Chương 1: Đám ma không có khăn tang
TG: Lê Như Tiên
“Thùng! Thùng! Thùng!
Tiếng trống tan trường vang lên giòn giã. Rất nhanh sau đó từ các cửa lớp học sinh đồng loạt tràn ra sân trường như một bầy ong vỡ tổ. Tầm này trời đã vào hè, tuy đã 5 giờ chiều nhưng mặt trời vẫn còn ở tít trên cao chiếu ánh nắng xuống khắp sân trường. Đám học sinh cấp một đứa nào đứa nấy uể oải sau một ngày dài trên lớp cắp theo chiếc cặp sách to ụ trên lưng. Nhưng mặt đứa nào đứa nấy đều hớn hở lắm.
Bởi lẽ hôm nay đã là ngày cuối cùng của năm học. Ngày mai đi bế giảng là đã vào hè. Chúng nô đùa rượt đuổi nhau trên sân trường, tranh thủ chia nhau cái kẹo, tám vài ba câu chuyện rồi mới tiếc nuối vẫy chào nhau tiến ra phía cổng trường nơi có một hàng dài phụ huynh đang đợi đón con.
“Cường! Cường ơi! Mẹ ở đây!”
Liên vừa vẫy tay vừa cố sức gọi lớn để đứa con trai của mình vẫn còn quàng vai đứa bạn thân đang bước ra từ cổng trường có thể nghe thấy. Thấy mẹ gọi, Cường nhanh chóng nói tạm biệt bạn rồi chạy lại phía mẹ. Cậu cười tít cả mắt khi thấy cả bố cả mẹ đến đón mình bằng xe tô của cơ quan bố.
“Con chào bố, con chào mẹ ạ!”
Cường cất tiếng chào bố mẹ rồi vội xà vào ôm lấy ngang bụng mẹ. Đưa tay khẽ xoa đầu con trai, Liên trầm ngâm không nói gì chỉ yên lặng mở cửa xe rồi cả nhà nhanh chóng ngồi vào trong. Khi xe đã bắt đầu lăn bánh, Liên ôm đứa con trai của mình vào lòng, cô tì chiếc cằm của mình lên đầu đứa bé rồi vòng tay lại xiết chặt con vào gần mình hơn. Cố nén một tiếng thở dài như có điều gì đó khó nói, sau đó cô nói thật nhỏ bên tai con.
“Cường, mẹ có tin này muốn nói cho con biết.
Nhưng mà con hứa với mẹ là phải thật bình tĩnh nhé.”
Cường quay đầu lại nhìn Liên, ít khi cậu thấy mẹ mình nói chuyện nghiêm túc như vậy.
“Em Bảo Nam chết rồi!”
Những lời nói đó thoát ra từ miệng Liên một cách khó nhọc như có cái gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng của người mẹ trẻ. Dường như không tin vào tai mình, Cường hỏi bằng giọng gấp gáp:
“Mẹ nói em Bảo Nam nhà bố Bân của con hả mẹ? Tối hôm qua con còn gọi video với em mà, em còn hát cho con nghe nữa. Làm sao mà chết được.”
Liên chua xót nhìn con rồi bất giác hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Cô ôm con vào lòng rồi nói tiếp bằng giọng nghẹn ngào:
“Nãy ông nội con vừa gọi cho mẹ. Em bị chết đuối ở cái ao trước nhà rồi con ạ. Bây giờ bố mẹ sẽ đưa con về để dự tang lễ của em. Khổ thân con của mẹ.”
Cường rúc vào lòng mẹ rồi cũng bất giác oà lên khóc nức nở. Cường mới chỉ học lớp hai vẫn còn là một đứa trẻ ngây thơ nhưng cũng đã hiểu được chuyện sống chết là thế nào. Cường biết từ nay cậu chẳng thể gặp em Bảo Nam được nữa.
Đến đoạn ngã 3, chiếc xe không rẽ về nhà mà Thắng ngồi ở ghế lái đánh tay lái rẽ về phía miền ngược rồi cứ thế thẳng đường mà chạy ngược lên phía trên. Liên lấy từ trong balo ra một cái áo phông tối màu bảo Cường thay chiếc áo trắng đồng phục của trường ra mặc vào. Cô dỗ dành con rồi đưa cho cậu một hộp xôi nóng bảo Cường tranh thủ ăn trên xe, đoạn đường về nhà ông nội còn rất xa. Cả một đoạn đường dài cả nhà không ai nói với ai câu nào nữa. Mỗi người đều theo đuổi một suy nghĩ của riêng mình.
Chiếc xe men theo con đường nhựa chạy trên con đường ngoằn nghèo vòng quanh chân của những ngọn núi. Càng đi sâu vào trong đường càng vòng vèo khó đi hơn. Chạy được áng chừng hơn một tiếng thì dừng lại ở ven đường, phía đối diện là một con dốc nhỏ. Nơi họ muốn đến nằm ở đằng sau con dốc. Thành tấp xe vào lề đường trước một cái quán lá nhỏ bán hàng tạp hoá. Anh bước xuống mở cửa sau cho Liên và Cường bước ra, rồi nhanh chân bước lại trước cửa quán. Lúc này trời đã chập choạng tối.
Từ trong xe bước ra, Liên đi thẳng vào phía trong cái quán tạp hoá lụp xụp được dựng tạm bằng tranh tre. Bên trong một người phụ nữ mặc váy dân tộc Thái với nước da đen rám nắng đưa ánh mắt tò mò nhìn họ. Liên tiến lại gần rồi cất tiếng chào:
“Cháu chào thím Ót, thím còn nhớ cháu không ạ?”
Lúc này dường như người phụ nữ mới nhận ra người quen vội thay đổi sắc mặc đon đả trả lời:
“Ai như cái Liên con dâu ông Được phải không bay? Phạ ôi hồi nay khác quá tao không dám nhận luôn đó.”
Thắng và Cường theo vào sau cũng cất tiếng chào người phụ nữ. Liên còn chưa kịp trả lời lại thì bà ta lại tiếp tục:
“Chà thằng Cường hồi nay lớn quá rồi bay. Hồi trước ông nội còn hay đưa ra đây mua kẹo mà lâu rồi không thấy lên đây nữa. Ông bay cũng hay đưa hai đứa con thằng Bân ra mà bữa ni thằng nhỏ chết rồi. Khổ thân nó quá phạ ơi.”
Liên trả lời:
“Dạ cháu cũng mới nhận được tin nên đưa cu Cường lên dự đám tang em nó đây thím. Hồi nay cháu đi học cả ngày nên ít có thời gian về nội. Nghĩa tử là nghĩa tận mà, cũng phải để anh em nó tiễn nhau lần cuối chứ.”
Mấy đứa trẻ nhỏ nhà gần đấy nghe thấy tiếng xe ô tô thì chúng từ trong nhà kéo ra vây quanh chiếc xe nhìn ngắm tỏ vẻ thích thú lắm, thi thoảng chúng lại cùng cười khúc khích với nhau.
Lúc này Thắng lên tiếng nói với bà Ót:
“Thím cho cháu gửi nhờ cái xe ở đây với ạ. Chắc đêm nay nhà cháu ở lại ngày mai đưa tang xong mới về.”
Bà Ót đưa tay chỉ vào khoảng sân trống trước mặt rồi bảo:
“Được, để qua đêm thì bay cho vào chỗ này để tít ngoài kia bọn con nit nó tò mò nó nghịch lại hỏng mất xe thì chết.”
Một đứa nhỏ nghe thấy thế thì đưa mắt lườm bà Ót rồi bĩu môi nói một tràng tiếng Thái cả Thắng và Liên đều không hiểu gì. Bà Ót cười xoà rồi giải thích:
“Phạ ôi tao nói có thế thôi mà nó cãi nó chỉ muốn xem một tý chứ có nghịch chi mô mà lại đi nói như thế. Tao thì tao cứ nói trước thế chứ đợi bọn nó nghịch hỏng thì ai có sức đẩy cái xe to như này xuống thị trấn được.”
Thắng quay qua bọn nhỏ quát đùa:
“Này mấy cậu xe này là xe của công an đó nghịch linh tinh bắt hết về đồn nha.” Vừa nói Thắng vừa đưa hai tay về trước làm giả bộ như bị còng tay lại. Bọn nhỏ thấy vậy cười khoái chí rồi nhanh chóng đứa nào chạy về nhà đứa đấy.
Liên nắm lấy tay Cường rồi dục:
“Thôi anh nhanh cho xe vào rồi mình đi trời tối rồi.”
Bà Ót tiếp lời:
“Đúng rồi đó nhanh vào trong đó đi, trời tối qua sông cẩn thận đó. Bố thằng cò nhà tao cũng ở trong đó hồi chiều rồi có tao bận trông nhà nên không đi được.”
Ba người nhà Liên chào người phụ nữ rồi nhanh chân bước thẳng về phía con dốc ở bên kia đường. Đây là một con dốc khá cao, trời tối đi không cẩn thận có thể trượt chân ngã bất cứ lúc nào. Thắng cẩn thận dắt tay hai mẹ con Liên bước những bước chậm rãi từ từ xuống dốc, sau đó đi thêm một đoạn thẳng tầm 100 mét nữa là đến bờ sông. Qua con sông này là đến ngôi làng nơi có nhà ông nội của Cường.
Ngôi làng này nằm cách biệt hẳn so với đường quốc lộ,phía sau làng dựa lưng vào sông Chu, phía trước cửa làng cũng có một nhánh nhỏ của con sông chạy vòng qua. Cả ngôi làng được bao bọc bởi nước, nhìn từ xa giống như một hòn đảo nhỏ. Chính vì vậy mà ngôi làng này có tên là làng Ban Phú. Trong tiếng Thái của người bản địa ở đây, Ban có nghĩa là làng, Phú là nổi, Ban Phú là ngôi làng nổi giữa sông.
Đến được bờ sông thì trời đã tối hẳn. Lâu ngày không có mưa lớn nên nước ở con sông này khá ít có thể lội bộ qua được. Tuy nhiên ở đây có một cây cầu bằng tre luồng cũng rất là chắc chắn, xe tô không thể qua cầu nhưng xe máy và người đi bộ có thể đi qua dễ dàng. Trong làng chỉ có hơn 10 hộ gia đình nên mãi vẫn chưa được cấp kinh phí xây cầu. Người dân ở đây đã tự tạo nên cây cầu tre này. Không giống với cầu tre cầu khỉ trong nam, cầu tre ở đây được đóng chắc chắn hơn nhiều.
Vì ở đây chỉ là nhánh vòng qua của sông chứ không phải mạch chính nên nước không lớn, đáy sông cũng không quá sâu. Người ta chọn những cây tre cây luồng già bánh tẻ vừa đủ độ dẻo dai, không quá non để bị rút nước cũng không quá già gây nên dễ gãy. Vót nhọn ở một đầu rồi đóng ngập sâu dưới lòng sông. Tầm hơn 10 cái cọc như thế được đóng sát nhau quây lại thành một vòng tròn. Sau đó lấy dây mây đan xen kẽ qua từng cây một tạo thành một hình dạng như cái gùi đi rừng, đổ đầy đất đá vào bên trong lèn thật chắc lại. Như vậy là đã tạo thành một cái chân cầu chắc chắn. Từ đầu này qua đầu kia của con sông có 2 hàng chân cầu như thế, mỗi bên 7 cây, mỗi cây cách nhau hơn 1 mét.
Cũng là thân cây luồng bánh tẻ được cưa thành từng khúc bằng nhau xếp sát vào với nhau rồi gác lên chân cầu đã dựng sẵn, sau đó cố định lại, cứ thế làm nối tiếp đến tận đầu kia con sông. Cây cầu chỉ có chiều rộng hơn 1 mét nhưng vô cùng chắc chắn và an toàn. Cái giống tre với luồng, để yên trên cạn thì bị mối bị mọt nhưng càng ngâm vào nước thì lại càng dẻo dai và bền. Chả thế mà ở vùng quê này xây nhà dùng luồng làm đòn tay và rui cho phần mái người ta thường ngâm luồng trong ao nước cả năm trời sau đó mới vớt lên sử dụng. Độ bền thì khỏi phải bàn, các cụ thường đùa nhau nhà sập mà mối còn chưa gặm được miếng nào.
Ngày thường mỗi lần lên đây nhà Liên đều đi xe máy, Cường thích đoạn sông này lắm lần nào cũng đòi Liên cho xuống để chạy bộ trên cầu rồi ngồi vắt vẻo trên cầu thả chân xuống làn nước mát. Ở đây còn có một cái guồng nước cũng được làm bằng cây tre và cây vầu. Dựa vào sức gió và sức chảy của dòng nước, chiếc guồng như một cái bánh xe khổng lồ cứ đều đặn quay bất kể ngày đêm dẫn nước vào cánh đồng ngay bên cạnh con sông. Ngày thường cảnh vật ở đây nên thơ hữu tình là vậy mà hôm nay trong hoàn cảnh này gia đình Liên chỉ cảm thấy một thứ không khí ảm đạm khó nói nên lời.
Cường từ nãy giờ cứ im lặng không nói gì, cứ lặng lẽ bước đi bên cạnh bố mẹ trong bóng tối. Qua cây cầu còn phải đi một đọan đường khá là xa nữa mới vào đến nhà. Dọc đường thi thoảng mới bắt gặp một ngôi nhà tranh hoặc nhà sàn nằm chênh vênh bên ruộng lúa. Ngôi làng này đa số người dân đều là dân tộc Thái. Từ đoạn đường đất ba người rẽ vào một con đường nhỏ hơn, nhà Bân ở trong đó. Ở trong làng, gia đình Bân thuộc diện gia đình khá giả. Mảnh đất nhà Bân đang ở nằm ở giữa làng, rộng thẳng cánh cò bay. Phía trước nhà hai cái ao lớn ở dọc hai bên, ở giữa là con đường đất dẫn vào nhà. Bên ngoài hai cái ao là khu đồng ruộng rộng mênh mông nối liền với cánh đồng của cả làng.
