[Truyện Ma] ký sự xe ôm tập 5

 Tác giả: Nguyễn Ngọc Ngà & Đỗ Quang Dũng.

TẬP 5: Chuyện Tâm Linh Không Đùa Được Đâu.
Tự nhiên tôi thấy rất lạnh, lông tóc dựng ngược lên. Ngước nhìn lên ban thờ bát nhang của chú Đức khi nãy cháy thành ngọn lửa đùng đùng hiện tại thì lại bình thường. Nhưng trong ba nén nhang tôi vừa thắp thì có một nén bên phải bị tắt ngấm, hai nén còn lại thì vẫn đang cháy bình thường khói vẫn đang tỏa ra mùi nhang trầm.
Vốn cũng "đã quen" với những việc kỳ quái như này nên tôi cảm thấy bình thường, tôi suy luận việc này có thể là do vong hồn chú Đức khôn thiêng nên khi thấy tôi đến nhà thực hiện lời hứa với chú nên chú "báo hiệu" cho tôi rằng mình đã biết.
Việc nén nhang tôi thắp bị tắt mất một nén có thể là trùng hợp, cũng có thể là dấu hiệu cho việc chú Đức đã chết. Nói chung là cũng rất khó giải thích bởi đơn giản một câu là chuyện tâm linh không đùa được đâu và "có thờ có thiêng có kiêng có lành". Những lời mà các cụ ngày xưa đã đúc kết lại thì chẳng bao giờ có gì là sai cả. Nói là "đã quen" cho sang miệng thôi chứ thật ra là tôi cũng khá sợ, bởi vì giữa tôi và gia đình nhà chú không thân sơ gì, tự nhiên tôi đến nhà rồi sau đó lại gặp những chuyện khá kỳ quái như vậy. Tự dưng mình lại mang lấy phiền phức cho mình, nếu không cẩn thận là sẽ mang họa.



- Thằng kia...Mày vào nhà tao làm gì? Mày làm gì mà để mẹ tao khóc lóc thảm thiết như thế kia?
- Ha há...Áo grab này...Nhìn giống của bố thế? Tí nữa mày đèo tao đi chơi một vòng xung quanh Hà Nội đê. Tao có chỗ này đi chơi hay cực kỳ.
Tôi giật bắn mình khi nghe thấy một giọng nói của nam giới, trạc tuổi tôi đi từ phía ngoài cổng vào. Người đàn ông này nhìn qua thì có nét giống với chú Đức, nhưng cao lớn và có vẻ rất hung dữ, bặm trợn. Đặc biệt là những hình xăm vằn vện trên cánh tay của gã làm tôi cũng khá chờn. Đang lúng túng chưa biết phải nói như thế nào thì cô Hạnh lên tiếng;
- Độ...Con đi đâu mà từ đêm qua giờ mới về?
- Úi...Mẹ...Có phải thằng chạy grab này nó làm mẹ khóc không? Để con ra đấm chết cụ nó. Vừa nói gã thanh niên tên Độ kia hung hăng định nhảy vào ăn thua đủ với tôi.
"Cái gì thế này"? Từ đâu xuất hiện một gã "thần kinh" không hiểu chuyện tự nhiên xông ra muốn đánh tôi. Mẹ kiếp nếu không phải vì đang ở nhà của gã, lại là việc chú Đức nhờ thì thằng to xác này tôi cũng không ngại. Gì chứ đánh nhau tôi cũng rất giỏi, nhưng mà chạy thì tôi càng xuất sắc. Căng lắm thì chạy là cùng chứ gì. Điên lắm nhưng tôi vẫn giữ được bình tĩnh nói với nó bằng giọng nhẹ nhàng, thậm chí là có vẻ hơi nịnh nọt gã;
- Chào anh...Em là "đồng nghiệp" với bác Đức nhà mình. Anh mới đi chơi về ạ?
- A...Mày làm cùng công ty với bố tao à? Nể bố tao nên việc mày làm mẹ tao khóc tao "tha thứ" cho đấy...Chỉ một mình tao được phép làm mẹ tao khóc thôi...Người khác thì tao sẽ đập chết.
Gã nhìn tôi bằng ánh mắt đe dọa, sau đó đi thẳng lên tầng hai.
Tôi lúc này vẫn đang chưa hiểu điều gì đang diễn ra. Nhưng thực sự mà nói thì cảm thấy sốc, bởi vì cũng không thể ngờ được gia đình nhà chú Đức này lại có một người con trai như vậy. Hồn ma chú Đức thì không nói gì về việc này với tôi, còn khi nãy thì cô Hạnh có nói qua về việc này, cô bảo với tôi là đầu óc của nó không được bình thường cho lắm, hơn ba mươi tuổi đầu rồi mà nhận thức chỉ như một đứa trẻ, thường xuyên quậy phá. Tính cách lại rất hung dữ cho nên cô Hạnh và chú Đức cũng rất đau đầu về nó. Nó thì được mỗi cái là cao to, khỏe mạnh nên đi theo phụ người quen làm nghề quảng cáo, bốc vác. Mấy hôm trước còn bị ngã giáo nhưng may mắn là không bị sao cả.
Cô Hạnh nhìn theo bước chân nó đi lên cầu thang mà ánh mắt buồn rười rượi. Bây giờ tôi cũng hiểu được tâm trạng của cô là như thế nào, bởi đơn giản tôi cũng có gia đình, cũng đã làm bố của hai đứa trẻ rồi, "có nuôi con mới hiểu được lòng cha mẹ". Bước chân của cô xiêu vẹo đi ra phía bàn ngồi, đôi vai gầy của người phụ nữ ngoại ngũ tuần run lên, từng tiếng nấc dâng lên khiến tôi cũng chẳng biết phải an ủi động viên cô ấy như thế nào nữa. Ông trời quả thật tạo ra cảnh rất trái ngang, hoàn cảnh của cô hiện tại rất đáng thương.
Thằng Độ bị Tâm thần, tính tình nó không được bình thường hai vợ chồng cô phải suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt nó lại là con một cho nên hai vợ chồng chú Đức chạy chữa mọi nơi "có bệnh thì vái tứ phương". Nhưng dường như bệnh tình của nó càng ngày càng trở nên nặng hơn. Tuy không đến nỗi thành ngớ ngẩn nhưng cũng thực sự là nỗi lo cho hai người.
Trước kia thằng Độ là một đứa trẻ rất thông minh lanh lợi nhưng từ khi lên tuổi mười ba thì bắt đầu dở chứng, có nhiều biểu hiện khác thường. Như đêm hôm hay dậy lầm bầm một mình như có ai nhập vào nó, xong lại thỉnh thoảng la hét đập phá đồ đạc trong nhà. Vợ chồng nhà chú cũng đưa đi xem nhiều nơi nhưng có lẽ chưa "gặp thầy gặp thuốc" nên bệnh tình của nó ngày càng có dấu hiệu trở nặng.
Cũng có thầy thì bảo là do vợ chồng chú làm nghề sát sinh nhiều cho nên con cái trong nhà phải gánh chịu "quả nghiệp" mà bố mẹ gây nên. Muốn chạy chữa thì rất khó, chỉ có thể làm cho "nghiệp quả" này nhẹ hơn được bằng cách năng làm việc thiện, tu nhân tích đức mà thôi. Cũng chẳng rõ vợ chồng có nghe theo lời thầy hay không mà vẫn thấy hàng ngày mang thịt gia súc ra chợ bán...Mặc dù nghề này mang lại cho gia đình cô thu nhập rất lớn nhưng tiếc là thằng Độ, đứa con duy nhất của gia đình lại lâm vào hoàn cảnh éo le như vậy. Bởi nói thay đổi nghề nghiệp đâu chỉ đơn giản là ngày một hay ngày hai, với lại bao nhiêu năm làm nghề này rồi với cô Hạnh thì việc giết mổ gia súc chẳng những mang về thu nhập mà nó còn là "thói quen" mà cô thành thục nhất. Những con lợn nặng hàng tạ nếu rơi vào tay cô làm thịt thì chỉ với một con dao nhọn cô chọc tiết, cạo lông rồi mổ, pha ra nhanh thoăn thoắt, thậm chí Trâu, Bò cũng vậy cô làm rất thuần thục, nhuần nhuyễn. Nhìn những động tác của cô chẳng khác gì một tay "đao phủ" chẳng thua kém gì đàn ông. Chú Đức, chồng cô thì chỉ phụ vợ chở hàng rồi thỉnh thoảng hôm nào hàng ế ẩm quá thì mang đi giao cho các nhà hàng, quán cơm mối quen từ trước. Nhưng cũng có lần chú nói với cô, hai vợ chồng bàn tính nhưng lần lữa rồi quên mất. Có lẽ "tâm sinh tướng" như vậy nên nhìn vào vẻ mặt của cô tôi cảm nhận thấy mang theo một vẻ "sát thủ" nhất là đôi mắt sắc lạnh đến rợn người. Chú Đức cũng là người ham công tiếc việc nên ngoài việc phụ vợ chú còn tranh thủ đăng ký chạy Grab kiếm thêm.
Tôi định ra về, nhưng thực sự trong lòng vẫn còn lấn cấn chuyện của thằng Độ, nửa muốn giúp nó, nửa thì suy nghĩ rằng nếu nó bị tâm thần như thế này thì làm sao có thể bằng vật chú chỉ tôi lấy mà chữa được bệnh của nó chứ? Nhất là việc này phải cô Hạnh phải là người trực tiếp làm với nó thì mới thành công được. Nhưng chợt nhìn thấy ánh mắt của cô thì bất chợt tôi cũng cảm thấy hơi rợn. Hay là về...Không nói điều này với cô nữa. Coi như mình đến đây thắp cho chú nén nhang đã là "phải đạo" rồi. Hơi đâu mà giúp đỡ người dưng. Bởi vì việc này cũng khá là nguy hiểm, nhất là thằng Độ nó to con như vậy, nó mà nổi lên cơn điên thì tôi có chạy đằng trời. Nó lại giã tôi không trượt phát nào thì khổ. Bọn tâm thần nó nổi cơn điên lên thì khỏe như voi ý, cháu còi còi bé tí này không đủ sức cản nó đâu..."Cháu xin lỗi chú"...Việc này cháu không làm được, tôi nhìn lên phía ban thờ chú rồi thầm lẩm nhẩm.
Tôi quyết định ra về, nhưng vừa ra đến cửa chính thì bầu trời bỗng nổi cơn giông thật lớn, mây đen từ đâu kéo đến như muốn che phủ đi toàn bộ, rồi từng tiếng sấm ù ù như người ta kéo cối xay lúa làm tôi giật mình. Tất cả mọi thứ lúc này như đang muốn ngăn cản tôi không cho tôi ra về hay sao ý. Tôi chạy ra chiếc xe máy của mình lấy chiếc áo mưa, chưa ra đến xe thì trượt chân ngã "oạch" một phát đau điếng. Rồi từ đâu đó trong nhà cô Hạnh bỗng nhiên có tiếng gừ gừ rất lớn, một con chó to bự màu đen cứ nhìn tôi như muốn lao tới cắn. Đặc biệt là đôi mắt rất có hồn nhìn tôi nhe răng, trợn mắt sau đó nó vòng ra trước cửa cổng của ngôi nhà, ngồi xuống đó rồi quan sát tôi, giống như tôi là tên trộm đồ của nhà nó không bằng. Đặc biệt tôi rất sợ chó, nhất là con chó nào to thì càng sợ. Quái nào mà lúc vào nhà không thấy nó đâu, bây giờ lù lù xuất hiện mà ánh mắt nó rất có linh tính, như muốn bảo;" mày không thoát được đâu con trai...Tu bi con tờ neo".
"Cái gì thế này"? Tôi bực mình lắm bởi vì chưa bao giờ lâm vào tình cảnh oái oăm như vậy. "Tiến thoái lưỡng nan". Cô Hạnh thì lúc này cũng không còn trong nhà nữa, tôi đoán là cô lên tầng hai nên tôi đành đi vào nhà ý định gọi, nhờ cô ấy xuống ra xích con chó kia lại để tôi ra về.
Nhưng khi vừa bước vào trong nhà, đập thẳng vào mắt tôi là tấm di ảnh của chú Đức. Bất chợt tôi cảm thấy rùng mình, dụi mắt đến mấy lần khi cảm thấy chú đang nhìn tôi chằm chặp, ban nãy tôi để ý thấy ảnh chân dung của chú chụp tuy góc nhìn thẳng, nhưng hiện tại tôi có cảm giác là chú vừa nhảy nhìn tôi, ánh mắt này lạ lắm.

BÌNH LUẬN

Mới hơn Cũ hơn