Theo sự phát triển của khoa học thì hầu hết những vấn đề tâm linh đều được gắn nhãn mác mê tín dị đoan ...cũng đúng, bởi phần thì lừa đảo , phần thì chỉ tin mà không hiểu , phần thì các bậc chân tu lánh đời dẫn đến truyền thừa ngày càng ít dần ...Nhưng sự thật thì không thể nào chối cãi được cả , ngành khoa học chuyên nghiên cứu về tâm linh đã xuất hiện từ đầu thế kỉ 19 và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay , vậy...sự thật là như thế nào ...???
***
...22h50 tối
Renggg - rengggg! - tiếng chuông điện thoại vang lên
_"Alo ai vậy ?"
_"Có chuyện rồi chú bảy ơi , nhang báo hai ngắn một dài mà con ỷ y nên liệm luôn , giờ cái hòm nó chảy nước ướt nhẹp, thúi quá trời luôn chú ơi, chú chạy qua xem giùm con với!!!"
Chú bảy nghe vậy thì tỉnh ngủ hẳn , quát hỏi anh Lâm - đồng nghiệp của chú .
"Trời, mấy lần tao nói bộ mày không có nghe hả , đã nói nhang cuối như vậy là không có liệm được mà sao mày còn liệm , rồi giờ mày đang đâu ? Tao chạy qua"
"Dạ dạ, con cũng mới gặp vụ này lần đầu , giờ con cũng không biết sao nữa? Người nhà họ đang rối làm con cũng rối theo luôn, chú chạy qua liền dùm con cái , con đang ở ..."
Cúp điện thoại , chú bảy vội vã xuống giường , với tay lấy cái áo sơ mi cũ mèm treo trên giá ,lại tròng vội cái quần tây cũ rồi lật đật mở cửa, leo lên chiếc wave cà tàng, phóng tới chỗ anh Lâm...
***
Chú bảy tên Thành, sinh năm 1976 , chú là người gốc Sài Gòn , đến nay đã hơn 40 mùa khoai sọ rồi mà vẫn lọ mọ mình ên, không có vợ con gì cả ,có ai hỏi chú chừng nào kiếm người bạn đời thì chú cũng chỉ có cười trừ chứ không nói gì cả. Bởi vì chú biết, con đường chú chọn thì không nên cưới vợ, vả lại có cưới thì biết cưới ai bây giờ ? Ai mà muốn lấy một người chồng làm Đạo Tỳ (âm công, chủ trì lễ ma chay)suốt ngày chỉ lo cho người chết ?...
Từ xưa ông bà tổ tiên đã để lại những truyền thống nhân gian khá kì lạ và thú vị , nhỏ có mẹo chữa mắc xương, mắt mụt lẹo, dời leo...lớn đến cúng kiến xây nhà, cưới hỏi ma chay ,ôi thôi đủ các thứ trên đời...
Mà nói đi cũng phải nói lại, cái nào còn phù hợp thì giữ , không hợp thời thì cũng nên đào thải để tiến bộ , mê tín quá thì nên bỏ đi, đã làm thì nên hiểu, không hiểu thì tốt nhất đừng làm ... Riêng chú bảy thì giữ một số cái kĩ lắm , bởi chú hiểu, chú biết nguyên nhân chứ không phải tin bừa tin đại , bởi chú nói đúng hơn là một vị thầy...thầy pháp . Năm đôi mươi thì chú hữu duyên gặp sư phụ , rồi theo chân sư phụ tu tập học hành , mãi đến lúc tự nhận thấy mình phước mỏng, chú mới xuống núi để hành đạo kiếm phước , truyền thiện giúp đời...
"...Ngã linh thần phù lai ứng hiện
Thập nhị công tào hiển thế nhân
Bắt ấn tru ma hành pháp khiến
Mãn kiếp công thành toại đáo tiên..."
Đúng vậy, chú bảy là truyền nhân của dòng Lỗ Ban , tương truyền thì dòng này nguồn gốc từ Trung Quốc , theo sự di chuyển của các pháp sư Trung Quốc sang Việt Nam hoặc giao lưu với đồng đạo địa phương, hoặc thu nhận đệ tử mà cắm rễ xuống lại. Nhưng tiếc là đến nay hiếm tìm thấy được nhánh nào chân truyền đủ nguyên bản cả, lai nhau thì nhiều , thôi thì cũng xem như là dòng Lỗ Ban trong giới Nam Tông Huyền Thuật vậy...
Do duyên số thúc đẩy chú mới theo cái nghề đạo tỳ - người mặc áo âm công đội mũ bát quái làm lễ tang. Từ lúc mới lạ lẫm ,rồi chú cũng học hỏi, nghiên cứu, kinh nghiệm nhiều năm lại thêm sở học bản thân về bùa chú nên lâu lâu cũng giúp được vài vụ khó khăn...Anh em trong nghề làm riết thì cũng biết mặt biết mũi nhau hết, tính ra thì chú cũng có tiếng trong cái vòng tròn nhỏ này , rảnh rỗi thì anh em cũng hẹn nhau ra quán làm ly cà phê với ván cờ tướng chém gió chuyện thiên hạ cho vui miệng...
Nói đến cũng buồn , kinh nghiệm của ông cha để lại thì giờ đâu còn được mấy , dẫn đến mấy người mới vào nghề cũng trông hổ vẽ mèo chứ có biết gì đâu . Nên có dịp thì chú cũng nói lại một số cái kinh nghiệm của chú trong nghề, để đề phòng mấy trường hợp không hay xảy ra , ài...mấy đứa nhỏ không biết nên không sợ, còn chú thì biết rõ lắm rồi, làm không cẩn thận thì chẳng những không có phước lại mang nghiệp nữa chứ đâu có dễ dàng...
Như anh Lâm này , cái vụ nhang cuối chú đã dặn rồi mà còn ẩu tả, để giờ đưa tang không xong , đúng là nhà dột còn gặp mưa nữa chứ ...
(Nhang cuối : khi người mất, trước tiên đặt người xuống nền đất ngụ ý bụi về với bụi, đất về với đất , sau đó mới khiêng lên chỗ nằm . Trên đâù để ba chén cơm, giữa bụng để nải chuối , dưới chân thắp 3 cây nhang, rồi canh 3 cây nhang đó . Hết nhang mới trang điểm rửa ráy cho người chết rồi liệm vào quan tài)
***
Nhang tàn hai ngắn một dài
Hồn còn tự hỏi "là ai???" đêm ngày
Trách sao số kiếp không may
Hay do nhân quả sâu dày mà nên ?
...
Vừa tới đám là chú bảy đã nghe cái mùi hắc hắc khó chịu phát ra từ chiếc quan tài trong nhà . Khách khứa thì đã về hết , cũng đúng, ai mà chịu nổi cái mùi này cho được . Chỉ còn có bà con thân thích thì ráng ở lại xem tình hình như thế nào ...
Đến nơi , chú thấy anh Lâm đang đứng nói chuyện với một người đàn ông cỡ chú, có vẻ như đang giải thích việc gì đó, thấy vậy chú quơ tay :
_"Ê, Lâm, tao tới rồi nè mày"
_"Dạ, đợi con chút"
Nói xong , anh Lâm chạy ra dẫn chú bảy vào rạp, rồi giới thiệu chú bảy với người đàn ông trung niên đó .
_"Chú Hùng, đây là chú bảy, dân kì cựu trong nghề , con nhờ tới xem tình hình của mình. Con bảo đảm với chú không phải tại quan tài bên con bị hở đâu, bên con làm ăn đàng hoàng đó giờ mà"
_Chú Hùng nói lớn : "vậy sao mà bị rỉ nước , nó đã chết oan ức vậy rồi, giờ còn vậy nữa thì mọi người lại nói ra nói vào, rồi ai mà chịu đến tiễn nó đi đoạn cuối nữa" - nói xong, mắt chú đỏ hoe
Chú bảy vội nói chen vào "đâu , để tui xem cái đã" , nói đoạn, chú lại trước hình thờ . Trong hình là một chú nhóc cỡ 12,13 tuổi, cười rất là tươi . Lắc lắc đầu xua tan sự thương xót, chú lấy ba cây nhang bên cạnh, chụm lại đốt , sau đó chú đứng trước hình thờ , tay cầm 3 cây nhang chụm lại vẽ thanh tịnh phù , miệng thì đọc chú
"Ngã phụng thiên sư mệnh, lệnh khai tịnh thổ, mở tịnh nghiệp, hữu tà khí ô uế tức tốc giải khai, cấp cấp như luật lệnh , SẮC!"
Vừa khoáng bóng phù , chú vừa đọc như vâỵ 3 lần, niệm xong chú thổi nhẹ vào đầu nhang, hướng về phía hình thờ ...
Chú Hùng với anh Lâm lúc này cũng đang theo dõi chú bảy, chú bảy vừa làm xong thì bỗng có cơn gió nhẹ đảo qua rạp ma chay, mùi thúi như cũng bớt đi nhiều . Thấy vậy, chú Hùng như bắt được cọng cỏ cứu mạng, vội bước lại cầm tay chú bảy mà rơm rớm nước mắt :
_"anh xem giùm coi có việc gì không mà sao hòm cháu chảy nước ra ngoài như vậy, mà có mùi hôi nữa, xin anh chịu khó giúp dùm cháu, tui xin hậu tạ cho anh..."
_"rồi rồi, anh phải nói rõ ràng cho tui biết chuyện gì đã, giúp được tui giúp cho, yên tâm đi"- chú bảy vỗ vỗ bàn tay của chú Hùng và an ủi.
Đăng nhận xét