Truyện ma Việt Nam "trùng tang quỷ nước" chap 8

 Tác giả: Lê Như Tiên

Chương 8: dòng họ bị trùng tang
Mọi chuyện bắt đầu từ một buổi trưa của hơn một tháng về trước. Lúc đó ông Nhân vẫn đang điều hành công việc ở công ty thì nhận được điện thoại của bà Mỹ vợ ông. Trong điện thoại giọng bà hốt hoảng nghèn nghẹn như đang khóc:
“Alo mình ơi, mình về nhà nhanh đi, thằng Hai Dương nó chết rồi.”
Hai Dương là tên gọi đứa con trai đầu của vợ chồng ông Nhân bà Mỹ. Khi ông về đến nhà cũng là lúc người ta chuyển thi thể của thằng bé về đến nhà. Cậu bé đang học lớp 11 tại một ngôi trường dành cho con nhà giàu tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Hai Dương chính là đội trưởng đội tuyển bơi lội của nhà trường đang cùng các bạn tập luyện cho giải bơi lội học sinh cấp toàn thành phố. Như mọi ngày, đám học sinh cùng với thầy giáo sẽ tập luyện tại bể bơi của nhà trường.

Trước khi xuống nước, thầy giáo đã cho học sinh khởi động rất kĩ. Tuy nhiên vừa bơi được một đoạn ra giữa hồ thì Hai Dương có dấu hiệu bị chuột rút. Cả đội tuyển có đến hơn 10 người, tất cả đều bơi với vận tốc suýt soát nhau nên cả mặt nước trong hồ đều bị khuấy động. Mãi đến khi các bạn đã bơi đến đầu bên kia bể bơi thầy giáo trên bờ mới phát hiện ra Hai Dương đang một mình chới với giữa hồ bơi. Cậu cứ ngoi lên rồi lại ngụp xuống hệt như đang bị cái gì dưới nước kéo chặt xuống đáy bể vậy. Thầy cùng các bạn nhanh chóng tới ứng cứu vớt được Hai Dương lên bờ. Lúc này cậu bé đã ngất lịm đi. Thời gian xảy ra sự việc mới chỉ vài phút lại được phát hiện ra ngay nên tình hình có vẻ không nguy hiểm lắm.

xem lại phần 7 >> TRùng tang quỷ nước

Thầy giáo làm công tác cấp cứu, đưa hai tay đè lên ngực cậu bé rồi ấn mạnh để đẩy cho nước trong người cậu bé trở ra ngoài. Sau vài lần như vậy thì thấy có phản ứng, Hai Dương ho lên mấy tiếng rồi nước từ trong miệng cậu bé trào ra. Nhưng đó không phải là thứ nước có ở trong bể bơi, cậu bé nôn ra một thứ nước màu đen kịt, nhớt như đờm và có mùi hôi cực kì khó chịu. Sau khi tỉnh dậy, Hai Dương cứ thế ho sặc sụa, thứ nước kinh tởm ấy thi nhau trào ra từ miệng, mũi và tai của cậu bé. Được tầm 2 phút thì Hai Dương không thở được nữa, cậu từ từ lịm đi, toàn thân tím tái. Khi xe cấp cứu của bệnh viện đến nơi thì Hai Dương đã ngừng thở từ lúc nào.
Đứng trước thi thể của đứa con trai, ông Nhân bà Mỹ khóc nghẹn không thành tiếng. Lúc này từ trong miệng của cậu bé máu tươi không ngừng chảy ra nhuộm đỏ cả tấm ga trắng đang phủ trên mặt. Hai Dương là đứa con trai duy nhất của ông bà, sau cậu còn thêm một đứa em trai và một cô em gái nữa. Đám tang của Hai Dương sau đó đã được nhanh chóng tổ chức. Ông bà Nhân cũng chỉ nghĩ cái chết của đứa con trai xấu số của mình chỉ là một tai nạn.
Đúng một tuần sau cái chết của Hai Dương, đau buồn còn chưa kịp nén lại thì gia đình ông Nhân lại nhận được tin giữ ở quê. Anh trai của ông Nhân ở dưới Cần Thơ cũng vừa bị tai nạn mà qua đời. Ông đi nhậu với bạn về khuya, trên đường trở về bị ngã cả người cả xe xuống cái vuông tôm ở ngay trước nhà mà không ai phát hiện ra. Đến tận sáng hôm sau khi người nhà phát hiện ra và đưa xác của ông lên bờ thì lúc này ông đã chết cứng tự bao giờ. Lúc làm lễ nhập quan, từ miệng ông cũng bất giác trào ra một thứ nước nhớp nháp màu đen có mùi tanh tưởi kinh dị.
Lại đúng 7 ngày nữa trôi qua, nhà ông Nhân có thêm người chết. Người này là bố đẻ của ông Nhân. Ông cụ đã gần 80 tuổi, có tiền sử bị bệnh ho lao. Hôm đó lúc đang ăn cơm tối, ông cụ có dấu hiệu bị nghẹn đồ ăn ở cổ, cứ liên tục nấc cụt. Bà giúp việc vội lấy cho ông một cốc nước lọc, ông cụ liền tu một hơi dài.

Nước còn chưa kịp nuốt xuống cổ thì cơn ho lại bất ngờ kéo tới. Cụ ông ôm ngực mà ho lên sặc sụa, nước trong miệng lẫn vào tiếng ho tạo nên những âm thanh nghe ọc ọc trong cuống họng.