Đến đoạn đường đất dọc bờ ao dẫn vào nhà đã bắt đầu nghe thấy tiếng khóc âm ỉ từ trong nhà phát ra. Đoạn đường này rất tối, lúc chiều đi vội nên Liên quên không mang theo đèn pin, ba người dắt tay nhau lầm lũi từng bước đi trong bóng tối. Dọc hai bên bờ ao là hai hàng chuối ngự xanh mướt, những tàu lá vươn lên kiêu hãnh trong bóng tối, gió thổi bay va đập vào nhau tạo nên những âm thanh xào xạc. Tiếng ếch nhái ễnh ương kêu râm ran ngoài đồng ruộng, pha lẫn vào đó là tiếng khóc nỉ non từ trong nhà vọng ra. Lúc này chỉ cần một tiếng động nhỏ thôi cũng đủ làm người ta kinh hãi.
Một bên nắm chặt tay Cường, môt bên nép vào cánh tay của Thắng, Liên bước đi mà cảm thấy tim mình đang đập nhanh hơn từng nhịp. Đi được một nửa bờ ao đến đoạn có những bậc đá được xếp thành hình bậc thang làm chỗ lên xuống ao thì thấy có vài que hương đốt cháy dở đang còn ở đó, xung quanh đó là một mớ giấy tiền vàng mã được đốt còn sót lại. Đoán chừng đây là nơi là lúc chiều thi thể thằng bé được vớt từ dưới ao lên Liên lại bất giác rùng mình mấy cái.
Đang đi Cường đột ngột dừng lại không bước nữa, hét toáng lên rồi bước giật lùi về phía sau:
“Ma! Ma! Bố mẹ ơi có ma...”
vừa hét cu cậu vừa đưa tay chỉ về phía cánh đồng bên ngoài bờ ao. Vội nhìn theo hướng tay Cường chỉ, Liên cũng điếng người khi thấy cảnh tượng đang xảy ra trước mặt. Cô rú lên kinh hãi:
“Ôi mẹ ơi, có ma! Trời đất quỷ thần ơi ...”
Nói rồi cô ngồi thụp xuống đất mà run dẩy. Thắng nhìn theo hướng hai mẹ con vừa chỉ, anh lúc này cũng cảm thấy như máu trong cơ thể mình đột ngột dừng lại, gai ốc chạy dọc theo sống lưng. Trong suốt hơn 30 năm cuộc đời chưa bao giờ Thắng tin vào ma quỷ, nhưng những gì đập vào mắt lúc này làm Thắng mất đi lý trí. Nhìn xuyên qua bụi chuối, ở phía cánh đồng lúa cách đó không xa là một dàn phải đến hơn chục cái bóng trắng đang bay lượn là là trên mặt đất. Chúng đội nón lá che kín mặt, mặc quần áo màu trắng toát bay lượn trên không trung. Gió thổi làm những tà quần áo trên người mấy cái bóng đó bay phất phơ qua lại. Một cảnh tượng trông hết sức ma mị khiến những người gan dạ như Thắng cũng bất giác sợ hãi.
Đang lúc Thắng còn đứng yên bất động chưa biết nên làm gì tiếp theo thì từ phía xa có người rọi đèn pin về phía họ. Có 1 cái bóng đen từ trong nhà đi ra dần tiến về phía ba người. Giọng một người đàn ông cất lên phá tan đi bầu không khí căng thẳng lúc này:
“Ai làm gì ngoài đó sao không vào trong nhà?”
Nhận ra người quen, Liên lúc này mới chấn tĩnh lại nói trong hơi thở gấp gáp:
“Anh Chái, em Liên và cháu Cường đây.”
Người đàn ông lại cất lên cái giọng lơ lớ:
“Phạ ôi mợ Liên làm tôi cứ tưởng bọn nó thấy nhà có đám nên rình mò gì . Đến nơi rồi sao không vào trong nhà đi còn ở đây làm chi nữa?”
Liên nói với giọng run giẩy:
“Có ma anh Chái ơi. Ở phía đó, đáng sợ lắm....”
rọi đèn pin theo hướng tay Liên chỉ, người đàn ông tên Chái soi thẳng đèn vào mấy cái bóng trắng vẫn đang bay phất phơ rồi hỏi:
“Phạ ôi mợ nhìn kĩ lại xem có phải ma quỷ chi mô, con bù nhìn ông ngoại làm để đuổi chim rừng đó. Lúa đến mùa được thu hoạch rồi ngày nào nó cũng đến cướp, tức không làm chi được chắc tức mà chết mất thôi. Cái ni hiệu quả lắm đó. Có thế thôi mà đã doạ cho mợ sợ hết hồn rồi.”
Lúc này Thắng mới kịp hoàn hồn lại, anh lắp bắp hỏi lại như để chắc chắn hơn:
“Là con bù nhìn sao ạ?”
Người đàn ông vẫn còn soi đèn pin về phía ruộng lúa lúc này lại lớn tiếng nói tiếp:
“Phà ôi nay tao cũng mới nhìn kĩ, đang đêm gặp cảnh này sợ chết khiếp cũng đúng thôi. Tao toàn nhìn ban ngày nên thấy không sao hết. Ông ngoại cũng khéo chọn, toàn lấy váy của bà Kiều để mặc cho nó, ai yếu vía ban đêm gặp đến tè ra quần chứ chả chơi”.
Nói một tràng rồi như mới để ý đến sự có mặt của Thắng, anh ta hạ giọng hỏi:
“Cậu này là...”
Liên và Cường nãy giờ vẫn còn ngồi bệt dưới đất vội đỡ con lật đật đứng dậy rồi giới thiệu:
“Dạ anh Thắng chồng của em... “
Chái à lên một tiếng rồi tiếp lời:
“Anh cũng có nghe nói nhưng chưa gặp qua bao giờ. Vậy là tốt rồi ai rồi cũng có cuộc sống hạnh phúc của riêng mình”.
Nói rồi anh quay qua phía Thắng đưa tay ra bắt:
“Chào anh tôi là Chái, là chồng của Nhường chị gái Bân chồng cũ của mợ Liên đây”.
Thắng đưa hai tay ra bắt lại rồi cũng giới thiệu về mình:
“Dạ chào anh em là Thắng ạ”.
Sau màn chào hỏi chớp nhoáng, Chái vội giục:
“Tối rồi đứng ở ngoài lâu không tốt, mau cho thằng Cường vào trong nhà đi.”
