Ông trời có đức hiếu sinh, sinh mệnh con người vô cùng trân quý nên không thể tùy tiện vứt bỏ được. Vì không muốn con người tự làm hại tính mệnh mình nên những người tự sát thì hồn ma của họ sẽ phải nhận trừng phạt. Do đó, trước lúc chuyển sinh, hồn ma sẽ có rất nhiều trạng thái khác nhau.
Kỳ ngộ chùa hoang
Xưa có người họ Nhiếp. Một năm vào mùa đông dịp trước Tết, ông vào núi sâu viếng mộ trở về, do trời rét ngày ngắn, lúc này cả bầu trời âm u nặng nề, thời gian cũng đã khá muộn rồi. Bởi vì sợ trên núi có mối nguy cơ hổ vồ nên ông tất tưởi dốc hết sức chạy về phía trước.
Đúng lúc đang vội vã chạy thì bỗng nhiên ông nhìn thấy ở lưng chừng núi phía trước có ngôi chùa đổ nát. Thế là ông ba chân bốn cẳng chạy vội vào trong miếu. Lúc này ngoài trời đã tối hoàn toàn rồi. Ông nghe thấy từ góc tường có người nói rằng: “Nơi này không phải chỗ con người ở, xin thí chủ mau đi đi cho”.
Ông cho rằng đó là hòa thượng nên vội vàng hỏi: “Bạch thầy, tại sao thầy lại ngồi ở nơi tối tăm như thế?”
Người kia trả lời: “Nhà Phật không nói dối, bản thân tôi là ma treo cổ chết, đang ở đây đợi chờ người thay”.
Ông Nhiếp nghe vậy vô cùng sợ hãi, run lẩy bẩy. Một lúc sau, cơn run rẩy giảm bớt, ông bèn đáp: “Chết bởi hổ không bằng chết bởi ma. Tôi ở cùng thầy một đêm”.
Ma nói: “Không đi cũng được. Nhưng âm gian và dương thế khác nhau, ông không chịu được khí âm đâu, còn tôi không chịu được khí dương, cả hai đều không được yên ổn. Chúng ta vẫn cứ mỗi người ở một góc chùa, không được lại gần nhau là được rồi”.
Bí mật sau khi chết
Ông Nhiếp ngồi xuống nền nhà, từ xa hỏi vọng sang nguyên cớ người kia phải đợi chờ thay thế.
Ma nói:
“Thượng Đế yêu quý sinh mệnh, không muốn con người tự làm hại tính mệnh mình. Những người như trung thần tiết tháo, liệt phụ giữ gìn trinh tiết thì tuy gặp tai nạn bất ngờ mà chết thì cũng giống như những người đã hết thọ mệnh chết, không có khác biệt gì, vì thế không phải chờ đợi người thay thế.
Còn những người vì tình thế khốn cùng cấp bách, người không còn con đường sống, thì Thượng Đế cũng thông cảm cho họ vì sự việc là bất đắc dĩ, cũng cho họ được chuyển sinh luân hồi. Nhưng vẫn phải tra xét xem cả cuộc đời của họ, chiểu theo thiện ác mà chịu báo ứng, do đó cũng không phải chờ đợi thay thế”.
“Nếu người mà vẫn còn chút hy vọng sống, hoặc chỉ vì những phẫn nộ bực tức nhỏ mà không thể nhẫn chịu được, nông nổi treo cổ tự tử, thế thì nhất định phải chờ đợi thay thế rồi mới được chuyển sinh, lấy đó để biểu thị trừng phạt đối với hành vi của họ. Do đó khi chờ thay thế sẽ bị cầm tù, trong thời gian này sẽ phải trầm luân, phải chờ đợi dài đến cả trăm năm”.
(Ảnh minh họa: studiofmp.com)
Một niệm định tương lai
Ông Nhiếp lại hỏi: “Tại sao không dụ dỗ người đến để thay thế?”
Con ma cười đáp: “Tôi không nhẫn tâm. Con người khi treo cổ, nếu là chết vì tiết tháo nghĩa khí thì hồn sẽ từ đỉnh đầu bay lên. Chết như thế này sẽ rất nhanh. Nếu vì phẫn uất đố kỵ mà chết thì hồn sẽ từ tim giáng xuống. Chết như thế này sẽ rất chậm”.
“Khi chưa đoạn khí thì các huyết mạch đều chảy ngược lên, da thịt từng tấc từng tấc cứ như là bị nứt vỡ vậy, đau đớn như dao cắt, trong người tim gan ruột dạ dày như lửa thiêu đốt, quả là không thể nào nhẫn chịu nổi. Như thế này nếu quá 10 khắc thì hình và thần mới phân ly. Nghĩ đến nỗi thống khổ như thế này, nếu thấy có người muốn treo cổ thì tôi sẽ đến ngăn cản để họ mau chóng nghĩ lại. Là vậy thì còn có ai muốn đi dụ dỗ người ta cơ chứ?”
Ông Nhiếp nghe những lời này bèn nói: “Thầy có suy nghĩ thế này thì tự nhiên sẽ nhất định được thăng Thiên”.
Ma nói: “Điều này tôi cũng không dám mong ngóng. Chỉ một lòng một dạ niệm Phật, chỉ muốn sám hối thôi”.
Một lúc sau trời đã sắp sáng rồi. Ông Nhiếp hỏi người kia mà không có hồi âm. Ông bèn quan sát kỹ thì không thấy gì nữa. Sau này ông Nhiếp mỗi lần đi viếng mộ đều đem theo đồ vào miếu cúng tế. Lúc đó luôn luôn có cơn gió xoáy vây quanh ông. Một năm sau không còn có cơn gió xoáy, ông Nhiếp nghĩ người kia vì một niệm thiện nên đã giải thoát khỏi cảnh giới của ma rồi.
Theo Trithucvn
Đăng nhận xét