Truyện ma Việt Nam "trùng tang quỷ nước" chap 9

 Tác giả: Lê Như Tiên

Chương 9: trùng tâm
Tại phòng tạm giam của công an huyện, Trước những bằng chứng thép mà Thắng và những đồng chí công an đưa ra, Kiều đã cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Qua biên bản ghi lời khai của Kiều, cái chết của từng người trong gia đình ông Được lần lượt được tái hiện lại như một bộ phim quay chậm.
Sau khi theo Bân về ngoài bắc ăn tết Kiều mới được biết là Bân không có ý định quay trở lại thành phố Hồ Chí Minh nữa. Kiều đã nhiều lần thuyết phục Bân nhưng không thành. Cô vốn đã quen với náo nhiệt và cuộc sông hiện đại đầy đủ vật chất nên không thể thích nghi được cuộc sống ở một ngôi làng nghèo nàn hẻo lánh như Ban Phú. Thuyết phục Bân không được Kiều đã toan tự mình dẫn hai con đi. Đúng lúc ấy thì cô biết được tin gia đình Bân sắp được đền bù mảnh đất trồng keo đến cả tỷ đồng. Kiều cố nán lại đợi sau khi nhà Bân lấy được tiền đền bù cô sẽ lẳng lặng cuỗm lấy chỗ tiền đấy rồi rời đi. Tuy nhiên tiền còn chưa lấy được thì Bảo Nam đã bị rơi xuống ao chết đuối. Kiều đã đem lòng sinh hận đối với Lành từ đó.

Trước đây khi mà Bảo Nam còn sống, bà Hồng xem nó như là báu vật, chuyện gì bà cũng nghe theo Kiều. Nhưng sau khi Bảo Nam chết đi bà đã dần thay đổi thái độ, bà quý Liên và Cường ra mặt. Kiều không chịu được mỗi khi gặp Cường bà cứ liên tục nhấn mạnh cháu đích tôn của bà, rồi bà liên tục nhắc đi nhắc lại sau này tất cả tài sản của ông bà đều để cho Cường hết. Đỉnh điểm là vào buổi trưa mà ông Được cùng Bân đi lên xã kí giấy tờ. Lúc đây ăn cơm xong Kiều đang lúi húi rửa bát ở đằng sau bếp. Cái bể nước lại ở ngay cạnh cửa sổ thông với phòng của ông Được bà Hồng. Kiều nghe tiếng nói chuyện của hai ông bà nên bỏ bát đũa qua một bên mà ghé tai lại nghe trộm.
Ômg Được bảo với bà Hồng:
“Cái mảnh đất này vốn dĩ là của con Liên nó mua. Trước đây khi còn thằng Bảo Nam tôi tính để phần lớn cho thằng Cường, một phần nhỏ để cho Bảo Nam sau này lớn lên có tiền ăn học. Nhưng nay Bảo Nam mất rồi, tôi với bà cũng không cần dùng gì đến tiền nên chỗ tiền đền bù này tôi tính đưa cả cho mẹ con thằng Cường.”
Bà Hồng giãy nãy lên:
“Ôi phà ôi, ông nghĩ sao mà đưa hết tiền cho con Liên? Đúng chỗ tiền đó tôi cho thằng Cường tất, nhưng tôi phải đón nó về đây để nuôi nấng. Thằng Nam nó chết rồi giờ chỉ còn mỗi nó là cháu đích tôn của tôi không thể để thiên hạ nuôi nó mãi được. Cái con Kiều đấy lúc nào cũng õng ẹo chả biết còn đẻ đái gì được nữa không. Sau này thằng Cường sẽ được thừa hưởng hết cả cái gia tài này, còn con Kiều thì đừng có mơ mà động tới.”
Ở bên ngoài nghe hết những gì hai ông bà nói, cái giẻ rửa bát trong tay Kiều bị vò nát từ lúc nào mà cô không hay. Rửa bát xong cô hậm hực bỏ vào trong phòng không đoái hoài đến việc gì nữa. Đến khi bà Hồng gọi Kiều ra sai đi tìm Lành thì cô mới bước chân ra ngoài.



