Nhắc đến "Cái lò gạch cũ", phần lớn người ta sẽ nghĩ ngay đến thằng Chí Phèo tay cầm chai rượu miệng chửi mẹ cha đã xuất hiện trong Truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Nhưng cái lò gạch tôi muốn kể cho các bạn nghe lại không nằm trong chuỗi hình dung đến Chí Phèo, nó là nỗi lo của dân làng cụ tôi khi cuộc sống thôn quê vẫn còn nhiều gian khó.
Chẳng biết tự bao giờ, cái lò gạch đổ nát ấy có một người đàn bà điên đến sống. Người trong làng khinh bỉ bà lắm, ngấm nguýt và nghiêm cấm bọn trẻ đến gần bà. Chúng cứ thấy bà là ném bùn đất, gạch đá rồi xua đuổi.
Lần đầu tiên cụ tôi gặp bà là một buổi chiều mùa đông, trời lạnh cắt da cắt thịt. Cụ đi cắt rau muống cho lợn, ngang qua cái lò gạch thì thấy bà nằm co ro, mồm rên hừ hừ.
Cụ tôi hoảng quá đánh rơi cả bì rau lợn xuống đất. Tri hô mấy bác cùng đi cắt rau lại giúp. Mọi người mới đầu xúm đến đông lắm, sau thấy kẻ bị nạn là bà điên, họ tản ra sau những cái lắc đầu và thở dài thườn thượt.
Người thì lấy lí do về cơm cháo, người lại bảo tranh thủ cắt thêm ít nữa, đi hết.
Còn mỗi mình cụ tôi ở lại.
Cụ bấy giờ trẻ lắm, mới độ hai mươi lăm. Nhưng lấy chồng sớm, 16 tuổi đã cắp nách hai đứa con, đó là ông và bà của tôi bây giờ. Cụ tôi là người phụ nữ điển hình trong văn chương truyền thống : cần cù chịu khó và thương người.
Đã nhập nhoạng tối, cụ nhóm lửa cho bà điên ngồi sưởi. Bà ấy nhìn cụ tôi rồi huơ huơ tay về phía làng, nơi những ngôi nhà bắt đầu thắp đèn dầu hàng loạt. Cụ tôi cho bà cái áo rồi đưa tay ra hiệu ý bảo phải đi về, không chồng (cụ ông tôi) đi tìm.
Người đàn bà điên cúi đầu lạy cụ tôi làm cụ ái ngại, về đến làng mà cứ ngoái đầu ra cái lò gạch mãi. Đến khi nó khuất dần sau những khóm tre cụ mới chạy thật nhanh về.
Bữa cơm, cụ kể với cụ ông tôi về bà điên cụ gặp. Cụ ông tính dông dài lắm, cụ bà nói gì đều thuận ý.
Trong đêm đông, hai cụ thắp đèn cùng nhau ra cái lò gạch. Đống lửa đã tắt chỉ còn lại những đốm than hồng nổ tanh tách. Cụ tôi tiếp tục đốt rồi gọi người đàn bà lấm lem ra ngồi cho ấm. Đoạn cụ bưng bát cháo để sẵn trong cái thúng, đưa cho bà ấy rồi bảo :
-Chị ăn đi cho nóng !
Bà điên nhìn cụ, bật khóc nức nở xong cầm cái thìa xúc ăn. Trong lúc cụ và bà ngồi bên đống lửa, cụ ông đã lót rơm rồi trải chiếu cho bà. Còn đem cái mùng cũ giăng lên cho khỏi muỗi.
Sau đó, người đàn bà chui vào trong mùng, vẫy vẫy tay bảo hai người về kẻo muộn.
________________
Cuộc sống lại trở về cái quỹ đạo vốn có của nó, cụ tôi vẫn sáng sớm đi chợ. Nhưng bây giờ cụ không đi tắt mà vòng qua cái lò gạch, gọi bà điên dậy bảo bà đi theo cụ. Bà điên mừng lắm, vừa đi vừa hát dù cụ tôi chẳng biết bà hát cái gì. Bà nói đã không sõi, nay còn hát ngọng líu ngọng lô. Cả đoạn đường tối hai người trò chuyện mãi, phần lớn là cụ tôi nói cho có chuyện, bà điên chốc chốc mới ơ à một tiếng.
Từ ngày có bà đi theo, cái gánh rau của cụ tôi đắt hàng lắm. Ngồi một lúc đã hết mà còn được giá. Cụ lại ghé quán mua cho bà miếng bánh đúc, khi thì lại củ khoai ăn cho đỡ đói.
Cụ luôn luôn về sớm hơn so với ngày trước, lại qua cái lò gạch. Cụ bảo bà về nghỉ ngơi, chiều đi cắt rau với cụ rồi tối cụ thổi cơm cho ăn.
___________
Về đến nhà, cụ đem tiền trong cái túi tam tòng ra đếm, nay rau lên giá, cái túi cũng dày hơn trước nhiều. Cụ ông đang cắm giàn bầu ở cửa bếp, thấy cụ hí hửng về thì kéo cụ vào buồng, cài then. Hai cụ thì thầm to nhỏ, quyết định đón bà điên về gian buồng trống. Ông với bà tôi cũng đồng ý. Chiều đó đi cắt rau lợn, cụ ngỏ ý với bà điên về cho vui cửa vui nhà. Bà nhảy cẫng lên, ngắt một bông hoa dại cài lên tóc cụ tôi. Cụ cũng tìm ngắt một bông, đưa cho bà rồi khen :
- Chị đẹp lắm !
_____________
Hôm sau, hai cụ đèo nhau lên chợ trên mua cái giường cho bà. Ở nhà, ông bà tôi dẫn bà đi khắp xóm, nhưng đến đâu người ta cũng bĩu môi khinh bỉ. Nhà anh Tư ở cuối làng, vợ anh mới đẻ đứa con năm ngoái, bây giờ nó đã biết bò. Dẫn bà đến đây, bà xua tay ý bảo ông đi về. Ông bà tôi vốn mải chơi, chỉ đợi có thế chạy tót đi luôn.
Vợ anh Tư thấy người đàn bà điên thập thò ngoài cửa, nhìn chằm chằm đứa con thì đuổi bà đi chỗ khác, còn té nước lên người, quát om tỏi.
Bà điên sau đó đi đâu mất, hai cụ về không thấy chạy đi tìm.
Đến đêm cũng chưa thấy, cụ bà cứ trời mà kêu. Ông bà bị cụ tôi đánh cho lên bờ xuống ruộng, ngồi khóc tu tu ở khóc giường.
Bấy giờ trong xóm kháo nhau, con trai anh Tư bị bà điên ăn thịt.
_________
Cụ tôi bị dân làng chỉ trích gay gắt, có người đã ném một quả trứng gà vào tai cụ. Lòng trứng nhơ nhớp dính bết vào tóc, nhỏ giọt xuống cái áo sờn màu.
Cụ quỳ xuống trước sự phẫn nộ của mọi người, liên tục bảo bà điên sẽ không làm thế. Hai cụ tôi cứ nói khàn cả cổ, người ta vẫn cứ trơ ra gọi cụ là quân giết người. Đến lúc không còn sức để mà thanh minh, cụ ngã lăn ra ngất. Những quả trứng thối lại tiếp tục đáp vào người cụ. Ông bà tôi ở nhà không biết gì cả.
Không ai biết người đàn bà đó đã đi đâu.
Mấy hôm sau, cụ tôi vẫn bàng hoàng vì cái tin bà điên ăn thịt đứa con của anh Tư. Cụ trằn trọc cả đêm không ngủ được, gần sáng chợp mắt thì cụ rơi vào mộng mị :
Vẫn là cái lò gạch ấy, hình ảnh cũ như một thước phim đen trắng hiện về. Cụ ngồi xúc từng thìa cháo cho bà điên ăn, cụ ông nướng khoai trên bếp lửa hồng bên cạnh là ông bà tôi mỗi người một củ đang cắn dở. Tiếng cười của mọi người vang lên ở cái nơi mà sau này, chỉ có đau đớn và hận thù.
Rồi cụ mơ thấy chính cụ nằm trên cái giường cũ của hai vợ chồng, bà điên đứng ở chân giường lay chân cụ dậy. Cụ tôi vừa mở mắt thì bà đã vật ra đất, máu tươi trào ra ở hai con mắt lúc này đã sâu hoắm.
Cảnh tượng trong mơ chân thật đến nỗi cụ tôi đã giật mình lăn từ trên giường xuống đất, đầu sưng u một cục.
__________
Vừa tỉnh dậy đã thấy cụ ông xỏ dép chạy vội ra ngoài. Cụ đuổi theo rồi người trước kẻ đi sau, theo nhau ra cái lò gạch cũ.
Đến nơi, cụ ngã ngồi xuống mô đất bên cạnh cái lò. Đống củi to đang rừng rực lửa, người trong làng thi nhau gào thét :
-Thiêu chết nó đi, thiêu chết !
Hai cụ tôi trốn sau vách tường, đứng nhìn mà lòng như có những mũi dao xuyên qua, đau đến rỉ máu, lúc đám lửa đã tàn, mọi người về hết thì mới dám chạy ra.
Cụ bà tôi đã vật ra đất khóc đến rát cổ họng.
Cái xác của người đàn bà chết cháy. Tay chân co rút lại như những cái chân gà nướng muối ớt, cháy đen. Xác đang vẫn bốc lên mùi khen khét, nước mỡ rỉ ra thấm lên những cây cỏ. Cụ tôi đã kéo cái xác ra khỏi đống lửa, đám thịt nhầy nhụa cứ thế dính vào tay cụ : nóng và nhơn nhớt.
Máu đỏ bắt đầu trào ngược ra từ mồm bà, nó ấm ấm chảy một lúc, xong ngừng hẳn. Cụ tôi đem cái xác chết cháy về, cuộn chăn giấu thật kĩ dưới giường. Trong ngày hôm đó tức tốc đi mua quan tài về chôn cất. Khỏi phải nói ông tôi đã hoảng hốt thế nào khi thấy cái xác.
Lúc mặc áo quan, bàn tay của người chết bỗng gãy rời, rơi bộp xuống đất. Cụ bị giật mình, lập tức quỳ xuống lạy vài cái rồi chạy ra thắp hương. Mọi người phải đợi đến đêm mới dám khiêng quan tài đi, ông tôi đã đào một cái huyệt cạnh bờ ao, ngay gần cái lò gạch cũ.
Trời khuya thanh vắng, tiếng quạ réo làm lòng ai nấy như quặn lại, chua xót. Chôn xong cũng đã hơn 3h sáng.
Trời đã tí tách mưa từng hạt.
Cụ tôi chuẩn bị về thì một tia sét rạch ngang bầu trời, đánh thẳng xuống cái xẻng mà cụ để quên. Mọi người há hốc mồm kinh ngạc. Cụ tôi ú ớ không bật được câu nào khỏi cổ họng.
______________
Đêm nào cụ tôi cũng mất ngủ bởi tiếng khóc ai oán văng vẳng trong không trung, nấc lên từng hồi đến 3h sáng mới ngưng hẳn. Cụ vì thế mà đâm ra ốm.
Đã bước sang ngày thứ 9 kể từ khi đứa con của anh Tư bị đồn đã mất từng miếng thịt vào bụng bà điên. Nay xác nó trương phềnh, nổi lềnh bềnh trong cái ao nhỏ.
Cái ao sau vườn nhà anh chị.
Cá anh Tư nuôi đã rỉa gần hết thịt thằng bé, cái xác nhung nhúc giòi, lộ cả xương trắng hếu, người bình thường chết đuối chỉ 3-4 ngày đã nổi, mà con anh mãi đến 9 ngày. Mẹ thằng bé trông con không cẩn thận làm nó rơi thõm xuống ao nhưng lại rầm rộ báo tin người đàn bà điên đã ăn thịt nó....
_____________
Người ta chỉ ngạc nhiên trước cái chết của thằng bé, phần lớn họ nhớ đến bà điên và đêm kinh hoàng ấy. Cụ tôi nghe tin mà rụng rời, đổ vật xuống ngay giàn bầu trước cửa bếp, ngất lịm.
Sự trong sạch của người đàn bà điên được trao lại, dân làng đổ xô ra tìm cái xác để đem chôn.
Nhưng không thấy nữa vì cụ cùng ông tôi làm việc đó đã 4 hôm nay.
Ấy vậy rồi người ta kể với nhau, cái xác của bà điên bỗng nhiên biến mất không chút vết tích nào. Họ bắt đầu lo lắng đến tính mạng của mình, cứ 7 giờ tối là ai cũng tắt hết đèn đóm,ru rú trong nhà không dám thò chân khỏi cửa.
____________
Bấy giờ đã là 12 giờ đêm. Từ cái lò gạch về phải đi qua khóm tre đầu làng. Anh Tư không biết đi đứng kiểu gì, đến đấy bỗng ngã dúi dụi, toác cả ngón chân rồi be bét máu. Lúc cúi người đỡ anh dậy, vợ anh ngẩng lên ngọn tre cao chót vót. Thấy cái bóng trắng nhảy từ ngọn này sang ngọn khác. Hai mắt nó sáng rực giữa buổi đêm.
Biết bị ma trêu, về chị đun nước sả cho chồng tắm. Nhưng cái hình ảnh ấy ám ảnh chị đến lúc chị chết !
________
Bẵng đi mấy tháng sau, cái làng nhỏ lại loạn lên vì thấy xác chết.
Vợ chồng chị Tư chết rồi, chết không toàn thây...
Lại tiếp tục là lời cảm ơn đến KiemDuyetVien đã duyệt bài giúp em và chúc mọi người buổi tối vui vẻ
_______________
________
Cái chết của vợ chồng chị Tư làm cả cái làng nhỏ xôn xao.
Hai xác chết nằm chồng lên nhau, máu rỉ từ xác vợ xuống xác chồng, ướt đẫm cả cái áo anh mặc.
Xác chết không đầu...
Cổ nó vặn vẹo, rách toạc một mảng to. Máu tươi cứ thế trào ra, y hệt bà điên đêm ấy. Có điều lần này nó phun như sương, một lúc mới ngừng hẳn.
Hàng chục bãi nôn trong căn nhà nhỏ. Ruồi bọ hết bâu từ vũng máu, lại bâu qua bãi nôn. Có người hãi quá, ngã đập đầu xuống đất rồi lịm đi
Ở nhà chỉ có hai cái xác, không biết cái đầu ai đã đem đi. Nó mất tích như nhà điên dạo ấy.
Cụ tôi chạy ngay ra cái miếu bên trong lò gạch. Thắp nhang một lúc thì cây nhang cháy bùng lên, rồi tắt ngúm. Cụ lại lau dọn án gian, trong cái miếu nhỏ, tối thui.
Cái khăn cũ đỏ chon chót, một mùi tanh thoang thoảng bay vào mũi cụ.
Vết máu !
Lần theo cái dấu đỏ lốm đốm trên mặt bê tông của cái miếu, cụ tôi ngó vào bên trong, chỗ để nhang và đồ cúng. Ấy rồi cụ thảng thốt lùi lại, đánh rơi cái khăn đỏ máu.
Hai cái đầu : be bét máu, mắt trợn trừng trừng nhìn thẳng cụ. Không biết trời đất gì, cụ tôi bỏ chạy thật nhanh. Về hô hoán dân làng ra cúng bái. Tiếng cười sang sảng cứ bám theo cụ cả đoạn đường dài.
Lúc bấy giờ mạng người mong manh lắm. Xác chết cứ thế bị vùi đi, không ai điều tra người sát hại anh chị cả. Từ đêm đó đến đêm nay, ánh trăng cứ vân vẩn đục, leo lắt.
Đêm thứ 9.
Ông tôi bị ma rủ, cứ lầm lũi bước khỏi làng, ra tận cái lò gạch. Không biết ông đã làm gì trong miếu, đến sáng mới mò mẫm về, người lấm lem bùn đất nhưng trong tay lại cầm hai thỏi vàng.
Vàng thật.
Cụ tôi lấy làm lo lắng, lập tức đem vàng ra cái miếu trả lại xong đem gà đi thắp hương. Thỏi vàng cứ đặt lên án gian lại rơi xuống. Cứ vậy khoảng chục lần, cụ tôi cũng cầm lấy, về cất vào cái túi tam tòng, treo lên gác bếp.
____________
Một thời gian sau, khi mọi người đã vơi đi cái nỗi sợ ấy. Cụ tôi mới dám ra chợ tiếp.
Hôm ấy là 4h sáng, tiết trời đang độ đầu xuân, gió nhẹ. Vẫn là con đường đất ngang qua cái lò gạch.
Đường tối lắm, cụ chỉ dựa theo trí nhớ mà đi.
Bỗng nhiên có bóng người thấp thoáng đường trước, cứ rọi đèn pin mở lối. Cụ thấy có ngừoi, chạy nhanh theo bắt chuyện cho vui. Nhưng cụ chứ chạy, không bao giờ theo đến người đi trước, cứ mãi cách nhau một đoạn.
Cụ gọi với lên :
-Bác ơi, hãy còn sớm. Bác đợi em với. Rau nay bác bán mấy đồng ?
Không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng gió xào xạc thổi những ngọn cỏ rìa mương. Có lẽ do chạy đuổi theo, cụ thấm mệt. Ngồi ngay mép đường đem cái nón phe phẩy. Người đó dừng lại. Cụ tôi thấy vậy mới nói :
-Bác vội thì cứ ra chợ trước đi, em ngồi nghỉ lát.
Vừa dứt câu, người ta rọi thẳng ánh đèn vào mắt cụ tôi. Nhảy thõm xuống mương.
Cụ bỏ cả nón chạy ngay ra, đám cỏ dưới chân nhơm nhớp mà lại ấm nóng. Ngày xưa chỉ quen đi chân đất, chứ nào có giày nọ giày kia như bây giờ. Bọt nước tung toé, những cái bong bóng nổi lên ùng ục.
Bờ mương ngày đó cũng trong lắm, không nghĩ ngợi gì. Cụ tôi lội xuống mò.
Mới nhảy ở đây mà lại không thấy, cụ tiếp tục mò thêm một đoạn. Bấy giờ người ta đi chợ đông hơn, qua thấy cụ cứ bì bõm dưới mương mới ghé qua xem. Người ta kéo cụ tôi lên rồi hỏi ra chuyện. Cụ kể lại thì ai cũng cười, bảo :
-Cả cái làng này có mỗi chị đi sớm nhất, còn ai vào đây mà rọi đèn cho chị
Cụ hoang mang lắm nhưng cũng đặt gánh lên vai, ra chợ.
Thím bán bánh đúc không biết chuyện bà điên mất, thấy cụ đi qua cứ gọi lại hỏi thăm. Cụ đành mua hai miếng bánh đúc, về qua cái ồ gạch thì đặt một miếng trên cái đĩa, bày ra miếu rồi thắp nhang.
_________
Cụ tôi chắc đã quên chuyện người đó nhảy xuống mương. Trưa hôm đó về, hai cụ lại đem tải ra vuột lá dâu cho tằm. Đang buổi ban trưa, vắng tanh.
Cụ ông về lấy cái âu nước. Còn cụ bà ở lại.
Một người đàn bà lạ mặt tạt vào ruộng, vuột giúp cụ tôi một lát, ngó thấy cụ ông đã ra đến bờ mương thì mới về.
Trưa nắng có ngừoi giúp ai chẳng mừng, cụ ríu rít cảm ơn.
Ấy vậy mà nắm lá dâu cứ nhơn nhớt, mùi hôi mà còn dập nát. Tằm không ăn.
__________
Người ta lại đồn ầm lên, đêm rằm là hai con ma không đầu cứ quỳ lạy ở khóm tre đầu làng, ai nghe xong cũng khiếp vía. Đêm đó, cụ ông sang làng bên mua lợn giống về muộn.
Về đến khóm tre, thấy một đàn lợn nhung nhúc chui vào trong. Cụ bỏ cả xe đạp, theo nó vào cái hốc. Vào trong, cụ đứng tim khi thấy hai cái bóng không đầu, trùm vải đen kìn kịt.
Rồi nó lao vút qua người cụ, bay lên ngọn tre xong mất hút. Cụ đứng người một lúc, chân không nhúc nhích nổi, ngã quỵ xuống.
Ở nhà, cái túi tam tòng treo trên gác bếp. Rơi toong xuống đất. Đúng lúc cụ tôi trong bếp quay ra.
_______________
Nửa đêm, không thấy chồng về. Cụ tôi lay ông bà dậy, đổ ra tìm. Cả xóm làng lại tung tin cụ tôi bị ma dìm chết
Ai nấy tán loạn chạy đi tìm, cả mé sông sáng ánh đèn, người mò người vớt trong khi cụ tôi nằm ngủ trong cái hốc khóm tre.
Cụ bảo đang ngủ thì thấy người đàn bà cụt tay, cứ đá vào chân bảo về đi cả muộn. Nhưng cụ kệ, cứ nằm yên. Lúc sau cái bàn tay cụt ấy, chìa ra trước mặt cụ.
Đen ngòm, khét lèn lẹt.
Cụ hoảng quá chạy về, cái xe đạp cứ nằm chỏng chơ ở đấy.
Rạng sáng không thấy cụ ông. Ông bà tôi lúc này đã tấm tức khóc không thàng tiếng. Cụ bà mới ngất mấy lần, chưa khóc tiếng nào.
Khi nghĩ cái xác đã trôi lên tận nguồn, cả làng mới kéo nhau về. Tụ tập đông đủ, bỗng thấy cụ tôi đang cho tằm ăn. Cụ bà thấy thế lao đến, quỳ xuống lại cứ trời mà than. Cứ than cụ ông làm khổ nhưng cũng mừng lắm.
_______
Nhân lúc cả làng tụ tập đông đủ, cụ tôi mời mọi người lại, bàn bạc bày một cái lễ, cầu xin vong linh tha lỗi.
Cả làng nghe xong ai cũng gật đầu.
Buổi lễ cầu siêu diễn ra ngay sau đó. 3 ngày 3 đêm tại cái lò gạch.
Một thời gian sau người ta xây cái miếu to và đẹp hơn. Những chuyện kì lạ cũng không diễn ra nữa.
Nhưng đôi khi, cụ tôi đi chợ sớm vẫn thấy hai cái bóng ngồi khóc tu tu bên bờ ao nhỏ nhà anh Tư, về sau thì mất hẳn.
Cứ hằng năm, xóm làng lại kéo nhau ra lò gạch, tổ chức lễ hội rồi thắp hương cúng bái.
Cụ tôi từng nói: có những thứ thật sự đen hơn cả than, đó là lòng người.
Tác Giả : Lê Thị Thu Vân
Cùng Thể Loại :
Đăng nhận xét