Ông cụ ho đến mức nước mắt chảy ra giàn giụa. Ông Nhân thấy vậy vội lại vỗ lưng xoa ngực cho bố để kìm cơn ho lại. Nhưng ông cụ vẫn ho ngày một giữ dội hơn, nước bắt đầu trào ra từ trong miệng, đến mũi rồi cả tai nữa. Ban đầu là chỗ nước ban nãy ông cụ uống vào, sau đó là một thứ nước dãi màu đen như đờm, nhớp nháp và tanh tưởi. Bà Mỹ vội gọi xe cấp cứu nhưng không kịp, ông cụ đã tử vong ngay sau đó.
Lúc này sâu chuỗi ba cái chết của ba người đàn ông trong gia đình lại bà Mỹ bắt đầu cảm thấy có điều gì đó bất thường. Hai người đầu thì cũng chỉ nghĩ là tai nạn trùng hợp, nhưng nay đến người thứ 3 rồi thì không thể chủ quan được nữa. Vốn cũng là một người mê tín, bà Mỹ thường xuyên đi xem bói và cúng lễ.

Bà rất tin tưởng ở một bà thầy phong thuỷ người tàu ở khu phố người hoa ở quận 5. Đây là một thầy phong thuỷ rất cao tay, tất cả những công to việc lớn trong nhà như xây dựng nhà, mở công ty, mua đất hay đầu tư dự án bà Mỹ đều tin tưởng mà hỏi qua bà thầy.

Không biết có phải do thầy giỏi thực sự hay không mà tất cả mọi việc đều rất suôn sẻ thuận lợi. Chả nói đâu xa, ngay như trong đợt dịch covid vừa rồi. Đầu năm ngoái dịch bệnh bùng lên ở trên toàn thế giới, các cửa khẩu bị đóng cửa, ngành xuất khẩu gần như bị đóng băng. Công ty của vợ chồng ông Nhân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phải đóng cửa cho công nhân nghỉ việc mất vài tháng.

Được sự tư vấn của bà thầy tàu, bà Mỹ đã cho công ty hoạt động trở lại. Lúc đầu ông Nhân kịch liệt phản đối vì tình hình dịch bệnh phức tạp như vậy chưa biết bao giờ hàng hoá mới có thể lưu thông được, nhưng trên danh nghĩa ông Nhân là giám đốc còn công ty lại là của gia đình bà Mỹ, bà Mỹ mới là người đứng sau thâu tóm toàn bộ công ty. Ấy vậy mà thực sự chỉ hơn một tháng sau, công ty của bà Mỹ đã có thể xuất hàng đi. Dịch bệnh loại bỏ được một vài đối thủ cạnh tranh nên công ty của gia đình bà lại ngày càng lớn mạnh. Sau sự việc này ông Nhân cũng đã có cái nhìn khác về bà thầy người tàu kia.
Ngay sau khi chôn cất ông cụ, bà Mỹ đã cho xe đến đón bà thầy tàu lại nhà mình để xem xét mọi việc. Vừa bước chân vào cửa, bà thầy đã lắc đầu ngán ngẩm, miệng liên tục nói: “đại hoạ, đại hoạ đã tới rồi.” Bà gieo một quẻ kinh dịch bằng ba đồng xu, nhận lại quẻ đại hung. Bà lắc đầu nói với ông Nhân:
“Dòng họ nhà ông đã dính vào nạn trùng tang liên táng rồi. Cứ đúng 7 ngày sẽ có một người chết. Thần trùng ở đây là thần nước cho nên tất cả cái chết đều sẽ liên quan đến nước. Theo như ta quan sát được, thì ba người vừa chết đó chỉ là những người bị chết theo, không phải người chết phạm giờ trùng. Bây giờ cần phải xác định được người chết phạm giờ trùng là ai, rồi làm lễ trấn yểm trùng trên mộ người đó mới mong hoá giải được. Nếu không cứ đúng 7 ngày, lần lượt từng người đàn ông trong dòng họ sẽ chết cho đến người cuối cùng thì thôi.”
Vợ chồng ông Nhân nghe thầy nói vậy thì hoảng lắm. Ông Nhân vốn quê ở Cần Thơ lên Sài Gòn lập nghiệp rồi ở lại đây lập gia đình sinh sống. Khi cuộc sống đã ổn định ông mới đón bố mẹ ở dưới quê lên sống cùng mình còn anh em ruột của ông và họ hàng vẫn sống ở Cần Thơ. Công việc bận rộn nên vợ chồng ông ít có dịp về quê, anh em họ hàng cũng ít khi qua lại.

Các cụ ở quê ai cũng đẻ 5-7 người con, rồi họ lại lập gia đình, sinh con đẻ cái. Cả dòng họ Nguyễn Bá nhà ông tính sơ ra chỉ trong ba đời trở lại cũng đã vài trăm người. Chỉ những người họ hàng gần gũi thì khi có người chết vợ chồng ông Nhân mới được báo, còn họ hàng xa ít qua lại thì ông bà không được biết đến. Nhưng bà thầy đã nói, đây là trùng tang cả dòng họ chứ không phải trùng tang gia đình, bây giờ xác định được người chết phạm phải giờ trùng là rất khó.
Không chậm trễ phút giây nào, ông Nhân lập tức gọi điện cho ông trưởng họ dưới Cần Thơ để thông báo về việc dòng họ Nguyễn Bá bị trùng tang, nhờ ông thông báo đến các chi bên dưới để xác nhận xem trong dòng họ gần đây có ai bị chết vì đuối nước hay không. Sau khi xác nhận được người đó sẽ đưa thầy về để trấn yểm mộ cắt trùng.
Chiều ngày hôm đó ông Nhân đã nhận được câu trả lời. Đúng là trong dòng họ gần đây có một đứa nhỏ bị chết đuối. Cháu bé là cháu nội của em trai bố ông Nhân. Được nghỉ hè nó về quê ngoại ở Bến Tre chơi, đi tắm sông rồi bị chết đuối. Do gia đình không có điều kiện để chở xác đứa trẻ xấu số về Cần Thơ nên đã chôn ngay ở quê mẹ dưới Bến Tre. Ông Nhân nhanh chóng ghi lại địa chỉ quê ngoại đứa bé, xin số điện thoại của gia đình để liên hệ. Sau đó vợ chồng ông cùng bà thầy tàu nhanh chóng chuẩn bị đồ để sáng sớm ngày hôm sau về Bến Tre trấn trùng.




