Phần Thứ Nhất
tác Giả : Thảo Trang
Vào mùa hè năm tôi lên lớp tám, trong trường học xảy ra một vụ mất tích. Người mất tích là anh ruột thằng bạn thân của tôi, học trên chúng tôi một khóa. Vụ mất tích này kể ra cũng thật ly kỳ, khiến nhiều người xì xào bàn tán không ngớt về nó. Chẳng là trường tôi vốn là một trường cấp hai nho nhỏ, được người dân lập lên trên một hòn đảo, bốn bề sóng vỗ rì rầm.
Trong kí ức của tôi, ngôi trường trên đảo rất nhỏ, bàn ghế cũ kỹ, ngay cả đến mấy cánh cửa ở các phòng học cũng tiêu điều, nhiều khi chỉ cần một trận bão nho nhỏ cũng có thể cuốn phăng rồi ném ra ngoài mặt biển. Học sinh trên đảo chủ yếu là con em của những người ngư dân, một vài người khác làm nghề buôn bán. Cá biệt có bố mẹ thằng Khánh bạn thân của tôi là làm nghề bác sĩ.
Thực ra hòn đảo này không quá lớn, nhưng cũng chẳng quá nhỏ, người dân sống trên đảo đều dựa vào biển mà kiếm sống. Những lúc khỏe mạnh thì không sao, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, hoặc người nào bụng mang dạ chửa thì đều đến tìm bố mẹ thằng Khánh cũng là đôi vợ chồng hành nghề bác sĩ duy nhất trên đảo. Bố mẹ nó vừa giỏi chuyên môn lại rất tốt bụng, nhiệt tình với mọi người.
Tôi nhớ có lần, giữa lúc trời mưa bão mịt mùng, cô Phòng làm văn thư ở trường tôi có dấu hiệu sinh non, chú Phòng chồng cô chạy đến đập cửa nhà thằng Khánh. Biết được tin đó, bố mẹ nó vội vàng xách dụng cụ lên đường ngay, may mà cứu kịp cả mẹ lẫn con.
Sau vụ ấy, người trên đảo cảm kích bố mẹ thằng Khánh lắm. Người ta dành cho đôi vợ chồng bác sĩ ấy một sự kính trọng hiếm thấy, mặc dù bố mẹ nó còn khá trẻ nhưng người nào cũng lễ phép chào hỏi gọi họ là vợ chồng ông bà Toan. Riêng tôi thì vẫn gọi là cô chú, có lẽ tôi đã quen với cách xưng hô này từ bé.
Vợ chồng cô chú Toan có hai người con trai. Người con trai lớn tên là Phúc, anh ấy hơn tôi một tuổi. Người con trai út tên là Khánh, vốn chơi thân với tôi từ khi còn bé. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in dáng vẻ của anh Phúc. Anh không giống như thằng Khánh hay bất cứ đứa nhóc nào sinh ra ở miền biển.
Làn da trắng, dáng người dong dỏng cao, thoạt nhìn anh giống hệt như một cậu thư sinh con nhà giàu ngoài thành phố. Trái ngược với bản tính ham chơi của tôi và thằng Khánh, anh Phúc ham học, và dĩ nhiên là học rất giỏi. Mẹ tôi mỗi khi mắng mỏ đều lấy anh Phúc ra để làm tấm gương cho tôi học tập.
Mặc dù được người trên đảo khen hết lời, thế nhưng tôi biết trong lòng anh Phúc cũng có nỗi khổ tâm riêng. Anh không được chú Toan yêu quý vì chú nghĩ rằng anh không phải là con ruột của mình. Trong khi chú Toan và thằng Khánh đều đen đúa, gương mặt tròn tròn phúc hậu, thì anh Phúc lại khác biệt hoàn toàn.
Tôi nghe người trên đảo kể, thời còn trẻ, cô Toan đã từng yêu một người làm bác sĩ ở thành phố. Hai người từng có ý định tiến tới với nhau, thế nhưng gia đình người kia chê cô Toan là đứa con gái xuất thân từ hòn đảo nghèo xơ nghèo xác, không môn đăng hộ đối nên gia đình họ hủy hôn. Sau đó, cô Toan mới lấy chú Toan, rồi mới sinh ra hai anh em thằng Khánh bây giờ.
Những năm đầu tiên, hai vợ chồng cô chú sống rất hạnh phúc, nhưng họ đợi mãi, đợi mãi mà chẳng hiểu vì sao vẫn chẳng thể có con. Vốn là bác sĩ, cả hai hiểu rằng nguyên nhân không phải nằm ở bản thân mình. Cô Toan trước giờ vốn không tin vào mấy chuyện tâm linh, thế mà lần này cũng sắm sanh lễ vật đem ra trước biển để làm lễ cầu khấn thần linh.
Người dân ở hòn đảo quê tôi có một tục lệ rất đỗi kỳ lạ, ấy là phàm những ai có việc gì muốn cầu khấn thần linh đều sẽ phải làm một chiếc bè nho nhỏ bằng thân chuối, bên trên sắp sẵn hoa tươi, trái cây, gạo muối, lại phải đốt thêm một bó nhang nghi ngút khói.
Vật phẩm quan trọng nhất là một con búp bê do chính người cầu khấn tự làm. Bên trong thân của con búp bê có ghi điều ước nguyện của bản thân, một ít tóc và vài đồng bạc lẻ.
Búp bê không nhất thiết phải làm bằng vải, có thể làm bằng cỏ khô, hoặc làm bằng vỏ ốc đều được, miễn sao nhìn rõ được đâu là đầu, đâu là chân tay. Bên trên búp bê phải ghi tên của người khấn nguyện nữa, có như thế thì thần linh dưới biển mới biết được mà chứng giám cho lòng thành. Thời điểm thả bè phải vào giữa đêm, tuyệt đối không để cho ai biết, nếu không thì sẽ mất linh.
Trong trường hợp phường ngư dân đi đánh cá, vô tình thấy những chiếc bè trôi dập dềnh trên mặt biển cũng không được vớt lên mà phải coi như không thấy. Người nào cố tình vớt lên sẽ bị họa sát thân.
Sau này khi rời khỏi hòn đảo, có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hơn, tôi mới biết rằng con búp bê mà người dân đảo chúng tôi làm ấy, thực ra trông chẳng khác mấy con hình nhân để trù ếm người khác là bao. Ấy nhưng đó là chuyện của rất nhiều năm sau.
Quay trở lại thời điểm ấy, sau cái ngày cô Toan cầm lễ lạt ra ngoài biển để khấn nguyện thì không bao lâu có một đoàn khách du lịch đến đảo. Những người trong đoàn vốn là các bác sĩ ở một bệnh viện nhỏ, trong đấy vô tình lại có mặt cả người yêu cũ của cô Toan.
Họ lưu lại ở đây mấy ngày, người kia có đến thăm cô Toan một lần trước khi ra về. Hai người chỉ đứng ngoài cổng nhà để nói chuyện, nhưng không hiểu sao chú Toan đi làm về lại trông thấy.
Ban đầu chú Toan không nói gì, nhưng lạ lùng một chỗ, sau cái ngày cô Toan gặp người yêu cũ ấy, cô bất ngờ có thai. Mặc dù bên ngoài chú Toan vẫn vờ như rất vui vẻ, đón nhận cái tin mình sắp làm cha, nhưng hạt giống nghi kị đã nảy mầm trong lòng chú Toan từ ngày đấy.
Anh Phúc không được bố mình yêu quý, mặc dù anh học giỏi, chăm ngoan lại đặc biệt lễ phép thế nhưng chú vẫn đối xử lạnh nhạt với anh. Cô Toan biết chồng mình đã sớm đem lòng nghi ngờ, cho rằng anh Phúc không phải con ruột của mình, nhưng vì không có cách nào giải thích rõ ngọn ngành nên cô chỉ đành nhẫn nhịn.
Ngày ấy việc giám định ADN vốn chưa phát triển như bây giờ, thế nên hai mẹ con họ chỉ đành bám víu lấy nhau mà sống qua ngày. Anh Phúc vẫn thường bảo với mẹ và hai đứa chúng tôi rằng anh sẽ đợi cho tới khi Cho tới một ngày nọ, người dân trên đảo bất ngờ vì cái tin anh Phúc mất tích.
………………………………………………………..
Hôm ấy là một ngày mưa giông gió giật kinh hồn. Trên chiếc loa phát thanh đầu thôn phát ra một đoạn tin tức ngắn gọn:
“Tin bão khẩn cấp: Hồi 15 giờ ngày 11/12, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 13,5 độ vĩ Bắc, 114,2 độ Kinh Đông, cách đảo Phức Sơn khoảng 240 ki lô mét về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11 cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão sẽ di chuyển theo hướng tây. Dự báo đổ bộ theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến khoảng 00 giờ ngày 12/12 bão sẽ đổ bộ trực tiếp và đảo Phức Sơn, biển động dữ dội. Đề nghị người dân không ra khơi vào thời điểm này, mọi tàu thuyền cần được neo đậu vào nơi an toàn…”
Cả gia đình tôi im lặng chăm chú lắng nghe. Không chờ nghe hết bản tin, bố tôi đã vội vã chạy đi chằng cửa sổ. Riêng tôi thì lãnh phần nhốt mấy con gà và xích con chó lại. Cả nhà đang vội vã chuẩn bị, thì chợt nghe có tiếng ông Tâm hàng xóm cũng là bảo vệ ở trường tôi gọi vọng từ bên ngoài vào:
“Chú Long ơi chú Long! Chú có nhà không?”
Bố tôi lúc này đang bò trên mái nhà, nghe thấy thế thì gọi với theo:
“Có gì đấy bác Tâm?”
Ông Tâm thở hổn hển không ra hơi, vội vã trả lời:
“Thằng Phúc nhà ông bà Toan có sang đây chơi không? Bố mẹ nó đang đi tìm nó kia kìa?”
Nghe thấy thế, tôi với mẹ tôi giật mình nhìn nhau. Tôi vội trả lời:
“Không! Anh Phúc không qua đây bác ơi.”
Linh cảm có chuyện chẳng lành, bố tôi leo từ trên mái nhà xuống. Gương mặt ông thoáng lo lắng:
“Mưa bão thế này nó đi đâu được? Mà em mới nhìn thấy nó vào đêm hôm qua cơ mà?”
Ông Tâm khẽ ngẩn người nhìn bố tôi:
“Chú nhìn thấy nó ở đâu? Bố nó vừa mới sang nhờ tôi mang chìa khóa đến trường để xem xem nó có ở trong đấy không? Bà Toan bảo tối hôm qua vẫn thấy nó đi ngủ như bình thường. Sáng nay không thấy nó ở nhà nên bố mẹ nó chỉ nghĩ nó đi chơi đâu đó. Nào ngờ đến khi mưa bão thế này vẫn chưa thấy nó về.”
Giọng nói của ông Tâm càng lúc càng lớn, ông muốn át đi cơn gió rít mỗi lúc một mạnh. Bố tôi giật phăng lấy chiếc đèn pin đang đeo ở bên hông, rồi vội vàng chạy ra ngoài bờ cát. Ông Tâm thấy vậy cũng lục tục bám theo sau.
Bầu trời tối sầm lại, gió thổi vun vút, cuốn theo cả cát bụi bay vào. Tôi toan chạy theo thì bị mẹ tôi nắm chặt lấy tay tôi kéo vào nhà, vừa đi mẹ vừa quát lớn:
“Đi! Đi vào nhà ngay! Mưa bão thế này thì đi đâu?”
Tôi vùng vằng không chịu, miệng vẫn cố cự cãi:
“Mẹ bỏ con ra! Con cũng muốn đi tìm anh Phúc.”
Mẹ tôi vung tay đánh mấy cái vào tay tôi. Mặc dù không hề cảm thấy đau, nhưng tôi vẫn tỏ ra ương bướng. Khi tôi vừa mở miệng nói thì thằng Khánh chạy ùa vào nhà tôi khóc ầm ĩ:
“Tùng ơi! Không thấy anh Phúc đâu nữa.”
Tôi thấy thằng Khánh khóc thì ngẩn người nhìn nó. Cả hai đứa tôi chơi thân với nhau từ bé cho tới giờ, chưa bao giờ tôi thấy một giọt nước mắt nào của nó. Biết chuyện lần này nghiêm trọng, tôi hỏi dồn dập:
“Đã tìm ở những đâu rồi?”
Thằng Khánh thổn thức trả lời:
“Tìm…tìm hết mọi nhà trong thôn rồi. Tao với bố tao còn chạy lên cả trường để tìm nữa. Ngay cả mấy cái hốc đá cạnh bãi cát dài cũng không thấy. Không biết anh ấy đi đâu?... Có …. Có khi nào anh ấy bị rơi xuống biển rồi bị sóng cuốn đi không?”
Tôi hơi giật mình nhưng rồi cũng trấn an bạn:
“Không… không! Chắc không đến nỗi thế đâu. Anh Phúc bơi giỏi lắm, làm gì có chuyện bị rơi xuống biển được. Chắc… chắc là ở đâu đó thôi.”
Mẹ tôi thở dài dẫn thằng Khánh vào trong nhà rồi dặn dò chúng tôi tuyệt đối không được đi đâu. Sự tình đã vốn rối ren, đã mất một đứa rồi, không thể để thất lạc thêm một đứa nữa được. Trong đời tôi chưa bao giờ chờ đợi điều gì lâu đến thế.
Trời đất tối om hệt như cảnh Tôn Ngộ Không nhờ Na Tra thái tử lấy tay che trời vậy. Gió thổi thốc vào bên trong khiến cho mái ngói ở nhà tôi như muốn bay mất. Mẹ tôi đứng ngồi không yên, có lẽ mẹ cũng sốt ruột muốn đợi bố tôi trở về, đem theo tin tức của anh Phúc.
……………………………………………….
10 phút… 20 phút.. 30 phút rồi một tiếng trôi qua. Mưa đã bắt đầu xuất hiện. Đài phát thanh lại tiếp tục phát thêm thông báo:
“Tin bão khẩn cấp: Cơn bão số năm đột ngột tăng tốc độ và cường độ bão. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12 cấp 13. Mỗi giờ đi được 35 km. Dự báo sẽ đổ bộ vào đảo Phức Sơn trong vòng 4 – 5 giờ tới.
Bà con tuyệt đối không được ra khơi lúc này, mọi thuyền bè phải được neo đậu an toàn. Người dân trên đảo Phức Sơn cần chủ động tìm chỗ trú ẩn. Xin nhắc lại… đây là cơn bão rất mạnh.”
Tôi và thằng Khánh tần ngần nhìn nhau. Thằng Khánh lí nhí nói nhỏ:
“Không biết bố mẹ tao có tìm được anh Phúc không nhỉ?”
Tôi chưa biết phải an ủi nó ra sao thì bố tôi và bác Tâm trở về. Hai người đàn ông ướt sũng vì nước mưa. Mẹ tôi thấy thế thì hỏi ngay:
“Có tìm thấy thằng bé không anh?”
Bố tôi lắc đầu rồi thở dài:
“Tìm hết rồi! Không thấy ở đâu cả.”
Bác Tâm rít thuốc lào rồi hắng giọng:
“Tôi với chú ấy mượn cả cái xuồng cứu hộ phóng vòng quanh đảo. Mẹ nó! Bão chưa đến mà sóng nó đã đánh cao, ướt hết cả người. Tìm đi tìm lại những hai vòng không thấy. Không biết là thằng nhóc này trốn ở đâu. Con với chả cái.”
Thằng Khánh nghe thây thế thì càng khóc to hơn. Tôi cố gắng an ủi nó nhưng cũng chẳng có ích gì. Tôi loáng thoáng nghe thấy bố tôi nói với thằng Khánh rằng ông đã nói một tiếng với chú Toan, nên nó cứ yên tâm ở lại đây, đừng chạy ra ngoài làm gì cả. Tôi không biết thằng Khánh có nghe thấy không, chỉ thấy nó đờ đẫn nhìn ra ngoài bầu trời đầy sấm chớp đì đùng.
Lúc 9 giờ tối, gió thổi càng mạnh, sấm chớp ầm ầm. Cánh cửa được bố tôi buộc dây cứ rung lên bần bật như thể không chịu đựng được cơn tàn phá của thiên nhiên. Vừa nằm trong giường, vừa lắng nghe tiếng gào rú của sóng biển bên ngoài.
Thằng Khánh đã không còn sụt sịt khóc nữa, tôi đoán rằng nó đã ngủ vùi vì mệt mỏi. Cánh cửa sổ đối diện với giường tôi trông ra lối chạy thẳng về biển đột ngột bị tung ra, gió hắt nước mưa tràn vào lạnh toát. Tôi luống cuống bước lại gần để đóng lại.
Gió thổi thốc vào ồ ạt khiến cho tôi phải cố gắng lắm mới tới được bệ cửa sổ. Nào ngờ, vừa mới chạm tay vào cánh cửa sổ, tôi chợt nhìn thấy một bóng người đen ngòm đứng lù lù trước cửa sổ chỉ để lộ đôi mắt sáng rực trong đêm tối. Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng của tôi. Tôi đờ đẫn đến nỗi không kịp thốt lên lời nào. Người đen ngòm ấy nhìn tôi rồi cất giọng nói vừa lạ vừa quen:
“Tùng! Tùng ơi! Anh chết rồi. Nhớ mang xác anh về cho mẹ anh.”
Nỗi kinh hoàng tràn ngập lấy tôi. Tôi giật lùi lại đằng sau mấy bước, rồi lắp bắp trả lời:
“Anh Phúc? Anh Phúc đấy à?”
Một tia chớp lóe lên làm cả không gian nhất thời sáng rực như ban ngày. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, tôi chợt nhìn thấy bóng lưng anh Phúc đang quay ngược về phía tôi, lững thững đi ra ngoài cổng.
……………………………………………………………………..
Đăng nhận xét