Nói rồi theo ánh đèn pin của Chái, cả bốn người cùng tiến vào trong nhà. Thắng lúc này mới thở phào một cái, vậy mà anh cứ tưởng mấy cái bóng kia là ma thật. Đường đường là một chiến sĩ công an nhân dân có chuyện gì chưa từng trải qua, vậy mà nay lại bị mấy con bù nhìn doạ cho mất mật. Chuyện này mà để cho anh em chiến sĩ biết thì xấu hổ không biết chui vào đâu. Thắng cố bước chậm lại phía sau níu tay Liên rồi khẽ nói bên tai:
“Này ban nãy là anh bị em doạ thôi chứ còn lâu anh mới sợ nhé.”
Liên quay qua lườm Thắng rồi đáp lại:
“Thôi đi ông tướng nãy chả bị doạ cho suýt tè ra quần rồi còn tinh tướng.”
Thắng lại nói bằng giọng bé hơn nữa:
“Em đừng nói với ai anh là công an đó nhé, người ta mà biết chuyện thì cười anh chết mất thôi.”
Phía trong nhà lúc này đã chật kín người, những người trong buôn làng đến viếng ngồi kín cả ở ngoài sân. Ánh sáng từ chiếc bóng đèn led toả ra vàng vọt yếu ớt không đủ chiếu sáng khoảng sân rộng lớn khiến cảnh vật mờ ảo càng tạo nên cảm giác thương tâm. Phía trong nhà tiếng khóc nỉ non vẫn không ngừng cất lên.
Tiến lại phía chiếc bàn vọng được đặt ở ngoài hè nơi có di ảnh của đứa bé xấu số, đây là nơi để thắp hương cho người đã chết. Hai bên hông chiếc bàn là ông Được và Bân đang ngồi thất thần trên ghế. Thấy có người đến viếng hai người vội đứng dậy toan cúi người chào. Nhìn thấy người đứng trước mặt mình là Liên cùng Cường và một người đàn ông lạ mặt, ánh mắt hai người có chút gì đó ngập ngừng.
Liên cất tiếng trước:
“Con chào bố ạ. Con đưa cháu Cường lên để dự tang lễ em Bảo Nam. Xin phép bố cho con thắp cho cháu nén hương.”
Ông Được khẽ gật đầu. Liên lấy từ trong túi ra sấp hương vàng đặt lên cái khay trên bàn. Thắng nhanh tay đỡ cho Liên, rút ra 9 que hương châm đầu vào chiếc đèn dầu bên cạnh. Que hương nhanh chóng bắt lửa bốc cháy, Thắng phẩy tay một cái làm ngọn lửa dụi tắt, chỉ còn lại những đốm than đỏ trên đầu que hương, khói không ngừng bốc lên. Đưa cho Liên và Cường mỗi người ba que rồi lần lượt từng người vái lạy trước di ảnh sau đó cắm hương vào bát hương trên bàn.
Gọi là bát hương cũng không đúng, vì lúc này thầy mo chưa làm phép nên chưa được dùng bát hương, người ta cắm hương vào một đọan thân cây chuối non được cắt khúc hình trụ dài tầm 10cm, sáng ngày mai khi nào đi đưa tang thầy mo làm lễ bốc bát hương thì khi đó mới có thể dùng bát hương như bình thường.
Khi 3 người quay ra, Ông Được và Bân cúi đầu cảm tạ, không khí có chút ngượng ngùng. Nhẽ ra đây là phần việc của con trai người đã mất, nhưng đứa bé còn quá nhỏ chưa có con nên chỉ có thể để ông nội và bố làm thay.
Liên, Thắng cùng Cường bước qua hè tiến vào trong nhà nơi chiếc quan tài của đứa bé được đặt giữa nhà. Ngồi xung quanh chiếc quan tài là rất đông người thân anh em họ hàng đang túc trực bên cạnh. Mắt ai cũng đỏ hoe vì đã khóc quá nhiều, bấy giờ chỉ còn những tiếng sụt sùi khe khẽ. Ba người cúi chào đám đông rồi cũng tìm một chỗ ngồi xuống. Thấy Cường, bà Hồng lại bắt đầu khóc lớn:
“Cường ơi lại đây với bà đi con. Ôi thằng cháu đích tôn của bà, em Bảo Nam không còn nữa giờ bà chỉ có mình cháu thôi Cường ơi!”
Cô gái trẻ ngồi ngay phía sau bà Hồng thấy Cường thì cười hớn hở, hai tay vỗ vào nhau bộp bộp miệng liên hồi:
“A Cường đến rồi, cô Lành nhớ Cường lắm sao lâu rồi Cường không về nữa. Cô Lành chỉ thích chơi với mình Cường thôi em Bảo Nam toàn bảo cô Lành ngốc không chơi với cô.”
Mọi ánh mắt đổ dồn về phía Lành, bà Hồng đưa tay ra khẽ nhéo vào chân Lành một cái ra hiệu im lặng nhưng dường như không hiểu ý của mẹ, Lành lại la lên oai oái:
“Phạ ôi sao mế lại véo Lành, Lành đau lắm.”
Ngồi đối diện với hai người ở phía bên kia cỗ quan tài, Kiều mẹ của Bảo Nam đã không còn sức để khóc nữa, cô phải dựa người vào chị Nhường mới có thể ngồi vững được bên linh cữu của con. Cô liếc ánh mắt nhìn qua một lượt mấy người nhà bọn họ, cố mím chặt môi để kìm lại không khóc nữa mà chỉ nghe thấy những tiếng nghèn nghẹn trong cổ họng, rồi lâu lâu lại khẽ nấc lên một cái. Trông cô bây giờ hệt như một cái xác không có hồn, hoàn toàn không còn sức sống.
Phía ngoài sân lúc này vẫn còn đông kín người, sau khi ba người nhà Liên bước vào nhà họ lại có dịp để rì rào bàn tán với nhau lời qua tán lại về cuộc gặp gỡ không ai mong muốn ngày hôm nay.
Cường là con chung của Liên và Bân, hai người đã li hôn từ khi Cường vừa bập bẹ lên ba. Ngày vừa học xong cấp ba, Liên theo bạn bè vào khu công nghiệp Tân Tạo trong TP Hồ Chí Minh làm công nhân trong một phân xưởng sản xuất giày dép xuất khẩu. Trong một lần tình cờ cô đã gặp Bân, người đồng hương cùng quê với mình ở ngoài bắc. Lúc đó Bân đã là tổ trưởng một tổ sản xuất của một công ty may mặc.
Hai người đã có cảm tình tốt với nhau từ lần đầu gặp mặt. Rồi sau đó chuyện gì tới cũng tới, hai người bắt đầu hẹn hò yêu đương rồi dắt nhau về quê tổ chức đám cưới. Hai người cùng quê nhưng ở khác huyện với nhau, từ nhà Liên lên đến nhà Bân còn cách tận 60 cây số. Bân ở tít trên vùng núi nơi có đa số là người dân tộc Thái sinh sống. Tuy nhiên Bân lại là một chàng trai có ý chí và nghị lực rất lớn khác hoàn toàn với những thanh niên cùng bản làng với mình quanh năm chỉ cắm mặt lên rừng và uống rượu. Bân học hết cấp ba ở trường huyện, sau đó về quê làm trang trại.
Mảnh đất nhà Bân đang ở có diện tích hơn 10 mẫu, đúng nhà quê chả có gì ngoài đất. Nhưng ở vùng quê chó ăn đá gà ăn sỏi này làm gì cũng khó khăn. Vận dụng những kiến thức mình học được, Bân thực hiện thành công mô hình trang trại V-A-C. Bân dựng trang trại nuôi gà, lợn và trâu vừa lấy sức kéo vừa cho sinh sản. Chỗ ruộng trước nhà chỗ trũng nhiều nước thì trồng lúa, chỗ cạn thì trồng rau lang nuôi lợn.
Tận dụng hai cái ao trước nhà, Bân cùng bố ngày ngày đào nới rộng nó hơn rồi mua cá giống về thả. Cá lớn tự nhiên không cho ăn bột nên được thương lái ở dưới xuôi lên trả giá rất cao. Làm từ bé đến lớn dần, hơn hai mươi tuổi khắp xã không ai là không biết đến trang trại của Bân. Bân còn được đoàn thanh niên của Huyện tặng bằng khen thanh niên làm minh tế giỏi.
Vào năm 2004 khi mà đại dịch cúm gà H5N1 diễn biến nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, trang trại của Bân cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bân bị buộc phải thiêu huỷ toàn bộ số gà trong trang trại, tất cả vốn liếng cũng theo đó mà ra đi thậm chí còn mang thêm một đống nợ.
Không còn xoay được vốn để tiếp tục duy trì trang trại, Bân theo bạn bè vào Nam để tìm kiếm một cơ hội khác, chờ ngày có thể trở mình quay lại. Vào làm việc tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Bân xin vào làm trong một xưởng giày dép xuất khẩu. Vốn thông minh sáng dạ lại có tư duy của một người làm chủ có thể lãnh đạo nên Bân nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí quản lý. Vài năm sau đó khi đã lên làm tổ trưởng thì gặp và quen Liên.
Sau khi hai người kết hôn không lâu thì Bân được lên chức làm chủ quản của cả một phân xưởng đến vài trăm công nhân. Rồi Liên có bầu bé Cường bây giờ. Đợt đó Liên ốm nghén dữ lắm, cứ ăn cái gì vào là lại nôn liền ra ngay sau đó, người cô gầy rộc cả đi. Sót vợ Bân bảo Liên nghỉ làm ở nhà, dù gì bây giờ Bân cũng đã được lên chức tiền bạc không phải là vấn đề nữa. Đến khi Liên gần đến ngày dự sinh thì Bân đưa cô về quê cho tiện chăm sóc. Sau đó mình Bân ở lại Tp Hồ Chí Minh làm việc. Thi thoảng Bân mới về quê thăm mẹ con Liên.
Ở quê gia đình Bân có 3 chị em. Chị gái đầu tên là Nhường cũng đã lập gia đình ở chung cùng bản với nhà mẹ đẻ. Bân là người con trai duy nhất. Sau Bân còn có một người em gái tên Lành. Cô Lành năm nay cũng đã gần ba mươi tuổi nhưng tính tình lúc nào cũng chỉ như một đứa trẻ lên năm mà thôi. Liên nghe bố mẹ Bân kể lại, ngày cô Lành tầm 5 tuổi, một lần bị lên thuỷ đậu. Ở vùng đó còn lạc hậu không biết kiêng khem gì nên dẫn đến bị biến chứng, sốt cao liêc tục rồi lên cơn co giật.
Nhà cách bệnh viện tận hơn 60 cây số, khi đưa được đến bệnh viện thì đã bị biến chứng thành viêm não có hiện tượng xuất huyết máu não. Lần đó tưởng Lành đã chết luôn rồi nhưng kịp thời đưa đi cấp cứu nên giữ được tính mạng. Tuy nhiên sau lần đó Lành chỉ có lớn về thể xác, còn tâm hồn thì vẫn mãi chỉ là một đứa trẻ ngây ngô khờ khạo lúc nhớ lúc quên. Có lẽ cũng vì thế mà đến nay đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa đám nào cưới hỏi.
Từ ngày sinh Cường, Liên về quê ở hẳn chăm sóc con và bố mẹ chồng. Khi Cường cứng cáp hơn một chút, Liên bắt đầu gây dựng lại trang trại trước đây của Bân. Cô nuôi gà nuôi lợn chăn trâu cắt cỏ không từ một việc gì. Ấy thế mà vẫn không vừa lòng được bà Hồng. Trông cái tướng nhếch nhác của Liên suốt ngày đầu tắt mặt tối tóc còn không kịp chải bà lắc đầu ngao ngán:
“Phà ôi Thằng Bân nhà này giờ đã là giám đốc mà trông con vợ chán chưa kìa.”
Còn nhớ ngày Liên được gả về nhà bà, mấy bà hàng xóm trông Liên trắng trẻo xinh gái lại biết trước biết sau thì hết lời khen ngợi Bân có phúc. Bà Hồng thấy thế lại bĩu môi:
“Gớm con trai nhà tôi cao ráo đẹp trai hiền lành lại tài giỏi thế kia, con Liên không biết tu mấy kiếp mới gả được cho nó đấy chứ.”
Biết bà Hồng xưa nay mồm mép ghê gớm nên không ai muốn đôi co với bà làm gì chỉ cười rồi cho qua.
Bà suốt ngày chế bai Liên lôi thôi nhưng hễ chậm trễ việc gì là lại liên tục kêu réo rồi nhiếc móc. Liên làm việc quần quật cả ngày không được nghỉ ngơi. Chồng ở xa nên cô chỉ hoàn toàn cam chịu không kêu ca nửa lời. Bù lại bố chồng Liên là ông Được lại rất thương con dâu và cháu nội.
Thời gian đầu Liên mới sinh cu Cường Bân mỗi tháng đều về thăm vợ con một lần, sau đó lấy cớ công việc những lần về cứ thưa dần thưa dần. Giống như bà Hồng, Bân suốt ngày phàn nàn về ngoại hình của Liên. Đầu tóc lúc nào cũng rối bù, làn da cháy nắng đen nhẻm người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Thi thoảng Bân mới về nhưng chuyện vợ chồng của hai người chỉ làm cho qua quýt, thậm chí Bân còn không muốn đụng vào người Liên.
Rồi một ngày Bân dẫn về nhà một cô gái trẻ đẹp ăn mặc rất sành điệu. Cô ta là Kiều, thư kí giám đốc ở công ty Bân đang làm việc, điều đáng nói ở đây là cô ta đang mang bầu đứa con của Bân. Liên nghe tin mà như chết lặng. Bân đề nghị li hôn nhưng Liên không đồng ý, lúc ấy Cường còn chưa được ba tuổi. Bân không ngại ngần buông những lời cay đắng với Liên trước mặt người tình:
“Cô tự nhìn lại bản thân mình đi, xem có còn xứng với tôi hay không. Thử nhìn người ta kìa, có khác gì một con công một con quạ hay không?”
Liên nhìn lại bản thân mình rồi rớt nước mắt hỏi vặn lại:
“Tôi thành ra bộ dạng này vì ai? Chẳng phải cũng vì hi sinh cho cái gia đình này sao?”
Nói rồi cô đưa tay chỉ thẳng lên tấm ảnh cưới treo trên tường rồi nói lớn:
“Ngày gả cho anh tôi cũng có thua kém gì cô ta.”
Bà Hồng thấy con trai dẫn Kiều về lại mua cho bà đủ thứ quần áo đẹp và thuốc thang đắt tiền thì thích lắm. Từ lâu trong lòng bà đã không ưa gì người con dâu quê mùa như Liên không xứng với con trai bà. Rồi bà tưởng tượng ra cái cảnh dẫn con dâu phố xinh đẹp như Kiều ra mắt họ hàng thì nở mày nở mặt biết bao nhiêu. Mấy bà già lạc hậu trong buôn này chỉ có mà lác mắt. Bà bảo với Liên:
“Cái Kiều nó đã mang cốt nhục của gia đình này rồi thì mế cũng phải nhận là con dâu thôi. Còn con muốn ở lại đây nuôi thằng Cường thì mế với bố thằng Bân cũng không cản. Còn không thì mế cho con tiền con đi chỗ khác tính đường mà làm ăn.”
Liên nói trong cay đắng:
“Ở lại cái nhà này để nhìn các người hạnh phúc với nhau sao? Đến nước này rồi thì tôi cũng không cần tha thiết gì nữa. Tiền của các người tôi không lấy một xu, nhưng tôi sẽ mang theo con của tôi đi. Nếu không đừng hòng tôi rời xa cái nhà này nửa bước.”
Thấy Kiều cũng đang mang thai một đứa cháu trai ở trong bụng, lại sợ Liên đổi ý bà Hồng liền nhanh chóng gật đầu đồng ý:
“Được, mế đồng ý với con. Đây là do con tự chọn chứ không ai ép nên sau này đừng có trách móc gì.”
Liên không thèm nói gì nữa, cô thu dọn đồ đạc của hai mẹ con rồi ôm theo Cường rời khỏi ngôi nhà mà cô đã hi sinh cả thanh xuân của mình để rồi nhận lại một kết cục cay đắng. Ông Được và chij Nhường không ưa gì Kiều, cố gắng giữ Liên lại nhưng không thành, lòng cô đã quyết. Liên mang Cường về nhà mẹ đẻ ở. Đã gần 5 năm trôi qua, đây là lần đầu tiên Liên gặp lại Bân và Kiều. Thi thoảng Cường cũng có về nhà chơi, nhưng đều là do ông Được đón về.
Sau khi Liên rời đi thì rất nhanh sau đó Bân và Kiều liền tổ chức đám cưới. Kiều là trẻ mồ côi không có người thân thích gì và cô đã có một đứa con riêng lớn hơn Cường 2 tuổi tên là Bình. Sau khi đám cưới, Bân và Kiều lại quay lại Thành Phố Hồ Chí Minh làm việc chỉ thi thoảng lễ tết mới về quê. Đầu năm 2020, sau khi ăn tết xong thì đại dịch covid19 bùng phát trên toàn thế giới, các cửa khẩu đều bị đóng cửa nên công ty của Bân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chỉ cầm cự được vài ba tháng rồi sau đó ban giám đốc phải ra thông báo tạm ngừng đóng cửa chưa có thời hạn. Những tưởng chỉ một thời gian ngắn thôi là dịch có thể được kiểm soát, nhưng mà không. Đại dịch lan ra hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới không có dấu hiệu ngừng. Bân và Kiều cùng hai đứa nhỏ vẫn bám trụ lại thành phố chờ ngày đi làm trở lại. Tuy nhiên vốn quen sống hưởng thụ nên chỉ sau vài tháng toàn bộ số tiền tích cop được đều đã được tiêu sạch. Cuối năm dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, biết là không thể tiếp tục chờ đợi thêm được nữa, Bân quyết định đưa cả gia đình về quê.
Vốn dĩ chỉ nghĩ là về quê ăn tết như mọi năm nên khi biết về quê rồi không quay lại thành phố nữa Kiều sốc lắm. Cô trước nay chỉ quen cuộc sống phồn hoa ở thành phố làm sao mà chấp nhận được một nơi khỉ ho cò gáy như làng Ban Phú. Lúc đầu cô nhất quyết không chịu ở lại, nhưng sau đó thuyết phục không được Bân nên cũng phải chịu. Cả hai đứa nhỏ là Bảo Nam và Bình đều theo về quê để sống.
Mọi chuyện cứ bình thường trôi qua cho đến trưa ngày hôm nay. Cả nhà bốn người gồm ông Được, bà Hồng, Bân và Kiều cùng có việc lên uỷ ban xã. Trước đây khi Liên còn ở đây, tiền sinh hoạt mỗi tháng Bân gửi về Liên đều tiết kiệm hết, cô trồng trọt chăn nuôi cũng đã đủ nuôi sống gia đình nên không dùng đến tiền Bân gửi. Dồn được một số tiền lớn, Liên có bàn với bố mẹ chồng mua một mảnh đất hoang ở dọc đường nhựa rồi trồng keo lên đó. Ngày đó Liên còn bận con nhỏ không có thời gian đi lại nên việc làm giấy tờ đất đều đứng tên ông Được. Nay đúng miếng đất đó nằm trong diện quy hoạch xây uỷ ban xã mới được nhận đền bù cả tiền đất cả tiền cây keo lên đến cả tỷ bạc.
Bốn người nhà ông Được kéo nhau lên uỷ ban xã thoả thuận việc đền bù, thằng Bình đứa con riêng của Kiều thì theo Xín con trai đầu của chị Nhường đi thả trâu. Ở nhà chỉ còn lại Lành và bé Bảo Nam mới chỉ 4 tuổi. Trước khi đi ông Được đã dặn đi dặn lại Lành là trông cháu không được rời mắt khỏi Bảo Nam nửa bước. Lành vâng vâng dạ dạ,ban đầu bật tivi lên hai cô cháu xem phim hoạt hình, sau đó buồn ngủ quá mà ngủ quên lúc nào không biết. Buổi trưa hôm ấy khi mọi người trở về nhà chỉ thấy một mình Lành đang nằm ngủ ngon lành trên ghế mà không thấy Bảo Nam đâu. Kiều vội gọi Lành dậy hỏi cháu đâu thì Lành chỉ ngơ ngác không biết gì.
Mọi người tá hoả đi tìm khắp mọi ngõ ngách trong nhà nhưng không thấy. Đến khi đi qua cầu ao thì thấy một chiếc dép của Bảo Nam còn vướng lại trên bờ. Ông Được vội hô hoán gọi thêm hàng xóm đến giúp đỡ, mọi người xuống ao lớn để mò. Cái ao nhà ông Được rộng lắm, nước sâu đến ngang hông người lớn. Phải mất hai tiếng sau người ta cũng vớt được xác của Bảo Nam từ dưới ao lên, lúc này đứa bé đã trương phình một bụng đầy nước, làm da trắng bợt vì ngâm trong nước quá lâu.
9 giờ sáng ngày hôm sau tiến hành đưa tang thằng bé ở nghĩa địa của dòng họ ở quả đồi nắm phía bên kia đường nhựa. Lúc đi qua bờ ao, Thắng lén đưa mắt nhìn qua bờ chuối ra chỗ ruộng lúa có mấy cái bóng trắng tối ngày hôm qua, chúng vẫn còn ở đó. Dưới ánh nắng của ban ngày trông chúng đúng là những con bù nhìn thực sự, nhưng ban đêm lần đầu gặp quả là làm cho người ta hết hồn. Thắng tự nghĩ trong đầu mình thật nhảm nhí, trên đời này vốn dĩ làm gì có ma quỷ mà tối qua lại để bị doạ cho sợ đến cứng cả người. Rồi anh tự nhủ lòng mình từ giờ sẽ không bao giờ yếu bóng vía mà tin vào những chuyện ma quỷ như vậy nữa.
Gia đình ông Được là một gia đình giàu có thuộc dạng có vai vế trong xã nên đám tang của thằng nhỏ rất đông người đến viếng, dẫn đầu đoàn người đưa tang là ông thầy mo làm lễ, cầm theo một chiếc chuông nhỏ trên tay lâu lâu lại khẽ lắc một cái. Nghe bảo đây là chuông gọi hồn, hồn ma của người chết sẽ nghe theo tiếng chuông mà tìm đến đúng chỗ chôn xác của mình. Theo sau thầy mo là Cường, cầm theo di ảnh của em trai Bảo Nam trên tay. Tiếp sau đó là hai người khiêng chiếc bàn vọng chỗ nhận hương vàng của người đến viếng đặt ở hè từ ngày hôm qua. Sau đó là 4 người thanh niên khoẻ mạnh trong dòng họ khiêng 4 góc chiếc quan tài có chứa thi thể của Bảo Nam. Phía sau họ là một hàng dài rất đông những người đến viếng. Tiếng kêu khóc vang thấu tận trời xanh.
Có lẽ đây là đám tang đặc biệt nhất từ trước đến nay ở cái làng Ban Phú này. Một đám tang không có trống không có kèn cũng không có khăn tang. Theo tục lệ ở đây người chết trẻ chưa lập gia đình không được dùng trống kèn đưa tiễn. Khăn tang cũng chỉ dành cho những người vai vế dưới để tang người vai trên. Tức là em để tang cho anh, con để tang cho bố, cháu để tang cho ông... những người ở vai trên thì không được phép để tang người dưới mình.
Trong gia đình Bảo Nam là đứa cháu có vai vế nhỏ nhất. Trong dòng họ, cả ông Được và bà Hồng vợ ông đều con út, vì vậy mới có sự việc hi hữu đám tang mà không được phát một chiếc khăn tang nào. Điều đó càng làm tăng thêm sự ảm đạm thê lương. Thử hỏi còn điều gì đau sót hơn cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh?
Rất nhanh đoàn người đưa tang đã đi ra đến bờ sông. Thầy mo dừng lại ra hiệu cho mấy người đằng sau mang muối, gạo và tiền vàng lên cầu rải xuống sông. Một số người khác thì châm lửa đốt tiền vàng ở trên bờ. Đợi sau khi tiền vàng cháy hết thì đoàn người mới bước lên cầu. Khi thầy mo vừa đặt chân lên đến bờ bên kia của bờ sông, những người khiêng chiếc quan tài của đứa bé ra đến giữa cây cầu thì xảy ra chuyện.
Cây cầu này bề ngang chỉ rộng tầm 1 mét, chiếc quan tài ở giữa đặt trên vai nên hai người bước một hàng hơi khó khăn vì không gian hơi chật. Họ cố đi thật chậm bước từng bước vững chãi để không ai bị rớt xuống sông nhưng đến giữa cầu thì một người trong số họ bỗng dưng loạng choạng bước không vững rồi ngã nhào xuống. Ba người còn lại cũng bị mất thăng bằng theo, rồi cùng với chiếc quan tài rơi ùm xuống sông.
Đoạn sông này nước chỉ ngang đùi người lớn nên mấy người rơi xuống chỉ ướt người chứ không hề hấn gì, duy chỉ có chiếc quan tài là chìm nghỉm xuống khỏi mặt nước. Tiếng la hét thất thanh của những người đằng sau làm cả một khúc sông bỗng trở nên náo loạn. Họ cùng nhau lội xuống sông để vớt cỗ quan tài lên nhưng kì lạ thay, lần mò mãi mà không tìm thấy chiếc quan tài đâu. Rõ ràng là nước ở con sông này không hề chảy xiết, chiếc quan tài nặng như thế theo lý rơi xuống sông thì phải nằm im một chỗ, nhưng không, chỗ mấy người khiêng quan tài rơi xuống không hề có gì.
Người nhà đứa bé ở trên bờ kêu khóc đến lạc cả giọng đi, đứa trẻ xấu số đã chết rồi còn không được yên. Ngày càng nhiều người xuống lòng sông để tìm kiếm. Và kì lạ thay, tầm 15 phút sau người ta lại sờ trúng cỗ quan tài ở ngay bên cạnh chân cầu đúng nơi mà hồi nãy chiếc quan tài rơi xuống. Rõ ràng nãy giờ rất nhiều người đã tìm ở đó mà không thấy gì, nay nó lại đột ngột xuất hiện.
Họ hò nhau khiêng chiếc quan tài lên bờ rồi tiếp tục hành trình ra nghĩa trang. Lên đến bờ để ý mới thấy ở một góc của cỗ quan tài có dính một thứ nước đặc sánh như bùn đen có mùi hôi khó chịu. Không ai biết thứ đó là gì, ở lòng sông này toàn là cát và đá cuội không hề có bùn. Tuy nhiên theo tục lệ ở đây, khiêng quan tài của người chết từ nhà ra đến nghĩa trang tuyệt đối không được đặt xuống đất lần nào, nên người ta chỉ nhanh chóng lau sạch chỗ nước bẩn đấy đi rồi tiếp tục lên đường. Khi mới vớt lên cỗ quan tài không có gì lạ, tuy nhiên càng đi thì những người khiêng quan tài cảm thấy nó như ngày một nặng. Bốn người khiêng cứ đi chậm dần chậm dần mà không hiểu có chuyện gì xảy ra.
Ở phía sau một cụ ông quát lớn:
“Bốn thằng khiêng áo quan làm cái gì mà càng ngày càng đi chậm lại thế hả. Nhanh cái chân lên không lỡ mất giờ đẹp bây giờ.”
Một người khiêng quan đáp lại:
“Phà ôi sao mà càng ngày nó càng nặng không bước đi được. Bọn cháu cũng muốn đi nhanh lắm chứ nặng muốn gãy cả cái lưng ra rồi bác trưởng họ ơi.”
Ông cụ lúc nãy lại lên tiếng:
“Phà ôi 4 thằng thanh niên trai tráng khiêng cái quan đứa bé 4 tuổi mà đã kêu làng lên như thế thì còn làm ăn được gì.”
Một người khác trong nhóm người đưa tang lên tiếng, lúc này trông mặt ai nấy đều đã đỏ gay gắt vì phải dùng quá nhiều sức:
“Lúc đầu nó cũng bình thường thôi không có nặng, nhưng từ lúc rơi xuống sông đến giờ ngày càng nặng đó bác ơi. Cháu đi khiêng áo quan cho người lớn cũng nhiều rồi mà chưa có cái quan nào nặng như cái này hết.”
Mấy người phía sau nghe thấy thế thì bắt đầu xì xào đoán già đoán non. Một người nói to hơn hết:
“Hay là lúc nãy rơi xuống sông nó bị ngấm nước vào không nhỉ? Mà áo quan đóng chắc chắn thế nước làm sao mà vào được? Kể có vào được thì đi cả đoạn đường dài nãy giờ phải thấy có nước chảy ra chứ. Nãy giờ chúng ta đi sau đâu có thấy gì phải không các cụ?”
Vẫn là người khiêng quan lúc nãy lại lên tiếng:
“Không phải đâu cụ ơi, lúc mới từ sông lên nó vẫn bình thường, nhưng càng về sau thì càng trở nên nặng, cháu sắp không trụ nổi nữa rồi.”
Ông trưởng họ đưa tay chỉ vào đám thanh niên đi phía sau quát bảo:
“Còn một đoạn ngắn nữa thôi là đến nghĩa địa rồi, nào mấy thằng phía sau lên phụ bọn nó một tay.”
Dứt lời có thêm 2 người nữa lên ghé vai vào giữa cỗ quan tài khiêng cùng. 6 người khiêng một chiếc áo quan trẻ em mà vẫn nặng nề bước từng bước một. Ra được đến nghĩa trang thì đã có đến 10 người cùng ghé vai vào khiêng chung. Mặt người nào người nấy đỏ như gấc, mồ hôi tuôn ra nhễ nhại ướt hết cả lưng áo.
Nghĩa trang của dòng họ Cầm nằm trong một quả đồi lớn cách đường nhựa tầm 500 mét. Đây là nơi chôn cất riêng của những người mang họ Cầm trong khu vực xã. Ở xã này có 5 dòng họ chính là Cầm, Lò, Vi, Lương và họ Hà. Mỗi dòng họ đều có một nghĩa trang riêng của họ nhà mình. Những dòng họ bé ít người hoặc người kinh dưới xuôi lên làm ăn kinh tế định cư lại thì được chôn chung với nhau ở nghĩa trang chung của xã.
Nghĩa trang này có đến gần trăm ngôi mộ được chôn cất dọc theo quả đồi không theo một thứ tự nào. Thông thường người ta thường chôn những người trong cùng một gia đình gần nhau, hoặc chỗ nào còn đất trống thì đào lên. Huyệt mộ của Bảo Nam được đào ngay bên cạnh mộ của bố ông Được, là ông nội của Bân và là cố nội của đứa bé xấu số. Xung quanh đó là bà cố và những người thân thiết trong gia đình trong phạm vi ba đời trở lại.
Sắp xong lễ cúng ra chiếc chiếu trải trên nền đất ngay cạnh miệng huyệt, thầy mo bảo Bân và ông Được đi thắp hương một loạt lên những ngôi mộ xung quanh để làm lễ báo cáo với ông bà tổ tiên nhận cháu về với đất mẹ. Xong xuôi đâu đấy ông bắt tay vào làm lễ hạ huyệt cho Bảo Nam. Khi ông thầy còn đang đọc những câu thần chú lầm rầm trong miệng thì một người trong đám đông chỉ mộ bố ông Được mà nói lớn:
“Xem kìa hương trên mộ cụ cố tắt rồi, đứa nào qua thắp lại đi.”
Một người cầm theo bó hương đứng dậy thì lúc này mới phát hiện ra tất cả hương ở những ngôi mộ xung quanh đều không cháy. Cả những ngôi mộ ở xa con cháu đến viếng đám ma tranh thủ thắp hương cho ông bà mình cũng không hề cháy. Sự lạ này trước giờ chưa từng xảy ra bao giờ, không thể đổ cho tại hương được, vì ba que hương trên tay thầy mo vẫn đang nghi ngút khói. Người ta thử đốt lại những que hương khác, kì lạ thay châm lửa cầm trên tay thì que hương vẫn cháy đỏ rực, nhưng khi cắm vào xuống mộ thì lại nhanh chóng lụi tàn ngay sau đó.
Thấy sự lạ mọi người bắt đầu bàn tán xôn xao át cả tiếng khấn của thầy mo. Biết được có sự chẳng lành, thầy mo nhanh chóng đọc hết bài cúng của mình rồi tiến hành hạ huyệt. Khi chiếc quan tài chứa thi thể của Bảo Nam bên trong được đặt xuống chiếc huyệt đã được đào từ trước đó, thì từ đâu gió đột ngột thổi lên thật mạnh, làm tắt hết cả nến và những ngọn đèn dầu. Gió thổi bụi và lá cây bay mù mịt không ai nhìn thấy gì. Một lúc sau thì ngừng hẳn. Kiều thấy vậy thì càng khóc to hơn:
“ Ôi Bảo Nam ơi con chết oan quá con ơi, có điều gì khuất tất con về con nói với mẹ con ơi là con ơi...”
Khi từng xẻng đất bắt đầu được ném xuống huyệt thì cũng là lúc mà Kiều kiệt sức và ngất lịm đi, người ta phải nhanh chóng đưa cô ra trạm xá truyền nước. Trước những sự lạ từ sáng đến giờ, không ai dám nán lại nghĩa trang thêm một phút nào nữa, chiếc mộ được đắp qua loa rồi mọi người bắt đầu tản ra đi về. Người vội vàng nhất có lẽ là thầy mo, ông vội vàng thu dọn đồ nghề rồi đi thẳng về nhà, thậm chí còn không quay lại nhà ông Được để nhận tiền thù lao.
Xem tiếp phần 2 >> Tại đây
Đăng nhận xét