Sự việc không được suôn sẻ như mong đợi khi ngay trong tối ngày hôm đấy đã có lệnh cách ly toàn bộ con phố nơi gia đình ông Nhân ở. Trong đám tang của bố ông Nhân có một đối tác của ông bay từ Hà Nội vào để dự tang lễ. Trong chuyến bay đó có một người đàn ông nước ngoài đã được xác nhận nhiễm covid.

Người đàn ông đó trở thành đối tượng f1 bắt buộc đi cách ly tập trung, những người trong đám tang thuộc f2 phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày. Khỏi phải nói nhận được tin gia đình ông Nhân như sét đánh ngang tai, không biết nên làm gì cho phải nữa. Con phố được lập chốt cách ly có đội tự vệ canh giữ 24/24 trong bất xuất ngoại bất nhập.

Ông Nhân cùng vợ ở trong nhà mà như ngồi trên đống lửa chỉ mong 14 ngày cách ly nhanh chóng qua đi. Những ngày này, ông Nhân và gia đình có được sự trợ giúp của bà thầy tàu nên bình an vô sự, còn những người họ hàng của ông thì không được may mắn như vậy.
Đúng như lời nói của bà thầy, cứ đúng 7 ngày trôi qua trong họ nhà ông Nhân lại có thêm một người chết. Điểm trùng hợp là tất cả những cái chết đều có liên quan đến nước, bên cạnh thi thể của người chết người nhà đều phát hiện ra có một vũng nhớt màu đen bốc mùi hôi thối. Đến khi gia đình ông Nhân kết thúc 14 ngày cách ly thì tổng đã có 5 người chết.
Nhận được thông báo dỡ bỏ lệnh cách ly khu phố, vợ chồng ông Nhân cùng bà thầy đã ngay lập tức lên đường tìm về Bến Tre. Đến nhà bà ngoại của đứa trẻ xấu số, bà thầy tàu quan sát một lượt rồi khẽ lắc đầu ra hiệu với hai người thần trùng không có ở đây, đứa trẻ đó không phạm giờ trùng. Cháu bé cũng chỉ là một mắt bị chết theo trong chuỗi trùng tang liên táng của dòng họ mà thôi. Trước đứa bé này vẫn còn một người nữa mới là mắt xích quan trọng nhất. Mọi chuyện lại dần trôi về ngõ cụt trong khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến vòng quay 7 ngày lần thứ 7.
Rời khỏi Bến Tre, gia đình ông Nhân không về Thành Phố Hồ Chí Minh mà quay xe vòng về quê ông Nhân ở Cần Thơ. Gia đình ông bà được đón tiếp ở nhà thờ tổ của dòng họ, tại đây đã có mặt đông đủ con cháu trong họ Nguyễn Bá. Tất cả mọi người đều đã nhận được tin trùng tang liên táng của dòng họ mình nên ai nấy đều rất lo sợ người tiếp theo sẽ là mình hoặc người thân trong nhà. Vấn đề trấn trùng thì đã có thầy tàu ông Nhân mời về, tuy nhiên tìm ra người bị chết trùng mới là nan giải nhất.

Người ta đã tận dụng tất cả những mối quan hệ vẫn không xác nhận thêm được trong họ còn ai chết trôi trước đó hay không. Đa số những người trong họ Nguyễn Bá đều sinh sống tập trung tại một huyện của tỉnh Cần Thơ, có một số ít thì đi nơi khác lập nghiệp, lấy vợ rồi sinh con. Những người này cũng đều đã được bố mẹ anh em thông báo tin dữ và hiện nay cũng đã trở về quê có mặt trong nhà thờ tổ. Tất cả trưởng chi đều khẳng định con cháu nhà mình gần đây không có ai chết trôi cả.
“Hay là trong đám con cháu có đứa nào có con rơi con rớt ở ngoài hay không?”
Câu hỏi vừa dứt ông Nhân đã giật mình đánh rơi cốc trà trên tay xuống đất, cốc trà vỡ tan tành hướng sự chú ý của mọi người về phía mình. Nước trà đổ ướt cả cái áo thun ông đang mặc trên người. Ông Nhân cố nở một nụ cười gượng gạo rồi nhanh chóng bước ra ngoài lấy cớ để đi thay quần áo. Thực sự lúc này trống ngực trong lòng ông đang đập liên hồi khi nghĩ đến 2 đứa con của Kiều. Phải rồi, sao ông không nghĩ ra truyện này sớm hơn. Ngoài ba đứa con chung với bà Mỹ ông còn có thêm 2 đứa con trai với vợ bé cũng là thư kí riêng của ông ở công ty.
Kiều trước đây là gái rót rượu ở một nhà hàng cao cấp nơi ông Nhân thường xuyên lui tới để tiếp đối tác. Cô ta là trẻ mồ côi không có nơi nương tựa, khi gặp được ông Nhân có tiền có địa vị đã bám riết không thôi mặc dù biết ông đã có vợ. Ông Nhân cũng đã chán ngán thân hình độ sộ cùng tính tình cáu bẳn của bà Mỹ ở nhà mà si mê nhan sắc xinh đẹp của Kiều.
Ông bao nuôi cô giống như vợ bé ở bên ngoài. Sau khi Kiều sinh cho ông một đứa con trai đặt tên là Bảo Bình thì ông đã tìm cách đưa Kiều vào công ty làm việc dưới chức vụ là thư kí riêng của ông. Ở công ty Kiều được giới thiệu là con gái nuôi của ông Nhân. Mang tiếng là thư kí nhưng Kiều chỉ có nhiệm vụ làm nhân tình của ông và giúp ông ta tiếp đối tác chứ cô hoàn toàn không có bằng cấp hay nghiệp vụ gì cả. Chuyện cô là vợ bé của ông Nhân được dấu rất kĩ, ngay cả bạn thân của mình làm lễ tân ở công ty Kiều cũng không cho biết.
Nhưng giấy thì không gói được lửa bao giờ, chuyện ông Nhân và Kiều cặp kè với nhau không biết bằng cách nào đó đã bị những người ở công ty phát hiện. Họ không dám nói trước mặt nhưng sau lưng hai người thì liên tục bàn tán. Bà Mỹ vợ ông Nhân cũng phong thanh nghe được thông tin.

Bà Mỹ không đi làm chỉ ở nhà chăm con nhưng mọi chuyện ở công ty đều do một tay bà thâu tóm hết. Bố đẻ của bà nguyên là chủ tịch hội đồng quản trị của công ty này. Ông Nhân trước đây cũng vì khối tài sản khổng lồ của gia đình bà Mỹ mà chấp nhận cưới một người chênh lệch rất nhiều về ngoại hình với mình mà không có tình yêu. Ông Nhân có vẻ bề ngoài lịch lãm đẹp trai phong độ lại có tiền nên không thiếu gì gái theo. Tuy nhiên ở cái công ty này ai cũng biết cái tiếng hoạn thư của bà Mỹ nên không ai dám tiếp cận ông Nhân.
Đúng lúc này thì Kiều lại phát hiện ra mình có thai. Lo sợ chuyện mình có vợ bé bên ngoài bị vợ phát hiện thì tất cả những thứ ông Nhân đang có được sẽ mất trắng, Kiều cũng sẽ không được sống yên.

Ông Nhân liền tìm cách để gán ghép Kiều với Bân, quản đốc phân xưởng vừa nhận chức. Lúc này vợ Bân đã về quê sinh con từ lâu anh đang sống một mình. Kiều theo ông Nhân cũng chỉ vì tiền, biết chuyện bị bại lộ cô cũng không được lợi lộc gì lại thấy Bân còn trẻ, đẹp trai sáng sủa công việc cũng ổn nên cô đồng ý làm theo lời ông Nhân.

Vốn tính lẳng lơ có nghề nên chỉ sau vài lần tiếp xúc Kiều đã đưa được Bân vào tròng đổ vỏ cho giám đốc. Bân không hề hay biết gì cứ nghĩ cái thai trong bụng Kiều chính là con ruột của mình vội mang cô ta về quê để ra mắt gia đình.
Đi khuất ra một con ngõ nhỏ, nhìn quanh quẩn xung quanh thấy không có ai ông Nhân lôi điện thoại ra bấm gọi cho ai đó.
“Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau.”
Âm thanh từ trong điện thoại phát ra làm ông Nhân thoáng hiện lên sự thất vọng. Ông kết thúc cuộc gọi rồi lại tiếp tục thực hiện một cuộc gọi khác. Lần này sau ba tiếng chuông thì đầu dây bên kia có người bắt máy.
“Alo, công ty may mặc Nhân Mỹ xin nghe ạ.”
Ông Nhân vội trả lời:
“Là tôi giám đốc Nhân đây. Cô Hà, tôi có chuyện này muốn hỏi.”
Đầu dây bên kia Hà thấy là giám đốc thì thoáng có đôi chút ngạc nhiên. Ông Nhân sao lại gọi vào điện thoại của công ty bằng điện thoại cá nhân? Trước giờ ít ai biết được số điện thoại cá nhân của ông, tất cả mọi việc đều phải liên lạc qua số điện thoại của gia đình, hoặc điện thoại trong văn phòng, hoặc nữa là qua thư kí riêng của ông. Điện thoại di động của ông chỉ để liên lạc với bạn bè ngoài công việc. Cô nhanh chóng trả lời:
“Dạ vâng thưa giám đốc. Có chuyện gì mà giám đốc lại gọi vào đây thế ạ?”
Như hiểu được thắc mắc của cô lễ tân, ông Nhân đi ngay vào vấn đề:
“Cô và cô Kiều trước đây chơi rất thân với nhau phải không? Hồi nay cô có còn liên lạc được với Kiều không? Tôi muốn liên hệ để mời vợ chồng Kiều quay lại công ty làm việc mà số cũ của cô ấy gọi không có được.”
Lúc này như đã hiểu ra vấn đề, cô lễ tân vội trả lời:
“Khoảng một tuần trước Kiều có gọi cho em. Cô ấy cũng bảo liên lạc với xếp nhưng không được. Kiều đã chuyển về quê của anh Bân từ tết rồi ạ. Thấy bảo trên đó miền núi sim của Kiều không bắt được sóng nên phải đổi sang nhà mạng khác, số cũ Kiều không dùng nữa.”
Ông Nhân liền gợi chuyện:
“Thì ra là vậy, dạo này Kiều và cậu Bân sống thế nào? Tôi mà mời thì không biết hai người ấy có quay lại làm không nhỉ?”
Ở đầu dây bên kia, cô lễ tân khẽ thở dài thườn thượt một cái. Nuốt bước bọt rồi cô lại nói tiếp:
“Kiều số nó khổ quá xếp ơi, bé Bảo Nam chết rồi còn đâu.”
Ông Nhân choáng váng, điều ông lo sợ nhất cũng đã xảy ra rồi. Ông hỏi trong gấp gáp:
“Cô bảo đứa nhỏ con của Kiều với Bân đã chết rồi sao? Chết từ bao giờ? Làm sao mà chết?”
Hơi bất ngờ trước thái độ bất thường của ông Nhân, cô lễ tân vẫn lễ phép trả lời:
“Cháu bé bị rơi xuống cái ao ở trước nhà rồi chết đuối dưới đấy, đã hơn 1 tháng rồi ạ. Hôm trước Kiều gọi bảo đợi sau 49 ngày của Bảo Nam cô ấy sẽ dẫn Bảo Bình quay lại Thành Phố Hồ Chí Minh. Còn anh Bân thì em không biết. Xếp có cần em liên hệ lại mời vợ chồng Kiều tới công ty không ạ?”
Ông Nhân thoáng im lặng một hồi rồi mới trả lời:
“Cô gửi số của cô Kiều qua đây, tôi sẽ tự liên hệ. Gửi ngay cho tôi đấy.”
Nói rồi ông tắt máy. Điện thoại của ông ngay lập tức báo có tin nhắn đến. Ông bấm máy gọi vào dãy số nhận được trong tin nhắn, nhưng đầu dây bên kia lại một lần nữa báo thuê bao đang ngoài vùng phủ sóng. Ông lại gọi về cho phòng nhân sự của công ty yêu cầu tìm thông tin địa chỉ của Bân ở ngoài bắc, sau đó tắt điện thoại rồi quay trở lại trong nhà thờ tổ.
Vào phía trong, ông Nhân không nói gì mà tiến lại trước ban thờ của tổ tiên dòng họ thắp lên đó 3 que hương rồi lầm rầm khấn vái. Thấy hành động lạ của ông, mọi người đã thôi không nói chuyện nữa mà đổ dồn hết mọi sự chú ý vào ông Nhân. Xong xuôi, ông Nhân quay mặt lại phía đám đông, từ từ cất giọng.



“Kính thưa bác trưởng họ và toàn thể thành viên con cháu của dòng họ Nguyễn Bá, hôm nay trước sự chứng kiến của tổ tiên dòng họ và đông đủ mọi người có mặt ở đây, tôi Nguyễn Bá Nhân xin cúi đầu thú nhận một chuyện rất đáng xấu hổ mà mình đã gây ra trong suốt những năm vừa qua.”
Ông Nhân nói đến đây thì im lặng chờ đợi phản ứng của mọi người. Phía dưới tiếng xì xào lại phát ra to nhỏ. Người ngạc nhiên nhất chắc hẳn là bà Mỹ. Bà không hiểu có chuyện gì mà tự dưng chồng bà lại làm ra vẻ nghiêm trọng như vậy. Bà chăm chú chờ những hành động tiếp theo của ông Nhân. Ông Nhân lấy hết cam đảm nói tiếp:
“Ngoài ba đứa con với vợ tôi đây, tôi còn có hai đứa con trai ở bên ngoài.”
Nghe đến đây thì bà Mỹ hoàn toàn choáng váng, gương mặt bà bỗng chốc chuyển sang màu đỏ phừng phừng như lửa. Mọi người xung quanh còn chưa kịp phản ứng gì sau câu nói của ông Nhân thì bà đã dằn mạnh tay của mình xuống bàn đánh uỳnh một cái, cốc chén trên bàn rơi xuống đất tạo nên những âm thanh loảng xoảng chan chát. Bà đập bàn rồi đứng dậy không kiêng cữ gì cho chồng mà chỉ tay thẳng mặt ông Nhân rồi hỏi:
“Má ơi đẹp cái mặt chưa. Là con đĩ nào? Hả? Là con đĩ nào đã bôi tro trát trấu vào mặt tôi như vậy hả?”
Cả cái thân hình đồ sộ của bà như cũng rung lên theo cái tâm trạng thổn thức của bà lúc này. Nói xong thì bà bật khóc. Vợ chồng bà ít khi về quê, nhưng qua một vài lần tiếp xúc cũng chẳng ai lạ gì tính bà Mỹ nữa. Họ cũng hiểu cái cảnh lấy vợ nhà giàu, chó chui gầm chạn của ông Nhân. Tuy nhiên đổi lại thì bà Mỹ yêu ông Nhân và có hiếu với bố mẹ ông là điều mà ai cũng biết. Sự việc mà ông Nhân vừa nói ra đúng là một sự việc động trời mà không ai dám nghĩ nó sẽ xảy ra đối với ông Nhân cả.
Mấy người đàn bà họ xúm lại an ủi bà Mỹ, họ đỡ bà ngồi lại xuống ghế. Bây giờ chuyện quan trọng nhất lúc này là phải giải được trùng để bảo vệ tính mạng cho mọi người, những chuyện riêng tư sẽ giải quyết sau. Ông trưởng họ lúc này mới lên tiếng bảo ông Nhân kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mọi người nghe.
Ông Nhân từ từ kể lại chuyện của mình và Kiều cùng với cuộc trò chuyện với cô lễ tân công ty ban nãy. Qua đối chiếu thông tin thì rất có thể đứa con riêng của ông Nhân và Kiều chính là người chết trùng mà mọi người đang tìm kiếm.
Khi đã xác định được đối tượng, mọi người thu xếp để cùng nhau bay ra ngoài bắc tìm đến nhà Bân để xác minh thông tin. Còn trục trặc giấy tờ của bà thầy tàu nên phải mất một ngày sau đoàn người mới có thể bắt chuyến bay từ Thành Phố Hồ Chí Minh ra ngoài bắc. Tuy nhiên lần này đã hết 1 vòng 7 ngày mà trong họ lại không có ai chết, dọc đường đi đoàn người hồi hộp liên tục gọi điện về quê để cập nhật thông tin rồi lại to nhỏ với nhau. Duy chỉ có bà thầy tàu là im lặng không nói gì.
Ông Nhân kể đến đây thì dừng lại. Những tiếng bàn tán, những cái chỉ trỏ của những người có mặt trong nhà Bân lúc này ngày càng nhiều. Bà Ót nhiều chuyện nãy giờ vẫn còn chưa về đang đứng lấp ló phía sau cánh cửa không ngăn được tò mò mà hỏi chen vào:
“Nói vậy thì Bảo Nam không phải con của cậu Bân, vậy tại sao nhà cậu Bân lại bị trùng tang?”
Câu nói này cũng chính là thắc mắc của những nhiều người đang có mặt ở đây. Nếu Bảo Nam là con trai Bân thì dễ hiểu, đằng này thằng bé không có quan hệ huyết thống với Bân, nhưng sau khi nó chết thì nhà Bân cũng đã xuất hiện trùng tang. Nhà ông Nhân chết 6 mạng người thì nhà Bân cũng đã chết đến 4 người. Trong lúc mọi người còn đang ngơ ngác chưa thể giải thích được thì từ ngoài cửa, một giọng nói rõng rạc cất lên:
“Chuyện này tôi có thể giải thích được.”
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía giọng nói vừa được cất lên. Từ phía ngoài cửa, ba người đàn ông mặc đồng phục công an bước vào, người đi đầu chính là Thắng chồng của Liên. Lần đầu tiên thấy Thắng mặc cảnh phục đến nhà Bân mới biết anh là công an. Bân ngạc nhiên lắm, không hiểu sao Thắng lại dẫn theo cả công an đến nhà mình. Bân đứng vội đứng dậy tiến lại gần chỗ Thắng rồi hỏi:
“Anh tới đây có việc gì?”
Thắng cúi đầu chào những người có mặt trong nhà rồi trả lời câu hỏi của Bân:
“Theo chỉ đạo của công an tỉnh, chúng tôi tới đây để thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng Phan Thị Kiều vì nghi ngờ có liên quan tới cái chết của ông Cầm Văn Được và cháu Phan Bảo Bình. Đề nghị chị Kiều và mọi người phối hợp với tổ công tác.”
Kiều liên tục lắc đầu phủ nhận:
“Không! Không phải tôi! Tôi không làm.”
Bà Hồng lúc này lên tiếng:
“Các anh có nhầm không? Chồng tôi chết là do bị trùng tang, còn thằng Bình là con trai của nó làm sao mà con Kiều nó lại tự giết con của mình được?”
Xung quanh mọi người cũng gật đầu phụ hoạ theo.” Thắng trả lời chắc nịch:
“Thưa bác, thưa gia đình phía công an chúng tôi làm việc dựa trên chứng cứ. Trên tay tôi đây là kết quả xét nghiệm phân tích mẫu da trên vết bỏng của cháu Phan Bảo Bình. Trong tế bào da của cháu Bình có xuất hiện một chất kịch độc có tên là alkaloid, là một loại độc tố có trong lá ngón. Vào hôm xảy ra tai nạn của cháu bé, tôi đã có mặt ở hiện trường tiến hành lấy mẫu chỗ nước còn sót lại trong nồi nước gây tan nạn. Kết quả phân tích cho thấy, trong nước có chứa chất độc giống với chất độc mà cháu Bình nhiễm phải.
Ngoài ra, cách hiện trường vụ tai nạn vài mét, cụ thể là tại vườn môn gần bờ ao tôi đã tìm thấy một viên gạch được cho là đã được dùng để kê cái bếp trước khi tai nạn sảy ra. viên gạch được buộc vào một sợi dây thép nối dài ra tận vườn môn. Xung quanh đó tôi phát hiện ra một cái thúng có vài tàu môn đã được bỏ vào trong, một cái liềm có chứa dấu vân tay của cô Kiều. Cạnh đó, còn có một cái chày bên trên dính máu được cho là của ông Cầm Văn Được, trên cái chày cũng xác nhận được rất nhiều dấu vân tay của cô Kiều. Chưa hết, tại hiện trường tôi còn phát hiện ra một loại lá cây đã được vò nát lọc lấy nước. Qua kiểm tra bước đầu, lá đó chính là lá ngón gây nên cái chết của cháu Bình.
Còn nữa, vụ việc cái chết của ông Được đã qua tưởng không còn vết tích, nhưng trên những lá cây dương sỉ mọc bên trong lòng giếng, tôi đã phát hiện ra có vết tích của máu còn bám lại. Vết máu đó chính là của ông Được. Sự việc này chứng tỏ ông Được đã bị giết hoặc là đánh trọng thương bằng cái chày trước khi bị ném xuống giếng.”
Cả bà Hồng và Bân đều lặng người trước những lời nói của Thắng. Lại là bà Ót nhiều chuyện lên tiếng phá vỡ đi sự im lặng.
“Phà ôi, vậy là con Kiều nó tự lên kế hoạch giết chết con trai của mình sao?”
Trước những chứng cứ đanh thép mà Thắng đưa ra, Kiều ôm đầu rồi gào lên:
“Không, tôi không giết con của mình. Là nó, chính nó mới là người đáng phải chết.” Nói rồi Kiều đưa ngón tay chỉ thẳng vào Bảo Nam đang đứng chết trân sau đám đông. Cô ta tiếp tục rít lên trong miệng:
“Nó mới là kẻ đáng chết. Dựa vào cái gì mà mẹ con nhà nó ai cũng yêu mến, cái gì cũng dành hết cho nó. Còn tôi ở cái xó xỉnh này để nhận lại được cái gì?” Rồi cô ta lại cười lên man dại:
“Tất cả các người đều là lũ đáng chết, các người hại chết con của tôi, ghét bỏ tôi, tất cả các người đều đáng chết.”
Thấy Kiều chỉ tay về phía mình Cường sợ quá khóc oà lên. Bân toan tiến về phía con thì Cường đã tiến thẳng về phía Thắng. Cậu bé vòng tay ôm lấy ngang hông của Thắng rồi vục mặt vào lưng anh mà khóc nức nở. Thắng khẽ xoay người lại xoa tay lên đầu Cường rồi vỗ về:
“Nào Cường ngoan, có bố ở đây đừng sợ.”
Khoảnh khắc ấy, trái tim Bân như chết lặng. Cảm giác như anh vừa đánh mất đi một thứ vô cùng quan trọng đối với mình. Hai tay Bân nắm chặt lại, gương mặt phừng phừng nổi giận, những tia máu hằn lên trong ánh mắt. Bân tiến thẳng về phía Kiều dơ tay cho cô một cái tát như trời giáng vào giữa mặt, anh nói gằn lên từng chữ trong cuống họng:
“Con quỷ cái! Tao đã vì mày mà từ bỏ vợ con tao, tại sao? Tại sao mày lại hại gia đình tao như vậy hả?”
Kiều đưa tay sờ lên má, cái tát vừa nãy của Bân mạnh đến nỗi ở khoé miệng Kiều rỉ ra một dòng máu đỏ, 5 ngón tay của anh vẫn còn in hằn trên đó. Kiều nhủ một bãi nước bọt rồi lại cười lên man dại:
“Anh là đồ bất tài không lo được cho vợ cho con để vợ con phải vì mình mà lam lũ, rồi anh lại hắt hủi vợ con mình chê quê mùa để đón tôi về. Rồi sao? Rồi anh lại tính biến tôi thành vợ anh trước đây một lần nữa sao? Tôi nói cho anh biết anh đừng có mơ. Anh nhìn lại bản thân anh đi, anh xứng với tôi sao? Nếu không vì số tiền đền bù mảnh đất kia thì tôi đã dẫn các con của tôi đi từ lâu rồi. Tôi vì số tiền đó mà chấp nhận ở lại, hại chết Bảo Nam của tôi. Rồi các người lại muốn đem hết chỗ tiền đó cho nó. Các người đúng là đáng chết mà, sao các ngừoi không mau đi chết hết đi hả?”
Bân lại tát thêm cho Kiều một cái nữa. Nhường và Chái lúc này mới tới lôi Bân ra ngăn anh lại. Bà Hồng thì ngồi bệt xuống đất hai tay đấm thùm thụp vào ngực mình mà khóc:
“Phà ôi ông Được ơi ông không về đây mà xem , nghiệp chướng, tôi đã rước phải loại ma quỷ gì về nhà thế này.”
Khi Bân đã trấn tỉnh lại, Nhường buông Bân ra rồi tiến lại phía Kiều cố gắng bình tĩnh để hỏi:
“Vậy còn bé Nhím? Có phải cũng là cô làm không? Tôi vẫn luôn thắc mắc tại sao hôm đó cánh cửa cầu thang vẫn đóng mà con bé lại có thể ra ngoài, là cô, là cô đúng không? “
Kiều không né tránh cô ta nhếch mép cười rồi gật đầu:
“Đúng vậy, là tôi, là tôi làm đấy.”
“Tại sao hả? Tại sao con bé nó mới hơn 3 tuổi mà cô cũng nỡ ra tay với nó. Cô là con quỷ chứ không phải con người.”
Vừa nói Nhường vừa túm lấy vai Kiều mà lắc mạnh, Kiều gần như đã trai sạn, cô ngồi im chịu trận mà không hề kháng cự lại. Chái kéo vợ ra khỏi người Kiều. Lúc này Thắng lại tiếp tục lên tiếng.
“Còn một chuyện này nữa. Cũng trong cái hôm xảy ra vụ tai nạn với cháu Bình, theo lời bà Hồng kể trước lúc xảy ra tai nạn thì bát hương trên bàn thờ rơi xuống, bên trong bát hương bà phát hiện ra có một tờ giấy nhỏ. Tôi đã xác minh xong, tờ giấy đó chính là lá bùa trấn vong mà cô Kiều đã xin của mo Niêng ở trong Hón Nưa sau cái chết của cô Lành hai ngày. Vì vậy phía công an chúng tôi đang có nghi vấn cô Kiều đây cũng có liên quan tới cái chết của cô Lành. Vấn đề này phải đợi cô Kiều về đồn phối hợp lấy lời khai rồi mới có thể đưa ra kết luận. Bây giờ tôi đề nghị những người có mặt trong nhà đứng dậy để chúng tôi tiến hành đọc lệnh bắt người.”
Sau câu nói của Thắng, tất cả mọi người đều đồng loạt đứng dậy. Thắng đọc xong lệnh bắt giữ rồi cùng với hai đồng chí công an đi cùng giải Kiều ra xe áp giải về đồn.
Lúc này trong nhà chỉ còn lại người của dòng họ Cầm và dòng họ Nguyễn Bá nhà ông Nhân. Các cụ xưa có câu, hồng nhan hoạ thuỷ quả là không sai. Chỉ một người con gái nhỏ bé như Kiều nhưng lại dẫn đến cái chết của cả thảy hơn mười người, làm lao đao rúng động cả hai dòng họ. Những hành động của Kiều đã vượt ra ngoài giới hạn tầm suy nghĩ của tất cả mọi người. Ngay đến cả bà Mỹ nổi tiếng ghê gớm là vậy, mà nãy giờ mỗi lần nhắc đến tội trạng của Kiều là từng đợt gai ốc của bà lại thi nhau nổi lên bất chấp cả cái nắng 40 độ ở ngoài trời.
Bây giờ thì mọi chuyện đều đã rõ ràng, gia đình Bân không bị trùng tang, mà trùng tang là ở dòng họ Nguyễn Bá nhà ông Nhân. Ông Nhân lúc này liên tục nói lời xin lỗi với bà Hồng và gia đình Bân. Ông không ngờ mọi chuyện lại đi đến bước đường như vậy. Nhưng bây giờ trước mắt vẫn còn một chuyện gấp hơn cần phải giải quyết, đó là trấn trùng ở ngôi mộ của bé Bảo Nam. Nhận được sự đồng ý của gia đình Bân, tối đó nhà ông Nhân ở lại để chuẩn bị trưa ngày hôm sau ra nghĩa trang họ Cầm làm lễ yểm mộ.
Chiều tối hôm đó tại ngôi nhà sàn ở Hón Nưa. Mo Niêng đang lúi húi nấu cơm trong bếp thì cái bóng dài chạy tới hú hét ầm cả căn nhà:
“Mo Niêng, mo Niêng ơi xem tôi này. Lành hết lại rồi, không còn vết hở nào nữa.”
Mo Niêng quay ra phía cái bóng ở sau lưng mình, nó vui mừng đến nỗi không thể đứng yên một chỗ hai chân cứ liên tục bước qua bước lại, hai tay lúc này cũng đã dài bằng nhau liên tục sờ soạng khắp người mình. Phía sau cái bóng dài là cái bóng tròn cũng đang vui mừng không kém. Thấy mo Niêng nhìn mình, cái bóng tròn lên tiếng hỏi:
“Mo Niêng chuyện này là sao? Có phải linh hồn của chúng tôi đã hoàn toàn hồi phục rồi không?”
Mo Niêng nở một nụ cười hiền từ rồi bảo:
“Chưa đâu, nhưng mà cũng sắp tới ngày đó rồi.”
Cái bóng dài lại lanh chanh hỏi lại:
“Có phải khi hoàn toàn hồi phục thì sẽ quay lại vẻ đẹp trai trước đây phải không? Lúc đó thì sẽ giống với hồn ma khác chứ chúng tôi sẽ không còn đen xì như này nữa phải không mo Niêng?”
Mo Niêng gật đầu xác nhận. Cái bóng dài như một đứa trẻ, nó nhảy bật lên cao rồi zê lên một tiếng thật dài. Nó quên mất mình là một hồn ma nên cái nhảy vừa rồi bật cao quá đầu nó đã chạm phải cây gỗ trên xà nhà đau điếng. Cái bóng tròn nhìn nó khẽ lắc đầu rồi cười bảo:
“Đúng là đồ ngốc.”
Cái bóng dài lồm cồm bò dậy, cái mũi khịt khịt liền mấy cái rồi chạy lại chỗ hai cái nồi trên bếp của mo Niêng mà hỏi:
“Mo Niêng, hôm nay cho chúng tôi ăn cái gì mà thơm thế. Ôi là xôi nếp với thịt gà, tôi đã đoán đúng mà. Nhưng hôm nay có phải là tết đâu mà lại được ăn ngon thế này.”
Nó tự nói một mình thao thao bất tuyệt như thế mà không cần nghe câu trả lời. Mo Niêng chỉ cười rồi bảo:
“Đứa trẻ ngốc này. Hôm nay không phải là tết, nhưng là một ngày còn đáng vui hơn cả tết nữa. Thôi dọn bàn chuẩn bị ăn cơm, hôm nay cho hai đứa nhậu một bữa bét nhè luôn.”
Trên cái sập tre được đặt giữa nhà mâm cơm nhanh chóng được dọn ra. Đồ ăn được bày trên tàu lá chuối, bên cạnh đó đặt ba cái bát để rót rượu. Cứ thế một người và hai cái bóng cùng nhau ăn cơm, uống rượu, tiếng họ cười đùa vang vọng khắp núi rừng Hón Nưa.

Xem tiếp phần 9 >> Tại đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn