Truyện Ma Việt Nam "oan hồn trên bờ biển" chap 4 phần kết

Xem lại chap 3 : Tại Đây

Tác Giả : Thảo Trang

Phần Thứ Tư (kết)

Chúng tôi cùng một lúc nhận ra rằng: Mình đã tìm được chủ nhân của cặp mắt. Có vẻ như, vong hồn người ấy muốn chúng tôi đem mắt lại để trả cho mình. Giữa lúc căng thẳng ấy, con Mực bỗng nhe răng nhìn về phía đằng sau tôi gầm gừ.
Bụng tôi giật thót lên một cái, tôi vừa ngoái đầu nhìn phía sau thì lập tức bị một ai đó đạp một cái vào lưng đau điếng. Tiếng hét của thằng Khánh vang lên thất thanh bên tai tôi. Con Mực nhảy vào cắn phập một cái vào ống quần của người kia. Người kia rú lên đau đớn, miệng chửi không ngừng, chiếc gậy trong tay định vung lên đập con Mực một cái.
Mặc dù bị đánh bất ngờ, nhưng vì bản năng sinh tồn trỗi dậy, con Mực kêu ẳng ẳng vài tiếng rồi vội vàng phóng qua một bên, vừa kịp lúc tránh được thêm một cú đập nữa. Tôi lồm cồm bò dậy vội vàng rọi chiếc đèn pin ở đồng hồ về phía người kia. Càng về khuya sương mù ở biển xuất hiện càng nhiều. Nhờ ánh đèn le lói từ chiếc đồng hồ, cả tôi và thằng Khánh đều nhận ra người vừa tấn công tôi không ai khác chính là lão Tâm.


Lão Tâm bị chó cắn đau đến nỗi gần như hóa dại. Khi lão vung tay định đánh con Mực thêm một lần nữa thì thằng Khánh nhanh trí ném một vốc cát vào mặt lão Tâm. Theo phản xạ, lão buông thõng cây gậy xuống rồi hai tay bưng mặt. Đúng lúc đó, thằng Khánh thừa cơ chồm lấy cái gậy rồi nện cật lực vào hai ống đồng của lão Tâm. Lão ta rú lên một tiếng rồi ngồi thụp xuống dưới đất quằn quại. Máu rỉ ra từ vết cắn của con Mực rơi xuống bờ cát trắng phau. Thằng Khánh chửi thề:
“Mẹ kiếp! Ông là bảo vệ trường học mà định giết người à?”
Tôi biết là lão Tâm đang đau lắm. Thế nhưng lão vẫn cố gằn từng tiếng chửi chúng tôi:
“Hai thằng nhãi con chó chết. Tao sẽ không tha cho bọn mày.”
Tôi nghe thấy lão nói thế thì cười nhạt:
“Lo thân mình đi đã rồi hãy tính đến chuyện trả thù. Cái xác ở dưới cái bể kia là thế nào?”
Lão Tâm vẫn ôm hai cái chân quằn quại mà không nói. Thằng Khánh phát cáu:
“Nói đi! Hay ông muốn chúng tôi cho con chó cắn ông thêm cái nữa?”
Thấy hàm răng của con Mực khẽ nhe ra, dớt dãi chảy ra từ miệng nó liên hồi. Lão trở nên ngoan cố:
“Tao chẳng biết gì cả. Chúng mày phát hiện cái xác này rồi đổ vấy tội cho tao. Tao chẳng liên quan.”
Tôi rút từ trong túi quần ra chiếc nhẫn vàng rồi đưa ra trước mặt lão:
“Ông định tìm cái nhẫn này phải không? Cái nhẫn này ở gần nơi chôn chai nước có chứa tròng mắt của cái xác kia. Đừng nói là ông không biết gì cả. Có chó nó tin ông.”
Vừa nhìn thấy chiếc nhẫn vàng, lão Tâm cứng họng không thốt thêm được lời nào nữa. Thằng Khánh nhìn tôi:
“Mày tính phải làm gì với lão này?”
Tôi mím môi:
“Còn làm gì nữa? Trói lão ấy lại, sau đó bọn mình đi tìm anh Lộc báo án. Đồn công an huyện ở trung tâm đảo. Cả đi lẫn về cũng chỉ mất khoảng mười lăm phút là cùng.”
Thằng Khánh gật đầu đồng ý. Tôi với nó chia nhau một người ngồi giữ lão Tâm, một người đi kiếm thứ gì đó có thể trói buộc. Thằng Khánh người mập mạp hơn tôi, nó cùng con Mực lãnh trách nhiệm giữ lão Tâm. Thằng Khánh ngồi phịch trên lưng lão già, trên tay nó lăm lăm cây gậy dọa nạt:
“Đừng có mà cử động. Tôi không nể nang ông đâu.”
Tôi vừa cầm cái đồng hồ điện tử, vừa đi loanh quanh để tìm kiếm. Thế nhưng ngoài rác và lá thông khô thì chẳng có thứ gì khả dĩ cả. Cơn đau khiến cho toàn thân lão Tâm đổ mồ hôi ướt nhẹp. Thằng Khánh giục tôi:
“Nhanh lên Tùng! Sao lâu thế?”
Tôi bực dọc chửi thề:
“Bà mẹ nó! Chẳng có cái quái gì cả.”
Thằng Khánh dường như cũng biết điều đó nên gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng. Đúng lúc nó lơi lỏng cảnh giác, lão Tâm khẽ vốc thẳng cát ném vào mặt nó rồi lập cà lập cập đứng dậy. Bị đối phương sử dụng chiêu giống hệt mình, thằng Khánh vội vàng đưa hai tay dụi mắt rồi chửi thề om sòm. Lão Tâm chỉ chờ có thế. Lão lê đôi chân đứng dậy, giật cây gậy trong tay thằng Khánh rồi định phang thẳng vào đầu nó.


Rất may, con Mực lập tức chồm lên người lão, hàm răng sắc lẻm của nó cắn phập vào phần da nhăn nheo trước ngực. Tôi vội chạy lại gần để tiếp ứng, thế nhưng chưa kịp tới nơi thì lão Tâm đã ngã sõng xoài xuống mặt đất, hai mắt nhắm nghiền.
Thú thực trong giây phút ấy, tôi tưởng như lão sẽ chết. Tôi vội vàng đến xem thằng bạn thân, rồi lại lồm cồm quỳ thụp xuống đất để kiểm tra xem lão còn thở hay không. Thằng Khánh bị cát ném vào mặt ở trong cự li gần nên toàn thân khó chịu đến phát điên. Nó vội vội vàng vàng chạy thẳng ra bờ biển sóng vỗ rì rào để vục mặt xuống. Tôi không dám lãng phí tới một giây, vội vàng chạy thẳng đến chỗ lão Phúc, cởi phăng chiếc áo thun đang mặc trên người, rồi ra sức kéo cho nó dài hơn.

Tôi buộc hai tay của lão Tâm vòng ra đằng sau. Từ lúc quen biết lão đến bây giờ, chưa bao giờ tôi thấy lão thê thảm như lúc này. Lão thảm hại cũng chỉ vì chủ quan, nghĩ rằng chúng tôi chỉ là hai thằng nhóc học lớp tám, cộng thêm cả một con chó thì ăn nhằm gì với lão. Thế nhưng thực tế đã chứng minh cho câu nói “hai đánh một không chột cũng què”. Tôi thấy ai nghĩ ra câu này quả thực là chí lý.
………………………………………………….
Còng tay lão Tâm xong, tôi ngồi xuống nghỉ mệt. Trời lúc này đã gần tám giờ tối. Trăng trên cao thì sáng, nhưng dưới mặt đất thì sương mù. Người trên đảo vẫn nói, sương mù xuất hiện giữa đêm hè là thời điểm ma quỷ đi kiếm ăn. Lúc này ở trên bãi biển không một bóng người, chỉ có tiếng sóng vỗ không ngừng nghỉ. Tôi thở hồng hộc vì mệt và đói, khi thằng Khánh quay lại, nó nhìn lão Tâm bằng ánh mắt khinh bỉ rồi hỏi tôi:
“Trói lão này ở lại đây. Tao với mày chạy đi báo anh Lộc.”
Tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu. Để cẩn thận hơn, thằng Khánh cũng cởi chiếc áo mặc trên người rồi cột thật chặt chân lão Tâm lại với nhau. Lão Tâm vẫn nằm im bất động, không biết vì đau quá hay vì quá mệt.

Trong suy nghĩ của đứa trẻ con như tôi lúc ấy, lão Tâm có thể sẽ chết. Vì lo sợ cái viễn cảnh ấy có thể xảy ra, cho nên tôi vội giục thằng Khánh chạy thật nhanh. Chúng tôi vừa chạy được vài bước thì lão Tâm tỉnh dậy rồi khe khẽ kêu:
“Cứu tôi với! Cứu tôi với. Thằng… thằng Tùng con lão Long đánh chết người.”
Tôi đứng sững lại rồi quay lại nhìn về phía lão. Khốn nạn thật! Lão già này quả là quỷ quyệt. Thằng Khánh chửi tục vài câu:
“Mẹ thằng chó già! Nó cứ kêu như thế này không khéo người ta nghe được đấy.”
Không còn cách nào khác, tôi và thằng Khánh buộc phải quay lại. Vừa nhìn thấy chúng tôi, lão Tâm cười nhạt:
“Tao tưởng chúng mày đi rồi cơ mà. Quay lại đây làm gì thế? Sợ tao trốn thoát à?”
Thằng Khánh toan chửi thì bị tôi ngăn lại. Trong lòng tôi biết tỏng, lão già này muốn khích để chúng tôi tức giận. Đừng hòng tôi để lão đắc ý. Tôi không thèm nói nửa lời với lão mà quay sang cười cười với thằng Khánh:
“Cái bể nước kia xem chừng cũng rộng rãi ấy nhỉ? Mày nghĩ thế nào nếu thả thêm một người nữa xuống dưới đấy?”
Vẻ ngạc nhiên thoáng qua trên khuôn mặt thằng Khánh rồi biến mất rất nhanh. Nó lập tức hiểu ý tôi bèn cười giả lả:
“Dưới bể có cái xác chết. Giờ lại có thêm một người nữa xuống bầu bạn cùng chắc cái xác cũng rất vui đấy. À lại nữa, tao nhớ ra rồi, đêm nay có nhiều sương mù bất thường thế này, điềm báo những vong hồn trên biển xuất hiện. Hà hà! Thật là náo nhiệt.”
Tôi và thằng Khánh cười phá lên đắc ý. Có lẽ đến lúc này lão Tâm mới sợ hãi thực sự, lão vẫn nằm ẹp dưới cát vội vã kêu lên:
“Đừng! Đừng thả tao xuống dưới đấy.”
Thằng Khánh cùng với tôi không muốn mất quá nhiều thời gian với lão này, chúng tôi hợp sức kéo lê lão tới gần cái bể nước cạn rồi đẩy lão xuống. Mùi tử thi càng lúc càng bốc lên nồng nặc. Bể nước rộng nhưng nông, lại thêm việc đã cạn nước từ lâu cho nên thân hình lão Tâm bị đẩy xuống lại ngồi áp sát vào cỗ thi hài bị móc mắt.


Không biết do vô tình hay ma quỷ hiển hiện trêu đùa, mà cái đầu của thi hài kia gục trên vai lão hệt như hai người thân thiết. Cảnh tượng này quỷ dị đến nỗi khiến cho tôi và thằng Khánh thấy rùng cả mình. Lão Tâm sợ quá kêu ré lên một tiếng rồi van xin chúng tôi thảm thiết:
“Tùng! Tùng ơi! Hai đứa cho bác lên. Cho bác lên đi. Bác hứa… bác hứa sẽ nói với chúng mày hết mọi chuyện. Đừng… đừng để bác ở dưới này. Bác…”
Lão chưa kịp nói hết câu thì đã ngất xỉu. Vết cắn của con Mực thấm máu ra ngoài lớp áo của lão. Con Mực nhìn về phía biển rồi lại nhìn xuống cái bể nước sủa gằn từng tiếng hệt như mỗi lần nó nhìn thấy vong ma. Chúng tôi ngây ra nhìn con Mực mà quên không nạt nó như mọi lần. Con Mực đang sủa bỗng dưng im bặt nghe ngóng, cái đuôi nó hơi vẫy, nhưng mắt vẫn nhìn trân trân về con đường nhỏ dẫn về trường. Có ánh đèn pin từ đằng xa chiếu lại. Hai đứa tôi và con Mực lập tức nín thinh. Hình như có người đang đi đến.
………………………….
Tôi vội vã kéo thằng Khánh trốn sau một tán thông nho nhỏ thấp lè tè, con Mực tinh khôn lập tức bám theo chúng tôi. Khỉ gió! Cành lá của cây thông vốn không um tùm như những loại cây bình thường nên chẳng thể nào che chắn được chúng tôi trọn vẹn. Thế nhưng trong lúc cấp bách ấy, chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Cả hai, à không, chính xác là cả ba đứa tôi cùng nín thở chờ xem ai đang đi tới.
Sương mù dày đặc, ánh trăng vẫn ở trên cao như chẳng màng quan tâm tới thế sự. Bóng người đi càng lúc càng gần. Một hình dáng hiện ra ở phía trước, sương mù che mất mặt nhưng căn cứ vào đôi chân tôi nhận ra đó là một người đàn ông. Tim tôi đập thình thịch liên hồi. Bàn tay thằng Khánh bấu vào vai tôi đổ đầy mồ hôi, tôi có thể cảm nhận được rõ sự run rẩy trong bàn tay của thằng bạn.

Người đàn ông kia càng lúc càng tiến lại gần. Khi ông ta bước đến bên miệng bể nước chỉ cách chúng tôi độ chục bước chân, sương mù bay lảng bảng sang bên. Giây phút ấy tôi kinh hoàng phát hiện. Người đến đây không phải chú Toan như tôi vẫn nghi ngờ trong lòng bấy lâu. Người ấy không ai khác chính là chú Phòng, chồng của cô văn thư ở trường tôi.
Cơn bàng hoàng quá độ khiến tôi khẽ khuỵu xuống, bàn tay vô tình làm gãy một cành thông khô khiến nó kêu răng rắc. May sao, một con sóng lúc đó xô ào vào tảng đá khiến tiếng cành cây gẫy bị lấn át đi mất. Chú Phòng dường như cũng không mảy may nhận ra điều này. Chú ấy cầm một chiếc đèn pin rồi rọi thẳng xuống bể nước. Khi vừa phát hiện lão Tâm bị trói hai chân hai tay, ngất lịm bên cái xác không hồn. Chú Phòng giật nảy mình lùi lại. Từ sau lùm cây thông, tôi nghe rất rõ tiếng chú chửi thề:
“Mẹ nhà nó! Cái đ* gì thế này?”
Cơn loạng choạng làm chiếc đèn pin trong tay chú rơi xuống cát. Chú vội vàng nhặt chiếc đèn pin rồi chiếu khắp xung quanh, như thể muốn tìm ra dấu vết của kẻ nào đã làm ra chuyện này. Khi gương mặt của chú nhìn thẳng về phía lùm thông chỗ bọn tôi đang lẩn trốn, tim tôi như muốn vỡ vụn vì sợ hãi.

Chú Phòng cũng nhận thấy đó là nơi dễ ẩn nấp nhất lên từ từ tiến thẳng đến, từ trong túi quần rút ra một con dao gọt trái cây nho nhỏ. Ánh trăng rọi xuống con dao khiến nó trở nên sáng loáng. Cả hai đứa tôi đều run lên bần bật, chuẩn bị chờ đón cơn gió tanh mưa máu sắp tới.
Chú Phòng vừa đi vừa nói lẩm bẩm một mình cốt là để cho chúng tôi nghe thấy:
“Nào! Ra đây nào! Tao muốn biết đứa nào chõ mũi vào việc của chúng tao nào?”
Tôi đứng im bất động. Mồ hôi bắt đầu túa ra. Bình thường đầu óc tôi vốn dĩ tỉnh táo là thế, ấy vậy mà lúc này bỗng dưng rỗng tuếch. Cảm giác cận kề cái chết thực sự quá khó tả. Trong khoảnh khắc ấy, hình ảnh anh Phúc mặc áo đồng phục học sinh chợt hiện về trong đầu tôi.

Rất có thể kẻ hại chết anh Phúc đang đứng trước mặt chúng tôi. Tôi nghe thấy thằng Khánh nghiến răng kèn kẹt, dù âm thanh ấy chỉ rất nhỏ. Khi chú Phòng còn đứng cách chúng tôi vài bước chân, đột nhiên tiếng một người phụ nữ gọi giật lại từ phía sau:
“Mày làm cái gì thế hả?”
Giọng nói vừa vang lên, bụng tôi như thể bị ai đó thụi cho một quả đau điếng. Thằng Khánh bàng hoàng đến độ mặt nghệt ra như người bị mất hồn trộm phách. Giọng nói đó quá quen thuộc, ngay cả con Mực lúc này cũng đứng hẳn dậy khẽ vẫy đuôi.
Nghe tiếng gọi, chú Phòng quay lại ngay. Người đang đi đến lúc này không ai khác mà chính là mẹ thằng Khánh. Toàn thân thằng Khánh lúc này cứng đơ. Tôi nhanh trí vội nói thầm với con Mực:
“Đứng yên! Mày đừng có chạy ra.”
Con Mực như hiểu tôi nói, nó im bặt. Cô Toan mẹ thằng Khánh vừa lại gần, con Mực bỗng nhe răng đầy đe dọa. Tôi giật mình trước thái độ của nó bèn quay sang để nhìn. Cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng của tôi, không phải vì quá kinh hoàng khi thấy cô Toan, mà là vì trên vai cô ấy có cái bóng đục đục ngồi vắt vẻo trên vai. Tôi không kìm được vội đưa tay lên dụi mắt như sợ mình nhìn lầm.


Khi mở mắt ra, tôi vẫn thấy cái bóng ngồi lắc lư trên vai, cái đầu ngoẹo hẳn sang một bên như thi hài ngồi dưới bể nước. Bỏ mẹ! Cái bóng đục đục này nhìn quen quá. Tôi hơi rướn cổ về phía trước để xem cho kỹ. Lần này thì tôi hoảng sợ đến cùng cực. Cái bóng đục phía trước không phải của người đàn ông dưới bể cạn, mà là anh Phúc. Vong hồn anh Phúc đang bám chặt lấy mẹ anh ấy. Khốn kiếp! Tại sao mọi chuyện lại thành ra thế này?
…………………………………………….
Tôi đưa mắt nhìn sang thằng Khánh, trong lòng e sợ rằng nó sẽ làm điều gì đó bất thường. Thế nhưng, thằng Khánh chỉ trân trân đứng nhìn, gương mặt nó trắng bệch đến kinh hoàng.
Cô Toan đến bên bể nước khẽ giật mình nhìn lão Tâm ở dưới. Cô chất vất ngay chú Phòng:
“Lão già này bị làm sao thế này?”
Chú Phòng lúng túng:
“Dạ.. dạ... Em cũng không biết nữa. Lúc em đến thì đã thấy thế này. Cô Toan nhíu mày đầy nghi ngờ, cô ngồi thụp xuống để nhìn cho rõ. Toàn thân tôi run lên bần bật, không biết cô ấy có phát hiện ra điều gì không. Tôi nghe cô gọi vọng vào bể nước tạo thành tiếng oang oang:
“Ông Tâm! Ông Tâm! Ông dậy đi.”
Chú Phòng kiếm được một cành thông dài, bèn luồn xuống để chọc vào người lão Tâm:
“Ông Tâm! Dậy đi! Dậy ngay!”
Không thấy có tiếng động tĩnh gì, chú Phòng bặm môi nói:
“Chị ơi! Có khi phải múc ít nước biển để đổ vào mặt lão chị ạ.”
Cô Toan hơi gắt:
“Mẹ nhà nó. Không cần. Đưa cây gậy cho tao.”
Nói rồi cô vung tay chọc thật mạnh cành cây vào người lão Tâm. Bên trong vẫn im lìm không phát ra tiếng động. Mỗi lần cô vung cành cây lên, cái bóng trắng đục của anh Phúc cũng cong người theo. Cảnh tượng lúc ấy quái dị đến nỗi khiến tôi suýt nữa muốn tè cả ra quần. Chú Phòng lắp bắp hỏi dồn:
“Chị… chị ơi! Hay lão bị người chết làm cho sợ quá nên… nên….bị chết rồi.”
Cô Toan không nói gì. Chú Phòng lại tiếp tục:
“ Có khi nào… lão Tâm… lão Tâm chết vì sợ hãi không hả chị? Trời này nhiều sương mù quá, người ta vẫn bảo là tầm này… tầm này có ma…”
Bốp! Một tiếng động vang lên giữa bờ biển vắng lặng khiến chúng tôi hơi giật mình. Chú Phòng chưa nói hết lời đã bị cô Toan giang tay đánh thẳng một cái vào mặt. Cô gằn giọng:
“Thằng chó ngu! Làm bao nhiêu năm vẫn nhát gan như thế này à?”
Bị đánh đau nhưng chú Phòng không dám nói gì, chỉ cúi gằm xuống đất rồi dùng tay xoa xoa mặt. Cô Toan lại tiếp tục soi đèn xuống dưới, có lẽ cô muốn tìm một bằng chứng còn sót lại trên người lão Tâm. Thằng Khánh khẽ bấu vào cánh tay của tôi, khẽ hất hàm về hướng cái bể cạn.


Tôi hiểu ngay nó đang lo sợ điều gì. Vừa nãy tôi trói tay lão Tâm bằng cái áo của mình, còn thằng Khánh trói chân lão bằng cái áo của nó. Tay lão Phúc vòng ra đằng sau nên không thể nhìn thấy áo của tôi. Còn chân lão co quắp trên đầu gối thi hài, người khác thì không nói, nhưng chắc chắn cô Toan sẽ nhận ra cái áo của con mình. Cái áo màu đỏ đỏ, bên trên có sọc trắng mà thằng Khánh mặc lúc sáng quá dễ nhớ. Tim tôi đập thình thịch, chắc chắn chúng tôi sẽ bại lộ.
……………………………
Hệt như tôi dự đoán, cô Toan khựng lại nhìn chăm chăm vào bể cạn. Mặc dù không thể nhìn thấy biểu cảm của gương mặt cô Toan lúc này, nhưng tôi có thể đoán được cô ấy đã nhận ra được áo của thằng Khánh. Trong lòng tôi không khỏi thắc mắc, liệu cô ấy sẽ làm gì khi biết thằng con trai mình xuất hiện ở nơi này. Một lúc sau, cô Toan run giọng quát chú Phòng:
“Ở đây có hai con chuột. Mày đi tìm chúng nó ngay cho tao.”
Chú Phòng hơi giật mình, ngơ ngác nhìn xung quanh. Cô Toan lại càng nổi điên:
“Tìm ngay. Còn nhìn cái đ* gì nữa?”
Chú Phòng vâng vâng dạ dạ lập tức quanh đi. Chú Phòng nhìn quanh quẩn xung quanh, cũng may hôm nay trời nhiều sương muối nên tầm nhìn của chú bị che khuất. Nếu tôi không nhầm thì mắt của chú cũng không nhìn rõ cho lắm. Dường như sực nhớ ra điều gì, chú đi thẳng về lùm cây thông thấp lè tè vừa nãy, nhằm đúng hướng chúng tôi đang trốn. Chú đi thật chậm như sợ hãi điều gì đó liên quan đến tâm linh.
Tôi khẽ liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tay thằng Khánh. Lúc này đã là 22h45 phút, vậy thì khoảng 15 phút nữa thôi thủy triều sẽ lên. Tôi sực nhớ ra, thời điểm này người dân trên đảo quê tôi sẽ đi thả bè cúng bái ở cổng Tò Vò, nếu may mắn biết đâu chúng tôi sẽ gặp được người dân nào đó. Có thế thì chú Phòng chắc chắn không ra tay được, dù tôi biết chú chắc chắn đã từng giết người.


Tôi hít một hơi thật dài để lấy bình tĩnh. Đoạn lại khẽ thọc tay vào túi quần rút từ trong đó ra một con dao nhíp, chai nước lavie còn nguyên tròng mắt người cũng nằm sát bên cạnh chân tôi. Tôi thì thầm thật khẽ với thằng Khánh:
“Mày cầm lấy cây gậy. Bọn mình chạy thẳng ra cổng Tò Vò.”
Thằng Khánh chưa kịp trả lời thì chú Phòng đã đứng cách chúng tôi chỉ độ chừng ba bước chân. Ngay lập tức tôi vốc một nắm cát rồi nhảy phốc ra khỏi chỗ trốn, nhằm thẳng mặt chú Phòng mà ném. Bị phục kích bất ngờ, chú Phòng hét lên một tiếng kinh hoàng rồi hai tay bưng mặt rồi ra sức phủi cát.

Chú loạng choạng chạy về phía chúng tôi thì con Mực điên máu cắn phập vào bắp chân. Trời mùa hè nên chú Phòng mặc một chiếc quần kaki ngắn đến đầu gối. Bắp chân chú để lộ ra vừa hay vào đúng tầm của con Mực. Con chó già cắn rất sâu, máu tóe ra vô tình bắn thẳng vào mặt tôi. Chú Phòng rút ra một chiếc dùi cui bằng gỗ, thoạt nhìn hệt như dùi trống ở trường rồi nện xuống giữa lưng con Mực.

Cô Toan hét lên một câu gì đó, nhưng tôi không nghe rõ bởi tiếng kêu ăng ẳng của con Mực vang lên. Thằng Khánh thấy con chó bị đánh, gầm lên một tiếng rồi dùng cây gậy gỗ quật thẳng vào chân chú Phòng, khiến chú ngã nhào xuống dưới đất. Tôi gào lên:
“Mực! Chạy thôi!”
Con Mực bị đau nhưng cũng vùng dậy chạy theo chúng tôi. Cảnh tượng diễn ra trên bờ biển lúc ấy thật quái dị. Một con chó đen tuyền chạy như bay ở đằng trước, hai thằng nhóc cởi trần chạy phía sau. Theo sau là một người đàn ông chạy loạng choạng tay lăm lăm cái dùi cui nhỏ. Ở phía cuối cùng là một người đàn bà chạy tụt lại phía sau. Gió thổi ù ù làm đám sương mù tản mác, sóng biển dường như đánh mạnh hơn. Tất cả đều nhằm hướng cổng Tò Vò mà tiến tới.
…………………………
Tôi càng chạy, cái bụng như bị xóc ngược lên càng đau, thế nhưng tôi không dám lơ là một giây phút nào. Từ lối mòn đi ra biển ở sau trường tới cổng Tò Vò cũng không quá xa, thế nhưng không hiểu sao lần này đi mãi vẫn chưa tới. Sương mù vẫn chưa tan hẳn, cảm giác lành lạnh khiến tôi bỗng dưng sởn cả da gà.

Con Mực đang chạy đầu tiên, dường như nó thấy thứ gì đó quỷ dị nên vừa chạy vừa sủa váng lên. Gió thổi cát bay vào mắt khiến tôi cảm thấy nhức nhối. Tiếng thằng Khánh gào lên ở bên tai:
“Đéo mẹ nó! Có Ma… Có ma.”
Tôi chạy chậm lại một chút, tay vừa dụi mắt vừa liếc nhìn sang mặt biển đen ngòm ở bên cạnh. Khoảnh khắc ấy, toàn thân tôi nổi da gà. Rõ ràng từ dưới biển xuất hiện những bóng người đi là là trên mặt nước. Chỉ hơn chục cái bóng thôi, nhưng hình thù của chúng đều chẳng giống nhau.

Có cái bóng cao lêu nghêu, cũng có cái bóng bị thủng một lỗ ở giữa bụng. Sao hôm nay lại nhiều vong hồn ở đây thế này? Tôi vừa nghĩ đến đó thì bỗng dưng thằng Khánh kêu “Á” một tiếng. Thằng Khánh bị một cái vong nhỏ xíu như đứa trẻ con tầm 5 tuổi níu chặt ở chân. Thằng Khánh gần như hoảng loạn, nó không chạy được nữa, gào lên kêu cứu:
“Tùng ơi cứu tao.”
Chú Phòng sắp đuổi tới ở phía sau. Tôi cầm chắc con dao nhíp trong tay nhưng thú thực, ngay lúc đó tôi cũng không biết phải làm gì. Tôi luống cuống xông về phía thằng Khánh, con Mực thấy chủ gặp nạn vội vòng về cắn cái vong nhỏ kia. Dường như vong nhỏ sợ con Mực, nó phóng ào xuống biển rồi biến mất trong tích tắc. Chú Phòng lúc ấy chạy ào đến, một chân tập tễnh như bị thọt. Tôi nghe rõ tiếng chú vang lên mồn một ở bên tai:
“Mẹ lũ chó này! Mày chết với tao.”
Tôi chới với lấy thân mình để che cho thằng bạn và con Mực. Cô Toan lúc này cũng vừa chạy đến, độ chừng chỉ cách chúng tôi hơi chục mét. Hai mắt tôi nhắm nghiền chờ đợi một cơn đau buốt ruột buốt gan giáng xuống đầu mình. Lúc đó tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết.
Một giây… hai giây trôi qua. Không thấy có tiếng gì ngoài tiếng sóng vỗ rì rào men theo bờ cát, tôi hé mắt ra trông thử thì thấy toàn thân chú Phòng đã bị hai cái bóng trắng bóc ôm chặt lấy. Một cái bóng ra sức kéo chân hắn ta xuống biển.

Chú Phòng vừa lăn lộn trên bãi cát, vừa gào lên thất thanh để cầu cứu. Tôi lập tức hiểu ra, đám vong hồn ở bãi biển này muốn tìm một người thế mạng cho chúng. Cô Toan sức yếu nên lúc này mới chạy gần tới chúng tôi, lại thêm cát lún ở dưới chân nên có muốn chạy nhanh cũng không thể chạy được.
…………………………………..
Trực giác của tôi mách bảo rằng, nhất định phải bằng mọi giá chạy đến cổng Tò Vò. Tôi xốc nách thằng Khánh đứng dậy, miệng gào lên:
“Chạy!”
Thằng Khánh nhìn thấy mẹ nó vội vàng cắm đầu cắm cổ chạy. Ngay cả con Mực cũng nhìn cô Toan sau đó gầm gừ mấy tiếng rồi mới chạy theo chúng tôi. Kia rồi! Cổng Tò Vò ở ngay trước mắt. Từ bé đến giờ, chưa khi nào nhìn thấy nó mà tôi mừng đến phát khóc như thế.


Trên mỏm đá dài hệt như cây cầu của thiên nhiên chạy thẳng ra biển, tôi thấy một bóng người thanh niên quỳ mọp xuống, ngồi quay lưng lại phía chúng tôi, thấp thoáng phía sau là một cái bè chuối nho nhỏ, bên trên có mấy que nhang đang cháy nghi ngút.
Thấy người thanh niên kia, cả tôi và thằng Khánh như người chết vớ được cọc. Tôi gào lên:
“Cứu! Cứu! Cứu tôi với.”
Thằng Khánh không gào như tôi. Nó nhanh nhẹn trèo lên cái mỏm đá rồi nâng chân nhảy lên trên mỏm đá trên cổng Tò Vò, rồi áp sát người xuống giơ tay đỡ tôi lên. Riêng con Mực thì nhảy phốc lên mô đá bên cạnh rồi lấy đà nhảy sang cổng Tò Vò. Người thanh niên kia vẫn ngồi thu lu trước cái bè chuối.

Một cảm giác quái lạ tràn ngập trong đầu tôi. Người thanh niên kia đang bị điếc hay sao mà không nghe thấy chúng tôi la hét cầu cứu. Mà cứ cho như là người này điếc thật, vậy thì cũng phải cảm nhận được điều gì đang diễn ra xung quanh mình chứ. Đằng này sao lại im lìm như thế?
……………………………………………………..
Chật vật một lúc, cô Toan cũng leo được lên mô đá chỗ cổng Tò Vò. Tôi và thằng Khánh không muốn để cô Toan bắt được, hay nói đúng hơn là không muốn phải đối diện với cô ta, ít nhất là lúc này. Thế nên cô Toan vừa chạy đến cổng Tò Vò, chúng tôi chạy vọt qua người thanh niên khom người kia.

Không thể trông cậy vào ai lúc này, chỉ có thể trông cậy vào chính mình mà thôi. Con Mực chạy theo, đến khi đứng trước người thanh niên kia thì dừng lại rồi bắt đầu sủa gằn. Tôi hoảng hồn nhìn nó, một tia suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi, chẳng lẽ nó lại nhìn thấy ma?
Con Mực không chạy nữa, mặc kệ cho chúng tôi đứng ở cuối mỏm đá sát với mép biển gào lên gọi tên nó, nó vẫn nhất quyết sủa người thanh niên kia. Người kia không lầm rầm khấn niệm trước cái bè chuối nữa, anh ta hơi nghiêng mặt quay ra nhìn con Mực. Con Mực ngỡ ngàng rồi bắt đầu mừng quýnh, đuôi nó vẫn liên tục mỗi khi tôi đến chơi nhà.

Cô Toan lúc đó vừa chạy tới nơi, ánh mắt của cô vừa đập vào gương mặt của người thanh niên kia, thì cô rú lên một tiếng rồi ngã phịch xuống đất, cả người khẽ bật ngửa ra phía sau. Mặt cô đang đỏ phừng phừng rồi chuyển sang trắng bệch như xác chết trôi, miệng ú ớ mãi mới nói thành lời:
“S…sao… sao lại thế này?”
Thấy điệu bộ của cô Toan kỳ lạ. Tôi cùng thằng Khánh quay sang nhìn nhau đầy kinh ngạc. Sóng bắt đầu xô tới tấp với bờ, khi nãy mấy mỏm đá nằm rải rác bên cổng Tò Vò còn đang nhô lên, thì bây giờ đã bị nước biển tràn lên che đi mất. Tôi biết chắc, thủy triều vừa lên. Thế nhưng lúc ấy tôi không có tâm trạng để nghĩ nhiều đến thế. Cả tôi cùng thằng Khánh vội vã đi ngược về phía người thanh niên kia, lúc này anh ta đã đứng thẳng lên, nhìn chòng chọc xuống cô Toan đang ngồi bệt dưới bờ đá.
Phải tới lúc này tôi mới kịp hoàn hồn lại và nhận ra. Người thanh niên kia không phải ai xa lạ mà chính là anh Phúc. Tròng mắt thằng Khánh chợt đỏ hoe, nó còn nhận ra bóng lưng của anh nó trước cả tôi. Nó gào lạc cả giọng, át cả tiếng sóng vỗ ầm ầm:
“Anh Phúc! Anh Phúc ơi!”
Anh Phúc không hề quay lại. Anh chỉ lặng yên đứng đó, nhìn xuống cô Toan. Cô Toan không biết phải bấu víu vào đâu. Toàn thân cô run cầm cập, cô nhoài người tháo chiếc dép trong tay rồi lăm lăm về phía trước hệt như cầm một con dao, giọng run rẩy:
“Mày… mày đến gần đây là... tao… tao…”
Cô Toan đang nói thì bỗng từ phía sau, trên lối đi từ giữa đảo xuống dưới bãi biển, một đoàn người rầm rập kéo đến. Đi đầu là mấy anh dân phòng, rồi anh Lộc cùng mấy chú công an, kế đó là chú Toan và bố mẹ tôi. Bố tôi vừa nhìn thấy con thì đã gào lạc cả giọng. Ông chen ngang qua mấy anh dân phòng chạy ào xuống. Cô Toan lập tức quay lại. Biết mình không thoát được, cô cười hềnh hệch như điên rồi nhảy ùm xuống biển.
Hành động của cô khiến tất cả mọi người quá đỗi bất ngờ. Thằng Khánh thấy thế nhảy theo để cứu mẹ. Tôi gào ầm lên, còn con Mực cứ thế mà sủa vang. Anh Lộc chạy nhanh xuống, anh quăng cả cái dùi cui trong tay rồi chạy thẳng xuống biển nước đen ngòm.

Tất cả mọi người im phăng phắc để chờ đợi, riêng bố mẹ tôi thì nhào đến ôm tôi vào lòng bật khóc huhu. Tôi cảm thấy hơi ngại trước mặt mọi người nên khẽ vùng ra thoát khỏi vòng tay của bố mẹ rồi đứng nhìn xuống biển, trong lòng khấn vái Trời Phật xin bình an cho tất cả mọi người, kể cả cô Toan nữa, cô ta phải sống thì chúng tôi mới biết được xác anh Phúc ở đâu.


Một lúc sau có một bàn tay nhô lên khỏi mặt nước, tôi hơi giật mình vì cảnh tượng ấy giống hệt như lần đầu tiên tôi gặp vong hồn trên bãi biển. Thế nhưng, chỉ một tích tắc xong, thằng Khánh trồi lên cùng với anh Lộc, kéo theo sau là cô Toan đã bất tỉnh. Chú Toan chạy ra ngoài mép nước, miệng méo xệch đi vì mếu, chú đón con trai vào lòng rồi bật khóc sụt sùi. Thằng Khánh bắt gặp ánh mắt của tôi, nó thì thào:
“Còn sống.”
Tôi hiểu rằng nó muốn nói đến cô Toan. Đêm kinh hoàng của chúng tôi cuối cùng cũng kết thúc.
………………………………………………………………
Mấy ngày sau, trên huyện đảo Phước Sơn không có tin gì nổi bật hơn chuyện cô bác sĩ Toan bị công an bắt. Riêng chú Phòng chồng cô văn thư ở trường thì bị đuối nước chết thẳng cẳng trên bờ biển. Mấy bác ngư dân già dặn kinh nghiệm vừa rít điếu cày vừa bàn tán xôn xao. Không ai hiểu vì sao, một người đàn ông như chú Phòng lại bị chết đuối ngay dưới mép nước. Ví dụ như người nào say rượu, bị ngã úp mặt xuống nước khiến cho không thể hô hấp được thì chết như thế còn có lý.

Thế nhưng rõ ràng bác sĩ pháp y đã khám nghiệm và khẳng định nạn nhân chết trong thời điểm hoàn toàn tỉnh táo, không hề có cồn trong người. Sự việc càng li kì hơn khi phía công an giao thi hài chú Phòng cho người nhà, bà thầy bói kiêm nhiệm việc khâm liệm ngỡ ngàng phát hiện ra ở dưới cổ của chú Phòng có một dấu đen ngòm, hằn rõ ba ngón tay. Người quê tôi bảo rằng, đấy là dấu hiệu của những người bị vong hồn dưới biển dìm để gán mạng cho thần biển. Tôi tin điều này lắm.
Chuyện chú Phòng đã vậy, chuyện cô Toan càng đáng sợ hơn. Kể ra cũng thật dài dòng, ngay trong đêm hôm ấy chúng tôi đã báo cho anh Lộc biết về cái xác trong chiếc bể nước cũ sau trường.