Mặc dù trời làm mưa nhưng thời tiết vẫn oi bức càng làm tăng lên sự bực dọc trong người Kiều. Cô đi ra ngoài con đường làng, thẳng hướng bờ sông mà bước. Trên trời cơn dông đang từ từ kéo tới, gió thổi bụi bay mù mịt. Lúc này người ngoài đồng đã về hết không còn ai. Giữa thời tiết này bà Hồng còn bắt Kiều ra ngoài đường đi tìm Lành. Cô lẩm bẩm trong miệng, cái con dở đấy sao không chết trôi chết nổi ở đâu đi cho rồi, báo hại làm chết con trai của cô còn bắt cô phải hầu hạ đến bao giờ mới thôi. Đi mãi ra đến gần mé bờ sông Kiều mới thấy Lành đang mải chạy theo mấy con châu chấu bắt rồi xiên vào cây cỏ để mang về cho gà. Kiều đứng trên bờ gọi nhưng Lành không nghe thấy, dù khó chịu nhưng cô cũng phải lội xuống ruộng tiến về phía Lành đang ở tít cuối đồng mé gần bờ sông. Thấy gánh cỏ Lành cắt đã đầy để trên bờ, Kiều lên nói như quát vào mặt Lành:
“Cô Lành, trời làm mưa không thấy hay sao mà còn không biết đường đi về, đợi phải đi đón mới chịu về hay sao?”
Lành như một đứa trẻ cười hềnh hệch với Kiều rồi bảo:
“Lành đang chờ bố với anh Bân về rồi mới về. Bố với anh Bân đi lấy tiền để cho Cường đi học đại học đấy. Bố thương Cường nhất, Lành cũng thương Cường nhất.”
Đang sẵn cơn bực tức trong người, câu nói của Lành như vừa hất thêm dầu vào lửa, Kiều nói gằn lên từng tiếng một:
“Vậy sao? Cô Lành thương Cường nhất hả? Cô Lành ngoan quá nhỉ. Mà này cỏ cắt còn chưa đủ đâu, trời này chắc phải mưa mấy ngày mới tạnh, cá trong ao không có đủ cỏ ăn má mắng cô Lành đó.”
Lành nghe vậy tưởng thật liền bảo:
“Vậy để Lành cắt tiếp, Lành ngoan mế không mắng lành đâu.”
Kiều nở một nụ cười gian ác:
“Đúng rồi, Cô Lành ngoan thì mế không mắng. Nhanh lên trời sắp mưa rồi. Cô Lành theo chị ra chỗ này cỏ mọc tốt cắt nhanh rồi về.”
Nói rồi cô ta đi trước, Lành ngoan ngoãn theo sau. Kiều dẫn Lành ra mép bờ sông, chỗ đó có một cái hố sâu người ta múc cát tạo thành. Tất cả những người ở đây đều biết chỗ đó nguy hiểm nên không ai dám đến, bọn trẻ chăn trâu cũng không dám cho trâu bén mảng lại gần đó nên trên bờ cỏ mọc tốt um tùm. Kiều chỉ tay vào mé sông rồi bảo Lành lại cắt. Thấy chỗ này có cỏ tốt, Lành không hề nghi ngờ gì mà tiến lại ngồi xuống để cắt cỏ. Khi Lành vừa chỉ cắt được một nắm cỏ trên tay thì bất ngờ từ phía sau Kiều đưa tay đẩy Lành rơi xuống hố. Một tia chớp rạch ngang qua bầu trời,Kiều nở một nụ cười nhan hiểm. Lành không biết bơi, cô chới với trong làn nước, từng tiếng kêu chị Kiều, chị Kiều cứ thế yếu dần rồi sau đó chỉ là những tiếng òng ọc trong cổ họng của sặc nước. Sấm chớp trên bầu trời nổi lên hoà cùng tiếng cười sằng sặc của Kiều:
“Chết đi... đi chết đi... hãy xuống mà hầu hạ con trai tao, đồ đáng chết.”
Kiều cứ vậy giương mắt nhìn Lành vật lộn giữa dòng nước, đến khi Lành đã hoàn toàn chìm nghỉm xuống dưới, mặt nước yên tĩnh trở lại thì Kiều mới quay lưng trở về. Vừa đi được vài bước Kiều như chết sững khi thấy bé Nhím đang đứng ở cách cô một đoạn chỉ vài mét. Lúc nãy Kiều đã cẩn thận nhìn khắp xung quanh không thấy ai cô mới ra tay, ai ngờ bé Nhím mới chỉ hơn ba tuổi bị lúa và bụicây dại che lấp cô không nhìn ra. Một nét độc ác lại hiện lên trên ánh mắt của Kiều, cô cất giọng hỏi:
“Bé Nhím, sao con lại ở đây? Con thấy gì rồi?”
Thấy Kiều hỏi mình bé Nhím khóc thét lên quay lưng chạy, vừa chạy vừa nói:
“Mợ Kiều là người xấu, mợ Kiều chửi dì Lành...”
Sợ bị lộ chuyện, Kiều nhanh chóng đuổi theo bé Nhím, bờ ruộng trơn tuột nên Kiều bị ngã dúi người xuống ruộng lúa. Cô còn chưa kịp đứng dậy thì đã nghe thấy tiếng của chị Nhường. Bé Nhím thấy mẹ thì chạy lại ôm chầm lấy rồi khóc thét lên, liên miệng bảo mợ Kiều chửi dì Lành. Kiều hoảng quá vội bứt một cây lúa cầm trên tay, vừa đi vừa ngoe nguẩy cây lúa vừa gọi:
“Cô Lành ơi. Trời tối sắp mưa rồi còn không biết đường mà về, cô Lành hư quá, hôm nay về phải đánh cho cô Lành một trận mới được.”
Kiều đi được một đoạn thì gặp Nhường đang bế con đứng ở trên bờ, nãy giờ nghe bé Nhím nói cô vẫn chưa hiểu có chuyện gì. Bây giờ thấy Kiều đi tìm Lành thì cô giãn cơ mặt ra. Hai chị em chào nhau rồi Kiều đi thẳng về nhà. Sau đó người ta phát hiện ra cái xác của Lành nhưng cũng không ai nghi ngờ gì Kiều cả. Chỉ có bé Nhím mỗi lần thấy Kiều là sợ khóc thét cả lên.
Tối hôm đó, khi mà Bân cùng ông Được đang đi tìm kiếm Lành ngoài cánh đồng, Kiều giả vờ ở yên trong buồng nhưng thực ra trong lòng Kiều đang nóng như lửa đốt. Khi nghe tiếng bà Hồng gọi tên Lành ở ngoài bờ ao Kiều sợ lắm. Cô tưởng Lành chưa chết tìm về nhà nên vội chạy ra theo để xem sự tình. Nhưng ra đến nơi thì bà Hồng đã chạy ra đến ngoài bờ ao, cô cũng không thấy Lành đâu cả. Ngay sau đó thì người ta đã đưa xác của Lành vào trong nhà, lúc này Kiều mới biết là ban nãy bà Hồng gặp ma. Không chỉ riêng bà Hồng, ngay cả Kiều cũng đã thấy linh hồn của Lành. Lúc người ta làm lễ khâm liệm cho Lành, Kiều bắt buộc phải ở bên cạnh. Khi mà nắp quan tài từ từ đóng lại, Kiều thấy thi thể của Lành nằm trong quan tài mở trừng mắt ra nhìn mình. Kiều sợ quá hét toáng cả lên. Thấy mọi người nhìn mình, Kiều liền giả vờ đau đớn mà khóc hờn tên Lành mới không bị nghi ngờ.
Trưa ngày hôm sau, sau khi chôn cất Lành xong Kiều ngay lập tức đã thuê xe ôm chở mình lên Hón Nưa tìm mo Niêng để xin hai lá bùa trấn vong. Buổi tối khi ăn cơm xong, ông Được thắp hương trên bàn thờ gia tiên mà khấn vái cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu tai qua nạn khỏi. Mới chỉ chưa đầy một tháng mà ông đã mất đi cả con gái cả cháu nội. Kiều lo sợ linh hồn của Lành hoặc gia tiên nhà ông Được sẽ về báo mộng cho những người trong gia đình nên cô đã đặt lá bùa trấn vong xin được vào trong bát hương của gia tiên. Mo Niêng đã dặn cô là lá bùa này chỉ cần chôn ở trước cổng hoặc trong vườn nhà thì sẽ không bị vong hồn nơi khác đến phá, tuyệt đối không được để gần ban thờ trong nhà vì như vậy ông bà tổ tiên trong gia đình cũng không thể ở trong nhà mà bảo vệ con cháu được.
Kiều vâng vâng dạ dạ nhưng trên thực tế đây mới là mục đích thực sự của Kiều khi đi xin bùa. Còn một lá bùa còn lại, Kiều luôn để ở trong ốp điện thoại của mình lúc nào cũng mang theo bên mình. Từ sau hôm đó Kiều không nhìn thấy chuyện lạ gì nữa.
Ba hôm sau cái chết của Lành, hôm đó cả nhà đi gặt lúa hết, một mình Kiều ở nhà trông nhà. Rảnh rỗi Kiều lội bộ ra nhà bà Ót để mua đồ ăn vặt và card điện thoại. Đi qua nhà chị Nhường, Kiều thấy cửa cầu thang đóng chặt, một mình bé Nhím đang lò đầu ra ngoài cửa sổ mà hát líu lo một mình. Thấy Kiều đang nhìn mình, bé Nhím lại oà lên khóc rồi thét lên:
“Mợ Kiều là người xấu, không chơi với mợ Kiều.”
Biết Nhím ở nhà một mình, Kiều nhìn quanh quẩn xung quanh không có ai. Ở đây nhà này cách nhà kia phải đến cả trăm mét, hai bên bờ rào cây cối lại um tùm nên chuyện ở nhà này nhà kia không thể thấy được. Kiều đứng dưới gọi:
“Nhím ơi, đi ra nhà bà Ót mua kẹo với mợ không?”
Con bé ở trên nhà vẫn lắc đầu nguầy nguậy:
“Không đi, mợ Kiều là người xấu, mợ Kiều chửi dì Lành.”
Kiều vẫn kiên nhẫn đứng dưới dỗ dành:
“Dì Lành hư nên mợ Kiều mới mắng chứ. Nhím xuống đây mợ dẫn Nhím đi tìm dì Lành chịu không?”
Nhím vẫn chỉ là một đứa trẻ lên 3, chưa biết được rằng Lành đã chết. Mấy hôm rồi không gặp dì Lành, thấy Kiều bảo dẫn đi gặp thì con bé buông bỏ sự đề phòng, nó lưỡng lự rồi bảo:
“Nhưng mợ Kiều không được mắng dì Lành nữa nha.”
Kiều gật đầu lia lịa.
“Được được, mợ hứa.”
Nhím lúc này xỏ dép vào chân rồi từ từ chạy xuống nhà, con bé ngây thơ cứ nghĩ Kiều sẽ dẫn mình đi gặp Lành thật, không hề hay biết mình đang dần tiến vào chỗ chết.
Đứng đón Nhím ở cuối cầu thang, Kiều không mở cửa mà nhón người qua để bế Nhím ra ngoài. Khi đã đưa được Nhím ra ngoài, Kiều đặt con bé xuống đất rồi giả vờ tươi cười như thực sự sẽ đưa con bé đi gặp Lành vậy. Hai người dắt tay nhau bước ra cổng, trước cửa nhà Nhường có một cái ao bé là chỗ chứa nước để tưới cho rau. Phía bờ ao giáp với cổng và chỗ giáp với mặt đường, Chái đã làm bờ rào bằng nứa để rào lại tránh việc bọn trẻ con sẩy chân mà rơi xuống. Ở cái mặt ao giáp với sân, có một hàng dài cây môn mọc lên cao ngang hôn người lớn. Lúc đi qua cái bờ ao đó, Kiều chỉ cho Nhím thấy những con chuồn chuồn sặc sỡ đang đậu trên ngọn cỏ ở sát mặt nước. Rồi Kiều hỏi Nhím có muốn bắt không? Nhím gật đầu đồng ý.



Dẫn Nhím lại gần bờ ao để bắt chuồn chuồn, lúc Nhím không để ý Kiều đã đưa tay đẩy luôn con bé ngã xuống ao. Đứa trẻ tội nghiệp chới với một hồi rồi lại chìm nghỉm xuống làn nước đục ngầu. Xong xuôi mọi việc, Kiều lại thản nhiên ra nhà bà Ót mua đồ như chưa có chuyện gì xảy ra. Trong lòng cô thầm thở phào một cái vì đã giải quyết được một mối lo sợ ở trong lòng.
Trưa hôm đó người ta tìm thấy bé Nhím chết đuối ở trong ao. Mọi người bắt đầu bàn tán về việc nhà ông Được bị trùng tang, chỉ có Nhường là vẫn luôn thắc mắc tại sao cửa cầu thang đóng mà bé Nhím vẫn ra bên ngoài được. Sợ Nhường sinh nghi nên cô ta đã mượn gió bẻ măng, lấy tin đồn nhà ông Được bị trùng tang để lấp liếm mọi chuyện. Để tất cả người trong gia đình ông Được tin là có trùng tang, cô giả vờ nằm mơ thấy Bảo Nam về nói muốn dẫn bố và anh Cường đi. Đòn này của cô đã đánh trúng vào tâm lý của bà Hồng, hai người đó quan trọng với bà nhất, bà sợ xanh cả mặt. Tiếp đó cô mời thầy về để giải trùng, xem như có thể em đẹp chấm dứt mọi chuyện. Người thầy mà cô nhắm tới chính là bà Lý. Cô được biết đến danh tiếng của bà trong một lần ngồi làm móng tay ở dưới thị trấn. Tuy nhiên không phải người ta đồn về độ cao tay ấn hay tài giỏi của bà, mà mấy người phụ nữ ngồi kể với nhau như một câu truyện cười.
Một người phụ nữ trẻ ăn mặc trải truốt từ đầu đến chân áng chừng ngoài 30 tuổi. Cô ta cùng với hai cô bạn nữa ngồi tám chuyện với nhau trong quán chờ tới lượt mình được làm móng. Cô mở đầu câu chuyện:
“Này hôm qua tao vừa đi xel bói xong chúng mày ạ. Tưởng thầy cao tay thế nào, xem xong về nhà rồi tao vẫn còn buồn cười.”
Một cô gái khác chen vào:
“Chắc thầy lại phắn số cô chẳng giàu thì nghèo ngày 30 tết thịt treo trong nhà chứ gì?”
Cô kia lắc đầu rồi bảo:
“thế đã là gì. Yên tao kể cho mà nghe. Dạo gần đây vợ chồng tao hay cãi nhau, mọi chuyện trong nhà cứ lục đục kiểu gì ấy. Tao nghi lão có bồ nên được người ta giới thiệu tao tìm đến ngay. Mới đầu vào tao chưa nói gì hết, chỉ bảo muốn đi xem đường tình duyên xem thầy cao tay thế nào. Chúng mày biết thầy phán gì không?”
“Có chúa mới biết được bà ấy nói gì. Nói nhanh lên đi sốt cả ruột.” Cô bạn bên cạnh trả lời.
Cô gái kia cố nén lại nụ cười rồi nói: “bà ta bảo tao cao số có duyên âm theo, nếu không làm lễ cắt duyên âm thì không lấy được chồng chúng mày ạ.”
Nghe xong cả ba cô gái ôm bụng cười lớn. Một cô lại hỏi:
“Thế rồi mày bảo sao?”
“Thì tao bảo, cái duyên âm mà bà nói ấy nó kết hôn với cháu cả gần chục năm nay có với nhau hai đứa con một đứa 6 tuổi một đứa 4 tuổi rồi bà ạ.”
Nói xong cô ta lại ôm bụng cười rũ rượi. Kiều vốn dĩ cũng chỉ nghĩ đó là một câu truyện cười nghe cho vui, nhưng lúc này cô lại nghĩ đến bà thầy bói dựa đó. Cô vào facebook hỏi thăm và đã xin được địa chỉ nhà bà Lý được nhắc đến trong truyện. Sau đó cô cùng bà Hồng tìm đến, những chuyện sau đó về lễ yểm trùng mọi người đều đã biết.
Ngày bà Hồng cùng Bân đi nhận tiền đền bù, trong nhà chỉ còn lại Kiều và ông Được. Kiều chờ đợi ngày hôm nay đã lâu, cô đã lên sẵn kế hoạch chờ bà Hồng cùng Bân mang tiền về cô sẽ cuỗm lấy toàn bộ chỗ tiền đó rồi cùng với Bình cao chạy xa bay. Đi khỏi đây cô sẽ cắt đứt liên lạc với Bân, cũng không bao giờ quay trở lại nơi mà cô cho là khỉ ho cò gáy này nữa.
Bà Hồng vừa đi được một lúc thì ông Được cũng ra ngoài chuẩn bị đi cắt cỏ cho cá. Ông lấy cái gùi đeo vào lưng rồi đi lên đồi. Đi đến nơi ông mới nhớ ra mình quên chưa mang theo liềm. Trận cãi nhau với bà Hồng lúc sáng vẫn đang làm ông phải suy nghĩ nhiều nên không để ý gì. Ông liền tức tốc quay lại nhà để lấy liềm. Đến gần bếp, ông nghe thấy Kiều đang nói chuyện điện thoại với ai đó. Ông chỉ nghe được giọng của mình Kiều.
“Mày sắp xếp chỗ cho tao với thằng Bình đi, chắc 1 hai hôm nữa tao vào đó...”
“Ừ, tao cũng chưa biết phải làm gì nữa. Công ty thì chưa biết bao giờ mới mở cửa lại, dịch bệnh vẫn đang còn thế này..”
“Mày nói gì cơ? Gọi tao với anh Bân nhưng bọn tao không làm á? Không có chuyện đó, bọn tao còn ở lại chờ đến tận cuối năm mới về ngoài này cơ mà..”
“Chính ông Nhân bảo thế sao. Đúng là khốn nạn mà.”
“Mày đoán đúng rồi đó. Bảo Nam là con của ông Nhân không phải con của lão Bân. Ngày đó lão sợ mụ béo nên bảo tao đổ vỏ cho lão Bân rồi sẽ đền bù cho mẹ con tao. Vậy mà lão khốn nạn này lại tìm cách đuổi cổ tao ra khỏi công ty, hại chết Bảo Nam rồi.”
“Ừ ở đây khỉ ho cò gáy không có sóng điện thoại nên không liên lạc được với ai. Tao đòi lão Bân đi từ tết mà không chịu. Tao tính đi luôn từ lúc đó rồi mà lại nghe nói nhà lão sắp có tiền đền bù. Thấy bảo cả tỉ liền đó. Tao đang đợi cuỗm xong chỗ tiền đó tao sẽ đi rồi say good bye luôn.”
Cái gùi trên lưng ông Được rơi xuống đất, Kiều thấy động quay ngừoi lại thấy ông Được đang đứng chết trân nhìn mình. Cái điện thoại trên tay Kiều cũng rơi luôn xuống đất. Hai người đứng đó nhìn nhau mặt đối mặt. Ông Được hai mắt đỏ hoe tức giận chỉ thẳng mặt Kiều rồi hỏi:
“Cô vừa nói Bảo Nam không phải con của thằng Bân đúng không?”
Kiều ấp úng:
“Ba... con... con..”
Ông Được cắt ngang:
“Tôi không có ba con gì với đồ lừa đảo như cô hết. Tôi phải đi gọi ngay cho thằng Bân về để xem bộ mặt giả tạo của cô mới được. Cô còn tính lừa lấy tiền của nhà tôi sao? Đừng có mơ.”
Nói rồi ông quay người bỏ vào trong nhà. Vừa đi được vài bước thì bất ngờ từ phía sau, Kiều vung cây chày đập thẳng vào gáy ông. Ông Được ngã xuống, máu từ đầu ông bắt đầu chảy xuống. Kiều vội kéo xác của ông lại cái giếng cũ không dùng tới, thả xác ông xuống giếng, trên mặt cô ta lại nở ra một nụ cười gian sảo:
“Thần trùng bắt người. Thần trùng lại tới bắt người. Hahahaha...”
Sau đó cô ta nhanh chóng lau dọn sạch vết máu xung quanh, cái chày cô tiện tay ném luôn ra ngoài vườn môn trước mặt, không ngờ sau này nó lại chính là bằng chứng để buộc tội mình.
Về cái chết của Bình, cô vốn dĩ đã sắp đặt để người chết là Cường. Cô chờ mãi để lừa lấy số tiền đền bù, đã phải trả giá bằng cả mạng sống của Bảo Nam, nhưng đến cuối cùng lại không thể lấy được một đồng nào hết. Điều Kiều không ngờ nhất, một bà già nhà quê như bà Hồng lại tính được đến chuyện nhận tiền xong đi tận hơn 60 cây số để gửi tiền vào ngân hàng. Báo hại cô không thể thực hiện được kế hoạch của mình. Cô rít lên trong kẽ răng:



“Bà bảo để số tiền đó cho thằng Cường sao? Được, để tôi xem không còn nó thì tiền của bà có vào tay tôi không?”
Đang sẵn dư luận đồn thổi về việc nhà bà Hồng bị trùng tang, Kiều tiếp tục mượn cái tin đồn đó để giết người. Hôm đó có 3 đứa trẻ ở đó nhưng Kiều chỉ liên tục gọi Cường. Kiều biết Cường là một đứa trẻ biết nghe lời, cô gọi nhất định nó sẽ ra. Cô đã chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ từ trước, lên đồi hái lá ngón vò lấy nước rồi bỏ vào nồi nước nấu cám lợn. Cô sợ nước sôi không đủ giết được Cường. Mọi thứ đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, chỉ không ngờ được rằng người chạy ra hôm đó lại là Bình com trai của cô. Cô lại càng không ngờ được rằng Thắng chồng của Liên lại là công an.
Cầm tờ bản khai của Kiều trên tay, Bân run run không thể tin được đó lại là sự thật. Cái chết của cả 4 người ở nhà Bân đều do một tay Kiều gây nên. Anh thà rằng cứ để mình tin là họ chết vì bị trùng tang còn cảm thấy dễ chịu hơn là biết được sự thật. Sự tham lam, lòng đố kị và ghen tỵ của con người còn đáng sợ hơn cả ma quỷ. Nếu thực sự có ma quỷ thì còn biết đường mời thầy về phòng tránh, còn con người, lấy thước nào để đo được lòng người? Trên đời này, con trùng độc trong tâm mỗi con người chính là thứ trùng đáng sợ nhất, độc hơn tất cả các loại thần trùng trên đời này.

Mời Bạn xem tiếp chap 10 : tại đây

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn