi ngủ lúc nào không biết.
…………………………………………..
Nửa đêm về sáng hôm ấy tôi bị đánh thức bởi hàng loạt tiếng động rầm rầm. Tôi bật dậy, mắt nhắm mắt mở nhìn xung quanh rồi ú ớ hỏi:
“Mẹ ơi! Tiếng… tiếng gì thế?”
Bầu trời bên ngoài đã tờ mờ sáng nhưng gió vẫn rít lên ầm ầm. Thằng Khánh đã dậy từ lúc nào, nó nhìn thấy tôi tỉnh dậy thì vội đặt ngón tay ra hiệu cho tôi đừng mở lời. Ngoài tiếng gió thổi, tôi chẳng còn nghe thấy gì nữa. Ở gian phòng bên kia, tôi vẫn thấy bố mẹ tôi đang ngủ yên. Tiếng ngáy của bố tôi còn vọng ra cả bên ngoài. Một lúc sau tôi thì thào hỏi bạn:
“Sao đấy? Có tiếng gì thế?”
Thằng Khánh khẽ đưa mắt nhìn ra bên ngoài rồi bảo tôi:
“Vừa nãy tao nghe có tiếng rầm rầm như cây bị bão quật đổ, sau đó có tiếng gào thét.”
Tôi hơi giật mình hỏi lại:
“Có chắc không? Tao có nghe thấy tiếng ầm ầm nhưng không nghe thấy ai gào cả? Mà đó là tiếng người hay tiếng con vật?”
Thằng Khánh khẽ nhíu mày, tôi chưa thấy gương mặt nó tỏ ra nghiêm trọng như thế bao giờ. Nó thì thào:
“Hình như là tiếng người gào thét. Nghe như giọng một người đàn ông.”
Tôi nín thở để cố gắng nghe cho rõ. Nhưng chẳng có gì ngoài tiếng mưa gió ầm ầm. Một lúc sau thằng Khánh phân bua:
“Không thấy gì nữa. Rõ ràng tao nghe thấy thật mà.”
Tôi gật đầu tỏ ý tin bạn. Kể cả khi thằng Khánh không giải thích thì tôi vẫn tin nó. Bởi vì từ trước đến giờ chưa khi nào nó nói dối cả. Thấy tôi không nói gì, thằng Khánh nhìn ra ngoài cửa sổ, sau đó nhìn tôi với ánh mắt rất buồn:
“Vừa nãy mày thấy anh Phúc đứng ngoài cửa đúng không Tùng?”
Tôi gật đầu xác nhận. Vai thằng Khánh khẽ run lên, nó nói:
“Tao..cũng vừa mơ thấy anh ấy.”
“Mày mơ thấy anh ấy như thế nào?” Tôi hỏi luôn.
“Tao mơ thấy anh ấy toàn thân ướt sũng. Cái áo anh Phúc mặc trên người toàn là máu trộn lẫn với cát. Anh ấy đứng ở ngoài cửa sổ nhìn vào chỗ bọn mình nằm. Trong giấc mơ, tao còn hỏi anh ấy đang ở đâu.
Anh Phúc nói với tao là anh ấy chết rồi. Người ta kéo anh ấy trên bờ cát ngoài biển, rồi giấu xác vào một nơi tối thui như hũ nút. Anh Phúc còn nói…”
Thấy thằng bạn thân ngập ngừng, tôi vội giục:
“Anh ấy còn nói gì với mày nữa. Nói mau đi, tao sốt ruột quá.”
Giọng nói của thằng Khánh bỗng chùng xuống. Vài giây sau nó mới khó nhọc cất lời:
“Anh Phúc bảo rằng anh ấy bị người ta giết. Giờ anh ấy chẳng đi đâu được, cứ lảng vảng ở quanh đây thôi. Anh ấy nhờ tao với mày tìm thấy xác để đưa về cho mẹ tao.”
Toàn thân tôi lập tức nổi da gà. Vừa nãy chính mắt tôi nhìn thấy anh Phúc đứng ngoài cửa sổ, nay lại thêm thằng Khánh nằm mơ được anh ấy gửi gắm tìm xác của mình. Đối với một thằng bé mười mấy tuổi như tôi và thằng Khánh lúc ấy, những tri thức về thế giới tâm linh chẳng có gì nhiều nhặn. Nhưng tôi tin ở trực giác của mình, anh Phúc chắc chắn đã gặp nạn.
Việc quan trọng nhất bây giờ là phải tìm thấy anh ấy, dù còn sống hay đã chết, nếu không thì cả cuộc đời về sau này, chúng tôi sẽ sống trong hối hận. Tôi hỏi thằng Khánh:
“Vậy bây giờ mày tính thế nào?”
Nó khẽ lắc đầu:
“Còn tính như thế nào nữa? Đợi khi nào bão tan, tao sẽ về nói với bố mẹ.”
Tôi gạt phăng:
“Không được! Mày ngu lắm. Giờ cả tao với mày đều chưa biết tình hình anh Phúc ra sao. Nếu chạy đi nói với người lớn, họ sẽ lập tức báo công an. Cứ cho như là anh Phúc thực sự đã chết rồi, thì làm lớn chuyện này lên sẽ đánh động tới kẻ đã giết hại anh ấy. Lúc đó chắc chắn kẻ ấy sẽ tẩu tán cái xác của anh Phúc đi. Vậy thì còn lâu bọn mình mới tìm được. Mày hiểu chưa?”
Thằng Khánh vẫn chưa chịu thua cuộc, nó cự lại với tôi:
“Nhưng nếu hết ngày mai vẫn chưa thấy anh Phúc về, chắc chắn bố mẹ tao sẽ báo công an. Nếu thế thì vẫn có nguy cơ cái xác của anh ấy bị thả xuống biển.”
Tôi lắc đầu:
“Bố mẹ mày báo công an về việc con trai mất tích là chuyện đương nhiên rồi. Nhưng mày phải nhớ hai điều. Thứ nhất, bão vừa mới tan nhưng biển vẫn còn động, sóng đánh ầm ầm như thế thì công an điều tra từ đất liền vẫn chưa thể đi đến đây được.
Thứ hai, trên đảo chỉ có dân phòng và vài chú công an trên huyện, vụ mất tích này chưa chắc đã tìm ra kết quả gì. Tao đoán rằng, người làm hại anh Phúc là người trên đảo. Vậy thì kẻ đó chắc chắn phải biết được chỗ giấu xác anh ấy thật kín đáo. Nếu không khẩn trương hành động thì không biết chừng… anh Phúc sẽ làm mồi cho cá.”
Thằng Khánh mở to mắt nhìn tôi như thể không tin vào tai mình. Giọng nó trở nên khàn đặc:
“Vậy giờ theo mày phải làm sao?”
Tôi không trả lời mà hỏi ngược lại nó:
“Vừa nãy mày mơ thấy cái áo anh Phúc mặc là dính toàn cát trộn lẫn với máu, rồi anh ấy bảo xác anh ấy bị kéo lê trên bãi cát, sau đó đưa vào một nơi tối tăm không nhìn thấy rõ ánh sáng mặt trời. Có đúng không?
Thằng Khánh khẽ gật đầu. Tôi cắn môi suy tính:
“Vậy thì tao nghĩ rằng: Rất có thể xác anh ấy nằm ở trong một cái hốc đá nào đó xung quanh đảo. Hốc đá ấy phải lớn thì mới đặt vừa thân hình của anh Phúc.”
Ánh mắt thằng Khánh lộ rõ vẻ suy tư. Nó khẽ lắc đầu:
“Quanh cái hòn đảo Phức Sơn này thì có đến bao nhiêu là hốc đá. Nếu đi vòng quanh đảo để lật tìm từng cái thì không biết đến bao giờ mới xong.”
Tôi không phản pháo lại, bởi vì tôi biết nó nói đúng. Đảo Phức Sơn quê tôi vốn có hình dạng là một vòng tròn khổng lồ. Hòn đảo nhô lên khỏi mực nước biển chỉ độ gần chục mét, bao bọc xung quanh bởi đất đá và một bãi cát dài trắng muốt. Nổi bật trong đó là một dải đá chạy dài ra đến biển được tạo hóa uốn cong thành hình một ô cửa sổ. Người dân quê tôi gọi đó là cổng Tò Vò.
Tôi nghe nhiều người bảo rằng, đảo Lý Sơn ở tỉnh Quảng Ngãi cũng có một chiếc cổng Tò Vò như thế, nhưng cổng ở quê tôi thì lớn hơn nhiều. Người dân mỗi khi cúng bái đều ra đó để thả bè thân chuối xuống mặt biển xanh rì. Từ cổng Tò Vò nhìn thẳng ra đằng sau sẽ thấy ngôi trường cũ kỹ của chúng tôi ở đó. Nếu chọn nơi này làm điểm xuất phát để đi bộ một vòng quanh đảo cũng phải hết mấy tiếng đồng hồ.
Tôi và thằng Khánh nhìn nhau im lặng, cả hai đứa đều hiểu rằng, việc tìm kiếm xác của anh Phúc chẳng khác nào mò kim đáy bể. Đó là còn chưa kể đến dòng nước biển ở nơi này vốn chảy theo đường xoáy. Nhiều khi người nào đó bơi lội không thạo thì sẽ bị cuốn vào vòng nước rồi nhấn chìm dưới đáy biển. Những cái xác chết trôi nổi từ cửa sông ra đến biển quê tôi, mới buổi sáng còn trôi dập dềnh trên mặt nước, buổi trưa đã bị cuốn tận đáy là chuyện rất bình thường.
Người lớn trên đảo vẫn thường hay dọa lũ trẻ con chúng tôi không được tự ý tắm biển vào lúc thủy triều, càng không được phép tắm khi không có người lớn ở đó vì rất dễ chết đuối. Nhiều người còn kể rằng, những người chết đuối ở vùng biển này mãi mãi không thể nào bước vào thôn được, vì có cái cổng Tò Vò trấn giữ.
Những vong hồn phiêu dạt đó chỉ có thể lang thang ngoài bãi cát dài ven biển, vừa đi vừa than khóc theo từng nhịp sóng vỗ rì rào.
Hai đứa tôi bàn bạc thêm một lúc rồi lăn ra ngủ để lấy sức. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng, dù thế nào đi chăng nữa cũng phải tìm bằng được anh Phúc, nếu không thì chúng tôi sẽ chẳng thể nào yên lòng được.
………………………………………………………….
Sáng hôm sau, hôm sau tôi trở dậy từ rất sớm, cơn bão đã tan từ lúc nào nhưng bầu trời vẫn âm u, gió từ ngoài biển thổi vào lạnh lẽo khiến cho tôi nhớ đến những trận gió mùa đông bắc. Tôi bước ra trước hiên nhà, cây cối ở trong vườn đã nghiêng ngả vì mưa bão, giàn mướp hương mẹ tôi chăm bẵm bấy lâu nay cũng đã đổ gục.
Tôi tần ngần nhìn sang phía hiên bên tay trái, nơi anh Phúc đã đứng gọi tôi vào đêm hôm qua. Một cảm giác rờn rợn bỗng dưng ùa lấy tôi. Tôi quay trở vào gọi thằng Khánh dậy. Chúng tôi quyết định không ăn sáng mà chạy ngay ra ngoài bãi biển. Trước khi đi thằng Khánh còn không quên hỏi bố tôi:
“Chú Long ơi! Hôm qua lúc nửa đêm chú có nghe thấy tiếng rầm rầm rồi có người la hét kinh hoàng không?”
Bố tôi đang bưng bát mì tôm, nghe thấy nó hỏi thế thì nhìn mẹ tôi với ánh mắt ngạc nhiên rồi nói ngay:
“Không! Có nghe thấy gì đâu?”
Mẹ tôi hơi nhăn mặt nhưng rồi cũng lắc đầu:
“Hình như chỉ nghe thấy tiếng con chó nhà này sủa vài tiếng rồi thôi. Chứ cô cũng không nghe thấy gì cả.”
Tôi suy đoán:
“Hay là bố mẹ ngủ say quá nên không nghe thấy gì?”
Mẹ tôi khẳng định:
“Đêm qua mưa to quá, làm sao mà ngủ được. Nếu có tiếng động gì lạ thì phải nghe thấy luôn chứ. Hai đứa thấy gì à?”
Nghe giọng mẹ tôi có chút gì đó sợ hãi, tôi lắc đầu nói dối:
“Không ạ! Bọn con cũng không nghe thấy gì.”
Nói rồi cả hai đứa tôi chạy vù đi mất, chỉ kịp nghe mẹ tôi gọi với theo phía sau nhắc thằng Khánh nhớ về nhà không bố mẹ nó mong. Cả hai chúng tôi cắm đầu chạy ra ngoài biển, dọc đường còn nhìn thấy vô số mái nhà bị tốc lên. May mắn thay, căn nhà cũ kỹ của bố mẹ tôi không hề hấn gì.
……………………………………………………..
Cảnh tượng ngoài bãi biển lúc này tiêu điều chưa từng thấy. Trận bão hôm qua đã làm đổ sập mấy tấm biển cảnh báo nước xoáy mà người trên đảo dựng lên. Mấy chiếc thuyền thúng bị gió cuốn bay rồi đập vào mỏm đá nên bị rách tả tơi. Rác rưởi từ trên đảo rơi đầy trên mặt biển. Đó đây có vài người ngư dân cặm cụi nhặt nhạnh từng mảnh vỡ của thuyền, rồi bàn tán với nhau về cơn bão.
Tôi cùng thằng Khánh phóng như bay ra ngoài cổng Tò Vò. Đứng trên mỏm đá, tôi nhìn ngược trở lại hướng đảo. Từng hốc đá với đủ mọi hình thù to nhỏ khác nhau khiến chúng tôi chợt nản lòng. Biết xác anh Phúc ở đâu bây giờ? Thấy gương mặt thất thần của thằng Khánh, tôi an ủi:
“Chưa chắc anh Phúc đã mất đâu. Hay bây giờ chúng mình trở về xem thế nào? Biết đâu anh Phúc về rồi thì sao?”
Dường như thằng Khánh cũng mong rằng lời tôi nói là thật, cho nên nó bỏ về ngay, tôi cũng bước thấp bước cao chạy theo sau. Vừa về đến cổng nhà thằng Khánh, tôi đã thấy nhà nó có rất nhiều người, từ bên trong vọng ra cả tiếng của bố tôi nữa. Chúng tôi líu ríu bước vào, bên trong tôi thấy chú Toan ngồi cạnh bố tôi, trước mặt là anh Lộc công an đang cắm cúi ghi chép và bác Tâm làm bảo vệ trường học. Mẹ tôi thì đang cạo gió cho cô Toan, hai mắt cô sưng vù vì khóc. Tôi nghe thấy anh Lộc cất tiếng hỏi:
“Lần cuối cùng chú Long thấy em Phúc là khi nào?”
Bố tôi hơi nhăn trán một chút rồi nói:
“Tối hôm kia. Lúc ấy tôi đang ở chỗ cổng Tò Vò để kéo chiếc thuyền thúng vào sâu trong bờ cát. Tôi thấy thằng Phúc ôm theo một cái bè chuối đi ra cổng Tò Vò, chắc nó muốn cúng bái gì đó. Tôi cũng không để tâm lắm, vì tục lệ trên đảo quy định rất rõ ràng, người nào vô tình bắt gặp người khác đang cúng thần biển thì phải coi như không biết gì. Phường ngư dân chúng tôi lại càng tuân thủ nghiêm ngặt.”
Anh Lộc lại hỏi:
“Lúc ấy khoảng mấy giờ?”
“Hơn 10 giờ tối. À không! Phải gần 11 giờ. Lúc ấy thủy triều vừa lên.”
Anh Lộc nhìn vào cuốn sổ của mình rồi hỏi chú Toan:
“Lần cuối cùng chú thấy con trai mình là khi nào?”
Chú Toan thở dài đầy mệt mỏi:
“Tôi cũng không rõ nữa. Chiều hôm nó mất tích tôi vẫn thấy nó ở nhà phụ giúp mẹ nó làm rau. Đến tối đêm tôi uống rượu về thì cũng không thấy nó, chỉ thấy mỗi thằng Khánh ở nhà. Tôi cũng không để ý nhiều nên bỏ đi ngủ ngay.”
Anh Lộc không nói gì. Riêng bố tôi thì nhìn chăm chú cánh tay của chú Toan rồi hỏi:
“ Tay chú làm sao thế kia?”
Chú Toan mỉm cười yếu ớt:
“Trưa hôm trước tôi bị con chó nó cắn. Thế mới phải băng bó lại.”
Thấy gương mặt của anh Lộc tỏ rõ vẻ khác thường. Chú Toan cởi miếng băng gạc ở tay ra. Tôi với thằng Khánh xúm lại xem cùng mọi người. Quả thực, dưới miếng băng gạc là một vết cắn rất sâu, bên cạnh là một vết xước. Anh Lộc không nhìn thêm, chỉ gập cuốn sổ lại rồi nói có thông tin gì sẽ thông báo ngay cho gia đình. Tôi với thằng Khánh nhìn nhau, vậy là mọi chuyện như chúng tôi đã đoán, công an cũng sẽ không thể nào tìm ngay ra anh Phúc.
…………………………………………………..
Cái tin cậu con trai lớn nhà vợ chồng bác sĩ Toan bị mất tích lan truyền nhanh chóng trên đảo ngay trong chiều hôm ấy. Mọi người tìm đến nhà cô chú Toan để hỏi chuyện rất đông. Nhưng chẳng ai ngoài bố tôi thấy bóng dáng của anh Phúc vào đêm hôm anh gặp nạn cả. Trên đảo lúc ấy có bà thầy bói già, nghe tin anh Phúc mất bà cũng đến giúp một tay. Bà bày biện một bàn thờ trước sân, lại làm thêm một bát nhang bốc khói nghi ngút. Mọi người xúm đen xúm đỏ lại để xem.
Bà vừa rung chiếc chuông vừa rì rầm khấn vái. Từ bé đến giờ tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào như thế này nên rủ thằng Khánh đứng xem. Đương lúc cúng khấn say sưa, bỗng có một cơn gió thổi vào khiến bó nhang rực cháy. Bà thầy bói la lên:
“Linh ứng rồi!”
Bà chỉ nói đến thế rồi người đổ gục về phía trước. Mọi người giật mình chưa biết phải làm gì thì bà thầy bói bất ngờ cử động. Từ trong khoang miệng của bà phát ra tiếng khùng khục như người nôn khan.
Bà ngồi dậy, mái tóc bạc phơ rũ ra trông như người điên. Bà run như cầy sấy, mắt láo liên nhìn bốn xung quanh. Cô Toan đang khóc lóc nhìn thấy thế cũng kinh ngạc đến nỗi im bặt. Giọng nói eo éo của bà biến mất, thay vào đó là giọng nói trầm trầm rất giống giọng của thanh niên vừa mới vỡ tiếng. Hai tay bà ôm lấy thân mình rồi run lên bần bật:
“Lạnh… lạnh quá! Lạnh quá.. mẹ ơi.”
Cô Toan như người mất hồn, lao ra giữa sân, quỳ rạp bên cạnh bà thầy bói rồi khóc nấc lên:
“Phúc! Có phải con đấy không hả Phúc?”
Bà thầy bói lại run như cầy sấy, miệng lắp ba lắp bắp:
“Mẹ ơi! Mẹ ơi con lạnh lắm. Con lạnh lắm. Nước lạnh lẫn…lẫn cả vào máu con.”
Đám đông im phăng phắc, không một ai dám thở mạnh. Cô Toan khóc nấc lên:
“Con ơi! Con ở đâu con nói cho mẹ biết để mẹ tới đón con về.”
Gương mặt bà thầy bói trắng bệch như xác chết, bà lắc đầu lia lịa:
“Không biết! Không biết! Tối lắm. Chỗ đấy tối lắm. Không biết…”
Chưa kịp nói dứt câu, bà thầy bói rùng mình một cái rồi ngã vật ra đằng sau, toàn thân đầm đìa mồ hôi như tắm. Mọi người lúc này hệt như vừa bừng tỉnh khỏi cơn mê, họ nhào đến giúp một tay. Người thì đỡ cô Toan dậy, người thì nâng bà thầy bói lên. Riêng chú Toan thì bậm bục chửi đổng:
“Toàn trò dị đoan vớ vẩn. Làm gì đã xác định được con tôi chết hay chưa mà mấy người bảo nó chết? Tôi nói cho các người biết, con tôi chưa chết. Mụ thầy bói này chỉ viện cớ để lừa người. Các người biết chưa? Biết chưa hả?”
Chú Toan vừa chửi, vừa tiện tay hất đổ bàn thờ bày biện trước sân. Người trên đảo vội vàng đỡ bà thầy bói lánh đi nơi khác. Không một người nào trách cứ chú Toan, bởi lẽ ai cũng cho rằng chú ấy vì quá đau lòng nên mới hành xử như vậy. Mọi người ra về, chỉ còn bố mẹ tôi ở lại với cô chú ấy.
………………………………………………………..
Lại một ngày nữa trôi qua. Tôi ngồi cạnh thằng Khánh mà cũng không biết nói gì thêm. Tôi đã từng nghe nói tới chuyện có bọn buôn người bắt cóc trẻ con đem tận lên biên giới để bán lấy tiền. Lúc ấy tôi không thể nào tưởng tượng nổi sự bất lực, hay nỗi thất vọng dần dần mất đi khi người nhà mình bị mất tích.
Phải tới ngày hôm nay, tôi mới thấm thía tâm trạng của những gia đình lâm vào cảnh ấy. Tôi ngồi trên chiếc ghế bên cạnh bàn học của anh Phúc, nhìn từng tấm bằng khen học sinh giỏi suốt mấy năm liền của anh sống mũi bỗng cay xè.
Đang suy nghĩ miên man, bất chợt con chó mực trong nhà thằng Khánh chạy lên, ngoe nguẩy cái đuôi, nhìn tôi với ánh mắt chờ đợi. Lúc đầu tôi còn nghĩ, chắc là con Mực cũng biết trong nhà xảy ra chuyện nên đưa tay vuốt ve đầu nó. Thế nhưng con Mực vẫn tỏ ra bồn chồn, tôi mới hiểu ra là cu cậu đang đói. Cũng phải, từ tối hôm qua đến giờ, trong nhà xào xáo đủ thứ chuyện, làm gì có ai cho nó ăn.
Tôi rủ thằng Khánh xuống bếp lục lấy ít cơm nguội, trộn thêm vài miếng cá kho rồi đưa cho nó. Con Mực cúi xuống ăn nấy ăn để. Nó vốn là con chó suýt bị người ta ném xuống biển vì cho rằng chó đen là điềm xui xẻo.
Lúc đó chính anh Phúc và thằng Khánh chuộc nó về. Anh Phúc đập vỡ con lợn đất, vét sạch túi được cả thảy hơn một trăm ngàn đồng để chuộc nó, thế nhưng mà vẫn thiếu. Tôi đành đập nốt con lợn tiết kiệm của mình, đưa thêm cho anh Phúc vay thêm 80 ngàn nữa mới đủ.
Cả ba chúng tôi đi đón con chó về nhà, con Mực sống cùng với gia đình cô chú Toan từ ngày ấy. Từng ấy năm sống với chủ, con Mực đặc biệt tinh khôn và hiểu ý người. Nhiều khi cô chú Toan, hay anh em thằng Khánh đi về, chưa cần tới cổng thì con Mực đã biết để chạy ra đón chủ. Vào những ngày mùa đông, biển lặng sóng, sương mù giăng khắp nơi không thể nhìn thấy đường.
Người quê tôi thường đóng cửa ở trong nhà chứ không dám ra ngoài bãi biển. Họ kháo với nhau rằng, lúc này ngoài bãi cát dài toàn vong hồn vất vưởng đi đi lại lại trên bờ cát. Đám vong này vốn là ở những người bị chết trôi ngoài biển, nếu muốn siêu sinh bắt buộc phải tìm người thế mạng cho thần biển.
Phường ngư dân vốn mê tín, vì thế vào những ngày này họ không dám ra khơi, chỉ cử người ra đặt mâm lễ lạt trên bãi cát để xoa dịu những vong hồn. Mùa đông năm ngoái, con Mực cũng cứu tôi và anh em thằng Khánh một mạng.
Hôm ấy trời cũng giăng sương mù dày đặc, cả ba chúng tôi đều biết thời điểm này là các vong hồn sẽ lảng vảng đi dọc theo bờ cát. Từ trước đến giờ tôi vốn không tin có ma, anh em thằng Khánh cũng vậy. Thằng Khánh rủ tôi vào lúc nửa đêm sẽ trốn ra ngoài chỗ cổng Tò Vò để xem hồn ma bóng quế như thế nào. Ban đầu tôi cũng hơi lưỡng lự, nhưng vì không muốn bị thằng bạn thân chế giễu nên tôi quyết định đi theo. Trước khi đi, anh Phúc còn nhanh trí dắt theo con chó Mực, vì nghe nói vía của chó Mực tốt có thể át được ma.
Chúng tôi men theo con đường tắt trên đảo để đi xuống bãi cát rồi vòng ra cổng Tò Vò. Khắp nơi sương phủ, trời lạnh đến cắt da cắt thịt, ba đứa chúng tôi đứng nép vào góc của cổng Tò Vò để nghe ngóng. Mười lăm phút rồi ba mươi phút trôi qua mà chẳng có gì động tĩnh, chỉ có tiếng sóng đánh ầm ầm.
Đúng lúc tôi định rủ hai người kia ra về thì đột nhiên con chó Mực sủa vang, nó cứ hướng mặt về bãi cát đằng sau lưng chúng tôi mà gằn từng tiếng. Tôi vẫn thường nghe mẹ tôi nói “chó sủa một tiếng là ma, ba tiếng là người”. Khi nhìn thấy con Mực như thế, tôi bảo ngay:
“Đi… đi về thôi. Hình như có cái gì ở bãi cát ấy.”
Thằng Khánh gạt đi, nó bảo tôi chết nhát rồi chiếu đèn pin về hướng đó để xem. Chúng tôi phát hiện ấy chỉ là một chiếc phao cứu sinh dạt vào. Thằng Khánh cười phá lên cho rằng con Mực già rồi nên sinh ra lẩm cẩm.