Họ cử ngay người đến đó và phát hiện lão Tâm lúc này đã bất tỉnh, lão vẫn đang trong tư thế ngồi trên một cái xác bị khoét sạch cả hai mắt, tròng mắt khô quắt được cho vào chai lavie để ngay trên người lão ta. Phía công an lập tức bố trí phương án để đưa cả người cả xác lên. Lão được đưa thẳng về trạm xá chữa trị, rồi mới bị thẩm vấn.
Hai đứa chúng tôi cũng được gọi đến công an ngay sau đó. Vì chúng tôi còn đang là trẻ thành niên, cho nên khi hỏi chuyện sẽ có người giám hộ đi kèm. Tôi thành thật trả lời về những gì đã xảy ra trong cái đêm kinh hoàng ấy.


Phải mấy ngày sau tôi mới biết được chân tướng của sự việc. Từ mấy năm nay, người chết trôi dạt vào bờ biển quê tôi đều bị mất đi một bộ phận trên người. Người bị moi tim, người bị lấy phổi, thậm chí có những cái xác chết trẻ còn bị cắt đầu. Người dân trên đảo cho rằng những cái xác ấy không may bị cá mú rỉa, nhưng phía công an lại tin rằng chắc chắn có chuyện mờ ám ở đây.

Ban đầu, họ nghĩ tới tình huống xảy ra án mạng. Thế nhưng tần suất xuất hiện xác chết không theo chu kì, lại thêm các nạn nhân đều không liên quan đến nhau, họ chỉ có chung một nguyên nhân cái chết ấy là do đuối nước. Suốt một thời gian dài theo dõi, nhưng chẳng hề có kết quả.

Cho đến một hôm, một người dân trên đảo phát hiện một chiếc bè chuối có con búp bê to cầu may to hơn bình thường. Sẵn bản tính tò mò, người này mới khều cái bè chuối lại để đập con búp bê ra thì mới biết bên trong là một quả tim người cùng với đôi tròng mắt. Người này sợ quá, bèn báo công an, lập tức nhà điều tra đặt ra giả thiết rằng: “Có một người, hoặc một nhóm người nào đó, xâm phạm thi thể xác chết trôi dạt vào bờ để lấy nội tạng.”
Sau đó ít lâu, người báo án cũng bị mất tích kỳ lạ, phía công an không thể làm ngơ. Người báo án này không ai khác chính là anh Phúc.
……………………………………..
Mọi nghi ngờ lúc này dồn vào cô Toan, thế nhưng cô ấy không hé răng nửa lời, chỉ khóc lóc xin chết. Một chú công an gầy rộc đi theo thuyền ra đảo, được công an huyện bố trí đến gặp cô Toan. Người dân trên đảo thấy lạ liền chạy theo nghe ngóng. Có ai đó nói, chú ấy là một người nghiên cứu tâm lý tội phạm.

Không hiểu chú ấy đã dùng những đòn tâm lý thế nào để nói với cô Toan. Chỉ biết rằng, sau khi gặp chú ấy, cô Toan đã khai hết tất cả mọi chuyện. Người chết trong bể nước chính là người yêu cũ của cô ấy.
Trước khi anh Phúc ra đời một năm, cô Toan vô tình gặp lại người yêu cũ khi người ấy đến đây du lịch. Thấy cuộc sống trên đảo khó khăn, lại thêm việc cô Toan mãi không thể mang bầu, cho nên người kia tỏ ra thương cảm.

Sau này hai người họ thường xuyên thư từ qua lại, trong thư chú kia ngỏ ý muốn nhờ cô Toan tìm kiếm nội tạng của những người chết trôi dạt vào biển, chú ấy sẵn sàng mua lại với giá cao. Ban đầu cô Toan không đồng ý vì cho rằng nội tạng người bị chết đã nhiều ngày, căn bản sẽ không còn giá trị với y học. Thế nhưng sau khi biết, trong đất liền có nhiều người muốn mua nội tạng để luyện bùa ngải thì cô Toan mới vỡ lẽ.

Lúc ấy, cô phát hiện ra mình có thai với chồng của mình. Cuộc sống trên đảo ngày ấy quá khó khăn, nghĩ đến đứa con sắp sinh của mình nên cô Toan đành chấp nhận, dù sao cô ấy cũng là bác sĩ ngoại khoa giỏi. Người đầu tiên cô ấy lấy nội tạng chính là xác chết của người phụ nữ tóc dài trôi dạt vào bờ sau cái đêm tôi và anh em thằng Khánh bị ma bắt hụt.

Mỗi khi lấy được nội tạng, cô đều xử lý rồi nhét vào trong bụng con búp bê, cuối cùng mới thả bè trôi ra biển vào một ngày nhất định. Để tránh bị chú Toan phát giác, cô đều bỏ một hàm lượng thuốc ngủ nhỏ vào trong nước uống của cả chồng mình. Đợi khi bè trôi ra xa, chú Phòng sẽ lặng lẽ dùng chiếc xuồng máy để vớt lên, sau đó đem vào đất liền thông qua lý do giúp vợ đem công văn cần gửi.

Xong việc, chú Phòng sẽ mang tiền trở về rồi chia chác. Mãi sau này, chú Phòng không muốn làm công việc đó một mình nữa, nên mới giao cho lão Tâm. Ưu điểm lớn nhất của lão là chỉ cần biết đến tiền, mọi thứ khác đều không quan tâm. Tại sao họ dám vận chuyển nội tạng trong chiếc bè cầu may như thế? Đơn giản vì họ biết rõ, những người dân trên đảo đặc biệt mê tín, bè cầu may như thế người ta đều không dám động vào, do đó sẽ chẳng lo phát giác.
Mấy hôm trước khi trời bão, người yêu cũ của cô Toan tìm đến. Họ có tranh chấp về vấn đề chia chác tiền bạc. Cô Toan một mực cho rằng cái bè chứa nội tạng người chết đã được gửi đi thành công, riêng lão Tâm thì khăng khăng nói không thấy chiếc bè nào. Riêng người yêu cũ của cô thì đã trót tiêu tiền đặt cọc của khách hàng, hiện tại không có khả năng hoàn trả nên tìm tới tận đây để chất vất. Cô Toan, chú Phòng cùng người kia cãi cọ trên cổng Tò Vò vào lúc trời mù sương.

Họ không sợ ai nghe lén vì biết rằng giờ này trên đảo không có người dám ra bãi biển. Thế nhưng họ không ngờ rằng, hôm ấy anh Phúc ra thả bè cầu may vì muốn có thành tích cao trong học tập. Anh đến cổng Tò Vò thì vừa hay nghe được toàn bộ câu chuyện. Anh kinh hoàng phát hiện ra mẹ mình cũng tham dự trong chuyện này, nên vội vàng chạy đi báo người lớn. Sợ bị phát giác, người yêu cũ của cô Toan vội chạy đến kéo anh lại, không ngờ trong lúc giằng co cả hai vô tình rơi xuống biển, đầu anh Phúc đập vào tảng đá mà thủy triều lên che kín, chết ngay lập tức, máu trào lên đỏ ối.
Nghĩ rằng người cũ của mình giết con, cô Toan lồng lộn tấn công người đó. Trong lúc người kia không chú ý, cô lấy từ trong túi ra một con dao phẫu thuật, rạch ngang cổ họng người kia. Cả lão Tâm và chú Phòng đều rú lên kinh hãi, cô Toan ra điều kiện, một là giúp cô giấu cái xác này đi, hai là cả bọn cùng chết luôn một thể.

Thấy máu chảy tan tành, cả hai người đàn ông hèn nhát kia đành làm theo. Lão Tâm vớt xác anh Phúc lên rồi đặt vào một hốc đá, còn xác của người kia thì lão cùng với chú Phòng thả xuống cái bể bỏ hoang sau trường. Trong lúc không ai để ý, lão Tâm nhanh tay rút cái nhẫn cưới ở tay thi hài rồi bỏ vào người.
Vì không muốn để cho vong hồn biết đường mà báo thù, cô Toan lệnh cho lão Tâm phải móc mắt rồi đem táng xuống gốc cây xương rồng nhà cô, chờ khi mọi việc êm xuôi thì sẽ mang đi. Lão Tâm đành phải nghe lời, đúng lúc lão đang chôn cái chai thì một tiếng sấm đùng đoàng vang lên khiến lão giật mình, ném văng cái nhẫn đi mất. Đêm hôm mưa bão thằng Khánh nghe thấy tiếng gào rú vọng sang, chính là lúc lão Tâm uống rượu say, tưởng đâu vong hồn kia về đòi nhẫn.
……………………………..
Khi anh Phúc mất tích, cô Toan gào khóc ầm ĩ, cô viện cái cớ bấy lâu nay chú Toan nghi kị cô để hòng đổ tội. Cô cho rằng người đuối nước ở vùng biển rồi chết mất xác là chuyện bình thường, việc anh Phúc mất tích rồi sẽ chẳng tìm thấy tung tích gì, coi như tất cả đã tan biến vào làn nước biển thăm thẳm. Nhưng rõ ràng, lưới trời lồng lộng, chưa bao giờ để lọt một ai. Ngay buổi tối sau khi lấy lời khai, cô Toan cắn lưỡi tự tử.
Lão Tâm tỉnh lại, khai ra toàn bộ mọi chuyện, lại dẫn đường đến tìm xác anh Phúc. Ngày đón anh về, cả huyện đều đi. Thầy hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi bố trí học sinh toàn trường mặc quần xanh áo trắng, quàng khăn quàng đỏ để đón anh.

Xác anh bị giấu trong một hốc đá kín, bị cành cây che phủ nên vừa chật vừa tối. Đến tận lúc chết, tay anh vẫn cầm chặt con búp bê cầu may, bên trong có ghi lời ước nguyện rằng: “Tôi là Nguyễn Văn Phúc, tôi ước sẽ đỗ đại học Y để sau này được làm bác sĩ như bố mẹ tôi.”
Chú Toan khóc nấc lên, ôm lấy thân hình đứa con trai vào lòng. Dường như chú lẩm bẩm một câu xin lỗi.
Ngày đón anh là một ngày âm u, tang tóc. Học sinh trong trường tôi đứa nào mắt cũng đỏ hoe. Cô giáo chủ nhiệm của anh khóc rưng rức, riêng tôi thì phải dìu thằng Khánh đi bên cạnh. Trời bỗng dưng đổ một cơn mưa thật lớn.
…………………………………………………………….
Cho đến giờ ngồi lại, tôi cũng không sao nhớ được mình đã trải qua những ngày tháng kinh khủng ấy như thế nào. Chỉ nhớ rằng, khi chúng tôi vào học cấp ba, chú Toan bán căn nhà trên đảo để mua nhà trong đất liền. Chú đón cả hai đứa tôi đến học. Tôi và thằng Khánh đều thất hứa với lời hẹn năm xưa.


Chúng tôi không thi vào đại học Hàng Hải. Tôi quyết tâm thi vào trường công an, còn thằng Khánh thì thi vào đại học Y Hà Nội. May mắn thay, tôi và thằng Khánh đều đỗ cả. Có lẽ nó muốn thay anh trai ruột của mình thực hiện tâm nguyện. Mặc dù cả hai trường cách xa nhau, nhưng cứ có dịp là tôi cùng nó lại hẹn gặp mặt, đặc biệt là vào dịp giỗ mẹ nó và anh Phúc.
Người dân trên đảo quê tôi từ sau vụ việc đó càng thêm tin vào chuyện ma quỷ. Họ tin rằng, những người chết trên biển vốn đã có oán khí mạnh, hiện về trên bờ biển để tìm người thế thân, lại thêm việc bị người ta móc mất nội tạng lại càng căm phẫn, bởi vậy mà Phức Sơn quê tôi quanh năm ngập chìm trong âm khí tang tóc.
Cũng từ đó mà quê tôi có cái lệ, người người nhà nhà sẽ làm hình nhân thả bè trên biển để cho những xác người trôi dạt đáng thương được an ủi phần nào. Vào mỗi đêm rằm tháng bảy, tất cả lại tụ tập để tụng kinh cầu siêu cho vong hồn người đã khuất.

Thỉnh thoảng vào những ngày sương mù dày đặc, bạn sẽ thấy có những cái bóng trắng đục đi lang thang dọc bờ cát. Thậm chí có người còn cam đoan đã từng thấy một cái bóng trắng hình cậu học sinh, cứ đêm sương mù là lại ngồi trên cổng Tò Vò đọc sách. Người trên đảo truyền tai nhau, mỗi lần như thế có nghĩa là vong hồn trên bãi biển lại trở về, anh Phúc lại trở về.

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn