Miền Tây từ thời nảo thời nao đã gắn liền với hai từ “sông nước”. Xưa kênh đã nhiều, giờ còn nhiều hơn, nhưng cái cảm giác “sông nước” đã dần dần mai một – chính vì cầu đường thông thoáng. Đúng ra cầu đường nhiều thì dân cư sinh sống thuận tiện, chúng ta nên vui mới phải, tuy nhiên đối với một đứa lớn lên trên ghe gạo như tôi thì điều này có chút mủi lòng, mỗi khi nhìn cảnh con sông sau nhà vắng bóng ghe lớn, chỉ toàn vỏ lãi chở hàng, ngay cả xuồng cũng ít gặp.
Đọc Thêm >> Truyện Ma Việt Nam "hành trình âm dương"
Nhắc về chuyện chèo xuồng trên sông cũng lắm điều dị thường, không phải chỉ riêng dân thương hồ bôn ba sông nước quanh năm mới gặp chuyện quái dị, ở xứ này thì có khi chèo xuồng mỗi ngày là gặp. Ba mẹ tôi hay nhắc chuyện xưa, thời mà nhà tôi mới dọn về đây thì từ nhà ra chợ, người ta đi “đò dọc” nhiều hơn là đường bộ. Vì đường bộ có đá đỏ lởm chởm, quãng đường mùa khô thì bụi mùa mưa lầy lội, trong khi ngồi đò dọc đi thẳng tới chợ, chủ đò đợi tầm tiếng hoặc tiếng rưỡi, đến khi người quay lại đủ thì chở về. Mỗi người như vậy phí là hai ngàn đồng.
Đó là do xóm tôi gần chợ và chỉ có một con sông nên đi đò dọc còn dễ, chớ lội ngược lên trên tầm mười cây số, sông chia ra chục con kênh, mỗi con kênh dài hai ba cây số lại chia ra hàng chục con lạch nhỏ hơn nữa. Vào các con kênh này thì xung quanh tứ bề toàn là ruộng đồng và chuối mọc dài hai bên bờ, mả lạng hoặc mả cũ nát nằm theo cụm, trong buổi sáng sớm hay chiều tà, khung cảnh hết sức thê lương ma mị.
Hồi đó nhà tôi hay đặt rượu của một bà người Khmer, mẹ tôi hay gọi là bà Ba Dom. Nhà bà Dom cách nhà tôi nếu tính đường chim bay thì chỉ năm, sáu cây số, nhưng nếu đi đường kênh thì gần mười cây. Nhà bà có lò rượu gia truyền nghe đâu đã mười đời, từ hồi Tây Sơn đánh tan quân Xiêm thì tổ tiên bà là người chạy loạn tới vùng này mở lò rượu bán cho lính lác, giặc tan rồi lại đánh, đánh rồi lại tan, chỉ có lính vẫn còn ở đây và họ vẫn có nhu cầu uống rượu nên lò cũng kiếm tiền trang trải được.
Sáng sớm bốn giờ bà Dom sẽ chở một xuồng rượu vừa nấu đi ra chợ Rạch Giá bán cho tiệm lớn, hoặc là ghé giao những chỗ dọc đường như những hộ nhà giống nhà tôi vậy. Lúc tôi còn nhỏ thì đã đặt rượu, mỗi tuần một lần bà ghé ngang đổi can. Một thời gian không thấy bà Dom đi bán nữa làm mẹ tôi băn khoăn, vì thấy bà cũng già, có khi đã mất rồi. Ở cái thời tình làng nghĩa xóm vẫn hết sức nồng thắm như hồi đó, chuyện không đi viếng đám một người quen biết (dù là quan hệ mua bán, và cách nhau mười cây số) thì được coi là “sống không đẹp”.
Đột nhiên một ngày cách không lâu, bà Dom lại xuất hiện và bán như bình thường, mẹ tôi nhân một ngày mua rượu thì hỏi chuyện, bà ấy thở dài, kể lại một câu chuyện nhuốm màu liêu trai.
Kể, hôm đó trời mưa lâm râm, bà Dom thức lúc ba giờ hơn, chuẩn bị đong rượu và ông Dom xách xuống xuồng thì đột nhiên có một con ếch bụng đỏ nhảy thẳng một mạch từ ngoài cửa vào tới lò rượu, vồ lấy chân bà một cái rồi lăn ra chết. Ông Dom lật con ếch lên xem thấy phần bụng nổi những thứ như gân máu, cả một vùng da ếch đều chuyển sang đỏ. Bà Dom có vẻ lo lắng, sợ rằng là dự báo điềm không may nhưng ông Dom phẩy tay nói hơi đâu mà lo những chuyện không căn cứ.