Lúc ấy trong lòng tôi dâng lên một cảm giác bất an. Tôi nằng nặc đòi về khiến cả hai đành miễn cưỡng nghe theo. Đúng lúc thằng Khánh vừa quay đi thì một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi, tôi vội giật chiếc đèn pin trong tay nó rồi rọi lại về phía bờ cát. Thằng Khánh giật mình khẽ trách tôi, tôi quay lại nói với nó:
“Có một chiếc phao cứu sinh dạt vào, mọi người không thấy gì lạ à?”
Thằng Khánh ngơ ngác, còn anh Phúc khẽ cau mày rồi trả lời:
“Ý mày là có người chết đuối? Sóng biển cuốn người ta đi rồi chỉ còn cái phao vào đến bờ?”
Tôi gật đầu nói luôn:
“Anh nghĩ mà xem, phao cứu sinh không phải là thứ để cho người ta mang ra chơi. Hơn nữa vùng biển này có xoáy nước nước rất mạnh, thợ lặn chuyên nghiệp còn không dám đến. Nếu xuất hiện phao cứu sinh ở đây, chắc chắn rằng có người đã gặp nạn.”
Tôi ngập ngừng thêm một chút rồi nói thêm:
“Hoặc tệ hơn nữa là bị đắm thuyền.”
Ba chúng tôi nhìn nhau lo sợ, riêng con Mực vẫn sủa không ngừng. Thằng Khánh đứng chới với ở bãi cát nhất, nó vội nói:
“Thế thì còn chờ gì nữa? Xuống xem sao.”
Tôi và anh Khánh chưa kịp nói gì thì bỗng từ đâu có tiếng ầm ầm dội đến bên tai, kèm theo sau đó là nước trắng xóa đánh thẳng vào người chúng tôi. Khi cả ba anh em chưa kịp ý thức được điều gì thì chúng tôi đã bị một con sóng xô xuống biển. Nước biển mặn chát ập vào khoang miệng cùng với hai lỗ mũi của tôi khiến tôi chới với. Tôi cố gắng cật lực để đạp chân ngoi lên thì lại bị một thứ gì đó lạnh toát kéo xuống.
Tôi càng cố sức thì thứ đó lại càng kéo mạnh hơn. Biển ban đêm đen ngòm, tôi phải cố căng mắt ra để nhìn thấy thứ gì kéo chân mình. Hỡi ôi! Dưới làn nước lạnh buốt, một người đàn bà toàn thân trắng toát đang ra sức kéo lấy tôi. Tôi co cả hai chân cố gắng để đạp thật mạnh vào mặt bà ta. Mái tóc dài của bà ta khẽ tung bay trong làn nước lạnh, trong đầu tôi như có một giọng nói truyền đến:
“Phải kéo được mày… thì tao mới được lên bờ.”
Tôi hiểu ra mình bị vong hồn muốn kéo đi mất. Tôi không muốn chết, tôi không muốn mình phải ra đi khi còn đang nhỏ tuổi như vậy. Tôi khấn vái trong đầu, cầu mong anh Phúc sẽ đến cứu mình. Vào đúng lúc tôi dần đuối sức thì người đàn bà trắng toát kia bưng mặt, buông cả hai tay ra khỏi chân tôi.
Tôi thừa cơ quẫy nước ngóc được đầu lên trên bờ. Trước khi ngoi lên, tôi chỉ kịp nhìn thấy một cái bóng nhỏ xíu lướt qua mặt người kia khiến bà ta sợ hãi. Khi tôi trồi lên khỏi mặt nước thì đã thấy anh Phúc và thằng Khánh toàn thân ướt như chuột lột đang gào tên tôi. Tôi chới với giơ tay ra hiệu, thằng Khánh nhào đến để cứu tôi vào bờ.
Anh Phúc hốt hoảng nói với tôi:
“Con Mực đâu? Con Mực lao xuống cứu mày mà Tùng?”
Tôi nhổ xuống cát một ngụm nước biển mặn đắng rồi lắc đầu:
“Em không biết! Em vừa bị một người đàn bà kéo thì thấy ai như bóng dáng con Mực cắn vào mặt bà ta.”
Không đợi cho tôi nói hết câu, anh Phúc chạy ào ra phía trước bắt tay làm loa gọi con Mực thảm thiết. Tôi thất thần nhìn ra biển, trong lòng không dám nghĩ đến tình huống xấu nhất. Ấy thế mà như một phép lạ, con Mực toàn thân ướt sũng, chạy từ chỗ mép nước ở chỗ cổng Tò Vò tới chỗ chúng tôi sủa inh ỏi.
Anh Phúc, thằng Khánh, và cả tôi nữa vội chạy đến chỗ con Mực ôm chầm lấy nó. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy anh Phúc khóc nức nở. Sương trên biển mỗi lúc một dày thêm. Thằng Khánh giọng khản đặc vỗ nhẹ vào vai anh trai rồi bảo:
“Thôi! Đi về đi. Không nấn ná thêm nữa.”
Chúng tôi lục tục đi ngược lại bãi cát để trở về. Bất giác tôi quay lại nhìn ra biển. Thấp thoáng trong màn sương mịt mùng, tôi nhìn thấy rõ mồn một từng người đi lang thang dọc bờ cát, già có, trẻ có, có cả người cao lêu khêu, lại cũng có người bị cụt mất nửa thân người.
Phải tới hôm sau tôi mới biết, đêm hôm trước con sóng bất thình lình xô chúng tôi ngã xuống nước ấy vốn là của lũ vong hồn định tìm người thế thân. Anh em thằng Khánh may mắn hơn tôi rơi xuống ngay chỗ nước nông. Riêng bản thân tôi thì bị dòng nước xoáy cuốn ra xa. Anh Phúc và thằng Khánh nhìn thấy bóng dáng một người giống như tôi đang vẫy tay ở dưới nước thì vội vàng chạy tới.
Ai ngờ đâu con Mực nhào lại sủa vang. Tiếng sủa ầm ĩ của nó đánh thức cả hai anh em, hình ảnh cánh tay chới với của tôi biến mất, chỉ còn mặt biển êm ả phủ đầy sương. Con Mực sủa xong thì phóng như bay xuống dưới nước, cho tới khi cứu được tôi, nó bị sóng đánh dạt vào phía cổng Tò Vò rồi mới bơi vào bờ được. Chúng tôi nhìn nhau lặng thinh, mặc dù không hề nói gì với nhau nhưng tất cả đều hiểu rằng: Đêm hôm ấy, con Mực đã cứu ba mạng người.
Sau vụ ấy, cả ba chúng tôi bị bố mẹ đánh cho tím mông. Người trên đảo không ai là không biết chuyện. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, hai hôm sau ngư phường chỗ bố tôi phát hiện có ba cái xác dạt vào bờ bèn đi báo công an.
Mấy chú hải quân vội vàng phóng moto nước để xem xét tình hình thì thấy vài mảnh của chiếc ca nô nho nhỏ bị vỡ vụn. Ba người xác người gồm hai nam một nữ xem chừng còn rất trẻ đều chết cả.
Dân trên đảo kéo nhau ra xem, lúc ấy chúng tôi cũng vừa đi học về nên tò mò ra hóng chuyện. Vừa nhìn thấy thi hài của người phụ nữ chết trôi, tôi hét lên hoảng sợ. Cô gái ấy có một mái tóc dài, nhìn hệt như người đàn bà tóc trắng đã kéo chân tôi xuống biển lần trước. Từ lúc ấy tôi tin rằng những vong hồn trên bờ biển là có thật.
Quay trở lại câu chuyện ngày hôm ấy, vừa cho con Mực ăn, trong lòng tôi vừa ngẫm nghĩ. Chuyện ba anh em đi rình tà ma vừa mới xảy ra cách đây ít lâu thôi, thế mà giờ đã như cả nửa đời người. Không biết con Mực đã biết rằng anh Phúc có thể sẽ mãi mãi không trở về nữa hay chưa. Một tia suy nghĩ vụt sáng trong đầu tôi. Phải rồi! Con Mực tinh khôn như thế, chắc chắn sẽ giúp chúng tôi tìm được anh Phúc.
Tôi gọi thằng Khánh í ới. Nó từ trên nhà lao xuống như tưởng tôi xảy ra chuyện gì. Vừa nhìn thấy tôi với con Mực, thằng Khánh đã hỏi luôn:
“Làm sao? Làm sao đấy?”
Tôi chỉ vào con Mực vẫn đang ăn cơm rồi trả lời với giọng đắc ý:
“Tao đã nghĩ cách tìm ra anh Phúc rồi. Mình cho con Mực ngửi mùi quần áo của anh ấy, sau đó nó sẽ đánh hơi đi tìm anh ấy cho mình.”
Gương mặt thằng Khánh bỗng chốc ngẩn tò te nhìn tôi. Nó lắc đầu phản đối:
“Mày xem phim nhiều quá nên bị khùng rồi. Con Mực không phải là chó nghiệp vụ. Giống chó nghiệp vụ muốn đánh hơi truy tìm đối tượng là phải trải qua quá trình huấn luyện. Con Mực dù khôn đến mấy cũng chỉ là chó nhà, làm sao mà tìm được?”
Mặc dù trong lòng cảm thấy thằng bạn thân nói rất có lý, nhưng tôi vẫn ra sức chống chế:
“Thì cứ thử tìm xem nào. Biết đâu lại được?
”
Có vẻ như thằng Khánh cũng muốn thử vận may, cho nên nó cùng tôi dẫn con Mực lên nhà. Thằng Khánh đưa cho con Mực ngửi cái áo khoác của anh Phúc. Con chó khẽ khụt khịt rồi rên hừ hừ từ trong cổ họng, ánh mắt nó nhìn chúng tôi rất lạ. Thấy con Mực không có phản ứng gì nhiều, cảm giác hy vọng trong lòng tôi bay biến. Không khí trong nhà lúc này rất căng thẳng, bố mẹ thằng Khánh bắt đầu cãi cọ vì việc con trai mất tích. Mặc cho bố mẹ tôi ra sức khuyên ngăn, nhưng cô Toan lúc này hệt như người mất trí. Mái tóc cô tung ra, cô lao vào đánh chú Toan.
Mẹ tôi ôm choàng lấy cô Toan lôi cô vào trong phòng rồi đóng sầm cửa lại. Từ bên trong phòng vẫn vọng ra tiếng chửi bới của cô. Cô nói rằng anh Phúc xảy ra cơ sự này là do bao nhiêu năm nay chú Toan luôn nghi kị cô và anh ấy. Rồi thì mọi tội lỗi mà chú gây ra sẽ lần lượt phải chịu báo ứng. Cô Toan vừa hét, vừa đập vào cánh cửa nghe rõ mồn một:
“Anh là thằng khốn nạn! Anh phải trả con lại cho tôi. Trả ngay thằng Phúc lại cho tôi.”
Bố tôi thấy hai đứa tôi đang ngây người ra nhìn cảnh tưởng ấy, bèn sẵng giọng quát:
“Thằng Tùng! Dẫn bạn về nhà mình. Cấm không được đi đâu. NGHE CHƯA?”
Thấy bố quát, tôi giật mình rồi kéo theo thằng Khánh chạy biến. Con Mực cũng sợ hãi cụp đuôi chạy theo phía sau. Vừa đi đến bụi xương rồng trước cửa nhà, thằng Khánh bỗng dưng đổi ý, nó ngừng lại rồi nói với tôi:
“Giờ về nhà mày cũng không giải quyết được gì đâu. Tao sốt ruột lắm. Hay là bọn mình đi tìm anh Phúc thêm một lần nữa?”
Tôi hơi phân vân trong lòng, thằng Khánh nói thêm:
“Chiều hôm qua có mỗi tao với bố tao đi tìm trong trường học. Ở dãy phòng học phía sau đang sửa chữa vẫn chưa tìm kỹ đâu. Không biết chừng lại tìm thấy anh Phúc đang ở đó?”
Tôi hơi lưỡng lự nhưng cũng không tỏ ý phản đối. Vào thời khắc tôi định mở miệng nói thì bỗng dưng con Mực nhìn vào hướng bụi cây xương rồng sủa gằn từng tiếng. Thấy bộ dạng của nó như vậy, tôi lập tức nhớ đến lần nó sủa ma ở cổng Tò Vò. Tôi giật áo thằng Khánh, mồ hôi trên trán bắt đầu túa ra:
“Khánh ơi! C..con Mực làm sao kìa?”
Thằng Khánh cũng sợ không kém. Nó đứng sát vào tôi rồi run giọng:
“Mực! Mày sủa cái gì thế hả?”
Thế nhưng con chó dường như không thèm để ý đến hai đứa tôi, nó vẫn nhe răng nhìn vào bãi xương rồng, hệt như ở đó đang có người. Tôi định kéo con Mực đi thì nó vùng ra khỏi bàn tay tôi rồi lao thẳng vào bụi xương rồng và bắt đầu đào đất.
Chó đào đất thì không lạ, nhất là với một con chó hiếu động như con Mực. Thế nhưng chưa bao giờ tôi thấy con chó nào vừa đào đất, vừa sủa gằn rồi lại ngóc cái cổ lên nhìn một người vô hình như nó. Cả hai chúng tôi ngồi xuống chăm chú quan sát. Thằng Khánh sợ hãi thì thầm bên cạnh tôi:
“Mày ơi hình như nó thấy cái gì thì phải..”
Tôi nín thở theo dõi, con Mực vẫn tiếp tục đào xới như điên, chỉ có điều lúc này nó không còn sủa ầm ĩ nữa. Nó mải miết đào, đất bên cạnh vun thành đống. Phải đến một lúc sau, dường như con Mực đã tìm được thứ mà nó cần tìm. Nó nhìn xuống cái hố rồi lại nhìn chúng tôi. Tôi cùng thằng Khánh vội vàng tiến lại gần.
Trong cái hố có một chai nước lavie trống rỗng, phần đầu chai để lộ ra ngoài, phần thân chai vẫn còn bị lớp đất che phủ. Tôi khẽ cúi đầu sâu hơn để nhìn cho rõ, rồi tiện tay móc cái chai lên.
Thực ra chai nước không hề rỗng, bên trong có một thứ gì đó. Tôi và thằng Khánh cầm theo chai nước phóng như bay ra biển để rửa sạch lớp bùn đất bên ngoài. Lúc này chúng tôi mới có thể quan sát kỹ hơn. Bên trong cái chai có một thứ gì đó màu đỏ sẫm đã gần chuyển sang màu đen kịt. Tôi rút từ trong túi quần ra một con dao nhíp, nhẹ nhàng rạch lớp vỏ chai.
Giây phút vỏ nhựa vừa mở ra, một mùi tanh tanh bốc lên nồng nặc. Thằng Khánh khẽ nôn khan vài cái, riêng con Mực thì nãy giờ vẫn đứng nhìn cái chai với vẻ mặt nghi ngờ. Tôi lấy mũi dao gảy gảy vào cái cục thâm đen lại, lớp vảy bên ngoài tróc ra, tôi chăm chú nhìn thật kỹ rồi rú lên một tiếng kinh hoàng.
Thì ra cái lớp màu đỏ thẫm đông đặc lại ấy vốn là máu đã khô, bên trong là hai con ngươi mắt trắng dã đã gần quắt queo. Phần đồng tử đen ngòm từ hốc mắt của ai đó bị lấy ra một cách thô bạo, còn nguyên cả dây thần kinh võng mạc dính vào. Cả hai tròng mắt ấy đều đang nhìn chúng tôi chằm chằm. Con chó Mực lại bắt đầu sủa dữ dội.
…………………………………………………………….
Hết phần 2.
Mời Bạn Xem Tiếp Chap 3 : tại Đây
Cùng Chủ Đề :
Đăng nhận xét