Sáng hôm đó trời tối hơn bình thường, bà Dom chèo một hồi thì thấy mỏi mắt, chỉ đưa tay lên dụi mấy cái khi mở ra thì thấy xuồng đứng lặng hết sức kỳ lạ. Mặt nước tỏa lớp sương trắng mờ mờ như bốc hơi, trên trời cũng không thấy trăng sao, cảm giác như đang nửa đêm chứ không phải bốn giờ sáng. Con kênh bà đã đi hàng ngàn lần nhưng lúc này lại trở nên quá xa lạ, không thấy chuối hai bên bờ mà thay vào đó là những cây cột gỗ màu đỏ bóng loáng dựng đều tăm tắp.
"Bà Dom bắt đầu thấy lo sợ, tay run run chụp lấy cây dầm mà ra sức chèo nhưng xuồng chỉ... đứng im."
Mặc dù dầm khua nước tung tóe nhưng mũi xuồng chỉ lắc qua lắc lại, chính là cảm giác… có người dưới nước đang dùng tay giữ mũi xuồng lại không cho đi tiếp. Bà Dom không nói được gì nhiều, miệng lắp bắp cầu trời khấn Phật:
“Con lạy ông, bà, cô, cậu, con chỉ đi buôn bán, không động chạm gì ai, mọi ngươi đừng hù con...”
Đúng lúc này thì bà nghe tiếng đập nước ngay sau lưng, bõm bõm, liền hoảng hồn mà quay đầu lại nhìn thì thấy hai cái chân như con nít, trắng toát, đang đạp nước như tập bơi, lú lên ngay sau đít xuồng. Bà Dom tá hỏa thiếu điều xỉu ngang mà chúi xuống sông, may sao lúc say sẩm đó thì tay chụp cây trụ móc dầm nên không té.
Cái chân ấy quẫy liên hồi, động cả vùng hệt như máy nổ. Đến lúc này thì xuồng mới di chuyển, nhanh như hai, ba người cùng chèo. Bà Dom nhìn lại, hai cái chân vẫn vung lên đập xuống, tuy rất mạnh nhưng nước không tung tóe hay nổi bọt mà chỉ lan sóng ra xung quanh, bà để ý kỹ thì hai bên thành xuồng còn có bốn năm bàn tay trẻ em bám lấy.
"Bàn tay tím tái, ướt át… Bà tự hỏi rốt cuộc là thứ gì đang đẩy bà đi?"
Bà Dom cầu khấn một hồi thì hai cái chân biến mất, xuồng trôi đi chầm chậm giữa con kênh tối đen, mấy bàn tay đang bám ở thành xuồng buông ra rồi chìm từ từ xuống lòng nước đen, mất hút. Đột nhiên mũi xuồng đâm sầm vào một bãi cỏ. Bà Dom cầm chèo lên, định quay xuồng lại, ai dè dầm vừa chạm nước thì bị một lực rất mạnh nắm lấy dầm kéo tuột xuống, mất dấu. Một bàn tay thò ra khỏi nước, chậm rãi vỗ vào mũi xuồng như thể kêu bà Dom lên bờ.
Bà run như cầy sấy, đứng không nổi, chỉ nhìn bãi cỏ xanh ngắt, lạnh lẽo, sương vấn vít như khói lam quyện mái tranh nhưng lại sặc mùi ma quái nên dễ gì bà dám lên. Cái tay lần nữa thò ra khỏi nước, lần này nó vỗ vào mũi xuồng nhanh và mạnh hơn, tựa hồ như đang bực tức vì bà Dom làm mất thời gian.
Bà Dom hết cách đành bước lên bãi cỏ, phó thác số phận cho may rủi, hai tay chắp lại, miệng không thôi niệm Phật. Bãi cỏ lạnh ngắt, ướt đẫm sương giá, tuy nhiên rất mềm và thoảng mùi thơm. Bãi cỏ là một khu đất trống, hai hàng cột chạy dài sát mé kênh đến đoạn mũi xuồng đâm vào khi nãy thì lại rẽ vào bên trong, nơi con đường bà Dom đi không khác gì lối vào một điện thờ hay đình miếu nào đó, bà ngước lên nhìn hàng cột thì thấy nó cao vút không thấy đỉnh, lo sợ nhìn sang hai bên thì chỉ một màu tối đen, ấy vậy mà mắt bà như có ma soi quỷ dẫn, thây con đường dưới chân mình mờ mờ ảo ảo, cây đèn trong tay thì lại lim dim muốn tắt.
Bà Dom cứ bước, cảm giác đến khi chân bắt đầu mỏi thì hai hàng cột cũng kết thúc. Trước mặt bà là một kết cấu như cái bàn đá đặt trước ngôi miếu cũ. Bàn đá hình chữ nhật, đá tấm dày hơn hai tấc, cạnh dài hơn mét, cạnh ngắn hơn nửa mét, bốn chân bàn là khối đá tạc hình bốn con ếch đỡ lấy một loại thực vật có lá hình tròn kỳ lạ.
Trên bàn đá là một cái tiểu sành bị vỡ, tro cốt bên trong đổ ra một bên. Ngôi miếu cũ trông như miếu ông tà bình thường, nhỏ cỡ hai đứa con nít ngồi được, lư hương cháy một cây nhang duy nhất, ánh sáng đỏ hắt ra như đốt đèn cà na nhưng bà Dom không thấy bóng đèn đâu. Sau lư hương là một tượng con ếch ba chân, có sừng, cạnh bên là tấm giấy thờ màu đỏ với chữ Thần viết rất đẹp.
Bà Dom đang chăm chú nhìn ngôi miếu bỗng nghe tiếng nước bì bõm sau lưng, bà giật mình quay ra sau thì hồn vía muốn lên mây khi thấy mình đi từ nãy tới giờ nhưng chỉ cách bến sông chừng mười thước, ở đó có mấy chục cái tay, chân đang lơ lửng, tựa như có tương ứng những đứa trẻ đứng đó nhìn bà, nhưng phần thân và người tô một loại sơn tàng hình nào đó, chỉ có thể thấy được những cánh tay lơ lửng và những đôi chân tím tái.
Ngôi miếu phát ra tiếng khóc “hức hức”. Bà Dom nhìn lại, trên bàn đá có một đứa con nít, có lẽ là bé gái, độ tám, chín tuổi, mặc một bộ áo ngũ thân trắng, đang ngồi quay lưng với bà, hai chân buông thõng.
Bà Dom nói không ra hơi: “Có… Có gì… Nhờ tui… Tui giúp… Giúp cho…”
Đứa con nít kia đung đưa chân trước sau, vừa khóc vừa nói: “Lạnh quá… Lạnh quá… Thèm rượu… Thèm rượu…”
Nó nói xong thì quay đầu lại nhìn, bà Dom thêm phen hoảng hồn khi nó có khuôn mặt của một con ếch, trán nhú ra ba cái sừng màu vàng. Bà Dom sợ quá xỉu ngang. Lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng bửng, mặt trời rọi thẳng mặt bà nhưng nhờ hai người đi đồng vừa lay vừa lấy dầu gió thoa trán bà mới tỉnh được. Trên xuồng lúc ra khỏi nhà có sáu chục lít rượu nhưng bây giờ nhìn lại chỉ còn những thùng rỗng không, khắp xuồng và thùng dính đầy nhớt như chất tiết ra từ da ếch, nhái. Bà Dom nhìn lên chỗ mũi xuồng, đất sạt ra một khoảng để lộ cái tiểu sành bị vỡ một phần. Tiểu sành được đặt trong một kết cấu hình hộp đắp bằng gạch, đất nung, vôi trộn với vỏ sò, mật mía.
Sau vụ đó, bà Dom sợ không dám bán một thời gian, hỏi nhiều người thì mới biết đêm đó có thể bà đã gặp phải Tinh Chằn Ộp. Chằn Ộp là linh vật tượng trưng cho những người làm nghề liên quan đến sông nước, chuyện nó thích uống rượu có thể do có lần bà Dom bơi xuồng ngang đây làm đổ rượu xuống kênh, nó thèm quá nhưng cái tiểu sành chứa đựng nó không cho nó tìm tới chỗ bà Dom uống rượu nên đành dụ bà ta tới đây.
Chuyện ấy không biết mấy thực mấy hư, tuy nhiên từ đó về sau không thấy bà Dom nhắc lại lần nào nữa, có ai hỏi đến thì bà sợ ra mặt.
Tác Giả : Lâm Gia Bảo
Đăng nhận xét